“Hãy mặc lấy vũ khí của sự sáng”
“Đêm đã khuya, ngày gần đến; vậy chúng ta hãy lột bỏ những việc tối-tăm mà mặc lấy áo giáp sáng-láng [vũ khí của sự sáng]” (RÔ-MA 13:12).
1, 2. Phần đông những người Do-thái trong thế kỷ thứ nhất hưởng ứng thế nào trước “sự sáng thật”, và họ hưởng ứng cách đó bất kể các điều lợi nào?
GIÊ-SU CHRIST là “sự sáng thật, khi đến thế-gian soi-sáng mọi người” (Giăng 1:9). Khi đến với tư cách là đấng Mê-si năm 29 công nguyên (kỷ nguyên chung), ngài đến với một dân tộc đã được Đức Chúa Trời chọn làm nhân-chứng của Ngài và, ít ra qua danh nghĩa, họ đã dâng mình cho Ngài (Ê-sai 43:10). Nhiều người Y-sơ-ra-ên đã chờ đợi đấng Mê-si, và một số người trong họ biết đến những lời tiên tri sẽ giúp nhận ra ngài. Hơn nữa, Giê-su đi rao giảng khắp miền Pha-lê-tin, làm những phép lạ trước mắt đoàn dân đông. Các đám đông người lũ lượt kéo đến nghe ngài nói và họ thán phục ngài về những điều mắt thấy tai nghe (Ma-thi-ơ 4:23-25; 7:28, 29; 9:32-36; Giăng 7:31).
2 Nhưng rốt cuộc phần đông người Do-thái đã phủ nhận Giê-su. Sách Phúc âm theo Giăng nói: “Ngài đã đến trong xứ mình, song dân mình chẳng hề nhận lấy” (Giăng 1:11). Tại sao vậy? Lời giải đáp cho câu hỏi này giúp chúng ta tránh dẫm chân lên lỗi lầm của họ. Nó sẽ giúp chúng ta “lột bỏ những việc tối tăm mà mặc lấy vũ khí của sự sáng”, và nhờ vậy chúng ta tránh khỏi một sự xử phạt giống như trường hợp dân Y-sơ-ra-ên trong thế kỷ thứ nhất (Rô-ma 13:12, NW; Lu-ca 19:43, 44).
Sự chống đối đến từ giới lãnh đạo tôn giáo
3. Các lãnh tụ tôn giáo Do-thái chứng tỏ cách nào rằng họ là “kẻ mù dẫn-đưa”?
3 Trong nước Y-sơ-ra-ên các lãnh tụ tôn giáo đứng đầu trong việc phủ nhận sự sáng. Dù họ là những “thầy dạy luật”, họ buộc cho dân sự một hệ thống pháp luật gồm các điều khoản thường mâu thuẫn với Luật pháp của Đức Chúa Trời (Lu-ca 11:45, 46). Như vậy, họ “lấy lời truyền-khẩu mình lập ra mà bỏ mất lời Đức Chúa Trời” (Mác 7:13; Ma-thi-ơ 23:16, 23, 24). Họ là những “kẻ mù làm người dẫn-đưa”, cản trở sự sáng khiến cho sự sáng không thể chiếu rạng được (Ma-thi-ơ 15:14).
4, 5. a) Những người Pha-ri-si phản ứng thế nào khi một số người Do-thái bắt đầu tự hỏi không biết Giê-su có phải là đấng Mê-si hay không? b) Những người Pha-ri-si biểu lộ tâm trạng xấu nào?
4 Vào một dịp nọ khi nhiều người Y-sơ-ra-ên tự hỏi không biết Giê-su có phải là đấng Christ hay không, mấy người Pha-ri-si hoảng hốt phái lính tráng đi bắt ngài. Mấy người lính trở về tay không, và nói: “Chẳng hề có người nào đã nói như người nầy!” Không đổi ý, mấy người Pha-ri-si hỏi lính tráng: “Các ngươi cũng đã bị phỉnh-dỗ sao? Có một người nào trong các quan hay là trong những người Pha-ri-si tin đến người đó chăng? Song lũ dân nầy không biết luật chi cả, thật là dân đáng rủa!” Ni-cô-đem vốn là một thành viên của Tòa Công luận phản đối và nói rằng xét xử một người trước khi nghe người đó phân trần là trái luật. Mấy người Pha-ri-si hằn học quay sang Ni-cô-đem và nói: “Ngươi cũng là người Ga-li-lê sao? Ngươi hãy tra-xét, sẽ thấy rằng chẳng có tiên-tri nào từ xứ Ga-li-lê mà ra hết” (Giăng 7:46-52).
5 Tại sao các lãnh tụ tôn giáo trong một nước đã dâng mình cho Đức Chúa Trời lại hành động thể ấy? Bởi vì họ đã vun trồng một tâm trạng xấu (Ma-thi-ơ 12:34). Thái độ khinh khi của họ đối với những người dân thường để lộ ra sự phách lối của họ. Lời rêu rao của họ là “chẳng có một người nào...trong những người Pha-ri-si tin đến người đó”, cho thấy sự thừa nhận ngạo mạn tự cho rằng chỉ có họ mới có thể phong cho một người nào đó làm đấng Mê-si thật mà thôi. Hơn nữa, họ là kẻ bất lương, cố bêu xấu Giê-su bởi vì họ gán cho Giê-su là người gốc miền Ga-li-lê trong khi chỉ cần một việc điều tra đơn sơ là biết ngay Giê-su thật sự sanh tại Bết-lê-hem, nơi sanh của đấng Mê-si theo lời tiên tri (Mi-chê 5:1; Ma-thi-ơ 2:1).
6, 7. a) Các lãnh tụ tôn giáo đã phản ứng thế nào trước sự sống lại của La-xa-rơ? b) Giê-su nói gì để tố cáo các lãnh tụ tôn giáo yêu chuộng sự tối tăm?
6 Sự chống đối kịch liệt của các lãnh tụ tôn giáo này nghịch lại với sự sáng được chứng minh một cách chắc chắn khi Giê-su làm cho La-xa-rơ sống lại. Đối với một người kính sợ Đức Chúa Trời, một việc làm như thế là bằng chứng Giê-su được Đức Giê-hô-va trợ giúp. Tuy nhiên, các lãnh tụ tôn giáo chỉ có thể thấy đó là mối đe dọa cho địa vị quyền thế của họ. Họ nói: “Người nầy làm phép lạ nhiều lắm, chúng ta tính thế nào? Nếu chúng ta để cho người làm, thì thiên-hạ tin người, rồi dân Rô-ma sẽ đến diệt nơi nầy và cả nước chúng ta nữa” (Giăng 11:44, 47, 48). Vì thế họ lập mưu giết cả Giê-su lẫn La-xa-rơ, có lẽ hy vọng rằng cách này thế sẽ dập tắt sự sáng (Giăng 11:53, 54; 12:9, 10).
7 Bởi vậy, các lãnh tụ tôn giáo đó trong nước của Đức Chúa Trời đã bị quăng ra khỏi sự sáng vì sự phách lối, tự kiêu, trí thức giả và vị kỷ quá độ. Vào khoảng cuối thời kỳ làm thánh chức, Giê-su vạch trần tội lỗi của họ khi nói: “Khốn cho các ngươi, thầy thông-giáo và người Pha-ri-si, là kẻ giả-hình! vì các ngươi đóng [Nước Trời] trước mặt người ta; các ngươi không vào đó bao giờ, mà có ai muốn vào, thì lại ngăn-trở” (Ma-thi-ơ 23:13).
Ích kỷ và tự kiêu
8. Biến cố nào xảy ra tại Na-xa-rét phơi bày tâm trạng xấu của một số người có mặt tại đó?
8 Nói tổng quát, dân Do-thái trong thế kỷ thứ nhất phản ảnh trung thực thái độ của các lãnh tụ tôn giáo của họ về việc phủ nhận sự sáng do tâm trạng xấu xa trong lòng họ. Thí dụ, vào một dịp nọ Giê-su được mời đứng lên phát biểu ý kiến trong một nhà hội Do-thái tại Na-xa-rét. Ngài đọc và giải thích một đoạn Kinh-thánh trích ra từ sách Ê-sai, và ban đầu mọi người đều lắng tai nghe ngài. Nhưng khi ngài đưa ra những sự so sánh lịch sử tố cáo sự ích kỷ và thiếu đức tin của họ, họ nổi giận và tìm cách giết ngài (Lu-ca 4:16-30). Sự kiêu ngạo là một trong các tính nết xấu xa đã ngăn cản họ đến với sự sáng.
9. Động lực xấu của một đám đông người Ga-li-lê đã bị vạch trần thế nào?
9 Vào một dịp khác Giê-su hóa bánh ra nhiều cho đoàn dân đông được ăn bên cạnh biển Ga-li-lê. Những người chứng kiến phép lạ đó nói: “Người nầy thật là đấng tiên-tri phải đến thế-gian” (Giăng 6:10-14). Khi Giê-su đi thuyền đến một nơi khác, đám đông người này đi theo ngài. Tuy nhiên, Giê-su biết động lực thúc đẩy nhiều người không phải là sự yêu chuộng sự sáng. Ngài nói với họ: “Các ngươi tìm ta chẳng phải vì đã thấy mấy phép lạ, nhưng vì các ngươi đã ăn bánh và được no” (Giăng 6:26). Chẳng mấy chốc lời nói của ngài nghiệm đúng khi một số những kẻ trước đó theo ngài thối lui trở lại thế gian (Giăng 6:66). Một thái độ ích kỷ tự nhủ “tôi có được lợi lộc gì đâu?” đã chận đường ngăn cản họ đến sự sáng.
10. Phần đông những người ngoại phản ứng thế nào trước sự sáng?
10 Sau khi Giê-su chết đi và sống lại, những người Do-thái tin theo ngài đã tiếp tục chuyển đạt sự sáng đến cho những người Do-thái khác, nhưng ít ai chịu nghe. Bởi vậy, sứ đồ Phao-lô và những người khác, với tư cách “sự sáng cho các dân”, phổ biến tin mừng đến những nước khác (Công-vụ các Sứ-đồ 13:44-47). Nhiều người không phải là Do-thái chịu nghe, nhưng phản ứng chung của nhiều người được Phao-lô miêu tả: “Chúng ta giảng đấng Christ bị đóng đinh trên cây [khổ hình],...[một thông điệp mà] dân ngoại cho là rồ-dại” (I Cô-rinh-tô 1:22, 23). Phần đông người Do-thái phủ nhận sự sáng bởi vì họ bị mù quáng bởi những điều mê tín dị đoan hoặc bởi các triết lý thế gian (Công-vụ các Sứ-đồ 14:8-13; 17:32; 19:23-28).
Được “gọi...ra khỏi nơi tối-tăm”
11, 12. Ai đã hưởng ứng sự sáng trong thế kỷ thứ nhất, và ai hưởng ứng ngày nay?
11 Trong thế kỷ thứ nhất, dù phần đông người ta không chịu nghe, nhiều người có lòng ngay thẳng đã được “gọi...ra khỏi nơi tối-tăm, đến nơi sáng-láng lạ-lùng của [Đức Chúa Trời]” (I Phi-e-rơ 2:9). Sứ đồ Giăng nói về những người này: “Hễ ai đã nhận [đấng Christ], thì ngài ban cho quyền-phép trở nên con-cái Đức Chúa Trời, là ban cho những kẻ tin danh ngài” (Giăng 1:12). Kể từ năm 33 công nguyên (kỷ nguyên chung), những người yêu chuộng sự sáng này đã làm báp têm bằng thánh linh và trở thành con cái của Đức Chúa Trời với hy vọng trị vì với Giê-su trong Nước Trời.
12 Thời nay những người sau cùng trong số các con được xức dầu của Đức Chúa Trời đã được nhóm lại, và họ làm ứng nghiệm lời tiên tri của Đa-ni-ên và “được rực-rỡ như sự sáng trên vòng khung;...dắt-đem nhiều người về sự công-bình” (Đa-ni-ên 12:3). Họ đã để cho sự sáng rực rỡ của họ chiếu rạng nhiều đến độ hơn bốn triệu “chiên khác” đã được lẽ thật thu hút và vui hưởng một vị thế công bình trước mặt Đức Chúa Trời (Giăng 10:16). Đến phiên họ, những người này phản chiếu ánh sáng ra khắp thế giới, đến độ ngày nay sự sáng chiếu rạng hơn bao giờ hết. Thời nay, cũng như trong thế kỷ thứ nhất sự “tối-tăm chẳng hề [lấn áp] sự sáng” (Giăng 1:5).
“Trong [Đức Chúa Trời] chẳng có sự tối-tăm đâu”
13. Sứ đồ Giăng cho chúng ta lời cảnh cáo nào?
13 Tuy nhiên, chúng ta chớ bao giờ nên quên lời cảnh cáo của sứ đồ Giăng: “Đức Chúa Trời là sự sáng, trong Ngài chẳng có sự tối-tăm đâu. Ví bằng chúng ta nói mình được giao-thông với Ngài, mà còn đi trong sự tối-tăm, ấy là chúng ta nói dối và không làm theo lẽ thật” (I Giăng 1:5, 6). Hiển nhiên, tín đồ đấng Christ có thể rơi vào cùng một cạm bẫy giống như người Do-thái và trong khi trên danh nghĩa họ là nhân-chứng của Đức Chúa Trời, họ lại sản xuất các việc làm của sự tối tăm.
14, 15. Các việc làm nào của sự tối tăm đã biểu lộ trong hội-thánh thế kỷ thứ nhất, và chúng ta học được gì qua điều này?
14 Quả thật, điều này đã xảy ra rồi trong thế kỷ thứ nhất. Chúng ta đọc Kinh-thánh thấy có nói về sự chia rẽ trầm trọng tại thành Cô-rinh-tô (I Cô-rinh-tô 1:10-17). Sứ đồ Giăng cảnh cáo các tín đồ xức dầu là chớ ghét nhau, và Gia-cơ cần phải khuyên một số người chớ tư vị người giàu mà khinh rẻ người nghèo (Gia-cơ 2:2-4; I Giăng 2:9, 10; III Giăng 11, 12). Ngoài ra, khi Giê-su tra xét bảy hội-thánh tại Tiểu Á, như sách Khải-huyền có ghi lại, ngài nhận xét thấy có các việc làm của sự tối tăm len lỏi vào, trong số các việc làm của sự tối tăm đó có sự bội đạo, thờ hình tượng, tà dục và chạy theo vật chất (Khải-huyền 2:4, 14, 15, 20-23; 3:1, 15-17). Vào thuở ban sơ ấy của hội-thánh đấng Christ, một số người đã từ bỏ sự sáng, vài kẻ bị khai trừ và những kẻ khác thì trôi giạt “ra ngoài là chỗ tối-tăm” (Ma-thi-ơ 25:30; Phi-líp 3:18; Hê-bơ-rơ 2:1; II Giăng 8-11).
15 Tất cả những lời tường thuật này hồi thế kỷ thứ nhất cho thấy nhiều cách khác nhau sự tối tăm của thế gian theo Sa-tan có thể len lỏi vào trong tư tưởng vài cá nhân tín đồ đấng Christ hoặc vào cả hội-thánh. Chúng ta nên cảnh giác đề phòng hầu cho một việc thể ấy không xảy ra cho chúng ta. Làm thế nào chúng ta tránh được?
Nhân cách mới
16. Phao-lô ban lời khuyên lành mạnh nào cho người sống ở thành Ê-phê-sô?
16 Phao-lô khuyến khích những người ở thành Ê-phê-sô chớ để cho “trí-khôn tối-tăm, xa cách sự sống của Đức Chúa Trời” nữa. Ngõ hầu khỏi rơi trở lại vào trong sự tối tăm, họ cần phải vun trồng tâm tình thuộc về sự sáng. Phao-lô nói: “Anh em phải bỏ cách ăn nết ở ngày trước, thoát lốt người cũ [nhân cách cũ] là người bị tư-dục dỗ-dành, mà phải...mặc lấy người mới [nhân cách mới], tức là người [nhân cách] đã được dựng nên giống như Đức Chúa Trời, trong sự công-bình và sự thánh-sạch của lẽ thật” (Ê-phê-sô 4:18, 22-24).
17. Làm thế nào ngày nay chúng ta có thể tránh rơi vào trong sự tối tăm trở lại?
17 Phao-lô ở đây khuyên làm một cuộc giải phẫu tận gốc, nói theo nghĩa bóng—bằng cách cắt bỏ đi những gì trước kia nằm sâu trong con người chúng ta, tức là nhân cách cũ của chúng ta, và để cho một tâm thần hoàn toàn mới phát sinh để “làm nên mới trong tâm-trí mình”. Và không phải ông nói với những người mới chú ý đâu, nhưng nói với các tín đồ đấng Christ đã làm báp têm. Việc sửa đổi nhân cách của chúng ta không dừng lại khi làm báp têm. Nó tiếp tục diễn tiến. Nếu chúng ta ngưng vun trồng nhân cách mới, tức thì rất có thể nhân cách cũ trồi lên mặt nước một lần nữa, đem theo nào là sự kiêu ngạo, phách lối và ích kỷ (Sáng-thế Ký 8:21; Rô-ma 7:21-25). Điều này có thể đưa trở lại các việc làm của sự tối tăm.
“Trong ánh-sáng Chúa chúng tôi thấy sự sáng”
18, 19. Giê-su và Phao-lô miêu tả thế nào cách để nhận ra “các con sáng-láng”?
18 Hãy nhớ rằng việc chúng ta đạt đến sự sống đời đời tùy thuộc vào việc chúng ta được Đức Chúa Trời khen thưởng hay không, bản án đó dựa trên cách chúng ta yêu chuộng sự sáng nhiều ít thế nào. Sau khi ngụ ý đến việc yêu chuộng sự sáng, Giê-su nói: “Phàm ai làm ác thì ghét sự sáng và không đến cùng sự sáng, e rằng công-việc của mình phải trách-móc chăng. Nhưng kẻ nào làm theo lẽ thật thì đến cùng sự sáng, hầu cho các việc của mình được bày-tỏ ra, vì đã làm trong Đức Chúa Trời [phù hợp với Đức Chúa Trời]” (Giăng 3:19-21).
19 Phao-lô ủng hộ ý tưởng này khi ông viết cho người ở thành Ê-phê-sô: “Hãy bước đi như các con sáng-láng; vì trái của sự sáng-láng ở tại mọi điều nhơn-từ, công-bình và thành-thật” (Ê-phê-sô 5:8, 9). Như vậy các công việc của chúng ta chứng tỏ chúng ta là con cái của sự sáng hoặc con cái của sự tối tăm. Nhưng việc làm ngay thẳng chỉ có thể phát sinh từ một tấm lòng tốt. Đây là lý do tại sao chúng ta cần canh chừng lòng dạ của chúng ta, ý thức được việc cần phải tiếp tục đổi mới nhân cách của chúng ta, hãy giữ gìn cẩn thận tâm thần mình (Châm-ngôn 4:23).
20, 21. a) Các con trẻ sanh ra trong những gia đình tín đồ đấng Christ gặp phải sự khó khăn đặc biệt nào? b) Tất cả các con của cha mẹ là tín đồ đấng Christ đều gặp phải sự khó khăn nào?
20 Trong vài trường hợp, điều này đã tỏ ra là một điều đặc biệt khó khăn đối với trẻ con có cha mẹ là Nhân-chứng Giê-hô-va đã dâng mình. Tại sao? Một mặt, các trẻ con thể ấy hưởng được một ân phước kỳ diệu. Thật ra được biết lẽ thật ngay từ tấm bé, một người chẳng bao giờ cần phải trước hết từng trải qua kinh nghiệm sống trong sự tối tăm của thế gian theo Sa-tan (II Ti-mô-thê 3:14, 15). Mặt khác, một số trẻ con ở trong tình trạng này xem lẽ thật là chuyện đương nhiên và không bao giờ thật sự tập luyện yêu chuộng sự sáng. Đó là tình trạng của phần đông những người Do-thái thuộc thế kỷ thứ nhất. Họ lớn lên trong một nước đã dâng mình cho Đức Giê-hô-va, và họ có sự hiểu biết về lẽ thật trong một mức độ nào đó. Nhưng sự hiểu biết đó không nằm trong lòng họ (Ma-thi-ơ 15:8, 9).
21 Các cha mẹ là tín đồ đấng Christ có trách nhiệm trước mặt Đức Chúa Trời về việc nuôi nấng con cái trong sự sáng (Phục-truyền Luật-lệ Ký 6:4-9; Ê-phê-sô 6:4). Nhưng, nghĩ cho cùng, chính con trẻ tự nó phải tập yêu chuộng sự sáng hơn là sự tối tăm. Nó phải làm cho ánh sáng của lẽ thật ăn sâu vào người nó. Khi con trẻ lớn lên, một vài khía cạnh của thế gian theo Sa-tan dường như có vẻ hấp dẫn đối với nó. Nếp sống vô tư lự hoặc vô trách nhiệm của bạn bè cùng lứa tuổi của nó dường như thích thú quá. Học thuyết hoài nghi mà người ta dạy ở trường có lẽ đầy quyến rũ. Nhưng nó chớ bao giờ nên quên rằng ngoài vòng sự sáng có “sự tối-tăm vây-phủ đất” (Ê-sai 60:2). Với thời gian, thế gian âm u này chẳng có gì hay ho để cung hiến cả (I Giăng 2:15-17).
22. Đức Giê-hô-va bây giờ ban phước thế nào cho những người đến với sự sáng, và sẽ ban phước họ thế nào nữa trong tương lai?
22 Vua Đa-vít viết: “Nguồn sự sống ở nơi Chúa [Đức Giê-hô-va]; trong ánh-sáng Chúa chúng tôi thấy sự sáng. Cầu Chúa cứ làm ơn cho những người biết Chúa” (Thi-thiên 36:9, 10). Những người yêu chuộng sự sáng học biết được Đức Giê-hô-va, và điều này có thể đem lại sự sống cho họ (Giăng 17:3). Trong sự nhân từ của Ngài, Đức Giê-hô-va nâng đỡ họ bây giờ, và khi hoạn nạn lớn bùng nổ, Ngài sẽ đưa họ vào trong thế giới mới. Đó có thể là số phận của chúng ta nếu chúng ta bây giờ lánh xa sự tối tăm của thế gian theo Sa-tan. Trong thế giới mới, nhân loại sẽ phục hồi đời sống hoàn toàn trong Địa-đàng (Khải-huyền 21:3-5). Những người được khen thưởng chừng đó sẽ có triển vọng sống hòa mình trong ánh sáng của Đức Giê-hô-va trong suốt muôn đời còn đến. Thật là một triển vọng huy hoàng thay! Và thật là một động lực mãnh liệt thay thúc đẩy chúng ta bây giờ “lột bỏ những việc tối-tăm mà mặc lấy áo giáp sáng-láng [vũ khí của sự sáng]”! (Rô-ma 13:12).
Bạn có nhớ không?
◻ Tại sao phần đông người Do-thái thời Giê-su đã phủ nhận sự sáng?
◻ Sự sáng đã chiếu rạng đến độ nào trong thời hiện đại?
◻ Các gương trong thế kỷ thứ nhất nêu ra những lời cảnh cáo nào liên quan đến sự ích kỷ và tự kiêu?
◻ Điều gì là thiết yếu, nếu chúng ta muốn tiếp tục ở trong sự sáng?
◻ Những người yêu chuộng sự sáng sẽ còn nhận được các ân phước nào khác nữa?
[Hình nơi trang 19]
Phần đông những người Do-thái thời Giê-su không hưởng ứng sự sáng
[Các hình nơi trang 22]
Trải qua nhiều thập niên có nhiều phương pháp khác nhau được dùng để làm cho sự sáng chiếu rạng trong công việc đào tạo môn đồ
[Hình nơi trang 23]
“Anh em phải bỏ...lốt người cũ [nhân cách cũ]...mà phải mặc lấy người mới [nhân cách mới]”