Phụng sự với tư cách người tin cẩn cùng làm việc với Đức Giê-hô-va
“Hỡi người! Ngài đã tỏ cho ngươi điều gì là thiện; cái điều mà Đức Giê-hô-va đòi ngươi há chẳng phải là làm sự công-bình, ưa sự nhơn-từ và bước đi cách khiêm-nhường với Đức Chúa Trời ngươi sao?” (MI-CHÊ 6:8)
1. Dựa trên căn bản nào trong Kinh-thánh có thể gọi tất cả các Nhân-chứng Giê-hô-va ngày nay là “người cùng làm việc” với Ngài?
Giăng là sứ đồ của Giê-su có viết: “Hãy xem Đức Chúa Cha đã tỏ cho chúng ta sự yêu-thương dường nào, mà cho chúng ta được xưng là con-cái Đức Chúa Trời; và chúng ta thật là con-cái Ngài” (I Giăng 3:1). Và sứ đồ Phao-lô nói về ông cùng với bạn đồng hành là A-bô-lô: “Chúng tôi là người cùng làm việc với Đức Giê-hô-va” (I Cô-rinh-tô 3:9, NW). Cả hai lời tuyên bố này đều do các môn đồ được xức dầu của Giê-su Christ nêu ra và đều nói về họ. Nhưng theo nguyên tắc lời này áp dụng cho tất cả các tôi tớ thật của Đức Chúa Trời. Như vậy thì những lời tuyên bố này có thể được tóm lược như sau: «Hãy xem Cha đã ban cho chúng ta thứ tình yêu thương nào để chúng ta là người cùng làm việc với Đức Giê-hô-va».
2. Tại sao các tôi tớ của Đức Giê-hô-va có thể là người cùng làm việc với Ngài?
2 Làm sao những con người yếu đuối, bất toàn lại có thể là người cùng làm việc với Đấng Tạo hóa cao cả, có quyền năng và sự khôn sáng vô hạn, toàn thiện trong sự công bình và hiện thân của sự yêu thương được? Điều này có thể được bởi vì cha mẹ đầu tiên của chúng ta được tạo ra theo ảnh tượng và giống như Đấng Tạo hóa và giống như Con cùng làm việc với Ngài là Ngôi Lời (Sáng-thế Ký 1:26, 27; Giăng 1:1). Vậy cha mẹ đầu tiên của chúng ta được ban cho một mức nào đó về sự khôn ngoan, công bình, quyền năng và yêu thương. Đó là lý do tại sao Đức Giê-hô-va có thể nói với các tôi tớ của Ngài trên đất qua trung gian một nhà tiên tri: “Hỡi người! Ngài đã tỏ cho ngươi điều gì là thiện; cái điều mà Đức Giê-hô-va đòi ngươi há chẳng phải là làm sự công-bình, ưa sự nhơn-từ và bước đi cách khiêm-nhường với Đức Chúa Trời ngươi sao?” (Mi-chê 6:8).
3. Mi-chê 6:8 bao hàm gì, và một người cần phải hội đủ điều kiện gì trước khi có thể trở thành người cùng làm việc với Đức Giê-hô-va?
3 Khi đọc các chữ “điều mà Đức Giê-hô-va đòi ngươi, há chẳng phải...?”, chúng ta thấy dường như có bao hàm sự kiện là điều được viết ra tiếp theo đó là một sự tóm tắt khá gọn ghẽ về toàn thể trách nhiệm của “người” đối với Đức Chúa Trời và đối với đồng loại của mình. Bài thảo luận này sẽ cho thấy rõ tới mức độ nào điều này thật sự là như vậy. Dĩ nhiên, không phải bất cứ ai cũng có thể bước đi với Đức Giê-hô-va được. Đặc ân này được dành riêng cho những người “đồng ý [có hẹn trước] với nhau” (A-mốt 3:3). Thế là sao? Bằng cách làm sự dâng mình vô điều kiện cho Đức Giê-hô-va và biểu hiệu điều này bằng phép báp têm trong nước, như bài trước có cho thấy. Vậy thì Mi-chê 6:8 có nghĩa gì đối với những người này?
“Làm sự công-bình”
4. “Làm sự công-bình” có nghĩa căn bản là gì?
4 Thoạt tiên, có điều kiện đòi hỏi “làm sự công-bình”. Với tư cách người cùng làm việc với Đức Giê-hô-va, chúng ta phải có lương tâm trong sạch. “Làm sự công-bình” có nghĩa căn bản là làm điều đúng, điều mà Đức Chúa Trời đòi hỏi chúng ta. Điều này có nghĩa là chúng ta phải chu toàn các bổn phận của chúng ta; bổn phận trọng yếu nhất là dâng cho Đức Giê-hô-va sự thành kính chuyên độc (Na-hum 1:2). Ngài không dung thứ bất cứ sự cạnh tranh nào. Giản dị là chúng ta không thể làm tôi cho hai chủ (I Cô-rinh-tô 10:22; Ma-thi-ơ 6:24).
5. Giê-su Christ có cho thấy thế nào rằng ngài yêu sự công bình và ghét sự gian ác?
5 Hơn nữa, muốn “làm sự công-bình” chúng ta phải “ưa sự công-bình, và ghét điều gian-ác”, giống như Giê-su Christ. Nhờ yêu sự công bình, ngài đã giữ mình “không tội, không ô-uế, biệt khỏi kẻ có tội” (Thi-thiên 45:7; Hê-bơ-rơ 7:26). Và bởi vì Giê-su ghét sự gian ác, ngài đã chỉ trích nghiêm khắc các lãnh tụ tôn giáo giả hình và tham lam thời đó với sự bất bình chính đáng (Ma-thi-ơ 23:13-36; Giăng 8:44).
6. Tại sao chỉ đồng ý trong trí rằng nên tránh điều gì bị cấm vì đó là điều ác là chưa đủ?
6 Như chúng ta có thể thấy nơi gương mẫu của Giê-su, chỉ yêu sự công bình thì không đủ. Chúng ta cần phải ghét—đúng, ghê tởm, gớm ghiếc một cách mãnh liệt—điều ác. Bởi lẽ chúng ta thừa hưởng các khuynh hướng di truyền xấu từ thuở nhỏ và lòng chúng ta hay lừa gạt, giả dối, chúng ta cần phải nhiều hơn là chỉ đồng ý trong trí là nên cấm điều ác (Sáng-thế Ký 8:21; Giê-rê-mi 17:9). Trừ khi chúng ta mạnh dạn chống lại các khuynh hướng và những cám dỗ đầy tội lỗi, chúng ta sẽ quỵ ngã trước sự mê hoặc của chúng. Chúng ta phải có cảm giác gớm ghiếc mạnh mẽ đối với điều ác giống như Phi-nê-a đã bày tỏ khi ông dùng cây giáo đâm chết cặp nam nữ hợp nhau trong sự thờ phượng vô luân dành cho Ba-anh Phê-ô (Dân-số Ký 25:5-8).
7. Điều gì chứng nhận rằng Đức Giê-hô-va không dùng bất cứ kẻ nào gian ác với tư cách người cùng làm việc với Ngài?
7 Đức Giê-hô-va không muốn dùng và sẽ không dùng đến bất cứ kẻ nào gian ác với tư cách người cùng làm việc với Ngài. Thi-thiên 50:16-18 nêu rõ điều này khi nói: “Nhưng Đức Chúa Trời phán cùng kẻ ác rằng: Nhơn sao ngươi thuật lại các luật-lệ ta? Vì cớ gì miệng ngươi nói về sự giao-ước ta? Thật ngươi ghét sự sửa-dạy, bỏ sau lưng ngươi các lời phán ta. Khi ngươi thấy kẻ ăn trộm, bèn ưng lòng hiệp với họ, ngươi đã chia phần cùng kẻ ngoại-tình”.
8. Một vụ nào xảy ra đã nhấn mạnh cho thấy chúng ta có thể đem lại sự sỉ nhục nếu ngã quỵ trước sự phạm tội?
8 Chúng ta có thể bận rộn trong việc phụng sự Đức Giê-hô-va, rao giảng tin mừng về Nước Đức Chúa Trời. Nhưng nếu chúng ta không tỏ ra thật cẩn thận tự chủ, chúng ta có thể phạm tội vì sự yếu đuối của xác thịt và khiến cho danh Đức Giê-hô-va bị sỉ nhục. Như vậy cách đây vài năm một trưởng lão đã phạm tội ngoại tình với một nữ tín đồ có chồng không tin đạo. Đúng tối hôm loan báo sự khai trừ của người trước là trưởng lão, người chồng giận dữ xông vào Phòng Nước Trời chĩa súng bắn hai kẻ phạm tội. Không ai chết cả, nhưng ngày hôm sau nguồn tin ấy được đăng tải trên trang đầu của tờ nhật báo nhiều người đọc nhất ở Hoa-kỳ! Quả thật việc phạm tội đã đem lại sự sỉ nhục (Châm-ngôn 6:32).
9. Theo Châm-ngôn 4:23 thì chúng ta phải gìn giữ cái gì, và tại sao?
9 Do đó, chúng ta có lời khuyên đích đáng: “Khá cẩn-thận giữ tấm lòng của con hơn hết, vì các nguồn sự sống do nơi nó mà ra” (Châm-ngôn 4:23). Đúng, chúng ta phải tự rèn luyện để kiểm soát điều du nhập vào lòng chúng ta. Càng ngày các chương trình truyền hình, tạp chí và các hình thức thông tin khác càng phô trương những điều ô uế, kể cả điều dâm ô. Do đó chúng ta phải biết chọn lọc thật kỹ về điều mà chúng ta xem, nghe và đọc. Việc kiểm soát tư tưởng cá nhân là rất quan trọng! Chẳng hạn, có lẽ dễ lấy làm vui thích tưởng tượng ra trong trí chúng ta những cảnh tình dục bậy bạ, trong khi chúng ta sẽ không nghĩ đến việc thực hiện những điều đó trong đời sống thực tại (Ma-thi-ơ 5:28). Nhưng thường thì ý nghĩ xấu đưa đến hành động xấu. Vậy thay vì để tâm trí buông lung vào các vấn đề ấy, chúng ta hãy thể hiện bông trái của thánh linh là sự tiết độ (tự chủ) và luôn luôn nghĩ đến những điều liệt kê nơi Phi-líp 4:8 (Ga-la-ti 5:22, 23).
“Ưa sự nhơn-từ”
10, 11. a) Có sự phân biệt gì giữa sự thành tín và sự trung tín? b) Con Đức Chúa Trời đã tỏ thế nào là thành tín lẫn trung tín?
10 Điều thứ hai được đòi hỏi nơi Mi-chê 6:8 là chúng ta phải “ưa sự nhơn-từ”. Bản «Kinh-thánh Anh-ngữ Tân thời» (The New English Bible) dịch chỗ này là “yêu sự trung tín”. Một phụ chú bên dưới của bản dịch Anh-ngữ «Kinh-thánh Thế giới Mới có qui chiếu» (New World Translation Reference Bible) cho thấy chữ Hê-bơ-rơ che’sedh, dịch ra là “sự nhơn-từ” cũng có thể dịch là “nhân ái” hoặc “sự yêu thương trung tín”. Theo lời những nhà nghiên cứu từ ngữ thì “trung tín bao hàm sự kháng cự cương quyết chống lại bất cứ sự cám dỗ nào nhằm xui khiến người ta lìa bỏ hoặc phản bội”. “Trung tín rộng nghĩa hơn thành tín ở chỗ trong chữ trung tín có ý nghĩa muốn ủng hộ và chiến đấu cho một người hay một điều gì, ngay dù chống lại rất đông người hơn mình”. Điều đáng chú ý là trong Kinh-thánh chúng ta thấy có sự khác biệt tinh tế giữa cách dùng hai chữ này. Chẳng hạn, chữ “trung tín” không bao giờ dùng để nói đến vật vô tri vô giác. Nhưng chữ “thành tín” được dùng nhiều lần như thế. Như vậy, mặt trăng được gọi là vật “chứng thành-tín tại trên trời” (Thi-thiên 89:37). Và lời của Đức Chúa Trời cũng được nói là thành tín, tức là chúng ta có thể căn cứ vào đó được.a (Khải-huyền 21:5; 22:6). Tuy nhiên, chỉ có Đức Giê-hô-va và các tôi tớ được Ngài chấp nhận mới có sự trung tín mà thôi. Phù hợp với điều này chúng ta đọc thấy về Đức Giê-hô-va: “Đối với người nào trung tín, Chúa sẽ tỏ ra trung tín” (II Sa-mu-ên 22:26, NW).
11 Con của Đức Chúa Trời tỏ ra thành tín và trung tín với Đức Giê-hô-va ở trên trời. Trên đất ngài đã chịu thử thách với tư cách là con người Giê-su Christ và nhờ có sự vâng lời mà ngài đã tỏ ra một người thành tín lẫn trung tín. Chúng ta đọc thấy điều này nơi Hê-bơ-rơ 5:7-9: “Khi đấng Christ còn trong xác-thịt, thì đã kêu lớn tiếng khóc-lóc mà dâng những lời cầu-nguyện nài-xin cho Đấng có quyền cứu mình khỏi chết, và vì lòng nhơn-đức ngài, nên được nhậm lời. Dầu ngài là Con, cũng đã học-tập vâng lời bởi những sự khốn-khổ mình đã chịu, và sau khi đã được làm nên trọn-vẹn rồi, thì trở nên cội-rễ của sự cứu-rỗi đời đời cho kẻ vâng lời ngài”.
Thử thách về sự trung tín
12. Nhiều khi điều gì có thể thử thách sự trung tín của chúng ta, và một số người đã phản ứng thế nào trước các thử thách ấy?
12 Sự trung tín đối với Giê-hô-va Đức Chúa Trời đòi hỏi chúng ta cũng phải trung tín đối với các tôi tớ của ngài trên đất, các anh em của chúng ta. Sứ đồ Giăng làm sáng tỏ điều này khi nhắc nhở: “Ví có ai nói rằng: Ta yêu Đức Chúa Trời, mà lại ghét anh em mình, thì là kẻ nói dối; vì kẻ nào chẳng yêu anh em mình thấy, thì không thể yêu Đức Chúa Trời mình chẳng thấy được” (I Giăng 4:20). Các sự bất toàn của người khác có lẽ thử thách sự trung tín của chúng ta về phương diện này. Chẳng hạn, khi bị xúc phạm một số người biểu lộ cho thấy điểm yếu trong sự trung tín của họ đối với tổ chức của Đức Giê-hô-va bằng cách không chịu đi nhóm họp. Một thử thách khác nhắm vào sự trung tín của chúng ta đối với anh em xảy ra khi những người được Đức Giê-hô-va dùng để dẫn dắt chúng ta lầm lẫn trong sự phán đoán của họ. Thỉnh thoảng có một số người viện cớ các sự lầm lẫn đó để hoài nghi và tự ly khai khỏi tổ chức hữu hình của Đức Giê-hô-va. Nhưng có gì biện minh cho hành vi ấy của họ không? Không có gì cả!
13. Tại sao không có gì biện minh cho việc lìa xa tổ chức Đức Giê-hô-va, và những kẻ bất trung ấy có gì khác hơn để chọn lựa đi theo?
13 Tại sao không có gì biện minh cho những người ấy khi họ rời bỏ tổ chức Đức Chúa Trời? Vì Lời của Ngài xác nhận với chúng ta: “Phàm kẻ nào yêu-mến luật-pháp [Đức Giê-hô-va] được bình-yên lớn; chẳng có sự gì gây cho họ sa-ngã” (Thi-thiên 119:165). Hơn nữa, chúng ta được khuyên là phải “có lòng yêu-thương sốt-sắng; vì sự yêu-thương che-đậy vô-số tội-lỗi” (I Phi-e-rơ 4:8; Châm-ngôn 10:12). Ngoài ra, hãy giả sử là một người muốn lìa xa dân Đức Giê-hô-va. Người đó đi đâu? Phải chăng người đó đương đầu với cùng một vấn đề như các sứ đồ của Giê-su khi ngài hỏi họ có phải họ cũng muốn bỏ ngài chăng? Sứ đồ Phi-e-rơ đáp lại đúng lý: “Lạy Chúa, chúng tôi đi theo ai? Chúa có những lời của sự sống đời đời” (Giăng 6:68). Chỉ có hai nơi để đi đến: hoặc rơi vào “Ba-by-lôn lớn”, đế quốc tôn giáo giả thế giới, hoặc rơi vào nanh vuốt “con thú” tức tổ chức chính trị của Sa-tan (Khải-huyền 13:1; 18:1-5). Phần đông những kẻ bất trung lìa bỏ tổ chức hữu hình của Đức Giê-hô-va đã nhập bọn với những kẻ trong “Ba-by-lôn lớn” làm ô danh Đức Chúa Trời.
“Bước đi cách khiêm-nhường với Đức Chúa Trời ngươi”
14, 15. a) Trong tiếng Việt nam chữ “khiêm nhường” có nhiều nghĩa nào? b) Nghĩa nào của chữ “khiêm nhường” liên hệ đến chúng ta nơi đây, và vì những lý do nào? c) Tại sao tín đồ đấng Christ nên «ước lượng khiêm nhường về khả năng hay phẩm giá của mình»?
14 Trong tiếng Việt nam chữ “khiêm nhường” có nhiều nghĩa. Có thể nói đến một cái gì không kiêu kỳ, “có kích thước, số lượng và giá trị hữu hạn”. Hoặc, nói về tiết hạnh, chữ đó có thể có nghĩa “giữ sự đứng đắn về y phục và hạnh kiểm” (I Ti-mô-thê 2:9). Rồi thì có ý nghĩa của chữ “khiêm nhường” đặc biệt liên hệ tới chúng ta là việc ý thức được giới hạn của chính mình hoặc “ước lượng vừa phải khả năng hay phẩm giá của mình”. Chúng ta không bao giờ có thể là người cùng làm việc với Đức Giê-hô-va nếu chúng ta quá tự kiêu, chú ý đến chính mình hơn là chú ý đến Giê-hô-va Đức Chúa Trời trên hết.
15 Dường như chúng ta nên chọn nghĩa «ước lượng vừa phải khả năng hay phẩm giá của chúng ta» để hiểu chữ Hê-bơ-rơ dịch ra là “khiêm nhường” nơi Mi-chê 6:8. Điều này được thấy rõ qua cách dùng chữ này chỉ một nơi khác nữa thôi trong phần Kinh-thánh tiếng Hê-bơ-rơ. Nơi Châm-ngôn 11:2 chữ này tương phản với sự kiêu ngạo, xuất phát từ việc có tư tưởng quá tự cao, chứ không phải tương phản với tình dục ô uế. Ở đó có nói: “Khi kiêu-ngạo đến, sỉ-nhục cũng đến nữa; nhưng sự khôn-ngoan vẫn ở với người khiêm-nhượng [khiêm nhường]”. Cư xử cách khiêm nhường đi song song với kính sợ Đức Giê-hô-va, và sự kính sợ Đức Giê-hô-va cũng được liên kết với sự khôn ngoan (Thi-thiên 111:10). Một người khiêm nhường kính sợ Đức Giê-hô-va vì hiểu rằng giữa người đó với Đức Chúa Trời, giữa sự công bình và quyền năng của Đức Giê-hô-va và sự bất toàn và yếu đuối của chính mình có một sự khác biệt lớn. Do đó, người khiêm tốn lấy sự kính sợ và run rẩy mà hoạt động cho sự cứu rỗi của mình (Phi-líp 2:12).
16. Có một số câu Kinh-thánh nào cho thấy lý do tại sao tín đồ đấng Christ nên khiêm nhường?
16 Thật có rất nhiều lý do tại sao những người cùng làm việc với Đức Giê-hô-va nên khiêm nhường! Cho dù chúng ta có lẽ khôn ngoan tới đâu, mạnh mẽ về thể chất tới đâu, hoặc có tài sản vật chất nhiều tới đâu, chúng ta không có căn bản nào để khoe khoang (Giê-rê-mi 9:23). Tại sao không? Vì cớ nguyên tắc được nêu ra nơi I Cô-rinh-tô 4:7: “Ai phân-biệt ngươi với người khác? Ngươi há có điều chi mà chẳng nhận-lãnh sao? Nếu ngươi đã nhận-lãnh, thì sao còn khoe mình như chẳng từng nhận-lãnh?” Chúng ta cũng không có lý do nào để khoe mình về thành quả trong thánh chức rao giảng, vì lý do mà chúng ta đọc thấy nơi I Cô-rinh-tô 3:6, 7: “Tôi đã trồng, A-bô-lô đã tưới, nhưng Đức Chúa Trời đã làm cho lớn lên”. Những lời của Giê-su nơi Lu-ca 17:10 cũng nên giúp chúng ta giữ mình khiêm nhường, vì ngài nói: “Khi làm xong việc truyền, thì [các ngươi] hãy nói rằng: Chúng tôi là đầy-tớ vô-ích; điều chúng tôi đã làm là điều chắc phải làm”.
17. Tại sao quả thật sự khiêm nhường là đường lối khôn ngoan?
17 Quả thật khiêm nhường là đường lối khôn ngoan. Sự khiêm nhường khiến chúng ta hài lòng với bất cứ đặc ân phụng sự nào chúng ta hiện có. Nếu chúng ta khiêm nhường, chúng ta không tìm cách tự phô trương với tham vọng nhưng cư xử như «kẻ hèn-mọn» (Lu-ca 9:48). Vậy chúng ta cũng sẽ có thái độ của người viết Thi-thiên đã tuyên bố: “Một ngày trong hành-lang Chúa đáng hơn một ngàn ngày [ở nơi] khác. Thà tôi làm kẻ giữ cửa trong nhà Đức Chúa Trời tôi, hơn là ở trong trại kẻ dữ” (Thi-thiên 84:10). Hơn nữa, nếu khiêm nhường, chúng ta sẽ có sự yêu thương thúc đẩy chúng ta dẫn đầu làm gương trong việc tôn trọng người khác (Rô-ma 12:10).
Sự khiêm nhường thích hợp cho người trẻ
18. a) Tại sao sự khiêm nhường đặc biệt thích hợp cho những người trẻ tuổi? b) Những điều ghi nhận nào trong số những người trẻ tuổi thời nay cho thấy cần phải có sự khiêm nhường?
18 Đặc biệt thích hợp là các tín đồ trẻ tuổi nên mặc lấy sự khiêm nhường. Ê-li-hu đã cung cấp cho họ một gương tốt làm sao! Cho dù ông biết cách trả lời đúng, ông sẵn lòng chờ đợi cách kính cẩn cho đến khi những người lớn tuổi nói dứt lời (Gióp 32:6, 7). Thường thì người trẻ có khuynh hướng cảm thấy tự tin, ít chịu ý thức đến các giới hạn của mình. Vì có sức lực thể chất và học được một số sự hiểu biết, có lẽ họ có xu hướng coi thường những người lớn tuổi. Nhưng sự hiểu biết không đồng nghĩa với sự khôn ngoan; vì sự khôn ngoan là việc áp dụng sự hiểu biết. Đặc biệt những người trẻ tuổi thời nay tại Hoa-kỳ được ghi nhận rất kém thiếu về phương diện này. Tại xứ này có 63% những người bị bắt vì phạm tội đại hình là thanh thiếu niên dưới 24 tuổi, 30% tổng số những người bị bắt là thiếu niên dưới 18 tuổi. Cũng có báo cáo rằng “trong vòng những người Mỹ chết trong tuổi 15 đến 24, nguyên nhân chính là lái xe khi say rượu hay sau khi dùng ma túy”. Cũng tại Hoa-kỳ, “càng ngày càng có nhiều hôn nhân giữa những người trẻ đi đến ly dị”, trong khi báo cáo cho thấy “hôn nhân có nhiều triển vọng lâu dài hơn nếu chú rể và cô dâu thâu thập khôn ngoan thêm một ít năm nữa trước khi làm đám cưới”.
19. Những người trẻ tuổi nên ghi vào lòng lời khuyên nào của Kinh-thánh?
19 Vậy thì Kinh-thánh khuyên bảo khôn ngoan làm sao! Lời Đức Chúa Trời dạy thật thích nghi là những người trẻ tuổi phải tôn kính cha mẹ, bằng cách vâng lời họ trong mọi đàng (Ê-phê-sô 6:1-3; Cô-lô-se 3:20). Những người trẻ tuổi nên đặc biệt ghi vào lòng lời khuyên khôn sáng này: “Hãy hết lòng tin-cậy Đức Giê-hô-va, chớ nương-cậy nơi sự thông-sáng của con; phàm trong các việc làm của con, khá nhận-biết Ngài, thì Ngài sẽ chỉ-dẫn các nẻo của con” (Châm-ngôn 3:5, 6).
20. Tất cả những người đã dâng mình và làm báp têm có thể chờ đợi nhận giải thưởng nào nếu làm theo Mi-chê 6:8?
20 Tất cả chúng ta có thể chờ đợi giải thưởng nào nếu, sau khi bày tỏ sự tin cậy nơi Đức Giê-hô-va qua sự dâng mình và làm báp têm trong nước, chúng ta «làm sự công-bình, ưa sự nhơn-từ và bước đi cách khiêm-nhường với Đức Chúa Trời của chúng ta»? Quan trọng hơn hết, chúng ta sẽ được Đức Giê-hô-va chấp nhận vì hội đủ các điều kiện mà Ngài đòi hỏi và như thế sẽ làm vui lòng Ngài bằng cách tham gia vào việc làm thánh danh cao cả và đáng sợ của Ngài (Châm-ngôn 27:11). Hơn nữa, chúng ta sẽ thực hiện trong đời sống mình lẽ thật của nguyên tắc theo đó thì “sự tin-kính là ích cho mọi việc, vì có lời hứa về đời nầy và về đời sau nữa” (I Ti-mô-thê 4:8).
[Chú thích]
a Ở miền tây Hoa-kỳ có một suối phun nước nóng (geyser) cứ trung bình mỗi 65 phút là phun nước nóng một lần trong nhiều năm. Do đó suối được gọi là Old Faithful (Suối già thành tín).
Bạn trả lời ra sao?
◻ Thể theo Mi-chê 6:8 thì “làm sự công-bình” đòi hỏi gì?
◻ Sự trung tín đối với Đức Giê-hô-va có ảnh hưởng gì trên mối liên lạc với các anh em tín đồ?
◻ Tại sao chúng ta nên “bước đi cách khiêm-nhường với Đức Chúa Trời”?
◻ Tại sao sự khiêm nhường đặc biệt thích hợp cho những tín đồ trẻ tuổi?
[Hình nơi trang 20]
Bạn có gìn giữ lòng bạn bằng cách biết chọn lọc điều gì bạn xem, nghe và đọc không?
[Hình nơi trang 21]
Phi-e-rơ biết không có nơi nào khác ngoài Giê-su vì ngài có “những lời của sự sống đời đời”. Bạn có cương quyết giữ sự trung tín đối với tổ chức của Đức Giê-hô-va không?