Bênh vực đức tin của chúng ta
“Hãy tôn Đấng Christ, là Chúa, làm thánh trong lòng mình. Hãy thường-thường sẵn-sàng để trả lời mọi kẻ hỏi lẽ về sự trông-cậy trong anh em” (1 PHI-E-RƠ 3:15).
1, 2. Tại sao Nhân-chứng Giê-hô-va không ngạc nhiên khi gặp chống đối, nhưng họ muốn điều gì?
TRONG hầu hết các nước, người ta biết Nhân-chứng Giê-hô-va nói chung là những người lương thiện, đạo đức. Nhiều người xem họ là những người hàng xóm tốt, không gây phiền phức cho ai. Nhưng điều trớ trêu là những tín đồ Đấng Christ thích an ổn này lại bị bắt bớ bất công—trong thời bình cũng như thời chiến. Họ không ngạc nhiên về sự chống đối đó. Thật vậy, họ chờ đợi điều đó. Nói cho cùng, họ biết rằng các tín đồ trung thành vào thế kỷ thứ nhất CN đã bị “ghen-ghét”, vậy thì tại sao những người cố gắng làm môn đồ thật của Đấng Christ ngày nay lại nghĩ rằng mình sẽ không bị như thế? (Ma-thi-ơ 10:22). Ngoài ra, Kinh-thánh nói: “Hết thảy mọi người muốn sống cách nhân-đức trong Đức Chúa Jêsus-Christ, thì sẽ bị bắt-bớ” (2 Ti-mô-thê 3:12).
2 Nhân-chứng Giê-hô-va không muốn bị bắt bớ, họ cũng không vui thích những khổ ải như là bị phạt vạ, tù tội hay là bị đối xử ác nghiệt. Họ muốn “ở đời cho bình-tịnh yên-ổn” để họ có thể rao giảng tin mừng về Nước Đức Chúa Trời mà không bị cản trở (1 Ti-mô-thê 2:1, 2). Họ quí trọng sự tự do tôn giáo mà họ có trong hầu hết các nước để tiếp tục được thờ phượng, và họ tận tâm làm những điều họ có thể làm để “hòa-thuận với mọi người” kể cả những nhà cầm quyền (Rô-ma 12:18; 13:1-7). Thế thì, tại sao họ lại bị “ghen-ghét”?
3. Vì một lý do nào mà Nhân-chứng Giê-hô-va bị ghét một cách bất công?
3 Về cơ bản, Nhân-chứng Giê-hô-va bị ghen ghét một cách bất công vì những lý do giống như của các tín đồ Đấng Christ thời ban đầu. Thứ nhất, Nhân-chứng Giê-hô-va thực hành tín ngưỡng của họ theo những cách khiến cho họ không được một số người ưa chuộng. Thí dụ, họ sốt sắng rao giảng tin mừng về Nước Đức Chúa Trời, nhưng người ta thường hiểu lầm sự sốt sắng của họ, xem việc rao giảng của họ như là “hành động cải đạo quá khích”. (So sánh Công-vụ các Sứ-đồ 4:19, 20). Họ cũng giữ trung lập trong vấn đề chính trị và chiến tranh của các nước, và đôi khi điều này cũng bị người ta hiểu lầm Nhân-chứng là những công dân bất trung (Mi-chê 4:3, 4).
4, 5. a) Nhân-chứng Giê-hô-va là mục tiêu của sự buộc tội giả dối như thế nào? b) Ai thường là kẻ chủ mưu chính trong việc bắt bớ các tôi tớ của Đức Giê-hô-va?
4 Thứ hai, Nhân-chứng Giê-hô-va là mục tiêu của sự buộc tội giả dối—những lời nói dối trắng trợn và xuyên tạc niềm tin của họ. Vì vậy họ là mục tiêu tấn công vô lý tại vài xứ. Hơn nữa, họ tìm cách chữa trị không dùng huyết vì muốn tuân theo điều răn ‘kiêng huyết’ của Kinh-thánh, nên họ đã bị cho là “bọn giết trẻ con” và “đạo tự tử” (Công-vụ các Sứ-đồ 15:29). Nhưng sự thật cho thấy rằng Nhân-chứng Giê-hô-va xem trọng sự sống, và họ tìm cách chữa trị tốt nhất cho chính họ và con cái họ. Lời buộc tội cho rằng nhiều đứa con của Nhân-chứng Giê-hô-va chết mỗi năm vì từ chối tiếp máu là hoàn toàn vô căn cứ. Ngoài ra, vì không phải mọi người trong gia đình đều nhận lẽ thật của Kinh-thánh, nên Nhân-chứng Giê-hô-va cũng bị buộc tội là làm tan vỡ gia đình. Nhưng những người quen biết với Nhân-chứng Giê-hô-va biết rằng họ xem trọng đời sống gia đình và cố gắng tuân theo điều răn Kinh-thánh là vợ chồng phải yêu thương nhau, tôn trọng lẫn nhau, và con cái vâng lời cha mẹ dù cha mẹ tin đạo hay không (Ê-phê-sô 5:21–6:3).
5 Trong nhiều trường hợp, kẻ chủ mưu chính gây ra việc bắt bớ tôi tớ của Đức Giê-hô-va lại là những người có đạo. Họ đã cậy ảnh hưởng họ có với các nhà cầm quyền và báo chí để cố đè bẹp các hoạt động của Nhân-chứng. Là Nhân-chứng Giê-hô-va, chúng ta nên phản ứng thế nào trước sự chống đối—dù chống đối vì tín ngưỡng và những thực hành của chúng ta hay là vì sự buộc tội giả dối?
“Hãy cho mọi người biết tính phải lẽ của anh em”
6. Tại sao có quan điểm thăng bằng về những người không thuộc hội thánh tín đồ Đấng Christ là điều quan trọng?
6 Trước hết, chúng ta cần có quan điểm đúng—quan điểm của Đức Giê-hô-va—về những người không cùng đạo với chúng ta. Nếu không, chúng ta có thể làm người khác thù ghét và nhục mạ chúng ta vô cớ. Sứ đồ Phao-lô viết: “Hãy cho mọi người biết tính phải lẽ của anh em” (Phi-líp 4:5, NW). Vì vậy, Kinh-thánh khuyến khích chúng ta có quan điểm thăng bằng về những người không thuộc hội thánh tín đồ Đấng Christ.
7. Giữ mình “cho khỏi sự ô-uế của thế-gian” bào hàm điều gì?
7 Một mặt, Kinh-thánh khuyên chúng ta rất rõ ràng là “giữ lấy mình cho khỏi sự ô-uế của thế-gian” (Gia-cơ 1:27; 4:4). Từ “thế-gian” ở đây cũng như ở nhiều nơi khác trong Kinh-thánh, có ý nói đến đám đông quần chúng không phải là tín đồ thật của Đấng Christ. Chúng ta sống giữa xã hội loài người; chúng ta phải tiếp xúc với họ tại chỗ làm, trường học và trong vùng chúng ta ở (Giăng 17:11, 15; 1 Cô-rinh-tô 5:9, 10). Tuy nhiên, chúng ta giữ mình không bị ô uế của thế gian bằng cách tránh thái độ, cách ăn nói và hạnh kiểm trái nghịch với đường lối công bình của Đức Chúa Trời. Và việc chúng ta nhận biết sự nguy hiểm của việc kết hợp gần gũi với thế gian cũng rất quan trọng, nhất là với những người tỏ ra khinh thường tiêu chuẩn của Đức Giê-hô-va (Châm-ngôn 13:20).
8. Tại sao lời khuyên giữ mình cho khỏi sự ô uế của thế gian không cho chúng ta bất cứ lý do nào để khinh thường người khác?
8 Tuy nhiên, lời khuyên giữ mình cho khỏi sự ô uế của thế gian không cho chúng ta bất cứ lý do nào để khinh thường những người không phải là Nhân-chứng Giê-hô-va (Châm-ngôn 8:13). Hãy nhớ lại hành động của những người lãnh đạo tôn giáo Do Thái, được bàn luận trong bài trước. Hình thức tôn giáo mà họ phát triển không được Đức Giê-hô-va chấp nhận; và cũng không giúp họ có mối liên lạc tốt với những người không phải Do Thái (Ma-thi-ơ 21:43, 45). Vì tự coi mình là công bình, những người cuồng tín này khinh rẻ người ngoại. Chúng ta muốn tránh quan điểm hẹp hòi như thế, và không đối xử với những người không phải là Nhân-chứng một cách khinh bỉ. Như sứ đồ Phao-lô, chúng ta mong rằng tất cả những người nghe thông điệp về lẽ thật của Kinh-thánh sẽ nhận được ân huệ của Đức Chúa Trời (Công-vụ các Sứ-đồ 26:29; 1 Ti-mô-thê 2:3, 4).
9. Quan điểm thăng bằng theo Kinh-thánh phải có ảnh hưởng gì đến cách chúng ta nói về những người không cùng đức tin với mình?
9 Chúng ta nên để quan điểm thăng bằng của Kinh-thánh ảnh hưởng đến cách mà chúng ta nói về những người không phải là Nhân-chứng. Phao-lô bảo Tít nhắc nhở các tín đồ Đấng Christ trên đảo Cơ-rết “chớ nói xấu ai, chớ tranh-cạnh, hãy dong-thứ, đối với mọi người tỏ ra một cách mềm-mại trọn-vẹn” (Tít 3:2). Hãy chú ý rằng tín đồ Đấng Christ không được nói xấu ai—ngay cả những người không phải là tín đồ trên đảo Cơ-rết, một số người ở đó có tiếng là nói dối, háu ăn, và lười biếng (Tít 1:12). Vậy khi nói những lời chê bai về những người không cùng đạo với chúng ta, tức là chúng ta làm trái nghịch với Kinh-thánh. Thái độ trịch thượng này sẽ không thu hút người ta đến thờ phượng Đức Giê-hô-va. Trái lại, khi chúng ta xem và đối xử với người khác phù hợp với những nguyên tắc hợp lý của Lời Đức Giê-hô-va, thì chúng ta “làm cho tôn-quí đạo” của Đức Chúa Trời (Tít 2:10).
Khi nào giữ im lặng, khi nào nói ra
10, 11. Làm sao Chúa Giê-su cho thấy rằng ngài biết khi nào là a) “kỳ nín-lặng”? b) “kỳ nói ra”?
10 Truyền-đạo 3:7 nói: “Có kỳ nín-lặng, có kỳ nói ra”. Thế thì, đây là vấn đề: quyết định khi nào nên làm ngơ những người chống đối và khi nào nên nói để bênh vực đức tin mình. Chúng ta có thể học hỏi được nhiều qua gương mẫu của một đấng luôn luôn thận trọng—Chúa Giê-su (1 Phi-e-rơ 2:21). Ngài biết khi nào là “kỳ nín-lặng”. Thí dụ, khi những thầy tế lễ cả và những trưởng lão vu cáo ngài trước mặt Phi-lát, Chúa Giê-su “không đối-đáp gì hết” (Ma-thi-ơ 27:11-14). Ngài không muốn nói bất cứ điều gì có thể làm cản trở việc thực hiện ý muốn của Đức Chúa Trời có liên hệ tới ngài. Thay vì thế, ngài chọn để cho việc làm của ngài tự nói lên điều đó. Ngài biết rằng ngay cả sự thật cũng không thay đổi được đầu óc và lòng dạ kiêu căng của họ. Vì vậy, ngài lờ đi những lời buộc tội của họ, từ chối không trả lời (Ê-sai 53:7).
11 Tuy nhiên, Chúa Giê-su cũng biết khi nào là “kỳ nói ra”. Vào một dịp nọ, ngài thẳng thắn tranh luận công khai với những người chỉ trích ngài, bác bẻ những lời vu cáo của họ. Thí dụ, khi các thầy thông giáo và người Pha-ri-si cố tìm cách chê bai ngài trước mặt đám đông, buộc tội ngài là đã đuổi quỉ nhờ quyền lực của Bê-ên-xê-bun, Chúa Giê-su quyết định không để họ vu cáo ngài. Ngài dùng một minh họa chí lý và mạnh mẽ để đả phá lời giả dối đó (Mác 3:20-30; cũng xem Ma-thi-ơ 15:1-11; 22:17-21; Giăng 18:37). Cũng vậy, sau khi bị phản bội và bắt giữ, Chúa Giê-su bị lôi ra trước Tòa Công Luận, Thầy Tế Lễ Cả Cai-phe đã mưu chước hỏi ngài: “Ta khiến ngươi chỉ Đức Chúa Trời hằng sống mà thề, hãy nói cho chúng ta, ngươi có phải là Đấng Christ, Con Đức Chúa Trời chăng?” Đây cũng là “kỳ nói ra”, vì giữ im lặng có thể bị cho rằng ngài phủ nhận mình là Đấng Christ. Vì vậy Chúa Giê-su trả lời: “Ta chính phải đó” (Ma-thi-ơ 26:63, 64; Mác 14:61, 62).
12. Hoàn cảnh nào đã khiến Phao-lô và Ba-na-ba ăn nói dạn dĩ tại Y-cô-ni?
12 Cũng hãy xem xét gương của Phao-lô và Ba-na-ba. Công-vụ các Sứ-đồ 14:1, 2 nói: “Tại thành Y-cô-ni, Phao-lô và Ba-na-ba cùng vào nhà hội của người Giu-đa, và giảng một cách đến nỗi có rất nhiều người Giu-đa và người Gờ-réc tin theo. Song những người Giu-đa chưa chịu tin thì xui-giục và khêu-chọc lòng người ngoại nghịch cùng anh em”. Bản Dịch Mới viết: “Nhưng những người Do Thái vô tín lại sách động người ngoại quốc, đầu độc tâm trí họ để chống lại các anh em tín hữu”. Một mình bác bỏ thông điệp không đủ, những người Do Thái chống đối còn lao vào chiến dịch bôi nhọ, tìm cách xúi giục dân ngoại chống lại tín đồ Đấng Christ.a Họ ghét cay ghét đắng đạo Đấng Christ là dường nào! (So sánh Công-vụ các Sứ-đồ 10:28). Phao-lô và Ba-na-ba cảm thấy rằng đây là “kỳ nói ra”, e rằng những môn đồ mới đâm ra chán nản vì sự sỉ nhục công khai này. “Dầu vậy, Phao-lô và Ba-na-ba ở lại đó cũng khá lâu, đầy-dẫy sự bạo-dạn và đức-tin trong Chúa”. Đức Giê-hô-va đã tỏ sự chấp nhận bằng cách cho họ khả năng làm những phép lạ. Điều này khiến cho “kẻ thì theo bên Giu-đa, người thì theo bên hai sứ-đồ” (Công-vụ các Sứ-đồ 14:3, 4).
13. Khi đối phó với sự sỉ nhục, thường thì khi nào là “kỳ nín-lặng”?
13 Thế thì chúng ta nên phản ứng như thế nào khi bị sỉ nhục? Điều đó hoàn toàn tùy thuộc vào hoàn cảnh. Trong vài tình huống, chúng ta cần áp dụng nguyên tắc “có kỳ nín-lặng”. Nhất là khi những người chống đối cương quyết đưa chúng ta vào những sự tranh luận không đi đến đâu. Chúng ta chớ nên quên rằng một số người rõ ràng không muốn nghe lẽ thật (2 Tê-sa-lô-ni-ca 2:9-12). Cố gắng lý luận với những người mà lòng kiêu căng nhất quyết không tin chỉ là vô ích. Hơn nữa, nếu chúng ta mải mê tranh luận với mỗi người vu khống thì chúng ta có thể trở nên sao lãng trong hoạt động quan trọng và thỏa mãn hơn—đó là giúp những người có lòng ngay thẳng thật sự muốn biết lẽ thật Kinh-thánh. Vì vậy, khi gặp những người chống đối chỉ muốn xuyên tạc chúng ta, lời được soi dẫn khuyên là “phải tránh xa họ đi” (Rô-ma 16:17, 18; Ma-thi-ơ 7:6).
14. Bằng cách nào chúng ta có thể bênh vực đức tin trước mặt những người khác?
14 Dĩ nhiên điều này không có nghĩa là chúng ta không bênh vực đức tin mình. Nói cho cùng, cũng có “kỳ nói ra”. Chúng ta có lý do chính đáng để quan tâm đến những người chân thật đã nghe những lời phỉ báng chỉ trích chúng ta. Chúng ta sẵn sàng giải thích rõ niềm tin trong lòng mình với người khác; thật vậy, chúng ta mong muốn có cơ hội đó. Phi-e-rơ viết: “Hãy tôn Đấng Christ, là Chúa, làm thánh trong lòng mình. Hãy thường-thường sẵn-sàng để trả lời mọi kẻ hỏi lẽ về sự trông-cậy trong anh em, song phải hiền-hòa và kính-sợ” (1 Phi-e-rơ 3:15). Khi những người thật sự chú ý hỏi về bằng chứng tại sao chúng ta tin, khi họ hỏi về những lời vu khống mà những kẻ chống đối nêu ra, thì chúng ta có trách nhiệm bênh vực đức tin mình, cho họ những câu trả lời theo Kinh-thánh. Hơn nữa, hạnh kiểm tốt của chúng ta có thể làm chứng rất nhiều. Khi những người quan sát có đầu óc cởi mở nhận thấy chúng ta thật sự cố gắng sống hòa hợp với tiêu chuẩn công bình của Đức Chúa Trời, họ có thể thấy rằng những lời buộc tội chúng ta là dối trá (1 Phi-e-rơ 2:12-15).
Còn về sự tuyên truyền vu khống thì sao?
15. Có một ví dụ nào cho thấy Nhân-chứng Giê-hô-va là mục tiêu để giới truyền thông xuyên tạc?
15 Đôi khi Nhân-chứng Giê-hô-va là mục tiêu để giới truyền thông xuyên tạc. Thí dụ, vào ngày 1-8-1997, một tờ báo Nga đăng một bài vu khống cho rằng, ngoài những điều khác, Nhân-chứng Giê-hô-va đã đòi hỏi các thành viên ‘bỏ vợ, chồng và cha mẹ nếu những người đó không hiểu hay là không cùng đức tin’. Bất cứ người nào thật sự biết Nhân-chứng Giê-hô-va sẽ biết rằng đó là những lời vu cáo. Kinh-thánh chỉ rõ rằng tín đồ Đấng Christ phải đối xử với người thân không tin đạo bằng tình thương và sự tôn trọng, và các Nhân-chứng cố gắng để theo sự chỉ dẫn đó (1 Cô-rinh-tô 7:12-16; 1 Phi-e-rơ 3:1-4). Dù vậy, bài báo đó đã được in ra và vì vậy nhiều độc giả đã hiểu lầm. Làm sao chúng ta có thể bênh vực đức tin khi bị vu cáo?
16, 17, và khung nơi trang 16. a) Tháp Canh có lần đã nói gì về phản ứng trước những tin tức sai lầm của giới truyền thông? b) Trong hoàn cảnh nào Nhân-chứng Giê-hô-va có thể đáp lại những bản tin tiêu cực của giới truyền thông?
16 Lần nữa, về vấn đề này, “có kỳ nín-lặng, có kỳ nói ra”. Tháp Canh có lần đã nói như sau: “Chúng ta nên lờ đi những tin giả dối của báo chí hay là nên bênh vực lẽ thật bằng những phương tiện thích hợp đều tùy vào hoàn cảnh, người chủ mưu sự chỉ trích, và mục tiêu của hắn là gì”. Trong vài trường hợp, có lẽ tốt nhất là lờ đi những bản tin tiêu cực, để những lời giả dối không được truyền ra thêm.
17 Những trường hợp khác có thể là “kỳ nói ra”. Một ký giả hay nhà báo đáng tin cậy có lẽ đã nghe lời xuyên tạc về Nhân-chứng Giê-hô-va và có thể muốn nghe sự thật về chúng ta. (Hãy xem khung “Chỉnh lại sự xuyên tạc”). Nếu lời tường thuật tiêu cực của báo chí khiến cho người ta có thành kiến và cản trở công việc rao giảng của chúng ta, thì đại diện của văn phòng chi nhánh Hội Tháp Canh có thể chủ động bênh vực lẽ thật qua những phương tiện thích hợp.b Thí dụ, những trưởng lão có khả năng có thể được chỉ định để trình bày sự thật, như trong chương trình ti-vi, vì nếu không đến thì có thể cho ấn tượng là Nhân-chứng Giê-hô-va không có lời giải đáp. Mỗi Nhân-chứng khôn ngoan cộng tác với sự chỉ dẫn của Hội Tháp Canh và những đại diện của Hội trong những vấn đề như thế (Hê-bơ-rơ 13:17).
Dùng luật pháp bênh vực tin mừng
18. a) Tại sao chúng ta không cần chính phủ cho phép để rao giảng? b) Chúng ta làm theo đường lối nào khi không được phép rao giảng?
18 Quyền rao giảng của chúng ta về tin mừng Nước Trời đến từ trời. Chúa Giê-su, đấng truyền cho chúng ta làm công việc này, đã được giao cho “hết cả quyền-phép ở trên trời và dưới đất” (Ma-thi-ơ 28:18-20; Phi-líp 2:9-11). Vì vậy, chúng ta không cần chính phủ loài người cho phép rao giảng. Dù vậy, chúng ta công nhận rằng sự tự do tôn giáo có lợi cho việc truyền bá thông điệp Nước Trời. Trong những nước mà chúng ta có tự do thờ phượng, chúng ta sẽ dùng hệ thống pháp luật để bảo vệ quyền này. Tại những nơi mà chúng ta không được tự do như thế, chúng ta sẽ cố gắng, trong khuôn khổ luật pháp, để có được sự tự do đó. Mục tiêu của chúng ta không phải để cải tổ xã hội, mà để “bênh đỡ tin mừng”c (Phi-líp 1:7, Nguyễn thế Thuấn).
19. a) “Trả cho Đức Chúa Trời vật gì của Đức Chúa Trời” có thể đưa đến kết quả nào? b) Chúng ta cương quyết làm gì?
19 Với tư cách là Nhân-chứng Giê-hô-va, chúng ta công nhận Đức Giê-hô-va là Đấng Thống Trị Hoàn Vũ. Luật của Ngài cao cả nhất. Chúng ta vâng phục các chính phủ, cho nên chúng ta “trả cho Sê-sa vật gì của Sê-sa”. Nhưng chúng ta sẽ không để điều gì cản trở việc chúng ta làm tròn trách nhiệm quan trọng hơn, đó là “trả cho Đức Chúa Trời vật gì của Đức Chúa Trời” (Ma-thi-ơ 22:21). Chúng ta hiểu rõ rằng làm như thế sẽ khiến cho mình bị các dân “ghen-ghét”, nhưng chúng ta chấp nhận điều này là một phần phí tổn của việc làm môn đồ. Thành tích pháp lý của Nhân-chứng Giê-hô-va trong thế kỷ 20 này là bằng chứng của việc chúng ta cương quyết bênh vực đức tin mình. Với sự giúp đỡ và hậu thuẫn của Đức Giê-hô-va, chúng ta sẽ tiếp tục, “cứ dạy-dỗ rao-truyền mãi về Tin-lành” (Công-vụ các Sứ-đồ 5:42).
[Chú thích]
a Cuốn Matthew Henry’s Commentary on the Whole Bible giải thích rằng những người Do Thái chống đối “coi như mình có bổn phận đi đến [những người ngoại] mà họ quen biết, và nói hết những gì mà đầu óc hoặc lòng ác họ có thể thêu dệt để khiến cho người ngoại không những khinh thường mà còn nghĩ xấu về đạo Đấng Christ nữa”.
b Sau bài vu khống được đăng tải trên báo Nga (được đề cập nơi đoạn 15), Nhân-chứng Giê-hô-va đệ đơn lên Văn Phòng Ủy Ban Tư Pháp Tổng Thống (Russian Federation Presidential Judicial Chamber for Media Disputes) để xin cứu xét về những lời vu khống trong bài báo. Cách đây ít lâu, tòa ra phán quyết khiển trách tờ báo về việc đăng tải bài có tính cách phỉ báng đó. (Hãy xem Awake! ngày 22-11-1998, trang 26-27).
c Hãy xem bài “Dùng pháp lý để bảo vệ tin mừng”, nơi trang 19-22.
Bạn có nhớ không
◻ Tại sao Nhân-chứng Giê-hô-va bị “ghen-ghét”?
◻ Chúng ta nên xem những người không cùng tín ngưỡng với mình như thế nào?
◻ Khi cư xử với những kẻ chống đối, Chúa Giê-su đã nêu gương mẫu thăng bằng nào?
◻ Khi bị sỉ nhục, chúng ta có thể áp dụng nguyên tắc “có kỳ nín-lặng, có kỳ nói ra” như thế nào?
[Khung nơi trang 16]
Chỉnh lại sự xuyên tạc
“Tại Yacuiba, Bolivia, một nhóm Tin Lành sắp xếp với đài ti-vi để chiếu một phim chắc hẳn do bọn bội đạo sản xuất. Vì hiệu quả tác hại của chương trình đó, các trưởng lão quyết định đến thăm hai đài ti-vi, và chịu trả tiền để họ chiếu cho công chúng xem hai cuốn video Jehovah’s Witnesses—The Organization Behind the Name (Nhân-chứng Giê-hô-va—Tổ chức nằm sau danh hiệu) và The Bible—A Book of Fact and Prophecy (Kinh-thánh—Sách ghi lại sự kiện có thật và lời tiên tri). Sau khi xem video của Hội, người chủ của đài radio đã tức giận về sự xuyên tạc trong chương trình của bọn bội đạo và cho Nhân-chứng Giê-hô-va thông báo miễn phí về hội nghị địa hạt sắp đến của họ. Số người tham dự cao lạ thường, và nhiều người có lòng ngay thẳng bắt đầu hỏi những câu chân thật khi Nhân-chứng đến thăm họ trong lúc rao giảng” (1997 Yearbook of Jehovah’s Witnesses, trang 61-62).
[Hình nơi trang 17]
Vào một dịp, Chúa Giê-su công khai bác bẻ những lời vu cáo của những người chỉ trích ngài