CHƯƠNG 5
Các giám thị chăn dắt bầy chiên
Trong thời gian làm thánh chức trên đất, Chúa Giê-su đã chứng tỏ ngài là “người chăn tốt lành” (Giăng 10:11). Khi thấy đoàn dân cứ đi theo, “ngài động lòng thương cảm vì họ bị hà hiếp và bỏ rơi như chiên không có người chăn” (Mat 9:36). Phi-e-rơ và các sứ đồ khác thấy Chúa Giê-su quan tâm một cách yêu thương đến đoàn dân. Ngài thật khác xa những kẻ chăn giả hiệu của Y-sơ-ra-ên, bỏ mặc bầy đến mức chiên bị tản mác và đói khát về thiêng liêng (Ê-xê 34:7, 8). Qua việc dạy dỗ và coi sóc chiên, ngay cả hy sinh mạng sống vì chiên, Chúa Giê-su nêu gương cho các sứ đồ và dạy họ cách giúp đỡ người có đức tin trở về với Đức Giê-hô-va, “đấng chăn dắt và bảo vệ sự sống [họ]”.—1 Phi 2:25.
2 Vào một dịp nói chuyện với Phi-e-rơ, Chúa Giê-su nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nuôi và chăn chiên (Giăng 21:15-17). Hẳn những lời ấy đã đọng lại trong tâm trí của Phi-e-rơ vì sau này chính ông đã khuyên các trưởng lão của hội thánh thời ban đầu: “Hãy chăn bầy của Đức Chúa Trời đã được giao cho anh em, phục vụ với tư cách là giám thị, không phải vì bị ép buộc, nhưng sẵn lòng mà làm trước mặt Đức Chúa Trời; không phải vì ham mê lợi bất chính, nhưng sốt sắng mà làm; không thống trị những người thuộc về sản nghiệp của Đức Chúa Trời, nhưng nêu gương cho cả bầy” (1 Phi 5:1-3). Lời khuyên của Phi-e-rơ cũng áp dụng cho các giám thị trong hội thánh ngày nay. Noi theo Chúa Giê-su, các trưởng lão sẵn lòng và sốt sắng phục vụ chiên bằng cách nêu gương và dẫn đầu trong việc phụng sự Đức Giê-hô-va.—Hê 13:7.
Noi theo Chúa Giê-su, các trưởng lão sẵn lòng và sốt sắng phục vụ chiên bằng cách nêu gương và dẫn đầu trong việc phụng sự Đức Giê-hô-va
3 Chúng ta biết ơn vì trong hội thánh có các giám thị được thần khí bổ nhiệm. Công việc của họ mang lại nhiều lợi ích cho chúng ta. Chẳng hạn, các giám thị khuyến khích và quan tâm đến từng người trong hội thánh. Hằng tuần, họ tận tâm dẫn đầu hay điều khiển các buổi nhóm họp giúp nuôi dưỡng các tín đồ về thiêng liêng (Rô 12:8). Họ nỗ lực che chở bầy chiên khỏi những người có ảnh hưởng xấu, chẳng hạn như kẻ ác, nhờ thế góp phần giữ an toàn cho chúng ta (Ê-sai 32:2; Tít 1:9-11). Họ dẫn đầu trong thánh chức, truyền cho chúng ta lòng sốt sắng để đều đặn rao giảng tin mừng mỗi tháng (Hê 13:15-17). Qua “món quà là những con người”, Đức Giê-hô-va làm vững mạnh hội thánh.—Ê-phê 4:8, 11, 12.
TIÊU CHUẨN ĐỂ LÀM GIÁM THỊ
4 Để đảm bảo hội thánh được coi sóc đầy đủ, những anh được bổ nhiệm làm giám thị cần hội đủ các tiêu chuẩn liệt kê trong Lời Đức Chúa Trời. Khi một anh đáp ứng đủ tiêu chuẩn thì mới có thể nói anh được thần khí bổ nhiệm (Công 20:28). Đúng là các tiêu chuẩn của Kinh Thánh để làm giám thị đều cao, bởi lẽ đây là một trọng trách. Nhưng nếu các anh yêu mến Đức Giê-hô-va và sẵn lòng để ngài dùng thì các tiêu chuẩn ấy không cao đến mức các anh không thể đạt được. Mọi người phải thấy rõ giám thị là người áp dụng sự dạy dỗ của Kinh Thánh vào đời sống hằng ngày.
Để đảm bảo hội thánh được coi sóc đầy đủ, những anh được bổ nhiệm làm giám thị cần hội đủ các tiêu chuẩn liệt kê trong Lời Đức Chúa Trời
5 Những tiêu chuẩn căn bản để làm giám thị được Phao-lô liệt kê trong thư thứ nhất gửi Ti-mô-thê và thư gửi Tít. Nơi 1 Ti-mô-thê 3:1-7, ông viết: “Ai đang vươn tới trách nhiệm giám thị là mong muốn một việc tốt lành. Giám thị phải là người không chỗ trách được, là chồng chỉ một vợ, biết điều độ trong mọi sự, biết suy xét, sống nề nếp, hiếu khách, có khả năng dạy dỗ, không say sưa, không hung bạo, nhưng phải lẽ, không hay gây gổ, không ham tiền, khéo cai quản nhà mình, có con cái biết vâng phục và ngoan ngoãn (vì nếu một người không biết cai quản nhà mình thì làm sao chăm lo hội thánh của Đức Chúa Trời?), không phải là người mới tin đạo, vì e rằng người sẽ lên mặt kiêu ngạo mà lãnh lấy cùng một án phạt dành cho Ác Quỷ. Ngoài ra, người ấy cũng phải có tiếng tốt đối với người ngoài hội thánh, hầu không bị chê trách và rơi vào bẫy của Ác Quỷ”.
6 Trong thư gửi Tít, Phao-lô viết: “Ta để con ở lại Cơ-rết, hầu giải quyết những vấn đề cần sửa đổi và bổ nhiệm các trưởng lão tại mỗi thành, như ta đã dặn bảo rằng: Trưởng lão phải là người không bị ai cáo buộc gì, là chồng chỉ một vợ, có con cái tin đạo là những người không mang tiếng trụy lạc hoặc bất trị. Vì là quản gia của Đức Chúa Trời, giám thị phải là người không bị ai cáo buộc gì, không cố chấp, không dễ nóng giận, không say sưa, không hung bạo, không tham lợi bất chính, nhưng là người hiếu khách, yêu điều lành, biết suy xét, công chính, trung thành, tự chủ, theo sát lời trung tín của Đức Chúa Trời khi dùng nghệ thuật giảng dạy, hầu khuyến khích người khác bằng sự dạy dỗ hữu ích, đồng thời khiển trách những người nói điều trái ngược với sự dạy dỗ ấy”.—Tít 1:5-9.
7 Dù những tiêu chuẩn trên có vẻ quá tầm với, nhưng các anh không nên ngần ngại vươn tới trách nhiệm giám thị. Khi thể hiện những đức tính đòi hỏi nơi một giám thị, họ thôi thúc người khác trong hội thánh cũng làm thế. Phao-lô viết rằng “món quà là những con người” được cung cấp “để họ sửa lại những người thánh, làm công việc phục vụ và làm vững mạnh thân thể của Đấng Ki-tô, cho đến khi tất cả chúng ta hiệp một trong đức tin và trong sự hiểu biết chính xác về Con Đức Chúa Trời, trở nên người trưởng thành, đạt được vóc dáng trọn vẹn như Đấng Ki-tô”.—Ê-phê 4:8, 12, 13.
8 Các giám thị không phải là người non nớt hoặc mới tin đạo, mà là người sống theo tiêu chuẩn đạo Đấng Ki-tô được một thời gian, am hiểu Kinh Thánh và chân thành yêu thương hội thánh. Họ can đảm lên tiếng và sửa trị những người làm điều sai trái, nhờ vậy che chở bầy chiên khỏi những kẻ lợi dụng (Ê-sai 32:2). Cả hội thánh phải thấy các anh là người thành thục về thiêng liêng, thật lòng quan tâm đến bầy của Đức Chúa Trời.
9 Để hội đủ điều kiện làm giám thị, một anh cần biểu lộ sự khôn ngoan thiết thực trong đời sống. Nếu đã kết hôn, anh ấy theo tiêu chuẩn của đạo Đấng Ki-tô về hôn nhân, tức là chồng chỉ một vợ và khéo cai quản nhà mình. Nếu có con thì con cái tin đạo, biết vâng phục và ngoan ngoãn, không mang tiếng trụy lạc hoặc bất trị, nhờ thế những người khác có thể an tâm đến xin anh lời khuyên về gia đình và lối sống của một tín đồ. Anh ấy phải là người không chỗ trách được, không bị ai cáo buộc gì, và có tiếng tốt ngay cả với người ngoài hội thánh. Anh ấy không bị cáo buộc có căn cứ về hành vi sai trái, làm tổn hại danh tiếng của hội thánh. Một anh gần đây bị khiển trách vì phạm tội trọng không thể được bổ nhiệm. Mọi người trong hội thánh phải muốn bắt chước gương tốt của anh và tin tưởng nhận sự coi sóc từ anh.—1 Cô 11:1; 16:15, 16.
10 Vai trò của những anh như thế giống với vai trò của các trưởng lão Y-sơ-ra-ên, những người được miêu tả là “khôn ngoan, thông sáng và có kinh nghiệm” (Phục 1:13). Các trưởng lão không phải là người hoàn hảo, nhưng trong và ngoài hội thánh, họ có tiếng là người ngay thẳng và kính sợ Đức Chúa Trời, đã sống theo nguyên tắc Kinh Thánh một thời gian. Là người không chỗ trách được, họ có thể dạn dĩ nói trước hội thánh.—Rô 3:23.
11 Để hội đủ tiêu chuẩn làm giám thị, một anh cần điều độ trong mọi sự, bao hàm thói quen và cách cư xử với người khác. Anh ấy không cuồng tín, nhưng có lối sống thăng bằng và tự chủ. Anh ấy điều độ trong những việc như ăn uống, nghỉ ngơi, giải trí và sở thích cá nhân. Nếu dùng những thức uống có cồn, anh muốn dùng một cách chừng mực để không bị mang tiếng là say sưa. Việc uống rượu quá độ khiến một người giảm khả năng suy xét, dễ mất tự chủ và như thế không thể coi sóc hội thánh.
12 Để chu toàn nhiệm vụ của giám thị, một anh cần có nề nếp. Điều này phải được thể hiện qua ngoại diện, nhà cửa và các sinh hoạt hằng ngày của anh. Anh không có thói trì hoãn, nhưng nhận ra điều phải làm và lên kế hoạch thực hiện. Anh theo sát các nguyên tắc Kinh Thánh.
13 Một giám thị cần phải lẽ. Anh cần làm việc hòa hợp và hợp tác với những anh khác trong hội đồng trưởng lão. Anh có quan điểm đúng về bản thân và không đòi hỏi quá mức nơi người khác. Là người phải lẽ, anh không bảo thủ, xem quan điểm của mình hơn quan điểm của các trưởng lão khác. Anh nhìn nhận rằng người khác có thể có một số đức tính hoặc khả năng mà mình thiếu. Anh thể hiện tính phải lẽ bằng cách dựa trên Kinh Thánh để đưa ra kết luận và cố gắng noi gương Chúa Giê-su (Phi-líp 2:2-8). Một trưởng lão không hay gây gổ hoặc hung bạo nhưng tôn trọng người khác, xem họ cao hơn mình. Anh không cố chấp, khăng khăng buộc người khác làm theo ý mình. Anh không dễ nóng giận, nhưng cư xử hòa nhã với mọi người.
14 Để hội đủ tiêu chuẩn làm giám thị, một anh phải biết suy xét. Điều này có nghĩa là anh ấy suy nghĩ điềm tĩnh, không phán đoán vội vàng. Anh hiểu rõ và biết cách áp dụng các nguyên tắc của Đức Giê-hô-va. Người biết suy xét sẵn sàng tiếp nhận lời khuyên và sự chỉ dẫn. Người ấy không có thói đạo đức giả.
15 Phao-lô nhắc nhở Tít rằng giám thị phải là người yêu điều lành, công chính và trung thành. Các đức tính này được thể hiện qua cách anh cư xử với người khác và lập trường kiên định của anh về điều đúng. Anh giữ vững lòng sùng kính đối với Đức Giê-hô-va và cương quyết làm theo các tiêu chuẩn công chính. Anh biết giữ kín chuyện riêng của người khác. Anh cũng hiếu khách, sẵn sàng dùng sức lực và tiền của để giúp đỡ người khác.—Công 20:33-35.
16 Để làm tốt nhiệm vụ, một giám thị cần có khả năng dạy dỗ. Theo những gì Phao-lô nói với Tít, giám thị phải “theo sát lời trung tín của Đức Chúa Trời khi dùng nghệ thuật giảng dạy, hầu khuyến khích người khác bằng sự dạy dỗ hữu ích, đồng thời khiển trách những người nói điều trái ngược với sự dạy dỗ ấy” (Tít 1:9). Anh biết lý luận, đưa ra bằng chứng, đối đáp ý kiến phản bác cũng như áp dụng Kinh Thánh để thuyết phục và làm vững mạnh đức tin của người khác. Anh dùng khả năng dạy dỗ ấy trong cả tình huống thuận tiện lẫn khó khăn (2 Ti 4:2). Anh có sự kiên nhẫn cần thiết để mềm mại khiển trách người lầm lỗi hoặc để thuyết phục người đang nghi ngờ và khuyến khích người ấy làm các việc lành dựa trên đức tin. Nếu anh có khả năng dạy dỗ trước cử tọa hoặc cho từng cá nhân thì anh đáp ứng được điều kiện quan trọng này.
17 Việc các trưởng lão sốt sắng rao giảng cũng là điều quan trọng. Người khác phải thấy các anh đang nỗ lực noi gương Chúa Giê-su, đấng đã đặt công việc rao giảng lên hàng đầu. Chúa Giê-su quan tâm đến các môn đồ, giúp họ trở thành người truyền giáo hữu hiệu (Mác 1:38; Lu 8:1). Khi trưởng lão quyết tâm dành thì giờ cho thánh chức dù thời gian biểu bận rộn, cả hội thánh được thôi thúc thể hiện tinh thần sốt sắng như anh. Khi trưởng lão đi rao giảng cùng với gia đình và anh chị khác trong hội thánh thì mọi người đều được khích lệ.—Rô 1:11, 12.
18 Rõ ràng, các tiêu chuẩn dành cho giám thị rất cao. Trên thực tế, không ai có thể đạt tiêu chuẩn cao của Kinh Thánh một cách trọn vẹn. Dù thế, một trưởng lão không được thiếu tiêu chuẩn nào đến mức bị xem là khuyết điểm trầm trọng. Trong một hội đồng trưởng lão, mỗi anh nổi trội về những đức tính khác nhau, nhờ đó cả hội đồng sẽ có đầy đủ những đức tính cần thiết để coi sóc tốt hội thánh của Đức Chúa Trời.
19 Khi họp lại để đề cử một anh làm giám thị, hội đồng trưởng lão muốn nhớ những lời sau của sứ đồ Phao-lô: “Tôi nói với mỗi người trong anh em rằng đừng nghĩ cao quá về mình, nhưng hãy nghĩ sao cho đúng mực, tùy theo lượng đức tin Đức Chúa Trời đã ban cho mỗi người” (Rô 12:3). Mỗi trưởng lão nên xem mình là người nhỏ hơn và không “công chính quá” khi đánh giá anh được đề cử (Truyền 7:16). Mục tiêu của hội đồng trưởng lão là dựa vào các tiêu chuẩn của Kinh Thánh dành cho giám thị để xác định xem anh ấy có hội đủ các tiêu chuẩn ở mức độ hợp lý hay không. Các anh sẽ không đòi hỏi sự hoàn hảo, cũng không thành kiến, thiên vị hay thiếu trung thực. Khi làm thế, các anh cho thấy mình tôn trọng tiêu chuẩn công chính của Đức Giê-hô-va và quan tâm đến lợi ích của hội thánh. Trước khi đề cử một anh, họ suy nghĩ, cầu nguyện và để thần khí thánh của Đức Chúa Trời hướng dẫn. Đây là một trong những trọng trách đặt trên vai họ. Khi thực thi trọng trách này, họ phải nhớ lời khuyên của Phao-lô: “Đừng bao giờ vội đặt tay trên bất cứ người nam nào”.—1 Ti 5:21, 22.
BÔNG TRÁI THẦN KHÍ
20 Các anh hội đủ điều kiện phải cho thấy họ được thần khí thánh hướng dẫn và thể hiện bông trái thần khí trong đời sống. Phao-lô liệt kê chín khía cạnh của bông trái thần khí là “yêu thương, vui mừng, bình an, kiên nhẫn, nhân từ, tốt lành, đức tin, mềm mại, tự chủ” (Ga 5:22, 23). Khi thể hiện bông trái ấy, những giám thị sẽ là nguồn khích lệ cho anh em và giúp hội thánh hợp nhất phụng sự Đức Chúa Trời. Hạnh kiểm và kết quả việc làm của họ cho thấy họ được thần khí thánh bổ nhiệm.—Công 20:28.
CÁC GIÁM THỊ PHÁT HUY SỰ HỢP NHẤT
21 Việc các trưởng lão hợp tác để phát huy sự hợp nhất trong hội thánh là thiết yếu. Dù có nhân cách khác biệt và không phải lúc nào cũng có cùng quan điểm, nhưng họ giữ sự hợp nhất trong hội đồng trưởng lão bằng cách tôn trọng và lắng nghe nhau. Khi một đề nghị không trái với nguyên tắc Kinh Thánh, mỗi người nên sẵn sàng nhường nhịn và ủng hộ quyết định cuối cùng của hội đồng trưởng lão. Tinh thần nhường nhịn chứng tỏ một người được hướng dẫn bởi “sự khôn ngoan từ trên” là “hòa thuận, phải lẽ” (Gia 3:17, 18). Không ai nên nghĩ là mình cao trọng hơn và cố lấn át người khác. Khi các trưởng lão hợp tác với nhau như một thân thể vì lợi ích của hội thánh, thật ra họ đang hợp tác với Đức Giê-hô-va.—1 Cô chg 12; Cô 2:19.
VƯƠN TỚI TRÁCH NHIỆM GIÁM THỊ
22 Các anh thành thục nên có ước muốn làm giám thị (1 Ti 3:1). Tuy nhiên, nhiệm vụ này đòi hỏi sự siêng năng và tinh thần hy sinh. Các anh phải sẵn lòng phục vụ anh em và chăm sóc họ về thiêng liêng. Vươn tới trách nhiệm làm giám thị đòi hỏi các anh phải trau dồi để đáp ứng những tiêu chuẩn đặt ra trong Kinh Thánh.
HOÀN CẢNH CÁ NHÂN CÓ THỂ THAY ĐỔI
23 Một anh đã trung thành làm giám thị trong nhiều năm có thể mắc bệnh hoặc bị những hạn chế khác. Hoặc vì lớn tuổi, anh không thể chu toàn các trách nhiệm của mình nữa. Dù vậy, những trưởng lão khác nên tôn trọng và vẫn xem anh là trưởng lão khi anh đang còn được bổ nhiệm. Anh không cần phải xin ngưng làm trưởng lão vì bị giới hạn. Anh vẫn đáng được tôn trọng gấp bội như tất cả các trưởng lão siêng năng khác đang hết lòng chăm sóc bầy.
24 Nếu một anh cảm thấy tốt hơn là nên ngưng làm trưởng lão vì hoàn cảnh thay đổi khiến anh không thể chu toàn trách nhiệm, anh có thể làm thế (1 Phi 5:2). Anh vẫn xứng đáng được mọi người tôn trọng. Dù không còn đảm nhận những trách nhiệm dành cho trưởng lão, anh vẫn giúp ích được nhiều cho hội thánh.
CÁC TRÁCH NHIỆM TRONG HỘI THÁNH
25 Các trưởng lão giữ nhiều trách nhiệm trong hội thánh. Có anh là giám thị điều phối, thư ký, giám thị công tác, người điều khiển Phần học Tháp Canh và giám thị Buổi họp Lối sống và thánh chức. Nhiều anh là giám thị nhóm. Những trưởng lão ấy được giữ trách nhiệm vô thời hạn. Dĩ nhiên, nếu một anh chuyển đi nơi khác hoặc không thể chu toàn trách nhiệm vì lý do sức khỏe hay bị bãi nhiệm thì trưởng lão khác sẽ được chọn để thay thế. Trong những hội thánh có ít giám thị, một trưởng lão có lẽ phải kiêm thêm trách nhiệm cho đến khi có anh khác hội đủ điều kiện làm trưởng lão.
26 Giám thị điều phối của hội đồng trưởng lão là chủ tọa trong các buổi họp trưởng lão. Anh khiêm nhường hợp tác với các trưởng lão khác trong việc coi sóc bầy của Đức Chúa Trời (Rô 12:10; 1 Phi 5:2, 3). Anh phải là người có óc tổ chức và ‘chuyên cần dẫn đầu’, tức điều khiển buổi họp một cách có hiệu quả.—Rô 12:8.
27 Thư ký phụ trách hồ sơ của hội thánh và thông báo cho các trưởng lão biết những thông tin quan trọng. Nếu cần, một trưởng lão khác hoặc một phụ tá có khả năng có thể giúp đỡ anh.
28 Giám thị công tác sắp xếp hoạt động rao giảng và những việc khác liên quan đến thánh chức. Anh lên lịch để đều đặn viếng thăm tất cả các nhóm rao giảng, mỗi tháng anh dành một cuối tuần để thăm một nhóm. Đối với những hội thánh nhỏ chỉ có vài nhóm rao giảng, anh có thể đến thăm mỗi nhóm một năm hai lần. Trong đợt viếng thăm, anh sẽ điều khiển nhóm rao giảng, tham gia thánh chức và giúp các anh chị công bố trong việc thăm lại và điều khiển học hỏi Kinh Thánh.
GIÁM THỊ NHÓM
29 Một vai trò quan trọng khác trong hội thánh là giám thị nhóm. Nhiệm vụ của anh gồm: (1) quan tâm đến tình trạng thiêng liêng của mỗi người trong nhóm rao giảng, (2) giúp mỗi người trong nhóm đi rao giảng đều đặn, vui vẻ và hữu hiệu, (3) hỗ trợ cũng như huấn luyện các phụ tá trong nhóm để vươn tới và hội đủ điều kiện đảm nhận thêm trách nhiệm. Hội đồng trưởng lão xem xét và chọn những anh hội đủ điều kiện nhất nhằm thực hiện tất cả những nhiệm vụ trên để làm giám thị nhóm.
30 Do tính chất của công việc, nếu có thể thì giám thị nhóm nên là trưởng lão. Nếu thiếu trưởng lão thì một phụ tá có khả năng sẽ được giao công việc này cho đến khi có một trưởng lão đảm nhận. Anh ấy được gọi là tôi tớ nhóm và vì không phải là giám thị nên anh làm việc dưới sự hướng dẫn của các trưởng lão.
31 Một nhiệm vụ quan trọng của giám thị nhóm là dẫn đầu trong thánh chức. Sự đều đặn, sốt sắng và nhiệt tình của anh sẽ khích lệ các anh chị công bố trong nhóm. Anh nên sắp xếp các buổi nhóm rao giảng vào ngày và giờ thuận tiện cho đa số vì mọi người sẽ được khích lệ và giúp đỡ khi nhóm lại với nhau (Lu 10:1-16). Giám thị nhóm thường điều khiển buổi nhóm rao giảng, sắp xếp các anh chị công bố và đảm bảo luôn có đủ khu vực. Nếu vắng mặt, anh nên nhờ một trưởng lão hay một phụ tá thay thế mình. Nếu không có cả hai, anh nên nhờ một người công bố hội đủ điều kiện để các anh chị nhận được sự chỉ dẫn cần thiết.
32 Giám thị nhóm nên chuẩn bị trước cho đợt viếng thăm của giám thị công tác, thông báo cho nhóm biết và tạo sự phấn khởi để các anh chị mong chờ những lợi ích từ đợt viếng thăm. Khi mọi người trong nhóm biết rõ sự sắp đặt ấy, họ có thể nhiệt tình ủng hộ.
33 Mỗi nhóm rao giảng chỉ nên có ít người. Điều này giúp giám thị nhóm hiểu rõ hơn mọi người trong nhóm. Là người chăn chiên yêu thương, anh quan tâm đến từng người trong nhóm. Anh giúp đỡ và khuyến khích mỗi người tham gia thánh chức, tham dự và góp phần vào các buổi nhóm họp. Anh cũng làm những điều cần thiết khác để giúp mỗi người vững mạnh về thiêng liêng. Anh đến thăm những anh chị bị bệnh hoặc trầm cảm. Một lời gợi ý tích cực hoặc một lời khuyên của anh có thể thôi thúc một người vươn tới đặc ân để phục vụ anh em đồng đạo nhiều hơn. Dĩ nhiên, giám thị nhóm tập trung giúp những người trong nhóm của mình. Nhưng là trưởng lão và người chăn, anh cũng quan tâm một cách yêu thương đến mọi người trong hội thánh và sẵn sàng giúp bất cứ anh chị nào cần hỗ trợ.—Công 20:17, 28.
34 Một nhiệm vụ khác của giám thị nhóm là thu báo cáo rao giảng của nhóm mình để chuyển đến anh thư ký. Mỗi anh chị công bố có thể hợp tác bằng cách nhanh chóng nộp báo cáo vào cuối tháng. Có thể nộp báo cáo trực tiếp cho giám thị nhóm hoặc bỏ vào hộp báo cáo rao giảng tại Phòng Nước Trời.
ỦY BAN CÔNG TÁC HỘI THÁNH
35 Ủy ban Công tác Hội thánh gồm giám thị điều phối, thư ký và giám thị công tác. Ủy ban này đảm nhận một số nhiệm vụ, chẳng hạn như phê chuẩn việc dùng Phòng Nước Trời cho lễ cưới và lễ tang, phân chia các nhóm rao giảng. Ủy ban cũng phê duyệt các đơn xin làm tiên phong đều đều, phụ trợ cũng như các hình thức phụng sự khác. Ủy ban này làm việc dưới sự hướng dẫn của hội đồng trưởng lão.
36 Công việc cụ thể của những anh trong ủy ban này, cũng như của người điều khiển Phần học Tháp Canh, giám thị Buổi họp Lối sống và thánh chức và các anh khác trong hội đồng trưởng lão, đều do văn phòng chi nhánh chỉ định.
37 Hội đồng trưởng lão họp định kỳ để thảo luận các vấn đề liên quan đến sự tiến triển về thiêng liêng của hội thánh. Hội đồng họp với giám thị vòng quanh mỗi khi anh đến thăm hội thánh, và họp lại vào ba tháng sau mỗi cuộc viếng thăm. Dĩ nhiên, các trưởng lão có thể họp thêm nếu cần thiết.
PHỤC TÙNG SỰ SẮP ĐẶT THẦN QUYỀN
38 Các giám thị đều bất toàn nhưng chúng ta vẫn nên vâng phục họ vì đây là sự sắp đặt đến từ Đức Giê-hô-va. Các anh đang đại diện cho Đức Chúa Trời và sự cai trị của ngài. Họ phải khai trình mọi việc làm của mình trước mặt ngài. Hê-bơ-rơ 13:17 khuyên: “Hãy vâng lời những người đang dẫn đầu trong vòng anh em và phục tùng họ, bởi họ đang coi sóc anh em và sẽ khai trình việc ấy, hầu cho họ làm việc đó với lòng vui mừng chứ không chán nản, vì như thế sẽ gây hại cho anh em”. Như Đức Giê-hô-va dùng thần khí thánh để bổ nhiệm một giám thị, ngài cũng sẽ dùng thần khí thánh để bãi nhiệm nếu anh không thể hiện bông trái thần khí và không còn sống theo các đòi hỏi của Kinh Thánh.
39 Hẳn chúng ta rất quý trọng công khó và gương tốt của các giám thị trong hội thánh. Khi viết thư cho hội thánh ở Tê-sa-lô-ni-ca, Phao-lô khuyên: “Hỡi anh em, xin hãy tỏ lòng tôn trọng với những người làm việc khó nhọc giữa anh em cũng như hướng dẫn anh em trong công việc Chúa và khuyên nhủ anh em; hãy hết mực yêu thương, quý trọng họ vì công việc của họ” (1 Tê 5:12, 13). Công việc khó nhọc của các giám thị phần lớn nhằm giúp chúng ta phụng sự Đức Chúa Trời một cách thuận lợi và vui vẻ. Ngoài ra, trong thư thứ nhất gửi Ti-mô-thê, Phao-lô đề cập đến thái độ mà chúng ta nên vun trồng đối với các giám thị. Ông viết: “Các trưởng lão khéo léo trong việc giám sát nên được xem là đáng tôn trọng gấp bội, nhất là những người siêng năng trong việc truyền giảng và dạy dỗ”.—1 Ti 5:17.
VÀI TRÁCH NHIỆM KHÁC TRONG TỔ CHỨC
40 Một số trưởng lão được bổ nhiệm để phục vụ trong Nhóm Thăm viếng Bệnh nhân. Một số khác phục vụ trong Ủy ban Liên lạc Bệnh viện, họ đến bệnh viện gặp các bác sĩ để đẩy mạnh việc chữa trị không truyền máu cho Nhân Chứng Giê-hô-va. Số khác thì ủng hộ quyền lợi Nước Trời bằng cách xây cất và bảo trì Phòng Nước Trời, Phòng hội nghị hoặc phục vụ trong Ủy ban Hội nghị. Tổ chức vô cùng quý trọng công khó và tinh thần hy sinh của các anh trong những lĩnh vực này. Thật vậy, chúng ta “luôn quý mến những anh như thế”.—Phi-líp 2:29.
GIÁM THỊ VÒNG QUANH
41 Hội đồng Lãnh đạo bổ nhiệm những trưởng lão hội đủ điều kiện để phục vụ với tư cách giám thị vòng quanh. Văn phòng chi nhánh chỉ định vòng quanh mà giám thị phải thăm, thường mỗi năm hai lần. Giám thị cũng đi thăm định kỳ những người tiên phong phục vụ ở khu vực biệt lập. Anh tự sắp xếp lộ trình viếng thăm và thông báo cho mỗi hội thánh biết trước khá lâu để cuộc viếng thăm mang lại lợi ích tối đa.
42 Giám thị điều phối của hội đồng trưởng lão chịu trách nhiệm về việc sắp xếp cho cuộc viếng thăm để mang lại lợi ích về thiêng liêng cho mọi người (Rô 1:11, 12). Sau khi nhận thông tin về cuộc viếng thăm và nhu cầu của giám thị vòng quanh cùng vợ anh (nếu đã kết hôn), giám thị điều phối phân việc cho các anh để lo chỗ ở và những điều cần thiết khác. Anh đảm bảo là mọi người, kể cả giám thị vòng quanh, đều biết những sự sắp đặt liên quan đến cuộc viếng thăm.
43 Giám thị vòng quanh sẽ liên hệ với giám thị điều phối để lên lịch cho các buổi nhóm họp của hội thánh và buổi nhóm rao giảng. Các buổi nhóm họp này được sắp đặt dựa theo lời đề nghị của giám thị vòng quanh và sự chỉ dẫn của văn phòng chi nhánh. Mọi người cần được thông báo trước về giờ và địa điểm của các buổi họp: buổi nhóm họp của hội thánh, buổi họp với anh chị tiên phong, buổi họp với trưởng lão và phụ tá, buổi nhóm rao giảng.
44 Chiều thứ ba, giám thị vòng quanh xem xét Phiếu người công bố, hồ sơ về số người tham dự nhóm họp, về khu vực rao giảng và sổ sách kế toán. Điều này sẽ giúp anh biết phần nào nhu cầu của hội thánh và góp ý cho những anh phụ trách hồ sơ. Giám thị điều phối nên sắp xếp để giám thị vòng quanh nhận được các hồ sơ này kịp thời.
45 Trong thời gian viếng thăm, nếu có thể, giám thị vòng quanh dành thì giờ để nói chuyện với từng anh em tại buổi nhóm họp, khi đi rao giảng, trong lúc dùng bữa chung và những dịp khác. Ngoài ra, anh họp với các trưởng lão và phụ tá, chia sẻ vài lời khuyên, lời đề nghị và sự khích lệ dựa trên Kinh Thánh hầu giúp họ chu toàn trách nhiệm chăn dắt bầy (Châm 27:23; Công 20:26-32; 1 Ti 4:11-16). Anh cũng họp với các anh chị tiên phong để khích lệ họ và giúp đỡ những anh chị nào gặp khó khăn trong thánh chức.
46 Nếu có vấn đề gì cần giải quyết, giám thị vòng quanh sẽ cố gắng giúp xử lý trong tuần lễ anh viếng thăm. Nếu chưa thể giải quyết trong tuần lễ đó, anh có thể giúp trưởng lão hoặc cá nhân có liên quan tìm ra lời khuyên phù hợp trong Kinh Thánh. Nếu văn phòng chi nhánh cần theo dõi vấn đề ấy, anh và các trưởng lão sẽ gửi báo cáo chi tiết cho văn phòng.
47 Trong thời gian viếng thăm, giám thị vòng quanh tham dự các buổi nhóm họp thường lệ của hội thánh. Các buổi nhóm họp này thỉnh thoảng có thể thay đổi dựa trên chỉ thị từ văn phòng chi nhánh. Anh trình bày bài giảng để khích lệ, thôi thúc, chỉ dạy và làm hội thánh vững mạnh. Anh cố gắng củng cố tình yêu thương của mỗi người dành cho Đức Giê-hô-va, Chúa Giê-su và tổ chức.
48 Một mục tiêu của cuộc viếng thăm là khơi dậy lòng sốt sắng của hội thánh đối với thánh chức và chia sẻ những đề nghị thực tiễn. Vào dịp này, nhiều anh chị có thể điều chỉnh thời gian biểu để tham gia thánh chức trọn vẹn trong tuần lễ ấy, ngay cả làm tiên phong phụ trợ trong tháng có giám thị viếng thăm. Bất kỳ ai cũng có thể đăng ký trước nếu muốn đi chung với anh giám thị hoặc vợ anh. Mọi người đều nhận lợi ích khi mời anh giám thị hoặc vợ anh đến dự học hỏi Kinh Thánh và thăm lại. Nỗ lực của các anh chị công bố để ủng hộ tuần lễ viếng thăm rất đáng quý.—Châm 27:17.
49 Hằng năm, mỗi vòng quanh có hai hội nghị vòng quanh. Giám thị vòng quanh phụ trách việc tổ chức hai hội nghị này. Anh bổ nhiệm một giám thị hội nghị và một phụ tá giám thị hội nghị. Họ phải hợp tác chặt chẽ với anh để tổ chức hội nghị. Nhờ thế, anh có thể chú tâm vào chương trình hội nghị. Giám thị vòng quanh cũng chỉ định những anh có khả năng để phụ trách các ban, và sắp đặt việc kiểm tra sổ sách kế toán của vòng quanh sau mỗi hội nghị. Một trong hai hội nghị sẽ có sự hiện diện của diễn giả khách là đại diện cho văn phòng chi nhánh. Do khoảng cách địa lý hoặc phòng hội nghị không đủ lớn, một số vòng quanh được chia ra và có đợt hội nghị riêng.
50 Giám thị vòng quanh gửi báo cáo rao giảng trực tiếp cho văn phòng chi nhánh mỗi cuối tháng. Nếu một số chi phí khiêm tốn, chẳng hạn như chi phí đi lại, ăn uống, chỗ ở và các điều cần thiết cho tuần lễ viếng thăm không được hội thánh địa phương trang trải thì anh có thể xin chi nhánh hỗ trợ. Các giám thị lưu động tin rằng nếu đặt quyền lợi Nước Trời lên hàng đầu, họ sẽ được chăm lo về nhu cầu vật chất, như Chúa Giê-su đã hứa (Lu 12:31). Các hội thánh cũng nên ý thức mình có đặc ân thể hiện lòng hiếu khách đối với các anh trưởng lão tận tụy này, là những người đang phục vụ anh em.—3 Giăng 5-8.
ỦY BAN CHI NHÁNH
51 Mỗi văn phòng chi nhánh của Nhân Chứng Giê-hô-va trên thế giới đều có một Ủy ban Chi nhánh gồm ít nhất ba anh hội đủ điều kiện và thành thục về thiêng liêng để giám sát công việc rao giảng tại một hoặc vài nước thuộc quyền phụ trách của chi nhánh. Một thành viên của ủy ban được bổ nhiệm làm điều phối viên Ủy ban Chi nhánh.
52 Các anh trong Ủy ban Chi nhánh phụ trách những vấn đề liên quan đến tất cả các hội thánh trong khu vực của chi nhánh. Ủy ban giám sát công việc rao giảng trên khắp khu vực thuộc chi nhánh, cũng như thành lập các hội thánh và vòng quanh để đáp ứng nhu cầu của cánh đồng. Ủy ban coi sóc công việc của các giáo sĩ, các anh chị tiên phong đặc biệt, đều đều và phụ trợ. Ủy ban cũng tổ chức các hội nghị và giao các nhiệm vụ để mọi việc diễn ra “một cách đúng đắn và theo trật tự”.—1 Cô 14:40.
53 Khi công việc tại một nước được coi sóc bởi chi nhánh của nước khác thì một Ủy ban Quốc gia có thể được thành lập ở địa phương. Sự sắp đặt này giúp dễ giám sát công việc trong nước hơn. Ủy ban Quốc gia phụ trách các vấn đề về nhà ở lẫn văn phòng của gia đình Bê-tên, xử lý thư từ cũng như báo cáo, và coi sóc tổng quát các hoạt động ngoài cánh đồng. Ủy ban Quốc gia hợp tác với Ủy ban Chi nhánh để đẩy mạnh quyền lợi Nước Trời.
54 Tất cả những anh phục vụ trong các Ủy ban Chi nhánh và Ủy ban Quốc gia đều do Hội đồng Lãnh đạo bổ nhiệm.
ANH ĐẠI DIỆN TRUNG ƯƠNG
55 Theo định kỳ, Hội đồng Lãnh đạo sắp xếp cho những anh hội đủ điều kiện đến thăm các chi nhánh khắp thế giới. Người làm công việc này được gọi là anh đại diện trung ương. Mục tiêu chính của anh là khích lệ gia đình Bê-tên và giúp Ủy ban Chi nhánh giải quyết các vấn đề hoặc câu hỏi liên quan đến công việc rao giảng và đào tạo môn đồ. Anh cũng gặp một số giám thị lưu động được chọn và định kỳ gặp các giáo sĩ. Anh thảo luận về các vấn đề và nhu cầu của họ, đưa ra lời khích lệ liên quan đến công việc quan trọng nhất với họ là rao giảng và đào tạo môn đồ.
56 Anh đại diện trung ương sẽ chú ý đến những hoạt động trong cánh đồng và trong các hội thánh. Nếu thời gian cho phép, anh đến thăm văn phòng dịch thuật từ xa. Khi đi thăm một chi nhánh, anh cũng dành thời gian tham gia công việc rao giảng, tùy vào lịch trình của mình.
Khi tiếp tục vâng phục các giám thị được bổ nhiệm để chăn bầy, chúng ta hợp nhất với Đầu hội thánh là Chúa Giê-su Ki-tô
SỰ COI SÓC ĐẦY YÊU THƯƠNG
57 Quả thật, công khó và sự coi sóc đầy yêu thương của các anh thành thục mang lại cho chúng ta nhiều lợi ích. Khi tiếp tục vâng phục các giám thị được bổ nhiệm để chăn bầy, chúng ta hợp nhất với Đầu hội thánh là Chúa Giê-su Ki-tô (1 Cô 16:15-18; Ê-phê 1:22, 23). Kết quả là các hội thánh trên khắp thế giới được thịnh vượng nhờ thần khí, và công việc được phát triển nhờ sự hướng dẫn của Lời Đức Chúa Trời.—Thi 119:105.