“Lấy lòng ngay-thẳng giảng-dạy lời của lẽ thật”
LỜI Đức Chúa Trời là một nguồn chứa đựng nhiều nguyên tắc thiết yếu cho sự thành công trong đời sống. Lời ngài có thể giúp cho một người truyền giáo dạy dỗ, khiển trách và sửa trị (II Ti-mô-thê 3:16, 17). Tuy nhiên, hầu được lợi ích tối đa qua sự chỉ dẫn mà Đức Chúa Trời cung cấp, chúng ta phải nghe theo lời khuyên của Phao-lô cho Ti-mô-thê: “Hãy chuyên tâm cho được đẹp lòng Đức Chúa Trời như người làm công không chỗ trách được, lấy lòng ngay-thẳng giảng-dạy lời của lẽ thật” (II Ti-mô-thê 2:15).
Lời Đức Chúa Trời được ví như sữa có chất dinh dưỡng, đồ ăn đặc, nước tươi mát và rửa sạch, cái gương, cây gươm bén và những thứ khác. Hiểu được những từ này có ngụ ý gì sẽ giúp cho một người truyền giáo dùng Kinh-thánh một cách khéo léo.
Phân phát sữa của Lời Đức Chúa Trời
Sữa là đồ ăn mà trẻ sơ sinh cần đến. Khi đứa bé lớn lên, thì đồ ăn đặc dần dần được thêm vào đồ ăn hằng ngày của bé, nhưng thoạt đầu đứa bé chỉ có thể tiêu hóa sữa mà thôi. Trên nhiều phương diện, những người không biết nhiều về Lời Đức Chúa Trời thì cũng giống như con trẻ. Dù một người mới bắt đầu chú ý vào Lời Đức Chúa Trời hoặc đã quen thuộc với Kinh-thánh một thời gian, nhưng nếu chỉ biết sơ sài về những gì Kinh-thánh nói, thì người đó còn ấu trĩ về thiêng liêng và cần chất dinh dưỡng dễ tiêu hóa—“sữa” thiêng liêng. Người đó chưa tiêu hóa được “đồ-ăn đặc”, những điều sâu nhiệm của Lời Đức Chúa Trời (Hê-bơ-rơ 5:12).
Đây là tình trạng trong hội thánh mới được thành lập tại Cô-rinh-tô khi Phao-lô viết thư cho họ: “Tôi lấy sữa nuôi anh em, chớ chẳng lấy đồ-ăn cứng, vì anh em không chịu nổi” (I Cô-rinh-tô 3:2). Người Cô-rinh-tô trước hết cần phải học “những điều sơ-học của lời Đức Chúa Trời” (Hê-bơ-rơ 5:12). Ở giai đoạn tiến triển của họ, họ không thể nào hấp thụ “sự sâu-nhiệm của Đức Chúa Trời” (I Cô-rinh-tô 2:10).
Giống như Phao-lô, ngày nay những người truyền giáo đạo đấng Christ biểu lộ sự quan tâm cho những người ấu trĩ về thiêng liêng bằng cách cho họ “sữa”, tức là giúp họ có nền tảng vững chắc trong những giáo điều căn bản của đạo đấng Christ. Họ khuyến khích những người mới hoặc chưa thành thục ấy “ham-thích sữa thiêng-liêng của Đạo” (I Phi-e-rơ 2:2). Sứ đồ Phao-lô cho thấy rằng ông nhận thức là những người mới cần sự lưu tâm đặc biệt khi ông viết: “Kẻ nào chỉ ăn sữa thôi, thì không hiểu đạo công-bình; vì còn là thơ-ấu” (Hê-bơ-rơ 5:13). Những người truyền giáo của Đức Chúa Trời cần phải kiên nhẫn, ân cần, thấu cảm và mềm mại khi họ chia sẻ sữa tinh khiết của Lời với những người mới và những người thiếu kinh nghiệm qua việc học hỏi tại nhà và trong hội thánh.
Sử dụng đồ ăn đặc của Lời Đức Chúa Trời
Hầu có thể đạt được sự cứu rỗi, một tín đồ đấng Christ cần những thứ khác ngoài “sữa” ra. Một khi đã hiểu rõ ràng và chấp nhận những lẽ thật căn bản của Kinh-thánh, người đó phải sẵn sàng tiếp nhận ‘đồ-ăn đặc cho kẻ thành-nhơn’ (Hê-bơ-rơ 5:14). Người đó có thể làm điều này như thế nào? Chủ yếu là bằng cách có thói quen đều đặn học hỏi cá nhân và kết hợp tại buổi họp của tín đồ đấng Christ. Thói quen tốt ấy sẽ giúp một tín đồ trở nên vững mạnh, thành thục về thiêng liêng và hữu hiệu trong thánh chức rao giảng (II Phi-e-rơ 1:8). Chúng ta chớ quên là ngoài sự hiểu biết ra, làm theo ý muốn của Đức Giê-hô-va cũng được xem là đồ ăn thiêng liêng (Giăng 4:34).
Ngày nay, “đầy-tớ trung-tín và khôn-ngoan” được bổ nhiệm để cung cấp đồ ăn đúng giờ cho tôi tớ Đức Chúa Trời và giúp họ hiểu biết “sự khôn-sáng mọi đường của Đức Chúa Trời”. Đức Giê-hô-va dùng thánh linh để tiết lộ những lẽ thật sâu nhiệm của Kinh-thánh qua đầy tớ trung tín này, và họ đã trung thành sản xuất “đồ-ăn” thiêng liêng “đúng giờ” (Ma-thi-ơ 24:45-47; Ê-phê-sô 3:10, 11; so sánh Khải-huyền 1:1, 2). Mỗi cá nhân tín đồ đấng Christ có trách nhiệm phải tận dụng những ấn phẩm mà họ cung cấp (Khải-huyền 1:3).
Dĩ nhiên, một số điều trong Kinh-thánh là “khó hiểu”, ngay cả đối với những tín đồ thành thục của đấng Christ (II Phi-e-rơ 3:16). Có những câu nói, lời tiên tri và ví dụ khó hiểu khiến chúng ta cần phải học hỏi và suy gẫm nhiều. Do đó, sự học hỏi cá nhân bao gồm việc đào sâu vào Lời Đức Chúa Trời (Châm-ngôn 1:5, 6; 2:1-5). Các trưởng lão đặc biệt có trách nhiệm về phương diện này khi họ dạy dỗ hội thánh. Dù điều khiển Buổi học Cuốn sách Hội thánh hoặc Buổi học Tháp Canh, nói bài diễn văn công cộng hoặc dạy dỗ dưới bất cứ hình thức nào khác, các trưởng lão vẫn phải hoàn toàn quen thuộc với tài liệu mình dùng và sẵn sàng chú tâm đến “nghệ thuật dạy dỗ” của mình khi họ truyền đạt đồ ăn đặc thiêng liêng cho hội thánh (II Ti-mô-thê 4:2, NW).
Nước làm tươi mát và rửa sạch
Giê-su bảo người đàn bà Sa-ma-ri bên giếng nước là ngài sẽ ban cho bà nước uống mà sẽ trở nên trong bà “một mạch nước... văng ra cho đến sự sống đời đời” (Giăng 4:13, 14; 17:3). Nước ban sự sống này bao hàm mọi sự sắp đặt của Đức Chúa Trời để đạt được sự sống qua Chiên Con của ngài, và những sự sắp đặt này được giải thích trong Kinh-thánh. Là những người khao khát “nước” đó, chúng ta nhận lời mời của thánh linh và vợ mới cưới của đấng Christ để “lấy nước sự sống cách nhưng-không” (Khải-huyền 22:17). Những ai uống nước này có thể có được sự sống đời đời.
Hơn nữa, Kinh-thánh đặt ra tiêu chuẩn về đạo đức và thiêng liêng cho tín đồ thật của đấng Christ. Khi áp dụng các tiêu chuẩn mà Đức Chúa Trời đặt ra, chúng ta được Lời Đức Giê-hô-va rửa sạch, “rửa sạch” khỏi mọi thực hành mà Giê-hô-va Đức Chúa Trời ghét (I Cô-rinh-tô 6:9-11). Vì lý do này, lẽ thật trong Lời ngài soi dẫn được gọi là “nước rửa” (Ê-phê-sô 5:26). Nếu chúng ta không để cho lẽ thật của Đức Chúa Trời rửa sạch chúng ta theo cách này, thì sự thờ phượng của chúng ta sẽ không được ngài chấp nhận.
Điều đáng chú ý là những trưởng lão ‘lấy lòng ngay-thẳng giảng-dạy lời của lẽ thật’ thì cũng được ví như nước. Ê-sai nói rằng họ “như suối nước trong nơi đất khô” (Ê-sai 32:1, 2). Các trưởng lão đầy yêu thương thực hiện lời miêu tả này khi họ đi thăm anh em với tư cách là người chăn chiên thiêng liêng, dùng Lời tươi mát của Đức Chúa Trời để truyền đạt tài liệu xây dựng, khích lệ và thiêng liêng hầu làm vững mạnh và củng cố anh em. (So sánh Ma-thi-ơ 11:28, 29).a
Những người trong hội thánh mong đợi các trưởng lão đến thăm. Chị Bonnie nói: “Tôi biết các trưởng lão là một nguồn ân ủi thể nào, và tôi rất vui mừng là Đức Giê-hô-va ban cho sự sắp đặt này”. Chị Lynda, phải một mình nuôi con, viết: “Trưởng lão giúp tôi đối phó với vấn đề bằng cách cho lời khích lệ dựa trên Kinh-thánh. Họ lắng nghe và bày tỏ lòng trắc ẩn”. Anh Michael nói: “Họ làm cho tôi cảm thấy thuộc một tổ chức đầy quan tâm”. Một người khác nói: “Trưởng lão đến thăm giúp tôi vượt qua những giai đoạn buồn nản trầm trọng”. Khi cuộc viếng thăm của trưởng lão nâng cao về mặt thiêng liêng thì giống như một ly nước mát làm khoan khoái. Những người giống như chiên thấy an ủi khi các trưởng lão đầy yêu thương giúp họ hiểu những nguyên tắc Kinh-thánh áp dụng trong tình cảnh của họ như thế nào (Rô-ma 1:11, 12; Gia-cơ 5:14).
Dùng Lời Đức Chúa Trời như là cái gương
Khi một người ăn đồ ăn đặc, mục đích không phải là chỉ để hưởng mùi vị. Đúng hơn, người đó muốn có được chất dinh dưỡng để giúp mình hoạt động. Nếu còn bé, thì đứa bé muốn đồ ăn đó giúp mình lớn lên để trở thành người lớn. Đồ ăn thiêng liêng cũng giống như vậy. Việc học hỏi cá nhân có thể đem lại nhiều thích thú, nhưng đó không phải là lý do duy nhất. Đồ ăn thiêng liêng phải thay đổi chúng ta. Đồ ăn ấy giúp ta nhận biết và sinh ra bông trái thánh linh và giúp ta mặc lấy “người mới là người đang đổi ra mới theo hình-tượng Đấng dựng nên người ấy” (Cô-lô-se 3:10; Ga-la-ti 5:22-24). Đồ ăn thiêng liêng cũng giúp cho ta trở nên thành thục, biết cách áp dụng những nguyên tắc Kinh-thánh tốt hơn khi đối phó với vấn đề và khi giúp người khác đối phó với vấn đề của họ.
Làm sao chúng ta có thể biết là Kinh-thánh đang có ảnh hưởng đó trên chúng ta? Chúng ta dùng Kinh-thánh như là cái gương. Gia-cơ nói: “Hãy làm theo lời, chớ lấy nghe làm đủ... Nếu có kẻ nghe lời mà không làm theo, thì khác nào người kia soi mặt mình trong gương, thấy rồi thì đi, liền quên mặt ra thể nào. Nhưng kẻ nào xét kĩ luật-pháp trọn-vẹn, là luật-pháp về sự tự-do, lại bền lòng suy-gẫm lấy, chẳng phải nghe rồi quên đi, nhưng hết lòng giữ theo phép-tắc nó, thì kẻ đó sẽ tìm được phước trong sự mình vâng lời” (Gia-cơ 1:22-25).
Chúng ta ‘xét kĩ’ Lời Đức Chúa Trời khi tra cứu lời đó kỹ càng và so sánh nhân cách hiện tại của chúng ta với nhân cách mà chúng ta phải có dựa theo tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời. Khi làm thế, chúng ta sẽ trở nên người “làm theo lời, chớ lấy nghe làm đủ”. Kinh-thánh sẽ có ảnh hưởng tốt trên chúng ta.
Lời Đức Chúa Trời như là cây gươm
Cuối cùng, sứ đồ Phao-lô giúp chúng ta biết cách dùng Lời Đức Chúa Trời như là cây gươm. Khi cảnh cáo chúng ta về việc chống chọi cùng “chủ-quyền, cùng thế-lực, cùng vua-chúa của thế-gian mờ-tối nầy, cùng các thần dữ ở các miền trên trời vậy”, ông khuyên giục chúng ta “lấy... gươm của Đức Thánh-Linh, là lời Đức Chúa Trời” (Ê-phê-sô 6:12, 17). Lời Đức Chúa Trời là một khí giới thiết yếu mà chúng ta có thể dùng để loại bỏ bất cứ ý tưởng nào “nổi lên nghịch cùng sự hiểu-biết Đức Chúa Trời” (II Cô-rinh-tô 10:3-5).
Chắc chắn, “lời của Đức Chúa Trời là lời sống và linh-nghiệm” (Hê-bơ-rơ 4:12). Đức Giê-hô-va nói chuyện với nhân loại qua những trang giấy của Lời được soi dẫn của ngài. Hãy khéo léo dùng Kinh-thánh khi dạy dỗ người khác và phô bày những giáo lý giả. Hãy tận dụng Lời Đức Chúa Trời để khuyến khích, xây dựng, an ủi, thúc giục, làm tươi mát và vững mạnh người khác về thiêng liêng. Và mong sao Đức Giê-hô-va “khiến anh em nên trọn-vẹn trong mọi sự lành, đặng làm thành ý-muốn Ngài”, để bạn sẽ luôn luôn làm điều gì “đẹp ý Ngài” (Hê-bơ-rơ 13:21).
[Chú thích]
a Xin xem bài “Họ chăm sóc các chiên con với lòng đầy yêu thương”, trong Tháp Canh số ra ngày 15-6-1994, trang 20-23.
[Hình nơi trang 31]
Trưởng lão khuyến khích người khác, “lấy lòng ngay-thẳng giảng-dạy lời của lẽ thật”