Được thêm sức, không mệt mỏi
“Ngài ban sức-mạnh cho kẻ nhọc-nhằn, thêm lực-lượng cho kẻ chẳng có sức” (Ê-SAI 40:29).
1, 2. Bạn diễn tả thế nào về sự tương đồng giữa tín đồ đấng Christ và những người tham dự cuộc chạy đua đường trường (marathon)?
Một buổi sáng vào tháng 10 năm 1984, một biển người có khoảng 16.000 người dự thi ào ra đường phố để bắt đầu cuộc chạy đua trong thành phố Nữu-ước. Cuộc chạy đua đường trường (marathon) này dài tới 42,2 cây số. Ngày mùa thu oi ả bất thường đó mang lại sức nóng ngột ngạt và không khí ẩm ướt đã làm giảm sức người chạy và thử sức dẻo dai của họ. Cuộc chạy đua trở thành một cuộc phấn đấu mệt nhọc cho cả những người chạy giỏi nhất. Nhiều người quá mệt mỏi và đã bỏ cuộc. Có gần hai ngàn người đã không chạy được đến mức, còn những người đến mức thì phải vượt qua những điều kiện rất khó khăn.
2 Tương tự như thế, tín đồ đấng Christ cũng ở trong một cuộc chạy đua. Phần thưởng là gì? Sự sống đời đời. Và cũng như người chạy đua, họ phải gắng sức cho đến mức cuối cùng. Cần phải có sự bền bỉ, cần phải giữ gìn sức lực và tránh mệt nhọc. Cuộc chạy đua cho sự sống không giống như cuộc chạy đua ngắn hạn nhưng mà là một cuộc đua dài hạn. Sứ đồ Phao-lô nói với những tín đồ đấng Christ đồng thời ông tại Cô-rinh-tô: “Anh em há chẳng biết rằng trong cuộc chạy thi nơi trường đua, hết thảy đều chạy, nhưng chỉ một người được thưởng sao? Vậy, anh em hãy chạy cách nào cho được thưởng” (I Cô-rinh-tô 9:24). Cách mà người tín đồ đấng Christ chạy là phải gắng hết sức mình (Lu-ca 13:24).
3. Chỉ có cách nào mà người tín đồ đấng Christ có thể giữ nhịp hăng hái cho đến điểm cuối của cuộc đua?
3 Nhưng bạn có thể tự hỏi: “Ai có thể giữ nhịp độ đó đến khi chấm dứt cuộc đua?” Không ai trong chúng ta có thể làm với sức riêng mình. Để đạt được phần thưởng chúng ta phải cầu xin đến nguồn năng lực lớn nhất là Giê-hô-va Đức Chúa Trời (Gióp 36:22; Thi-thiên 108:13).
Đức Giê-hô-va—Nguồn của mọi năng lực
4. Theo nhà tiên tri Ê-sai, tại sao chúng ta có thể tin tưởng nơi khả năng của Đức Giê-hô-va trong việc nuôi dưỡng tôi tớ Ngài?
4 Không thể nghi ngờ được là Đức Giê-hô-va có thể nuôi dưỡng tôi tớ của Ngài. Qua miệng nhà tiên tri Ê-sai, Đấng Toàn năng nói về khả năng vô giới hạn của Ngài và các công trình vô song của Ngài: “Hãy ngước mắt lên cao mà xem: Ai đã tạo ra những vật nầy? Ấy là Đấng khiến các cơ-binh ra theo số nó, và đặt tên hết thảy; chẳng một vật vào thiếu, vì sức mạnh Ngài lớn lắm, và quyền-năng Ngài rất cao... Ngươi không biết sao, không nghe sao? Đức Chúa Trời hằng sống, là Đức Giê-hô-va, là Đấng đã dựng nên các đầu-cùng đất, chẳng mỏi chẳng mệt; sự khôn-ngoan Ngài không thể dò” (Ê-sai 40:26-28).
5, 6. Hãy cho vài thí dụ về năng lực to lớn của Đức Giê-hô-va!
5 Từ vật nhỏ li ti đến vật lớn vô hạn, sự biểu lộ quyền năng sáng tạo của Đức Giê-hô-va thật kinh ngạc thay! Thí dụ, hãy xem xét phần tử căn bản đã được dùng để dựng nên mọi vật, gồm cả chúng ta—nguyên tử. Chúng rất nhỏ đến nỗi một giọt nước chứa 100 tỉ tỉ nguyên tử. Dù vậy, thật lạ lùng thay trong nhân của nguyên tử chứa đựng đủ một năng lượng mà nếu nổ ra, như trong một trường hợp nọ, có thể đủ sức làm thành một hố sâu bằng 32 từng nhà lầu trong lòng đất và rộng một phần tư dặm.
6 Ngược lại, về phía các vật lớn thì hãy xem mặt trời. Lò lửa nguyên tử lực vĩ đại này cân nặng hàng tỉ tấn, sưởi ấm hệ thống mặt trời của chúng ta. Mặt trời có được sức nóng là nhờ năng lượng đến từ những nguyên tử nhỏ bé. Mặc dầu tất cả sinh vật trên đất—cây cối, muông thú và loài người đều tùy thuộc vào năng lượng phát xuất từ cơ quan phát nhiệt vĩ đại đó ở trên trời, chỉ một phần rất nhỏ của năng lượng mặt trời thật sự đến trái đất, như thế cũng đủ để cung cấp cho sự sống. Trong cuốn sách Thiên văn học (Astronomy), nhà thiên văn Fred Hoyle có viết: “Một phần rất nhỏ của năng lượng mặt trời đến trái đất này—ước tính khoảng 5 phần của 100 triệu triệu—là khoảng 100.000 lần nhiều hơn tất cả năng lượng được tiêu thụ bởi kỹ nghệ trên thế giới”.
7. Chúng ta nên cảm thấy thế nào về Đức Giê-hô-va sau khi suy nghĩ về quyền lực tỏ ra trong công trình sáng tạo của Ngài?
7 Tuy nhiên, mặt trời chỉ là một trong hàng tỉ tinh tú họp thành dãy Ngân hà này của chúng ta và là một tinh tú chỉ có độ lớn trung bình. Ngoài ra các nhà thiên văn học ước lượng có khoảng 100 triệu triệu thiên hà trong vũ trụ mà họ biết được này. Đây là một số lớn khó tưởng tượng phải không? Không ngạc nhiên gì khi Gióp, sau khi nghĩ ngợi về Đức Giê-hô-va “một mình Ngài trải các từng trời ra” đã nói rằng Đức Chúa Trời đã “làm những việc lớn lao không sao dò xét được” (Gióp 9:8-10).
Đức Giê-hô-va có thể làm tăng sức bạn
8. a) Ai có thể hoàn toàn nương cậy nơi sức lực Đức Giê-hô-va và tại sao? b) Lời hứa trong Ê-sai 40:29-31 làm mạnh đức tin như thế nào?
8 Những người thờ phượng thật của Đức Giê-hô-va có thể được tiếp sức bởi Nguồn Năng lực to tát này mà đã tạo dựng và gìn giữ vũ trụ. Tôi tớ của Đức Giê-hô-va có thể “được quyền-phép bởi thánh-linh mà nên mạnh-mẽ trong lòng” và không sợ thiếu sức lực (Ê-phê-sô 3:16; Thi-thiên 84:4, 5). Thật vậy, sự thắng cuộc chạy đua của chúng ta để được sự sống tùy thuộc nơi sự tin tưởng hoàn toàn nơi bàn tay mạnh mẽ của Đức Chúa Trời đưa chúng ta qua khỏi lằn mức chót. Ngài có thể làm tăng sức chúng ta. Nhà tiên tri Ê-sai nói về Đức Giê-hô-va: “Ngài ban sức-mạnh cho kẻ nhọc-nhằn, thêm lực-lượng cho kẻ chẳng có sức. Những trai trẻ cũng phải mòn-mỏi mệt-nhọc, người trai-tráng cũng phải vấp-ngã. Nhưng ai trông-đợi Đức Giê-hô-va thì chắc được sức mới, cất cánh bay cao như chim ưng; chạy mà không mệt-nhọc, đi mà không mòn-mỏi” (Ê-sai 40:29-31). Chỉ cần đọc những lời này cũng đủ làm chúng ta phấn khởi tinh thần rồi đó!
9. Đức Giê-hô-va có thể giúp bạn thế nào với vấn đề to như “núi” của bạn?
9 Khi đối diện với những trở ngại có vẻ to tát đe dọa lòng hăng hái của chúng ta trong sự thờ phượng thật, bạn có thể cảm thấy bé nhỏ và không ra chi. Đừng thất vọng. Hãy quay về Cha trên trời của bạn với quyền năng vô hạn. Ngài làm vững mạnh “tất cả những ai trông-đợi nơi Ngài”. Đức Chúa Trời của nguyên tử lực chẳng có thể thêm sức cho dân tộc Ngài với năng lực mạnh mẽ đến nỗi dời đi “những núi” đó hay sao? Chắc chắn Ngài làm được! (Mác 11:23).
10. a) Điều gì làm một tín đồ đấng Christ mệt mỏi trong cuộc chạy đua? b) Sa-tan muốn làm gì bạn?
10 Mặt khác, vài tín đồ đấng Christ có thể bị mệt mỏi vì ráng chống lại áp lực hàng ngày trong một thế gian mà đầy sự coi rẻ nguyên tắc đạo đấng Christ làm cho họ cảm thấy bị ngưng trệ hay là ngay cả đến việc ngừng hẳn trong cuộc chạy đua cho sự sống. Bệnh hoạn, tài chánh khó khăn, vấn đề gia đình, cô đơn hay là những khó khăn khác cũng có thể gây ra sự nản lòng. Và sự nản lòng có thể làm mất sức mạnh của người tín đồ đấng Christ, dễ dàng như một ngày oi ả có thể chóng làm mất sức người chạy trong cuộc chạy đua. Kẻ thù lớn là Sa-tan Ma-quỉ dùng những sự như thế để đánh đổ lòng trung thành của bạn là tôi tớ của Đức Giê-hô-va (I Phi-e-rơ 5:8). Đừng nên để Ma-quỉ làm như vậy! Hãy trông đợi nơi Đấng Tạo hóa của hằng hà sa số thiên hà để bổ sung nguồn năng lực thiêng liêng của bạn. Đức Giê-hô-va có thể nâng đỡ bạn (Thi-thiên 37:17; 54:4).
11. Chúng ta học được gì từ sự Đa-vít đương đầu với những trở ngại?
11 Khi phải đương đầu với những trở ngại, Đa-vít luôn luôn thấy Đức Giê-hô-va là một nguồn sinh lực mới. Được tiếp sức bởi thánh linh, vì thế Đa-vít có thể vượt qua bất cứ sự chống đối nào. Ông nói: “Nhờ Ngài tôi sẽ xông ngang qua đạo binh, Cậy Đức Chúa Trời tôi, tôi sẽ vượt khỏi tường-thành”. Vua Đa-vít cũng tuyên bố: “Nhờ Đức Chúa Trời chúng tôi sẽ làm việc cả-thể; Vì chính Ngài sẽ giày-đạp các cừu-địch chúng tôi” (Thi-thiên 18:29; 60:12). Đức Giê-hô-va có thể làm như thế cho bạn.
Chống lại sự mệt mỏi thiêng liêng
12. a) Tại sao cần đối phó ngay với sự mệt mỏi thiêng liêng? b) Một số triệu chứng của sự mệt mỏi thiêng liêng là gì? c) Đức Giê-hô-va cung cấp điều gì để làm sống lại tình trạng của những người mệt mỏi thiêng liêng?
12 Chúng ta phải mau nhận thấy dấu hiệu của sự mệt mỏi thiêng liêng và cũng phải mau đối phó với sự mệt mỏi đó. Tại sao? Bởi vì chỉ có ít người “gắng hết sức mình để vào cửa hẹp”, hay là ít người chạy qua lằn đến (của cuộc đua) mới đạt được giải thưởng là sự sống đời đời (Lu-ca 13:24, Phi-líp 3:12, 13). Hãy xem xét phần trong khung trang sau đây với tựa đề là “Vài cách để chống lại sự mệt mỏi thiêng liêng”. Bạn có nhận thấy vài triệu chứng nơi bạn hay nơi một người nào trong gia đình bạn không? Nếu có, hãy điều chỉnh ngay tức thời. Hãy làm sống lại tình trạng thiêng liêng của bạn bằng cách rút thêm sức mạnh từ những sự cung cấp của Đức Giê-hô-va như liệt kê.
13, 14. a) Những gương mẫu nào có thể làm mới lại sức lực thiêng liêng của chúng ta? b) Lời khuyên của một tôi tớ lâu năm của Đức Giê-hô-va giúp chúng ta tiếp tục ở trong cuộc đua thế nào?
13 Bạn có thể chống cự lại khuynh hướng mệt mỏi bằng cách bắt chước những gương mẫu của tôi tớ Đức Chúa Trời ghi trong Kinh-thánh. Có nhiều người, nam nữ, già trẻ, đã bền chí cho đến cuối cùng. Hãy đọc về những người đó trong Kinh-thánh như nơi Hê-bơ-rơ 11:4-40. Cũng giống như thế, trong thời hiện đại chúng ta có nhiều anh chị em yêu dấu tiếp tục phụng sự Đức Giê-hô-va không mệt mỏi.
14 Anh George sống ở miền Nam Hoa-kỳ là một gương mẫu của người tín đồ đấng Christ chạy mà không mệt mỏi. Sau hơn 50 năm trong cuộc chạy đua cho sự sống đời đời, anh vẫn còn mạnh. Anh có lời nhắn nhủ nào cho chúng ta?
“Tôi muốn nhấn mạnh là phải gắn bó với tổ chức. Hãy nhớ là Giê-su Christ là người được bổ nhiệm bởi Đức Giê-hô-va và đang điều khiển tổ chức. Vậy đừng nản lòng nếu một người rất thân cận của bạn trở thành bất trung. Nếu có điều gì bạn không hiểu rõ hoàn toàn hay là thấy khó chấp nhận được, cứ tin là sau một thời gian mọi sự sẽ rõ ràng ra. Tổ chức của Đức Giê-hô-va đã đưa chúng ta đến mức này thì hãy tin rằng tổ chức đó sẽ hướng dẫn chúng ta tiến vào hệ thống mới” (Giăng 6:66-68).
15. Nếu gương mẫu tốt làm mới lại tâm thần chúng ta, chúng ta phải làm gì?
15 Có thể có vài người đáng quí này ở ngay trong hội-thánh của bạn, hay là bạn có thể gặp họ tại hội nghị vòng quanh. Hãy nói chuyện với họ, học hỏi nơi họ. Ngoài ra, có gương mẫu của những người trung thành khác nữa trong cuốn Niên giám, tạp chí Tháp Canh hay những ấn phẩm khác của Hội Tháp Canh. Hãy đọc những sự tường thuật này để xem bạn có thể rút thêm sức mạnh từ những kinh nghiệm đó như thế nào.
Trưởng lão—Hãy phụ “giúp thêm sức mạnh”
16. a) Các trưởng lão có thể giúp những anh em tín đồ đấng Christ được mạnh sức thế nào? b) Các trưởng lão nên cẩn thận thế nào khi nói lời khuyến khích và khuyên bảo?
16 Những trưởng lão trong hội-thánh đặc biệt nên cảnh giác để giúp hội viên nào biểu lộ dấu hiệu sút kém tinh thần. Ê-sai 35:3 có lời khuyên tốt: “Hãy làm cho mạnh những tay yếu đuối, làm cho vững những gối run-en!” Nhưng các trưởng lão có thể dự phần trong việc đó thế nào? Bằng cách phải quan sát, khám phá ra nguyên nhân chính tạo ra sự ngưng trệ. Hãy giúp bằng cách nói lời đề nghị thực tế căn cứ theo Kinh-thánh cho phù hợp với nhu cầu của chính cá nhân đó. Nhưng hãy cẩn thận. Bạn muốn khuyến khích, chứ không nên làm nản lòng anh em bạn.a Vì vậy đừng ép người khác theo lương tâm của bạn, hay làm áp lực cá nhân đó đi theo giải pháp của bạn, hay là quy cho anh ta là tín đồ đấng Christ không thành thục nếu anh ta do dự trong việc chấp nhận quan điểm cá nhân của bạn. Trưởng lão phải dựa trên Kinh-thánh mà nói lời khuyên răn và khích lệ. Họ không muốn làm những người đồng cuộc chạy đua bị chậm trễ bằng cách chồng chất trên họ những qui định không quan trọng trong hội-thánh (Tương phản Ma-thi-ơ 11:28, 29 với Ma-thi-ơ 23:2-4).
17. Các trưởng lão làm thế nào để chống lại mánh khóe của Sa-tan nhằm làm tín đồ đấng Christ bị chậm lại?
17 Trưởng lão có thể làm gương tốt là môn đồ của đấng Christ bằng cách mau mắn khuyến dục những hội viên trong hội-thánh, làm cho họ cảm thấy là họ rất cần thiết. Hệ thống của Sa-tan luôn luôn sẵn sàng làm cho người tín đồ đấng Christ cảm thấy không xứng đáng. Đến điểm này trong cuộc đua cho sự sống, anh em chúng ta cần có, không phải sự chỉ trích, mà là cần bạn bè hoan hô họ đến sự thành công. Thí dụ, khi một chị vào tuổi trung tuần ngưng làm khai thác, lòng chị nung đốt bởi sự ham muốn trở lại công tác trọn thời gian, nhưng chị không thể làm được vì hoàn cảnh tài chánh. Mặc dầu một trưởng lão có ý tốt những anh đã hỏi chị với giọng lộ vẻ chỉ trích: “Chừng nào chị mới trở lại khai thác lần nữa?” Câu trả lời ngắn gọn của chị đã làm anh ngạc nhiên: “Khi chồng tôi đủ sức trả tiền thuê nhà”. Anh trưởng lão tới lúc đó vẫn không biết nhưng sau đó đã biết là công việc khai thác của chị đã được tài trợ phần lớn bởi số lương của chồng chị. Nhưng khi chủ của chồng chị lãnh thêm nhiều việc không thích hợp cho người tín đồ đấng Christ, lương tâm chồng chị đã khiến anh đi tìm một công việc khác. Với tuổi của anh, việc làm không dễ tìm, cho nên anh phải chấp nhận một việc làm với ít lương vì vậy mà vợ cần phải đi làm nữa mới đủ.
18. Bằng cách nào những trưởng lão có thể là công cụ để phụ “giúp thêm sức mạnh”?
18 Qua kinh nghiệm trên chúng ta có nên hiểu rằng các trưởng lão nên do dự trước khi khuyên bảo những anh em tín đồ không? Không phải thế, nhưng khi cần nói lời khuyên bảo hay khuyến khích, các trưởng lão nên nhận biết hoàn cảnh thật sự của anh em và không nên chỉ nhìn vẻ bề ngoài (Gia-cơ 2:15, 16). Trong cách này, trưởng lão có thể là công cụ để phụ “giúp thêm sức mạnh” trong hội-thánh của họ (Cô-lô-se 4:11).
19. Bạn có thể làm gì để giúp những người khai thác khỏi bị mệt mỏi?
19 Một số đang gia tăng trong nhóm người tuyên bố về Nước Trời đã tiến mạnh lên và đang làm khai thác đều đều. Tiếng reo hò của đám đông có thể khuyến khích những người chạy đua lấy lại sức lực. Vậy bạn đang làm gì để hô hào những người khai thác trong hội-thánh bạn đi đến thành công? Anh Doug và chị Joanne đã chọn tham gia công tác phụng sự trọn thời gian làm nghề của đời mình. Khi người khác hỏi: “Chừng nào anh chị sẽ có con?” hay là “Chừng nào anh chị sẽ ổn định cuộc sống?” thì họ có thể làm nản lòng anh chị. Tuy nhiên, chuyện gì xảy ra khi các nhân-chứng khác nâng đỡ tinh thần họ và nói rằng: “Hãy tiếp tục làm công việc tốt lành đó. Chúng tôi hân hạnh có anh chị làm khai thác trong hội-thánh chúng tôi”? Kìa, họ không những tránh được sự mệt mỏi thiêng liêng mà còn được giúp như chim ưng bay vút lên trong công tác khai thác của họ (So sánh Ê-sai 40:31).
Những người khai thác có thể được thêm sức thế nào?
20, 21. Vài người trong công tác phụng sự trọn thời gian đã được thêm sức thế nào?
20 Hãy nghe cặp vợ chồng Frederick và Marian. Họ biết làm thế nào để được thêm sức. Cả hai đều là giáo sĩ phụng sự tại một xứ ở Trung Mỹ và cả hai đều hơn 70. Anh bắt đầu công tác giáo sĩ năm 1946, chị vào năm 1950. Điều gì đã giúp họ tiếp tục trong công tác của Đức Giê-hô-va? Anh Frederick trả lời: “Đó là lòng yêu mến Đức Giê-hô-va và ý muốn giúp người khác, và hơn nữa giữ luôn luôn trong trí mục tiêu về sự sống đời đời”. Vợ anh thì trả lời: “Lời hứa của Đức Chúa Trời giúp chúng tôi tiếp tục phụng sự”. Làm sao họ không bị mệt mỏi? Anh khuyên “bất cứ công việc được giao cho bạn là gì, hãy bận rộn trong công việc đó”. Chị đề nghị “hằng đều đều trong công việc thần quyền” và thêm: “Khi bạn trở về già, bạn không thể làm tất cả những điều bạn muốn làm. Điều đó làm tôi bực mình nhưng tôi nói với Đức Giê-hô-va trong lời cầu nguyện về vấn đề đó”. Anh Frederick kết luận bằng lời khuyên tốt lành này: “Chúng tôi cầu nguyện mỗi đêm và hỏi xin Đức Giê-hô-va giúp chúng tôi” (I Phi-e-rơ 4:7).
21 Chị Lavonia 67 tuổi và là một người khai thác đều đều trong 20 năm qua. Trong năm vừa rồi, chị bị nằm nhà thương 15 ngày và hiện nay chị đang uống thuốc trị bệnh tim. Nhiều người trong gia đình chị, trong số đó có chồng và cha của chị, đã qua đời, gây cho chị nhiều đau khổ. Nhưng chị vẫn gắng hết sức mình. Làm thế nào chị lấy lại sức? Chị nói: “Được chia xẻ nhiều hơn trong công việc rao giảng đã thật sự giúp tôi có thể nói với người khác về Đức Giê-hô-va, tâm trí tôi không nghĩ đến chuyện riêng của tôi nữa và điều đó làm tôi được bình an trong tâm hồn và vui vẻ làm cho đời đáng sống”. Chị cũng không muốn nghỉ làm khai thác nhưng nói: “Thấy người khác học biết về Đức Giê-hô-va và về ý định cao cả của Ngài khiến tôi có một niềm vui lớn đến nỗi tôi không thể nghĩ đến sự ngưng công việc khai thác” (Công-vụ các Sứ-đồ 20:35).
22. Để thắng cuộc đua cho sự sống đời đời, chúng ta phải tiếp tục làm gì?
22 Dù chúng ta có thể cố gắng để làm khai thác lúc này hay không, tất cả chúng ta có thể tiếp tục gần gũi với nguồn năng lực to lớn là Đức Giê-hô-va và tổ chức của Ngài. Hãy tiếp tục lấy lại sức bởi sự trung thành phụng sự Đức Chúa Trời của chúng ta. Rồi như Ha-ba-cúc, chúng ta có thể nói: “Đức Giê-hô-va là Chúa, là sức mạnh của tôi. Ngài làm cho chơn tôi giống như chơn con hươu” (Ha-ba-cúc 3:19). Vậy chúng ta sẽ không mệt nhọc. Hãy nhớ là cuộc chạy đua gần chấm dứt. Chúng ta gần đến mục tiêu rồi!
[Chú thích]
a Chữ khuyến khích trong Phi-líp 2:1 và Hê-bơ-rơ 6:18 đến từ động từ Hy-lạp có nghĩa là “dùng ảnh hưởng dịu dàng bằng lời nói” hay là “nói cách tích cực và nhân từ với người nào”.
Câu hỏi ôn lại
◻ Chỉ có ai mới được tiếp sức bởi nguồn năng lực to tát của Đức Giê-hô-va?
◻ Một số dấu hiệu của sự mệt mỏi thiêng liêng là gì?
◻ Đức Giê-hô-va có những sự cung cấp nào để giúp chúng ta được thêm sức?
◻ Các trưởng lão và các người khác trong hội-thánh có thể làm thế nào để giúp những người khai thác tiếp tục cuộc “chạy đua”?
[Khung nơi trang 21]
Vài cách để chống lại sự mệt mỏi thiêng liêng
Triệu chứng của sự mệt mỏi
◻ Thiếu tự chủ trong việc ăn, uống và theo đuổi sự vui chơi
◻ Thiếu sự hăng hái cho lẽ thật, có tinh thần tự mãn
◻ Cứ tiếp tục hoài nghi lẽ thật
◻ Bỏ bê sự kết hợp trong các buổi nhóm họp ở hội-thánh
◻ Thiếu sự sốt sắng và vui mừng trong công việc rao giảng
◻ Trở nên chỉ trích quá đáng đối với các trưởng lão và tổ chức
Các sự giúp đỡ để bền chí
◻ Cầu nguyện xin thánh linh giúp đỡ (Lu-ca 11:13; Ga-la-ti 5:22, 23; I Phi-e-rơ 4:7).
◻ Học hỏi Kinh-thánh cá nhân (Thi-thiên 1:1, 2).
◻ Suy gẫm về Kinh-thánh (Thi-thiên 77:12).
◻ Đi nhóm họp và dự hội nghị đều đều (Nê-hê-mi 8:1-3, 8, 10; Hê-bơ-rơ 10:23-25).
◻ Tham dự thường xuyên vào công tác rao giảng (Công-vụ các Sứ-đồ 20:18-21).
◻ Tìm sự giúp đỡ do các trưởng lão trong hội-thánh và giám thị lưu động (Rô-ma 1:11, 12; Hê-bơ-rơ 13:17).
[Hình nơi trang 19]
Đức Giê-hô-va, Đấng Tạo hóa của vũ trụ, giúp các nhân-chứng của Ngài được thêm sức
[Nguồn tư liệu]
NASA photo