Hãy hết lòng với công việc được giao!
Anh chị cảm thấy thế nào khi nhận được lá thư ấm lòng từ một người bạn tốt? Môn đồ Ti-mô-thê đã nhận lá thư như thế từ sứ đồ Phao-lô, lá thư ấy ngày nay được biết đến là sách 2 Ti-mô-thê trong Kinh Thánh. Chắc chắn Ti-mô-thê háo hức tìm nơi yên tĩnh để đọc những lời mà người bạn thân viết cho mình. Có lẽ Ti-mô-thê suy nghĩ: “Phao-lô thế nào rồi? Phao-lô có lời khuyên nào cho mình để thi hành những nhiệm vụ được giao? Lá thư này giúp mình ra sao để thành công trong thánh chức và giúp đỡ người khác?”. Như chúng ta sẽ thấy, Ti-mô-thê tìm được lời giải đáp cho những câu hỏi ấy và nhiều điều khác nữa trong lá thư quý giá này. Giờ đây, hãy xem một số lời khuyên hữu ích trong lá thư ấy.
“TA TIẾP TỤC CHỊU ĐỰNG MỌI SỰ”
Khi đọc những lời mở đầu của lá thư, Ti-mô-thê lập tức cảm nhận được mối quan hệ mật thiết mà ông có với Phao-lô. Phao-lô gọi Ti-mô-thê bằng cụm từ nồng ấm “con yêu dấu của ta” (2 Ti 1:2). Dù Ti-mô-thê có lẽ ngoài 30 tuổi khi nhận lá thư này vào khoảng năm 65 CN, nhưng lúc đó ông đã là một trưởng lão giàu kinh nghiệm. Ti-mô-thê đã kết hợp với Phao-lô hơn một thập kỷ và ông học được nhiều điều từ Phao-lô.
Hẳn Ti-mô-thê rất được khích lệ khi biết Phao-lô giữ trung thành dù đương đầu với nghịch cảnh. Lúc đó, Phao-lô đang ngồi tù ở Rô-ma và sắp phải đối mặt với cái chết (2 Ti 1:15, 16; 4:6-8). Ti-mô-thê có thể thấy lòng can đảm của Phao-lô qua những lời mà sứ đồ ấy viết: “Ta tiếp tục chịu đựng mọi sự” (2 Ti 2:8-13). Như Ti-mô-thê, chúng ta có thể được khích lệ qua gương chịu đựng tuyệt vời của Phao-lô.
“SỐT SẮNG NHƯ CỜI CHO NGỌN LỬA BÙNG LÊN”
Phao-lô khuyên Ti-mô-thê xem nhiệm vụ mà ông có trong việc phụng sự Đức Chúa Trời là điều quý giá. Phao-lô muốn Ti-mô-thê dùng món quà của Đức Chúa Trời một cách “sốt sắng như cời cho ngọn lửa bùng lên” (2 Ti 1:6). Phao-lô dùng từ khaʹri·sma cho từ “món quà”. Trong tiếng Hy Lạp, từ này có nghĩa cơ bản là món quà miễn phí và người nhận không xứng đáng được nhận. Ti-mô-thê đã nhận món quà này khi ông được chọn để phục vụ hội thánh theo một cách đặc biệt.—1 Ti 4:14.
Ti-mô-thê được khuyến khích dùng món quà này như thế nào? Khi đọc cụm từ “cời cho ngọn lửa bùng lên”, có lẽ ông nghĩ đến hình ảnh ngọn lửa với thời gian chỉ còn lại than đỏ. Những than này cần được cời lên để ngọn lửa nhen nhóm lại và sinh nhiều nhiệt hơn. Một từ điển nói rằng động từ Hy Lạp (a·na·zo·py·reʹo) mà Phao-lô dùng có nghĩa là “nhen lại, thổi cho lửa cháy”, theo nghĩa bóng là “thôi thúc một người háo hức và sốt sắng làm công việc nào đó”. Như thể Phao-lô đang khuyên Ti-mô-thê: “Hãy hết lòng với công việc được giao!”. Ngày nay, chúng ta cũng muốn nỗ lực và sốt sắng trong việc phụng sự Đức Giê-hô-va.
“HÃY GÌN GIỮ BÁU VẬT ĐÃ ĐƯỢC GIAO PHÓ CHO CON”
Khi đọc tiếp lá thư của người bạn yêu dấu, Ti-mô-thê tìm thấy một điểm khác giúp ông thành công trong thánh chức. Phao-lô viết: “Hãy gìn giữ báu vật đã được giao phó cho con, nhờ sự trợ giúp của thần khí thánh, là thần khí đang ở trong chúng ta” (2 Ti 1:14). Ti-mô-thê được tín nhiệm giao phó báu vật nào? Trong câu trước, Phao-lô nói đến “sự dạy dỗ hữu ích”, tức chân lý được tìm thấy trong Kinh Thánh (2 Ti 1:13). Là môn đồ của Đấng Ki-tô, Ti-mô-thê rao giảng chân lý cả trong và ngoài hội thánh (2 Ti 4:1-5). Ông cũng được bổ nhiệm làm trưởng lão để chăn bầy của Đức Chúa Trời (1 Phi 5:2). Để gìn giữ báu vật được giao, tức chân lý mà ông dạy dỗ, Ti-mô-thê cần nương cậy thần khí thánh của Đức Giê-hô-va và Lời ngài.—2 Ti 3:14-17.
Ngày nay, chúng ta cũng được tín nhiệm giao cho chân lý để dạy dỗ người khác (Mat 28:19, 20). Chúng ta có thể duy trì lòng biết ơn đối với báu vật quý giá này bằng cách kiên trì cầu nguyện và vun trồng thói quen tốt trong việc học hỏi Lời Đức Chúa Trời (Rô 12:11, 12; 1 Ti 4:13, 15, 16). Có lẽ chúng ta được giao thêm những đặc ân khác, chẳng hạn như làm trưởng lão hoặc phụng sự trong thánh chức trọn thời gian. Nếu nhận được đặc ân đó, chúng ta nên khiêm nhường và nương cậy nơi Đức Chúa Trời. Vậy để bảo vệ báu vật của mình, chúng ta cần quý trọng báu vật ấy và nương cậy nơi sự trợ giúp của Đức Giê-hô-va khi thi hành công việc được giao.
‘NHỮNG ĐIỀU CON NGHE NƠI TA THÌ HÃY GIAO PHÓ CHO NHỮNG NGƯỜI TRUNG TÍN’
Một phần nhiệm vụ của Ti-mô-thê là huấn luyện người khác để họ làm công việc giống như ông. Đó là lý do tại sao Phao-lô khuyến giục Ti-mô-thê: “Những điều con nghe nơi ta... thì hãy giao phó cho những người trung tín, để rồi họ cũng hội đủ điều kiện dạy người khác” (2 Ti 2:2). Thật vậy, Ti-mô-thê được nhắc để dạy người khác mọi điều mà ông học được. Tất cả các giám thị trong hội thánh đạo Đấng Ki-tô ngày nay cũng cần cố gắng làm thế và điều này rất quan trọng. Một giám thị tốt sẽ không ích kỷ giấu nghề. Thay vì thế, anh sẽ dạy người khác những điều mình biết để họ có thể đảm nhận công việc mà anh đang làm. Anh sẽ không sợ người khác nổi bật hơn vì hiểu biết nhiều hơn hoặc thực hiện công việc tốt hơn anh. Do đó, một giám thị không chỉ dạy người khác những điều căn bản mà còn muốn giúp người ấy phát triển khả năng suy xét và phán đoán để trở thành một tín đồ thành thục. Nhờ thế, “những người trung tín” mà anh huấn luyện sẽ hữu ích hơn cho hội thánh.
Hẳn Ti-mô-thê rất quý trọng lá thư ấm lòng mà ông nhận được từ Phao-lô. Hãy hình dung ông xem đi xem lại lời khuyên quý giá ấy và suy ngẫm về cách tốt nhất để áp dụng lời khuyên đó khi thi hành nhiệm vụ được giao.
Chúng ta cũng muốn khắc ghi lời khuyên ấy vào lòng. Bằng cách nào? Chúng ta có thể cố gắng dùng món quà của Đức Chúa Trời một cách sốt sắng như cời cho ngọn lửa bùng lên, gìn giữ báu vật của mình và dạy người khác những điều mà mình học được. Khi làm thế, chúng ta có thể “chu toàn thánh chức của [mình]”, như điều mà Phao-lô đã nói với Ti-mô-thê.—2 Ti 4:5.