“Đức Chúa Trời ban mọi sự yên-ủi”
“Chúc-tạ Đức Chúa Trời, Cha Đức Chúa Jêsus-Christ chúng ta, là Cha hay thương-xót, là Đức Chúa Trời ban mọi sự yên-ủi, Ngài yên-ủi chúng tôi trong mọi sự khốn-nạn” (II CÔ-RINH-TÔ 1:3, 4).
1, 2. Những người đang đầu buồn cần sự an ủi loại nào?
NHỮNG NGƯỜI đang đau buồn cần được an ủi thật sự—chứ không cần nghe những lời lấy lệ và lời khách sáo. Tất cả chúng ta đã nghe lời nói: ‘Thời gian trôi qua sẽ xoa dịu nỗi đau đớn’. Nhưng trong những giai đoạn đầu của sự đau buồn, ý tưởng này chẳng an ủi người đang buồn rầu nào cả. Tín đồ đấng Christ biết rằng Đức Chúa Trời hứa sẽ có sự sống lại, nhưng điều này không có nghĩa chúng ta sẽ không bị buồn rầu và đau khổ trầm trọng về tâm thần khi mất người thân yêu một cách đột ngột. Và chắc chắn nếu bạn đã mất một người con, những đứa con còn sống không thể nào thay thế đứa con yêu quí đó.
2 Khi mất người thân yêu, chúng ta được giúp đỡ nhiều nhất qua sự an ủi thật sự, sự an ủi căn cứ vững vàng trên các lời hứa của Đức Chúa Trời. Chúng ta cũng cần người khác thông cảm. Điều này đúng thật đối với dân Rwanda, và đặc biệt đối với hàng trăm gia đình Nhân-chứng Giê-hô-va mất người thân yêu trong cuộc tàn sát chủng tộc do Ma-quỉ chủ trương tại xứ đó. Tất cả những người đang đau buồn có thể tìm được sự an ủi nơi ai?
Đức Giê-hô-va —Đức Chúa Trời ban sự an ủi
3. Đức Giê-hô-va đặt gương mẫu về việc an ủi như thế nào?
3 Đức Giê-hô-va đặt gương mẫu khi an ủi tất cả chúng ta. Ngài sai Con độc sanh của Ngài, Giê-su Christ, xuống trái đất để ban cho chúng ta niềm an ủi và hy vọng đời đời. Giê-su dạy: “Đức Chúa Trời yêu-thương thế-gian, đến nỗi đã ban Con một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy không bị hư-mất mà được sự sống đời đời” (Giăng 3:16). Ngài cũng nói với môn đồ: “Chẳng có sự yêu-thương nào lớn hơn là vì bạn-hữu mà phó sự sống mình” (Giăng 15:13). Vào một dịp khác, ngài nói: “Con người đã đến, không phải để người ta hầu việc mình, song để mình hầu việc người ta, và phó sự sống mình làm giá chuộc nhiều người” (Ma-thi-ơ 20:28). Và Phao-lô tuyên bố: “Đức Chúa Trời tỏ lòng yêu-thương Ngài đối với chúng ta, khi chúng ta còn là người có tội, thì Đấng Christ vì chúng ta chịu chết” (Rô-ma 5:8). Qua những câu này và nhiều câu khác nữa, chúng ta nhận thức lòng yêu thương của Đức Chúa Trời và Giê-su Christ.
4. Tại sao sứ đồ Phao-lô đặc biệt mang ơn Đức Giê-hô-va?
4 Sứ đồ Phao-lô đặc biệt ý thức lòng nhân từ của Đức Giê-hô-va. Ông được giải cứu khỏi tình trạng kể như chết về thiêng liêng. Trước kia ông bắt bớ môn đồ của đấng Christ một cách dữ dội, nhưng rồi sau này chính ông trở thành tín đồ đấng Christ bị bắt bớ (Ê-phê-sô 2:1-5). Ông miêu tả kinh nghiệm của ông: “Tôi là rất hèn-mọn trong các sứ-đồ, không đáng được gọi là sứ-đồ, bởi tôi đã bắt-bớ Hội-thánh của Đức Chúa Trời. Nhưng tôi nay là người thể nào, là nhờ ơn Đức Chúa Trời, và ơn Ngài ban cho tôi cũng không phải là uổng vậy. Trái lại, tôi đã làm nhiều việc hơn các người khác, nhưng nào phải tôi, bèn là ơn Đức Chúa Trời đã ở cùng tôi” (I Cô-rinh-tô 15:9, 10).
5. Phao-lô viết gì về sự an ủi từ Đức Chúa Trời
5 Vậy Phao-lô viết một cách rất thích hợp: “Chúc-tạ Đức Chúa Trời, Cha Đức Chúa Jêsus-Christ chúng ta, là Cha hay thương-xót, là Đức Chúa Trời ban mọi sự yên-ủi, Ngài yên-ủi chúng tôi trong mọi sự khốn-nạn, hầu cho nhơn sự yên-ủi mà Ngài đã yên-ủi chúng tôi, thì chúng tôi cũng có thể yên-ủi kẻ khác trong sự khốn-nạn nào họ gặp! Vì như những sự đau-đớn của Đấng Christ chan-chứa trong chúng tôi thể nào, thì sự yên-ủi của chúng tôi bởi Đấng Christ mà chứa-chan cũng thể ấy. Như vậy, hoặc chúng tôi gặp hoạn-nạn, ấy là cho anh em được yên-ủi và được rỗi; hoặc chúng tôi được yên-ủi, ấy là cho anh em được yên-ủi, mà sự yên-ủi đó được hiện ra bởi anh em chịu cách nhịn-nhục những sự đau-đớn mà chúng tôi cùng chịu. Sự trông-cậy của chúng tôi về anh em thật vững-vàng; vì biết rằng bởi anh em có phần trong sự đau-đớn, thì cũng có phần trong sự yên-ủi vậy” (II Cô-rinh-tô 1:3-7).
6. Chữ Hy Lạp dịch là “an ủi” ám chỉ đến điều gì?
6 Những lời này gây cảm hứng biết bao! Chữ Hy Lạp dịch là “yên-ủi” có liên hệ đến “việc kêu gọi một người đến cạnh mình”. Thành thử, “đó là việc đứng bên cạnh một người để khuyến khích họ khi họ gặp thử thách gay go” (A Linguistic Key to the Greek New Testament). Một học giả về Kinh-thánh viết: “Chữ này... luôn luôn có nghĩa sâu xa hơn nhiều chỉ việc chia buồn và xoa dịu... Sự an ủi của tín đồ đấng Christ là sự an ủi mang lại lòng can đảm để giúp một người đối phó với mọi sự khó khăn trong cuộc sống”. Điều này cũng bao gồm những lời an ủi căn cứ trên lời hứa và hy vọng vững chắc—đó là về người chết sống lại.
Giê-su và Phao-lô —Những người an ủi với lòng thương xót
7. Phao-lô an ủi anh em cùng đạo như thế nào?
7 Phao-lô đặt gương mẫu tuyệt vời biết bao về việc an ủi! Ông có thể viết cho anh em ở thành Tê-sa-lô-ni-ca: “Chúng tôi đã ăn-ở nhu-mì giữa anh em, như một người vú săn-sóc chính con mình cách dịu-dàng vậy. Vậy, vì lòng rất yêu-thương của chúng tôi đối với anh em, nên ước-ao ban cho anh em, không những Tin-lành Đức Chúa Trời thôi đâu, song cả đến chính sự sống chúng tôi nữa, bởi anh em đã trở nên thiết-nghĩa với chúng tôi là bao. Anh em cũng biết rằng chúng tôi đối-đãi với mỗi người trong anh em, như cha đối với con, khuyên-lơn, yên-ủi và nài-xin anh em”. Giống các bậc cha mẹ đầy yêu thương và quan tâm, tất cả chúng ta có thể tỏ lòng nồng nhiệt và thông cảm với người khác khi họ gặp khó khăn (I Tê-sa-lô-ni-ca 2:7, 8, 11, 12).
8. Tại sao những người đang đau buồn được an ủi qua sự dạy dỗ của Giê-su?
8 Khi Phao-lô bày tỏ lòng quan tâm và ân cần thể ấy, ông noi gương vĩ đại của Giê-su. Hãy nhớ lời mời đầy thương xót mà Giê-su dành cho tất cả mọi người, như ghi nơi Ma-thi-ơ 11:28-30: “Hỡi những kẻ mệt-mỏi và gánh nặng, hãy đến cùng ta, ta sẽ cho các ngươi được yên-nghỉ. Ta có lòng nhu-mì, khiêm-nhường; nên hãy gánh lấy ách của ta, và học theo ta; thì linh-hồn các ngươi sẽ được yên-nghỉ. Vì ách ta dễ chịu và gánh ta nhẹ-nhàng”. Đúng vậy, sự dạy dỗ của Giê-su ban sự yên nghỉ vì nó đưa ra một hy vọng và lời hứa—lời hứa về sự sống lại. Đây là hy vọng và lời hứa mà chúng ta trình bày cho người ta, thí dụ khi chúng ta để lại sách mỏng Khi một người thân yêu chết đi. Hy vọng này có thể giúp tất cả chúng ta, thậm chí nếu chúng ta đã bị đau buồn từ lâu nay.
Làm sao an ủi những người đang đau buồn
9. Tại sao chúng ta không nên bực bội với những người đang đau buồn?
9 Sự đau buồn không phải chỉ giới hạn trong một thời gian nhất định nào đó ngay sau khi người thân yêu chết đi. Một số người mang gánh nặng đau buồn suốt đời, đặc biệt những người bị mất con cái. Một cặp vợ chồng tín đồ đấng Christ trung thành ở Tây Ban Nha mất đứa con trai 11 tuổi năm 1963 vì bệnh viêm màng não. Đến bây giờ, họ vẫn chảy nước mắt khi nói chuyện về Paquito. Những ngày kỷ niệm, hình ảnh, vật kỷ niệm có thể gợi lại những ký ức đau buồn. Do đó, chúng ta chớ bao giờ nên bực bội, nghĩ rằng đến giờ người khác đáng lẽ phải vượt qua nỗi đau buồn của họ rồi. Một thẩm quyền về y khoa công nhận: “Sự chán nản và những thay đổi trong tâm trạng có thể kéo dài đến vài năm”. Vậy hãy nhớ rằng giống như chúng ta có thể mang thẹo suốt đời trên người chúng ta, chúng ta cũng có thể mang những vết thương lòng suốt đời.
10. Chúng ta phải làm gì để giúp những người đang đau buồn?
10 Chúng ta có thể thiết thực làm điều gì để an ủi những người đang đau buồn trong hội thánh tín đồ đấng Christ? Chúng ta có thể hết sức thành thật nói với một anh chị cần được an ủi: “Nếu có bất cứ gì tôi có thể làm được để giúp anh chị, xin cho tôi biết nhé”. Nhưng người đang đau buồn có thường gọi chúng ta và nói: “Tôi vừa nghĩ ra một điều mà anh / chị có thể làm để giúp tôi”? Dĩ nhiên, chúng ta phải tự mình hành động nếu muốn an ủi người đang đau buồn. Vậy, chúng ta có thể làm gì thật sự có ích? Sau đây có một vài lời đề nghị thiết thực.
11. Sự kiện chúng ta lắng nghe có thể an ủi người khác như thế nào?
11 Lắng nghe: Một trong những điều giúp ích nhất mà bạn có thể làm là chia sẻ nỗi đau khổ của người đang buồn rầu bằng cách lắng nghe họ nói. Bạn có thể hỏi: “Anh / chị có muốn nói về những điều ấy không?” Hãy để cho họ quyết định. Một tín đồ đấng Christ nhớ lại khi ba của anh chết, anh nói: “Điều giúp ích tôi nhiều là khi người khác hỏi cái gì đã xảy ra và rồi họ thật sự lắng nghe”. Như Gia-cơ khuyên, chúng ta hãy mau nghe (Gia-cơ 1:19). Hãy lắng nghe một cách kiên nhẫn và thông cảm. Kinh-thánh đề nghị nơi Rô-ma 12:15: “Hãy... khóc với kẻ khóc”. Hãy nhớ rằng Giê-su khóc với Ma-thê và Ma-ri (Giăng 11:35).
12. Chúng ta có thể trấn an những người đang đau buồn thế nào?
12 Trấn an: Hãy nhớ rằng người đang đau buồn thoạt đầu có thể có cảm giác tội lỗi, nghĩ rằng có lẽ mình đã có thể làm nhiều hơn. Hãy làm cho họ yên lòng bằng cách nói rằng có lẽ họ hẳn đã làm tất cả những gì có thể được (hoặc nói điều gì khác mà bạn biết là thật và tích cực). Hãy trấn an người đó rằng những cảm nghĩ của họ rất bình thường. Hãy kể cho họ về những người khác mà bạn biết đã bình phục lại được sau khi mất đi một người thân yêu. Nói cách khác, hãy tỏ ra nhạy cảm và thông cảm. Sự giúp đỡ ân cần của chúng ta có thể mang ý nghĩa rất nhiều! Sa-lô-môn viết: “Lời nói phải thì, khác nào trái bình bát bằng vàng có cẩn bạc” (Châm-ngôn 16:24; 25:11; I Tê-sa-lô-ni-ca 5:11, 14).
13. Nếu chúng ta sẵn sàng để giúp, điều này có thể có lợi như thế nào?
13 Sẵn sàng để giúp: Hãy sẵn sàng để giúp, không chỉ trong những ngày đầu khi nhiều bạn bè và bà con có mặt, nhưng ngay cả nhiều tháng sau đó nếu cần, khi những người khác đã trở về với đời sống bình thường của họ. Thời kỳ đau buồn có thể dài hoặc ngắn, tùy theo mỗi cá nhân. Sự chú ý và cảm thông thuộc tín đồ đấng Christ có thể mang ý nghĩa sâu xa đối với một người đang đau buồn. Kinh-thánh nói rằng “có một bạn trìu-mến hơn anh em ruột”. Như vậy, tục ngữ: “Người bạn thật giúp đỡ ta khi ta cần được giúp đỡ”, là một chân lý hiển nhiên mà chúng ta nên sống theo. (Châm-ngôn 18:24; so sánh Công-vụ các Sứ-đồ 28:15).
14. Chúng ta có thể nói về điều gì để an ủi người đang đau buồn?
14 Hãy nói chuyện về những đức tính tốt của người đã qua đời. Đây là một sự giúp đỡ khác nến làm đúng lúc. Hãy kể lại những chuyện tích cực mà bạn nhớ về người ấy. Đừng sợ dùng tên của họ. Đừng làm ra vẻ người thân yêu chết đi đã không bao giờ hiện hữu hay là một người vô tích sự. Chúng ta được an ủi khi đọc lời này trong một cuốn sách do một trường đại học về y khoa (Harvard Medical School) xuất bản: “Người đang đau buồn được bình phục lại theo một nghĩa nào đó khi cuối cùng người có thể nghĩ về người chết đi mà không bị đau buồn quá đỗi... Khi người công nhận và quen dần với thực tại mới này, thì nỗi đau buồn sẽ dần dần giảm đi và trở thành những ký ức quí báu”. “Những ký ức quí báu”—nhớ lại những dịp quí báu với người thân yêu mang lại niềm an ủi biết bao! Một Nhân-chứng mất người cha của anh cách đây vài năm, anh nói: “Tôi đặc biệt nhớ lại khi tôi đọc Kinh-thánh với cha ít lâu sau khi cha bắt đầu học hỏi lẽ thật. Tôi cũng nhớ cả hai người nằm trên bờ sông nói chuyện về một số các vấn đề của tôi. Tôi chỉ gặp cha mỗi ba bốn năm một lần, thành thử những dịp đó rất quí giá”.
15. Chúng ta có thể tự động giúp đỡ thế nào??
15 Tự động làm những điều thích hợp: Một số người có thể đương đầu với nỗi đau buồn hay hơn người khác. Vậy, tùy theo hoàn cảnh, hãy tự động làm những điều thiết thực để giúp đỡ họ. Một nữ tín đồ đấng Christ bị đau buồn kể lại: “Nhiều người nói: ‘Nếu có bất cứ điều gì tôi có thể làm được, xin cho tôi biết nhé’. Nhưng một chị tín đồ đấng Christ chẳng hỏi gì. Chị ấy đi ngay vào phòng ngủ, thay chăn, gối, tấm trải giường và đi giặt mọi thứ bị dơ. Một chị khác lấy ngay thùng nước và đồ lau chùi, rồi đi rửa tấm thảm bị bẩn vì ông chồng tôi đã nôn mửa trên đó. Hai chị này là bạn thật, và tôi sẽ không bao giờ quên họ”. Khi chúng ta thấy rõ ràng có việc nào cần làm, hãy tự động làm đi—có lẽ bằng cách làm cơm, giúp quét dọn, làm những chuyện lặt vặt. Dĩ nhiên, chúng ta nên thận trọng tránh xâm phạm vào chuyện riêng của người đang đau buồn. Vậy, chúng ta nên gắng sức áp dụng lời của Phao-lô: “Vậy anh em là kẻ chọn-lựa của Đức Chúa Trời, là người thánh và rất yêu-dấu của Ngài, hãy có lòng thương-xót. Hãy mặc lấy sự nhơn-từ, khiêm-nhường, mềm-mại, nhịn-nhục”. Sự nhân từ, kiên nhẫn và yêu thương không bao giờ thất bại (Cô-lô-se 3:12; I Cô-rinh-tô 13:4-8).
16. Tại sao một bức thư hoặc tấm thiệp chia buồn có thể an ủi một người?
16 Viết thư hoặc gửi tấm thiệp chia buồn: Nhiều người thường hay quên giá trị của một bức thư hay tấm thiệp chia buồn. Viết thư có lợi ích gì? Người đau buồn có thể đọc đi đọc lại bức thư đó. Chúng ta không cần viết một bức thư dài, nhưng chúng ta nên diễn đạt lòng thương xót của chúng ta. Bức thư đó cũng nên có tính cách thiêng liêng, tuy không có vẻ răn đời. Chỉ lời giản dị: “Chúng tôi sẵn sàng giúp đỡ anh / chị” cũng có thể mang lại sự an ủi.
17. Sự cầu nguyện có thể mang lại sự an ủi như thế nào?
17 Cùng cầu nguyện với họ: Chớ nên coi thường giá trị của việc cầu nguyện cùng với những người đang đau buồn và cầu nguyện cho họ. Kinh-thánh nói nơi Gia-cơ 5:16: “Người công-bình... cầu-nguyện thật có linh-nghiệm nhiều”. Thí dụ, khi người đang đau buồn nghe chúng ta cầu nguyện cho họ, thì điều này sẽ giúp họ vượt qua một tâm trạng tiêu cực, chẳng hạn như cảm giác tội lỗi. Khi chúng ta bị yếu đuối, ngã lòng, Sa-tan cố phá ngầm chúng ta qua các “mưu-kế” hoặc “mưu chước” của hắn. Đây là lúc chúng ta cần sự an ủi và ủng hộ qua lời cầu nguyện, như Phao-lô nói: “Thường thường làm đủ mọi thứ cầu-nguyện và nài-xin. Hãy dùng sự bền-đỗ trọn-vẹn mà tỉnh-thức về điều đó, và cầu-nguyện cho hết thảy các thánh-đồ”. (Ê-phê-sô 6:11, 18, Bản dịch Nguyễn thế Thuấn; so sánh Gia-cơ 5:13-15).
Những điều nên tránh
18, 19. Làm sao chúng ta có thể tỏ ra tế nhị khi nói chuyện?
18 Khi một người đang đau buồn, có một số điều chúng ta không nên làm hoặc nói. Châm-ngôn 12:18 cảnh cáo: “Lời vô độ đâm-xoi khác nào gươm; nhưng lưỡi người khôn-ngoan vốn là thuốc hay”. Đôi khi, chúng ta sơ ý tỏ ra thiếu tế nhị. Thí dụ, có thể chúng ta nói: “Tôi biết anh / chị cảm thấy thế nào”. Nhưng có thật sự như vậy không? Bạn có từng trải qua một sự mất mát y như thế không? Cũng vậy, người ta phản ứng nhiều cách khác nhau. Phản ứng của bạn có thể không giống y hệt phản ứng của người đang đau buồn. Vậy, chúng ta có thể cho thấy chúng ta hiểu người ấy và nói: “Tôi thật sự thông cảm với anh / chị vì trước đây tôi cũng mất... một cách tương tự”.
19 Chúng ta cũng có thể tỏ ra thông cảm bằng cách tránh bàn luận về sự kiện người chết đi sẽ được sống lại hay không. Một số anh chị đã bị đau lòng sâu xa khi nghe những lời nói có tính cách phán đoán về tương lai của người hôn phối không tin đạo đã chết. Chúng ta không phán xét người nào sẽ được sống lại hoặc không được sống lại. Chúng ta có thể được trấn an biết bao rằng Đức Giê-hô-va, Đấng dò xét tấm lòng, sẽ tỏ ra thương xót bao la hơn đại đa số chúng ta (Thi-thiên 86:15; Lu-ca 6:35-37).
Các câu Kinh-thánh mang lại sự an ủi
20, 21. Một số các câu Kinh-thánh nào có thể an ủi người đang đau buồn?
20 Khi làm đúng lúc, một trong những sự giúp đỡ lớn nhất là xem xét các lời hứa mà Đức Giê-hô-va dành cho người chết. Những ý tưởng dựa trên Kinh-thánh sẽ giúp ích người đang đau buồn, dù họ đã là Nhân-chứng hoặc là một người chúng ta gặp khi đi rao giảng. Một số những câu này là gì? Chúng ta biết rằng Đức Giê-hô-va là Đức Chúa Trời ban mọi sự an ủi, vì Ngài nói: “Ta, chính ta, là Đấng yên-ủi các ngươi”. Ngài cũng nói: “Như một người được mẹ an ủi, Ta cũng vậy, Ta sẽ an ủi các ngươi” (Ê-sai 51:12; 66:13, Bản dịch Nguyễn thế Thuấn).
21 Người viết Thi-thiên ghi lại: “Lời Chúa làm cho tôi được sống lại, ấy là sự an-ủi tôi trong cơn hoạn-nạn. Hỡi Đức Giê-hô-va, tôi đã nhớ lại mạng-lịnh Ngài khi xưa, nên tôi được an-ủi. Chúa ơi, nguyện sự nhơn-từ Chúa an-ủi tôi, y như Chúa đã phán cùng kẻ tôi-tớ Chúa”. Hãy lưu ý rằng chữ “an-ủi” được lặp đi lặp lại trong các câu này. Đúng vậy, chúng ta có thể tìm được sự an ủi thật sự cho chính mình và cho người khác nữa bằng cách xem xét Lời của Đức Giê-hô-va khi chúng ta bị đau khổ. Điều này, cùng với lòng yêu thương và thương xót của các anh em chúng ta, có thể giúp chúng ta trải qua sự mất mát và làm cho đời sống chúng ta được đầy dẫy một lần nữa với sinh hoạt vui mừng trong thánh chức của tín đồ đấng Christ (Thi-thiên 119:50, 52, 76).
22. Chúng ta có triển vọng nào trước mắt?
22 Chúng ta cũng có thể ít nhiều vượt qua nỗi đau buồn bằng cách bận rộn giúp người khác trong thời kỳ khó khăn của họ. Khi chúng ta chú ý đến những người cần được an ủi, chúng ta cũng có được hạnh phúc thật sự vì ban cho về mặt thiêng liêng (Công-vụ các Sứ-đồ 20:35). Chúng ta hãy chia sẻ với họ viễn ảnh về ngày sẽ có sự sống lại khi người ta trước kia từ mọi nước, thế hệ này sang thế hệ kia, sẽ tiếp rước những người thân yêu quá cố của họ, để rồi bước vào một thế giới mới. Thật là một triển vọng hứng thú biết bao! Chắc hẳn lúc bấy giờ chúng ta sẽ nhỏ lệ vui mừng khi nhớ lại rằng Đức Giê-hô-va thật sự là Đức Chúa Trời “yên-ủi kẻ ngã lòng”! (II Cô-rinh-tô 7:6).
Bạn có nhớ không?
◻ Đức Giê-hô-va là “Đức Chúa Trời ban mọi sự yên-ủi” như thế nào?
◻ Giê-su và Phao-lô an ủi người đang đau buồn như thế nào?
◻ Chúng ta có thể làm những gì để an ủi người đang đau buồn?
◻ Chúng ta nên tránh làm những gì khi giao thiệp với người đang đau buồn?
◻ Bạn thích những câu Kinh-thánh nào nhất dùng để an ủi những ai bị mất người thân yêu?
[Hình nơi trang 15]
Hãy tự động giúp đỡ một cách tế nhị những người đang đau buồn