Bạn có theo đuổi con đường đạo đức không?
“Đều chi có nhơn-đức đáng khen, thì anh em phải nghĩ đến” (PHI-LÍP 4:8).
1. Sự đồi bại là gì, và tại sao nó không làm ô uế được sự thờ phượng Đức Giê-hô-va?
SỰ ĐỒI BẠI là tình trạng thối nát về luân lý. Sự đồi bại tràn ngập thế gian chúng ta đang sống (Ê-phê-sô 2:1-3). Tuy nhiên, Giê-hô-va Đức Chúa Trời sẽ không cho phép sự thờ phượng trong sạch của ngài bị ô uế. Các sách báo, buổi họp và hội nghị của đạo đấng Christ báo động chúng ta đúng lúc để tránh có hạnh kiểm gian ác. Lời khuyên hữu ích từ Kinh-thánh giúp chúng ta “mến sự lành” trước mặt Đức Chúa Trời (Rô-ma 12:9). Vậy tổ chức Nhân-chứng Giê-hô-va đang cố gắng hết sức giữ gìn đạo đức trong sạch. Nhưng còn đối với cá nhân chúng ta thì sao? Thật vậy, bạn có theo đuổi con đường đạo đức không?
2. Đạo đức là gì, và tại sao lại đòi hỏi phải cố gắng để giữ đạo đức?
2 Đạo đức là sự tuyệt hảo về luân lý, hành động và lối suy nghĩ ngay lành. Đây không phải là một đức tính thụ động mà là một đức tính tích cực và chủ động. Đạo đức không chỉ gồm có việc tránh phạm tội; mà còn có nghĩa là theo đuổi những điều tốt lành (I Ti-mô-thê 6:11). Sứ đồ Phi-e-rơ khuyên tín đồ đấng Christ: “Thêm cho đức-tin mình sự nhơn-đức [đạo đức, NW]”. Bằng cách nào? Bằng cách “phải gắng hết sức” (II Phi-e-rơ 1:5). Vì bản chất tội lỗi của chúng ta, giữ đạo đức đòi hỏi nhiều cố gắng. Tuy vậy, trong quá khứ những người biết kính sợ Đức Chúa Trời đã làm được như thế, ngay dù họ gặp những trở ngại to lớn.
Ông đã theo đuổi con đường đạo đức
3. Vua A-cha đã có những hành động gian ác nào?
3 Kinh-thánh có nhiều lời tường thuật về những người theo đuổi con đường đạo đức. Chẳng hạn, hãy xem xét một người đạo đức là Ê-xê-chia. Cha ông, vua A-cha của xứ Giu-đa, rõ ràng đã thờ phượng thần Mô-lóc. “A-cha được hai mươi tuổi khi người lên làm vua; người cai-trị mười sáu năm tại Giê-ru-sa-lem. Người chẳng làm đều thiện trước mặt Giê-hô-va Đức Chúa Trời người, như Đa-vít, tổ-phụ người, đã làm; nhưng người đi theo con đường của các vua Y-sơ-ra-ên, thậm-chí bắt-chước theo gương gớm-ghiếc của các dân-tộc Đức Giê-hô-va đã đuổi khỏi trước mặt dân Y-sơ-ra-ên, mà đưa con trai mình qua lửa. Người cũng cúng-tế và xông hương trên các nơi cao, trên gò và dưới các cây rậm” (II Các Vua 16:2-4). Một số người cho rằng việc ‘đưa qua lửa’ chỉ đến một loại nghi thức tẩy uế nào đó chứ không phải là dâng người để tế thần. Tuy nhiên, cuốn sách do John Day viết Molech—A God of Human Sacrifice in the Old Testament, nhận xét: “Các nguồn tư liệu cổ điển và của dân Punic [Carthaginian] cũng như khảo cổ học, đưa ra bằng chứng là dân Ca-na-an đã dâng người để tế thần, và vì thế không còn lý do để nghi ngờ khi phần Cựu Ước ám chỉ đến sự [dâng người để tế thần]”. Hơn nữa, II Sử-ký 28:3 nói một cách rõ ràng rằng A-cha “thiêu con-cái mình nơi lửa”. (So sánh Phục-truyền Luật-lệ Ký 12:31; Thi-thiên 106:37, 38). Thật là những hành vi gian ác!
4. Ê-xê-chia có hạnh kiểm như thế nào trong một môi trường đồi bại?
4 Ê-xê-chia đã xoay xở thế nào trong môi trường đồi bại như thế? Thi-thiên 119 là một bài đáng chú ý, vì một số người tin rằng chính Ê-xê-chia đã sáng tác bài này trong lúc ông vẫn còn là một hoàng tử (Thi-thiên 119:46, 99, 100). Cho nên chúng ta có thể biết được hoàn cảnh của ông qua những lời này: “Vua-chúa cũng ngồi nghị-luận nghịch tôi; song tôi-tớ Chúa suy-gẫm luật-lệ Chúa. Linh-hồn tôi, [không ngủ được, NW] vì ưu-sầu” (Thi-thiên 119:23, 28). Bị những người thực hành tôn giáo giả vây quanh, Ê-xê-chia có lẽ trở thành trò cười giữa cung vua, nhiều đến nỗi ông không ngủ được. Tuy vậy, ông đã theo đuổi con đường đạo đức, cuối cùng ông lên ngôi vua, và “làm đều thiện trước mặt Đức Giê-hô-va... Ê-xê-chia nhờ-cậy nơi Giê-hô-va Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên” (II Các Vua 18:1-5).
Họ giữ đạo đức
5. Đa-ni-ên và ba người bạn của ông đã gặp những thử thách nào?
5 Đa-ni-ên với ba người bạn Hê-bơ-rơ, tên là Ha-na-nia, Mi-sa-ên và A-xa-ria, cũng đã nêu gương về mặt đạo đức. Họ bị cưỡng ép rời quê hương và bị đày qua Ba-by-lôn. Ở đó người ta dùng tên Ba-by-lôn đặt cho bốn người trẻ này: Bên-tơ-xát-sa, Sa-đơ-rắc, Mê-sác, và A-bết-Nê-gô. Họ được mời ăn “đồ ngon vua ăn”, gồm có những thức ăn mà Luật Pháp Đức Chúa Trời cấm. Hơn nữa, họ bị buộc học một khóa dài ba năm về “học-thức và tiếng của người Canh-đê”. Điều này không chỉ gồm có việc học một ngôn ngữ khác, vì rất có thể từ ngữ “người Canh-đê” ở đây chỉ về giới trí thức. Vì thế, những người trai trẻ Hê-bơ-rơ này bị đặt trong môi trường có những dạy dỗ lệch lạc của người Ba-by-lôn (Đa-ni-ên 1:1-7).
6. Tại sao chúng ta có thể nói rằng Đa-ni-ên đã theo đuổi con đường đạo đức?
6 Mặc dù bị áp lực bắt họ phải tuân thủ phong tục Ba-by-lôn, Đa-ni-ên với ba người bạn đã chọn giữ đạo đức thay vì làm điều đồi bại. Đa-ni-ên 1:21 nói: “Đa-ni-ên cứ ở đó cho đến năm đầu đời vua Si-ru”. Đúng vậy, hơn 80 năm Đa-ni-ên “cứ” làm tôi tớ đầy đạo đức của Đức Giê-hô-va—trải qua bao thăng trầm của nhiều vua chúa quyền thế. Mặc dầu bị những quan chức tham nhũng mưu toan làm hại cũng như phải đương đầu với tình dục xấu xa thấm vào tôn giáo của người Ba-by-lôn, Đa-ni-ên vẫn trung thành với Đức Chúa Trời. Ông vẫn theo đuổi con đường đạo đức.
7. Chúng ta có thể học được điều gì từ đường lối mà Đa-ni-ên và ba người bạn của ông đã theo đuổi?
7 Chúng ta có thể học được rất nhiều từ Đa-ni-ên và ba người bạn biết kính sợ Đức Chúa Trời. Họ đã theo đuổi con đường đạo đức và không để văn hóa Ba-by-lôn đồng hóa. Mặc dù bị đặt tên bằng tiếng Ba-by-lôn, họ đã không bao giờ làm mất danh hiệu là tôi tớ Đức Giê-hô-va. Thật vậy, khoảng 70 năm sau, chính vị vua Ba-by-lôn đã gọi Đa-ni-ên bằng tên tiếng Hê-bơ-rơ! (Đa-ni-ên 5:13). Suốt cả cuộc đời lâu dài của ông, Đa-ni-ên đã giữ vững lập trường ngay cả trong những vấn đề nhỏ nhặt. Lúc còn trẻ, ông đã “quyết-định trong lòng rằng không chịu ô-uế bởi đồ ngon vua ăn” (Đa-ni-ên 1:8). Lập trường không lay chuyển này của Đa-ni-ên và ba người bạn của ông, chắc chắn đã thêm sức cho họ để vượt qua các vấn đề sinh tử họ phải đương đầu sau này (Đa-ni-ên, đoạn 3 và 6).
Theo đuổi con đường đạo đức ngày nay
8. Các tín đồ trẻ của đấng Christ có thể chống lại việc bị thế gian của Sa-tan đồng hóa như thế nào?
8 Giống như Đa-ni-ên và ba người bạn, dân Đức Chúa Trời ngày nay không để thế giới gian ác của Sa-tan đồng hóa (I Giăng 5:19). Nếu bạn là một tín đồ trẻ, bạn có thể phải chịu áp lực mạnh từ bạn bè để bắt chước sở thích quá đáng của chúng trong cách ăn mặc, chải chuốt và âm nhạc. Thay vì chạy theo phong trào nhất thời hoặc thời trang mới nhất, bạn hãy đứng vững và đừng để mình “làm theo đời nầy” (Rô-ma 12:2). “Chừa-bỏ sự không tin-kính và tình-dục thế-gian, phải sống ở đời nầy theo tiết-độ, công-bình, nhơn-đức” (Tít 2:11, 12). Điều quan trọng là bạn muốn có sự chấp nhận của Đức Giê-hô-va chứ không phải của bạn bè (Châm-ngôn 12:2).
9. Những tín đồ đấng Christ có thể gặp những áp lực nào trong thế giới thương mại, và họ phải có hạnh kiểm nào?
9 Những tín đồ trưởng thành cũng gặp nhiều áp lực và họ phải có đạo đức. Các tín đồ làm kinh doanh có thể bị cám dỗ để dùng những phương pháp khả nghi hoặc lờ đi các luật lệ của chính phủ và luật pháp về thuế má. Vậy thì, dù người cạnh tranh thương mại hoặc bạn cùng sở chúng ta xử sự thế nào, thì “chúng [ta]... muốn ăn-ở trọn-lành trong mọi sự” (Hê-bơ-rơ 13:18). Kinh-thánh đòi hỏi chúng ta phải thành thật và công bằng với chủ, nhân viên, khách hàng và chính quyền thế gian (Phục-truyền Luật-lệ Ký 25:13-16; Ma-thi-ơ 5:37; Rô-ma 13:1; I Ti-mô-thê 5:18; Tít 2:9, 10). Chúng ta cũng hãy cố gắng có thứ tự trong việc làm ăn. Bằng cách giữ sổ sách chính xác và viết xuống các thỏa thuận, chúng ta có thể thường tránh được những sự hiểu lầm.
Hãy thận trọng
10. Tại sao chúng ta cần phải ‘cẩn thận’ trong việc chọn lựa âm nhạc?
10 Thi-thiên 119:9 nêu rõ một khía cạnh khác của việc giữ đạo đức trước mắt Đức Chúa Trời. Người viết Thi-thiên đã hát: “Người trẻ tuổi phải làm sao cho đường-lối mình được trong sạch? Phải cẩn-thận theo lời Chúa”. Âm nhạc là một trong các vũ khí hữu hiệu nhất của Sa-tan vì âm nhạc có khả năng khích động tình cảm. Buồn thay, một số tín đồ đấng Christ đã không ‘cẩn-thận’ khi chọn lựa âm nhạc và họ bị lôi cuốn vào những hình thức âm nhạc quá đáng như ‘rap’ (nhạc nói nhịp) và nhạc kích động mạnh (heavy metal). Một số người có lẽ biện luận rằng loại âm nhạc như thế không hại đến họ hoặc họ không để ý đến lời nhạc. Một số khác thì nói rằng họ chỉ thích nghe một nhịp điệu mạnh hoặc âm thanh lớn của đàn ghi-ta. Tuy nhiên, đối với tín đồ đấng Christ, đây không phải là vấn đề sở thích. Mối quan tâm chính là điều đó có “vừa lòng Chúa” hay không (Ê-phê-sô 5:10). Nói chung, âm nhạc gây kích động mạnh và nhạc ‘rap’ cổ võ những điều đồi bại thô tục, dâm dục và ngay cả tôn thờ Sa-tan—những điều mà dân Đức Chúa Trời chắc chắn không nên làm (Ê-phê-sô 5:3).a Trẻ lẫn già, mỗi người chúng ta hãy nên ngẫm nghĩ kỹ về câu hỏi này: “Qua việc lựa chọn âm nhạc, tôi đang theo đuổi con đường đạo đức hay đồi bại?”
11. Một tín đồ đấng Christ có thể thận trọng đối với các chương trình truyền hình, vi-đê-ô và phim ảnh như thế nào?
11 Nhiều chương trình trên vô tuyến truyền hình, vi-đê-ô và phim ảnh cổ võ sự đồi bại. Theo một chuyên gia nổi tiếng về bệnh tâm thần, ‘chủ nghĩa khoái lạc, dục tính, bạo động, tham lam và ích kỷ’ chiếm ưu thế trong đa số các phim ảnh được sản xuất ngày nay. Vậy việc giữ thận trọng bao hàm việc chọn lọc những phim ảnh mà chúng ta muốn xem. Người viết Thi-thiên cầu nguyện: “Xin xây mắt tôi khỏi xem những vật hư-không” (Thi-thiên 119:37). Một tín đồ đấng Christ trẻ tên là Joseph đã áp dụng nguyên tắc này. Khi một phim nọ bắt đầu chiếu cảnh tình dục và bạo động, em rời rạp hát. Em ấy có bối rối khi làm thế không? Joseph nói: “Không, hoàn toàn là không. Em nghĩ đến Đức Giê-hô-va trước nhất và việc làm vui lòng ngài”.
Vai trò của việc học hỏi và suy gẫm
12. Tại sao việc học hỏi Kinh-thánh cá nhân và suy gẫm rất cần để theo đuổi con đường đạo đức?
12 Chỉ tránh làm điều xấu thì chưa đủ. Theo đuổi con đường đạo đức cũng bao gồm việc học hỏi và suy gẫm về những điều tốt lành được ghi trong Lời Đức Chúa Trời hầu áp dụng các nguyên tắc công bình của Kinh-thánh trong cuộc sống. Người viết Thi-thiên đã thốt lên: “Tôi yêu-mến luật-pháp Chúa biết bao! Trọn ngày tôi suy-gẫm luật-pháp ấy” (Thi-thiên 119:97). Bạn có dành thì giờ trong thời khóa biểu hàng tuần để học hỏi Kinh-thánh cá nhân và các sách báo của đạo đấng Christ không? Thật vậy, dành thì giờ để chăm chỉ học hỏi Lời Đức Chúa Trời và thành tâm suy gẫm về những điều mình học có thể là một sự thách đố. Tuy nhiên, chúng ta thường có thể dành thì giờ để học hỏi bằng cách giảm bớt thì giờ cho những sinh hoạt khác (Ê-phê-sô 5:15, 16). Có lẽ buổi sáng sớm sẽ rất thuận lợi cho bạn để cầu nguyện, học hỏi và suy gẫm. (So sánh Thi-thiên 119:147).
13, 14. a) Tại sao suy gẫm là điều rất quí giá? b) Suy gẫm về những câu Kinh-thánh nào có thể giúp chúng ta ghê tởm tình dục vô luân?
13 Việc suy gẫm là một điều rất quí giá, vì nó giúp chúng ta nhớ được những gì chúng ta học. Quan trọng hơn nữa, sự suy gẫm có thể giúp chúng ta có cùng những quan điểm như Đức Chúa Trời. Để minh họa: Hiểu biết về việc Đức Chúa Trời cấm tà dâm là một chuyện, nhưng “gớm sự dữ mà mến sự lành” lại là một chuyện khác (Rô-ma 12:9). Chúng ta thật sự có thể có cùng quan điểm với Đức Giê-hô-va về vấn đề tình dục vô luân bằng cách suy gẫm những câu Kinh-thánh then chốt như Cô-lô-se 3:5, câu này khuyên nhủ: “Vậy hãy làm chết các chi-thể của anh em ở nơi hạ-giới, tức là tà-dâm, ô-uế, tình-dục, ham-muốn xấu-xa, tham-lam, tham-lam chẳng khác gì thờ hình-tượng”. Bạn hãy tự hỏi: ‘Có những loại ham muốn tình dục nào mà tôi phải làm chết hoàn toàn? Những điều gì có thể gợi lòng ham muốn xấu xa mà tôi phải tránh? Tôi cần phải thay đổi về cách cư xử với người khác phái không?’ (So sánh I Ti-mô-thê 5:1, 2).
14 Phao-lô khuyên giục các tín đồ đấng Christ phải tránh tà dâm và phải bày tỏ tính tự chủ để “chớ có ai phỉnh-phờ anh em mình, hay là làm hại anh em bất kỳ việc gì” (I Tê-sa-lô-ni-ca 4:3-7). Bạn hãy tự hỏi: ‘Tại sao phạm tội tà dâm lại có hại? Tôi sẽ gây thiệt hại nào cho chính mình hoặc những người khác nếu tôi phạm tội về phương diện này? Tôi sẽ bị ảnh hưởng như thế nào về mặt thiêng liêng, tình cảm và thể xác? Còn về phần những người trong hội thánh đã vi phạm luật pháp Đức Chúa Trời và không chịu ăn năn thì sao? Có chuyện gì xảy ra cho họ?’ Ghi khắc vào lòng những gì Kinh-thánh nói về hạnh kiểm như thế có thể làm cho chúng ta căm ghét sâu xa những điều Đức Chúa Trời xem là xấu (Xuất Ê-díp-tô Ký 20:14; I Cô-rinh-tô 5:11-13; 6:9, 10; Ga-la-ti 5:19-21; Khải-huyền 21:8). Phao-lô nói rằng kẻ tà dâm “thì không phải khinh-bỏ người ta đâu, bèn là khinh-bỏ Đức Chúa Trời” (I Tê-sa-lô-ni-ca 4:8). Có tín đồ thật nào của đấng Christ lại dám khinh bỏ Cha trên trời của mình không?
Đạo đức và bạn bè
15. Sự kết hợp với bạn bè đóng vai trò nào trong việc theo đuổi con đường đạo đức?
15 Một sự giúp đỡ khác để giữ đạo đức là bạn bè tốt. Người viết Thi-thiên đã hát: “Tôi là bạn-hữu của mọi người kính-sợ Chúa [Đức Giê-hô-va], và của mọi kẻ giữ theo các giềng-mối Chúa” (Thi-thiên 119:63). Chúng ta cần sự kết hợp lành mạnh tại các buổi họp đạo đấng Christ (Hê-bơ-rơ 10:24, 25). Nếu chúng ta tự cô lập, thì chúng ta có thể nghĩ đến mình thôi, và sự đồi bại có thể dễ dàng áp đảo chúng ta (Châm-ngôn 18:1). Tuy nhiên, tình bằng hữu nồng nhiệt giữa tín đồ đấng Christ có thể củng cố lòng quyết tâm của chúng ta để giữ đạo đức. Tất nhiên, chúng ta cũng phải đề phòng chống lại bạn bè xấu. Chúng ta có thể đối xử tử tế với những người lân cận, bạn cùng sở, và bạn học. Nhưng nếu chúng ta thật sự bước đi khôn ngoan, chúng ta sẽ tránh quá gần gũi với những ai không theo đuổi con đường đạo đức của tín đồ đấng Christ. (So sánh Cô-lô-se 4:5).
16. Ngày nay, việc áp dụng câu Kinh-thánh ở I Cô-rinh-tô 15:33 có thể giúp chúng ta theo đuổi con đường đạo đức như thế nào?
16 Phao-lô viết: “Bạn-bè xấu làm hư thói-nết tốt”. Qua lời phát biểu này, Phao-lô cảnh giác các tín hữu rằng họ có thể mất đức tin nếu kết hợp với những kẻ tự xưng là tín đồ đấng Christ mà chối bỏ sự dạy dỗ của Kinh-thánh về sự sống lại. Nguyên tắc đằng sau lời cảnh giác của Phao-lô áp dụng cho sự kết hợp của chúng ta ở cả bên ngoài lẫn bên trong hội thánh (I Cô-rinh-tô 15:12, 33). Hiển nhiên, chúng ta không muốn tránh xa các anh chị thiêng liêng của chúng ta chỉ vì họ không đồng ý với chúng ta về một số quan điểm hoàn toàn có tính cách cá nhân (Ma-thi-ơ 7:4, 5; Rô-ma 14:1-12). Tuy nhiên, chúng ta cần phải thận trọng nếu một số người trong hội thánh có hạnh kiểm khả nghi hay biểu lộ một tinh thần cay đắng hoặc phàn nàn (II Ti-mô-thê 2:20-22). Điều khôn ngoan là nên gần gũi với những người nào mà chúng ta có thể có được sự “khích lệ lẫn nhau” (Rô-ma 1:11, 12, Bản Diễn Ý). Điều này sẽ giúp chúng ta theo đuổi con đường đạo đức và tiếp tục ở trên “con đường sự sống” (Thi-thiên 16:11).
Hãy tiếp tục theo đuổi con đường đạo đức
17. Theo Dân-số Ký đoạn 25, dân Y-sơ-ra-ên đã gặp thảm họa nào, và chúng ta học được bài học gì về điều này?
17 Không bao lâu trước khi dân Y-sơ-ra-ên chiếm Đất Hứa, hàng ngàn người trong họ đã chọn theo đuổi con đường đồi bại—và họ đã lãnh thảm họa (Dân-số Ký, đoạn 25). Ngày nay, dân Đức Giê-hô-va đứng trước ngưỡng cửa của thế giới mới công bình. Những người nào tiếp tục bác bỏ sự đồi bại của thế gian này sẽ có diễm phúc đặc biệt bước vào thế giới mới. Là con người bất toàn, chúng ta có thể có những khuynh hướng sai lầm, nhưng Đức Chúa Trời có thể giúp chúng ta đi theo sự hướng dẫn công bình của thánh linh ngài (Ga-la-ti 5:16; I Tê-sa-lô-ni-ca 4:3, 4). Cho nên, chúng ta hãy nghe theo lời khuyên của Giô-suê cho dân Y-sơ-ra-ên: “Hãy kính-sợ Đức Giê-hô-va, và phục-sự Ngài cách thành-tâm và trung-tín” (Giô-suê 24:14). Sự sợ làm buồn lòng Đức Giê-hô-va sẽ giúp chúng ta theo đuổi con đường đạo đức.
18. Đối với việc đồi bại và đạo đức, tất cả tín đồ đấng Christ nên có sự quyết tâm nào?
18 Nếu bạn mong muốn làm vui lòng Đức Chúa Trời, hãy quyết tâm nghe theo lời khuyên bảo của Phao-lô: “Phàm đều chi chơn-thật, đều chi đáng tôn, đều chi công-bình, đều chi thanh-sạch, đều chi đáng yêu-chuộng, đều chi có tiếng tốt, đều chi có nhơn-đức đáng khen, thì anh em phải nghĩ đến”. Nếu bạn làm điều này, kết quả sẽ ra sao? Phao-lô nói: “Hãy làm đi, thì Đức Chúa Trời của sự bình-an sẽ ở cùng anh em” (Phi-líp 4:8, 9). Đúng vậy, với sự giúp đỡ của Đức Giê-hô-va, bạn có thể loại bỏ điều đồi bại và theo đuổi con đường đạo đức.
[Chú thích]
a Xin xem Tháp Canh, số ra ngày 1-1-1994, trang 19-24, và loạt bài “Young People Ask...” trong tờ Awake! ngày 8-2-1993, ngày 22-2-1993, ngày 22-3-1993 và ngày 22-11-1996.
Các điểm để ôn lại
◻ Theo đuổi con đường đạo đức đòi hỏi điều gì?
◻ Ê-xê-chia, Đa-ni-ên và ba người Hê-bơ-rơ đã giữ đạo đức trong những hoàn cảnh nào?
◻ Làm sao chúng ta có thể giống Đa-ni-ên trong việc chống lại âm mưu của Sa-tan?
◻ Tại sao các tín đồ đấng Christ phải thận trọng trong việc giải trí?
◻ Việc học hỏi, suy gẫm và kết hợp đóng vai trò nào trong việc theo đuổi con đường đạo đức?
[Hình nơi trang 15]
Vua Ê-xê-chia lúc còn trẻ đã theo đuổi con đường đạo đức, mặc dù sống giữa những kẻ thờ thần Mô-lóc
[Các hình nơi trang 17]
Tín đồ đấng Christ phải thận trọng trong việc giải trí