Hãy thực hành đức tin dựa trên lẽ thật
“Không có đức-tin, thì chẳng hề có thế nào ở cho đẹp ý Ngài; vì kẻ đến gần Đức Chúa Trời phải tin rằng có Đức Chúa Trời, và Ngài là Đấng hay thưởng cho kẻ tìm-kiếm Ngài” (HÊ-BƠ-RƠ 11:6).
1, 2. Đức tin của A-đam đã bị thử thách thế nào, và với kết quả nào?
ĐỨC TIN có nghĩa nhiều hơn là giản dị tin Đức Chúa Trời hiện hữu. Người đàn ông đầu tiên là A-đam không nghi ngờ gì về sự hiện hữu của Giê-hô-va Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời đã liên lạc với A-đam, rất có thể qua trung gian Con Ngài là Ngôi-Lời (Giăng 1:1-3; Cô-lô-se 1:15-17). Thế nhưng, A-đam đã mất triển vọng sự sống đời đời bởi vì không vâng lời Đức Giê-hô-va và không thực hành đức tin nơi Ngài.
2 Khi vợ là Ê-va đã cãi lời Đức Giê-hô-va, dường như hạnh phúc tương lai của A-đam bị lung lay. Lúc ấy, chính ý nghĩ sẽ mất vợ đã khiến cho đức tin của người đàn ông đầu tiên bị thử thách! Có thể nào Đức Chúa Trời sẽ giải quyết được vấn đề khó khăn này để bảo đảm cho A-đam tiếp tục được hạnh phúc và an lạc không? Bằng cách hùa theo Ê-va mà phạm tội, hiển nhiên A-đam tỏ ra là ông không nghĩ như vậy. Ông toan giải quyết vấn đề khó khăn theo lối riêng của ông, thay vì tha thiết tìm kiếm sự hướng dẫn của Đức Chúa Trời. Vì không thực hành đức tin nơi Đức Giê-hô-va, A-đam đã đem lại sự chết cho chính ông và toàn thể dòng dõi của ông (Rô-ma 5:12).
Đức tin là gì?
3. Định nghĩa của Kinh-thánh về đức tin khác ra sao so với định nghĩa của một tự điển?
3 Một tự điển định nghĩa đức tin là “sự tin tưởng mãnh liệt vào một điều gì không thể chứng minh được”. Tuy nhiên, thay vì chủ trương ý tưởng đó, Kinh-thánh nhấn mạnh đến điều ngược lại. Đức tin dựa trên sự kiện cụ thể, trên thực tế, trên lẽ thật. Kinh-thánh nói: “Đức-tin là sự biết chắc vững-vàng những điều mình đương trông-mong, là bằng-cớ của những điều mình chẳng xem thấy” (Hê-bơ-rơ 11:1). Một người có đức tin là người có sự bảo đảm rằng mọi lời hứa của Đức Chúa Trời chắc chắn sẽ thành tựu. Chứng cớ hùng hồn về thực tại tuy không thấy được nhưng rõ ràng đến nỗi đức tin coi như tương đương với bằng chứng cụ thể.
4. Một tài liệu tham khảo ủng hộ thế nào định nghĩa của Kinh-thánh về đức tin?
4 Trong “Bản dịch Thế giới Mới” (New World Translation) thể căn nguyên của động từ Hê-bơ-rơ ’a·manʹ đôi khi được dịch là “thực hành đức tin”. Theo “Sách Tự vị thần học Cựu ước” (Theological Wordbook of the Old Testament) thì “động từ này đến từ chữ gốc mang theo ý tưởng nói lên một điều chắc chắn...ngược lại với những khái niệm tân thời về đức tin, xem đức tin như là một cái gì khả dĩ, hy vọng sẽ trở thành sự thật, nhưng không chắc”. Sách này cũng nói: “Chữ biến dạng của động từ này là ’āmēn có nghĩa ‘chắc thực’ dùng trong Tân ước dưới hình thức chữ amēn, dịch ra Anh ngữ là ‘amen’. Giê-su rất thường dùng chữ này (Ma-thi-ơ 5:18, 26, v.v...) để nhấn mạnh đến tính chất chắc chắn của một sự việc”. Chữ dịch là “đức tin” trong Kinh-thánh phần tiếng Hy-lạp cũng có nghĩa là tin tưởng nơi một điều gì có căn bản vững chắc dựa trên sự kiện có thực hoặc dựa trên lẽ thật.
5. Chữ Hy-lạp dịch ra là “sự biết chắc vững-vàng của những điều mình đương trông-mong” nơi Hê-bơ-rơ 11:1 được dùng thế nào trong các văn tự thương mại thời xưa, và điều này có nghĩa gì đối với tín đồ đấng Christ?
5 Chữ Hy-lạp (hy·poʹsta·sis) dịch ra là “sự biết chắc vững-vàng của những điều mình đương trông-mong” nơi Hê-bơ-rơ 11:1 thường được dùng trong các văn tự thương mại thời xưa như là một điều bảo đảm được quyền sở hữu trên một cái gì đó trong tương lai. Học giả Moulton và Milligan đề nghị dịch như vầy: “Đức tin là khế ước giao kèo về những điều mình hy vọng nhận được” (Vocabulary of the Greek Testament) Hiển nhiên, nếu một người có được khế ước giao kèo về quyền sở hữu, người đó có thể “biết chắc vững-vàng của những điều mình đương trông-mong” tức là một ngày kia niềm hy vọng sẽ thành tựu và nhận được tài sản.
6. Ý nghĩa của chữ Hy-lạp dịch ra là “bằng-cớ của những điều mình chẳng xem thấy” nơi Hê-bơ-rơ 11:1 là gì?
6 Nơi Hê-bơ-rơ 11:1, chữ Hy-lạp dịch ra là “bằng-cớ của những điều mình chẳng xem thấy” (eʹleg·khos) có nghĩa là đưa ra bằng cớ hiển nhiên để chứng minh một điều gì, nhất là một điều trái ngược với trường hợp thấy được trước mắt. Bằng cớ xác thực hay cụ thể làm sáng tỏ điều mà trước đây người ta không nhận định ra, do đó không nhìn những gì chỉ ở bề ngoài mà thôi. Vậy trong cả hai phần Kinh-thánh tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp, đức tin nhất định không phải là “sự tin tưởng mãnh liệt vào một điều gì không thể chứng minh được”. Trái lại, đức tin dựa trên lẽ thật.
Dựa trên các lẽ thật căn bản
7. Phao-lô và Đa-vít miêu tả thế nào những kẻ phủ nhận sự hiện hữu của Đức Chúa Trời?
7 Sứ đồ Phao-lô tuyên bố một lẽ thật căn bản khi ông viết rằng “những sự trọn-lành của Ngài [Đấng Tạo hóa] mắt không thấy được, tức là quyền-phép đời đời và bổn-tánh Ngài, thì từ buổi sáng-thế vẫn sờ-sờ như mắt xem thấy, khi người ta [những kẻ chống đối lẽ thật] xem-xét công-việc của mình. Cho nên họ không thể chữa mình” (Rô-ma 1:20). Đúng, “các từng trời rao-truyền sự vinh-hiển của Đức Chúa Trời”, và “trái đất đầy-dẫy tài-sản Ngài” (Thi-thiên 19:1; 104:24). Nhưng nếu một người không chịu xem xét các bằng chứng cụ thể thì sao? Người viết Thi-thiên Đa-vít nói: “Kẻ ác [chẳng chịu tìm kiếm nhưng lên] mặt kiêu-ngạo mà rằng: Chẳng có Đức Chúa Trời: kìa là tư-tưởng của hắn” (Thi-thiên 10:4; 14:1). Một phần của đức tin dựa trên lẽ thật căn bản này: Đức Chúa Trời hiện hữu.
8. Những người thực hành đức tin có thể có được sự cam kết và nhận định nào?
8 Đức Giê-hô-va không phải chỉ đơn thuần hiện hữu; Ngài cũng rất đáng tin cậy, và chúng ta có thể đặt tin cậy nơi các lời hứa của Ngài. Ngài nói: “Chắc thật, sự ta đã định sẽ xảy đến, điều ta đã toan sẽ đứng vững” (Ê-sai 14:24; 46:9, 10). Đây không phải là những lời vô nghĩa. Có bằng chứng rõ ràng rằng hàng trăm lời tiên tri ghi trong Lời Đức Chúa Trời đã được ứng nghiệm. Với sự hiểu biết này, những người thực hành đức tin cũng có thể nhận định ra nhiều lời tiên tri khác của Kinh-thánh hiện đang được ứng nghiệm (Ê-phê-sô 1:18). Thí dụ, họ thấy được sự ứng nghiệm của “điềm” báo hiệu sự hiện diện của Giê-su, trong đó có công việc rao giảng ráo riết về Nước Trời đã được thành lập, cũng như việc bành trướng sự thờ phượng thật đã được tiên tri (Ma-thi-ơ 24:3-14; Ê-sai 2:2-4; 60:8, 22). Họ biết rằng chẳng bao lâu nữa các nước sẽ hô hào “Bình hòa và an ổn” và ngay sau đó Đức Chúa Trời sẽ “hủy-phá những kẻ đã hủy-phá thế-gian” (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:3; Khải-huyền 11:18). Thật là một ân phước lớn có được đức tin dựa trên các lẽ thật đã được tiên tri!
Một trái của thánh linh
9. Giữa đức tin và thánh linh có sự liên hệ nào?
9 Đức tin dựa trên lẽ thật; lẽ thật ghi trong Kinh-thánh; Kinh-thánh là một sản phẩm của thánh linh Đức Chúa Trời (II Sa-mu-ên 23:2; Xa-cha-ri 7:12; Mác 12:36). Vậy thì hợp lý thay, đức tin không thể hiện hữu biệt lập khỏi tác động của thánh linh. Đó là lý do tại sao Phao-lô có thể viết: “Trái của Thánh-linh [ấy là]...trung-tín [đức tin]” (Ga-la-ti 5:22). Nhưng nhiều người từ bỏ lẽ thật của Đức Chúa Trời, họ làm nhơ bẩn đời sống mình bởi các ham muốn xác thịt và có các quan điểm làm buồn thánh linh Đức Chúa Trời. Vậy, “chẳng phải hết thảy đều có đức-tin”, bởi vì họ không có căn bản nào để xây dựng đức tin cả (II Tê-sa-lô-ni-ca 3:2; Ga-la-ti 5:16-21; Ê-phê-sô 4:30).
10. Một số tôi tớ thời xưa của Đức Giê-hô-va chứng tỏ thế nào họ đã thực hành đức tin?
10 Tuy nhiên, trong vòng các con cháu của A-đam có một số người đã thực hành đức tin. Hê-bơ-rơ đoạn 11 đề cập đến A-bên, Hê-nóc, Nô-ê, Áp-ra-ham, Sa-ra, Y-sác, Gia-cốp, Giô-sép, Môi-se, Ra-háp, Ghi-đê-ôn, Ba-rác, Sam-sôn, Giép-thê, Đa-vít và Sa-mu-ên, cùng với biết bao tôi tớ của Đức Giê-hô-va mà không được nêu đích danh, họ “nhơn đức-tin đã được chứng tốt”. Xin lưu ý họ đã làm gì “bởi đức-tin”. Chính bởi đức tin mà A-bên “đã dâng cho Đức Chúa Trời một tế-lễ” và Nô-ê “đóng một chiếc tàu”. Bởi đức tin Áp-ra-ham “vâng lời Chúa gọi, đi đến xứ mình sẽ nhận làm cơ-nghiệp”. Và bởi đức tin, Môi-se “lìa xứ Ê-díp-tô” (Hê-bơ-rơ 11:4, 7, 8, 27, 29, 39).
11. Công-vụ các Sứ-đồ 5:32 cho thấy gì về những người vâng lời Đức Chúa Trời?
11 Hiển nhiên, tất cả các tôi tớ đó của Đức Giê-hô-va đã hành động chứ không phải chỉ việc tin rằng Đức Chúa Trời hiện hữu. Bằng cách thực hành đức tin, họ tin cậy nơi Ngài là Đấng “hay thưởng cho kẻ tìm-kiếm Ngài” (Hê-bơ-rơ 11:6). Họ làm điều mà thánh linh Đức Chúa Trời chỉ dẫn họ làm, họ hành động theo sự hiểu biết chính xác về lẽ thật mà họ được biết vào lúc đó, dù lẽ thật đó có giới hạn. Thật là khác làm sao so với A-đam! Ông không hành động theo đức tin dựa trên lẽ thật hoặc phù hợp với sự chỉ dẫn của thánh linh. Đức Chúa Trời chỉ ban thánh linh của Ngài cho những ai vâng lời Ngài (Công-vụ các Sứ-đồ 5:32).
12. a) A-bên đặt đức tin nơi điều gì, và ông đã tỏ ra điều đó thế nào? b) Dù có đức tin, các nhân chứng của Đức Giê-hô-va sống trước thời đấng Christ đã không nhận được gì?
12 Khác với cha mình là A-đam, A-bên là người tin kính, ông có đức tin. Có lẽ cha mẹ ông đã cho ông biết về lời tiên tri đầu nhất: “Ta [Giê-hô-va Đức Chúa Trời] sẽ làm cho mầy cùng người nữ, dòng-dõi mầy cùng dòng-dõi người nữ nghịch-thù nhau. Người sẽ giày-đạp đầu mầy, còn mầy sẽ cắn gót chơn người” (Sáng-thế Ký 3:15). Như vậy Đức Chúa Trời hứa sẽ hủy diệt sự gian ác và tái lập sự công bình. A-bên không biết lời hứa đó sẽ được thực hiện thế nào. Nhưng ông tin rằng Đức Chúa Trời là Đấng Ban thưởng cho những ai sốt sắng tìm kiếm Ngài; và đức tin đó đủ mạnh để khiến ông dâng của-lễ. Rất có thể ông đã nghĩ ngợi nhiều về lời tiên tri và tin rằng cần phải đổ máu ra mới có thể thực hiện được lời hứa và nâng nhân loại lên tới sự hoàn toàn. Bởi vậy, của-lễ hy sinh bằng thú vật của A-bên là điều thích hợp. Tuy nhiên, dù có đức tin, A-bên cũng như các nhân-chứng khác của Đức Giê-hô-va sống trước thời đấng Christ “chưa hề nhận-lãnh điều đã được hứa cho mình” (Hê-bơ-rơ 11:39).
Đức tin trở nên trọn vẹn
13. a) Áp-ra-ham và Đa-vít đã học biết gì về sự ứng nghiệm của lời hứa? b) Tại sao có thể nói rằng “lẽ thật bởi Đức Chúa Giê-su Christ mà đến”?
13 Trải qua các thế kỷ Đức Chúa Trời đã tiết lộ dần dần cho biết thêm về lẽ thật liên quan đến cách Ngài làm tròn lời hứa về “dòng dõi người nữ”. Ngài nói với Áp-ra-ham: “Bởi vì ngươi đã vâng theo lời dặn ta, nên các dân thế-gian đều sẽ nhờ dòng-dõi ngươi mà được phước” (Sáng-thế Ký 22:18). Sau đó, Ngài nói với Vua Đa-vít rằng dòng dõi đã hứa sẽ đến qua hoàng tộc của ông. Năm 29 công nguyên, dòng dõi đó xuất hiện và chính là Giê-su Christ (Thi-thiên 89:3, 4; Ma-thi-ơ 1:1; 3:16, 17). Ngược lại với A-đam là người không có đức tin, Giê-su Christ, tức “A-đam sau hết”, đã làm gương trong việc biểu lộ đức tin (I Cô-rinh-tô 15:45). Ngài sống một đời sống hết lòng phụng sự Đức Giê-hô-va và làm ứng nghiệm nhiều lời tiên tri nói về đấng Mê-si. Vậy Giê-su làm sáng tỏ hơn về lẽ thật liên quan đến dòng dõi đã hứa và khiến cho những điều hình dung trước trong Luật pháp Môi-se trở thành sự thật (Cô-lô-se 2:16, 17). Do đó người ta có thể nói rằng “lẽ thật bởi Đức Chúa Giê-su mà đến” (Giăng 1:17).
14. Phao-lô chứng tỏ cho người Ga-la-ti thấy thế nào rằng đức tin đã có được những kích thước mới?
14 Giờ đây, một khi lẽ thật đã đến qua Giê-su Christ, nền tảng để tin nơi “lời hứa” lại càng được nới rộng thêm. Có thể nói đức tin được vững vàng hơn và đạt đến những kích thước mới. Do đó, Phao-lô nói với các anh em tín đồ đấng Christ được xức dầu: “Kinh-thánh đã nhốt hết thảy mọi sự dưới tội-lỗi, hầu cho điều chi đã hứa, bởi đức-tin trong Đức Chúa Giê-su Christ mà được ban cho những kẻ tin. Trước khi đức-tin chưa đến, chúng ta bị nhốt dưới sự canh-giữ của luật-pháp mà chờ đức-tin phải bày ra. Ấy vậy, luật-pháp đã như thầy-giáo đặng dẫn chúng ta đến đấng Christ, hầu cho chúng ta bởi đức-tin mà được xưng công-bình. Song khi đức-tin đã đến, chúng ta không còn phục dưới thầy-giáo ấy nữa. Vì chưng anh em bởi tin Đức Chúa Giê-su Christ, nên hết thảy đều là con trai của Đức Chúa Trời” (Ga-la-ti 3:22-26).
15. Đức tin chỉ có thể được làm nên trọn vẹn bằng cách nào?
15 Những người Y-sơ-ra-ên đã thực hành đức tin nơi cách Đức Chúa Trời đối xử với họ qua giao ước Luật pháp. Nhưng bây giờ đức tin của họ cần tăng hơn nữa. Thế nào? Bằng cách thực hành đức tin nơi Giê-su, đấng được xức dầu bằng thánh linh; luật pháp đã được đặt ra để dẫn họ đến với ngài. Chỉ bằng cách đó đức tin của những người sống trước thời đấng Christ mới có thể trở nên trọn vẹn được. Thật là trọng yếu làm sao đối với các tín đồ đấng Christ thời ban đầu đó “chăm chú nhìn xem Đức Chúa Giê-su, là cội rễ và đấng làm đức tin chúng ta được trọn vẹn”! (Hê-bơ-rơ 12:2, NW). Thật thế, tất cả các tín đồ đấng Christ cần phải làm như vậy.
16. Thánh linh hoạt động mạnh mẽ hơn thế nào, và tại sao?
16 Bởi lẽ sự hiểu biết về lẽ thật Đức Chúa Trời được tăng thêm và làm cho đức tin được trọn vẹn, vậy thì thánh linh cũng phải đến mạnh mẽ hơn không? Đúng vậy. Vào Lễ Ngũ tuần năm 33 công nguyên, thánh linh Đức Chúa Trời đổ xuống các môn đồ của Giê-su, ấy chính là phương tiện giúp đỡ mà ngài đã hứa trước kia (Giăng 14:26; Công-vụ các Sứ-đồ 2:1-4). Rồi thánh linh hoạt động một cách hoàn toàn mới trên họ với tư cách là anh em được xức dầu của đấng Christ. Đức tin của họ, tức một trái của thánh linh, đã được làm cho vững mạnh. Điều này giúp họ trang bị để thực hiện công việc vĩ đại trước mắt nhằm đào tạo môn đồ (Ma-thi-ơ 28:19, 20).
17. a) Lẽ thật đã đến và đức tin đã trở nên trọn vẹn như thế nào từ năm 1914? b) Chúng ta có bằng chứng cụ thể nào cho thấy thánh linh hoạt động từ năm 1919?
17 Đức tin đã đến khi Giê-su xuất hiện với tư cách là vị Vua được Chỉ định cách đây hơn 1.900 năm. Nhưng bây giờ, ngài đang cai trị ở trên trời, căn bản cho đức tin của chúng ta, tức lẽ thật được tiết lộ, càng gia tăng thêm gấp bội, bởi vậy làm cho đức tin của chúng ta được trọn vẹn. Cũng thế, hoạt động của thánh linh đã gia tăng. Bằng chứng rõ rệt hiện ra năm 1919, khi thánh linh ban sanh khí mới cho các tôi tớ được xức dầu của Đức Chúa Trời, kéo họ ra khỏi một tình trạng gần như bất hoạt động (Ê-xê-chi-ên 37:1-14; Khải-huyền 11:7-12). Vào năm đó nền tảng của địa-đàng thiêng liêng đã được đặt và kể từ đó trong các thập niên kế tiếp địa-đàng thiêng liêng mỗi năm mỗi hiển nhiên hơn, mỗi năm mỗi vinh hiển hơn. Có thể nào có bằng chứng khác lớn hơn về hoạt động của thánh linh Đức Chúa Trời không?
Tại sao cần phân tích đức tin của chúng ta?
18. Đức tin của mấy người do thám Y-sơ-ra-ên khác nhau thế nào?
18 Ít lâu sau khi dân Y-sơ-ra-ên được giải cứu ra khỏi vòng nô lệ tại xứ Ê-díp-tô, 12 người đàn ông đã được phái đi dọ thám đất Ca-na-an. Tuy nhiên, mười người trong số họ thiếu đức tin, nghi ngờ khả năng của Đức Giê-hô-va về việc Ngài làm tròn lời hứa là sẽ ban đất đó cho dân Y-sơ-ra-ên. Họ chỉ cậy vào điều vật chất mắt thấy được mà thôi. Trong số 12 người, chỉ có Giô-suê và Ca-lép là bày tỏ bước đi bởi đức tin chứ chẳng phải bởi điều mắt thấy được. (So sánh II Cô-rinh-tô 5:7). Bởi thực hành đức tin, trong số những người do thám chỉ có hai người này được mới sống sót để vào Đất Hứa (Dân-số Ký 13:1-33; 14:35-38).
19. Làm thế nào lẽ thật làm nền tảng cho đức tin đó nay vững chắc hơn bao giờ hết, và tuy vậy chúng ta nên làm gì?
19 Ngày nay chúng ta đứng trước ngưỡng cửa của thế giới mới công bình của Đức Chúa Trời. Nếu muốn vào trong đó, tất chúng ta cần phải có đức tin. Vui mừng thay, lẽ thật làm nền tảng cho đức tin đó nay vững chắc hơn bao giờ hết. Chúng ta có toàn bộ Lời Đức Chúa Trời, gương mẫu của Giê-su Christ và các môn đồ được xức dầu của ngài, sự ủng hộ của hàng triệu anh chị em thiêng liêng của chúng ta và sự yểm trợ của thánh linh Đức Chúa Trời với mức độ nhiều hơn bao giờ hết. Thế nhưng, tốt hơn chúng ta nên phân tích đức tin của chúng ta và làm những điều cần thiết để gia tăng đức tin trong khi hãy còn kịp.
20. Chúng ta nên tự đặt cho mình các câu hỏi nào?
20 Bạn có lẽ nói: ‘Ồ, tôi tin đây là lẽ thật’. Nhưng đức tin của bạn mạnh đến đâu? Hãy tự hỏi: ‘Đối với tôi Nước trên trời của Đức Giê-hô-va có thực sự cũng như một chính phủ của loài người không? Tôi có nhìn nhận và hoàn toàn ủng hộ tổ chức hữu hình của Đức Giê-hô-va và Hội đồng Lãnh đạo Trung ương không? Tôi có thể thấy qua con mắt của đức tin rằng các nước ngày nay đang bị lùa vào thế trận sau cùng tại Ha-ma-ghê-đôn không? Đức tin của tôi có thể sánh nổi với đức tin của “nhiều nhân-chứng vây quanh như đám mây rất lớn” mà sách Hê-bơ-rơ đề cập nơi đoạn 11 không?’ (Hê-bơ-rơ 12:1, NW; Khải-huyền 16:14-16).
21. Đức tin thúc giục những người có đức tin như thế nào, và họ được ban phước thế nào? (Bình luận thêm dựa trên khung nơi trang 13).
21 Những người có đức tin căn cứ trên lẽ thật được thúc giục để hành động. Giống như của-lễ do A-bên dâng lên, của-lễ ngợi khen của họ làm đẹp lòng Đức Chúa Trời (Hê-bơ-rơ 13:15, 16). Giống như Nô-ê, một người giảng đạo công bình vâng lời Đức Chúa Trời, họ theo đuổi một đường lối công bình với tư cách là những người rao giảng về Nước Trời (Hê-bơ-rơ 11:7; II Phi-e-rơ 2:5). Giống như Áp-ra-ham, những người có đức tin dựa trên lẽ thật vâng lời Đức Giê-hô-va dù gặp chuyện bất lợi hoặc ngay cả trong những hoàn cảnh đầy thử thách nhất (Hê-bơ-rơ 11:17-19). Giống như các tôi tớ của Đức Giê-hô-va thời xưa, những người có đức tin ngày nay được ban phước dồi dào và được Cha đầy yêu thương trên trời chăm sóc (Ma-thi-ơ 6:25-34; I Ti-mô-thê 6:6-10).
22. Đức tin có thể được vững mạnh thêm bằng cách nào?
22 Nếu bạn là một tôi tớ của Đức Giê-hô-va nhưng cảm thấy đức tin yếu về phương diện nào đó, bạn có thể làm gì? Hãy gia tăng đức tin của bạn bằng cách chuyên cần học hỏi Lời Đức Chúa Trời và để cho các lẽ thật đầy dẫy lòng bạn tuôn trào ra như nước cho người khác (Châm-ngôn 18:4). Nếu đức tin không được thường xuyên làm cho vững mạnh thì nó có thể trở nên yếu đi, không hoạt động nữa, ngay cả mất luôn (I Ti-mô-thê 1:19; Gia-cơ 2:20, 26). Hãy tỏ ra cương quyết, không bao giờ để cho đức tin của bạn bị như vậy. Hãy cầu xin Đức Giê-hô-va giúp đỡ, bằng cách cầu nguyện: “Xin Chúa giúp-đỡ trong sự không tin của tôi!” (Mác 9:24).
Bạn trả lời ra sao?
◻ Đức tin là gì?
◻ Tại sao đức tin không thể hiện hữu biệt lập khỏi lẽ thật và thánh linh?
◻ Làm thế nào Giê-su Christ đã trở thành đấng làm cho đức tin của chúng ta được trọn vẹn?
◻ Tại sao chúng ta nên phân tích thử xem đức tin của chúng ta mạnh đến đâu?
[Khung nơi trang 13]
NHỮNG NGƯỜI CÓ ĐỨC TIN...
◻ Nói về Đức Giê-hô-va (II Cô-rinh-tô 4:13).
◻ Làm những công việc giống như công việc của Giê-su (Giăng 14:12).
◻ Là nguồn an ủi đối với người khác (Rô-ma 1:8, 11, 12).
◻ Chiến thắng thế gian (I Giăng 5:5).
◻ Không có lý do để sợ hãi (Ê-sai 28:16).
◻ Hy vọng sống đời đời (Giăng 3:16).