CHƯƠNG 13
“Hãy làm mọi việc vì sự vinh hiển của Đức Chúa Trời”
Là tôi tớ đã dâng mình cho Đức Chúa Trời, chúng ta phải phản ánh sự vinh hiển của ngài trong mọi lời nói và việc làm. Sứ đồ Phao-lô đưa ra nguyên tắc chủ đạo sau: “Dù anh em ăn, uống hay làm bất cứ điều gì, hãy làm mọi việc vì sự vinh hiển của Đức Chúa Trời” (1 Cô 10:31). Điều này bao hàm việc theo sát tiêu chuẩn công chính của Đức Giê-hô-va, là tiêu chuẩn phản ánh những đức tính hoàn hảo của ngài (Cô 3:10). Là dân thánh của Đức Chúa Trời, chúng ta phải bắt chước ngài.—Ê-phê 5:1, 2.
2 Sứ đồ Phi-e-rơ nhắc các tín đồ về điều ấy như sau: “Là con cái biết vâng lời, anh em đừng để bị rập khuôn theo những ham muốn mình từng có khi còn thiếu hiểu biết, nhưng hãy nên thánh trong mọi cách ăn ở của mình giống như Đấng Thánh đã gọi anh em, bởi có lời viết rằng: ‘Các ngươi phải thánh, vì ta là thánh’” (1 Phi 1:14-16). Như dân Y-sơ-ra-ên xưa, mỗi tín đồ trong hội thánh phải thánh sạch. Điều này có nghĩa là họ không bị tì vết, không bị ô uế bởi hành vi tội lỗi và tinh thần thế gian. Nhờ thế, họ được biệt riêng để phụng sự Đức Chúa Trời.—Xuất 20:5.
3 Để giữ sự thánh sạch, một người phải tuân theo luật pháp và nguyên tắc của Đức Giê-hô-va được ghi rõ trong Kinh Thánh (2 Ti 3:16). Khi tìm hiểu Kinh Thánh, chúng ta được dạy về Đức Giê-hô-va và đường lối của ngài, đồng thời được thu hút đến gần ngài. Chúng ta hiểu tại sao mình đặt Nước Trời và ý muốn ngài lên hàng đầu (Mat 6:33; Rô 12:2). Chúng ta đã mặc lấy nhân cách mới.—Ê-phê 4:22-24.
THÁNH SẠCH VỀ ĐẠO ĐỨC VÀ THIÊNG LIÊNG
4 Theo sát nguyên tắc công chính của Đức Giê-hô-va không phải lúc nào cũng dễ. Kẻ thù là Sa-tan Ác Quỷ luôn tìm cách cám dỗ chúng ta từ bỏ chân lý. Ảnh hưởng xấu của thế gian và khuynh hướng tội lỗi của bản thân cũng là một trở ngại khác. Vì thế, để sống xứng đáng với sự dâng mình, chúng ta cần phải tranh đấu. Ngoài ra, Kinh Thánh đã báo trước môn đồ Chúa Giê-su sẽ gặp sự chống đối và thử thách nên chúng ta không ngạc nhiên khi phải chịu khổ vì sự công chính (2 Ti 3:12). Dù phải chịu đựng thử thách, chúng ta vẫn hạnh phúc vì biết đó là bằng chứng cho thấy mình đang làm theo ý muốn Đức Chúa Trời.—1 Phi 3:14-16; 4:12, 14-16.
5 Dù là người hoàn hảo, Chúa Giê-su đã học vâng lời từ những gì ngài phải chịu. Chưa bao giờ ngài khuất phục trước cám dỗ của Sa-tan hoặc nuôi dưỡng tham vọng của thế gian (Mat 4:1-11; Giăng 6:15). Thậm chí ngài chưa từng có ý nghĩ thỏa hiệp. Dù bị thế gian ghét vì giữ lòng trung thành, nhưng Chúa Giê-su luôn theo sát tiêu chuẩn công chính của Đức Giê-hô-va. Không lâu trước khi chết, ngài cảnh báo các môn đồ rằng thế gian cũng sẽ ghét họ. Từ đó trở đi, các môn đồ gặp nhiều hoạn nạn, nhưng họ can đảm vì biết rằng Con Đức Chúa Trời đã thắng thế gian.—Giăng 15:19; 16:33; 17:16.
6 Để không thuộc về thế gian, chúng ta phải ủng hộ tiêu chuẩn công chính của Đức Giê-hô-va, như Thầy chúng ta đã làm. Ngoài việc tránh dính líu đến vấn đề chính trị xã hội, chúng ta cũng phải kháng cự tinh thần suy đồi về đạo đức của thế gian. Chúng ta nghiêm túc áp dụng lời khuyên nơi Gia-cơ 1:21: “Hãy từ bỏ mọi điều bẩn thỉu cùng mọi dấu vết của sự xấu xa, hãy lấy lòng mềm mại mà để cho lời Đức Chúa Trời được trồng trong anh em, là lời có thể cứu anh em”. Qua việc học Kinh Thánh và tham dự nhóm họp, chúng ta để cho “lời Đức Chúa Trời được trồng” vào lòng và trí mình, và không mơ tưởng đến những điều trong thế gian. Môn đồ Gia-cơ viết: “Anh em chẳng biết làm bạn với thế gian là thù nghịch với Đức Chúa Trời sao? Thế nên, ai muốn làm bạn với thế gian là tự biến mình thành kẻ thù của Đức Chúa Trời” (Gia 4:4). Vì vậy, Kinh Thánh nghiêm khắc khuyên bảo chúng ta phải giữ tiêu chuẩn công chính của Đức Giê-hô-va và tách biệt khỏi thế gian.
7 Lời Đức Chúa Trời dạy chúng ta phải tránh hành vi vô luân và đáng xấu hổ. Kinh Thánh nói: “Thậm chí anh em không nên nhắc đến sự gian dâm, mọi điều ô uế hay tham lam, thế mới xứng là dân thánh” (Ê-phê 5:3). Vậy, hãy kiên quyết không để tâm trí nghĩ đến những điều bẩn thỉu, đáng hổ thẹn hoặc hèn hạ, và cũng không để những điều ấy len lỏi vào các cuộc trò chuyện. Khi làm thế, chúng ta cho thấy mình muốn giữ các tiêu chuẩn đạo đức thánh sạch và công chính của Đức Giê-hô-va.
THÁNH SẠCH VỀ THỂ CHẤT
8 Ngoài sự thánh sạch về đạo đức và thiêng liêng, tín đồ đạo Đấng Ki-tô cũng nhận ra tầm quan trọng của sự thánh sạch về thể chất. Vào thời xưa, Đức Chúa Trời thánh khiết đòi hỏi trại của dân Y-sơ-ra-ên phải sạch sẽ. Chúng ta cũng phải giữ sạch sẽ để ngài không “thấy điều gì không xứng đáng” trong chúng ta.—Phục 23:14.
9 Trong Kinh Thánh, sự thánh sạch và sự sạch sẽ về thể chất đi đôi với nhau. Chẳng hạn, Phao-lô viết: “Hỡi anh em yêu dấu,... chúng ta hãy tẩy sạch mình khỏi mọi sự ô uế về thể xác lẫn tinh thần, và ngày càng trở nên thánh sạch trong sự kính sợ Đức Chúa Trời” (2 Cô 7:1). Vì vậy, tín đồ đạo Đấng Ki-tô, cả nam lẫn nữ, đều cố gắng giữ sạch sẽ bằng cách tắm giặt thường xuyên. Dù điều kiện ở mỗi quốc gia mỗi khác nhưng thường chúng ta vẫn có được xà bông và nước để giữ sạch sẽ cho mình cũng như con cái.
10 Vì thường đi rao giảng nên chúng ta được những người sống trong cộng đồng biết đến. Việc giữ nhà cửa ngăn nắp và sạch sẽ cả trong lẫn ngoài cũng là cách làm chứng cho hàng xóm. Cả gia đình nên góp phần vào việc này. Các anh có thể để ý đến nhà cửa và sân vườn, vì một khoảng sân sạch sẽ và nhà cửa được bảo trì tốt thường tạo ấn tượng tốt với người khác. Khi làm thế và khi dẫn đầu gia đình về thiêng liêng, các anh cho thấy họ khéo cai quản nhà mình (1 Ti 3:4, 12). Các chị cũng làm phần của mình, chủ yếu là chăm lo việc nhà (Tít 2:4, 5). Con cái cũng được dạy để giữ vệ sinh cá nhân và dọn dẹp phòng ngăn nắp. Như vậy, cả gia đình tập thói quen giữ sạch sẽ, là tiêu chuẩn trong thế giới mới dưới sự cai trị của Nước Trời.
11 Ngày nay, nhiều Nhân Chứng Giê-hô-va đến nhóm họp bằng xe và tại vài nơi, xe là phương tiện không thể thiếu khi đi thánh chức. Chúng ta nên thường xuyên bảo trì và giữ cho xe được sạch sẽ. Nhà cửa và xe cộ nên cho thấy chúng ta thuộc về dân thánh sạch của Đức Giê-hô-va. Nguyên tắc này cũng áp dụng cho túi xách và Kinh Thánh dùng trong thánh chức.
12 Ngoại diện của chúng ta nên phù hợp với các nguyên tắc của Đức Chúa Trời. Hẳn chúng ta không bao giờ ăn mặc xuềnh xoàng hoặc cẩu thả khi đến gặp một người có địa vị. Chúng ta càng nên quan tâm hơn khi đại diện cho Đức Giê-hô-va trong thánh chức hoặc trên bục giảng. Kiểu tóc và cách ăn mặc của chúng ta có thể ảnh hưởng đến cái nhìn của người khác về sự thờ phượng Đức Giê-hô-va. Chắc chắn, trong vấn đề này một tín đồ không nên thiếu khiêm tốn hoặc xem thường cảm xúc của người khác (Mi 6:8; 1 Cô 10:31-33; 1 Ti 2:9, 10). Vì vậy, khi chuẩn bị để đi thánh chức, nhóm họp và hội nghị, chúng ta muốn nhớ nguyên tắc Kinh Thánh về sự sạch sẽ và ngoại diện khiêm tốn. Chúng ta luôn muốn ngợi khen và tôn vinh Đức Giê-hô-va.
Là tôi tớ đã dâng mình cho Đức Chúa Trời, chúng ta phải phản ánh sự vinh hiển của ngài trong mọi lời nói và việc làm
13 Chúng ta cũng áp dụng những nguyên tắc ấy khi đi thăm trụ sở trung ương hoặc văn phòng chi nhánh của Nhân Chứng Giê-hô-va. Hãy nhớ rằng Bê-tên có nghĩa là “nhà của Đức Chúa Trời”. Vì vậy, chúng ta nên ăn mặc và có hạnh kiểm giống như khi dự nhóm họp tại Phòng Nước Trời.
14 Ngay cả trong những lúc giải trí, chúng ta cũng nên để ý đến ngoại diện. Hãy tự hỏi: “Ngoại diện có khiến mình ngại làm chứng bán chính thức không?”.
GIẢI TRÍ LÀNH MẠNH
15 Nghỉ ngơi và giải trí là cần thiết để giữ sự thăng bằng và có sức khỏe tốt. Dịp nọ, Chúa Giê-su bảo các môn đồ đến nơi vắng vẻ để “nghỉ ngơi một chút” (Mác 6:31). Dành thời gian giải trí và nghỉ ngơi có thể giúp chúng ta thoải mái tinh thần và lấy lại sức để tiếp tục làm việc.
16 Vì hiện nay có quá nhiều hình thức giải trí, tín đồ đạo Đấng Ki-tô cần vận dụng sự khôn ngoan từ Đức Chúa Trời để lựa chọn cẩn thận. Đúng là giải trí cũng có lợi nhưng không phải là điều quan trọng trong đời sống. Chúng ta được cảnh báo rằng trong “những ngày sau cùng”, người ta “ham mê lạc thú thay vì yêu mến Đức Chúa Trời” (2 Ti 3:1, 4). Những điều mà ngày nay người ta xem là giải trí phần lớn không phù hợp với những ai muốn giữ tiêu chuẩn công chính của Đức Giê-hô-va.
17 Tín đồ thời ban đầu phải kháng cự tinh thần suy đồi trong một xã hội ham mê lạc thú. Tại các đấu trường La Mã, khán giả giải trí bằng cách xem người khác chịu đau đớn. Những cảnh bạo lực, đổ máu và vô luân được trình diễn để mua vui cho quần chúng, nhưng các tín đồ tránh xa điều này. Ngày nay, phần lớn các loại giải trí của thế gian có đặc điểm tương tự và ngành giải trí thì chạy theo thị hiếu thấp hèn của con người. Chúng ta cần “giữ gìn cẩn thận” cách ăn ở của mình và tránh xa những trò giải trí đồi bại (Ê-phê 5:15, 16; Thi 11:5). Đôi khi, có những hình thức giải trí tự nó không có gì sai nhưng môi trường thì không thích hợp.—1 Phi 4:1-4.
18 Có những hình thức giải trí lành mạnh mà tín đồ đạo Đấng Ki-tô có thể tham gia. Nhiều người nhận được lợi ích nhờ làm theo lời khuyên trong Kinh Thánh và những đề nghị thăng bằng trong ấn phẩm.
19 Đôi khi nhiều anh chị được mời đến nhà anh em đồng đạo cùng một dịp, được mời dự tiệc cưới hoặc một buổi họp mặt tương tự (Giăng 2:2). Chủ tiệc nên chịu trách nhiệm về những gì diễn ra. Rõ ràng, chúng ta cần thận trọng khi tổ chức những buổi họp mặt đông người. Trong những dịp thoải mái ấy, một số người đã vượt quá giới hạn của một tín đồ như ăn uống quá độ và phạm những tội trọng khác. Ý thức điều này, những tín đồ biết suy xét đã khôn ngoan hạn chế số khách mời và thời gian của cuộc họp mặt. Nếu có rượu thì chỉ nên dùng cách chừng mực (Phi-líp 4:5). Nếu buổi họp mặt mang tính chất lành mạnh và xây dựng về thiêng liêng thì đồ ăn thức uống sẽ không phải là điều quan trọng nhất.
20 Tỏ lòng hiếu khách là điều tốt (1 Phi 4:9). Khi mời anh em đến nhà dùng bữa, ăn nhẹ, giải trí hay để thắt chặt tình anh em, chúng ta muốn nhớ đến những người thiệt thòi (Lu 14:12-14). Nếu là khách mời, chúng ta nên cư xử phù hợp với nguyên tắc nơi Mác 12:31. Cũng nên luôn tỏ lòng biết ơn về sự tử tế của người khác.
21 Tín đồ đạo Đấng Ki-tô “ăn uống và vui mừng về mọi việc khó nhọc của mình” vì đây là món quà từ Đức Chúa Trời (Truyền 3:12, 13). Khi cả chủ tiệc lẫn khách mời “làm mọi việc vì sự vinh hiển của Đức Chúa Trời”, buổi họp mặt sẽ xây dựng về thiêng liêng và để lại những kỷ niệm đẹp.
TRƯỜNG HỌC
22 Nền giáo dục cơ bản tại trường đem lại lợi ích cho con cái của Nhân Chứng Giê-hô-va. Các em muốn tập viết và tập đọc lưu loát. Một số môn học khác cũng giúp ích các em trong việc theo đuổi mục tiêu thiêng liêng. Suốt những năm còn đi học, các em muốn cố gắng “nhớ đến Đấng Tạo Hóa Vĩ Đại” bằng cách ưu tiên cho điều thiêng liêng.—Truyền 12:1.
23 Nếu là tín đồ trẻ còn đi học, hãy thận trọng không kết thân với bạn học thế gian (2 Ti 3:1, 2). Có nhiều điều các em có thể làm để kháng cự ảnh hưởng của thế gian. Đức Giê-hô-va cung cấp sự che chở cần thiết. Do đó, hãy tận dụng những sự cung cấp của ngài để bảo vệ chính mình.—Thi 23:4, 5; 91:1, 2.
24 Để tách biệt khỏi thế gian, đa số Nhân Chứng trẻ chọn không tham gia những hoạt động ngoại khóa tại trường. Điều này có lẽ khiến bạn học và thầy cô khó hiểu. Tuy nhiên, điều quan trọng là làm hài lòng Đức Chúa Trời. Để làm thế, các em phải vận dụng lương tâm được Kinh Thánh rèn luyện và kiên quyết không dính líu đến những hoạt động có tinh thần ái quốc hoặc ganh đua (Ga 5:19, 26). Nhờ những lời khuyên của cha mẹ tin kính và bạn tốt trong hội thánh, các bạn trẻ có thể giữ vững tiêu chuẩn công chính của Đức Giê-hô-va.
VIỆC LÀM NGOÀI ĐỜI VÀ MỐI GIAO TIẾP
25 Theo Kinh Thánh, người chủ gia đình có bổn phận chu cấp cho người nhà mình (1 Ti 5:8). Dù vậy, họ nhận biết mình là người truyền giáo và công việc ngoài đời là thứ yếu so với việc ủng hộ quyền lợi Nước Trời (Mat 6:33; Rô 11:13). Lòng sùng kính cùng với sự thỏa lòng khi có thức ăn áo mặc giúp họ tránh được những lo lắng và cạm bẫy của chủ nghĩa vật chất.—1 Ti 6:6-10.
26 Những tín đồ làm việc ngoài đời luôn ghi nhớ các nguyên tắc Kinh Thánh. Chúng ta kiếm sống một cách lương thiện, không làm điều gì trái với luật pháp của Đức Chúa Trời hoặc của nhà nước (Rô 13:1, 2; 1 Cô 6:9, 10). Chúng ta ý thức mối nguy hiểm từ bạn bè xấu. Là người lính của Đấng Ki-tô, chúng ta không tham gia vào việc làm ăn buôn bán khiến mình vi phạm tiêu chuẩn Đức Chúa Trời, thỏa hiệp lập trường trung lập hoặc bị ảnh hưởng về thiêng liêng (Ê-sai 2:4; 2 Ti 2:4). Chúng ta không dính líu đến “Ba-by-lôn Lớn”, tôn giáo sai lầm và là kẻ thù của Đức Chúa Trời.—Khải 18:2, 4; 2 Cô 6:14-17.
27 Vì giữ tiêu chuẩn công chính của Đức Chúa Trời, chúng ta không lợi dụng mối quan hệ với anh em để làm ăn buôn bán hoặc trục lợi. Mục đích duy nhất của các buổi nhóm họp và hội nghị là thờ phượng Đức Giê-hô-va. Chúng ta đến đó để được ăn tại bàn của Đức Chúa Trời và “khích lệ lẫn nhau” (Rô 1:11, 12; Hê 10:24, 25). Những dịp như thế nên xoay quanh vấn đề thiêng liêng.
ANH EM CHUNG SỐNG THUẬN HÒA
28 Để giữ tiêu chuẩn công chính của Đức Giê-hô-va, dân ngài cũng phải “gìn giữ sự hiệp một có được nhờ thần khí trong mối liên kết của sự hòa thuận” (Ê-phê 4:1-3). Thay vì tìm cách làm hài lòng chính mình, mỗi người cố gắng làm điều lành cho người khác (1 Tê 5:15). Hẳn tinh thần này có trong hội thánh anh chị. Bất kể chủng tộc, quốc gia, tầng lớp xã hội, điều kiện kinh tế hay trình độ học vấn, tất cả chúng ta đều làm theo cùng tiêu chuẩn công chính. Ngay cả người ngoài cũng nhận thấy đây là đặc điểm nổi bật của Nhân Chứng Giê-hô-va.—1 Phi 2:12.
29 Sứ đồ Phao-lô giải thích thêm yếu tố căn bản tạo nên sự hợp nhất: “Chỉ có một thân thể và một thần khí, như anh em được gọi đến với một hy vọng mà thôi; chỉ có một Chúa, một đức tin, một phép báp-têm; chỉ có một Đức Chúa Trời, là Cha của mọi người, đấng có quyền trên mọi người, hoạt động qua mọi người và trong mọi người” (Ê-phê 4:4-6). Những lời này thôi thúc chúng ta thống nhất về cách hiểu sự dạy dỗ căn bản và sâu sắc của Kinh Thánh, qua đó cho thấy mình nhìn nhận quyền tối thượng của Đức Giê-hô-va. Quả thật, Đức Giê-hô-va đã ban cho dân ngài ngôn ngữ thanh sạch của chân lý để họ kề vai sát cánh hầu việc ngài.—Xô 3:9.
30 Sự hợp nhất và bình an trong hội thánh là nguồn khích lệ cho tất cả những ai thờ phượng Đức Giê-hô-va. Chúng ta đã thấy ngài thực hiện lời hứa sau: “Ta sẽ thâu chúng lại thành một, như cừu chung một chuồng” (Mi 2:12). Chúng ta muốn gìn giữ sự bình an và hợp nhất bằng cách theo sát tiêu chuẩn công chính của Đức Giê-hô-va.
31 Hạnh phúc thay cho những ai được nhận vào tổ chức thánh sạch của Đức Giê-hô-va! Đặc ân mang danh ngài thật xứng đáng mọi hy sinh. Để gìn giữ mối quan hệ quý giá với Đức Giê-hô-va, chúng ta hãy cố gắng theo sát tiêu chuẩn công chính của ngài và khuyến khích người khác cũng làm thế.—2 Cô 3:18.