Đức tin thúc đẩy chúng ta hành động!
“Ngươi thấy đức-tin [của Áp-ra-ham] đồng công với việc làm, và nhờ việc làm mà đức-tin [của ông] được trọn-vẹn” (GIA-CƠ 2:22).
1, 2. Chúng ta sẽ hành động ra sao nếu có đức tin?
NHIỀU người nói rằng họ có đức tin nơi Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, loại đức tin bằng miệng lưỡi mà thôi thì không có sự sống, cũng như một tử thi vậy. Môn đồ Gia-cơ viết: “Nếu đức-tin không sanh ra việc làm, thì tự mình nó chết”. Ông cũng nói rằng Áp-ra-ham kính sợ Đức Chúa Trời và có đức tin “đồng công với việc làm” (Gia-cơ 2:17, 22). Những lời đó có ý nghĩa gì đối với chúng ta?
2 Nếu chúng ta có đức tin thật, chúng ta sẽ không chỉ tin những gì chúng ta nghe ở các buổi họp đạo đấng Christ. Chúng ta sẽ cho thấy bằng chứng của đức tin vì chúng ta là những Nhân-chứng Giê-hô-va tích cực. Đúng vậy, đức tin sẽ thúc đẩy chúng ta hành động và áp dụng Lời Đức Chúa Trời trong đời sống.
Sự thiên vị không tương hợp với đức tin
3, 4. Đức tin nên ảnh hưởng thế nào đến cách cư xử của chúng ta?
3 Nếu chúng ta có đức tin thật nơi Đức Chúa Trời và đấng Christ, chúng ta sẽ không thiên vị ai (Gia-cơ 2:1-4). Một số người mà Gia-cơ viết thư cho đã không bày tỏ tính vô tư, một đức tính đòi hỏi nơi tín đồ thật của đấng Christ (Rô-ma 2:11). Do đó, Gia-cơ hỏi: “Anh em tự nhận mình thuộc về Chúa Cứu Thế Giê-xu là Chúa vinh quang, sao còn thiên vị giàu nghèo?” (Bản Diễn Ý). Nếu một người giàu không tin đạo mang nhẫn vàng và quần áo sang trọng đến buổi họp và một “người nghèo, quần-áo rách-rưới” không tin đạo cũng đến, thì đáng lý cả hai người phải được niềm nở chào đón, nhưng những người giàu đã được đặc biệt để ý đến. Họ được chỗ ngồi “tử-tế”, trong khi người ta bảo những người nghèo phải đứng hoặc ngồi trên sàn nhà dưới chân người ta.
4 Đức Giê-hô-va đã cung cấp sự hy sinh làm giá chuộc của Chúa Giê-su Christ cho cả người giàu lẫn người nghèo (II Cô-rinh-tô 5:14). Vậy nếu chúng ta thiên vị những người giàu, chúng ta sẽ đi trệch hướng đức tin của đấng Christ, là đấng đã ‘tự làm nên nghèo, hầu cho bởi sự nghèo của Ngài, chúng ta được nên giàu’ (II Cô-rinh-tô 8:9). Chúng ta chớ bao giờ đánh giá người ta như thế, muốn tôn vinh người ta với động cơ trục lợi. Đức Chúa Trời không thiên vị, và nếu chúng ta thiên vị, chúng ta sẽ “lấy ý xấu mà xét-đoán” (Gióp 34:19). Vì muốn làm đẹp lòng Đức Chúa Trời, chắc chắn chúng ta sẽ không để mình bị cám dỗ để thiên vị người ta hoặc ‘vì lợi mà nịnh-hót người ta’ (Giu-đe 4, 16).
5. Đức Chúa Trời đã lựa ai để trở nên “giàu trong đức-tin”, và thường những người giàu về vật chất hành động thế nào?
5 Gia-cơ cho biết ai thật sự là người giàu và ông khuyên giục chúng ta phải biểu lộ tình yêu thương không thiên vị (Gia-cơ 2:5-9). ‘Đức Chúa Trời lựa kẻ nghèo theo đặng làm cho trở nên giàu trong đức-tin, và kế-tự nước Ngài’. Đó là vì những người nghèo thường hưởng ứng tin mừng hơn (I Cô-rinh-tô 1:26-29). Nói chung, những người giàu có thường áp bức người khác về nợ nần, tiền lương và kiện tụng. Họ nói xấu đấng Christ và bắt bớ chúng ta vì mang danh ngài. Nhưng chúng ta hãy quyết tâm vâng lời “luật-pháp tôn-trọng”, đòi hỏi chúng ta phải yêu người đồng loại—yêu người giàu và người nghèo bằng nhau (Lê-vi Ký 19:18; Ma-thi-ơ 22:37-40). Vì Đức Chúa Trời đòi hỏi điều này, nên ai thiên vị “thì phạm tội”.
“Sự thương-xót thắng sự đoán-xét”
6. Chúng ta sẽ trở thành kẻ phạm pháp như thế nào nếu không thương xót người khác?
6 Nếu chúng ta thiên vị một cách không thương xót, chúng ta là kẻ phạm pháp (Gia-cơ 2:10-13). Khi lầm lỗi về phương diện này, chúng ta đã phạm tất cả các luật pháp của Đức Chúa Trời. Những người Y-sơ-ra-ên nào không phạm tội ngoại tình nhưng lại trộm cướp thì cũng phạm Luật pháp Môi-se. Với tư cách là tín đồ đấng Christ, chúng ta được xét đoán dựa trên “luật-pháp tự-do” của dân Y-sơ-ra-ên thiêng liêng trong giao ước mới, họ có luật pháp ghi trong lòng (Giê-rê-mi 31:31-33).
7. Tại sao những ai tiếp tục tỏ ra thiên vị không thể trông mong được Đức Chúa Trời thương xót?
7 Nếu cho rằng mình có đức tin nhưng lại cố chấp thiên vị, chúng ta đang trong tình trạng nguy hiểm. Những ai không có tình yêu thương và lòng thương xót thì đến lúc bị xét đoán sẽ không được thương xót (Ma-thi-ơ 7:1, 2). Gia-cơ nói: “Sự thương-xót thắng sự đoán-xét”. Nếu chúng ta tuân theo sự hướng dẫn của thánh linh Đức Giê-hô-va bằng cách luôn luôn tỏ ra thương xót khi cư xử với người khác, chúng ta sẽ không bị lên án khi bị xét đoán. Trái lại, chúng ta sẽ được thương xót và như vậy sẽ tránh khỏi án phạt nghiêm ngặt hoặc sự phán xét bất lợi.
Đức tin sanh ra việc lành
8. Nếu nói mình có đức tin nhưng thiếu việc làm thì chúng ta rơi vào tình trạng nào?
8 Ngoài việc giúp chúng ta có lòng yêu thương và thương xót, đức tin sanh ra những việc lành khác (Gia-cơ 2:14-26). Tất nhiên, việc tự nhận là có đức tin nhưng lại thiếu việc làm, sẽ không cứu chúng ta. Dĩ nhiên, chúng ta không thể tự đạt một vị thế công bình trước mắt Đức Chúa Trời bằng việc làm theo Luật pháp (Rô-ma 4: 2-5). Gia-cơ muốn nói đến những việc làm được thúc đẩy bởi đức tin và tình yêu thương, chứ không phải bởi một bộ luật nào đó. Nếu chúng ta được thúc đẩy bởi những đức tính đó, chúng ta sẽ không chỉ cầu chúc một người cùng đạo đang túng thiếu. Chúng ta sẽ giúp anh chị ấy có quần áo hoặc đồ ăn. Gia-cơ hỏi: ‘Nếu ngươi nói với một anh túng thiếu: “Hãy đi cho bình-an, hãy sưởi cho ấm và ăn cho no” nhưng không cung cấp đồ cần-dùng, thì có ích gì chăng?’ Không có ích gì cả (Gióp 31:16-22). “Đức tin” như thế là chết!
9. Điều gì cho thấy chúng ta có đức tin?
9 Có thể chúng ta đang kết hợp với dân sự của Đức Chúa Trời đến mức độ nào đó, nhưng chỉ những việc làm hết lòng mới hậu thuẫn cho việc chúng ta cho rằng mình có đức tin. Thật là điều tốt nếu chúng ta đã từ bỏ giáo lý Chúa Ba Ngôi và tin rằng có một Đức Chúa Trời thật. Nhưng đức tin không phải chỉ là niềm tin. “Ma-quỉ cũng tin” và chúng “run-sợ” vì sẽ bị hủy diệt. Nếu chúng ta thật sự có đức tin, đức tin đó sẽ thúc đẩy chúng ta làm những việc như rao giảng tin mừng và cung cấp đồ ăn và quần áo cho những người túng thiếu cùng đạo. Gia-cơ hỏi: “Hỡi người vô-tri kia [không có sự hiểu biết chính xác về Đức Chúa Trời], ngươi muốn biết chắc rằng đức-tin không có việc làm là vô-ích chăng?” Đúng vậy, đức tin đòi hỏi phải có hành động.
10. Tại sao Áp-ra-ham được gọi là “cha hết thảy những kẻ tin”?
10 Đức tin của tộc trưởng tin kính Đức Chúa Trời là Áp-ra-ham đã thúc đẩy ông hành động. Vì là “cha hết thảy những kẻ tin”, ông ‘được xưng công-bình khi dâng con mình là Y-sác trên bàn-thờ’ (Rô-ma 4:11, 12; Sáng-thế Ký 22:1-14). Nếu Áp-ra-ham không tin Đức Giê-hô-va có thể làm Y-sác sống lại và thực hiện lời hứa của ngài về một dòng dõi qua Y-sác thì sao? Hẳn Áp-ra-ham sẽ không bao giờ dâng con trai mình (Hê-bơ-rơ 11:19). Nhờ những việc làm cho thấy ông vâng lời, “đức-tin [của Áp-ra-ham] được trọn-vẹn”, hoặc toàn vẹn. Điều này “ứng-nghiệm lời Kinh-thánh [Sáng-thế Ký 15:6] rằng: Áp-ra-ham tin Đức Chúa Trời, và đều đó kể là công-bình cho người”. Những việc làm của Áp-ra-ham khi cố gắng dâng Y-sác khẳng định lời tuyên bố của Đức Chúa Trời trước đó là Áp-ra-ham là người công bình. Qua việc làm biểu lộ đức tin, ông cho thấy ông yêu mến Đức Chúa Trời và sau này ông được gọi là “bạn Đức Chúa Trời”.
11. Chúng ta có bằng chứng nào cho thấy Ra-háp có đức tin?
11 Áp-ra-ham chứng tỏ rằng “người ta cậy việc làm được xưng công-bình, chớ chẳng những là cậy đức-tin mà thôi”. Điều này cũng đúng trong trường hợp của Ra-háp, một kỵ nữ ở Giê-ri-cô. Bà được ‘xưng công-bình khi tiếp-rước các sứ-giả [người Y-sơ-ra-ên] và khiến họ noi đường khác mà đi’ để thoát khỏi những kẻ thù Ca-na-an. Trước khi gặp những người do thám Y-sơ-ra-ên, bà nhận biết rằng Đức Giê-hô-va là Đức Chúa Trời thật, và sau đó những lời nói cũng như việc bà từ bỏ nghề mại dâm cho thấy bà có đức tin (Giô-suê 2:9-11; Hê-bơ-rơ 11:31). Sau gương mẫu thứ hai này về đức tin được bày tỏ qua việc làm, Gia-cơ nói: “Vả, xác chẳng có hồn thì chết, đức-tin không có việc làm cũng chết như vậy”. Khi một người chết, người đó không có sinh lực trong mình, và không thể thực hiện gì hết. Chỉ cho rằng mình có đức tin thì cũng là điều vô sinh và vô ích giống như một xác chết mà thôi. Nhưng nếu chúng ta có đức tin thật, đức tin đó sẽ thúc đẩy chúng ta hành động theo ý Đức Chúa Trời.
Kiểm soát cái lưỡi!
12. Trưởng lão trong hội thánh nên làm điều gì?
12 Việc nói năng và dạy dỗ cũng có thể tạo bằng chứng cho thấy chúng ta có đức tin, nhưng chúng ta cần tỏ ra dè dặt (Gia-cơ 3:1-4). Với tư cách là những người dạy dỗ trong hội thánh, trưởng lão có trách nhiệm nặng nề và họ phải thưa trình với Đức Chúa Trời. Do đó, họ nên khiêm nhường xem xét các động cơ và phẩm hạnh của mình. Ngoài sự hiểu biết và khả năng, những anh này phải có lòng yêu mến sâu xa đối với Đức Chúa Trời và những người cùng đạo (Rô-ma 12:3, 16; I Cô-rinh-tô 13:3, 4). Trưởng lão phải dựa vào Kinh-thánh khi cho lời khuyên. Nếu một trưởng lão dạy dỗ sai lầm và điều này gây vấn đề cho người khác, anh sẽ bị Đức Chúa Trời lên án qua đấng Christ. Do đó trưởng lão phải khiêm nhường và chịu khó học hỏi, trung thành giữ theo Lời Đức Chúa Trời.
13. Tại sao chúng ta vấp phạm trong lời nói?
13 Ngay cả những người có tài năng dạy dỗ—thật vậy, tất cả chúng ta—“đều vấp-phạm nhiều cách lắm” vì sự bất toàn. Vấp phạm trong lời nói là một trong những khuyết điểm thường thấy nhất và có thể gây hại nhiều nhất. Gia-cơ nói: “Nếu có ai không vấp-phạm trong lời nói mình, ấy là người trọn-vẹn, hay hãm-cầm cả mình”. Khác với Chúa Giê-su Christ, chúng ta không thể hoàn toàn kiểm soát được cái lưỡi. Nếu làm thế được, chúng ta cũng có thể kiểm soát những bộ phận khác của cơ thể. Nói cho cùng, nhờ cương và hàm thiếc, chúng ta có thể khiến cho ngựa đi theo hướng mình muốn, và nhờ một bánh lái nhỏ, một người lái thuyền có thể lái ngay cả một thuyền lớn bị gió mạnh đánh dạt.
14. Gia-cơ nhấn mạnh thế nào về việc cần phải cố gắng mới kiểm soát được cái lưỡi?
14 Tất cả chúng ta phải thành thật thừa nhận là để kiểm soát được cái lưỡi, cần cố gắng rất nhiều (Gia-cơ 3:5-12). So với con ngựa, cái cương thì nhỏ; so với chiếc thuyền một bánh lái cũng thế. Và so với cơ thể con người, cái lưỡi cũng nhỏ “mà khoe được những việc lớn”. Vì Kinh-thánh cho thấy rõ là tính khoe khoang không làm Đức Chúa Trời hài lòng, chúng ta hãy xin ngài giúp đỡ để tránh tính xấu đó (Thi-thiên 12:3, 4; I Cô-rinh-tô 4:7). Mong sao chúng ta cũng kiềm chế được cái lưỡi khi bị khiêu khích, nhớ rằng chỉ cần một tia lửa để đốt cháy cả một rừng lớn. Như Gia-cơ cho thấy, “cái lưỡi cũng như lửa” có thể gây tổn hại rất lớn (Châm-ngôn 18:21). Thật vậy, một cái lưỡi không kiềm chế “là nơi đô-hội của tội-ác”! Mọi dấu vết gian ác của thế gian không tin kính này đều liên hệ đến cái lưỡi không được kiểm soát. Nó gây tổn hại bằng cách vu khống và dạy dỗ sai lầm (Lê-vi Ký 19:16; II Phi-e-rơ 2:1). Bạn nghĩ sao? Chẳng phải chúng ta nên để đức tin thúc đẩy mình cố hết sức để kiểm soát cái lưỡi hay sao?
15. Một cái lưỡi không được kiềm chế có thể gây tổn hại gì?
15 Một cái lưỡi không được kiềm chế khiến chúng ta bị “ô-uế” hoàn toàn. Chẳng hạn, nếu chúng ta hay bị bắt gặp nói dối, chúng ta có thể sẽ mang tiếng là người nói dối. Nhưng, cái lưỡi không kiềm chế “đốt cháy cả đời người” bằng cách nào? Bằng cách làm cho đời sống trở thành như một vòng luẩn quẩn. Cả hội thánh có thể bị xáo trộn vì một cái lưỡi không được kiềm chế. Gia-cơ nói đến “Ghê-hen-na”, là thung lũng Hi-nôm. Có thời được dùng để giết trẻ con để tế thần, thung lũng này trở thành một nơi đốt rác cho thành Giê-ru-sa-lem (Giê-rê-mi 7:31). Vậy Ghê-hen-na tượng trưng cho sự tiêu diệt. Theo một nghĩa nào đó, Ghê-hen-na nhường tác dụng hủy phá của nó cho cái lưỡi không kiềm chế. Nếu chúng ta không kiềm chế cái lưỡi, chính chúng ta có thể trở thành nạn nhân của tai họa mà chúng ta đã gây ra (Ma-thi-ơ 5:22). Thậm chí chúng ta có thể bị khai trừ khỏi hội thánh vì chửi rủa người khác (I Cô-rinh-tô 5:11-13).
16. Khi xét thấy sự tổn hại mà cái lưỡi không kiềm chế có thể gây ra, chúng ta nên làm điều gì?
16 Nhờ đọc Lời Đức Chúa Trời, có lẽ bạn biết rằng Đức Giê-hô-va ra lệnh là loài người phải làm cho các loại thú vật phục tùng (Sáng-thế Ký 1:28). Và đủ loại thú vật đã được thuần hóa. Chẳng hạn, người ta dùng con chim ưng được huấn luyện khi đi săn. “Loài bò sát” (NW) mà Gia-cơ nói đến có thể bao gồm con rắn bị người dụ rắn điều khiển (Thi-thiên 58:4, 5). Loài người có thể điều khiển ngay cả con cá voi, nhưng là con người bất toàn, chúng ta không thể hoàn toàn chế ngự được cái lưỡi. Tuy nhiên, chúng ta nên tránh nói những lời khắc nghiệt, cay độc hoặc vu khống. Một lưỡi không được kiềm chế có thể là một công cụ nguy hiểm chứa chất độc làm chết người (Rô-ma 3:13). Đáng buồn thay, lưỡi của những thầy giáo giả đã khiến một số tín đồ thời ban đầu của đấng Christ rời bỏ Đức Chúa Trời. Vậy chúng ta chớ nên để cho những lời bội đạo độc địa, dù bằng lời nói hoặc bài viết, thuyết phục mình (I Ti-mô-thê 1:18-20; II Phi-e-rơ 2:1-3).
17, 18. Sự bất nhất nào được nêu ra ở Gia-cơ 3:9-12, và chúng ta nên làm gì về điều này?
17 Đức tin nơi Đức Chúa Trời và ước muốn làm đẹp lòng ngài có thể che chở chúng ta khỏi sự bội đạo và ngăn ngừa chúng ta dùng lưỡi một cách bất nhất. Nói đến tính xấu này của một số người, Gia-cơ nói ‘bởi cái lưỡi chúng ta khen-ngợi Đức Giê-hô-va, Cha chúng ta, và rủa-sả loài người được tạo theo hình-ảnh Đức Chúa Trời’ (Sáng-thế Ký 1:26). Đức Giê-hô-va là Cha chúng ta vì ngài “ban sự sống, hơi sống, muôn vật cho mọi loài” (Công-vụ các Sứ-đồ 17:24, 25). Ngài cũng là Cha theo nghĩa thiêng liêng của tín đồ đấng Christ được xức dầu. Tất cả chúng ta được tạo “theo hình-ảnh Đức Chúa Trời” có những đức tính về tinh thần và đạo đức, trong đó có lòng yêu thương, sự công bằng và khôn ngoan khiến cho chúng ta khác với loài thú. Vậy thì chúng ta nên hành động ra sao nếu chúng ta có đức tin nơi Đức Giê-hô-va?
18 Nếu nguyền rủa người ta, thì điều đó có nghĩa là chúng ta cầu họa cho họ. Vì chúng ta không phải là tiên tri được Đức Chúa Trời soi dẫn và không có quyền rủa bất cứ ai, nên việc nói năng như thế là bằng chứng của lòng căm ghét và sẽ khiến cho lời khen ngợi Đức Chúa Trời trở nên vô ích. “Sự khen-ngợi và rủa-sả” ra cùng một miệng là điều không thích hợp (Lu-ca 6:27, 28; Rô-ma 12:14, 17-21; Giu-đe 9). Nếu chúng ta hát khen Đức Chúa Trời ở các buổi họp và sau đó lại nói xấu về những anh em cùng đạo, thì quả là có tội! Cùng một cái suối không thể ra nước ngọt và nước đắng. Như ‘cây vả không ra trái ô-li-ve được, hoặc cây nho trái vả’, nước ngọt không thể ra từ nước mặn. Đáng lý chúng ta phải là những người nói điều tốt, nhưng lại hay nói những điều cay đắng thì rõ ràng là chúng ta có vấn đề về thiêng liêng đó. Nếu có thói quen này, chúng ta hãy cầu xin Đức Giê-hô-va giúp để không nói như thế nữa (Thi-thiên 39:1).
Hãy hành động với sự khôn ngoan từ trên cao
19. Nếu chúng ta được hướng dẫn bởi sự khôn ngoan từ trên trời, chúng ta có thể ảnh hưởng đến người khác như thế nào?
19 Tất cả chúng ta cần sự khôn ngoan để nói và làm những điều xứng với những người có đức tin (Gia-cơ 3:13-18). Nếu chúng ta kính sợ Đức Chúa Trời, ngài sẽ ban cho chúng ta sự khôn ngoan từ trên trời, ấy là khả năng áp dụng sự hiểu biết một cách đúng đắn (Châm-ngôn 9:10; Hê-bơ-rơ 5:14). Lời ngài dạy chúng ta cách biểu lộ sự “khôn-ngoan nhu-mì”. Và vì nhu mì nên chúng ta mưu cầu sự bình an trong hội thánh (I Cô-rinh-tô 8:1, 2). Những ai tự phụ cho mình là bậc thầy đối với các anh em cùng đạo thì ‘nói dối nghịch cùng lẽ thật của đạo đấng Christ’ vốn lên án tính tự cao của họ (Ga-la-ti 5:26). Sự “khôn-ngoan” của họ “thuộc về đất”—là một đặc điểm của loài người tội lỗi xa cách Đức Chúa Trời. Nó thuộc “về xác-thịt”, xuất phát từ những khuynh hướng xác thịt. Thậm chí nó thuộc “về ma-quỉ”, vì các ác thần hay kiêu ngạo! (I Ti-mô-thê 3:6). Vậy thì chúng ta hãy hành động một cách khôn ngoan và khiêm nhường để không làm bất cứ điều gì tạo ra một bầu không khí nơi “đủ mọi thứ ác”, như lời vu khống và sự thiên vị, có thể phát triển.
20. Bạn sẽ miêu tả sự khôn ngoan từ trên trời như thế nào?
20 “Sự khôn-ngoan từ trên mà xuống thì trước hết là thanh-sạch”, khiến cho chúng ta trong sạch về mặt đạo đức và thiêng liêng (II Cô-rinh-tô 7:11). Nó “hòa-thuận”, thúc đẩy chúng ta theo đuổi sự hòa bình (Hê-bơ-rơ 12:14). Sự khôn ngoan từ trên trời khiến chúng ta có tính “tiết-độ”, không võ đoán và khó tính (Phi-líp 4:5). Sự khôn ngoan từ trên có tính cách “sẵn sàng vâng lời” (NW), thúc đẩy chúng ta vâng theo sự dạy dỗ của Đức Chúa Trời và hợp tác với tổ chức của Đức Giê-hô-va (Rô-ma 6:17). Sự khôn ngoan từ trên cũng khiến chúng ta có lòng thương xót và trắc ẩn (Giu-đe 22, 23). Vì đầy “bông-trái lành”, nó khiến chúng ta quan tâm đến người khác và hành động phù hợp với nhân từ, công bình và lẽ thật (Ê-phê-sô 5:9). Và với tư cách là người giảng hòa, chúng ta hưởng “bông-trái của đều công-bình” phát triển nơi nào có sự hòa bình.
21 Vậy rõ ràng là đức tin thúc đẩy chúng ta hành động. Nó khiến chúng ta không thiên vị, có lòng thương xót và tích cực làm việc lành. Đức tin giúp chúng ta kiểm soát cái lưỡi và hành động với sự khôn ngoan từ trên trời. Nhưng chúng ta có thể học nhiều hơn nữa từ lá thư này. Gia-cơ có thêm lời khuyên có thể giúp chúng ta hành động xứng với những người có đức tin nơi Đức Giê-hô-va.
Bạn trả lời ra sao?
◻ Tại sao tỏ ra thiên vị là điều sai lầm?
◻ Đức tin liên quan đến việc làm như thế nào?
◻ Tại sao việc kiểm soát cái lưỡi là điều rất quan trọng?
◻ Hãy tả sự khôn ngoan từ trên trời.
21. Theo Gia-cơ 2:1–3:18, đức tin nơi Đức Chúa Trời nên thúc đẩy chúng ta làm những điều gì?