Thực hành hơn là nói suông: “Hãy sưởi cho ấm và ăn cho no”
“Ví thử... một kẻ trong anh em nói với họ rằng: Hãy đi cho bình-an, hãy sưởi cho ấm và ăn cho no, nhưng không cho họ đồ cần-dùng về phần xác, thì có ích gì chăng?...Nếu đức-tin không sanh ra việc làm, thì tự mình nó chết” (GIA-CƠ 2:15-17).
1. Một anh ở xứ Nigeria đã gặp phải sự khốn khó thế nào?
Người ta tính là ông Lebechi Okwaraocha sanh ra trước năm 1880, vậy thì ông đã ngoài một trăm tuổi rồi. Ông ở xứ Nigeria (Phi châu) và theo sự thờ phượng bùa phép của cha mẹ ông để lại. Rồi đến năm ông được 80 tuổi, ông bắt đầu học Kinh-thánh với Nhân-chứng Giê-hô-va. Ông áp dụng những gì ông đã học và chịu phép báp têm. Như vậy ông là một Nhân-chứng Giê-hô-va khoảng 30 năm nay rồi. Cách đây không lâu, các trưởng lão hội-thánh đến viếng thăm ông và người vợ 72 tuổi của ông (bà theo đạo Công-giáo Anh-quốc) sau một trận mưa to. Cả hai đều tỏ vẻ chán nản—sàn nhà lá của họ bị ngập nước, và họ không có bà con họ hàng nào để cho họ tá túc hay giúp họ sửa chữa lại căn nhà đó. Nếu bạn có mặt ở đó, bạn sẽ làm gì? Trước khi biết những gì xảy ra sau đó, chúng ta hãy xem xét vài lời khuyên trong Kinh-thánh.
2. Tại sao chúng ta muốn làm những “việc lành”?
2 Giê-su đã “là đấng liều mình vì chúng ta, để... làm cho sạch, đặng lấy chúng ta làm một dân thuộc riêng về ngài, là dân có lòng sốt-sắng về các việc lành” (Tít 2:14). Công việc lành này tập trung vào việc rao giảng cứu mạng sống người khác (Mác 13:10; Khải-huyền 7:9, 10). Tuy nhiên, “việc lành” của các tín đồ đấng Christ bao gồm nhiều hơn là chỉ công việc rao giảng, vì Gia-cơ là em cùng mẹ khác cha với Giê-su đã giải thích: “Sự tin đạo thanh-sạch không vết, trước mặt Đức Chúa Trời, Cha chúng ta, là: thăm-viếng kẻ mồ-côi, người góa-bụa trong cơn khốn-khó của họ, và giữ lấy mình cho khỏi sự ô-uế của thế-gian” (Gia-cơ 1:27).
3, 4. Chúng ta học được gì trong I Ti-mô-thê đoạn 3 đến 5 về “việc lành”, và điều này đưa đến những câu hỏi nào?
3 Các hội-thánh trong thế kỷ thứ nhất đã tham dự vào cả hai loại “việc lành”. Trong I Ti-mô-thê đoạn 3, sau khi đã liệt kê những điều kiện cho các trưởng lão và tôi tớ chức vụ, sứ đồ Phao-lô viết rằng “Hội-thánh của Đức Chúa Trời hằng sống [là] trụ và nền của lẽ thật” (I Ti-mô-thê 3:1-15). Ông chỉ rõ rằng những tín đồ đấng Christ theo sát những sự dạy dỗ thật sẽ có thể được cứu và cả những kẻ nghe họ nữa (I Ti-mô-thê 4:16). Sau đó Phao-lô bàn luận về “việc lành” là giúp đỡ vật chất cho những người góa bụa bị “khốn-khó” (I Ti-mô-thê 5:3-5).
4 Vì thế, ngoài công việc rao giảng, chúng ta còn phải quan tâm đến “việc lành” như là “thăm-viếng kẻ mồ-côi, người góa-bụa trong cơn khốn-khó của họ”. Các trưởng lão và tôi tớ chức vụ là “kẻ dắt-dẫn anh em” có thể làm gì trong vấn đề này? (Hê-bơ-rơ 13:17). Những người khác có thể giúp họ trong việc đó thế nào? Và cá nhân chúng ta có thể làm gì về “việc lành” loại này?
Trưởng lão dẫn dắt tốt
5. Phao-lô đã đương đầu thế nào với một nhu cầu đặc biệt, và ngày nay có điều gì giống thế không?
5 Khi một nhu cầu đặc biệt xảy ra ở Giu-đê, sứ đồ Phao-lô là trưởng lão, đã dẫn dắt trong việc tổ chức cứu trợ. Sự dẫn dắt đó làm giảm thiểu bất cứ sự xáo trộn nào; những đồ vật chất có thể phân phát công bằng, tùy theo sự cần dùng của mỗi người (I Cô-rinh-tô 16:1-3; Công-vụ các Sứ-đồ 6:1, 2). Cũng vậy, các trưởng lão ngày nay đã dẫn dắt trong công việc cứu trợ sau các tai họa như lụt lội, bùn cuốn trôi, biển tràn vào đất, bão tố hay động đất, như thế họ “chăm về lợi kẻ khác nữa” (Phi-líp 2:3, 4).
6. Khi một tai họa xảy ra ở tiểu bang Ca-li (Hoa-kỳ), các trưởng lão đáp ứng thế nào?
6 Báo Tỉnh thức! (Awake!) số ra ngày 8-10-1986 có nói đến một thí dụ về đạo đấng Christ hoạt động tích cực. Trưởng lão đã đáp ứng khi ở tiểu bang Ca-li (Hoa-kỳ) một cái đê vỡ nước gây ra nạn lụt. Những người chăn chiên thiêng liêng này lập tức kiểm điểm bầy chiên để coi có ai có thể thất lạc hay cần thuốc men, thực phẩm hay chỗ ở. Các trưởng lão hợp tác với văn phòng trung ương của Nhân-chứng Giê-hô-va. Một ủy ban cứu trợ được thành lập, và khi các anh em Nhân-chứng đến để giúp, họ được sắp xếp thành từng nhóm để dọn dẹp và sửa chữa những nhà bị hư hại. Các trưởng lão cũng coi sóc việc mua và phân phối các vật liệu. Điều này chứng tỏ khi những nhu cầu đặc biệt xuất hiện “các môn-đồ bèn định, mỗi người tùy sức riêng mình, gởi một món tiền” hay làm hộ việc gì, nhưng có lẽ nên khôn ngoan là thảo luận với các trưởng lão trong hội-thánh địa phương và theo sự hướng dẫn của họ (So sánh Công-vụ các Sứ-đồ 11:27-30).
7. Chúng ta cũng nên đáp ứng những nhu cầu thông thường nào?
7 Trong khi bạn (dù là trưởng lão hay không) đôi khi có thể đáp ứng cho một nhu cầu lớn sau tai họa, nhưng có những nhu cầu thông thường khác cũng thiết thực như vậy tại ngay hội-thánh của bạn. Vì những nhu cầu này có thể không khẩn cấp như sau một tai họa lớn cho nên dễ bị bỏ qua hay chỉ được lưu ý ở mức tối thiểu. Nhưng Gia-cơ 2:15-17 nói đến các nhu cầu địa phương này. Đúng thế, hội-thánh của bạn có thể là một thử thách xem “đức tin của bạn có việc làm, hay là đức tin chết”.
8. Các giám thị bày tỏ sự khôn ngoan thế nào trong việc giải quyết những nhu cầu trong hội-thánh?
8 Trong việc dẫn dắt, các trưởng lão nên cố gắng để có “sự khôn-ngoan và thông-sáng” (Gia-cơ 3:13). Với sự khôn ngoan họ có thể che chở toàn thể bầy chiên để chống lại kẻ mạo danh đi từ anh em này đến anh em khác (hay từ hội-thánh này đến hội-thánh khác) để mượn tiền hay đặt chuyện để tìm “sự giúp đỡ”. Các trưởng lão có khôn ngoan không thể thông cảm với sự lười biếng vì nguyên tắc Kinh-thánh là “nếu ai không khứng làm việc, thì cũng không nên ăn nữa” (II Tê-sa-lô-ni-ca 3:10-15). Dù thế, họ cũng không muốn “chặt dạ” hay thúc đẩy các anh em khác làm như thế (I Giăng 3:17). Một lý do khác về tại sao họ cần sự khôn ngoan là Kinh-thánh không cho chúng ta những nguyên tắc bất tận về việc giúp đỡ người nghèo và người khốn khó. Tình cảnh thay đổi từ thời này sang thời khác và từ nơi này sang nơi khác.
9. a) Những tín đồ bị góa bụa được chăm sóc thế nào trong thế kỷ thứ nhất? b) Ngày nay những người đó có thể được giúp đỡ dưới những hình thức nào?
9 Thí dụ, trong I Ti-mô-thê 5:3-10, Phao-lô bàn về kẻ góa bụa mà “thật là góa”. Người trong đạo là thân thuộc của họ phải là người có trách nhiệm ưu tiên giúp họ; nếu bỏ trách nhiệm đó người thân thuộc kia có thể làm tổn thương địa vị của mình trước mặt Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, nếu một người khốn khó và thật góa không thể tìm được sự giúp đỡ nơi người thân thuộc họ hàng thì trưởng lão có thể sắp đặt để hội-thánh giúp phần nào về phương diện vật chất. Những năm gần đây vài hội-thánh đã giúp đỡ những người đặc biệt khốn khó trong hội-thánh. Tuy nhiên, ngày nay nhiều nước có những chương trình đài thọ bởi tiền thuế để giúp đỡ người già cả, tàn tật hay những người muốn làm việc nhưng không tìm được việc làm. Dù sao, có lẽ các trưởng lão muốn giúp bằng cách khác. Vài người thật sự khốn khó và hội đủ điều kiện để xin trợ cấp xã hội nhưng không nhận được vì không biết làm cách nào để xin hay quá e thẹn để hỏi xin. Nếu thế, trưởng lão có thể giúp hỏi những cơ quan chính quyền liên hệ hay là liên lạc với những Nhân-chứng có kinh nghiệm về vấn đề này. Rồi những người này có thể sắp đặt cho một anh hay một chị có khả năng giúp người đó được hưởng những quyền lợi sẵn có (Rô-ma 13:1, 4).
Tổ chức để giúp đỡ thiết thực
10. Là người chăn bầy, các trưởng lão nên chú trọng đến điều gì?
10 Các giám thị lanh mắt chú ý thường rất cần trong việc làm sao sắp xếp cho người khốn khó và người nghèo nhận được sự giúp đỡ của những anh chị em đầy yêu thương. Các trưởng lão nên nhanh mắt nhận thấy các nhu cầu thiêng liêng và vật chất khi họ chăn bầy chiên trong hội-thánh. Đương nhiên trưởng lão đặt nặng “sự cầu-nguyện và chức-vụ giảng đạo” (Công-vụ các Sứ-đồ 6:4). Vì vậy, họ cố gắng sắp đặt để những anh em bị nằm liệt giường hay bị nằm bệnh viện được chăm sóc về phương diện thiêng liêng. Trưởng lão có thể cho thâu băng các buổi nhóm họp để cho những người không thể đến nhóm họp được nghe. Các trưởng lão và tôi tớ chức vụ thay phiên nhau đến thăm để đưa những cuộn băng đó và họ thấy rằng trong buổi viếng thăm họ còn có thể chia xẻ những món quà thiêng liêng khác (Rô-ma 1:11, 12). Đồng thời họ có thể biết người bệnh đang cần gì.
11. Hãy chứng tỏ cách để giúp đỡ một chị đang cần giúp.
11 Họ có thể thấy rằng một chị bị tàn tật hay già yếu có thể thỉnh thoảng đến họp ở Phòng Nước Trời hay đi rao giảng một thời gian ngắn, nếu có chị nào giúp chị tắm và thay đồ (So sánh Thi-thiên 23:1, 2, 5). Các anh giám thị có thể chỉ định một người trong số họ để sắp xếp việc đó. Cũng thế, họ có thể hỏi trong hội-thánh những ai tình nguyện để đi cùng người khốn khó hay chở họ đi. Sắp đặt một thời khóa biểu cho những việc ấy sẽ làm mọi việc có thứ tự hơn.
12. Những người khác có thể cùng trưởng lão giúp một người bệnh hoạn và già nua thế nào?
12 Trưởng lão có thể chú ý đến những vấn đề khác để giúp đỡ hay làm những sự sắp đặt đầy yêu thương. Thí dụ, một chị già nua hay bệnh hoạn nay không thể làm việc nhà như xưa nữa. Các tôi tớ chức vụ hay ai khác có thể giúp chị được không? Ngay cả việc họ giúp chị cắt cỏ hay xén cây cũng có thể làm chị cảm thấy khỏe hơn vì biết rằng nhà mình sẽ không là cớ để láng giềng chê trách. Có cần nhổ cỏ hay tưới cây trong vườn không? Có chị nào khác đi chợ có thể xem coi chị này cần những món nào để mua cho chị được không? Hãy nên nhớ rằng các sứ đồ đã chú ý đến những khía cạnh thực tế như thế và họ đã sắp đặt những người có khả năng trong hội-thánh để giúp (Công-vụ các Sứ-đồ 6:1-6).
13. Việc các trưởng lão giúp anh người Nigeria nói ở trên đã đưa đến kết quả nào?
13 Các trưởng lão được nói tới ở đoạn đầu bài này đã bày tỏ sự quan tâm như vậy khi họ viếng thăm vợ chồng ông Lebechi Okwaraocha và thấy họ ở trong tình trạng sầu não đó. Các trưởng lão đã nhanh nhẹn giải quyết vấn đề và cho hội-thánh biết họ có ý muốn xây lại ngôi nhà. Các anh chị em đã đóng góp những vật liệu và sẵn sàng giúp sức trong công tác đó. Trong vòng một tuần họ đã cất được một căn nhà nhỏ an toàn có mái tôn. Bài tường thuật đến từ Nigeria nói:
“Cả dân làng ngạc nhiên và tự động đem đồ ăn thức uống đến cho các anh chị tình nguyện đang làm hăng say nhiều giờ để hoàn tất công việc trước khi trận mưa khác tới. Nhiều dân làng than phiền về những tôn giáo khác, mà theo họ nói, đã cướp của dân thay vì giúp đỡ người nghèo. Việc này đã được nhiều người nói đến trong làng. Họ đã chịu nghe hơn và nhiều người đã bắt đầu học Kinh-thánh”.
Sự góp phần của bạn vào các “việc lành”
14. Chúng ta có quan điểm nào về các “việc lành” đối với anh em?
14 Dĩ nhiên chúng ta thường có thể đáp ứng cách riêng rẽ và trực tiếp trước nhu cầu của những người già nua, tàn tật, bệnh hoạn hay những ai chung quanh chúng ta đau khổ vì những lý do khác. Nếu chúng ta thấy được cách để biểu lộ đạo thật của đấng Christ, tại sao không tự động đi và giúp? (Công-vụ các Sứ-đồ 9:36-39). Động lực thúc đẩy chúng ta là lòng yêu thương của người tín đồ đấng Christ chứ không phải áp lực từ những người khác. Phần đầu tiên trong bất cứ sự giúp đỡ thiết thực nào cũng là sự quan tâm và lòng nhân từ. Dĩ nhiên không ai trong chúng ta có thể làm gì cho những người già nua trẻ lại, làm phép lạ chữa lành người bệnh hay san bằng sự chênh lệch tài chánh của tất cả anh em trong hội-thánh. Nhưng chắc chắn chúng ta nên quan tâm và có lòng bố thí. Khi có thế và hành động theo đó, việc này sẽ làm vững chắc thêm lòng yêu thương giữa chúng ta và những người mà chúng ta giúp đỡ. Điều đó đã xảy ra giữa Phao-lô và Ô-nê-sim, một tín đồ tương đối mới đã từng «giúp việc Phao-lô trong cơn vì tin mừng chịu xiềng-xích» (Phi-lê-môn 10-13; Cô-lô-se 3:12-14; 4:10, 11).
15. Chúng ta có thể giúp những người thật sự gặp khó khăn như thế nào?
15 Đôi khi chúng ta có thể đáp ứng nhu cầu vật chất bằng cách cho một món quà nặc danh hay đưa cho cách kín đáo. Có anh nào đã bị mất việc làm và không thể kiếm một việc làm khác không? Có một chị nào phải trả tiền bác sĩ và mua thuốc men vì bệnh bất ngờ, bị tai nạn hay bị cướp không? Những tình cảnh như thế có thể xảy ra ở chung quanh chúng ta. Khi chúng ta “bố-thí”, Cha của chúng ta là Đấng nhìn trong chỗ kín nhiệm sẽ quan sát và chấp nhận (Ma-thi-ơ 6:1-4). Hoặc thay vì cho tiền bạc, chúng ta có thể làm như Gióp, cung cấp quần áo cho người nghèo và lương thực hay nấu ăn cho người góa bụa hay kẻ mồ côi (Gióp 6:14; 29:12-16; 31:16-22).
16. Đôi khi có thể có những cách giúp đỡ thiết thực nào? Hãy cho thí dụ.
16 Kinh nghiệm hay sự giao thiệp của bạn có thể trở nên một nguồn giúp đỡ thiết thực. Có một anh hỏi anh X. để mượn tiền. Anh ân cần trả lời: «Tại sao anh cảm thấy tôi có chút tiền dư để cho mượn?» Anh kia trả lời: ‹‹Bởi vì anh dùng tiền khéo hơn tôi››. Anh X. đã thường cho người nghèo mượn tiền, liền khôn ngoan đề nghị: ‹‹Thật ra, có lẽ anh cần học cách dùng tiền thì đúng hơn, và tôi vui lòng giúp anh việc này nếu anh muốn››. Những anh em cần sửa đổi mức sống cho thích hợp với hoàn cảnh mới rất cảm kích sự giúp đỡ đó; cũng như những anh em sẵn sàng làm việc cực nhọc ngay cả trong những việc thấp kém hơn. Dĩ nhiên trong trường hợp thật sự cần mượn tiền, điều tốt là nên làm một giấy nợ và ký tên để không có chuyện lôi thôi sau này. Ngoài ra, nhiều anh em ngại mượn tiền nhưng có lẽ sẽ cảm kích sâu xa nếu được giúp đỡ qua những lời khuyên hay kinh nghiệm của người khác (Rô-ma 13:8). Điển hình là kinh nghiệm của anh Êm-ma-nu-ên từ một xứ miền Tây Phi châu:
Mặc dù anh Êm-ma-nu-ên là thợ hớt tóc sành nghề, khách của anh vẫn ít, và anh buồn nản vì làm không đủ sống. Rồi một anh trưởng lão trong hội-thánh có quan tâm bèn hỏi anh có muốn làm một công việc khác không. Anh trả lời: Có, vì anh không để sự tự kiêu nghề nghiệp cản trở anh. Anh trưởng lão bàn với vài người bạn khác và tìm được một việc khác cho anh Êm-ma-nu-ên trong bệnh viện. Hiện anh này làm việc giỏi và có thể giúp đỡ người khác trong hội-thánh.
17. Bạn có thể giúp một anh em đang nằm bệnh viện thế nào? (Thi-thiên 41:1-3).
17 Có những cơ hội đặc biệt để giúp khi một anh em tín đồ nằm bệnh viện hay ở viện dưỡng lão. Nhắc lại lần nữa, sự chú ý và quan tâm chân thật là căn bản. Bạn có thể bày tỏ những đức tính này bằng cách sẵn lòng đọc cho bệnh nhân nghe những sách báo đầy khích lệ của tín đồ đấng Christ hay thuật lại những kinh nghiệm xây dựng tốt. Dù thế, bạn còn có thể đáp ứng những nhu cầu vật chất nào? Tại vài nơi y viện quá nghèo nên bệnh nhân không được tắm rửa hay cho ăn uống nếu thân nhân đến thăm không lo việc này. Vậy nếu bác sĩ đồng ý, bạn có thể đem đồ ăn cho bệnh nhân hay giúp người tắm rửa hoặc gội đầu. Người đó có cần áo khoác hay đôi dép không? (II Ti-mô-thê 4:13). Có lẽ anh đó đang lo làm thế nào để mang ngân phiếu đi lãnh tiền và trả tiền điện nước. Bạn có thể giúp những việc giản dị như xem chừng để thư từ không ứ đọng trong hộp thư nhà anh, hay tưới cây hoặc tắt lò sưởi?
18. Bạn quyết định làm gì về việc giúp đỡ các anh em đang cần?
18 Chắc chắn mỗi người trong chúng ta có thể tìm những cách để cải tiến trong việc thực hành nhiều hơn là nói suông: “Hãy sưởi cho ấm và ăn cho no” (Gia-cơ 2:16). Hãy nghĩ đến anh em trong hội-thánh. Có ai thật sự cần được giúp đỡ về vật chất, bị bệnh hoạn, tàn tật hay nằm liệt giường không? Bạn có thể làm gì để giúp những anh em yêu dấu này trong hội-thánh, những người mà Giê-su đã chết (để giúp) cho họ? Có thái độ như thế sẽ giúp bạn chuẩn bị tốt hơn để đáp ứng nhanh chóng khi có những khó khăn xảy ra.
19. a) Tại sao sự thăng bằng là quan trọng trong phạm vi này? b) Bạn có thể làm điều gì tốt nhất cho người khác, và tại sao như thế? (Thi-thiên 72:4, 16).
19 Bằng cách cố gắng giúp các anh em, chúng ta sẽ chứng tỏ đức tin của chúng ta không chết. Chính đức tin đó cũng thúc đẩy chúng ta cố gắng nhiều trong công việc rao giảng đạo đấng Christ. Chúng ta cần giữ gìn sự thăng bằng giữa việc giúp đỡ người khác về phương diện vật chất và việc chia xẻ đều đều tin mừng đạo đấng Christ (So sánh Ma-thi-ơ 15:3-9; 23:23). Lời khuyên của Giê-su cho Ma-thê và Ma-ri phản ảnh sự thăng bằng đó. Ngài nói là nếu một người so sánh đồ ăn vật chất và đồ ăn thiêng liêng thì điều sau là “phần tốt”, là phần không có ai lấy mất được (Lu-ca 10:39-42). Người bệnh hoạn và nghèo khổ sẽ còn mãi trong hệ thống mọi sự này. Chúng ta có thể làm việc lành, và nên làm điều này, đối với họ (Mác 14:7). Nhưng dù sao, lợi ích tốt nhất và bền vững nhất mà chúng ta có thể làm là dạy dỗ người khác về Nước Đức Chúa Trời. Giê-su đã dồn mọi cố gắng vào chính việc này (Lu-ca 4:16-19). Đó là cách để có thể làm hết khổ mãi mãi cho những người nghèo, bệnh hoạn, khốn khó. Thật là vui mừng làm sao khi giúp đỡ các anh em chúng ta và những người khác đặt tin cậy nơi Đức Chúa Trời và “để được cầm lấy sự sống thật” (I Ti-mô-thê 6:17-19).
Bạn có nhớ không?
◻ Hội-thánh tín đồ đấng Christ thực hiện các “việc lành” nào quan trọng nhất?
◻ Các trưởng lão địa phương có thể chú ý cân xứng thế nào đến các “việc lành” liên quan đến hoàn cảnh vật chất của các anh em?
◻ Các trưởng lão có thể làm những điều thiết thực nào?
◻ Bạn có thể làm những điều thiết thực nào để giúp anh chị em đang cần sự giúp đỡ?
[Khung nơi trang 15]
Hội-thánh đã săn sóc
Hai anh chị nọ di chuyển đến một hội-thánh nhỏ vùng quê thuật lại kinh nghiệm đáng suy gẫm:
«Cách đây ba năm vợ chồng chúng tôi đã bán nhà và di chuyển đến một hội-thánh ở xa cần có người thành thục giúp đỡ, vì họ đang gặp vài khó khăn. Chẳng bao lâu tôi nhận được bốn phận sự. Chúng tôi yêu thương các anh em và muốn hợp tác với họ. Mấy tháng sau tinh thần hội-thánh trở nên tốt hơn, và có hai trưởng lão giỏi cũng di chuyển đến đây nữa».
«Vợ tôi bắt đầu đau ốm, và năm ngoái nàng cần được giải phẫu. Tôi bị bệnh sưng gan cùng ngày với lúc vợ tôi đi nằm bệnh viên. Hai tháng sau tôi mất việc làm vì kinh tế trong vùng khó khăn quá. Chúng tôi hết tiền, tôi bị thất nghiệp và cả hai chúng tôi đang tìm cách chữa bệnh. Lúc đó tôi thấy lo vì sắp tới hội nghị địa hạt và tôi có phần nói một bài diễn văn. Tôi cũng có một phận sự trong hội nghị vòng quanh vài tuần sau nữa. Nhưng tôi không biết làm thế nào đi dự hai hội nghị này, ngay cả làm sao nuôi gia đình. Một buổi sáng nọ vợ tôi đi rao giảng vắng nhà, và tôi ngồi lo nghĩ tình cảnh của chúng tôi».
«Nhìn ra ngoài cửa sổ, tôi tự hỏi không biết tôi có còn tin cậy nơi Đức Giê-hô-va nữa hay không. Trước đó tôi có nói với vợ tôi đừng lo âu, nhưng giờ đây tôi lại bắt đầu hồ nghi. Rồi tôi trút hết “đức tin kém cỏi” của tôi cho Đức Giê-hô-va, và xin Ngài giúp đỡ. Vừa cầu nguyện xong, một anh nọ đến gõ cửa. Anh ấy muốn mời tôi đi uống một tách cà phê với anh. Tôi nói không nên, vì tôi phải sửa soạn một bài giảng cho buổi nhóm họp tối hôm đó. Tuy nhiên, anh kèo nài mãi, nói chỉ mất ít phút thôi, khiến tôi chìu theo ý anh. Nửa giờ sau đó chúng tôi về nhà, và tôi cảm thấy thoải mái hơn khi bước xuống khỏi xe của anh».
«Lúc bước vào nhà, tôi nhận thấy cái bàn trong nhà bếp đầy dẫy đồ ăn. Tôi nghĩ vợ tôi đã đi chợ về. “Nhưng nào có được! Nếu chúng tôi không có tiền thì nàng làm sao mua sắm được?” Lúc đó tôi thấy có một bao thư. Trên đó có hàng chữ:
“Quà tặng của các anh chị em mến yêu của hai anh chị. Đừng bỏ phần nào tiền trong bao thư này vào hộp đóng góp. Chúng tôi đã làm điều đó thay anh chị rồi”.
«Tôi không cầm được nước mắt. Nghĩ đến “đức tin kém cỏi” của tôi, tôi càng khóc nhiều hơn nữa. Kế đến vợ tôi về nhà. Tôi mới kịp chỉ cho nàng thấy đồ ăn và quà tặng khác là nàng bật khóc nức nở cùng với hai chị kia cùng vào nhà. Chúng tôi tìm cách nói là không thể nào nhận hết các món ấy được, nhưng hai chị ấy nói không ai biết ai đã cho gì. Cả hội-thánh đã có nhã ý, và họ muốn làm vậy vì chúng tôi đã dạy cho họ biết ban cho người khác. Việc ấy càng khiến chúng tôi khóc nhiều hơn!”
Sau đó, khi viết ra kinh nghiệm này, anh ấy đã tìm được việc làm trở lại. Anh và vợ anh lúc đó đang làm khai thác phụ trợ.
[Khung nơi trang 16]
Bằng chứng của tình yêu thương trong đấng Christ
Một hội-thánh các Nhân-chứng Giê-hô-va ở miền Tây Hoa-kỳ đã gặp phải một hoàn cảnh khác thường nhờ đó mà họ có dịp bày tỏ tình yêu thương trong đấng Christ, như Kinh-thánh khuyên. Trong khu vực của hội-thánh, nhà chức trách của tiểu bang có mở một trung tâm trị bệnh thần kinh tê liệt vào trường hợp nặng. Anh Gary là một trong những bệnh nhân đầu tiên được điều trị tại trung tâm, vì anh không thể trị bệnh tại nhà anh được nữa. Anh 25 tuổi và bị bại xuội cả tay lẫn chân, và nói năng cũng khó khăn.
Anh Gary là một Nhân-chứng làm báp têm được bảy năm rồi. Khi đến trung tâm mới này, anh muốn đi nhóm họp với hội-thánh địa phương. Cha mẹ anh đưa rước anh một thời gian, vì họ sống không xa chỗ đó lắm. Nhưng vì tuổi tác họ, các anh em khác trong hội-thánh bắt đầu giúp đỡ. Một anh có một xe nhà lớn kiểu xe “van” (xe có mui cao). Vậy thì anh, vợ anh và hai con gái họ đi khỏi nhà 45 phút trước khi có nhóm họp để có thể rước anh Gary. Nhóm họp xong, họ đưa anh về trung tâm, bởi vậy họ về nhà hơi trễ.
Tuy nhiên, ở trung tâm có điều gì đang diễn biến. Một số các bệnh nhân khác bị tê liệt thần kinh tỏ ra chú ý đến lẽ thật trong Kinh-thánh. Chẳng bao lâu có hai người chấp thuận học Kinh-thánh. Sau đó những người khác cũng chú ý. Nhưng làm sao chở hết thảy họ đi nhóm họp được? Một gia đình khác cũng mua một xe “van” và một hãng nọ của một anh Nhân-chứng địa phương cung cấp chiếc xe “van” thứ ba. Tuy vậy nhiều khi những xe này lại bất tiện. Hội-thánh có thể làm gì hơn?
Các trưởng lão bàn tính việc này và như thế họ đề nghị mua một xe “van” chỉ dành cho việc đưa rước những người tàn tật đi nhóm họp. Hội-thánh thỏa thuận và vui lòng đóng góp. Một số các Nhân-chứng phụ cận biết được dự tính này và cũng đóng góp nữa. Các anh ấy mua một chiếc xe “van” loại lớn và biến đổi để có thể đẩy các xe lăn vào được.
Bây giờ thì cứ mỗi tháng có một nhóm Học Cuốn Sách trong hội-thánh thay phiên nhau lái xe “van” này đi nhóm họp và hội nghị. Năm người bị tê liệt thần kinh ở trong trung tâm này tham dự đều đều, bây giờ có bốn người trong số họ là Nhân-chứng đã làm báp têm. Nhiều anh chị quen biết họ, yêu mến họ và sung sướng được giúp đỡ họ. Bằng cách nào? Bằng cách cầm hộ cuốn sách bài hát và lật Kinh-thánh cho họ khi đi nhóm họp. Khi có hội nghị vòng quanh và địa hạt, họ cũng giúp những người không thể ăn uống và tự lo các việc khác cho chính mình được. Điều này đã tạo một bầu không khí khắn khít lẫn nhau và thật ấm cúng. Nói gì về anh Gary? Bây giờ anh là tôi tớ chức vụ trong hội-thánh này đã biểu lộ rõ tình yêu thương như thế (Công-vụ các Sứ-đồ 20:35).