Đoàn kết cùng nhau đeo đuổi mục tiêu của sự sống
“Vả, sự sống đời đời là nhìn-biết Cha, tức là Đức Chúa Trời có một và thật, cùng Giê-su Christ, là đấng Cha đã sai đến” (GIĂNG 17:3).
1. a) Giê-su đã đề cập lần đầu tiên đến “sự sống đời đời” vào dịp nào? b) Ai có thể đạt đến mục tiêu này?
Trời sẩm tối khi người đó lẳng lặng đến nên không ai để ý. Đó là Ni-cô-đem. Ông lấy làm cảm kích về các phép lạ mà Giê-su thực hiện tại Giê-ru-sa-lem vào dịp lễ Vượt qua năm 30 tây lịch. Đây là lần đầu tiên mà Kinh-thánh ghi chép rằng Con của Đức Chúa Trời đã đề cập đến “sự sống đời đời” khi nói chuyện với người Pha-ri-si này và ngài nói tiếp các lời khích lệ sau đây: “Vì Đức Chúa Trời yêu-thương thế-gian, đến nỗi đã ban Con một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy không bị hư-mất mà được sự sống đời đời” (Giăng 3:15, 16). Thật một dịp tốt đẹp thay dành cho nhân gian có thể được cứu chuộc! Và ngay cả một người Pha-ri-si tự đắc cũng có thể trở thành khiêm nhường hầu đạt được mục tiêu này.
2. a) Giê-su lại nói một lần nữa về “sự sống đời đời” trong trường hợp nào? b) Nước ban sự sống dành cho ai?
2 Ít lâu sau đó Giê-su rời thành Giê-ru-sa-lem để đến miền Ga-li-lê. Ngài dừng chân cạnh một cái giếng ở vùng Sa-ma-ri trong khi các môn đồ ngài đi mua thức ăn. Một người đàn bà đi đến múc nước giếng. Giê-su nói cùng bà rằng: “Ai uống nước ta sẽ cho, thì chẳng hề khát nữa. Nước ta cho sẽ thành một mạch nước trong người đó, văng ra đến sự sống đời đời” (Giăng 4:14). Dân Sa-ma-ri vốn vẫn bị người Do-thái khinh dể, thế thì tại sao Giê-su lại ban mối hy vọng quý báu dường ấy cho người đàn bà này? Hơn nữa, Giê-su thừa biết bà ta đã có năm đời chồng và hiện đang sống chung với một người không phải là chồng bà. Thế nhưng, theo lời phán của Giê-su, nước của lẽ thật ban cho sự sống đời đời phải có sẵn cho mọi người, ngay cả cho những người đáng khinh miệt trong thế gian, nếu họ ăn năn và chỉnh đốn lại lối sống của họ (So sánh Cô-lô-se 3:5-7).
3. a) Giê-su đề xướng loại “thức ăn” gì? b) Giăng 4:34-36 đã được ứng nghiệm như thế nào?
3 “Sự sống đời đời”! Giê-su giảng thêm về chủ đề này khi các môn đồ trở về và thúc giục ngài dùng bữa. Giê-su nói cùng họ: “Đồ-ăn của ta tức là làm theo ý-muốn của Đấng sai ta đến, và làm trọn công-việc Ngài”. Công việc gì đây? Giê-su trả lời: “Hãy nhướng mắt lên và xem đồng-ruộng đã vàng sẵn cho mùa gặt. Con gặt đã lãnh tiền công mình và thâu-chứa hoa-lợi cho sự sống đời đời”. Mùa gặt sắp sửa đến, ngay cả giữa đám dân Sa-ma-ri hèn mọn, và sự tường thuật cho thấy mùa gặt đã được thực hiện mang lại nhiều vui mừng (Giăng 4:34-36; Công-vụ các Sứ-đồ 8:1, 14-17). Công việc gặt cho sự sống đời đời tiếp tục cho đến ngày nay, song nay đồng ruộng là nguyên cả thế gian này. Các môn đồ của Giê-su hiện còn lắm việc phải hoàn tất cho Chúa (Ma-thi-ơ 13:37, 38; I Cô-rinh-tô 15:58).
“Sự ban cho sự sống”
4. Giê-su trả lời thế nào cho dân Giu-đa về việc giữ ngày Sa-bát?
4 Một năm trôi qua. Bấy giờ lại đến kỳ lễ Vượt qua năm 31 tây lịch. Theo tục lệ, Giê-su có mặt tại thành Giê-ru-sa-lem để dự lễ. Nhưng các người Do-thái muốn bắt bớ ngài vì ngài thực hiện các công việc chữa bịnh đầy yêu thương trong ngày Sa-bát. Giê-su trả lời cho họ như thế nào? Ngài nói: “Cha ta làm việc cho đến bây giờ, ta đây cũng làm việc như vậy”. Do đó họ tìm cách giết ngài (Giăng 5:17, 18).
5, 6. a) Bấy giờ Giê-su mô tả sự đoàn kết quý báu nào? b) Giê-su có “sự sống trong mình” trên phương diện nào?
5 Song Giê-su phán tiếp để mô tả một dây liên lạc quý báu nhất, sự đoàn kết hay đồng nhất, hiện hữu giữa ngài cùng Cha. Giê-su nói với dân Do-thái: “Cha yêu Con và tỏ cho mọi điều Cha làm; Cha sẽ tỏ cho Con công-việc lớn-lao hơn những việc nầy nữa, để các ngươi lấy làm lạ-lùng”. Ngài cho thấy Cha đã ban cho ngài quyền lực phi thường khi ngài nói: “Ai nghe lời ta mà tin Đấng đã sai ta, thì được sự sống đời đời, và không đến sự phán-xét, song vượt khỏi sự chết mà đến sự sống” (Giăng 5:20, 24).
6 Đúng vậy, ngay cả những người “chết” dưới mắt của Đức Chúa Trời vì tội lỗi di truyền của họ cũng có thể “nghe tiếng của Con Đức Chúa Trời” và được sống. Nhưng bằng cách nào? Giê-su giải thích: “Vì như Cha có sự sống trong mình, thì Cha cũng đã ban cho Con có sự sống trong mình vậy”. Các chữ “sự sống trong mình” cũng có thể được dịch là “sự ban cho sự sống trong mình” (Giăng 5:25, 26, lời chú giải bên dưới trong NW Ref. Bi.). Như vậy, Giê-su có khả năng ban cho nhân loại một địa vị tốt trước mặt Đức Chúa Trời. Hơn nữa, ngài có thể hồi sinh và ban sự sống cho những người đã «ngủ giấc ngàn thu» (Giăng 11:25; Khải-huyền 1:18).
7. a) Thi-thiên 36:5, 9 cho chúng ta biết gì về Đức Chúa Trời? b) Đức Giê-hô-va đã ban thưởng cho Con trung thành của Ngài như thế nào?
7 Đức Giê-hô-va vốn luôn luôn có sự sống trong chính mình. Có lời viết về Ngài: “Vì nguồn sự sống ở nơi Chúa” (Thi-thiên 36:5, 9). Nhưng bây giờ Cha đã làm cho Con trung thành của Ngài sống lại từ kẻ chết như thể “là trái đầu mùa của những kẻ ngủ”. Giờ đây, nhờ có “sự ban cho sự sống trong mình”, Giê-su được Cha ban cho quyền lực tha thứ tội lỗi, phán xét và làm người chết sống lại, với triển vọng là sự sống đời đời (I Cô-rinh-tô 15:20-22; Giăng 5:27-29; Công-vụ các Sứ-đồ 17:31).
Một sự đoàn kết đầy vui mừng
8, 9. a) Chúng ta có thể tiếp tục nhắm mục tiêu của sự sống đời đời như thế nào? b) Đức Chúa Trời có sự sắp đặt gì cho sự sống đời đời? c) Ai được dự phần trong sự ban phước này và như thế nào?
8 Do đó, tín đồ của Giê-su là Giu-đe nhắc nhở chúng ta: “Hãy giữ mình trong sự yêu-mến Đức Chúa Trời, và trông-đợi sự thương-xót của Đức Chúa Giê-su Christ chúng ta cho được sự sống đời đời” (Giu-đe 21). Sự sống đời đời quả là một mục tiêu quý báu thay! Và đó là sự sống trong sự hoàn toàn, đúng theo ý muốn của Đấng Tạo hóa hoàn toàn của chúng ta và theo sự sắp đặt của Ngài qua trung gian của Con Ngài. Đời sống sẽ không còn vất vả như ta thường thấy ngày nay vì người ta phải tranh đấu để sống còn trong hệ thống hiện tại. Trong hệ thống mới, sự sầu não, bịnh tật, tội ác, tham những, ngay chính cả sự chết, sẽ không còn nữa! (Mi-chê 4:3, 4; I Cô-rinh-tô 15:26).
9 Ai sẽ dự phần trong sự thực hiện các lời hứa này và ở đâu? Đó là những người thực hành đức tin nơi sự hy sinh của Giê-su và thêm vào đức tin có những công việc thánh khiết. Họ đồng tâm kết hợp với các tín đồ đấng Ky-tô ở khắp nơi trên thế giới trong mối đoàn kết của đức tin (Gia-cơ 2:24; Ê-phê-sô 4:16).
10. a) Trong sự sắp đặt của Đức Chúa Trời, điều chi đến trước? b) Sau đó có sự sắp đặt gì?
10 Theo như ý muốn của Ngài, Đức Chúa Trời đã làm “sự định trước [quản trị để]... hội-hiệp muôn vật lại trong đấng Christ, cả vật ở trên trời và vật ở dưới đất” (Ê-phê-sô 1:8-10). Đó là sự sắp đặt trong gia đình của Đức Chúa Trời, bắt đầu với sự hội hiệp của 144.000 người đồng kế tự với Giê-su. Những người này “được chuộc từ trong loài người, để làm trái đầu mùa cho Đức Chúa Trời và Chiên Con [Giê-su]. Họ có phần trong “sự sống lại thứ nhứt [trên trời]” để họ có thể phụng sự cùng với Giê-su với tư cách là vua và thầy tế lễ trong thời gian một ngàn năm. Kế đó, sự sắp đặt của Đức Chúa Trời là hội hiệp “các vật ở dưới đất”, khởi đầu là đám đông “vô-số người, không ai đếm được, bởi mọi nước, mọi chi-phái, mọi dân-tộc, mọi tiếng mà ra”. Các tôi tớ này của Đức Chúa Trời sẽ sống sót qua cơn “đại-nạn” với hy vọng được sống đời đời trong “đất mới” (Khải-huyền 14:1, 4; 20:4, 6; 7:4, 9-17; 21:1, 4).
11. a) Ê-phê-sô 1:11 đề cập đến sự đoàn kết quý báu nào? b) Giăng 15:4, 5 áp dụng thế nào cho những người trong sự “đoàn kết” này?
11 Các con trai của Đức Chúa Trời, được xức dầu bởi thánh linh và là “các vật ở trên trời” hưởng một liên lạc rất mật thiết với Giê-su và Cha. Họ “nên kẻ dự phần kế-nghiệp như đã định trước”, nhận lãnh Nước Trời cùng với Giê-su (Ê-phê-sô 1:11). Giê-su khuyến khích họ luôn luôn đoàn kết với ngài, giống như các nhánh phải gắn liền với cây nho, hầu sanh nhiều hoa quả. Sự đoàn kết quý báu với Giê-su là tối cần thiết vì nếu không, các nhánh “chẳng làm chi được” (Giăng 14:10, 11, 20; 15:4, 5; I Giăng 2:27).
Các “chiên khác” nay được dự phần
12. a) Các “chiên khác” có sự liên lạc gì với “bầy nhỏ”? b) I Giăng 2:1-6 được áp dụng như thế nào đối với mỗi nhóm này?
12 Thế nhưng còn về hàng triệu người khác giống như chiên đã được tách khỏi bầy “dê” của thế gian từ 50 năm nay thì sao? (Ma-thi-ơ 25:31-40). Những người này không thuộc “bầy nhỏ” của Giê-su được ban cho Nước Trời, nhưng với tư cách là “chiên khác”, họ liên kết với “bầy nhỏ” để hợp thành một bầy lớn đồng phụng sự trong sự đoàn kết với Cha và Con (Lu-ca 12:32; Giăng 10:16). Sứ đồ Giăng đoan chắc là Giê-su làm “của-lễ chuộc tội-lỗi chúng ta [tức những người trong «bầy nhỏ»], không những vì tội-lỗi của chúng ta thôi đâu, mà cũng vì tội-lỗi của cả thế-gian nữa”. Như thế các “chiên khác” này, được hội hiệp từ trong nhân gian, cũng có thể hưởng sự đoàn kết hoặc đồng nhất quý báu với Đức Chúa Trời và đấng Ky-tô. Điều này tương tự như lời nói của Giăng: “Ai giữ lời phán Ngài, thì lòng kính-mến Đức Chúa Trời thật là trọn-vẹn trong người ấy. Bởi đó, chúng ta biết mình ở trong Ngài”. Trước tiên là “bầy nhỏ”, sau đó là các “chiên khác” đều phải đồng đi theo gương của Giê-su (I Giăng 2:1-6).
13. a) Theo Giăng 17:20, 21 Giê-su cầu nguyện cho điều gì? b) Điều chi cho thấy lời cầu xin này không hạn chế cho những người đồng kế tự với đấng Ky-tô?
13 Như vậy, ngày nay cả hai nhóm, nhóm có hy vọng sống trên trời và nhóm sống trên đất, đều “hiệp nhất với Cha và Con”—hoàn toàn cùng một ý với họ trong khi hoàn tất công việc của Đức Chúa Trời. Giê-su cầu nguyện “cho ai nấy hiệp làm một, như Cha ở trong Con, và Con ở trong Cha; lại để cho họ cũng ở trong chúng ta”. Sự hiệp nhất này không hạn chế trong ý nghĩa đồng kế tự, vì các môn đồ của Giê-su rõ ràng không thuộc “thân-thể của Đức Giê-hô-va” hoặc “đồng kế-tự với Đức Giê-hô-va”. Họ “hiệp làm một” với ý nghĩa là họ bày tỏ sự đồng nhất trong sự hợp tác, đồng tâm nhất trí với cả Đức Giê-hô-va và đấng Ky-tô, khi họ làm chứng cho nhân gian (Giăng 17:20, 21).
14. Nhóm người có hy vọng lên trời hưởng sự hiệp nhất với đấng Ky-tô cách đặc biệt như thế nào, và điều chi giúp họ ý thức được như vậy?
14 Tuy nhiên, những người thuộc nhóm được xức dầu với hy vọng lên trời đang hưởng sự hiệp nhất đặc biệt, vì họ đã được xưng công bình để nhận sự sống, qua sự áp dụng giá chuộc của đấng Christ. Do đó, họ có thể được sanh bởi thánh linh với triển vọng trở nên đồng kế tự với Giê-su Christ. Họ nhận biết họ được trở thành con của Đức Chúa Trời khi nói rằng: “Chính thánh-linh (sanh hoạt lực của Đức Chúa Trời) làm chứng cho lòng chúng ta rằng chúng ta là con-cái Đức Chúa Trời” (Rô-ma 3:23, 24; 5:1; 8:15-18).
15. Hiện tại và tương lai dành điều chi cho những người có hy vọng sống trên đất?
15 Về phần những người có hy vọng được sống trên đất, bây giờ họ được xưng công bình như thể là bạn của Đức Chúa Trời, giống như trường hợp của Áp-ra-ham, Ra-háp và những người khác thời xưa. Trong thời kỳ trị vì một ngàn năm của đấng Christ, họ dần dần sẽ trở nên hoàn toàn, để rồi sau lần thử thách cuối cùng “muôn vật...sẽ được giải-cứu khỏi làm tôi-mọi sự hư-nát, đặng dự phần trong sự tự-do vinh-hiển của con-cái Đức Chúa Trời” (Rô-ma 8:19-21; Gia-cơ 2:21-26). Như vậy, các người vâng phục Đức Chúa Trời sẽ được xưng công bình để nhận lãnh sự sống đời đời trên đất (So sánh Giăng 10:10; Ê-sai 9:7; 11:1-9; 35:1-6; 65:17-25).
16. a) Trên phương diện nào “bầy nhỏ” và “chiên khác” chứng tỏ sự đoàn kết với nhau? b) Nhưng tại sao Giăng 3:3-5 chỉ áp dụng cho “bầy nhỏ” mà thôi?
16 Với tư cách cá nhân những người thuộc “bầy nhỏ” và đám đông các “chiên khác” đều bảy tỏ sự hăng hái vui vẻ trong việc phụng sự Đức Chúa Trời (Lu-ca 12:32; Giăng 10:16; Tít 2:13, 14). Phần lớn các người xức dầu còn sót lại thường lớn tuổi hơn và có nhiều kinh nghiệm trong thánh chức hơn, song cả hai nhóm đều bày tỏ nhân cách của người tín đồ đấng Ky-tô và có bông trái của thánh linh (Ê-phê-sô 4:24; Ga-la-ti 5:22, 23). Song le, có một sự khác biệt, như Giê-su giải thích cho Ni-cô-đem ngay trước khi ngài đề cập đến sự sống đời đời. Ngài nói: “Nếu một người chẳng sanh lại, thì không thể thấy được nước Đức Chúa Trời” (Giăng 3:3-5). Như vậy, sự sanh lại theo nghĩa thiêng liêng phải xảy ra cho những tín đồ đã chịu báp-têm mà được Đức Chúa Trời chọn để đồng kết tự với Giê-su trong Nước của Ngài (I Cô-rinh-tô 1:9, 26-30). Các “chiên khác” không cần có sự sanh lại này, vì mục tiêu của họ là sống đời đời trong địa-đàng được tái lập với tư cách là dân sự của Nước Trời (Ma-thi-ơ 25:34, 46b; Lu-ca 23:42, 43).
Lễ Kỷ niệm và giao ước mới
17. a) Tại sao tất cả những ai nhắm đến sự sống đời đời nên nhóm họp lại với dân sự Đức Chúa Trời vào ngày lễ kỷ niệm sự chết của Giê-su? b) Chúng ta lưu ý điều gì về Lễ Kỷ niệm năm 1986?
17 Ngày 12 tháng 4 năm 1987, sau khi mặt trời lặn là lúc các Nhân-chứng Giê-hô-va trên khắp đất sẽ cử hành Lễ Kỷ niệm sự chết của Giê-su. Mọi sự chú ý được tập trung vào Giê-su là đấng đã hy sinh thân thể hoàn toàn và huyết của ngài để làm vinh hiển danh và ý định của Cha ngài và làm giá chuộc cho loài người tội lỗi (I Cô-rinh-tô 11:23-26). Do đó tất cả những ai nhắm đến sự sống đời đời (dù ở trên trời hoặc dưới đất) đều nên nhóm họp lại với dân sự của Đức Chúa Trời khắp đất vào dịp vui mừng này. Năm 1986 có tất cả 8.160.597 người đã dự lễ kỷ niệm sự chết của Giê-su. Song số người tham dự vào việc ăn bánh và uống rượu của Lễ Kỷ niệm, tượng trưng cho thân thể và huyết của Giê-su, chỉ vỏn vẹn có 8.927 người. Tại sao ít vậy?
18, 19. a) Giê-su đề cập đến các giao ước nào nơi Lu-ca đoạn 22? b) Mỗi giao ước có mục tiêu gì? c) Giống như Môi-se thuở xưa, Giê-su phụng sự với tư cách là “đấng trung-bảo” như thế nào?
18 Giê-su đã nói gì buổi tối ấy khi ngài lập ra lễ kỷ niệm sự chết của ngài? Sau khi chuyền bánh cho các môn đồ, ngài chuyền rượu cách tương tự và nói: “Chén nầy là giao-ước mới trong huyết ta vì các ngươi mà đổ ra”. Sau đó ngài giải thích thêm lý do tại sao họ được vào giao ước mới. Ngài nói: “Còn như các ngươi, đã bền lòng theo ta trong mọi sự thử-thách ta, nên ta ban nước cho các ngươi, cũng như Cha ta đã ban cho ta vậy, để các ngươi được ăn uống chung bàn trong nước ta, và được ngồi ngai để xét-đoán mười hai chi-phái Y-sơ-ra-ên” (Lu-ca 22:19, 20, 28-30).
19 Nhà tiên tri Giê-rê-mi đã báo trước về giao ước mới, khi ông nói rằng qua trung gian của giao ước này Đức Giê-hô-va sẽ tha thứ những lỗi lầm và tội lỗi của dân Ngài hầu cho họ “nhận-biết Đức Giê-hô-va” trong một liên lạc mật thiết nhất (Giê-rê-mi 31:31, 34). Cũng giống như Môi-se là người “trung-bảo” của giao ước luật pháp với dân Y-sơ-ra-ên xác thịt, thì nay Giê-su thành “đấng trung-bảo của giao-ước tốt hơn” mà Đức Chúa Trời lập ra với “dân Y-sơ-ra-ên (thiêng liêng) của Đức Chúa Trời”. Điều này giúp cứu chuộc những người được kêu gọi để đồng kế tự với Giê-su trong Nước Trời. Như vậy họ “nhận-lãnh cơ-nghiệp đời đời đã hứa cho mình” (Ga-la-ti 3:19, 20; 6:16; Hê-bơ-rơ 8:6; 9:15; 12:24). Chính theo nghĩa đặc biệt này của Kinh-thánh mà Giê-su phụng sự với tư cách là “đấng trung-bảo giữa Đức Chúa Trời và loài người” (I Ti-mô-thê 2:5, 6).
20. a) Ai được dùng rượu và bánh ở Lễ Kỷ niệm? b) Tại sao vậy?
20 Như vậy, ai có thể dùng bánh và rượu trong Lễ Kỷ niệm? Chỉ có nhóm người được Đức Chúa Trời cho dự phần vào giao ước dựa vào sự hy sinh của Giê-su (Thi-thiên 50:5). Mục tiêu của giao ước này là để cho số 144.000 người được đồng kế tự với Giê-su nhận lãnh quyền được sống với tư cách là con người trước đã, rồi sau đó họ từ bỏ quyền được sống này để được nhận vào Nước Trời (Rô-ma 4:25; II Ti-mô-thê 2:10, 12). Nhưng về phần các “chiên khác” thì sao?
21. a) Các “chiên khác” có thể hưởng những lợi ích gì khi đến quan sát Lễ Kỷ niệm? b) Lễ Kỷ niệm chú trọng đến điều gì, và câu hỏi nào được nêu lên?
21 Những người thuộc nhóm “chiên khác” không có phần trong giao ước mới và như vậy không ăn bánh uống rượu. Tuy nhiên, tất cả có thể hưởng nhiều lợi ích khi đến dự Lễ Kỷ niệm với tư cách là người quan sát đầy lòng tôn kính. Lòng biết ơn của họ về những điều thiêng liêng được gia tăng, phù hợp với lời cầu nguyện của Giê-su cùng Cha ngài: “Sự sống đời đời là nhìn-biết Cha, tức là Đức Chúa Trời có một và thật, cùng Giê-su Christ, là đấng Cha đã sai đến” (Giăng 17:3). Xin hãy ghi nhớ, buổi Lễ Kỷ niệm chú trọng đến thân thể và huyết của Giê-su. Thân thể và huyết mà Giê-su đã hy sinh là tối quan trọng cho tất cả những ai muốn đeo đuổi mục tiêu của sự sống đời đời. Điều này là đúng đối với các “chiên khác” như thế nào, trong khi họ không được dự vào giao ước mới và không dùng rượu và bánh trong Lễ Kỷ niệm? Chúng ta sẽ xem xét điều này trong bài học tới.
Bạn sẽ trả lời thế nào?
◻ Giê-su đã dần dần giúp các môn đồ hiểu về hy vọng sống đời đời như thế nào?
◻ Đức Chúa Trời đã xúc tiến với ý định hội hiệp muôn vật của Ngài như thế nào?
◻ Tại sao có thể nói là các “chiên khác” đoàn kết với Cha, Con và các anh em của đấng Ky-tô?
◻ Tại sao chỉ những tín đồ đấng Ky-tô được xức dầu mới dùng các món biểu hiệu của Lễ Kỷ niệm?
[Hình nơi trang 9]
“Bầy nhỏ” và “chiên khác” “hiệp làm một”—đồng làm công việc của Đức Chúa Trời như Giê-su đã làm