Hãy quyết tâm “tiếp tục yêu thương nhau như anh em”!
“Hãy tiếp tục yêu thương nhau như anh em”.—HÊ 13:1.
1, 2. Tại sao Phao-lô viết thư cho các tín đồ người Hê-bơ-rơ?
Đó là năm 61 CN. Các hội thánh đạo Đấng Ki-tô ở khắp nước Y-sơ-ra-ên đang được hưởng một giai đoạn hòa bình tương đối. Dù sứ đồ Phao-lô đang bị tù ở Rô-ma nhưng ông hy vọng mình sẽ sớm được tự do. Bạn đồng hành của ông là Ti-mô-thê vừa mới được thả ra và hai người đang có kế hoạch đến thăm các anh em đồng đạo ở xứ Giu-đa (Hê 13:23). Nhưng 5 năm sau, thành Giê-ru-sa-lem sẽ bị “quân lính bao vây”, đúng như lời Chúa Giê-su đã tiên tri. Các tín đồ ở xứ Giu-đa, đặc biệt là những tín đồ sống ở thành Giê-ru-sa-lem, sẽ phải hành động một cách dứt khoát. Chúa Giê-su đã cảnh báo rằng họ cần chạy trốn ngay khi thấy những sự kiện này bắt đầu diễn ra.—Lu 21:20-24.
2 Trong 28 năm kể từ khi Chúa Giê-su nói lời tiên tri đó, các tín đồ người Do Thái trung thành sống ở Y-sơ-ra-ên đã thành công trong việc đương đầu với nhiều sự chống đối và bắt bớ (Hê 10:32-34). Dù vậy, Phao-lô biết rằng họ sắp đối mặt với một trong những thử thách lớn nhất về đức tin (Mat 24:20, 21; Hê 12:4). Ông muốn họ sẵn sàng cho bất cứ điều gì có thể xảy đến. Họ sẽ cần phải có lòng kiên trì và đức tin nổi bật, một đức tin đủ mạnh để gìn giữ được sự sống cho họ. (Đọc Hê-bơ-rơ 10:36-39). Vì thế, Phao-lô đã được thần khí của Đức Giê-hô-va thôi thúc để viết cho các anh em đồng đạo yêu dấu ấy một lá thư với mục tiêu đáp ứng những nhu cầu đặc biệt của họ. Lá thư đó ngày nay được biết đến là sách Hê-bơ-rơ.
3. Tại sao chúng ta nên quan tâm đến sách Hê-bơ-rơ?
3 Tất cả chúng ta nên quan tâm đến những gì Phao-lô viết cho những tín đồ người Hê-bơ-rơ sống vào thế kỷ thứ nhất ấy. Tại sao? Bởi vì chúng ta đang ở trong hoàn cảnh tương tự. Trong “thời kỳ đặc biệt và rất khó đương đầu” này, dân của Đức Giê-hô-va đã đối mặt với mọi hình thức chống đối và ngược đãi (2 Ti 3:1, 12). Là những người thờ phượng Đức Chúa Trời, chúng ta đã chứng tỏ một cách rõ ràng rằng đức tin và lòng sùng kính của mình là mạnh mẽ. Dù vậy, nhiều người trong chúng ta đang sống trong một giai đoạn hòa bình tương đối, không chịu sự bắt bớ trực diện. Tuy nhiên, giống như các tín đồ vào thời của Phao-lô, mỗi chúng ta chớ nên quên sự thật trọng yếu này: Không lâu nữa, chúng ta sẽ đối mặt với thử thách lớn nhất về đức tin!—Đọc Lu-ca 21:34-36.
4. Câu Kinh Thánh của năm 2016 là gì, và tại sao câu ấy là thích hợp?
4 Điều gì sẽ giúp chúng ta chuẩn bị cho những sự kiện sắp diễn ra? Trong sách Hê-bơ-rơ, Phao-lô cho biết về nhiều điều sẽ giúp chúng ta củng cố đức tin. Một điều thiết yếu được nêu bật ở câu đầu tiên trong chương cuối của lá thư này. Câu ấy đã được chọn làm câu Kinh Thánh của năm 2016. Câu Kinh Thánh này khuyến giục chúng ta: “Hãy tiếp tục yêu thương nhau như anh em”.—Hê 13:1.
Câu Kinh Thánh của năm 2016: “Hãy tiếp tục yêu thương nhau như anh em”.—Hê-bơ-rơ 13:1
YÊU THƯƠNG NHAU NHƯ ANH EM CÓ NGHĨA GÌ?
5. Yêu thương nhau như anh em có nghĩa gì?
5 Yêu thương nhau như anh em có nghĩa gì? Từ trong nguyên ngữ tiếng Hy Lạp mà Phao-lô dùng là phi·la·del·phiʹa có nghĩa đen là “yêu mến một anh em”. Yêu thương nhau như anh em là sự yêu mến bao hàm tình cảm gắn bó nồng ấm và khăng khít, giống như tình cảm đối với một thành viên trong gia đình hoặc một người bạn thân (Giăng 11:36). Chúng ta không giả bộ là anh chị em mà chúng ta chính là anh chị em (Mat 23:8). Cảm xúc gắn bó của chúng ta với nhau được tóm gọn rất hay trong những lời sau: “Hãy tha thiết yêu thương nhau như anh em ruột; chủ động bày tỏ lòng tôn trọng lẫn nhau” (Rô 12:10). Tình yêu thương này, cùng với tình yêu thương dựa trên nguyên tắc là a·gaʹpe, thúc đẩy mối quan hệ mật thiết trong vòng dân của Đức Chúa Trời.
6. Các tín đồ thật hiểu việc yêu thương nhau như anh em có nghĩa gì?
6 Theo một học giả, “‘yêu thương nhau như anh em’ là một cụm từ tương đối hiếm được dùng vào thời đó, ngoài các ấn phẩm của tín đồ đạo Đấng Ki-tô”. Trong Do Thái giáo, từ “anh em” thường nói về người thân và đôi khi nói về người không thuộc gia đình. Nhưng nghĩa của từ này vẫn giới hạn trong vòng nước Do Thái và không bao gồm dân ngoại. Tuy nhiên, đạo Đấng Ki-tô bao gồm tất cả những người tin đạo, bất kể quốc tịch của họ là gì (Rô 10:12). Là anh em đồng đạo, chúng ta đã được Đức Giê-hô-va dạy yêu mến lẫn nhau và có tình huynh đệ (1 Tê 4:9). Nhưng tại sao điều trọng yếu là chúng ta tiếp tục thể hiện tình yêu thương anh em?
TẠI SAO VIỆC TIẾP TỤC THỂ HIỆN TÌNH YÊU THƯƠNG ANH EM LÀ ĐIỀU RẤT QUAN TRỌNG?
7. (a) Đâu là lý do quan trọng nhất để chúng ta thể hiện tình yêu thương anh em? (b) Nêu một lý do khác cho thấy tại sao việc củng cố lòng yêu mến với nhau là điều quan trọng.
7 Câu trả lời đơn giản là vì Đức Giê-hô-va đòi hỏi chúng ta phải thể hiện tình yêu thương anh em với nhau. Chúng ta không thể cho rằng mình yêu thương Đức Chúa Trời trong khi lại không yêu thương anh em đồng đạo (1 Giăng 4:7, 20, 21). Bên cạnh đó, chúng ta cần có nhau. Điều này đặc biệt đúng trong những lúc khó khăn. Phao-lô biết rằng trong số những tín đồ người Hê-bơ-rơ mà ông viết thư, có một số người sẽ sớm phải bỏ lại nhà cửa và tài sản. Chúa Giê-su đã cho thấy thời điểm đó sẽ khó khăn như thế nào (Mác 13:14-18; Lu 21:21-23). Thế nên, hơn bao giờ hết, các tín đồ ấy cần củng cố lòng yêu mến với nhau.—Rô 12:9.
8. Chúng ta cần làm gì ngay bây giờ trước khi hoạn nạn lớn bắt đầu?
8 Không lâu nữa, những ngọn gió hủy diệt của cơn hoạn nạn lớn nhất từ trước đến nay sẽ được thả ra (Mác 13:19; Khải 7:1-3). Khi đó, chúng ta nên làm theo lời khuyên được soi dẫn này: “Hỡi dân ta, hãy đến vào buồng và đóng cửa lại. Hãy ẩn mình một lát, cho đến chừng nào cơn giận đã qua” (Ê-sai 26:20). Những “buồng” này có thể liên quan đến các hội thánh của chúng ta. Đó là nơi chúng ta, những anh chị em của nhau, cùng đến để thờ phượng Đức Giê-hô-va. Nhưng không phải chúng ta đều đặn nhóm lại với nhau là đủ. Phao-lô nhắc các tín đồ người Hê-bơ-rơ rằng họ cần dùng những dịp như thế để khuyến giục nhau “bày tỏ tình yêu thương và làm việc lành” (Hê 10:24, 25). Chúng ta cần vun đắp tình yêu thương anh em ngay bây giờ vì tình yêu thương ấy sẽ giúp chúng ta chịu đựng bất cứ khó khăn và thử thách nào mà mình có thể gặp trong tương lai.
9. (a) Ngày nay, chúng ta có những cơ hội nào để thể hiện tình yêu thương anh em? (b) Nêu những ví dụ về cách dân của Đức Giê-hô-va cho thấy họ yêu thương nhau như anh em. (Cũng xem chú thích).
9 Ngay cả bây giờ, trước khi hoạn nạn lớn xảy ra, việc chúng ta yêu thương nhau như anh em là điều rất cần thiết. Nhiều anh em của chúng ta bị ảnh hưởng bởi những trận động đất, lũ lụt, bão lớn, sóng thần hoặc các thảm họa thiên nhiên khác. Một số anh em đang chịu khổ vì bị chống đối và ngược đãi (Mat 24:6-9). Bên cạnh những điều trên, hàng ngày chúng ta còn trải qua những khó khăn về kinh tế do sống trong thế gian bại hoại này (Khải 6:5, 6). Khi những vấn đề ấy càng nhiều hơn, chúng ta có thêm cơ hội để cho thấy tình huynh đệ và lòng yêu mến của mình sâu đậm đến mức nào. Dù cho “lòng yêu thương của đa số người ta sẽ nguội lạnh”, hãy chứng tỏ rằng chúng ta sẽ tiếp tục yêu thương nhau như anh em.—Mat 24:12.[1]
LÀM THẾ NÀO CHÚNG TA CÓ THỂ TIẾP TỤC YÊU THƯƠNG NHAU NHƯ ANH EM?
10. Chúng ta sẽ xem xét điều gì?
10 Làm thế nào để có thể đảm bảo rằng chúng ta tiếp tục yêu thương nhau như anh em bất chấp những vấn đề mình gặp phải? Bằng cách nào chúng ta có thể chứng tỏ mình có lòng yêu mến như thế với anh em đồng đạo? Sau khi nói “hãy tiếp tục yêu thương nhau như anh em”, sứ đồ Phao-lô nêu ra một số cách để các tín đồ có thể làm điều này. Hãy xem xét sáu cách.
11, 12. Thể hiện lòng hiếu khách có nghĩa gì? (Xem hình nơi đầu bài).
11 “Đừng quên thể hiện lòng hiếu khách”. (Đọc Hê-bơ-rơ 13:2). Cụm từ trong nguyên ngữ được dịch là “lòng hiếu khách” có nghĩa là “tử tế với người lạ”. Có lẽ cụm từ này nhắc chúng ta về gương của Áp-ra-ham và Lót. Cả hai người đều biểu lộ lòng tử tế đối với những vị khách mà họ không quen biết. Những vị khách này chính là các thiên sứ (Sáng 18:2-5; 19:1-3). Phao-lô có ý nói đến những ví dụ ấy để khuyến khích các tín đồ người Hê-bơ-rơ cho thấy họ yêu thương nhau như anh em qua việc thể hiện lòng hiếu khách.
12 Chúng ta có thể hiện lòng hiếu khách bằng cách mời người khác đến nhà để dùng bữa hoặc để kết hợp và khích lệ nhau không? Chúng ta không cần phải có những sắp đặt cầu kỳ hoặc tốn kém để được xem là có lòng hiếu khách. Chúng ta cũng không muốn chỉ mời những người có thể sẽ đền đáp mình theo cách nào đó (Lu 10:42; 14:12-14). Mục tiêu của chúng ta là khích lệ chứ không phải để gây ấn tượng! Dù có thể không quen thân với giám thị vòng quanh và vợ anh, chúng ta có nhiệt tình biểu lộ lòng hiếu khách với họ không? (3 Giăng 5-8). Với thời biểu bận rộn cũng như những căng thẳng của đời sống hằng ngày, việc chúng ta “đừng quên thể hiện lòng hiếu khách” thật quan trọng biết bao!
13, 14. Chúng ta có thể “luôn nhớ những anh em trong vòng xiềng xích” bằng cách nào?
13 “Hãy luôn nhớ những anh em trong vòng xiềng xích”. (Đọc Hê-bơ-rơ 13:3). Phao-lô không phải đang nói đến các loại tù nhân nói chung mà đang nói về những anh em bị tù vì đức tin. Vào thời điểm viết những lời ấy cho các tín đồ người Hê-bơ-rơ, chính Phao-lô đã bị xiềng xích khoảng bốn năm (Phi-líp 1:12-14). Ông khen những anh em ấy vì “đã tỏ lòng thương cảm với những anh em đang chịu cảnh lao tù” (Hê 10:34). Không giống như những người đã trực tiếp hỗ trợ Phao-lô khi ông ở trong tù, các tín đồ người Hê-bơ-rơ ấy ở cách xa Phao-lô. Thế thì, bằng cách nào họ có thể luôn nhớ đến ông? Họ có thể làm thế qua việc tha thiết cầu nguyện cho ông.—Hê 13:18, 19.
14 Ngày nay, có lẽ chúng ta cũng ở cách xa những anh em đang bị bắt giam. Có thể chúng ta không giúp được cho họ một cách thực tế như những Nhân Chứng sống gần nhà tù. Nhưng chúng ta có thể biểu lộ lòng thương cảm và tình huynh đệ qua việc luôn nhớ đến những anh em trung thành ấy, nhắc đến họ trong lời cầu nguyện của mình và cầu khẩn với Đức Giê-hô-va cho họ. Chẳng hạn, nhiều anh chị em, đôi khi có cả các em nhỏ, đang bị tù ở Eritrea. Trong đó, anh Paulos Eyassu, anh Isaac Mogos và anh Negede Teklemariam đã ngồi tù ở đó hơn 20 năm. Chúng ta có luôn nhớ đến những anh em đồng đạo ấy không?
15. Chúng ta có thể tôn trọng hôn nhân của mình như thế nào?
15 “Mọi người phải tôn trọng hôn nhân”. (Đọc Hê-bơ-rơ 13:4). Chúng ta cũng có thể chứng tỏ tình yêu thương anh em qua việc giữ trong sạch về đạo đức (1 Ti 5:1, 2). Nếu ai đó “làm điều gì có hại và xâm phạm đến quyền” của một anh hoặc một chị qua việc phạm tội vô luân với người ấy hoặc với thành viên trong gia đình của người ấy, hành động này sẽ phá vỡ lòng tin cậy, là nền tảng của tình yêu thương anh em (1 Tê 4:3-8). Bên cạnh đó, hãy hình dung một người vợ sẽ cảm thấy thế nào nếu chị phát hiện ra chồng đã phản bội chị qua việc xem tài liệu khiêu dâm. Liệu hạnh kiểm như thế có cho thấy tình yêu thương của người chồng dành cho người vợ cũng như cho thấy sự tôn trọng đối với sắp đặt về hôn nhân không?—Mat 5:28.
16. Sự thỏa lòng giúp chúng ta ra sao trong việc thể hiện tình yêu thương anh em?
16 “Thỏa lòng với những gì mình hiện có”. (Đọc Hê-bơ-rơ 13:5). Sự thỏa lòng thật dựa trên lòng tin cậy của chúng ta nơi Đức Giê-hô-va. Sự thỏa lòng giúp chúng ta có quan điểm thăng bằng về của cải vật chất, đồng thời giúp chúng ta nhận ra rằng mối quan hệ của mình với Đức Giê-hô-va và các anh em đồng đạo là quan trọng hơn rất nhiều so với bất cứ điều gì mà tiền bạc có thể mang lại (1 Ti 6:6-8). Một người thỏa lòng thì không phàn nàn, cằn nhằn hoặc bắt lỗi. Người ấy cũng không chiều theo cảm xúc ghen tị và tham lam, là những cảm xúc có thể kìm hãm sự phát triển của tình yêu thương anh em. Ngược lại, sự thỏa lòng giúp phát huy tinh thần rộng rãi.—1 Ti 6:17-19.
17. Làm thế nào việc “có sự can đảm” giúp chúng ta thể hiện tình yêu thương anh em?
17 “Có sự can đảm”. (Đọc Hê-bơ-rơ 13:6). Lòng tin cậy nơi Đức Giê-hô-va cho chúng ta sự can đảm bất chấp những thử thách mà chúng ta có thể phải đối mặt. Sự can đảm này giúp chúng ta có thái độ tích cực. Tình yêu thương anh em, cùng với thái độ tích cực như thế, sẽ giúp chúng ta có thể an ủi và làm vững mạnh các anh em đồng đạo của mình (1 Tê 5:14, 15). Ngay cả khi thế gian đối mặt với thời khắc đen tối nhất của nó trong hoạn nạn lớn, chúng ta có thể “đứng thẳng và ngước đầu lên” vì biết rằng mình sắp được giải cứu.—Lu 21:25-28.
18. Bằng cách nào chúng ta có thể củng cố tình yêu thương anh em đối với các trưởng lão?
18 “Hãy nhớ những người dẫn đầu”. (Đọc Hê-bơ-rơ 13:7, 17). Các trưởng lão làm việc siêng năng vì chúng ta và họ không nhận lợi ích về tiền bạc. Khi chúng ta nghĩ về những công khó của các trưởng lão thì tình yêu thương anh em và lòng biết ơn của chúng ta đối với họ sẽ gia tăng. Chúng ta không bao giờ muốn họ mất đi niềm vui hoặc chán nản vì điều nào đó mà chúng ta làm. Thay vì thế, qua việc vâng lời và phục tùng, chúng ta “hết mực yêu thương quý trọng họ vì công việc của họ”.—1 Tê 5:13.
HÃY TIẾP TỤC LÀM NHIỀU HƠN THẾ NỮA
19, 20. Bằng cách nào chúng ta có thể tiếp tục thể hiện tình yêu thương anh em nhiều hơn?
19 Rõ ràng, dân của Đức Giê-hô-va được biết đến là những người có tình yêu thương anh em. Phao-lô đã công nhận điều đó vào thời của ông nhưng ông vẫn khích lệ tất cả các tín đồ “hãy tiếp tục làm nhiều hơn thế nữa” (1 Tê 4:9, 10). Thật vậy, chúng ta luôn có thể làm tốt hơn!
20 Khi xem câu Kinh Thánh của năm trong suốt năm nay, chúng ta đồng thời hãy suy ngẫm về những câu hỏi sau: “Mình có thể biểu lộ lòng hiếu khách nhiều hơn không? Mình có thể nhớ đến các anh em trong tù như thế nào? Mình có thể hiện sự tôn trọng đối với sắp đặt của Đức Chúa Trời về hôn nhân không? Điều gì sẽ giúp mình có sự thỏa lòng thật? Bằng cách nào mình có thể gia tăng lòng tin cậy nơi Đức Giê-hô-va? Làm thế nào mình có thể hợp tác nhiều hơn với những người dẫn đầu?”. Nếu chúng ta nỗ lực trong sáu khía cạnh này thì khi đó câu Kinh Thánh của năm sẽ không chỉ là một bảng hiệu trên tường của Phòng Nước Trời. Câu Kinh Thánh ấy sẽ nhắc chúng ta để ý đến lời khuyến giục: “Hãy tiếp tục yêu thương nhau như anh em”.—Hê 13:1.
^ [1] (đoạn 9) Để biết những ví dụ về cách Nhân Chứng Giê-hô-va cho thấy họ yêu thương nhau như anh em trong những lúc gặp thảm họa, xem Tháp Canh ngày 15-7-2002, trg 8, 9 và sách Nước Đức Chúa Trời đang cai trị!, trg 218, 219.