Loại ban cho đem lại niềm vui
GENIVAL, sống trong một khu phố nghèo ở đông bắc Brazil, nuôi vợ con bằng tiền lương ít ỏi mà anh kiếm được nhờ công việc làm bảo vệ tại bệnh viện. Bất kể sự gian khổ, Genival vẫn tận tình đóng thuế thập phân. Anh vừa xoa bụng vừa kể: “Đôi khi cả gia đình tôi đều đói, nhưng tôi muốn dâng cho Đức Chúa Trời những gì tốt nhất của tôi, dù cần hy sinh bất cứ điều gì”.
Sau khi mất việc làm, Genival vẫn tiếp tục đóng thuế thập phân. Mục sư của anh xúi anh thử Đức Chúa Trời bằng cách đóng góp một món tiền lớn. Ông ấy bảo đảm rằng chắc chắn Đức Chúa Trời đổ ân phước xuống cho anh. Vì vậy Genival quyết định bán nhà và đóng góp trọn số tiền thu được cho nhà thờ.
Genival không phải là người duy nhất thật thà đóng góp như thế. Nhiều người nghèo xơ nghèo xác đóng thuế thập phân đầy đủ vì được các nhà thờ dạy rằng đóng thuế thập phân là một sự đòi hỏi của Kinh Thánh. Điều đó có đúng không?
Việc đóng thuế thập phân và Luật Pháp
Điều răn về thuế thập phân là một phần của Luật Pháp mà Giê-hô-va Đức Chúa Trời ban cho 12 chi phái Y-sơ-ra-ên xưa cách đây hơn 3.500 năm. Luật đó quy định rằng một phần mười thổ sản và cây ăn trái và một phần mười số súc vật sinh sản thêm được đóng góp cho chi phái Lê-vi để ủng hộ cho việc làm của họ tại đền tạm.—Lê-vi Ký 27:30, 32; Dân-số Ký 18:21, 24.
Đức Giê-hô-va bảo đảm với dân Y-sơ-ra-ên rằng Luật Pháp ‘chẳng phải cao quá họ’. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 30:11) Miễn là họ còn trung thành vâng giữ các điều răn của Đức Giê-hô-va, kể cả đóng thuế thập phân, họ đều hưởng được lời hứa của Ngài có được những vụ mùa bội thu. Và để không thiếu, họ còn đều đặn để riêng ra thuế thập phân bổ sung hàng năm, thường được dùng đến khi cả nước nhóm lại ăn mừng những lễ hội tôn giáo. Vì vậy “người khách, kẻ mồ-côi, và người góa-bụa” có thể được no nê.—Phục-truyền Luật-lệ Ký 14:28, 29; 28:1, 2, 11-14.
Luật Pháp không định rõ hình phạt cho việc không đóng thuế thập phân, nhưng mỗi người dân Y-sơ-ra-ên có bổn phận đạo đức mạnh mẽ là phải ủng hộ sự thờ phượng thật theo cách này. Thật vậy, Đức Giê-hô-va kết tội dân Y-sơ-ra-ên chểnh mảng việc đóng thuế thập phân trong thời Ma-la-chi là ‘ăn trộm Ngài trong các phần mười và trong các của-dâng’. (Ma-la-chi 3:8) Có thể buộc tội tương tự những tín đồ Đấng Christ không đóng thuế thập phân không?
Hãy xem xét điều này: Thông thường luật pháp nhà nước chỉ có hiệu lực trong phạm vi chính quốc thôi. Chẳng hạn, luật bắt buộc người lái xe ở nước Anh phải đi bên trái không áp dụng cho những người lái xe ở Pháp. Tương tự, luật pháp đòi hỏi đóng thuế thập phân thuộc về giao ước chuyên độc giữa Đức Chúa Trời và dân Y-sơ-ra-ên. (Xuất Ê-díp-tô Ký 19:3-8; Thi-thiên 147:19, 20) Chỉ có dân Y-sơ-ra-ên mới bị luật pháp ấy ràng buộc.
Ngoài ra, mặc dù quả thật là Đức Chúa Trời không bao giờ thay đổi, những đòi hỏi của Ngài đôi khi lại thay đổi. (Ma-la-chi 3:6) Kinh Thánh nói rõ rằng sự chết làm của-lễ hy sinh của Chúa Giê-su, năm 33 CN, “đã xóa” hoặc “trừ bỏ” Luật Pháp trong đó có điều răn “thâu lấy một phần mười”.—Cô-lô-se 2:13, 14; Ê-phê-sô 2:13-15; Hê-bơ-rơ 7:5, 18.
Sự đóng góp của tín đồ Đấng Christ
Tuy nhiên, vẫn còn cần đến sự đóng góp để ủng hộ cho việc thờ phượng thật. Chúa Giê-su phái môn đồ đi ‘làm chứng cho đến cùng trái đất’. (Công-vụ 1:8) Khi số tín đồ gia tăng, nhu cầu có những người dạy dỗ và giám thị đạo Đấng Christ để viếng thăm và củng cố các hội thánh cũng gia tăng. Những góa phụ, trẻ mồ côi, và những người thiếu thốn khác đôi khi cần được săn sóc. Tín đồ Đấng Christ thế kỷ thứ nhất trang trải những chi phí liên hệ bằng cách nào?
Khoảng năm 55 CN, một sự kêu gọi tới tín đồ Đấng Christ thuộc Dân Ngoại ở Châu Âu và Tiểu Á vì cớ hội thánh nghèo túng ở Giu-đê. Trong những lá thư gửi cho hội thánh Cô-rinh-tô, sứ đồ Phao-lô mô tả “việc góp tiền cho thánh-đồ” này được tổ chức như thế nào. (1 Cô-rinh-tô 16:1) Bạn có thể ngạc nhiên qua những điều lời của Phao-lô tiết lộ về sự đóng góp của tín đồ Đấng Christ.
Sứ đồ Phao-lô không cố thuyết phục anh em đồng đức tin để họ đóng góp. Thực thế, tín đồ Đấng Christ ở Ma-xê-đoan “chịu nhiều hoạn-nạn” và trong “cơn rất nghèo-khó” đã phải ‘nài xin ông làm ơn cho họ có phần vào sự giùm-giúp các thánh-đồ’.—2 Cô-rinh-tô 8:1-4.
Đành rằng Phao-lô khuyến khích những người Cô-rinh-tô giàu có hơn bắt chước những anh em rộng lượng của họ ở Ma-xê-đoan, dù vậy, một tác phẩm tham khảo nhận xét rằng ông ‘đã không ra chỉ thị, nhưng muốn thỉnh cầu, đề nghị, khuyến khích, hoặc kêu gọi. Người Cô-rinh-tô sẽ thiếu sự [đóng góp] tự nguyện và nhiệt tình nếu có sự cưỡng bách’. Phao-lô biết rằng “Đức Chúa Trời yêu kẻ dâng của cách vui lòng”, chứ không phải kẻ vừa đóng góp vừa “phàn-nàn hay là vì ép-uổng”.—2 Cô-rinh-tô 9:7.
Đức tin dồi dào và sự hiểu biết dư dật cùng với tình yêu thương chân thật đối với anh em tín đồ Đấng Christ sẽ thúc đẩy người Cô-rinh-tô đóng góp cách tự nguyện.—2 Cô-rinh-tô 8:7, 8.
“Nên tùy theo lòng mình đã định mà quyên ra”
Thay vì định rõ một số hoặc một tỷ lệ phần trăm, Phao-lô chỉ đề nghị rằng “vào ngày đầu tuần-lễ, mỗi người để dành riêng ra một số tiền tùy khả năng”. (1 Cô-rinh-tô 16:2, Bản Dịch Mới, chúng tôi viết nghiêng). Bằng cách đều đặn dự trù và dành sẵn một số tiền, người Cô-rinh-tô không cảm thấy bị ép buộc hoặc bị cảm xúc thôi thúc phải đóng góp khi Phao-lô đến. Đối với mỗi tín đồ Đấng Christ, việc quyết định đóng góp bao nhiêu là một vấn đề riêng tư, một vấn đề mà “tùy theo lòng mình đã định mà quyên ra”.—2 Cô-rinh-tô 9:5, 7.
Để gặt hái cách rộng lượng, người Cô-rinh-tô phải gieo cách rộng lượng. Chưa hề có đề nghị nào nói rằng cho quá khả năng. Phao-lô trấn an họ: ‘Tôi không có ý muốn để anh chị em bị cơ cực’ (BDM). Các khoản tiền đóng góp đặc biệt được chấp nhận “theo điều mình có, chớ chẳng theo điều mình không có”. (2 Cô-rinh-tô 8:12, 13; 9:6) Trong lá thư sau đó, sứ đồ cảnh báo: “Ví bằng có ai không săn-sóc đến... người nhà mình, ấy là người chối bỏ đức tin, lại xấu hơn người không tin nữa”. (1 Ti-mô-thê 5:8) Phao-lô không khuyến khích việc đóng góp vi phạm nguyên tắc này.
Điều đáng kể là Phao-lô giám sát ‘việc góp tiền cho các thánh-đồ’ đang túng thiếu. Chúng ta không đọc thấy trong Kinh Thánh nói về Phao-lô hoặc những sứ đồ khác tổ chức quyên góp hoặc tiếp nhận thuế thập phân để tài trợ thánh chức của chính họ. (Công-vụ 3:6) Mặc dù luôn luôn biết ơn khi nhận được tặng vật các hội thánh gửi cho ông, Phao-lô hết sức cẩn thận tránh “để cho khỏi lụy” đến một người nào trong anh em.—1 Tê-sa-lô-ni-ca 2:9; Phi-líp 4:15-18.
Đóng góp tự nguyện ngày nay
Rõ ràng, trong thế kỷ thứ nhất, các môn đồ của Đấng Christ thực hành sự đóng góp tự nguyện, không phải thuế thập phân. Tuy nhiên, bạn có thể thắc mắc liệu điều này có còn là cách hữu hiệu để tài trợ cho việc rao giảng tin mừng và săn sóc tín đồ Đấng Christ đang túng thiếu không.
Hãy xem xét điều sau đây. Vào năm 1879, các chủ bút của tạp chí này công khai tuyên bố rằng họ “chẳng bao giờ xin hoặc thỉnh cầu ai ủng hộ cả”. Quyết định đó có cản trở những nỗ lực của Nhân Chứng Giê-hô-va phổ biến lẽ thật của Kinh Thánh không?
Hiện nay, các Nhân Chứng phân phát Kinh Thánh, sách đạo Đấng Christ và những ấn phẩm khác trong 235 xứ. Tháp Canh, một tạp chí dạy dỗ Kinh Thánh, lúc đầu có số lượng phân phối hàng tháng là 6.000 cuốn trong một ngôn ngữ. Nhưng sau đó đã trở thành tạp chí bán nguyệt san và hiện nay có số lượng in là hơn 24.000.000 cuốn trong 146 ngôn ngữ. Để tổ chức công việc dạy dỗ Kinh Thánh toàn cầu, các Nhân Chứng đã xây dựng hoặc sở hữu những chi nhánh hành chính trong 110 nước. Ngoài ra, họ đã xây dựng hàng ngàn nơi nhóm họp ở địa phương cũng như những phòng họp lớn dành cho hội nghị để đón tiếp những người chú ý đến việc học thêm Kinh Thánh.
Trong khi việc chăm sóc nhu cầu thiêng liêng của người ta là điều ưu tiên, Nhân Chứng Giê-hô-va không lơ là nhu cầu vật chất của anh em đồng đức tin. Khi anh em họ bị liên lụy vì chiến tranh, động đất, hạn hán và giông bão, họ nhanh chóng tiếp tế thuốc men, thực phẩm, quần áo và những thứ cần thiết khác. Những thứ này được tài trợ bởi những khoản đóng góp của từng cá nhân tín đồ Đấng Christ và của các hội thánh.
Đóng góp dựa trên căn bản tự nguyện vừa hữu hiệu, vừa san sẻ bớt gánh nặng của những người có tài chính eo hẹp, như Genival, đã đề cập ở trên. May thay, trước khi bán được nhà, Genival đã được Maria, một người truyền giáo trọn thời gian của Nhân Chứng Giê-hô-va, viếng thăm. Genival kể lại: “Cuộc nói chuyện hôm đó đã cứu vãn gia đình tôi khỏi rất nhiều khó khăn không cần thiết”.
Genival khám phá rằng công việc của Chúa không tùy thuộc vào thuế thập phân. Thật vậy, thuế thập phân không còn là một đòi hỏi theo Kinh Thánh. Anh học biết rằng tín đồ Đấng Christ được ban phước khi họ đóng góp cách rộng lượng nhưng họ không bị ép buộc phải đóng góp vượt quá khả năng.
Thực hành sự đóng góp tự nguyện đã mang lại cho Genival niềm vui thật sự. Anh bày tỏ niềm vui của mình như sau: “Tôi có thể hoặc không thể đóng mười phần trăm, nhưng tôi vui mừng vì được đóng góp, và tôi chắc chắn rằng Đức Giê-hô-va cũng vui lòng”.
[Khung/Các hình nơi trang 6]
Các Giáo Phụ thời đầu có dạy đóng thuế thập phân không?
“Những người giàu ở giữa chúng ta giúp đỡ những người nghèo... Những ai khá giả và sẵn lòng, muốn cho bao nhiêu tùy ý”.—The First Apology, Justin Martyr, khoảng năm 150 CN.
“Thật vậy, người Do Thái dâng một phần mười sản vật của mình cho Đức Chúa Trời, nhưng tín đồ Đấng Christ dành tất cả của cải họ có cho mục đích của Chúa,... giống như bà góa nghèo kia đã bỏ tất cả những gì bà có để sinh sống vào kho của Chúa”.—Against Heresies, Irenaeus, khoảng năm 180 CN.
“Dù chúng tôi có rương đựng tiền, nhưng rương này không chứa đựng tiền để mua sự cứu rỗi, làm như là tôn giáo có giá vậy. Cứ vào ngày nào đó trong tháng, nếu ai muốn thì người đó bỏ vào trong rương một món tiền đóng góp nhỏ, nhưng chỉ khi nào người đó thấy vui lòng và có khả năng: bởi vì không có sự ép buộc nào cả; thảy đều tự nguyện”.—Apology, Tertullian, khoảng năm 197 CN.
“Khi Giáo Hội bành trướng và nhiều tổ chức khác phát sinh, người ta thấy cần đặt ra luật nhằm bảo đảm sự cấp dưỡng thích đáng và lâu dài cho giới tu sĩ. Việc đóng thuế thập phân đã được chấp thuận từ bộ Luật Cũ... Luật pháp lập ra sớm nhất về đề tài này hình như được ghi trong lá thư của các giám mục nhóm tại Tours vào năm 567 và các [nghị định] của Công Đồng Macon năm 585”.—The Catholic Encyclopedia.
[Nguồn tư liệu]
Đồng tiền, hình trên bên trái: Pictorial Archive (Near Eastern History) Est.
[Hình nơi trang 4, 5]
Việc đóng góp tự nguyện đem lại niềm vui
[Các hình nơi trang 7]
Những khoản đóng góp tự nguyện tài trợ công việc rao giảng, cứu trợ khẩn cấp và xây dựng những nơi nhóm họp