Bạn có thể tìm được bình an trong thế giới hỗn loạn?
Bạn có bình an không? Đối với nhiều người, rõ ràng câu trả lời là không. Họ sống trong những vùng có chiến tranh, bất ổn chính trị, bạo động giữa các sắc tộc hay khủng bố. Dù tránh được những tai họa này, nhưng tội ác, sự quấy rối và các tranh chấp giữa những người hợp tác trong kinh doanh hoặc với hàng xóm có thể khiến bạn mất bình an. Cũng thế, gia đình thường giống như chiến trường hơn là chốn bình yên.
Nhiều người ao ước tìm được bình an nội tâm. Họ có thể tìm sự bình an ấy qua tôn giáo, các lớp dạy thiền hoặc tập yoga. Những người khác hy vọng tìm được sự bình an trong thiên nhiên, bằng cách đi du lịch, đi bộ trên vùng núi và những vùng hoang vắng, hoặc đến các suối nước khoáng. Dù những người này dường như tìm được phần nào bình an nội tâm, nhưng họ nhanh chóng nhận ra sự bình an ấy thật hời hợt và ngắn ngủi.
Vậy, bạn có thể tìm được bình an thật nơi đâu? Nguồn của sự bình an là Đấng Tạo Hóa, Giê-hô-va Đức Chúa Trời. Tại sao thế? Ngài là “Đức Chúa Trời bình-an” (Rô-ma 15:33). Chẳng bao lâu nữa, Nước của Đức Chúa Trời sẽ mang lại “bình-an dư-dật” (Thi-thiên 72:7; Ma-thi-ơ 6:9, 10). Sự bình an này vượt trội hơn sự bình an tạm bợ do các hiệp ước hòa bình mang lại. Những hiệp ước ấy thường chỉ đem lại một giai đoạn đình chiến ngắn ngủi. Nhưng sự bình an của Đức Chúa Trời sẽ loại trừ mọi nguyên nhân gây ra chiến tranh và xung đột. Thật thế, sẽ không bao giờ có chiến tranh nữa (Thi-thiên 46:8, 9). Cuối cùng nhân loại cũng có bình an thật sự!
Dù hy vọng này thật tuyệt vời, nhưng có lẽ bạn mong muốn có bình an ở một mức độ nào đó ngay bây giờ. Vậy, có cách nào tìm được bình an nội tâm để giúp bạn đương đầu với thời kỳ hỗn loạn này không? Hạnh phúc thay, Kinh Thánh chỉ cho chúng ta cách để tìm được sự bình an đó. Hãy xem xét một số hướng dẫn nơi chương 4 của lá thư sứ đồ Phao-lô gửi anh em ở thành Phi-líp. Chúng tôi mời bạn đọc trong cuốn Kinh Thánh của mình từ câu 4 đến 13.
“Sự bình-an của Đức Chúa Trời”
Chúng ta đọc câu 7: “Sự bình-an của Đức Chúa Trời vượt-quá mọi sự hiểu-biết, sẽ giữ-gìn lòng và ý-tưởng anh em trong Đức Chúa Jêsus-Christ”. Sự bình an này không có được nhờ ngồi thiền hoặc vun trồng nhân cách, nhưng đến từ Đức Chúa Trời. Sự bình an này có tác động mạnh đến mức “vượt-quá mọi sự hiểu-biết”. Chắc chắn, nó vượt lên trên mọi lo lắng, hiểu biết và lý luận của chúng ta. Có lẽ chúng ta không tìm được giải pháp cho các vấn đề của mình, nhưng sự bình an của Đức Chúa Trời giúp chúng ta có hy vọng vững chắc là một ngày kia mọi vấn đề sẽ tan biến.
Điều này không thể nào xảy ra chăng? Đúng, theo quan điểm của con người, nhưng “Đức Chúa Trời làm mọi sự được cả” (Mác 10:27). Nhờ niềm tin và lòng tin cậy nơi Đức Chúa Trời, chúng ta chế ngự được mọi nỗi lo. Hãy thử nghĩ đến đứa trẻ bị lạc trong một cửa hàng lớn. Em biết chắc điều mình phải làm là tìm cho được mẹ, rồi mọi chuyện sẽ đâu vào đấy. Khi đứa trẻ tìm được mẹ, bà sẽ ôm em vào lòng và an ủi em. Tương tự thế, chúng ta có thể tin cậy Đức Chúa Trời sẽ ôm chúng ta vào lòng, theo nghĩa bóng. Ngài sẽ an ủi chúng ta và xua tan mọi lo lắng.
Nhiều người thờ phượng Đức Giê-hô-va từng cảm nghiệm sự bình an của Ngài qua những thử thách cam go nhất. Chẳng hạn, hãy xem xét trường hợp chị Nadine đã bị sẩy thai. Chị kể lại: “Tôi thấy khó nói về cảm xúc của mình và cố che giấu nỗi đau buồn. Nhưng trong thâm tâm, lòng tôi tan nát. Hầu như mỗi ngày, tôi trải lòng mình với Đức Giê-hô-va qua lời cầu nguyện và khẩn xin Ngài giúp đỡ. Tôi cảm nhận được quyền lực của lời cầu nguyện, vì bất cứ khi nào cảm thấy đau khổ tột cùng và nghĩ rằng: “Mình không thể chịu đựng hơn nữa” thì tôi lại có được sự thanh thản và bình an nội tâm. Tôi thấy mình được an toàn và được chở che”.
Bảo vệ lòng và trí
Hãy trở lại Phi-líp 4:7. Câu này cho biết sự bình an của Đức Chúa Trời sẽ giữ gìn lòng và ý tưởng của chúng ta. Như người lính gác nơi được chỉ định, sự bình an của Đức Chúa Trời gìn giữ lòng chúng ta để chủ nghĩa duy vật, những lo lắng không cần thiết và các tiêu chuẩn không phù hợp với Đức Chúa Trời không xâm nhập tâm trí chúng ta. Hãy xem một thí dụ.
Trong thế giới hỗn loạn này, nhiều người tin rằng để có được hạnh phúc và an toàn thì cần phải có nhiều tài sản. Theo lời khuyên của các chuyên gia, họ có thể đầu tư một phần tiền tiết kiệm vào chứng khoán. Vậy, họ có thật sự bình an không? Không nhất thiết như thế. Mỗi ngày, có thể họ phải lo kiểm tra giá cổ phiếu, không biết nên mua, bán hay giữ lại. Khi thị trường chứng khoán sụt giảm, có thể họ bị hoảng loạn. Chắc chắn, Kinh Thánh không lên án việc đầu tư tiền của, nhưng đưa ra lời khuyên sáng suốt như sau: “Kẻ tham tiền-bạc chẳng hề chán-lắc tiền-bạc; kẻ ham của-cải chẳng hề chán về huê-lợi. Điều đó cũng là sự hư-không. Giấc ngủ của người làm việc là ngon, mặc dầu người ăn ít hay nhiều; nhưng sự chán-lắc làm cho người giàu không ngủ được”.—Truyền-đạo 5:10, 12.
Phi-líp 4:7 kết luận bằng cách nói sự bình an của Đức Chúa Trời sẽ gìn giữ lòng và ý tưởng chúng ta “trong Đức Chúa Jêsus-Christ”. Giữa Chúa Giê-su và sự bình an của Đức Chúa Trời có mối liên hệ nào? Chúa Giê-su đóng vai trò then chốt trong việc hoàn thành ý định của Đức Chúa Trời. Chúa Giê-su đã hy sinh mạng sống, nhờ thế chúng ta có thể được giải thoát khỏi tội lỗi và sự chết (Giăng 3:16). Ngài cũng là Vua của Nước Đức Chúa Trời. Hiểu về vai trò của Chúa Giê-su có thể góp phần rất lớn vào sự bình an tâm trí của chúng ta. Tại sao?
Nếu chúng ta thành thật ăn năn tội lỗi và nài xin được tha thứ dựa trên niềm tin nơi sự hy sinh của Chúa Giê-su, Đức Chúa Trời sẽ tha thứ. Điều này giúp chúng ta có được bình an tâm trí (Công-vụ 3:19, 20). Khi nhận thức rằng chúng ta không thể vui hưởng đời sống cách trọn vẹn nhất cho tới khi Nước của Đức Chúa Trời đến, chúng ta tránh sống cuồng sống vội như thể chẳng có tương lai (1 Ti-mô-thê 6:19). Tất nhiên, chúng ta không tránh được mọi vấn đề, nhưng có thể tìm được sự an ủi qua hy vọng vững chắc rằng chẳng bao lâu nữa đời sống tốt đẹp nhất sẽ đến.
Những cách để tìm được sự bình an của Đức Chúa Trời
Vậy, bạn có thể tìm được sự bình an của Đức Chúa Trời qua những cách nào? Chúng ta tìm được vài gợi ý nơi Phi-líp 4:4, 5: “Hãy vui-mừng trong Chúa luôn luôn. Tôi lại còn nói nữa: hãy vui-mừng đi. Hãy cho mọi người đều biết nết nhu-mì [“tính phải lẽ”, NW] của anh em. Chúa đã gần rồi”. Khi viết những lời này, ông Phao-lô bị tù oan tại Rô-ma (Phi-líp 1:13). Thay vì than thở về sự bất công mình đang chịu, ông khích lệ anh em đồng đạo hãy luôn vui mừng trong Chúa. Rõ ràng, niềm vui của ông tùy thuộc vào mối quan hệ với Đức Chúa Trời, chứ không tùy thuộc vào hoàn cảnh. Chúng ta cũng cần học cách để có được niềm vui khi phụng sự Đức Chúa Trời dù gặp bất cứ cảnh ngộ nào. Càng hiểu về Đức Giê-hô-va và làm theo ý định Ngài nhiều hơn, chúng ta càng nhận được nhiều niềm vui khi phụng sự Ngài. Nhờ làm thế, chúng ta sẽ thỏa nguyện và có bình an nội tâm.
Ngoài ra, chúng ta được khuyến khích hãy phải lẽ. Nếu vun trồng tính phải lẽ, chúng ta sẽ không kỳ vọng quá nhiều vào bản thân. Chúng ta biết mình không phải là người hoàn hảo, không thể giỏi hơn người khác trong mọi việc. Vậy, tại sao phải lo lắng làm thế nào để trở thành người hoàn hảo, hoặc ít ra cũng trội hơn mọi người? Chúng ta cũng không đòi hỏi người khác phải hoàn hảo. Vì thế, chúng ta có thể bình tĩnh khi người khác làm mình khó chịu. Từ nguyên thủy tiếng Hy Lạp được dịch là “phải lẽ”, cũng có nghĩa là “nhường nhịn”. Nếu trong các vấn đề liên quan đến sở thích cá nhân chúng ta biết nhường nhịn thì sẽ tránh được sự tranh cãi, là điều thường không mang lại lợi ích nhưng chỉ làm mất bình an với người khác cũng như sự bình an nội tâm trong một thời gian.
Lời tiếp theo nơi Phi-líp 4:5, “Chúa đã gần rồi”, có vẻ không phù hợp với văn mạch. Chẳng bao lâu nữa, Đức Chúa Trời sẽ đến và thế gian này sẽ được thay thế bằng một thế giới mới dưới sự cai trị của Nước Ngài. Tuy nhiên, hiện nay Ngài ở gần những người đến gần với Ngài (Công-vụ 17:27; Gia-cơ 4:8). Ý thức về sự gần gũi này giúp chúng ta vui mừng, phải lẽ và không lo lắng về những vấn đề trong hiện tại hoặc trong tương lai, như câu 6 cho thấy.
Khi xem câu 6 và 7, chúng ta nhận thấy sự bình an của Đức Chúa Trời có được nhờ lời cầu nguyện. Một số người quan niệm lời cầu nguyện chỉ là một hình thức của việc suy ngẫm. Họ nghĩ rằng bất kỳ hình thức cầu nguyện nào cũng có thể giúp lòng họ bình tịnh hơn. Tuy nhiên, Kinh Thánh nói về mối liên lạc chân thành với Đức Giê-hô-va, mối liên lạc mật thiết như khi một đứa trẻ chia sẻ niềm vui và lo lắng cho cha mẹ thân thương. Thật dễ chịu làm sao khi biết rằng chúng ta có thể đến với Đức Chúa Trời “trong mọi sự”. Dù vương vấn nỗi lo hoặc nặng trĩu nỗi buồn sâu kín, chúng ta đều có thể giải bày với Cha trên trời.
Câu 8 khuyến khích chúng ta tập trung vào những ý tưởng tích cực. Tuy nhiên, chỉ suy nghĩ về những điều tích cực thôi thì chưa đủ. Như được giải thích nơi câu 9, chúng ta cũng cần áp dụng những lời khuyên hữu ích trong Kinh Thánh. Khi làm thế, chúng ta sẽ có một lương tâm trong sạch. Câu châm ngôn phương tây sau đây thật đúng làm sao: Lương tâm thanh thản là chiếc gối êm!
Thật vậy, bạn có thể tìm được bình an nội tâm. Sự bình an ấy đến từ Giê-hô-va Đức Chúa Trời. Ngài ban điều đó cho những ai đến gần và muốn vâng theo sự hướng dẫn của Ngài. Khi xem xét Lời Ngài, tức Kinh Thánh, bạn có thể hiểu rõ ý tưởng của Ngài hơn. Làm theo những gì Ngài hướng dẫn không phải lúc nào cũng dễ. Nhưng mọi nỗ lực đều đáng công vì ‘Đức Chúa Trời của sự bình-an sẽ ở cùng bạn’.—Phi-líp 4:9.
[Câu nổi bật nơi trang 10]
‘Sự bình-an của Đức Chúa Trời sẽ giữ-gìn lòng anh em’.
[Câu nổi bật nơi trang 12]
Thật dễ chịu làm sao khi biết rằng chúng ta có thể đến với Đức Chúa Trời “trong mọi sự”