Nhiều nhân-chứng như đám mây rất lớn!
“Vì chúng ta có nhiều nhân-chứng vây quanh như đám mây rất lớn... hãy lấy lòng nhịn nhục theo đòi cuộc chạy đua đã bày ra cho ta” (HÊ-BƠ-RƠ 12:1, NW).
1, 2. a) Phao-lô đã hình dung trong trí đến cảnh tượng nào khi viết cho các anh em tín đồ người Hê-bơ-rơ? b) Tại sao các anh em tín đồ người Hê-bơ-rơ cần có đức tin vững vàng?
Hãy hình dung bạn là một người đang chạy đua tại một vận động trường. Bạn ráng tiến tới, vận động mọi bắp thịt, cặp mắt bạn chăm chú đến mục đích. Nhưng còn những người quan sát thì sao? Kìa, tất cả những người đó đã là những người chạy đoạt giải rồi! Họ không chỉ là những người quan sát mà thôi, nhưng là các người làm chứng bằng lời nói lẫn việc làm.
2 Sứ đồ Phao-lô chắc hẳn trong trí đã hình dung đến cảnh tượng đó khi viết cho những tín đồ đấng Christ người Hê-bơ-rơ (vào khoảng năm 61 tây lịch). Họ cần có được đức tin vững vàng (Hê-bơ-rơ 10:32-39). Chỉ bởi đức tin mà họ có thể nghe theo lời cảnh cáo của Giê-su bảo họ trốn lên núi khi thành Giê-ru-sa-lem bị bao vây bởi quân đội La-mã (vào năm 66 tây lịch) vài năm trước khi thành bị hủy diệt bởi tay người La-mã (vào năm 70 tây lịch). Đức tin cũng đã gìn giữ họ khi họ bị “bắt-bớ vì sự công-bình” (Ma-thi-ơ 5:10; Lu-ca 21:20-24).
3. Hê-bơ-rơ 12:1 nói về “tội-lỗi dễ vấn-vương ta” là gì? và các tín đồ đấng Christ được khuyến khích có sự nhịn nhục để theo cuộc chạy đua nào?
3 Sau khi ôn lại những hành động của đức tin của thời trước đấng Christ (trong Hê-bơ-rơ đoạn 11) Phao-lô khuyến khích: “Vì chúng ta có nhiều nhân-chứng vây quanh như đám mây rất lớn, chúng ta cũng nên quăng hết gánh nặng [điều làm vướng víu chúng ta về phương diện thiêng liêng] và tội lỗi dễ vấn vương ta, lấy lòng nhịn nhục theo đòi cuộc chạy đua [cho sự sống đời đời] đã bày ra cho ta” (Hê-bơ-rơ 12:1, NW). Việc Phao-lô ôn lại đức tin qua những hành động làm nổi bật nhiều khía cạnh của đức tin và sẽ giúp chúng ta, dù chúng ta là những tín đồ đấng Christ được xức dầu đang chạy cho cuộc thi về sự bất tử ở trên trời hay là chúng ta thuộc phần của “đám đông” với mục tiêu là sự sống đời đời trong một địa-đàng trên đất (Khải-huyền 7:4-10; Lu-ca 23:43; Rô-ma 8:16, 17). Nhưng đức tin là gì? Vài khía cạnh của viên ngọc thiêng liêng này là gì? Và chúng ta sẽ hành động thế nào nếu chúng ta có đức tin? Để tìm câu trả lời cho các câu hỏi đó, xin bạn hãy đọc Hê-bơ-rơ đoạn 11 và 12 trong lúc học hỏi cá nhân và học hỏi tại hội-thánh.
Đức tin là gì?
4. Đức tin là gì?
4 Trước hết sứ đồ Phao-lô định nghĩa đức tin. Hãy đọc Hê-bơ-rơ 11:1-3. Như vậy, đức tin là “sự biết chắc vững-vàng những điều mình đương trông-mong”. Một người có đức tin có một sự bảo đảm là tất cả những gì mà Đức Chúa Trời hứa cho được coi là chắc chắn như đã ứng nghiệm rồi. Đức tin cũng là “bằng-cớ của những điều mình chẳng xem thấy”. Chứng cớ đáng tin của những điều không thấy được mạnh đến độ mà đức tin được xem như là ngang hàng với bằng cớ.
5. Bởi đức tin chúng ta nhận biết điều gì?
5 Bởi đức tin mà “các đấng thuở xưa đã được lời chứng tốt” là họ đã làm vui lòng Đức Chúa Trời. Cũng vậy, “bởi đức-tin chúng ta biết rằng thế-gian”—trái đất, mặt trời, mặt trăng và các sao—“đã làm nên bởi lời Đức Chúa Trời, đến nỗi những vật bày ra đó đều chẳng phải từ vật thấy được mà đến”. Chúng ta tin chắc rằng Đức Giê-hô-va là Đấng Tạo Hóa của các vật đó, mặc dù chúng ta không thể thấy được Ngài vì Ngài là một Thần linh vô hình (Sáng-thế Ký 1:1; Giăng 4:24; Rô-ma 1:20).
Đức tin và “thế-gian xưa”
6. Tại sao A-bên có “sự biết chắc vững-vàng” rằng lời tiên tri của Đức Giê-hô-va về “dòng-dõi của người nữ” sẽ thành sự thật?
6 Một trong nhiều khía cạnh của đức tin là nhận biết sự cần thiết của một sự hy sinh để chuộc tội. Hãy đọc Hê-bơ-rơ 11:4. Trong “thế-gian xưa” A-bên, người con thứ hai của cặp vợ chồng đầu tiên, A-đam và Ê-va, đã tỏ có đức tin nơi sự tế lễ bằng máu (II Phi-e-rơ 2:5). Chắc chắn A-bên nhận biết ảnh hưởng chết chóc của tội lỗi di truyền trong chính thân mình (Sáng-thế Ký 2:16, 17; 3:6, 7; Rô-ma 5:12). Hiển nhiên ông cũng nhận thấy sự ứng nghiệm của bản án của Đức Chúa Trời đã đem lại sự cực nhọc cho A-đam và sự đau đớn của Ê-va trong cơn thai nghén (Sáng-thế Ký 3:16-19). Vậy A-bên đã có “sự biết chắc vững-vàng” rằng những điều khác mà Đức Giê-hô-va đã nói cũng sẽ thành sự thật. Những điều này bao gồm lời tiên tri chỉ về kẻ lừa dối Sa-tan khi Đức Chúa Trời nói với con rắn: “Ta sẽ làm cho mầy cùng người nữ, dòng-dõi mầy cùng dòng-dõi người nữ nghịch-thù nhau. Người sẽ giày-đạp đầu mầy, còn mầy sẽ cắn gót chơn người” (Sáng-thế Ký 3:15).
7. a) A-bên bày tỏ có sự hiểu rõ thế nào về việc cần có một của-lễ hy sinh chuộc tội? b) Bằng cách nào “Đức Chúa Trời làm chứng cho người Ngài nhậm lễ-vật ấy”?
7 A-bên bày tỏ đức tin nơi dòng dõi đã hứa bằng cách hiến dâng cho Đức Chúa Trời một con vật làm tế lễ hy sinh để nó có thể thay thế tượng trưng cho chính mạng sống của A-bên. Nhưng người anh vô đức tin là Ca-in đã dâng vật thực không có máu. Sau đó, Ca-in là kẻ giết người đã làm đổ huyết của A-bên (Sáng-thế Ký 4:1-8). Dù vậy, A-bên chết đi biết rằng Đức Giê-hô-va đã xem ông là người công bình, “Đức Chúa Trời làm chứng về người rằng Ngài nhậm lễ-vật ấy”. Thế nào? Bằng cách chấp nhận của-lễ hy sinh dâng bằng đức tin. Bởi đức tin của ông và nhờ được Đức Chúa Trời chấp nhận, Kinh-thánh tiếp tục làm chứng rằng «dầu A-bên chết rồi, hãy còn nói». Ông đã thấy cần có sự hy sinh chuộc tội. Bạn có đức tin nơi sự chuộc tội quan trọng hơn của Giê-su Christ không? (I Giăng 2:1, 2; 3:23).
8. a) Chúng ta học được điều gì về đức tin qua sự can đảm làm chứng của Hê-nóc? b) Làm thế nào Hê-nóc “được cất lên và không hề thấy sự chết”?
8 Đức tin sẽ thúc đẩy chúng ta nói thông điệp của Đức Chúa Trời với lòng dạn dĩ. Hãy đọc Hê-bơ-rơ 11:5, 6. Nhân-chứng thời xưa của Đức Giê-hô-va là Hê-nóc đã can đảm báo trước sự phán xét của Đức Chúa Trời trên những kẻ không tin kính (Giu-đe 14, 15). Chắc chắn những kẻ thù của Hê-nóc đã tìm cách giết ông, nhưng Đức Chúa Trời đã “tiếp người lên” để ông khỏi phải chết một cách đau đớn (Sáng-thế Ký 5:24). Tuy nhiên, trước đó ông “đã được chứng rằng mình ở vừa lòng Đức Chúa Trời rồi”. Như vậy là thế nào? “Bởi đức-tin, Hê-nóc được cất lên và không hề thấy sự chết”. Tương tự như vậy, Phao-lô đã được tiếp lên hay “được đem lên đến chốn Ba-ra-đi”, tức là nhận được sự hiện thấy về một địa-đàng thiêng liêng trong tương lai của hội-thánh tín đồ đấng Christ (II Cô-rinh-tô 12:1-4). Vậy Hê-nóc có lẽ đã có sự hiện thấy về một địa-đàng sắp đến trên đất khi Đức Giê-hô-va làm cho ông ngủ trong sự chết, khỏi tay của kẻ thù. Để làm vừa lòng Đức Chúa Trời, chúng ta cũng như Hê-nóc phải nói thông điệp của Đức Chúa Trời với lòng dạn dĩ (Công-vụ các Sứ-đồ 4:29-31). Chúng ta cũng phải tin rằng Đức Chúa Trời hiện hữu và “hay thưởng cho kẻ tìm-kiếm Ngài”.
9. Đường lối của Nô-ê chứng tỏ thế nào rằng làm y theo những chỉ thị của Đức Chúa Trời là một khía cạnh khác của đức tin?
9 Làm y theo những chỉ thị của Đức Chúa Trời là một khía cạnh khác của đức tin. Hãy đọc Hê-bơ-rơ 11:7. Hành động với đức tin, Nô-ê đã làm “y như lời Đức Chúa Trời đã phán dặn” (Sáng-thế Ký 6:22; 7:16). Nô-ê đã “được Chúa mách-bảo cho về những việc chưa thấy” và tin vào lời tuyên bố của Đức Giê-hô-va về một trận lụt toàn cầu sẽ xảy đến. Bằng đức tin và sự thành tâm kính sợ Đức Chúa Trời, Nô-ê đã “đóng một chiếc tàu để cứu nhà mình”. Bởi sự vâng lời và hành động công bình, ông đã định tội thế gian không tin kính về các công việc gian ác của nó và cho thấy rằng thế gian đáng bị hủy diệt (Sáng-thế Ký 6:13-22).
10. Mặc dù Nô-ê đang đóng tàu, ông đã bỏ thì giờ ra để làm công việc nào khác?
10 Nô-ê cũng là một nhân-chứng của Đức Giê-hô-va trong việc ông đã là “thầy giảng đạo công-bình” (II Phi-e-rơ 2:5). Mặc dầu bận rộn trong việc đóng tàu, ông đã bỏ thì giờ ra để đi giảng đạo như các Nhân-chứng Giê-hô-va đang làm ngày nay. Thật thế, Nô-ê đã dạn dĩ rao báo lời cảnh cáo của Đức Chúa Trời với những người trước thời Nước Lụt, nhưng họ “không ngờ chi hết, cho đến khi nước lụt tới mà đùa đem đi hết thảy” (Ma-thi-ơ 24:36-39).
Đức tin giữa các tộc trưởng sau thời Nước Lụt
11. a) Áp-ra-ham đã cho thấy thế nào rằng đức tin bao gồm sự tin tưởng trọn vẹn nơi lời hứa của Đức Giê-hô-va? b) Bởi đức tin, Áp-ra-ham đã chờ đợi một “thành” nào?
11 Đức tin bao gồm sự tin tưởng trọn vẹn nơi lời hứa của Đức Giê-hô-va. Hãy đọc Hê-bơ-rơ 11:8-12. Bởi đức tin Áp-ra-ham (Áp-ram) vâng lời Đức Chúa Trời gọi và rời khỏi thành U-rơ của xứ Canh-đê là một thành có nhiều tiện nghi về vật chất. Ông đã tin nơi lời hứa của Đức Giê-hô-va là “các chi-tộc nơi thế-gian” sẽ nhờ ông mà được phước và con cháu của ông sẽ nhận được đất (Sáng-thế Ký 12:1-9; 15:18-21). Con của Áp-ra-ham là Y-sác và cháu nội của ông, Gia-cốp, là “kẻ đồng kế-tự một lời hứa với người”. Bởi đức tin, Áp-ra-ham “kiều-ngụ trong xứ đã hứa cho mình, như trên đất ngoại-quốc”. Ông đã chờ đợi “một thành có nền vững-chắc, mà Đức Chúa Trời đã xây-cất và sáng-lập”. Đúng vậy, Áp-ra-ham đã chờ đợi nước Đức Chúa Trời mà dưới sự cai trị của nước đó ông sẽ được làm sống lại ở trên đất. Nước Trời có quan trọng như thế trong đời sống của bạn không? (Ma-thi-ơ 6:33).
12. Điều gì đã xảy ra bởi vì Sa-ra đã có đức tin nơi lời hứa của Đức Giê-hô-va?
12 Những người vợ của các tộc trưởng biết kính sợ Đức Chúa Trời cũng đã có đức tin nơi lời hứa của Đức Giê-hô-va. Thí dụ, bởi đức tin, vợ của Áp-ra-ham là Sa-ra, dù không đẻ con cho đến lúc khoảng 90 tuổi và đã quá hạn tuổi sanh sản “còn có sức sanh con-cái được, vì người tin rằng Đấng hứa cho mình điều đó là thành-tín”. Đến thời hạn, Sa-ra đã sanh Y-sác. Như thế, từ một Áp-ra-ham già 100 tuổi, kể như chết về khả năng sinh sản, đã lần hồi “sanh ra muôn-vàn con cháu, đông như sao trên trời” (Sáng-thế Ký 17:15-17; 18:11; 21:1-7).
13, 14. a) Mặc dù Áp-ra-ham, Y-sác và Gia-cốp “chưa nhận-lãnh những điều hứa cho mình”, họ đã hành động thế nào? b) Chúng ta có thể được lợi ích thế nào khi xem sét sự trung kiên của các tộc trưởng đối với Đức Giê-hô-va dù cho chúng ta không thấy sự ứng nghiệm ngay lập tức về các lời hứa của Ngài?
13 Đức tin sẽ giúp chúng ta gìn giữ sự trung thành đối với Đức Giê-hô-va ngay cả nếu chúng ta không thấy ngay lập tức sự ứng nghiệm của các lời hứa Ngài. Hãy đọc Hê-bơ-rơ 11:13-16. Tất cả các tộc trưởng trung thành đã chết không thấy được sự ứng nghiệm hoàn toàn những lời hứa của Đức Chúa Trời đối với họ. Nhưng “họ chỉn trông thấy [điều đã hứa] và chào-mừng những điều đó từ đằng xa, xưng mình là kẻ khách và bộ-hành trên đất”. Đúng vậy, họ sống cuộc đời họ bằng đức tin, vì nhiều thế hệ đã trôi qua trước khi con cháu Áp-ra-ham nhận được Đất Hứa.
14 Sự kiện họ không thấy sự ứng nghiệm của những lời hứa của Đức Chúa Trời trong đời họ đã không làm Áp-ra-ham, Y-sác và Gia-cốp cay đắng hay làm họ trở nên kẻ bội đạo. Họ đã không bỏ Đức Giê-hô-va và trở lại thành U-rơ, đắm mình trong các hoạt động của thế gian. (So sánh Giăng 17:16; II Ti-mô-thê 4:10; Gia-cơ 1:27; I Giăng 2:15-17). Không, những tộc trưởng đó đã “ham-mến” một quê hương tốt hơn U-rơ, “tức là quê-hương ở trên trời”, vì vậy mà Đức Giê-hô-va đã “không hổ-thẹn mà xưng mình là Đức Chúa Trời của họ”. Họ vẫn giữ vẹn đức tin với Đấng Tối cao cho đến chết và họ sắp sửa được sống lại để sống trên đất, phần lãnh thổ của “thành”, tức là Nước Đức Chúa Trời đã sắm sẵn cho họ. Nhưng về phần bạn thì sao? Ngay dù bạn đã «bước đi trong lẽ thật» nhiều năm, phụng sự Đức Giê-hô-va cho đến già, bạn vẫn phải giữ sự tin cậy nơi lời hứa về hệ thống mới của Ngài (III Giăng 4; II Phi-e-rơ 3:11-13). Thật bạn và các tộc trưởng trung thành sẽ nhận được phần thưởng cho đức tin như thế!
15. a) Điều gì đã giúp Áp-ra-ham có thể sẵn sàng dâng con Y-sác để làm của-lễ hy sinh? b) Đức tin chúng ta nên được ảnh hưởng thế nào bởi biến cố liên quan đến Áp-ra-ham và Y-sác? c) Biến cố đó là hình bóng tiên tri cho việc gì?
15 Sự vâng lời Đức Chúa Trời một cách tuyệt đối là một khía cạnh quan trọng của đức tin. Hãy đọc Hê-bơ-rơ 11:17-19. Bởi vì Áp-ra-ham vâng lời Đức Giê-hô-va cách tuyệt đối, ông đã dâng Y-sác, “con một [của] mình”—đứa con duy nhất mà ông đã có với Sa-ra. Làm sao Áp-ra-ham có thể làm được việc này? Bởi vì người “tự nghĩ rằng Đức Chúa Trời cũng có quyền khiến kẻ chết [Y-sác] sống lại”, nếu cần, để làm ứng nghiệm lời hứa về dòng dõi của ông. Trong lúc con dao của Áp-ra-ham sắp kết liễu mạng sống của Y-sác thì tiếng nói của thiên sứ đã ngăn cản ông. Vì thế mà Áp-ra-ham đã “từ trong kẻ chết mà người lại được con mình”. Chúng ta cũng như thế, nên vâng lời Đức Chúa Trời bằng đức tin ngay cả trong trường hợp nếu mạng sống của chúng ta hoặc con cái chúng ta bị đe dọa (I Giăng 5:3). Cũng nên lưu ý rằng Áp-ra-ham và Y-sác là hình bóng tiên tri cho việc Giê-hô-va Đức Chúa Trời sẽ cung cấp con độc sanh của Ngài là Giê-su Christ để làm giá chuộc cho ai thực hành đức tin nơi Con đó sẽ có thể được sống đời đời (Sáng-thế Ký 22:1-19; Giăng 3:16).
16. Về con cái chúng ta và đức tin nơi lời hứa của Đức Chúa Trời, các tộc trưởng đã cho chúng ta gương mẫu nào?
16 Nếu chúng ta có đức tin, chúng ta sẽ giúp cho con cháu mình đặt hy vọng nơi lời hứa của Đức Chúa Trời về tương lai. Hãy đọc Hê-bơ-rơ 11:20-22. Đức tin của các tộc trưởng mạnh đến độ mặc dù lời hứa của Đức Giê-hô-va đối với họ chưa được ứng nghiệm trọn vẹn trong đời họ, họ đã truyền lại cho con cháu như một gia tài quí báu. Vì thế “Y-sác chúc phước cho Gia-cốp và Ê-sau về những sự hầu đến” và Gia-cốp lúc hấp hối đã chúc phước cho con trai của Giô-sép là Ép-ra-im và Ma-na-se. Bởi vì chính Giô-sép có đức tin mạnh về việc dân Y-sơ-ra-ên sẽ rời bỏ xứ Ê-díp-tô để đến đất hứa, ông bắt các anh em mình thề là sẽ đem hài cốt ông theo với họ khi ra đi (Sáng-thế Ký 27:27-29, 38-40; 48:8-22; 50:24-26). Bạn có đang giúp gia đình bạn phát triển đức tin tương tự như thế nơi những lời mà Đức Giê-hô-va đã hứa không?
Đức tin giúp chúng ta đặt Đức Chúa Trời lên hàng đầu
17. Cha mẹ của Môi-se đã có hành động đầy đức tin như thế nào?
17 Đức tin thúc đẩy chúng ta đặt Đức Giê-hô-va và dân tộc Ngài lên trên hết bất cứ những gì mà thế gian này có thể cho ta. Hãy đọc Hê-bơ-rơ 11:23-26. Dân Y-sơ-ra-ên thời xưa làm nô lệ cần được giải thoát khỏi ách của Ê-díp-tô khi cha mẹ của Môi-se hành động với đức tin. «Họ đã không sợ chiếu-mạng của vua» là giết các con trai sơ sinh người Hê-bơ-rơ. Trái lại, họ giấu Môi-se trong vòng 3 tháng, cuối cùng đặt con này trong một cái rương mây để trong đám sậy cạnh bờ sông Ni-lơ. Con gái của Pha-ra-ôn tìm thấy Môi-se và ông được «nuôi làm con nàng». Tuy nhiên trong giai đoạn đầu tiên, Môi-se được nuôi dưỡng và được luyện tập về điều thiêng liêng trong nhà cha mẹ ông là Am-ram và Giô-kê-bết. Rồi thời gian sau, vì là người thuộc gia đình của Pha-ra-ôn, ông đã “được học cả sự khôn-ngoan của người Ê-díp-tô” và trở nên trong “lời nói và việc làm đều có tài-năng”, có khả năng mạnh mẽ về tinh thần lẫn thể xác (Công-vụ các Sứ-đồ 7:20-22; Xuất Ê-díp-tô Ký 2:1-10;6:20).
18. Bởi đức tin, Môi-se đã chọn thế đứng nào trong việc thờ phượng Đức Giê-hô-va?
18 Thế nhưng sự giáo dục của Ê-díp-tô và đồ vật chất rực rỡ của hoàng gia đã không làm cho Môi-se bỏ sự thờ phượng Đức Giê-hô-va và trở thành kẻ bội đạo. Trái lại, “bởi đức-tin, Môi-se lúc đã khôn-lớn, bỏ danh-hiệu mình là con trai của công-chúa Pha-ra-ôn”, đường lối này được chứng tỏ khi Môi-se bảo vệ một người Hê-bơ-rơ (Xuất Ê-díp-tô Ký 2:11, 12). Môi-se chọn “đành cùng dân Đức Chúa Trời (những người Y-sơ-ra-ên thờ phượng Đức Giê-hô-va) chịu hà-hiếp hơn là tạm hưởng sự vui-sướng của tội-lỗi”. Nếu bạn là tôi tớ Đức Giê-hô-va đã chịu phép báp têm và có một sự giáo dục thiêng liêng vững vàng, liệu bạn sẽ noi theo gương của Môi-se và đứng vững trong sự thờ phượng thật không
19. a) Môi-se đặt Đức Giê-hô-va và dân Ngài lên hàng đầu trong đời sống ông như thế nào? b) Môi-se ngửa trông sự ban thưởng nào?
19 Môi-se chọn đi cùng với dân tộc Đức Giê-hô-va bởi vì “người coi sự sỉ-nhục về đấng Christ là quí hơn của châu-báu xứ Ê-díp-tô”. Chắc hẳn Môi-se «coi sự sỉ nhục vì làm đấng Christ (hay Mê-si) thời xưa, tức là đấng xức dầu của Đức Chúa Trời, quí hơn là châu báu của xứ Ê-díp-tô». Là một người thuộc hoàng gia, ông đã có thể hưởng sự giàu sang và danh vọng ở xứ Ê-díp-tô. Nhưng ông đã thực hành đức tin và “ngửa trông sự ban-thưởng”—sự sống đời đời sau khi sống lại trên đất trong hệ thống mới do Đức Chúa Trời đã hứa.
20. Có gì trong kinh nghiệm của Môi-se cho thấy rằng đức tin làm chúng ta đầy can đảm với tư cách là tôi tớ của Đức Giê-hô-va?
20 Đức tin làm chúng ta không sợ hãi vì chúng ta tin cậy Đức Giê-hô-va sẽ giải cứu. Hãy đọc Hê-bơ-rơ 11:27-29. Sau khi biết được Môi-se đã giết một người Ê-díp-tô, Pha-ra-ôn bèn truy nã để giết ông “nhưng người trốn đi khỏi mặt Pha-ra-ôn, dừng chơn tại xứ Ma-đi-an” (Xuất Ê-díp-tô Ký 2:11-15). Vì thế mà Phao-lô dường như ám chỉ về việc người Hê-bơ-rơ sau này ra khỏi xứ Ê-díp-tô khi ông nói: “Bởi đức-tin, người [Môi-se] lìa khỏi xứ Ê-díp-tô không sợ vua giận [vua muốn giết ông vì đại diện cho Đức Chúa Trời vì cớ dân Y-sơ-ra-ên]; vì người đứng vững như thấy Đấng không thấy được” (Xuất Ê-díp-tô Ký 10:28, 29). Mặc dù Môi-se đã không bao giờ thật sự thấy Đức Chúa Trời, nhưng cách đối xử của Đức Giê-hô-va đối với ông đã thật sự đến độ ông hành động như đã thấy được «Đấng vô hình» (Xuất Ê-díp-tô Ký 33:20). Sự liên lạc của bạn với Đức Giê-hô-va có mạnh đến độ đó không? (Thi-thiên 37:5; Châm-ngôn 16:3).
21. Nói về sự ra đi của dân Y-sơ-ra-ên khỏi xứ Ê-díp-tô, điều gì đã xảy ra “bởi đức-tin”?
21 Ngay trước khi dân Y-sơ-ra-ên rời bỏ xứ Ê-díp-tô, “bởi đức-tin, người [Môi-se] giữ lễ Vượt-qua và làm phép rưới huyết, hầu cho đấng hủy-diệt chẳng hề hại đến con đầu lòng dân Y-sơ-ra-ên”. Đúng vậy, cần đức tin để giữ lễ Vượt qua với sự tin chắc là các con trai đầu lòng của dân Y-sơ-ra-ên được cứu trong khi các con của người Ê-díp-tô sẽ bị chết và đức tin đó đã được ban thưởng (Xuất Ê-díp-tô Ký 12:1-39). Cũng vậy, “bởi đức-tin, dân Y-sơ-ra-ên vượt qua Biển-đỏ như đi trên đất khô, còn người Ê-díp-tô thử đi qua, bị nuốt mất tại đó”. Quả thật, Đức Chúa Trời đã chứng tỏ là Đấng giải cứu tuyệt diệu! Và nhờ có sự giải cứu đó mà dân Y-sơ-ra-ên “kính-sợ Ngài, tin Ngài và Môi-se, là tôi-tớ Ngài” (Xuất Ê-díp-tô Ký 14:21-31).
22. Chúng ta sẽ xem xét những câu hỏi nào liên quan đến đức tin?
22 Đức tin của Môi-se và các tộc trưởng quả là một gương sáng cho các Nhân-chứng Giê-hô-va thời nay. Nhưng điều gì xảy ra khi Đức Chúa Trời đối xử với con cháu Áp-ra-ham như một nước được tổ chức theo thần quyền? Chúng ta có thể học được điều gì qua những hành động đầy đức tin trong thời xưa?
Bạn sẽ trả lời thế nào?
◻ Đức tin là gì?
◻ Gương của Hê-nóc dạy chúng ta điều gì về đức tin?
◻ Những tộc trưởng cho thấy thế nào rằng đức tin gồm sự tin cậy hoàn toàn nơi lời hứa của Đức Giê-hô-va?
◻ Hành động nào của Áp-ra-ham chỉ rằng sự vâng lời Đức Chúa Trời cách tuyệt đối là một khía cạnh thiết thực của đức tin?
◻ Hành động nào của Môi-se cho thấy rằng đức tin có nghĩa là đặt Đức Giê-hô-va và dân tộc Ngài lên trên hết những gì mà thế gian này có thể cho ta?