BÀI HỌC 45
Quý trọng đặc ân thờ phượng trong đền thờ thiêng liêng của Đức Giê-hô-va
“Hãy thờ phượng đấng tạo nên trời, đất”.—KHẢI 14:7.
BÀI HÁT 93 Xin Cha ban phước cho buổi nhóm họp
GIỚI THIỆUa
1. Một thiên sứ đang nói gì, và điều này nên tác động thế nào đến chúng ta?
Nếu một thiên sứ nói với anh chị, anh chị có lắng nghe điều thiên sứ ấy nói không? Ngày nay, một thiên sứ đang nói với “mọi nước, mọi chi phái, mọi thứ tiếng cùng mọi dân”. Thiên sứ ấy nói gì? “Hãy kính sợ Đức Chúa Trời và tôn vinh ngài… Hãy thờ phượng đấng tạo nên trời, đất” (Khải 14:6, 7). Đức Giê-hô-va là đấng duy nhất mà mọi người nên thờ phượng. Thật biết ơn khi được Đức Giê-hô-va ban cho cơ hội quý giá là thờ phượng ngài trong đền thờ thiêng liêng vĩ đại!
2. Đền thờ thiêng liêng của Đức Giê-hô-va là gì? (Cũng xem khung “Đền thờ thiêng liêng không phải là…”).
2 Vậy đền thờ thiêng liêng là gì, và chúng ta có thể tìm được những chi tiết giải thích về đền thờ ấy ở đâu? Đền thờ thiêng liêng không phải là một tòa nhà theo nghĩa đen. Đó là sự sắp đặt của Đức Giê-hô-va về sự thờ phượng được ngài chấp nhận dựa trên sự hy sinh làm giá chuộc của Chúa Giê-su. Sứ đồ Phao-lô giải thích về sự sắp đặt này trong thư ông viết cho tín đồ người Hê-bơ-rơ sống ở Giu-đê vào thế kỷ thứ nhất.b
3, 4. Phao-lô có những mối lo lắng nào về tín đồ người Hê-bơ-rơ ở Giu-đê, và ông đã giúp họ ra sao?
3 Tại sao Phao-lô viết thư cho tín đồ người Hê-bơ-rơ ở Giu-đê? Rất có thể vì hai lý do chính. Thứ nhất là để khích lệ họ. Đa số những tín đồ này lớn lên trong Do Thái giáo. Có lẽ họ bị các nhà lãnh đạo tôn giáo chế nhạo khi trở thành tín đồ đạo Đấng Ki-tô. Tại sao? Vì tín đồ đạo Đấng Ki-tô không có đền thờ nguy nga để làm nơi thờ phượng, không có bàn thờ để dâng vật tế lễ cho Đức Chúa Trời, và không có thầy tế lễ để làm công việc phục vụ. Có thể điều này đã khiến các tín đồ nản lòng và suy yếu về đức tin (Hê 2:1; 3:12, 14). Thậm chí có lẽ một số người còn nghĩ đến việc quay trở lại Do Thái giáo.
4 Thứ hai, như Phao-lô nói với tín đồ người Hê-bơ-rơ, họ chưa nỗ lực hiểu những sự dạy dỗ mới hoặc sâu sắc, tức là “thức ăn đặc” trong Lời Đức Chúa Trời (Hê 5:11-14). Dường như một số người vẫn còn bám lấy Luật pháp Môi-se. Nhưng Phao-lô giải thích rằng vật tế lễ mà Luật pháp đòi hỏi không thể hoàn toàn xóa bỏ tội lỗi. Vì lý do ấy, Luật pháp đã “bị bãi bỏ”. Sau đó, Phao-lô đã dạy một số sự thật sâu sắc. Ông nhắc anh em đồng đạo về “một hy vọng tốt hơn” dựa trên sự hy sinh của Chúa Giê-su. Hy vọng ấy mới có thể thật sự giúp họ “đến gần Đức Chúa Trời”.—Hê 7:18, 19.
5. Chúng ta cần hiểu điều gì trong sách Hê-bơ-rơ, và tại sao?
5 Phao-lô giải thích với anh em người Hê-bơ-rơ lý do sự thờ phượng của tín đồ đạo Đấng Ki-tô ưu việt hơn sự thờ phượng của họ trước đây. Cách thờ phượng của Do Thái giáo “là bóng của những điều sẽ đến, còn hình thật là Đấng Ki-tô” (Cô 2:17). Bóng chỉ là hình dạng chung chung của một vật. Tương tự, khuôn mẫu thờ phượng thời xưa của người Do Thái chỉ là bóng của hình thật sẽ đến sau đó. Đức Giê-hô-va cung cấp một sự sắp đặt để chúng ta được tha tội hầu có thể dâng cho ngài sự thờ phượng được ngài chấp nhận. Chúng ta cần hiểu sự sắp đặt đó. Hãy so sánh “bóng” (khuôn mẫu thờ phượng thời xưa của người Do Thái) với “hình thật” (cách thờ phượng của đạo Đấng Ki-tô), như sách Hê-bơ-rơ giải thích. Khi đó, chúng ta có thể hiểu rõ hơn về đền thờ thiêng liêng và cách đền thờ ấy liên quan đến chúng ta.
LỀU THÁNH
6. Lều thánh được dùng vào mục đích nào?
6 Khuôn mẫu thời xưa. Phao-lô đưa ra lời giải thích dựa trên lều thánh được Môi-se dựng vào năm 1512 TCN. (Xem biểu đồ “Khuôn mẫu thời xưa—Hình thật”). Lều thánh là một công trình có thể tháo dỡ mà lúc đầu dân Y-sơ-ra-ên mang theo khi họ di chuyển từ nơi này đến nơi khác. Họ sử dụng lều thánh gần 500 năm, cho đến khi đền thờ được xây dựng ở Giê-ru-sa-lem (Xuất 25:8, 9; Dân 9:22). “Lều hội họp” này là trung tâm để dân Y-sơ-ra-ên đến gần Đức Chúa Trời, dâng vật tế lễ và thờ phượng ngài (Xuất 29:43-46). Tuy nhiên, lều thánh cũng tượng trưng cho điều vĩ đại hơn dành cho tín đồ đạo Đấng Ki-tô về sau.
7. Khi nào đền thờ thiêng liêng bắt đầu hiện hữu?
7 Hình thật. Lều thánh “là bóng của những điều trên trời” và tượng trưng cho đền thờ thiêng liêng vĩ đại của Đức Giê-hô-va. Phao-lô nói rằng “lều ấy là hình ảnh minh họa cho thời nay” (Hê 8:5; 9:9). Vì thế, đến thời điểm ông viết thư cho tín đồ người Hê-bơ-rơ, đền thờ thiêng liêng đã trở thành hiện thực đối với tín đồ đạo Đấng Ki-tô. Đền thờ ấy bắt đầu hiện hữu vào năm 29 CN. Năm đó, Chúa Giê-su chịu phép báp-têm, được xức dầu bằng thần khí thánh và bắt đầu làm “thầy tế lễ thượng phẩm vĩ đại” của Đức Giê-hô-va trong đền thờ thiêng liêng.c—Hê 4:14; Công 10:37, 38.
THẦY TẾ LỄ THƯỢNG PHẨM
8, 9. Theo Hê-bơ-rơ 7:23-27, có sự khác biệt lớn nào giữa những thầy tế lễ thượng phẩm của dân Y-sơ-ra-ên và Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm vĩ đại là Chúa Giê-su?
8 Khuôn mẫu thời xưa. Thầy tế lễ thượng phẩm đại diện cho dân chúng trước mặt Đức Chúa Trời. Thầy tế lễ thượng phẩm đầu tiên của dân Y-sơ-ra-ên là A-rôn được Đức Giê-hô-va bổ nhiệm khi lều thánh được khánh thành. Tuy nhiên, như Phao-lô giải thích, “nhiều người phải lần lượt kế vị để làm thầy tế lễ vì cái chết ngăn cản họ tiếp tục giữ chức ấy”.d (Đọc Hê-bơ-rơ 7:23-27). Ngoài ra, là người bất toàn, những thầy tế lễ thượng phẩm này phải dâng vật tế lễ cho tội lỗi của chính mình. Đó chính là những sự khác biệt lớn giữa thầy tế lễ thượng phẩm của dân Y-sơ-ra-ên với Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm vĩ đại là Chúa Giê-su.
9 Hình thật. Là Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm của chúng ta, Chúa Giê-su “là đấng phục vụ cho… lều thật, do Đức Giê-hô-va dựng nên chứ không phải do con người” (Hê 8:1, 2). Phao-lô giải thích rằng “vì [Chúa Giê-su] sống mãi nên chức tế lễ của ngài không có ai kế vị”. Ông cho biết thêm là Chúa Giê-su “không ô uế, tách biệt khỏi những người tội lỗi”, và khác với những thầy tế lễ thượng phẩm của dân Y-sơ-ra-ên, “ngài không cần dâng vật tế lễ mỗi ngày” vì tội lỗi của mình. Giờ đây, hãy xem bàn thờ và vật tế lễ theo khuôn mẫu thời xưa và trong sự thờ phượng của đạo Đấng Ki-tô khác nhau như thế nào.
BÀN THỜ VÀ VẬT TẾ LỄ
10. Những vật tế lễ trên bàn thờ bằng đồng tượng trưng cho điều gì?
10 Khuôn mẫu thời xưa. Bên ngoài lối ra vào của lều thánh là bàn thờ bằng đồng để dâng các con sinh tế cho Đức Giê-hô-va (Xuất 27:1, 2; 40:29). Tuy nhiên, những vật tế lễ ấy không thể giúp dân chúng được tha tội hoàn toàn (Hê 10:1-4). Những con sinh tế thường xuyên được dâng ở lều thánh tượng trưng cho một vật tế lễ duy nhất sẽ hoàn toàn chuộc tội cho nhân loại.
11. Chúa Giê-su dâng chính mình làm vật tế lễ trên bàn thờ nào? (Hê-bơ-rơ 10:5-7, 10)
11 Hình thật. Chúa Giê-su biết rằng Đức Giê-hô-va đã phái ngài xuống trái đất để hy sinh mạng sống làm giá chuộc cho nhân loại (Mat 20:28). Vì thế, lúc báp-têm, Chúa Giê-su trình diện để làm theo ý muốn của Đức Giê-hô-va (Giăng 6:38; Ga 1:4). Chúa Giê-su dâng chính mình trên bàn thờ theo nghĩa bóng. Bàn thờ ấy tượng trưng cho “ý muốn” của Đức Chúa Trời là Con ngài sẽ hy sinh mạng sống hoàn hảo. Mạng sống của Chúa Giê-su được dâng “một lần đủ cả” để chuộc, hay che lấp vĩnh viễn, tội lỗi của tất cả những người thể hiện đức tin nơi ngài. (Đọc Hê-bơ-rơ 10:5-7, 10). Tiếp theo, hãy xem xét ý nghĩa của các đặc điểm bên trong lều thánh.
GIAN THÁNH VÀ GIAN CHÍ THÁNH
12. Ai có thể vào mỗi gian của lều thánh?
12 Khuôn mẫu thời xưa. Về cơ bản, lều thánh và các đền thờ được xây dựng sau này ở Giê-ru-sa-lem có thiết kế giống nhau. Bên trong có hai gian là “Gian Thánh” và “Gian Chí Thánh” được phân cách với nhau bởi bức màn (Hê 9:2-5; Xuất 26:31-33). Trong Gian Thánh có một chân đèn bằng vàng, một bàn thờ dâng hương và một bàn đặt bánh dâng hiến. Chỉ “những người được xức dầu” làm thầy tế lễ mới được vào Gian Thánh để thực hiện các nhiệm vụ tế lễ (Dân 3:3, 7, 10). Gian Chí Thánh có Hòm Giao Ước dát vàng tượng trưng cho sự hiện diện của Đức Giê-hô-va (Xuất 25:21, 22). Chỉ thầy tế lễ thượng phẩm mới được bước qua bức màn để vào Gian Chí Thánh trong Ngày Chuộc Tội hằng năm (Lê 16:2, 17). Từ năm này sang năm khác, thầy tế lễ thượng phẩm vào đó với huyết của thú vật để chuộc tội cho chính mình và cả dân. Cuối cùng, qua thần khí thánh, Đức Giê-hô-va cho thấy rõ những đặc điểm này của lều thánh thật sự có nghĩa gì.—Hê 9:6-8.
13. Gian Thánh và Gian Chí Thánh của lều thánh tượng trưng cho điều gì?
13 Hình thật. Có một con số nhất định các môn đồ của Đấng Ki-tô được xức dầu bằng thần khí thánh và có mối quan hệ đặc biệt với Đức Giê-hô-va. Con số đó là 144.000 người và họ sẽ làm thầy tế lễ ở trên trời cùng với Chúa Giê-su (Khải 1:6; 14:1). Gian Thánh của lều thánh tượng trưng cho tình trạng được xức dầu bằng thần khí khi họ còn ở trên đất để làm con Đức Chúa Trời (Rô 8:15-17). Gian Chí Thánh của lều thánh tượng trưng cho trời, là nơi Đức Giê-hô-va ngự. “Bức màn” phân cách giữa Gian Thánh và Gian Chí Thánh tượng trưng cho thân thể xác thịt của Chúa Giê-su, là điều đã cản trở ngài vào trời với tư cách là Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm vĩ đại của đền thờ thiêng liêng. Qua việc hy sinh thân thể con người để làm giá chuộc cho nhân loại, Chúa Giê-su mở đường cho tất cả các tín đồ được xức dầu nhận được sự sống ở trên trời. Các tín đồ này cũng phải từ bỏ thân thể con người để nhận phần thưởng trên trời (Hê 10:19, 20; 1 Cô 15:50). Sau khi được sống lại, Chúa Giê-su vào Gian Chí Thánh của đền thờ thiêng liêng, nơi mà cuối cùng tất cả các tín đồ được xức dầu sẽ ở cùng với ngài.
14. Theo Hê-bơ-rơ 9:12, 24-26, điều gì khiến cho sắp đặt của Đức Giê-hô-va về đền thờ thiêng liêng rất ưu việt?
14 Qua những đoạn trên, chúng ta thấy rõ tính ưu việt của sắp đặt đến từ Đức Giê-hô-va về sự thờ phượng thanh sạch dựa trên sự hy sinh làm giá chuộc và chức tế lễ của Chúa Giê-su. Thầy tế lễ thượng phẩm của dân Y-sơ-ra-ên vào Gian Chí Thánh do con người xây dựng mang theo huyết của con sinh tế. Còn Chúa Giê-su “vào tận trong trời”, là nơi thánh khiết nhất, để trình diện trước mặt Đức Giê-hô-va. Tại đây, ngài dâng giá trị của mạng sống hoàn hảo vì chúng ta “hầu xóa bỏ tội lỗi bằng cách hy sinh chính mình”. (Đọc Hê-bơ-rơ 9:12, 24-26). Sự hy sinh của Chúa Giê-su là vật tế lễ xóa bỏ tội lỗi hoàn toàn và mãi mãi. Như sẽ xem xét, tất cả chúng ta đều có thể thờ phượng Đức Giê-hô-va trong đền thờ thiêng liêng của ngài, dù có hy vọng sống trên trời hay dưới đất.
CÁC SÂN
15. Ai phục vụ trong sân của lều thánh?
15 Khuôn mẫu thời xưa. Lều thánh có một sân, tức là một khu vực rộng, có hàng rào xung quanh. Đó là nơi dành cho các thầy tế lễ thi hành nhiệm vụ. Trong sân có một bàn thờ bằng đồng lớn để dâng lễ vật thiêu, cùng với bồn bằng đồng chứa nước để các thầy tế lễ dùng cho việc rửa ráy trước khi thực hiện các công việc thánh (Xuất 30:17-20; 40:6-8). Tuy nhiên, những đền thờ được xây dựng sau này cũng có một sân ngoài, nơi mà những người không phải là thầy tế lễ có thể đến để thờ phượng Đức Chúa Trời.
16. Ai phụng sự trong mỗi sân của đền thờ thiêng liêng?
16 Hình thật. Trước khi làm thầy tế lễ trên trời cùng với Chúa Giê-su, những người được xức dầu phụng sự trên đất, ở sân trong của đền thờ thiêng liêng. Bồn nước lớn là một lời nhắc nhở đối với họ, cũng như tất cả tín đồ đạo Đấng Ki-tô, là hãy giữ thanh sạch về đạo đức lẫn thiêng liêng. Thế thì “đám đông lớn”, là những người trung thành ủng hộ anh em được xức dầu của Đấng Ki-tô, phụng sự ở đâu? Sứ đồ Giăng thấy họ “đứng trước ngai,… ngày đêm phụng sự [Đức Chúa Trời] trong đền ngài”. Họ làm thế ở trên đất, trong sân ngoài của đền thờ thiêng liêng (Khải 7:9, 13-15). Chúng ta thật biết ơn vì có vị trí trong sắp đặt của Đức Giê-hô-va về sự thờ phượng thanh sạch!
ĐẶC ÂN THỜ PHƯỢNG ĐỨC GIÊ-HÔ-VA
17. Chúng ta có đặc ân dâng cho Đức Giê-hô-va những vật tế lễ nào?
17 Ngày nay, tất cả tín đồ đạo Đấng Ki-tô đều có đặc ân dâng vật tế lễ cho Đức Giê-hô-va bằng cách dùng thời gian, sức lực và tiền của để đẩy mạnh quyền lợi Nước Trời. Như lời của sứ đồ Phao-lô nói với tín đồ người Hê-bơ-rơ, chúng ta có thể “luôn dâng cho Đức Chúa Trời vật tế lễ là lời ngợi khen, tức bông trái của môi miệng mình, là môi miệng công bố danh ngài” (Hê 13:15). Chúng ta có thể cho thấy mình quý trọng đặc ân được thờ phượng Đức Giê-hô-va bằng cách dâng cho ngài những vật tế lễ tốt nhất mà mình có.
18. Theo Hê-bơ-rơ 10:22-25, chúng ta không nên sao lãng điều gì và không nên quên điều gì?
18 Đọc Hê-bơ-rơ 10:22-25. Trong phần cuối của lá thư gửi tín đồ người Hê-bơ-rơ, Phao-lô nhắc đến những khía cạnh của sự thờ phượng mà chúng ta không bao giờ nên sao lãng. Những khía cạnh này bao gồm việc cầu nguyện với Đức Giê-hô-va, công bố niềm hy vọng của chúng ta, nhóm họp và khích lệ lẫn nhau nhiều hơn nữa “khi thấy ngày [của Đức Giê-hô-va] gần kề”. Trong phần cuối của sách Khải huyền, thiên sứ của Đức Giê-hô-va hai lần nhấn mạnh: “Hãy thờ phượng Đức Chúa Trời!” (Khải 19:10; 22:9). Mong sao chúng ta không bao giờ quên sự thật sâu sắc về đền thờ thiêng liêng vĩ đại của Đức Giê-hô-va và đặc ân được thờ phượng Đức Chúa Trời tuyệt vời của chúng ta!
BÀI HÁT 88 Xin dạy con biết đường lối Cha
a Một trong những sự dạy dỗ sâu sắc trong Kinh Thánh là về đền thờ thiêng liêng vĩ đại của Đức Giê-hô-va. Đền thờ ấy là gì? Bài này sẽ xem xét các chi tiết của đền thờ thiêng liêng được nhắc đến trong sách Hê-bơ-rơ. Mong sao bài này giúp anh chị gia tăng lòng quý trọng đối với đặc ân thờ phượng Đức Giê-hô-va.
b Để biết khái quát về sách Hê-bơ-rơ trong Kinh Thánh, xem video Giới thiệu về sách Hê-bơ-rơ trên jw.org.
c Sách Hê-bơ-rơ là sách duy nhất trong phần Kinh Thánh tiếng Hy Lạp gọi Chúa Giê-su là Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm.
d Theo một tài liệu tham khảo, tính đến khi đền thờ ở Giê-ru-sa-lem bị hủy diệt vào năm 70 CN, có thể đã có đến 84 thầy tế lễ thượng phẩm ở Y-sơ-ra-ên.
f Xem khung “Thánh linh tiết lộ ý nghĩa của đền thờ thiêng liêng” trong Tháp Canh ngày 15-7-2010, trg 22.