Hãy thể hiện đức tin nơi những lời hứa của Đức Giê-hô-va
“Đức tin... là bằng chứng rõ ràng của những điều có thật, dù không nhìn thấy được”.—HÊ 11:1.
1. Chúng ta nên có quan điểm nào về đức tin của tín đồ đạo Đấng Ki-tô?
Đức tin của tín đồ đạo Đấng Ki-tô là một phẩm chất quý giá. Không phải ai cũng có đức tin (2 Tê 3:2). Tuy nhiên, Đức Giê-hô-va đã ban cho mỗi người thờ phượng ngài một “lượng đức tin” (Rô 12:3; Ga 5:22). Tất cả những ai được Đức Chúa Trời ban cho đức tin đều nên biết ơn ngài một cách sâu sắc.
2, 3. (a) Một người có đức tin có thể nhận được những ân phước nào? (b) Chúng ta sẽ xem xét những câu hỏi nào?
2 Cha trên trời kéo người ta đến với ngài qua Con của ngài là Chúa Giê-su Ki-tô (Giăng 6:44, 65). Việc có đức tin nơi Chúa Giê-su giúp một người có thể được tha tội, nhờ thế có triển vọng hưởng mối quan hệ đời đời với Đức Giê-hô-va (Rô 6:23). Chúng ta đã làm gì để xứng đáng nhận ân phước tuyệt vời ấy? Là những người tội lỗi, chúng ta chỉ đáng nhận lãnh cái chết (Thi 103:10). Nhưng Đức Giê-hô-va nhìn thấy tiềm năng làm điều tốt nơi chúng ta. Vì lòng nhân từ bao la, ngài đã mở lòng chúng ta để chúng ta hưởng ứng tin mừng. Kể từ đó, chúng ta bắt đầu thể hiện đức tin nơi Chúa Giê-su với hy vọng được sống đời đời.—Đọc 1 Giăng 4:9, 10.
3 Nhưng nói chính xác thì đức tin là gì? Phải chăng đức tin chỉ đơn thuần là việc hiểu trong trí về những ân phước mà Đức Chúa Trời đã dành sẵn cho chúng ta? Quan trọng hơn, chúng ta phải thể hiện đức tin qua những cách nào?
“TIN TRONG LÒNG”
4. Hãy giải thích tại sao đức tin không đơn thuần là một hoạt động trí óc.
4 Đức tin không đơn thuần là việc hiểu trong trí về ý định của Đức Chúa Trời. Đức tin là một động lực mạnh mẽ thúc đẩy một người hành động phù hợp với ý muốn của ngài. Đức tin nơi phương tiện cứu rỗi của Đức Chúa Trời thôi thúc một tín đồ chia sẻ tin mừng với người khác. Sứ đồ Phao-lô giải thích: “Nếu anh công bố ‘lời trong miệng anh’ rằng Giê-su là Chúa và tin trong lòng rằng Đức Chúa Trời đã làm ngài sống lại, anh sẽ được cứu. Vì nhờ tin trong lòng mà đạt được sự công chính, còn bởi miệng công bố mà được cứu rỗi”.—Rô 10:9, 10; 2 Cô 4:13.
5. Tại sao đức tin là điều rất quan trọng, và bằng cách nào chúng ta có thể giữ đức tin mạnh mẽ? Hãy minh họa.
5 Rõ ràng, triển vọng của chúng ta về một đời sống vĩnh cửu trong thế giới mới của Đức Chúa Trời tùy thuộc vào việc chúng ta có đức tin và giữ đức tin mạnh mẽ. Việc chúng ta cần giữ đức tin mạnh mẽ có thể được ví như việc một cây cần đến nước. Khác với cây giả, một cây thật sẽ tiếp tục biến đổi. Cây ấy sẽ khô héo vì thiếu nước hoặc sẽ tiếp tục lớn lên khi được tưới nước đều đặn. Nếu không được tưới đủ nước, một cây từng khỏe mạnh cuối cùng sẽ chết. Đức tin của chúng ta cũng vậy. Nếu không được nuôi dưỡng, đức tin sẽ lụi tàn và chết (Lu 22:32; Hê 3:12). Nhưng nếu chúng ta lưu tâm một cách thích đáng đến đức tin của mình, đức tin ấy sẽ sống và tiếp tục lớn lên, đồng thời chúng ta sẽ “có đức tin mạnh mẽ”.—2 Tê 1:3; Tít 2:2.
LỜI KINH THÁNH MIÊU TẢ VỀ ĐỨC TIN
6. Hê-bơ-rơ 11:1 miêu tả về đức tin theo hai cách nào?
6 Lời Kinh Thánh miêu tả về đức tin được ghi nơi Hê-bơ-rơ 11:1. (Đọc). Đức tin tập trung vào hai điều mà chúng ta không nhìn thấy. Thứ nhất, đó là “những điều mình hy vọng sẽ thành sự thật”, có thể bao gồm những sự kiện trong tương lai đã được hứa trước nhưng chưa xảy ra, chẳng hạn như thế giới mới sắp đến và sự kết liễu của mọi điều gian ác. Thứ hai, đó là “những điều có thật, dù không nhìn thấy được”. Trong văn cảnh này, từ Hy Lạp được dịch là “bằng chứng rõ ràng” có ý nói về bằng chứng thuyết phục của một điều vô hình nhưng có thật, chẳng hạn như sự hiện hữu của Giê-hô-va Đức Chúa Trời, Chúa Giê-su Ki-tô, các thiên sứ và các hoạt động của Nước Trời (Hê 11:3). Qua cách nào chúng ta có thể chứng tỏ mình thật sự có hy vọng và tin nơi những điều không thể nhìn thấy, được nói đến trong Lời Đức Chúa Trời? Đó là qua lời nói và hành động. Thiếu đi những điều này, đức tin của chúng ta sẽ không trọn vẹn.
7. Gương của Nô-ê giúp chúng ta hiểu thế nào là người có đức tin? (Xem hình nơi đầu bài).
7 Hê-bơ-rơ 11:7 nêu bật đức tin của Nô-ê, là người mà “sau khi nhận được lời cảnh báo từ Đức Chúa Trời về những điều chưa trông thấy, đã tỏ lòng kính sợ ngài và đóng một chiếc tàu để cứu người nhà mình”. Nô-ê thể hiện đức tin qua việc đóng một chiếc tàu khổng lồ. Chắc hẳn, những người xung quanh đã hỏi Nô-ê xem tại sao ông lại xây dựng một công trình có kích cỡ lớn như thế. Nô-ê có giữ im lặng hoặc bảo họ đừng xen vào việc của ông không? Hoàn toàn không! Đức tin đã thôi thúc ông can đảm làm chứng và cảnh báo những người sống cùng thời về sự phán xét sắp đến của Đức Chúa Trời. Rất có thể Nô-ê đã nói với người ta chính xác những lời mà Đức Giê-hô-va phán với ông: “Kỳ cuối-cùng của mọi xác-thịt đã đưa đến trước mặt ta; vì cớ loài người mà đất phải đầy-dẫy điều hung-hăng... Ta sẽ dẫn nước lụt khắp trên mặt đất, đặng diệt-tuyệt các xác-thịt có sanh-khí ở dưới trời; hết thảy vật chi ở trên mặt đất đều sẽ chết hết”. Hẳn là Nô-ê cũng giải thích cho người ta về cách duy nhất để sống sót qua việc ông lặp lại mệnh lệnh của Đức Chúa Trời: “Hãy vào tàu”. Thế nên, Nô-ê đã thể hiện đức tin qua một cách khác, đó là trở thành “người rao giảng sự công chính”.—Sáng 6:13, 17, 18; 2 Phi 2:5.
8. Môn đồ Gia-cơ được soi dẫn để giải thích thế nào là đức tin thật?
8 Rất có thể lá thư của Gia-cơ được viết không lâu sau khi sứ đồ Phao-lô được soi dẫn để viết những lời miêu tả về đức tin. Giống như Phao-lô, Gia-cơ giải thích rằng đức tin thật của tín đồ đạo Đấng Ki-tô không đơn thuần là niềm tin, mà còn bao hàm hành động. Gia-cơ viết: “Hãy cho tôi thấy đức tin không có việc làm của anh, rồi tôi sẽ cho anh thấy đức tin của tôi qua việc làm” (Gia 2:18). Tiếp theo, Gia-cơ cho thấy sự khác biệt rõ ràng giữa niềm tin đơn thuần và việc thể hiện đức tin. Các ác thần tin Đức Chúa Trời hiện hữu, nhưng chúng không có đức tin thật. Chúng cố ngăn cản để không cho ý định của Đức Chúa Trời được ứng nghiệm (Gia 2:19, 20). Trái lại, khi nói về một người thời xưa có đức tin, Gia-cơ hỏi: “Chẳng phải tổ phụ Áp-ra-ham của chúng ta đã được tuyên bố là công chính nhờ việc làm, sau khi người dâng con trai là Y-sác trên bàn thờ tế lễ sao? Anh thấy rằng đức tin của người đã đi kèm với việc làm, và đức tin ấy trở nên hoàn hảo nhờ việc làm”. Rồi để nhấn mạnh rằng đức tin phải được thể hiện qua việc làm, Gia-cơ nói thêm: “Như thân thể không có hơi thở thì chết, đức tin không có việc làm cũng chết”.—Gia 2:21-23, 26.
9, 10. Sứ đồ Giăng giúp chúng ta hiểu thế nào về tầm quan trọng của việc thể hiện đức tin?
9 Hơn ba mươi năm sau, sứ đồ Giăng viết sách Phúc âm mang tên ông và ba lá thư. Ông có quý trọng ý nghĩa sâu xa của đức tin thật mà những người khác, cũng là những người viết Kinh Thánh, đã được soi dẫn để giải thích không? Giăng đã sử dụng động từ Hy Lạp mà đôi lúc được dịch là “thể hiện đức tin”, và ông dùng từ này nhiều hơn bất cứ người nào khác viết Kinh Thánh.
10 Chẳng hạn, Giăng viết: “Ai thể hiện đức tin nơi Con sẽ nhận được sự sống vĩnh cửu; ai không vâng lời Con sẽ không thấy sự sống, nhưng phải gánh lấy cơn thịnh nộ của Đức Chúa Trời” (Giăng 3:36). Đức tin của tín đồ đạo Đấng Ki-tô bao hàm việc vâng theo các mệnh lệnh của Chúa Giê-su. Qua những gì Giăng viết, chúng ta thấy Chúa Giê-su nhiều lần nói rằng việc thể hiện đức tin là một tiến trình liên tục.—Giăng 3:16; 6:29, 40; 11:25, 26; 14:1, 12.
11. Bằng cách nào chúng ta có thể tỏ lòng biết ơn về việc mình được biết sự thật?
11 Chúng ta thật biết ơn Đức Giê-hô-va vì ngài đã dùng thần khí để tiết lộ sự thật cho chúng ta cũng như giúp chúng ta thể hiện đức tin nơi tin mừng! (Đọc Lu-ca 10:21). Chúng ta muốn cảm tạ Đức Giê-hô-va luôn luôn vì ngài đã kéo chúng ta đến với ngài qua Con của ngài, là “Đấng Lãnh Đạo Chính của đức tin chúng ta và Đấng Làm Trọn Vẹn đức tin chúng ta” (Hê 12:2). Để cho thấy mình biết ơn lòng nhân từ bao la của Đức Chúa Trời, chúng ta nên tiếp tục củng cố đức tin qua việc cầu nguyện với ngài và học hỏi Lời ngài.—Ê-phê 6:18; 1 Phi 2:2.
12. Chúng ta cần thể hiện đức tin qua những cách nào?
12 Chúng ta cần tiếp tục thể hiện đức tin nơi những lời hứa của Đức Giê-hô-va. Điều này nên được thấy rõ. Chẳng hạn, chúng ta tiếp tục rao giảng về Nước của Đức Chúa Trời và tham gia công việc đào tạo môn đồ. Chúng ta cũng tiếp tục làm “điều lành cho mọi người, và đặc biệt là cho anh em đồng đức tin” (Ga 6:10). Bên cạnh đó, chúng ta nỗ lực “lột bỏ nhân cách cũ cùng các việc làm của nó” và cảnh giác trước bất cứ điều gì có thể làm mình suy yếu về thiêng liêng.—Cô 3:5, 8-10.
ĐỨC TIN NƠI ĐỨC CHÚA TRỜI LÀ MỘT PHẦN CỦA NỀN TẢNG CỦA CHÚNG TA
13. “Đức tin nơi Đức Chúa Trời” quan trọng như thế nào, đức tin ấy được ví như điều gì, và tại sao?
13 Kinh Thánh nói: “Không có đức tin thì chẳng thể nào làm vui lòng Đức Chúa Trời, vì người đến gần ngài phải tin rằng ngài hiện hữu và là đấng ban thưởng cho những ai sốt sắng tìm kiếm ngài” (Hê 11:6). Lời Đức Chúa Trời miêu tả “đức tin nơi Đức Chúa Trời” là một phần của “nền” cần thiết cho bất cứ ai muốn trở thành một tín đồ chân chính và tiếp tục là một tín đồ (Hê 6:1). Trên nền tảng đó, các tín đồ cần phải “thêm cho đức tin mình” những phẩm chất quan trọng khác để “giữ mình luôn ở trong vòng tay yêu thương của Đức Chúa Trời”.—Đọc 2 Phi-e-rơ 1:5-7; Giu 20, 21.
14, 15. Tại sao chúng ta không chỉ cần có đức tin mà phải có tình yêu thương?
14 Những người viết phần Kinh Thánh tiếng Hy Lạp nhấn mạnh tầm quan trọng của đức tin bằng cách nhắc đến đức tin hàng trăm lần. Không có phẩm chất tin kính nào khác được nhắc đến nhiều như thế. Phải chăng điều này đồng nghĩa với việc đức tin là phẩm chất quan trọng nhất của tín đồ đạo Đấng Ki-tô?
15 Phao-lô so sánh đức tin với tình yêu thương: “Nếu có đức tin mạnh đến nỗi dời được cả núi nhưng không có tình yêu thương thì tôi chẳng là gì” (1 Cô 13:2). Chúa Giê-su đã nhấn mạnh phẩm chất quan trọng nhất là tình yêu thương đối với Đức Chúa Trời khi trả lời câu hỏi: “Trong Luật pháp, điều răn nào là quan trọng nhất?” (Mat 22:35-40). Tình yêu thương giúp chúng ta có nhiều phẩm chất quan trọng khác, bao gồm đức tin. Kinh Thánh nói: “Người có tình yêu thương thì... tin mọi điều”. Tình yêu thương giúp chúng ta có đức tin nơi những điều mà Đức Chúa Trời đã nói trong Lời của ngài.—1 Cô 13:4, 7.
16, 17. Đức tin và tình yêu thương được nêu bật cùng với nhau trong Kinh Thánh ra sao, nhưng phẩm chất nào là quan trọng hơn và tại sao?
16 Vì đức tin và tình yêu thương đều rất quan trọng nên những người viết phần Kinh Thánh tiếng Hy Lạp đã nhiều lần nêu bật hai phẩm chất này cùng với nhau, thường là trong cùng một câu hoặc một đoạn. Phao-lô khuyến giục các anh em đồng đạo “mặc giáp che ngực là đức tin và tình yêu thương” (1 Tê 5:8). Phi-e-rơ viết: “Tuy chưa bao giờ thấy [Chúa Giê-su] nhưng anh em vẫn yêu thương ngài. Dù hiện nay không thấy ngài nhưng anh em vẫn thể hiện đức tin nơi ngài” (1 Phi 1:8). Gia-cơ hỏi các anh em được xức dầu: “Chẳng phải Đức Chúa Trời đã chọn những người nghèo theo quan điểm thế gian, để họ trở nên giàu có về đức tin và làm người thừa kế Nước mà ngài đã hứa cho những người yêu thương ngài sao?” (Gia 2:5). Giăng viết: “Điều răn của [Đức Chúa Trời] là chúng ta đặt đức tin nơi danh Con ngài, tức Chúa Giê-su Ki-tô, và yêu thương nhau”.—1 Giăng 3:23.
17 Đức tin là điều rất quan trọng nhưng trong tương lai, chúng ta sẽ không cần có đức tin nơi những lời hứa của Đức Chúa Trời về thế giới mới khi những lời hứa ấy được ứng nghiệm, và hy vọng của chúng ta sẽ thành sự thật. Dù vậy, chúng ta sẽ luôn cần gia tăng tình yêu thương đối với Đức Chúa Trời và người lân cận. Thế nên, Phao-lô có thể viết: “Tuy nhiên, có ba điều sẽ còn lại: đức tin, hy vọng và tình yêu thương; nhưng điều lớn hơn hết là tình yêu thương”.—1 Cô 13:13.
MỘT BIỂU HIỆN MẠNH MẼ VỀ ĐỨC TIN
18, 19. Một biểu hiện mạnh mẽ về đức tin mà chúng ta thấy ngày nay là gì, và ai đáng được ngợi khen về điều này?
18 Vào thời nay, dân của Đức Giê-hô-va thể hiện đức tin nơi Nước Trời đã được thành lập. Điều này dẫn đến sự phát triển của một địa đàng thiêng liêng trên toàn cầu mà đã có hơn tám triệu cư dân. Đó là nơi tràn đầy bông trái thần khí (Ga 5:22, 23). Thật là một biểu hiện mạnh mẽ về đức tin và tình yêu thương chân thật của tín đồ đạo Đấng Ki-tô!
19 Điều này có được là nhờ Đức Chúa Trời của chúng ta, chứ không phải bất cứ người nào. Công việc tuyệt vời ấy đang “làm cho biết danh Đức Giê-hô-va, và là một dấu đời đời không hề tuyệt-diệt” (Ê-sai 55:13). Quả thật, việc chúng ta “được cứu bởi đức tin” là “món quà của Đức Chúa Trời” (Ê-phê 2:8). Địa đàng thiêng liêng của chúng ta sẽ tiếp tục mở rộng và phát triển cho đến khi toàn trái đất có đầy những người hoàn hảo, công chính và hạnh phúc. Điều này sẽ mang lại sự ngợi khen cho danh Đức Giê-hô-va đến đời đời. Mong sao chúng ta tiếp tục thể hiện đức tin nơi những lời hứa của Đức Giê-hô-va!