Hãy tiếp tục xây dựng lẫn nhau
“Chớ có lời dữ nào ra từ miệng anh em; nhưng khi đáng nói hãy nói một vài lời lành giúp ơn cho và có ích-lợi cho kẻ nghe đến” (Ê-PHÊ-SÔ 4:29).
1, 2. a) Tại sao hợp lý nói rằng tiếng nói là một sự kỳ diệu? b) Nên thận trọng thế nào về cách chúng ta dùng miệng lưỡi của mình?
“LỜI NÓI là sợi chỉ kỳ diệu thắt chặt bạn bè, gia đình và xã hội với nhau... Từ trí óc của loài người và sự co bóp phối hợp của bắp thịt [miệng lưỡi], chúng ta tạo ra những âm thanh mang cảm giác yêu thương, ghen tị, kính trọng—đúng, bất cứ mối cảm xúc nào của loài người” (Trích cuốn “Thính giác, Vị giác và Khứu giác” [Hearing, Taste and Smell]).
2 Lưỡi chúng ta không chỉ là một cơ quan dùng để nuốt hoặc nếm; nó còn là một phần của khả năng chúng ta nhằm chia xẻ tư tưởng và cảm xúc của chúng ta. Gia-cơ viết: “Cái lưỡi là một quan-thể nhỏ... Bởi cái lưỡi chúng ta khen-ngợi Chúa, Cha chúng ta, và cũng bởi nó chúng ta rủa-sả loài người, là loài tạo theo hình-ảnh Đức Chúa Trời” (Gia-cơ 3:5, 9). Đúng vậy, chúng ta có thể dùng lưỡi trong những cách tốt, chẳng hạn như ngợi khen Đức Giê-hô-va. Nhưng vì bất toàn, chúng ta dễ có thể dùng lưỡi nói những điều có hại hay tiêu cực. Gia-cơ viết: “Hỡi anh em, không nên như vậy” (Gia-cơ 3:10).
3. Chúng ta nên chú ý đến hai khía cạnh nào trong lời nói của chúng ta?
3 Dù không ai có thể hoàn toàn kiểm soát lưỡi của mình, chúng ta chắc chắn nên cố gắng dùng miệng lưỡi tốt hơn. Sứ đồ Phao-lô khuyên chúng ta: “Chớ có một lời dữ nào ra từ miệng anh em; nhưng khi đáng nói hãy nói một vài lời lành giúp ơn cho và có ích-lợi cho kẻ nghe đến” (Ê-phê-sô 4:29). Hãy lưu ý rằng lời khuyên này có hai khía cạnh: những gì chúng ta phải cố gắng tránh và những gì chúng ta phải cố gắng làm. Chúng ta hãy xem xét cả hai khía cạnh này.
Tránh những lời dữ
4, 5. a) Các tín đồ đấng Christ có cuộc chiến đấu nào trước những lời nói thô tục? b) Hình ảnh nào có thể xứng hợp với câu “lời dữ ra khỏi miệng”?
4 Ê-phê-sô 4:29 trước hết khuyên giục chúng ta: “Chớ có một lời dữ nào ra khỏi miệng anh em”. Điều này có lẽ không phải dễ. Một lý do là những lời nói thô tục rất thông thường trong thế gian chung quanh chúng ta. Nhiều tín đồ trẻ hàng ngày nghe những lời chửi thề vì bạn học cùng trường nghĩ làm thế là nhấn mạnh lời nói của chúng hay làm cho chúng có vẻ oai hơn. Chúng ta không thể hoàn toàn tránh nghe những lời thô tục, nhưng chúng ta có thể và nên cố gắng tránh tiêm nhiễm những lời đó. Nhất định không nên để những lời thô tục trong trí óc hay trong miệng lưỡi chúng ta.
5 Lời cảnh cáo của Phao-lô bắt nguồn từ chữ Hy Lạp có liên quan đến cá ươn hay trái thối. Hãy thử tưởng tượng điều này: Bạn quan sát một người bắt đầu phát cáu và rồi nổi giận lôi đình. Cuối cùng y nổi giận phừng phừng, và bạn thấy cá ươn thối bắn ra khỏi miệng y. Rồi bạn thấy trái thối vọt ra tung tóe vào những ai đứng gần. Y là ai? Thật là tệ hại biết bao nếu một người trong chúng ta là kẻ đó! Tuy nhiên, hình ảnh đó có thể xứng hợp nếu chúng ta để cho “có một lời dữ ra miệng”.
6. Ê-phê-sô 4:29 áp dụng thế nào cho lời nói chỉ trích và tiêu cực?
6 Về phần chúng ta, một sự áp dụng khác của Ê-phê-sô 4:29 là chúng ta tránh luôn luôn chỉ trích. Đành rằng mọi người chúng ta đều có sở thích và ý kiến về những điều chúng ta không thích hoặc không chấp nhận, nhưng bạn có bao giờ ở gần một người nào đó, là người dường như nói xấu (hoặc thường nói xấu) về mọi người, mọi chỗ, hay mọi vật được đề cập đến không? (So sánh Rô-ma 12:9; Hê-bơ-rơ 1:9). Lời nói của y đánh đổ, gây phiền muộn, hoặc phá hoại (Thi-thiên 10:7; 64:2-4; Châm-ngôn 16:27; Gia-cơ 4:11, 12). Y có thể không ý thức mình giống những người hay chỉ trích mà Ma-la-chi miêu tả (Ma-la-chi 3:13-15). Y có thể sẽ sửng sốt biết bao nếu một người ngoại cuộc nói cho y biết là một con cá thối rữa hay trái thối đang vọt ra khỏi mồm y!
7. Mỗi người chúng ta nên tự xét mình về điều gì?
7 Tuy dễ dàng nhìn biết một người khác thường có những lời nói tiêu cực hoặc chỉ trích, nhưng chúng ta nên tự hỏi: “Tôi có khuynh hướng giống như vậy không? Tôi có thật như vậy không?” Chúng ta nên khôn ngoan thỉnh thoảng ngẫm nghĩ về tinh thần những lời nói của chúng ta. Những lời đó có chủ yếu tiêu cực, chỉ trích không? Lời ăn tiếng nói của chúng ta có giống như ba người bạn dối trá của Gióp không? (Gióp 2:11; 13:4, 5; 16:2; 19:2). Tại sao chúng ta không tìm một khía cạnh tích cực để đề cập đến? Nếu cuộc nói chuyện phần lớn có tính cách chỉ trích, tại sao chúng ta không lái sang những chuyện xây dựng?
8. Ma-la-chi 3:16 cho chúng ta bài học gì về lời ăn tiếng nói, và làm sao chúng ta có thể chứng tỏ rằng chúng ta đang áp dụng bài học đó?
8 Ma-la-chi trình bày sự tương phản: “Những kẻ kính-sợ Đức Giê-hô-va nói cùng nhau, thì Đức Giê-hô-va để ý mà nghe; và một sách để ghi-nhớ được chép trước mặt Ngài cho những kẻ kính-sợ Đức Giê-hô-va và tưởng đến danh Ngài” (Ma-la-chi 3:16). Bạn có để ý thấy cách Đức Chúa Trời đáp lại những lời nói xây dựng không? Cuộc chuyện trò đó có thể có ảnh hưởng gì đối với những người chung quanh? Câu trên cũng dạy chúng ta một bài học về lời ăn tiếng nói hàng ngày của mình. Thật là tốt đẹp hơn cho chúng ta và những người khác nếu cuộc nói chuyện thường lệ của chúng ta phản ảnh sự “dâng tế-lễ bằng lời ngợi-khen cho Đức Chúa Trời” (Hê-bơ-rơ 13:15).
Tập xây dựng người khác
9. Tại sao các buổi họp tín đồ đấng Christ là những dịp tốt để xây dựng người khác?
9 Các buổi họp của hội-thánh là những dịp tốt hầu chúng ta có thể nói “nói lời lành giúp ơn cho và có ích-lợi che kẻ nghe đến” (Ê-phê-sô 4:29). Chúng ta có thể làm như vậy khi nói bài giảng về Kinh-thánh, góp phần trong trình diễn, hay nói lời bình luận trong các phần vấn đáp. Như thế chúng ta chứng tỏ câu Châm-ngôn 20:15 là đúng: “Miệng có tri-thức là bửu-vật quí-giá”. Và ai biết chúng ta có thể làm động lòng hay xây dựng được bao nhiêu người khác?
10. Sau khi suy nghĩ về những người chúng ta thường nói chuyện cùng, có lẽ chúng ta nên làm sự thay đổi nào? (II Cô-rinh-tô 6:12, 13).
10 Thời giờ trước và sau buổi họp là những lúc tiện cho việc xây dựng người khác qua những câu chuyện làm vui lòng người nghe. Có lẽ chúng ta thấy dễ dàng dùng những lúc này để nói chuyện vui vẻ với họ hàng và với một số ít bạn bè thân (Giăng 13:23; 19:26). Tuy nhiên, để phù hợp với Ê-phê-sô 4:29, tại sao chúng ta không cố gắng tìm những người khác để nói chuyện? (So sánh Lu-ca 14:12-14). Thay vì chỉ chào hỏi cho có lệ hay chào hỏi qua loa những người mới, những người lớn tuổi, hay những người trẻ nào đó, chúng ta có thể suy nghĩ trước nên nói gì thêm với họ, cả đến việc ngồi xuống với những em nhỏ đặng đặt mình ngang hàng với chúng hơn. Sự chú ý thành thật và các cuộc nói chuyện xây dựng sẽ làm người khác cũng có cùng cảm nghĩ như Đa-vít nơi Thi-thiên 122:1.
11. a) Nhiều người có thói quen gì về chỗ ngồi? b) Tại sao một số người cố ý thay đổi chỗ ngồi?
11 Một sự giúp đỡ khác trong việc nói chuyện có tính cách xây dựng là thay đổi chỗ ngồi tại các buổi họp. Một người mẹ có con còn bú có thể cần ngồi gần phòng vệ sinh, hoặc một người tàn tật cần ngồi ghế sát lối đi, nhưng còn những người khác trong vòng chúng ta thì sao? Vì thói quen, chúng ta có thể trở lại một chỗ ngồi hay khu nhất định nào đó; ngay cả chim cũng theo bản năng trở về tổ của nó (Ê-sai 1:3; Ma-thi-ơ 8:20). Tuy nhiên, thành thật mà nói, vì chúng ta có thể ngồi bất cứ một nơi nào, tại sao lại không thay đổi chỗ ngồi—bên phải, bên trái, gần phía trên, v.v...—do đó làm quen với nhiều người khác nhau? Dù không có luật lệ nào bắt chúng ta làm như vậy, các trưởng lão và những người thành thục khác thay đổi chỗ ngồi và họ thấy dễ dàng hơn trong việc truyền đạt những gì có lợi ích cho nhiều người thay vì chỉ cho vài người bạn thân.
Xây dựng trong đường lối của Đức Chúa Trời
12. Khuynh hướng xấu nào đã biểu lộ trong suốt lịch sử?
12 Một tín đồ đấng Christ muốn xây dựng người khác nên noi gương Đức Chúa Trời trong khía cạnh này thay vì theo loài người có khuynh hướng đặt ra rất nhiều luật lệa. Nhiều người bất toàn từ lâu đã có xu hướng cai trị những người chung quanh, và ngay cả một số tôi tớ của Đức Chúa Trời đã không cưỡng lại nổi khuynh hướng này (Sáng-thế Ký 3:16; Truyền-đạo 8:9). Vào thời Giê-su các nhà lãnh đạo Do-thái “buộc những gánh nặng khó chịu, để trên vai người ta, còn mình thì không muốn động ngón tay vào” (Ma-thi-ơ 23:4). Họ biến những phong tục vô hại thành những truyền thống cưỡng bách. Vì quá quan tâm đến luật lệ do loài người đặt ra, họ không màng đến những điều mà Đức Chúa Trời định rõ có tầm quan trọng hơn. Việc họ đặt ra nhiều luật lệ không dựa theo Kinh-thánh không xây dựng ai cả; đường lối của họ hoàn toàn không phải là đường lối của Đức Chúa Trời (Ma-thi-ơ 23:23, 24; Mác 7:1-13).
13. Tại sao việc đặt ra nhiều luật lệ cho anh em tín đồ đấng Christ là điều không thích hợp?
13 Các tín đồ đấng Christ thật tình muốn triệt để tôn trọng các luật lệ của Đức Chúa Trời. Tuy vậy, ngay cả chúng ta có thể trở thành nạn nhân của khuynh hướng đặt ra nhiều luật lệ chất nặng trên vai người khác. Tại sao? Trước nhất, vì khác biệt về sở thích hay ước vọng nên một số người có thể chấp nhận những điều mà người khác không thích và thấy cần loại bỏ. Các tín đồ đấng Christ cũng tiến bộ một cách khác nhau trong sự thành thục về thiêng liêng. Nhưng có phải việc đặt ra nhiều luật lệ nhằm giúp người khác tiến bộ đến sự thành thục là đường lối của Đức Chúa Trời không? (Phi-líp 3:15; I Ti-mô-thê 1:19; Hê-bơ-rơ 5:14). Ngay cả khi một người thật sự theo đuổi con đường có vẻ quá khích hoặc nguy hiểm, phải chăng luật ngăn cấm là giải pháp tốt nhất? Đường lối của Đức Chúa Trời là dùng những người có khả năng để cố gắng sửa đổi người phạm lỗi bằng cách lý luận một cách dịu dàng với người đó (Ga-la-ti 6:1).
14. Luật pháp mà Đức Chúa Trời ban cho dân Y-sơ-ra-ên có những mục đích gì?
14 Đúng thế, trong khi dùng dân Y-sơ-ra-ên với tư cách là dân sự của Ngài, Đức Chúa Trời đã lập ra hàng trăm luật về việc thờ phượng tại đền thờ, dâng của lễ, ngay đến cả vấn đề vệ sinh. Điều này thích hợp cho một dân tộc riêng biệt, và nhiều điều luật có tính cách tiên tri quan trọng và giúp đưa dân Do-thái đến đấng Mê-si. Phao-lô viết: “Luật-pháp đã như thầy-giáo đặng dẫn chúng ta đến Đấng Christ, hầu cho chúng ta bởi đức-tin mà được xưng công-bình. Song khi đức-tin đã đến, chúng ta không còn phục dưới thấy-giáo ấy nữa” (Ga-la-ti 3:19, 23-25). Sau khi Luật pháp được xóa bỏ trên cây khổ hình, Đức Chúa Trời không cho các tín đồ đấng Christ một bảng liệt kê các luật lệ bao gồm nhiều khía cạnh của đời sống, như thể đó là cách để họ tiếp tục xây dựng đức tin.
15. Đức Chúa Trời đã ban cho những người thờ phượng theo đạo đấng Christ sự hướng dẫn nào?
15 Dĩ nhiên không phải là chúng ta không có luật pháp. Đức Chúa Trời phán bảo chúng ta chớ thờ hình tượng, tà dâm, phạm tội ngoại tình và lạm dụng máu. Ngài nêu rõ lệnh cấm giết người, nói dối, đồng bóng và các tội phạm khác (Công-vụ các Sứ-đồ 15:28, 29; I Cô-rinh-tô 6:9, 10; Khải-huyền 21:8). Ngoài ra, trong Kinh-thánh Ngài cho lời khuyên rõ ràng về nhiều việc. Tuy nhiên, trong một mức độ lớn hơn là đối với dân Y-sơ-ra-ên, chúng ta có trách nhiệm phải học và áp dụng các nguyên tắc của Kinh-thánh. Các trưởng lão có thể xây dựng người khác bằng cách giúp đỡ họ tìm thấy và xem xét các nguyên tắc đó thay vì chỉ tìm kiếm hay đặt ra luật lệ.
Các trưởng lão xây dựng người khác
16, 17. Các sứ đồ cho gương mẫu tốt nào về việc đặt ra luật lệ cho anh em tín đồ?
16 Phao-lô viết: “Duy chúng ta đã đạt đến bậc nào, thì chúng ta phải đồng đi vậy” (Phi-líp 3:16). Phù hợp với quan điểm nói trên của Đức Chúa Trời, sứ đồ Phao-lô cư xử với các người khác một cách xây dựng. Thí dụ, một câu hỏi được nêu ra về việc có nên hay không nên ăn thịt có thể đã được mang đến từ nơi thờ thần tượng. Có phải trưởng lão Phao-lô, có lẽ để có sự nhất trí hoặc giản dị, bèn đặt ra vài điều luật cho tất cả mọi người trong các hội-thánh vào thế kỷ thứ nhất không? Không! Ông nhìn nhận là do hiểu biết và tiến bộ khác nhau về sự thành thục nên các tín đồ đấng Christ có thể có nhiều sự lựa chọn khác nhau. Riêng ông, ông nhất quyết nêu gương tốt (Rô-ma 14:1-4; I Cô-rinh-tô 8:4-13).
17 Kinh-thánh phần tiếng Hy-lạp cho thấy rằng các sứ đồ đã có lời khuyên hữu ích về những vấn đề cá nhân như quần áo và tóc tai gọn gàng, nhưng họ không cần đặt ra luật lệ áp dụng cho tất cả. Đây là một gương tốt cho các giám thị tín đồ đấng Christ ngày nay muốn xây dựng bầy chiên. Và việc này quả thật nới rộng cách cư xử căn bản mà Đức Chúa Trời áp dụng ngay cả với dân Y-sơ-ra-ên thời xưa.
18. Đức Giê-hô-va cho dân Y-sơ-ra-ên các luật nào về y phục?
18 Đức Chúa Trời không cho dân Y-sơ-ra-ên luật lệ tỉ mỉ về quần áo. Hiển nhiên đàn ông và đàn bà đều dùng áo choàng, hay áo ngoài giống nhau, tuy áo của đàn bà có lẽ có thêu thùa hoặc nhiều màu sắc hơn. Cả đàn ông lẫn đàn bà cũng mặc chiếc sa·dhinʹ, hay áo lót (Các Quan Xét 14:12; Châm-ngôn 31:24; Ê-sai 3:23). Đức Chúa Trời ban cho Luật pháp nào về quần áo? Đàn ông và đàn bà không được mặc quần áo dành riêng cho người khác phái, dĩ nhiên với ý muốn về đồng tính luyến ái (Phục-truyền Luật-lệ Ký 22:5). Để cho thấy rằng họ khác các nước láng giềng, dân Y-sơ-ra-ên phải làm một cái tua nơi các chéo áo mình với một dây màu xanh trên cái tua, và có lẽ có những cái tua ở góc áo (Dân-số Ký 15:38-41). Đó là căn bản tất cả những chỉ dẫn trong Luật pháp về cách ăn mặc.
19, 20. a) Kinh-thánh cho các tín đồ đấng Christ lời hướng dẫn gì về cách phục sức? b) Các trưởng lão nên có quan điểm gì về việc đặt luật lệ cho cách phục sức cá nhân?
19 Mặc dù các tín đồ đấng Christ không ở dưới Luật pháp, chúng ta có những luật lệ khác về cách phục sức được ghi chép tỉ mỉ trong Kinh-thánh không? Thật ra thì không. Đức Chúa Trời cho chúng ta các nguyên tắc thăng bằng để chúng ta có thể áp dụng. Phao-lô viết: “Ta cũng muốn rằng những người đờn-bà ăn-mặc một cách gọn-ghẽ, lấy nết-na và đức-hạnh giồi mình, không dùng những tóc-gióc, vàng, châu-ngọc và áo-quần quí-giá” (I Ti-mô-thê 2:9). Phi-e-rơ khuyên rằng thay vì chú trọng đến cách phục sức bề ngoài, các nữ tín đồ nên chăm chú vào “sự trang-sức bề trong giấu ở trong lòng, tức là sự tinh-sạch chẳng hư-nát của tâm-thần dịu-dàng im-lặng” (I Phi-e-rơ 3:3, 4). Một lời khuyên như thế được ghi lại chắc hẳn là vì một số tín đồ đấng Christ vào thế kỷ thứ nhất có lẽ thiếu đoan trang và cần thận trọng hơn trong việc phục sức. Tuy vậy, thay vì yêu cầu—hay cấm—các kiểu thời trang nào đó, các sứ đồ chỉ giản dị cho lời khuyên xây dựng.
20 Nhân-chứng Giê-hô-va đáng và thường được kính trọng vì ăn mặc đoan trang. Dù vậy, cách ăn mặc thay đổi từ nước này sang nước khác và ngay cả trong một vùng hay trong hội-thánh. Dĩ nhiên, một trưởng lão có quan niệm cứng rắn hay có một sở thích nào đó về cách phục sức có thể quyết định cho chính mình và gia đình. Nhưng đối với bầy chiên, anh cần ghi nhớ điểm cốt yếu của Phao-lô: “Chớ không phải chúng tôi muốn cai-trị đức-tin anh em, nhưng chúng tôi muốn giúp thêm sự vui của anh em, vì anh em đứng vững-vàng trong đức-tin” (II Cô-rinh-tô 1:24). Thật vậy, các trưởng lão cưỡng lại khuynh hướng thúc đẩy đặt ra luật lệ cho hội-thánh, và họ cố gắng xây dựng đức tin của người khác.
21. Làm thế nào các trưởng lão có thể giúp đỡ với mục đích xây dựng nếu một người nào đó ăn mặc cách quá đáng?
21 Như vào thế kỷ thứ nhất, có lúc người mới tin đạo hoặc yếu về thiêng liêng có thể theo đường lối thiếu khôn ngoan hay đáng dị nghị về việc phục sức hay trang điểm hoặc đeo nữ trang. Vậy thì sao? Một lần nữa, Ga-la-ti 6:1 có lời hướng dẫn cho các trưởng lão theo đạo đấng Christ thành thật muốn giúp đỡ người khác. Trước khi một trưởng lão quyết định khuyên răn ai, anh có thể khôn ngoan tham khảo với một trưởng lão khác. Tốt hơn là anh không nên đi gặp người trưởng lão mà anh biết có cùng sở thích hay có cảm nghĩ giống như mình. Nếu khuynh hướng thế gian về cách phục sức có vẻ có ảnh hưởng đến nhiều người trong hội-thánh, hội đồng trưởng lão có thể thảo luận cách giúp đỡ tốt nhất, chẳng hạn như bằng một bài giảng dịu dàng, xây dựng trong buổi nhóm họp hội-thánh hoặc giúp đỡ cá nhân (Châm-ngôn 24:6; 27:17). Mục đích của họ là khuyến khích mọi người có quan điểm ghi nơi II Cô-rinh-tô 6:3: “Chúng tôi chẳng làm cho ai vấp-phạm, hầu cho chức-vụ của mình khỏi bị một tiếng chê-bai nào”.
22. a) Tại sao không nên quan tâm đến những quan điểm khác biệt không đáng kể? b) Phao-lô nêu gương tốt nào?
22 Các trưởng lão tín đồ đấng Christ “chăn bầy của Đức Chúa Trời đã giao-phó” muốn làm những điều mà Phi-e-rơ viết là đừng “cai trị khắc nghiệt sản nghiệp của Đức Chúa Trời giao phó cho anh em” (I Phi-e-rơ 5:2, 3, NW). Trong khi họ làm công việc yêu thương này, đôi khi có câu hỏi đặt ra về sở thích cá nhân khác nhau. Có thể tục lệ địa phương là người đọc nên đứng lên khi đọc các đoạn trong Buổi Học Tháp Canh. Sự sắp đặt các nhóm đi rao giảng và nhiều chi tiết khác về thánh chức rao giảng có thể cũng theo những thói quen địa phương. Tuy nhiên, có phải là một tai họa không nếu một người nào đó làm hơi khác một chút? Các giám thị đầy yêu thương mong rằng “mọi sự đều nên làm cho phải phép và theo thứ-tự”. Đó là lời Phao-lô nói về những sự ban cho kỳ diệu. Nhưng các câu Kinh-thánh trước cho thấy sự quan tâm chính của Phao-lô là “gây-dựng hội-thánh” (I Cô-rinh-tô 14:12, 40). Ông không có ý đặt ra vô số luật lệ làm như ông có mục đích chính là đạt sự giống nhau tuyệt đối hay hiệu quả hoàn toàn. Ông viết: “Chúa đã ban cho chúng tôi [quyền-phép] để gây-dựng anh em, chớ chẳng phải để hủy-diệt” (II Cô-rinh-tô 10:8).
23. Một vài cách mà chúng ta có thể noi gương Phao-lô trong việc xây dựng người khác là gì?
23 Phao-lô chắc chắn làm việc để xây dựng những người khác qua những lời tích cực và khuyến khích. Thay vì chỉ giao thiệp với một nhóm nhỏ bạn bè, ông chẳng quản công khó đi thăm nhiều anh chị em, cả người mạnh thiêng liêng lẫn người đặc biệt cần được xây dựng. Và ông nhấn mạnh đến sự yêu thương—thay vì luật lệ—bởi vì “sự yêu thương xây dựng” (I Cô-rinh-tô 8:1, NW).
[Chú thích]
a Tùy theo hoàn cảnh, nên có những phép tắc trong phạm vi gia đình. Kinh-thánh ủy quyền cho cha mẹ quyết định các vấn đề cho con cái còn trong tuổi vị thành niên (Xuất Ê-díp-tô Ký 20:12; Châm-ngôn 6:20; Ê-phê-sô 6:1-3).
Các điểm để ôn lại
◻ Tại sao chúng ta nên thay đổi nếu có khuynh hướng nói năng tiêu cực hoặc chỉ trích?
◻ Chúng ta có thể làm gì để trở nên xây dựng hơn trong hội-thánh?
◻ Gương mẫu của Đức Chúa Trời về việc đặt ra nhiều luật lệ cho người khác là gì?
◻ Điều gì giúp các trưởng lão tránh đặt ra các luật lệ của loài người cho bầy chiên?