Ngày ‘cháy như lò lửa’
“Nầy, ngày đến, cháy như lò lửa” (MA-LA-CHI 4:1).
1. Chúng ta có thể nêu lên những câu hỏi nào liên quan đến Ma-la-chi 4:1?
TRONG ngày sau rốt này, những ai mà Đức Giê-hô-va chọn viết tên trong sách ghi nhớ của Ngài có phước thay. Nhưng về phần những người không hội đủ điều kiện để nhận lãnh đặc ân đó thì sao? Dù họ là vua chúa hoặc thường dân, nếu họ khinh bỉ những người công bố về Nước Đức Chúa Trời và thông điệp của họ thì sao? Ma-la-chi nói đến một ngày tính sổ. Chúng ta đọc nơi đoạn 4, câu 1 [Ma-la-chi 4:1]: “Vì nầy, ngày đến, cháy như lò lửa. Mọi kẻ kiêu-ngạo, mọi kẻ làm sự gian-ác sẽ như rơm-cỏ; Đức Giê-hô-va vạn-quân phán: Ngày ấy đến, thiêu-đốt chúng nó, chẳng để lại cho chúng nó hoặc rễ hoặc nhành”.
2. Ê-xê-chi-ên mô tả sự phán xét của Đức Giê-hô-va một cách sinh động như thế nào?
2 Những nhà tiên tri khác cũng so sánh việc Đức Giê-hô-va phán xét các nước với sức nóng hừng hực của một lò lửa. Ê-xê-chi-ên 22:19-22 áp dụng thật đúng làm sao cho sự phán xét của Đức Chúa Trời đối với các tôn giáo bội đạo tự xưng theo đấng Christ! Chúng ta đọc: “Chúa Giê-hô-va phán như vầy: Vì các ngươi hết thảy đã trở nên cáu-cặn, cho nên, nầy, ta sẽ nhóm các ngươi lại... Như người ta hiệp bạc, đồng, sắt, chì, thiếc lại trong lò, và thổi lửa ở trên cho tan-chảy ra thể nào, thì trong cơn giận và sự thạnh-nộ của ta, ta sẽ nhóm các ngươi lại và đặt vào lò mà làm cho tan-chảy ra cũng thể ấy. Thật, ta sẽ nhóm các ngươi lại và thổi lửa của cơn giận ta trên các ngươi, thì các ngươi sẽ tan-chảy ra giữa nó. Như bạc tan-chảy ra trong lò, thì các ngươi cũng sẽ tan-chảy ra giữa thành ấy, và các ngươi sẽ biết rằng ta, Đức Giê-hô-va, đã đổ cơn thạnh-nộ ta trên các ngươi”.
3, 4. a) Hàng giáo phẩm đã giả dối hô hào điều gì? b) Các tôn giáo có thành tích tồi bại nào?
3 Thật là một sự minh họa hùng hồn! Hàng giáo phẩm đã cố tránh dùng danh Đức Giê-hô-va, và thậm chí còn xúc phạm đến danh thánh đó, vì thế họ sẽ phải đối đầu với ngày đền tội. Họ tự phụ cho rằng họ cùng với các đồng minh chính trị của họ sẽ thiết lập Nước Đức Chúa Trời trên đất hoặc ít ra làm cho trái đất trở nên một nơi thích hợp cho Nước Trời.
4 Các tôn giáo bội đạo tự xưng theo đấng Christ đã nhập bọn với các nhà lãnh đạo chính trị để gây ra chiến tranh khủng khiếp. Lịch sử kể lại các trận Thập tự chiến thời trung cổ, Pháp đình tôn giáo của Tây Ban Nha ép buộc người ta cải đạo, Trận chiến ba mươi năm tàn sát Âu Châu vào thế kỷ 17, và Nội chiến Tây Ban Nha vào thập niên 1930 cốt để giữ vị thế của giáo hội Công giáo tại Tây Ban Nha. Cuộc đổ máu lớn nhất xảy ra trong hai thế chiến của thế kỷ chúng ta, khi người Công giáo và Tin lành xông pha tàn sát anh em cùng đạo mình cũng như những người thuộc đạo khác một cách thẳng tay, mù quáng. Gần đây hơn, có các vụ chém giết giữa người Công giáo và Tin lành tại Ái Nhĩ Lan, giữa các phe phái tôn giáo tại Ấn Độ và giữa các phe tôn giáo tại cựu Nam Tư. Các trang sử tôn giáo cũng bị nhuộm đầy máu của hàng ngàn Nhân-chứng Giê-hô-va trung thành tử vì đạo (Khải-huyền 6:9, 10).
5. Tôn giáo giả sẽ bị phán xét thế nào?
5 Chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy sự công bình của việc Đức Giê-hô-va sắp sửa hành quyết Ba-by-lôn Lớn, đế quốc tôn giáo giả thế giới, cùng với các kẻ ủng hộ nó. Khải-huyền 18:21, 24 miêu tả cuộc hành quyết như sau: “Một vị thiên-sứ rất mạnh lấy một hòn đá như cối-xay lớn quăng xuống biển mà rằng: Ba-by-lôn là thành lớn cũng sẽ bị quăng mạnh xuống như vậy, và không ai tìm thấy nó nữa. Ấy chính trong thành nầy, mà đã tìm thấy huyết các đấng tiên-tri, các thánh-đồ, và hết thảy những kẻ đã bị giết trong thế-gian”.
6. a) Ai sẽ phải như rơm cỏ và tại sao? b) Những ai kính sợ Đức Giê-hô-va có lời cam đoan nào?
6 Rồi sẽ đến lúc mọi kẻ thù của sự công bình, và hết thảy những kẻ cộng tác với chúng đều “sẽ như rơm-cỏ”. Ngày của Đức Giê-hô-va sẽ cháy ở giữa họ như một lò lửa. Ngày ấy sẽ “chẳng để lại cho chúng nó hoặc rễ hoặc nhành”. Trong ngày tính sổ của Đức Giê-hô-va, trẻ nhỏ, hoặc nhành, sẽ được đối xử công bình tùy theo cách Ngài đánh giá rễ của chúng, tức cha mẹ trông nom chúng. Các bậc cha mẹ gian ác sẽ không còn con cháu để tiếp tục đi trong đường lối gian ác của họ. Nhưng những ai thực hành đức tin nơi các lời hứa về Nước Đức Chúa Trời sẽ không bị rúng động. Vì vậy Hê-bơ-rơ 12:28, 29 khuyên giục: “Vì chúng ta có phần trong một nước không hay rúng-động, nên hãy cảm ơn, hầu cho lấy lòng kính-sợ hầu việc Đức Chúa Trời một cách đẹp lòng Ngài; vì Đức Chúa Trời chúng ta là đám lửa hay thiêu-đốt”.
Đức Giê-hô-va —Một Đức Chúa Trời tàn ác chăng?
7. Lòng yêu thương của Đức Giê-hô-va liên kết với sự phán xét của Ngài như thế nào?
7 Có phải điều này có nghĩa Đức Giê-hô-va là một Đức Chúa Trời tàn ác, thích phục hận hay sao? Hoàn toàn không! Sứ đồ Giăng khẳng định một lẽ thật căn bản nơi I Giăng 4:8: “Đức Chúa Trời là sự yêu-thương”. Rồi ông lại nhấn mạnh sự kiện này nơi câu I Giăng 4:16: “Đức Chúa Trời tức là sự yêu-thương, ai ở trong sự yêu-thương là ở trong Đức Chúa Trời, và Đức Chúa Trời ở trong người ấy”. Chính vì yêu thương nhân loại mà Đức Giê-hô-va có ý định tẩy sạch trái đất này khỏi mọi sự gian ác. Đức Chúa Trời đầy yêu thương và thương xót của chúng ta tuyên bố: “Thật như ta hằng sống, ta chẳng lấy sự kẻ dữ chết làm vui, nhưng vui về nó xây-bỏ đường-lối xấu của mình và được sống. Các ngươi khá xây-bỏ, xây-bỏ đường-lối xấu của mình. Sao các ngươi muốn chết”? (Ê-xê-chi-ên 33:11).
8. Giăng nhấn mạnh tình yêu thương như thế nào, nhưng cũng chứng tỏ mình là Con trai của sấm sét như thế nào?
8 Giăng nói đến a·gaʹpe, tình yêu thương dựa trên nguyên tắc, nhiều lần hơn cả ba người viết Phúc âm khác hợp lại. Tuy vậy, nơi Mác 3:17, chính Giăng được gọi là ‘Con trai của sấm-sét’. Đức Giê-hô-va soi dẫn Con trai của sấm sét này để viết thông điệp về tận thế trong quyển sách cuối cùng của Kinh-thánh, Khải-huyền. Sách này tả Đức Giê-hô-va như Đức Chúa Trời thực thi công lý. Quyển này chứa đầy những lời kết án, chẳng hạn như “thùng lớn thạnh-nộ của Đức Chúa Trời”, “bảy bát thạnh-nộ của Đức Chúa Trời” và “cơn thạnh-nộ của Đức Chúa Trời toàn-năng” (Khải-huyền 14:19; 16:1; 19:15).
9. Giê-su phát biểu thế nào về sự phán xét của Đức Giê-hô-va, và các lời tiên tri của ngài được ứng nghiệm thế nào?
9 Chúa Giê-su Christ chúng ta, “hình-ảnh của Đức Chúa Trời không thấy được”, đã dạn dĩ rao truyền sự phán xét của Đức Giê-hô-va khi ngài ở trên đất (Cô-lô-se 1:15). Thí dụ, nơi Ma-thi-ơ đoạn 23, ngài đã thẳng thắn tuyên bố bảy sự khốn nạn cho các kẻ giả hình về mặt tôn giáo vào thời ngài. Ngài kết luận sự lên án đó bằng những lời này: “Hỡi Giê-ru-sa-lem, Giê-ru-sa-lem, ngươi giết các đấng tiên-tri và ném đá những kẻ chịu sai đến cùng ngươi, bao nhiêu lần ta muốn nhóm-họp các con ngươi như gà mái túc con mình lại ấp trong cánh, mà các ngươi chẳng khứng! Nầy, nhà các ngươi sẽ bỏ hoang!” Ba mươi bảy năm sau đó, quân đội La Mã dưới quyền tướng Titus đã thi hành án lệnh đó. Đó là một ngày đáng sợ, làm hình bóng tiên tri cho cái ngày đáng sợ nhất trong suốt lịch sử nhân loại—ngày của Đức Giê-hô-va, sắp sửa bùng nổ.
“Mặt trời” chiếu sáng
10. “Mặt trời công-bình” mang lại niềm vui mừng nào cho dân sự Đức Giê-hô-va?
10 Đức Giê-hô-va cho biết rằng một số người sẽ sống sót qua ngày của Ngài. Ngài nói về những người này nơi Ma-la-chi 4:2: “Về phần các ngươi là kẻ kính-sợ danh ta, thì mặt trời công-bình sẽ mọc lên cho, trong cánh nó có sự chữa bịnh”. Mặt trời công bình đó không ai khác hơn là chính Giê-su Christ. Về phương diện thiêng liêng, ngài là “sự sáng của thế-gian” (Giăng 8:12). Ngài chiếu sáng như thế nào? Ngài dấy lên với sự chữa bệnh nơi cánh ngài—trước hết là sự chữa bệnh về thiêng liêng, như chúng ta có thể chứng kiến ngay cả ngày nay, và sau đó trong thế giới mới, sự chữa lành về thể chất cho muôn người thuộc các dân (Ma-thi-ơ 4:23; Khải-huyền 22:1, 2). Như Ma-la-chi nói theo nghĩa bóng, những người được chữa lành sẽ “đi ra và nhảy-nhót như bò tơ” vừa mới được thả ra khỏi chuồng. Và những người chết được sống lại cũng sẽ có niềm vui lớn thay vì họ có triển vọng trở thành người hoàn toàn!
11, 12. a) Số phận của kẻ ác là gì? b) Dân sự Đức Chúa Trời “giày-đạp những kẻ ác” như thế nào?
11 Nhưng về phần kẻ ác thì sao? Chúng ta đọc nơi Ma-la-chi 4:3: “Các ngươi sẽ giày-đạp những kẻ ác, vì trong ngày ta làm, chúng nó sẽ như là tro dưới bàn chơn các ngươi, Đức Giê-hô-va vạn-quân phán vậy”. Trong khi che chở những người yêu mến Ngài, Đức Chúa Trời là Chiến sĩ của chúng ta sẽ hủy diệt và quét sạch khỏi đất những kẻ thù cường bạo, và Sa-tan cùng các quỉ sứ hắn sẽ bị giam cầm (Thi-thiên 145:20; Khải-huyền 20:1-3).
12 Dân sự Đức Chúa Trời không tham gia vào việc hủy diệt kẻ ác. Vậy thì làm sao họ “giày-đạp những kẻ ác”? Họ làm thế theo nghĩa bóng bằng cách tham dự vào lễ ăn mừng chiến thắng. Xuất Ê-díp-tô Ký 15:1-21 miêu tả một lễ ăn mừng thể ấy. Lễ đó diễn ra sau khi Pha-ra-ôn cùng đạo binh của ông bị hủy diệt trong Biển Đỏ. Để làm ứng nghiệm Ê-sai 25:3-9, sau khi “kẻ cường-bạo” bị loại bỏ sẽ có một tiệc yến ăn mừng chiến thắng theo lời hứa của Đức Chúa Trời: “Ngài đã nuốt sự chết đến đời đời. Chúa Giê-hô-va sẽ lau nước mắt khỏi mọi mặt, và trừ-bỏ sự xấu-hổ của dân Ngài khỏi cả thế-gian; vì Đức Giê-hô-va đã phán vậy. Trong ngày đó, người ta sẽ nói rằng: Kìa, ấy là Đức Chúa Trời chúng ta... Ấy là Đức Giê-hô-va; chúng ta đã mong-đợi Ngài, chúng ta sẽ nức lòng mừng-rỡ và đồng vui về sự cứu-rỗi của Ngài”. Trong niềm vui này có sự hân hoan nhìn thấy danh Đức Giê-hô-va được nên thánh và trái đất được tẩy sạch cho nhân loại hợp nhất ăn ở bình yên, chứ không có sự phục hận hoặc vênh vang tự đắc.
Một chương trình giáo dục vĩ đại
13. Trong “đất mới” sẽ có chương trình giáo dục nào?
13 Nơi Ma-la-chi 4:4, người Do Thái được khuyên nhủ hãy “nhớ lại luật-pháp của... Môi-se”. Vậy ngày nay chúng ta cần phải làm theo “luật-pháp của đấng Christ”, như Ga-la-ti 6:2 nói đến. Những người sống sót qua khỏi trận Ha-ma-ghê-đôn chắc chắn sẽ nhận được những chỉ thị khác nữa dựa trên luật pháp của đấng Christ, và các chỉ thị này rất có thể được viết trong “các sách” mà Khải-huyền 20:12 nói đến. Các sách đó sẽ được mở ra vào thời có sự sống lại. Thật sẽ là một ngày huy hoàng thay, khi những người chết sống lại được giáo dục để chấp nhận lối sống của “đất mới”! (Khải-huyền 21:1).
14, 15. a) Ê-li tân thời được nhận diện thế nào? b) Lớp người Ê-li chu toàn trách nhiệm nào?
14 Đó sẽ là một sự nới rộng của công việc giáo dục mà Đức Giê-hô-va nói đến nơi Ma-la-chi 4:5: “Nầy, ta sẽ sai đấng tiên-tri Ê-li đến cùng các ngươi trước ngày lớn và đáng sợ của Đức Giê-hô-va chưa đến”. Vậy thì Ê-li tân thời đó là ai? Như Ma-thi-ơ 16:27, 28 cho thấy, Giê-su nói về thời kỳ khi ngài “ngự đến trong nước Ngài” như sau: “Con người sẽ ngự trong sự vinh-hiển của Cha mình mà giáng xuống cùng các thiên-sứ, lúc đó, Ngài sẽ thưởng cho từng người, tùy việc họ làm”. Sáu ngày sau đó, trên một ngọn núi với Phi-e-rơ, Gia-cơ và Giăng, “Ngài biến-hóa trước mặt các người ấy, mặt Ngài sáng lòa như mặt trời, áo Ngài trắng như ánh sáng”. Phải chăng chỉ có một mình ngài trong sự hiện thấy đó? Không, vì “nầy, có Môi-se và Ê-li hiện đến, nói chuyện cùng Ngài” (Ma-thi-ơ 17:2, 3).
15 Điều này có thể có nghĩa gì? Có nghĩa Giê-su sẽ đến vào thời phán xét với tư cách Môi-se Lớn (Phục-truyền Luật-lệ Ký 18:18, 19; Công-vụ các Sứ-đồ 3:19-23). Rồi ngài sẽ kết hợp với một Ê-li tân thời để thực hiện một công việc trọng yếu, tức công việc rao giảng tin mừng về Nước Trời trên khắp đất trước khi ngày lớn và đáng sợ của Đức Giê-hô-va thình lình đến. Ma-la-chi 4:6 miêu tả công việc của “Ê-li” này: “Người sẽ làm cho lòng cha trở lại cùng con-cái, lòng con-cái trở lại cùng cha, kẻo ta đến lấy sự rủa-sả mà đánh đất nầy”. Vậy “Ê-li” tân thời được nhận diện là lớp người được xức dầu làm đầy tớ trung tín và khôn ngoan, mà người Chủ, Chúa Giê-su, đã giao phó trọn tài sản ngài. Điều này bao hàm việc phân phát “đồ-ăn [thiêng liêng] đúng giờ” cần thiết cho gia đình có đức tin (Ma-thi-ơ 24:45, 46).
16. Công việc của lớp người Ê-li đã đạt đến thành quả mỹ mãn nào?
16 Trên khắp thế giới ngày nay, chúng ta có thể thấy thành quả mỹ mãn của chương trình nuôi dưỡng đó. Tạp chí Tháp Canh, mỗi số in ra 16.100.000 cuốn trong 120 thứ tiếng, kể cả 97 thứ tiếng ra cùng một lúc, làm trái đất tràn ngập với “tin-lành nầy về nước Đức Chúa Trời” (Ma-thi-ơ 24:14). Các sách báo khác trong nhiều thứ tiếng được dùng trong nhiều khía cạnh của công việc rao giảng và dạy dỗ của Nhân-chứng Giê-hô-va. Lớp người Ê-li, đầy tớ trung tín và khôn ngoan, mau mắn phân phát đồ ăn dồi dào cho tất cả những ai “ý thức nhu cầu thiêng liêng” của mình (Ma-thi-ơ 5:3, NW). Hơn nữa, những người chấp nhận hy vọng Nước Trời và làm theo thì được gắn bó với nhau trong sự hợp nhất kỳ diệu trên khắp thế giới bao gồm một đám đông vô số người đến từ “mọi nước, mọi chi-phái, mọi dân-tộc, mọi tiếng” (Khải-huyền 7:9). Khi công việc này được hoàn tất theo mức độ Đức Giê-hô-va đòi hỏi, thì sự cuối cùng sẽ đến, vào ngày lớn và đáng sợ của Ngài.
17. Ngày đáng sợ của Đức Giê-hô-va sẽ thình lình đến khi nào?
17 Ngày đáng sợ đó sẽ thình lình đến khi nào? Sứ đồ Phao-lô trả lời: “Ngày của Chúa sẽ đến như kẻ trộm. Khi người ta sẽ nói [có lẽ một cách khác thường] rằng: Bình-hòa và an-ổn, thì tai-họa thình-lình vụt đến, như sự đau-đớn xảy đến cho người đờn-bà có nghén, và người ta chắc không tránh khỏi đâu” (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:2, 3).
18, 19. a) Người ta sẽ hô hào “bình-hòa và an-ổn” như sao? b) Dân sự Đức Giê-hô-va sẽ được giải cứu khi nào?
18 “Người ta” trong lời tiên tri này là ai? Họ là các lãnh tụ chính trị tự cho rằng họ có thể lấy những thành phần chia rẽ của thế gian hung bạo này và lập một trật tự mới và thống nhất. Những sản phẩm cao siêu của họ, Hội Quốc Liên và Liên Hiệp Quốc, đã thất bại trong lãnh vực này. Như nhà tiên tri của Đức Giê-hô-va báo trước, ngay cả bây giờ họ cũng nói: “Bình-an! bình-an! mà không bình-an chi hết” (Giê-rê-mi 6:14; 8:11; 14:13-16).
19 Trong khi đó, dân sự của Đức Giê-hô-va phải chịu đựng áp lực và sự bắt bớ của thế gian không tin kính này. Nhưng chẳng bao lâu nữa, như II Tê-sa-lô-ni-ca 1:7, 8 nói, họ sẽ được giải cứu “khi Đức Chúa Jêsus từ trời hiện đến với các thiên-sứ của quyền-phép Ngài, giữa ngọn lửa hừng, báo thù những kẻ chẳng hề nhận biết Đức Chúa Trời, và không vâng-phục Tin-lành của Đức Chúa Jêsus-Christ chúng ta”.
20. a) Sô-phô-ni và Ha-ba-cúc nói tiên tri thế nào về ‘ngày cháy như lò lửa’? b) Những lời tiên tri này khuyên giục và khích lệ chúng ta như thế nào?
20 Còn bao lâu nữa mới tới ngày đó? Nhiều người trong chúng ta đã chờ đợi lâu rồi. Trong khi đó, nhiều người nhu mì đang hưởng ứng lời kêu gọi này nơi Sô-phô-ni 2:2, 3 và sẽ sống sót: “Hãy tìm-kiếm Đức Giê-hô-va, tìm-kiếm sự công-bình, tìm-kiếm sự nhu-mì, hoặc-giả các ngươi sẽ được giấu-kín trong ngày thạnh-nộ của Đức Giê-hô-va”. Song Sô-phô-ni 3:8 có lời khuyên nhủ này: “Vậy nên, Đức Giê-hô-va phán: Các ngươi khá đợi ta cho đến ngày ta sẽ dấy lên đặng cướp-bắt; vì ta đã định thâu-góp các dân-tộc và nhóm-hiệp các nước, hầu cho ta đổ sự thạnh-nộ và cả sự nóng-giận ta trên chúng nó, và cả đất sẽ bị nuốt bởi lửa ghen ta”. Sự cuối cùng gần đến! Đức Giê-hô-va biết ngày và giờ và Ngài sẽ không thay đổi thời khắc biểu của Ngài. Chúng ta hãy chịu đựng một cách kiên nhẫn. “Vì sự hiện-thấy còn phải ứng-nghiệm trong kỳ nhứt-định, sau-cùng nó sẽ kíp đến, không phỉnh-dối đâu; nếu có chậm-trễ, ngươi hãy đợi; bởi nó chắc sẽ đến, không chậm-trễ” (Ha-ba-cúc 2:3). Ngày đáng sợ của Đức Giê-hô-va ngày càng tiến gần. Xin nhớ, ngày đó sẽ không chậm trễ!
Để ôn lại:
◻ Vua chúa và thường dân sẽ ra sao trong ngày đáng sợ của Đức Giê-hô-va?
◻ Đức Giê-hô-va là Đức Chúa Trời như thế nào?
◻ Kinh-thánh mô tả loại giáo dục nào cho dân sự Đức Chúa Trời?
◻ Vì chúng ta rất gần sự cuối cùng, các nhà tiên tri của Đức Chúa Trời khuyên nhủ chúng ta làm gì?
[Hình nơi trang 21]
Trong thời Pháp đình tôn giáo của Tây Ban Nha, nhiều người bị ép buộc phải đổi đạo làm người Công giáo
[Nguồn hình ảnh nơi trang 21]
The Complete Encyclopedia of Illustration/J. G. Heck