Bạn có thể “phân-biệt điều lành và dữ” không?
“Hãy xét điều chi vừa lòng Chúa”.—Ê-PHÊ-SÔ 5:10.
1. Cuộc sống ngày nay phức tạp thế nào, và tại sao?
“HỠI Đức Giê-hô-va, tôi biết đường của loài người chẳng do nơi họ, người ta đi, chẳng có quyền dẫn-đưa bước của mình”. (Giê-rê-mi 10:23) Nhận xét sâu sắc trên của Giê-rê-mi ngày nay lại càng được nghiệm đúng hơn. Tại sao? Đó là vì chúng ta đang sống trong “những thời-kỳ khó-khăn” như Kinh Thánh đã báo trước. (2 Ti-mô-thê 3:1) Hàng ngày chúng ta buộc phải quyết định khi đương đầu với những tình thế phức tạp. Về mặt thể chất, tình cảm và thiêng liêng, những quyết định này dù quan trọng hay không cũng có thể ảnh hưởng sâu xa đến hạnh phúc của chúng ta.
2. Có những lựa chọn nào được xem là không đáng kể, song người tín đồ Đấng Christ đã dâng mình nên có quan điểm nào về những việc đó?
2 Trong cuộc sống thường ngày, nhiều sự lựa chọn được chúng ta xem là lệ thường hoặc không đáng kể. Thí dụ, mỗi ngày chúng ta chọn y phục, thực phẩm, người để gặp gỡ, v.v... Những sự lựa chọn này của chúng ta hầu như tự động, ít suy nghĩ. Song, phải chăng những vấn đề ấy thật sự không đáng kể? Là tín đồ Đấng Christ đã dâng mình, chúng ta phải quan tâm nhiều đến việc chọn lựa trang phục và dáng vẻ bên ngoài, việc ăn uống, lời nói và hạnh kiểm, mọi điều đó phải luôn luôn phản ánh vai trò tôi tớ của Đấng Chí Cao, Giê-hô-va Đức Chúa Trời. Sứ đồ Phao-lô nhắc nhở chúng ta: “Anh em hoặc ăn, hoặc uống, hay là làm sự chi khác, hãy vì sự vinh-hiển Đức Chúa Trời mà làm”.—1 Cô-rinh-tô 10:31; Cô-lô-se 4:6; 1 Ti-mô-thê 2:9, 10.
3. Những sự lựa chọn nào thật sự quan trọng?
3 Mặt khác, cũng có những sự lựa chọn quan trọng hơn nhiều. Thí dụ, quyết định kết hôn hoặc sống độc thân chắc chắn ảnh hưởng sâu xa và lâu dài đến cuộc sống một người. Hẳn nhiên, việc tìm được người bạn đời phù hợp không phải là chuyện đơn giản.a (Châm-ngôn 18:22) Ngoài ra, việc chọn lựa bạn và người quen biết, việc học, việc làm, và thú vui chơi giải trí cũng ảnh hưởng, thậm chí quyết định tình trạng thiêng liêng của chúng ta—và do đó, ảnh hưởng đến hạnh phúc lâu dài của chúng ta.—Rô-ma 13:13, 14; Ê-phê-sô 5:3, 4.
4. (a) Chúng ta mong muốn có được khả năng nào? (b) Những câu hỏi nào cần được xem xét?
4 Để đương đầu với những vấn đề này, chắc chắn chúng ta mong muốn có được khả năng phân biệt điều lành, dữ hoặc điều có vẻ lành và điều thật sự lành. “Có một con đường coi dường chánh-đáng cho loài người; nhưng đến cuối-cùng nó thành ra nẻo sự chết”. (Châm-ngôn 14:12) Vì thế, chúng ta có thể tự hỏi: ‘Làm thế nào để phát triển khả năng phân biệt được điều lành và dữ? Đâu là sự hướng dẫn cần thiết khi quyết định một sự việc? Về phương diện này người thời xưa và thời nay đã hành động như thế nào, và họ đạt được kết quả gì?’
“Triết-học và lời hư-không” của thế gian
5. Tín đồ Đấng Christ thời ban đầu sống trong loại thế gian nào?
5 Vào thế kỷ thứ nhất, tín đồ Đấng Christ sống trong thế gian chịu ảnh hưởng của Hy Lạp và La Mã về những giá trị và tư tưởng. Một mặt là lối sống an nhàn và xa hoa của người La Mã mà nhiều người ham thích. Mặt khác là giới trí thức thời ấy hào hứng không những với tư tưởng triết học của Plato và Aristotle mà còn với các trường phái mới như phái Epicuriens (Hưởng Lạc) và phái Stociens (Khắc Kỷ). Khi đến thành A-thên trong lần truyền giáo thứ hai, sứ đồ Phao-lô đã đối đầu với những triết gia thuộc phái Hưởng Lạc và phái Khắc Kỷ là những người xem mình cao siêu hơn “người già mép nầy”, Phao-lô.—Công-vụ 17:18.
6. (a) Một số tín đồ Đấng Christ thời ban đầu bị cám dỗ làm gì? (b) Phao-lô đưa ra lời cảnh báo nào?
6 Thế nên, thật dễ hiểu vì sao một số tín đồ Đấng Christ thời ban đầu đã bị lối sống khoe khoang của những người chung quanh lôi cuốn. (2 Ti-mô-thê 4:10) Những ai thuộc hệ thống đó dường như hưởng được nhiều lợi ích và thuận lợi, và sự lựa chọn của họ được xem là sáng suốt. Thế gian dường như có thể cung cấp một số điều đáng giá mà cuộc sống của người tín đồ Đấng Christ đã dâng mình không cung ứng. Tuy nhiên, sứ đồ Phao-lô đã cảnh báo: “Hãy giữ chừng, kẻo có ai lấy triết-học và lời hư-không, theo lời truyền-khẩu của loài người, sơ-học của thế-gian, không theo Đấng Christ, mà bắt anh em phục chăng”. (Cô-lô-se 2:8) Tại sao Phao-lô nói như thế?
7. Sự khôn ngoan của thế gian thật sự đáng giá ra sao?
7 Phao-lô đưa ra lời cảnh báo ấy vì cảm nhận được mối nguy hiểm thật đang tiềm ẩn trong suy nghĩ của những người bị thế gian lôi cuốn. Ông đã dùng câu “triết-học và lời hư-không” với ý nghĩa đặc biệt. Từ gốc dịch là “triết-học” có nghĩa là “việc yêu thích và theo đuổi sự khôn ngoan”. Bản thân sự việc có thể hữu ích. Thật thế, Kinh Thánh, đặc biệt là sách Châm-ngôn, khuyến khích việc tìm kiếm tri thức đúng và sự khôn ngoan. (Châm-ngôn 1:1-7; 3:13-18) Tuy nhiên, Phao-lô đã ghép đôi “triết-học” với “lời hư-không”. Nói cách khác, Phao-lô xem sự khôn ngoan mà thế gian cung ứng là hư không. Giống như một quả bóng được thổi phồng, sự khôn ngoan đó có vẻ ngoài vững chắc nhưng thực chất là rỗng tuếch. Lựa chọn việc lành, dữ, căn cứ trên những điều rỗng tuếch như “triết-học và lời hư-không” của thế gian chắc chắn sẽ vô ích, thậm chí còn là tai họa.
Những kẻ gọi “dữ là lành, gọi lành là dữ”
8. (a) Người ta tìm kiếm lời khuyên của ai? (b) Họ nhận được những lời khuyên nào?
8 Ngày nay, sự việc không khác trước nhiều. Trong hầu hết mọi lĩnh vực sinh hoạt của loài người, có đủ loại chuyên gia. Những nhà tư vấn hôn nhân và gia đình, những bình luận gia, những kẻ tự xưng là nhà trị liệu, những nhà chiêm tinh, những ông đồng, bà cốt và nhiều kẻ khác sẵn sàng cho lời khuyên—để nhận tiền thù lao. Nhưng những lời khuyên đó thuộc loại nào? Những tiêu chuẩn đạo đức của Kinh Thánh thường bị gạt qua một bên nhường chỗ cho cái gọi là luân lý mới. Thí dụ, nói về việc chính quyền từ chối cho phép đăng ký “kết hôn giữa những người đồng tính”, nhật báo có uy thế The Globe and Mail ở Canada lên tiếng: “Trong năm 2000, điều phi lý là nguyện vọng thiết tha nhất của một cặp tình nhân đã đính ước với nhau lại bị phủ nhận chỉ vì họ cùng giới tính”. Xu hướng thời nay là khoan dung, không chỉ trích. Mọi việc được xem là tương đối; không có điều gì tuyệt đối đúng hoặc sai.—Thi-thiên 10:3, 4.
9. Người được xem trọng trong xã hội thường phạm điều gì?
9 Nhiều người khác xem những người giàu có và nổi danh, thành đạt trong xã hội và lĩnh vực tài chính là mẫu mực để quyết định. Dù xã hội ngày nay coi trọng người giàu có và nổi danh, nhưng về phương diện đạo đức như tính lương thiện và ngay thẳng thì thường họ chỉ là những kẻ “đầu môi chót lưỡi”. Khi theo đuổi quyền lực và lợi lộc, nhiều người không e ngại gì về việc xem thường luật lệ và chà đạp những nguyên tắc đạo đức. Để đạt được danh vọng và tiếng tăm, một số người còn vô tâm vứt bỏ những giá trị và tiêu chuẩn được thừa nhận để thay thế bằng một cách ứng xử kỳ quặc, lập dị. Hậu quả là một xã hội đầu cơ trục lợi, buông lỏng kỷ cương với phương châm “Cái gì cũng được”. Có đáng ngạc nhiên không khi người ta lẫn lộn và lầm lạc trong việc đánh giá điều lành và dữ?—Lu-ca 6:39.
10. Những lời của Ê-sai nói về điều lành và dữ được nghiệm đúng thế nào?
10 Hậu quả tai hại của việc quyết định thiếu khôn ngoan dựa trên sự hướng dẫn sai lầm đầy dẫy chung quanh chúng ta: hôn nhân và gia đình đổ vỡ, nạn ma túy và nghiện rượu, băng nhóm bạo lực của giới trẻ, sự lang chạ, những bệnh truyền qua đường sinh dục mới chỉ là một số ít hậu quả được kể đến. Thật vậy, làm sao chúng ta có thể trông mong điều gì khác hơn khi mọi tiêu chuẩn hoặc những gì dùng làm nền tảng để đánh giá điều lành và dữ đều bị vứt bỏ? (Rô-ma 1:28-32) Đúng như nhà tiên tri Ê-sai nói: “Khốn thay cho kẻ gọi dữ là lành, gọi lành là dữ; lấy tối làm sáng, lấy sáng làm tối; vật chi cay trở cho là ngọt, vật chi ngọt trở cho là cay! Khốn thay cho kẻ chính mắt mình coi mình là khôn-ngoan, tự mình xét-đoán mình là thông-sáng!”—Ê-sai 5:20, 21.
11. Tại sao tin cậy nơi chính mình khi quyết định điều lành và dữ là thiếu khôn ngoan?
11 Sự kiện Đức Chúa Trời kết án những người Do Thái xưa đã trở nên ‘khôn-ngoan theo mắt mình’ càng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phải tránh thái độ tự tin trong việc quyết định điều lành và dữ. Ngày nay, nhiều người tán thành quan niệm “chỉ nên lắng nghe con tim của bạn”, hoặc “hãy làm những gì bạn cảm thấy đúng”. Quan niệm đó có hợp lý chăng? Theo Kinh Thánh thì không, vì Kinh Thánh nói thẳng: “Lòng người ta là dối-trá hơn mọi vật, và rất là xấu-xa: ai có thể biết được?” (Giê-rê-mi 17:9) Bạn có tin cậy nơi người dối trá và xấu xa trong việc hướng dẫn quyết định của bạn không? Chắc chắn không. Có lẽ bạn sẽ còn làm ngược lại điều người đó bảo. Đó là lý do vì sao Kinh Thánh nhắc nhở chúng ta: “Kẻ nào tin-cậy nơi lòng mình là kẻ ngu-muội; còn ai ăn-ở cách khôn-ngoan sẽ được cứu-rỗi”.—Châm-ngôn 3:5-7; 28:26.
Học biết điều chi vừa lòng Đức Chúa Trời
12. Tại sao chúng ta cần chứng tỏ cho chính mình biết ‘ý-muốn của Đức Chúa Trời’?
12 Vậy chúng ta nên làm thế nào nếu không tin cậy nơi sự khôn ngoan của thế gian, và cũng không tin cậy chính mình khi quyết định điều lành và dữ? Hãy chú ý đến lời khuyên rõ ràng và dễ hiểu của sứ đồ Phao-lô: “Đừng làm theo đời nầy, nhưng hãy biến-hóa bởi sự đổi mới của tâm-thần mình, để thử cho biết [“chứng tỏ cho chính mình”, NW] ý-muốn tốt-lành, đẹp lòng và trọn-vẹn của Đức Chúa Trời là thể nào”. (Rô-ma 12:2) Tại sao chúng ta cần chứng tỏ cho chính mình biết ý muốn của Đức Chúa Trời? Trong Kinh Thánh, Đức Giê-hô-va đưa ra lý do thẳng thắn nhưng mạnh mẽ: “Vì các từng trời cao hơn đất bao nhiêu, thì đường-lối ta cao hơn đường-lối các ngươi, ý-tưởng ta cao hơn ý-tưởng các ngươi cũng bấy nhiêu”. (Ê-sai 55:9) Vậy, thay vì tin cậy nơi cái gọi là lẽ phải ở đời hoặc cảm nghĩ riêng, chúng ta được khuyên: “Hãy xét điều chi vừa lòng Chúa”.—Ê-phê-sô 5:10.
13. Sự cần thiết nhận biết điều chi vừa lòng Đức Chúa Trời được Chúa Giê-su nhấn mạnh nơi Giăng 17:3 như thế nào?
13 Chúa Giê-su Christ nhấn mạnh đến sự cần thiết này khi ngài phán: “Vả, sự sống đời đời là nhìn biết Cha, tức là Đức Chúa Trời có một và thật, cùng Jêsus-Christ, là Đấng Cha đã sai đến”. (Giăng 17:3) Cụm từ “nhìn biết” mang ý nghĩa sâu xa hơn là “biết” thông thường. Theo Vine’s Expository Dictionary, cụm từ này “cho thấy có mối liên hệ giữa chủ thể và đối tượng; vì đối tượng đáng giá hoặc quan trọng đối với người biết, nên mối quan hệ được thiết lập cũng đáng giá và quan trọng”. Duy trì mối quan hệ với một người không chỉ giản dị biết người đó là ai hoặc tên gì, mà còn bao hàm việc hiểu rõ những điều người đó yêu, ghét, đồng thời nhận biết và xem trọng những giá trị, tiêu chuẩn của họ.—1 Giăng 2:3; 4:8.
Luyện tập khả năng nhận thức
14. Phao-lô nói đến khoảng cách chủ yếu nào giữa kẻ còn thơ ấu và người thành nhân về phương diện thiêng liêng?
14 Vậy làm thế nào chúng ta đạt được khả năng phân biệt điều lành và dữ? Những lời của Phao-lô gửi cho tín đồ Đấng Christ người Hê-bơ-rơ vào thế kỷ thứ nhất cho chúng ta lời giải đáp. Ông viết: “Kẻ nào chỉ ăn sữa thôi, thì không hiểu đạo công-bình; vì còn là thơ-ấu. Nhưng đồ-ăn đặc là để cho kẻ thành-nhân, cho kẻ hay dụng tâm-tư [“khả năng nhận thức”, NW] luyện-tập mà phân-biệt điều lành và dữ”. Ở đây Phao-lô nêu rõ sự tương phản giữa “sữa” mà ông miêu tả trong những câu trước là “những điều sơ-học của lời Đức Chúa Trời” với “đồ-ăn đặc” dành cho “kẻ thành-nhân” là người có ‘khả năng nhận thức được luyện tập để phân biệt điều lành và dữ’.—Hê-bơ-rơ 5:12-14.
15. Tại sao muốn đạt đến sự hiểu biết chính xác về Đức Chúa Trời cần phải siêng năng?
15 Điều này có nghĩa là trước tiên chúng ta phải siêng năng để có được sự hiểu biết chính xác về những tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời ghi trong Lời Ngài, Kinh Thánh. Chúng ta không trông mong tìm thấy một danh sách những điều chúng ta có thể hoặc không thể làm. Kinh Thánh không phải là loại sách đó. Đúng hơn, Phao-lô giải thích: “Cả Kinh-thánh đều là bởi Đức Chúa Trời soi-dẫn, có ích cho sự dạy-dỗ, bẻ-trách, sửa-trị, dạy người trong sự công-bình, hầu cho người thuộc về Đức Chúa Trời được trọn-vẹn và sắm sẵn để làm mọi việc lành”. (2 Ti-mô-thê 3:16, 17) Để hưởng được lợi ích từ những sự dạy dỗ, bẻ trách, sửa trị đó chúng ta phải vận dụng trí tuệ và khả năng suy xét. Việc này đòi hỏi nỗ lực nhưng mang lại kết quả—“được trọn-vẹn và sắm sẵn để làm mọi việc lành”—thật đáng công.—Châm-ngôn 2:3-6.
16. Có khả năng nhận thức được luyện tập có nghĩa gì?
16 Như Phao-lô cho biết, kẻ thành nhân có ‘khả năng nhận thức được luyện tập để phân biệt điều lành và dữ’. Vậy chúng ta đề cập đến vấn đề then chốt. Cụm từ ‘khả năng nhận thức được luyện tập’ nghĩa đen là “những giác quan được rèn luyện (như vận động viên thể dục dụng cụ)”. (Kingdom Interlinear Translation) Một vận động viên thể dục giàu kinh nghiệm chuyên tập một dụng cụ, thí dụ như vòng treo hay xà, biểu diễn những động tác nhanh gọn có vẻ như bất chấp trọng lực hoặc những định luật khác. Người đó luôn kiểm soát được toàn thân, hầu như chuyển động thân thể theo cảm nhận bản năng nhằm thực hiện thành công một bài thể dục. Tất cả những điều này là kết quả một quá trình luyện tập nghiêm khắc và thực tập không ngừng.
17. Chúng ta giống vận động viên thể dục theo nghĩa nào?
17 Nói theo nghĩa thiêng liêng, nếu chắc chắn muốn những quyết định và chọn lựa của mình luôn luôn sáng suốt, chúng ta cũng phải luyện tập như vận động viên thể dục. Lúc nào chúng ta cũng phải kiểm soát được toàn bộ cơ thể và giác quan của mình. (Ma-thi-ơ 5:29, 30; Cô-lô-se 3:5-10) Thí dụ, bạn có tập cho mắt mình không nhìn vào những sách báo khiêu dâm hoặc tai không lắng nghe âm nhạc hay lời nói thô tục không? Thật thế, những điều không lành mạnh đó đầy dẫy quanh chúng ta. Tuy nhiên, chúng có bén rễ vào lòng và trí của chúng ta hay không, vẫn còn tùy vào sự lựa chọn của chúng ta. Chúng ta có thể bắt chước người viết Thi-thiên nói: “Tôi sẽ chẳng để điều gì đê-mạt trước mặt tôi. Tôi ghét công-việc kẻ bất-trung, việc ấy sẽ không dính vào tôi... Người nói dối sẽ không đứng nổi trước mặt tôi”.—Thi-thiên 101:3, 7.
Luyện tập khả năng nhận thức nhờ sử dụng
18. Từ ‘sử dụng’ trong lời giảng của Phao-lô về việc luyện tập khả năng nhận thức gợi ý gì?
18 Hãy nhớ rằng chúng ta luyện tập khả năng nhận thức phân biệt điều lành và dữ nhờ ‘sử dụng’ nó. Nói cách khác, mỗi khi đứng trước một quyết định, chúng ta nên học cách vận dụng khả năng trí tuệ để phân tích những nguyên tắc nào của Kinh Thánh liên quan đến vấn đề đó và chúng có thể được áp dụng ra sao. Hãy phát triển thói quen tham khảo những ấn phẩm dựa trên Kinh Thánh do “đầy-tớ trung-tín và khôn-ngoan” cung cấp. (Ma-thi-ơ 24:45) Dĩ nhiên, chúng ta cũng có thể tìm kiếm sự giúp đỡ của những tín đồ Đấng Christ thành thục. Tuy nhiên, việc chính cá nhân chúng ta nỗ lực học hỏi Lời Đức Chúa Trời, kèm với lời cầu nguyện dâng lên Đức Giê-hô-va, xin Ngài hướng dẫn và ban thánh linh cuối cùng sẽ mang lại lợi ích dồi dào.—Ê-phê-sô 3:14-19.
19. Chúng ta có thể nhận được ân phước nào nếu từng bước luyện tập khả năng nhận thức?
19 Khi chúng ta từng bước luyện tập khả năng nhận thức, mục tiêu đề ra là “chúng ta không như trẻ con nữa, bị người ta lừa-đảo, bị mưu-chước dỗ-dành làm cho lầm-lạc, mà day-động và dời-đổi theo chiều gió của đạo lạc”. (Ê-phê-sô 4:14) Hơn thế nữa, khi căn cứ trên tri thức và sự hiểu biết về những điều vừa lòng Đức Chúa Trời, chúng ta sẽ có những quyết định khôn ngoan trong các vấn đề dù lớn hay nhỏ. Điều này mang lại lợi ích cho bản thân chúng ta, xây dựng anh em cùng đạo, và trên hết là làm đẹp lòng Cha chúng ta ở trên trời. (Châm-ngôn 27:11) Thật là một ân phước và một nguồn che chở trong thời kỳ khó khăn này.
[Chú thích]
a Trong danh sách hơn 40 kinh nghiệm gây căng thẳng nhất trong cuộc sống do các tiến sĩ Thomas Holmes và Richard Rahe biên soạn, cái chết của người hôn phối, ly dị và ly thân là ba vấn đề chiếm vị trí hàng đầu. Kết hôn chiếm vị trí thứ bảy.
Bạn có thể giải thích không?
• Muốn có quyết định sáng suốt cần có khả năng gì?
• Tại sao mong đợi nơi những người nổi tiếng hoặc tin vào cảm nghĩ của chúng ta khi quyết định điều lành và dữ là kém khôn ngoan?
• Khi quyết định, tại sao chúng ta phải biết chắc chắn về những điều vừa lòng Đức Chúa Trời, và chúng ta có thể làm điều ấy như thế nào?
• Có ‘khả năng nhận thức được luyện tập’ có nghĩa gì?
[Hình nơi trang 9]
Xem người giàu có và nổi danh là mẫu mực để được hướng dẫn là vô ích
[Hình nơi trang 10]
Giống như một vận động viên thể dục, chúng ta phải kiểm soát được toàn bộ cơ thể và giác quan của mình