Đức tin khiến chúng ta nhịn nhục và cầu nguyện
“Hãy nhịn-nhục và bền lòng; vì kỳ Chúa đến gần rồi” (GIA-CƠ 5:8).
1. Tại sao chúng ta nên suy nghĩ về Gia-cơ 5:7, 8?
SỰ HIỆN DIỆN của Chúa Giê-su Christ mà người ta hằng chờ đợi hiện nay là một điều có thật (Ma-thi-ơ 24:3-14). Hơn bao giờ hết, tất cả mọi người tự nhận là có đức tin nơi Đức Chúa Trời và đấng Christ có lý do để suy nghĩ về những lời này của môn đồ Gia-cơ: “Hỡi anh em... hãy nhịn-nhục cho tới kỳ Chúa đến. Hãy xem kẻ làm ruộng: họ bền lòng chờ-đợi sản-vật quí-báu dưới đất cho đến chừng nào đã được mưa đầu mùa và cuối mùa. Anh em cũng vậy, hãy nhịn-nhục và bền lòng; vì kỳ Chúa đến gần rồi” (Gia-cơ 5:7, 8).
2. Những người đọc thư của Gia-cơ đang gặp phải những vấn đề nào?
2 Gia-cơ viết lá thư được soi dẫn của ông cho những người cần tập nhịn nhục và giải quyết nhiều vấn đề khác nhau. Nhiều người hành động không xứng với người nhận mình là có đức tin nơi Đức Chúa Trời. Chẳng hạn, một số người phải học để kiềm chế những ham muốn phát triển trong lòng. Sự bình an cần phải được phục hồi trong vòng các tín đồ đấng Christ thời ban đầu này. Họ cũng cần được khuyên về vấn đề nhịn nhục và cầu nguyện. Khi xem xét Gia-cơ nói gì với họ, chúng ta hãy xem có thể áp dụng lời của ông trong đời sống mình như thế nào.
Những ham muốn sai trái rất có hại
3. Những điều gì đã gây ra sự xung đột trong hội thánh, và chúng ta có thể học được gì?
3 Mang danh là tín đồ đấng Christ nhưng một số người lại thiếu sự bình an, và những ham muốn sai trái là căn nguyên gây ra tình trạng này (Gia-cơ 4:1-3). Tính ưa gây gỗ đưa đến sự rối loạn, và một số người xét đoán các anh em mình một cách không yêu thương. Điều này xảy ra vì họ thèm thuồng thú nhục dục nên có sự tranh chiến trong cơ thể. Chính chúng ta có thể cần phải cầu nguyện để được giúp cưỡng lại việc ham muốn có uy tín, quyền thế và của cải hầu không làm bất cứ điều gì phá hại sự bình an trong hội thánh (Rô-ma 7:21-25; I Phi-e-rơ 2:11). Trong vòng một số tín đồ đấng Christ vào thế kỷ thứ nhất, tính tham muốn đã phát triển đến độ họ có tinh thần thù ghét và sát hại. Vì Đức Chúa Trời không nhận lời cầu xin dựa trên những ham muốn sai trái của họ, họ cứ đấu tranh để đạt được mục tiêu của mình. Nếu có những ham muốn sai trái tương tự như vậy, dù cầu xin nhưng chúng ta sẽ không nhận được, vì Đức Chúa Trời thánh của chúng ta không đáp lại những lời cầu nguyện như thế (Ca-thương 3:44; III Giăng 9, 10).
4. Tại sao Gia-cơ gọi một số người là “bọn tà-dâm”, và lời nói này nên ảnh hưởng chúng ta như thế nào?
4 Một số tín đồ đấng Christ thời ban đầu có đầu óc trần tục, ghen tị và kiêu ngạo (Gia-cơ 4:4-6). Gia-cơ gọi một số người là “bọn tà-dâm” vì họ làm bạn với thế gian nên mang tội tà dâm thiêng liêng (Ê-xê-chi-ên 16:15-19, 25-45). Chắc chắn chúng ta không muốn có thái độ, cách ăn nói và những hành động trần tục, vì điều này sẽ khiến chúng ta trở thành kẻ thù của Đức Chúa Trời. Lời ngài cho thấy sự “ghen-tương” là một phần của khuynh hướng, hoặc “lòng” xấu, của con người tội lỗi (Sáng-thế Ký 8:21; Dân-số Ký 16:1-3; Thi-thiên 106:16, 17; Truyền-đạo 4:4). Vậy nếu chúng ta ý thức mình phải loại trừ tính ghen tị, kiêu ngạo hoặc một khuynh hướng xấu nào khác, chúng ta hãy tìm sự giúp đỡ của Đức Chúa Trời qua thánh linh. Lực này, do Đức Chúa Trời nhân từ cung cấp, có tác động mạnh hơn lòng “ghen-tương”. Trong khi Đức Chúa Trời chống lại kẻ kiêu ngạo, ngài sẽ ban ân điển cho chúng ta nếu chúng ta cưỡng lại những khuynh hướng tội lỗi.
5. Để được ân điển của Đức Chúa Trời, chúng ta phải làm những điều gì?
5 Làm sao chúng ta có thể nhận được ân điển của Đức Chúa Trời? (Gia-cơ 4:7-10). Để hưởng ân điển của Đức Giê-hô-va, chúng ta phải vâng lời ngài, chấp nhận những sắp đặt của ngài và chịu đựng bất cứ điều gì xảy ra theo ý muốn ngài (Rô-ma 8:28). Chúng ta cũng phải “chống-trả” hoặc ‘đứng vững chống-cự’ Ma-quỉ. Hắn sẽ ‘lánh xa chúng ta’ nếu chúng ta tiếp tục cương quyết ủng hộ quyền thống trị hoàn vũ của Đức Giê-hô-va. Chúng ta có sự giúp đỡ của Chúa Giê-su, là đấng kiềm chế những lực lượng gian ác của thế gian để không điều gì có thể làm hại chúng ta vĩnh viễn. Và chớ quên điều này: Nhờ cầu nguyện, vâng lời và có đức tin, chúng ta đến gần Đức Chúa Trời, và ngài sẽ ở gần chúng ta (II Sử-ký 15:2).
6. Tại sao Gia-cơ gọi một số tín đồ là “kẻ có tội”?
6 Tại sao Gia-cơ dùng từ ngữ “kẻ có tội” để ám chỉ một số người tự nhận là có đức tin nơi Đức Chúa Trời? Vì họ mang tội “chiến-đấu” và có lòng thù hận sát hại—những thái độ không thể chấp nhận được đối với tín đồ đấng Christ (Tít 3:3). “Tay” của họ đầy những điều xấu xa nên cần được rửa sạch. “Lòng” của họ cũng cần phải được làm sạch nữa, vì “lòng” là trung tâm của động lực (Ma-thi-ơ 15:18, 19). Những người có “hai lòng” lưỡng lự giữa tình bạn với Đức Chúa Trời và tình bạn với thế gian. Vì được cảnh cáo trước qua gương xấu của họ, chúng ta hãy luôn cảnh giác để những điều như thế không phá hủy đức tin của chúng ta (Rô-ma 7:18-20).
7. Tại sao Gia-cơ nói một số người “hãy đau-thương khóc-lóc”?
7 Gia-cơ bảo những người đọc thư ông “hãy cảm-biết sự khốn-nạn mình, hãy đau-thương khóc-lóc”. Nếu họ biểu lộ sự buồn rầu theo ý Đức Chúa Trời, thì điều đó sẽ chứng minh rằng họ đã ăn năn (II Cô-rinh-tô 7:10, 11). Ngày nay, có người nói rằng họ có đức tin nhưng lại muốn làm bạn với thế gian. Nếu có ai trong chúng ta đang theo đuổi đường lối này, chẳng phải chúng ta nên buồn rầu vì mình đang yếu về thiêng liêng và hành động ngay lập tức để sửa chữa vấn đề hay sao? Điều chỉnh những gì cần thiết và được Đức Chúa Trời tha thứ sẽ khiến chúng ta cảm thấy hân hoan vì có lương tâm trong sạch và triển vọng vui mừng là được sống đời đời (Thi-thiên 51:10-17; I Giăng 2:15-17).
Chớ xét đoán nhau
8, 9. Tại sao chúng ta chớ nên nói xấu hoặc xét đoán nhau?
8 Nói hành về người cùng đạo là tội lỗi (Gia-cơ 4:11, 12). Tuy nhiên, một số người chỉ trích tín đồ khác, có thể vì họ có thái độ tự cho mình là công bình hoặc vì họ muốn tự đề cao bằng cách hạ thấp người khác (Thi-thiên 50:20; Châm-ngôn 3:29). Từ ngữ Hy Lạp được dịch là “nói hành” biểu thị lòng thù nghịch và ngụ ý nói đến việc xuyên tạc sự thật để vu cáo một người nào đó. Điều này cũng giống như việc lên án một anh em. Tại sao việc này lại được coi như tương đương với việc ‘nói xấu và xét-đoán luật-pháp’? Những thầy thông giáo và người Pha-ri-si “bỏ hẳn điều-răn của Đức Chúa Trời” và xét đoán theo tiêu chuẩn riêng của họ (Mác 7:1-13). Tương tự như vậy, nếu chúng ta lên án một anh em mà Đức Giê-hô-va không lên án, chẳng phải là chúng ta ‘xét-đoán luật-pháp của Đức Chúa Trời’ và phạm tội bằng cách ngụ ý cho rằng luật pháp đó bị thiếu sót hay sao? Và khi chỉ trích anh em mình một cách bất công, chúng ta sẽ không làm trọn luật yêu thương (Rô-ma 13:8-10).
9 Chúng ta hãy nhớ điều này: “Chỉ có một Đấng lập ra luật-pháp và một Đấng xét-đoán”—Đức Giê-hô-va. ‘Luật-pháp của ngài là trọn-vẹn’, không có gì thiếu sót cả (Thi-thiên 19:7; Ê-sai 33:22). Một mình Đức Chúa Trời có quyền đặt ra tiêu chuẩn và phép tắc cho sự cứu rỗi (Lu-ca 12:5). Vậy Gia-cơ hỏi: “Ngươi là ai, mà dám xét-đoán kẻ lân-cận mình?” Chúng ta không có quyền xét đoán và lên án người khác (Ma-thi-ơ 7:1-5; Rô-ma 14:4, 10). Suy ngẫm về quyền thống trị của Đức Chúa Trời, tính không thiên vị của ngài và bản chất tội lỗi của chính mình phải giúp chúng ta tránh tự xem mình là công bình và xét đoán người khác.
Tránh tính tự tin khoe khoang
10. Tại sao chúng ta nên chú ý đến Đức Giê-hô-va trong đời sống hằng ngày?
10 Chúng ta phải luôn luôn chú ý đến Đức Giê-hô-va và luật pháp của ngài (Gia-cơ 4:13-17). Không màng gì đến Đức Chúa Trời, những người tự tin nói: “Hôm nay hoặc ngày mai, ta sẽ đi đến thành kia, ở đó một năm, buôn-bán và phát-tài”. Nếu chúng ta ‘thâu-trử của cho mình mà không giàu-có đối với Đức Chúa Trời’, lỡ ngày mai bị chết chúng ta sẽ không còn cơ hội phụng sự Đức Giê-hô-va nữa (Lu-ca 12:16-21). Như Gia-cơ nói, chúng ta giống sương mai “hiện ra một lát rồi lại tan ngay” (I Sử-ký 29:15). Chỉ nhờ thực hành đức tin nơi Đức Giê-hô-va chúng ta mới có thể hy vọng có được sự vui mừng trường cửu và sự sống đời đời.
11. Câu: “Ví bằng Chúa muốn” có nghĩa gì?
11 Thay vì kiêu hãnh bỏ qua Đức Chúa Trời, chúng ta phải có quan điểm này: “Ví bằng Chúa muốn, và ta còn sống, thì ta sẽ làm việc nọ việc kia”. Nói “Ví bằng Chúa muốn” cho thấy rằng chúng ta đang cố gắng sống phù hợp với ý muốn ngài. Có thể chúng ta phải kinh doanh để lo cho gia đình, phải đi nhiều nơi để lo công việc Nước Trời, v.v... Nhưng chúng ta chớ khoe khoang. Việc “khoe-khoang như vậy là xấu” vì nó chứng tỏ chúng ta không tùy thuộc nơi Đức Chúa Trời (Thi-thiên 37:5; Châm-ngôn 21:4; Giê-rê-mi 9:23, 24).
12. Những lời ở Gia-cơ 4:17 có nghĩa gì?
12 Hình như để kết thúc những lời về sự tự tin và khoe khoang, Gia-cơ nói: “Kẻ biết làm đều lành mà chẳng làm, thì phạm tội”. Mỗi tín đồ đấng Christ nên khiêm nhường nhìn nhận rằng mình tùy thuộc nơi Đức Chúa Trời. Nếu không làm thế, “thì phạm tội”. Tất nhiên, nguyên tắc này cũng áp dụng bất cứ khi nào chúng ta không làm những điều mà đức tin nơi Đức Chúa Trời đòi hỏi (Lu-ca 12:47, 48).
Cảnh cáo người giàu
13. Gia-cơ nói gì về những người không sử dụng sự giàu có đúng cách?
13 Vì một số tín đồ đấng Christ thời ban đầu ham vật chất hoặc trọng vọng người giàu nên Gia-cơ nói những lời mạnh mẽ về một vài người giàu (Gia-cơ 5:1-6). Những người trong thế gian sử dụng tài sản một cách sai trái sẽ ‘khóc-lóc, kêu-la, vì cớ hoạn-nạn sẽ đổ trên họ’ khi Đức Chúa Trời báo trả theo việc làm của họ. Vào thời trước, sự giàu có của nhiều người chủ yếu gồm có rượu, quần áo và ngũ cốc (Giô-ên 2:19; Ma-thi-ơ 11:8). Một số vật này có thể mục nát hoặc “bị mối-mọt ăn”, nhưng Gia-cơ đang nhấn mạnh rằng sự giàu có là vô dụng, chứ không nhấn mạnh rằng nó dễ mục nát. Dù vàng bạc không bị rỉ sét, nhưng nếu chúng ta cất giấu nó, nó sẽ vô ích cũng như những vật bị rỉ sét. Sự “ten-rét” cho thấy sự giàu có vật chất đã không được sử dụng đúng cách. Do đó, tất cả chúng ta phải nhớ rằng “lửa” là điều những người tin cậy nơi của cải vật chất sẽ “thâu-trử... trong những ngày sau-rốt” khi cơn giận của Đức Chúa Trời giáng trên họ. Vì chúng ta đang sống vào “kỳ cuối-cùng”, những lời đó có ý nghĩa đặc biệt đối với chúng ta (Đa-ni-ên 12:4; Rô-ma 2:5).
14. Những người giàu thường hành động ra sao, và chúng ta nên làm gì?
14 Người giàu thường ăn gian thợ gặt, và tiền công mà thợ không được lãnh “kêu oan” để được báo thù. (So sánh Sáng-thế Ký 4:9, 10). Những người giàu có trong thế gian “đã sống... vui-sướng”. Vì vui chơi quá độ nên lòng họ no nê, cứng cỏi và sẽ tiếp tục như vậy vào “ngày” Đức Chúa Trời ấn định để tiêu diệt họ. Họ ‘luận tội và giết người công-bình’. Gia-cơ nói: “Người công-bình... người chẳng cự lại”. Nhưng một bản dịch khác nói: “Người há không chống lại ngươi sao?” Dù sao đi nữa, chúng ta không nên thiên vị người giàu. Chúng ta phải đặt quyền lợi thiêng liêng lên hàng đầu trong đời sống (Ma-thi-ơ 6:25-33).
Đức tin giúp chúng ta tập nhịn nhục
15, 16. Tại sao nhịn nhục là điều rất quan trọng?
15 Sau khi bình luận về những người giàu của thế gian hay đàn áp người ta, Gia-cơ khuyến khích các tín đồ đấng Christ bị đàn áp nên tập nhịn nhục (Gia-cơ 5:7, 8). Nếu kiên nhẫn chịu đựng sự gian khổ, những người tin đạo sẽ được thưởng vì sự trung thành của họ khi đấng Christ hiện diện, khi những người đàn áp họ bị xét đoán (Ma-thi-ơ 24:37-41). Những tín đồ đấng Christ thời ban đầu cần giống như người làm ruộng, nhẫn nại đợi cơn mưa đầu thu để có thể trồng trọt, và cơn mưa cuối xuân để cây cối sanh hoa kết trái (Giô-ên 2:23). Chúng ta cũng cần phải tập nhịn nhục và vững lòng, đặc biệt vì “kỳ Chúa” Giê-su Christ đã đến rồi!
16 Tại sao chúng ta phải nhịn nhục? (Gia-cơ 5:9-12). Tính nhịn nhục giúp chúng ta không than thở khi những người cùng đạo làm chúng ta bực mình. Nếu “oán-trách nhau” với tâm địa xấu, chúng ta sẽ bị Đấng Phán xét là Chúa Giê-su Christ lên án (Giăng 5:22). Vì “kỳ Chúa” đã bắt đầu và ngài đang “đứng trước cửa”, chúng ta hãy mưu cầu sự bình an bằng cách tỏ ra nhịn nhục với các anh em, vì họ cũng gặp nhiều thử thách về đức tin. Đức tin của chính chúng ta được củng cố khi chúng ta nhớ rằng Đức Chúa Trời đã thưởng Gióp vì ông nhịn nhục chịu đựng thử thách (Gióp 42:10-17). Nếu có đức tin và tính nhịn nhục, chúng ta sẽ thấy rằng “Chúa đầy lòng thương-xót và nhơn-từ” (Mi-chê 7:18, 19).
17. Tại sao Gia-cơ nói: “Chớ có thề”?
17 Nếu không nhịn nhục thì khi bị căng thẳng chúng ta có thể lạm dụng cái lưỡi. Ví dụ, chúng ta có thể hấp tấp thề thốt. Gia-cơ nói: “Chớ có thề”, khi cảnh cáo về việc thề thiếu suy nghĩ. Thường hay thề để khẳng định lời nói của mình cũng có vẻ là giả hình. Do đó, chúng ta nên luôn luôn nói sự thật, phải thì nói phải, không thì nói không (Ma-thi-ơ 5:33-37). Dĩ nhiên, Gia-cơ không cho rằng việc thề nói sự thật trước tòa án là sai.
Đức tin và lời cầu nguyện của chúng ta
18. Chúng ta nên “cầu-nguyện” và “hát ngợi-khen” trong hoàn cảnh nào?
18 Lời cầu nguyện phải có vai trò quan trọng trong đời sống nếu chúng ta muốn kiểm soát lời nói, muốn tập nhịn nhục và duy trì đức tin lành mạnh nơi Đức Chúa Trời (Gia-cơ 5:13-20). Đặc biệt khi bị thử thách, chúng ta nên “cầu-nguyện”. Nếu vui mừng, chúng ta hãy “hát ngợi-khen”, như Chúa Giê-su và các sứ đồ đã làm khi ngài thiết lập Lễ Kỷ Niệm sự chết của ngài (Mác 14:26). Đôi khi lòng tràn trề biết ơn đối với Đức Chúa Trời đến độ chúng ta hát khen ngài ngay cả ở trong lòng (I Cô-rinh-tô 14:15; Ê-phê-sô 5:19). Và thật vui làm sao khi chúng ta tán tụng Đức Giê-hô-va qua tiếng hát ở các buổi họp đạo đấng Christ!
19. Chúng ta phải làm gì nếu bị yếu về thiêng liêng, và tại sao phải làm thế?
19 Có thể chúng ta không cảm thấy muốn hát nếu đang đau ốm về mặt thiêng liêng, có thể vì hạnh kiểm sai trái hoặc không đều đặn dự bàn tiệc của Đức Giê-hô-va. Nếu đang ở trong tình trạng này, chúng ta hãy khiêm nhường nhờ các trưởng lão ‘cầu-nguyện cho chúng ta’ (Châm-ngôn 15:29). Họ cũng sẽ ‘nhơn danh Chúa xức dầu cho chúng ta’. Như dầu làm cho vết thương đỡ đau, những lời an ủi của họ và lời khuyên dựa trên Kinh-thánh sẽ giúp xoa dịu nỗi buồn nản, nghi ngờ và sợ hãi. ‘Sự cầu-nguyện bởi đức-tin sẽ cứu chúng ta’ nếu nó dựa trên đức tin của chính chúng ta. Nếu các trưởng lão thấy rằng cơn bệnh thiêng liêng là do chúng ta phạm tội nặng, họ sẽ tử tế cho biết tội đó là gì và cố giúp chúng ta (Thi-thiên 141:5). Và nếu ăn năn, chúng ta có thể tin chắc rằng Đức Chúa Trời sẽ nghe lời cầu nguyện của họ và tha thứ chúng ta.
20. Tại sao chúng ta nên xưng tội cùng nhau và cầu nguyện cho nhau?
20 Việc ‘xưng tội cùng nhau’ chắc hẳn sẽ ngăn cản chúng ta không phạm tội nữa. Việc này nên khuyến khích chúng ta thương xót lẫn nhau, một đức tính thúc đẩy chúng ta “cầu-nguyện cho nhau”. Chúng ta có thể tin rằng điều này là hữu ích vì lời cầu nguyện của “người công-bình”—một người thực hành đức tin và được Đức Chúa Trời xem là ngay thẳng—đem lại nhiều kết quả dưới mắt Đức Giê-hô-va (I Phi-e-rơ 3:12). Tiên tri Ê-li yếu đuối như chúng ta, nhưng lời cầu nguyện của ông có hiệu lực. Ông cầu nguyện, trời không mưa trong ba năm rưỡi. Khi ông cầu nguyện lần nữa, thì trời mưa (I Các Vua 17:1; 18:1, 42-45; Lu-ca 4:25).
21. Chúng ta có thể làm điều gì nếu một tín đồ khác bị “lầm-lạc cách xa lẽ thật”?
21 Nếu một người trong hội thánh bị “lầm-lạc cách xa lẽ thật”, đi sai lệch những dạy dỗ và hạnh kiểm đúng đắn thì sao? Chúng ta có thể giúp người đó từ bỏ đường lối sai lầm của mình qua lời khuyên của Kinh-thánh, lời cầu nguyện và sự giúp đỡ khác. Nếu chúng ta thành công, người đó sẽ tiếp tục được đấng Christ chuộc tội và được cứu khỏi sự chết thiêng liêng và án phạt hủy diệt. Khi giúp người phạm tội, chúng ta khỏa lấp vô số tội lỗi của người ấy. Sau khi bị khiển trách, người phạm tội bỏ đường lối sai lầm, ăn năn và tìm sự tha thứ, chúng ta sẽ vui mừng rằng chúng ta đã góp phần vào việc khỏa lấp tội lỗi của người đó (Thi-thiên 32:1, 2; Giu-đe 22, 23).
Lợi ích cho tất cả chúng ta
22, 23. Những lời của Gia-cơ nên ảnh hưởng chúng ta như thế nào?
22 Rõ ràng, lá thư của Gia-cơ có lợi ích cho tất cả chúng ta. Lá thư ấy cho thấy làm sao chúng ta có thể đối phó với thử thách, khuyên chúng ta không nên thiên vị và khuyên giục chúng ta làm những việc ngay thẳng. Gia-cơ kêu gọi chúng ta kiểm soát cái lưỡi, kháng cự lại ảnh hưởng của thế gian và mưu cầu sự bình an. Lời của ông cũng giúp chúng ta nhịn nhục và cầu nguyện.
23 Đành rằng lúc đầu lá thư của Gia-cơ được gửi cho các tín đồ đấng Christ xức dầu thời ban đầu. Tuy nhiên, tất cả chúng ta nên để cho lời khuyên của ông giúp chúng ta bám chặt đức tin. Những lời của Gia-cơ có thể củng cố đức tin để thúc đẩy chúng ta hành động dứt khoát trong việc phụng sự Đức Chúa Trời. Và lá thư được Đức Chúa Trời soi dẫn này xây dựng đức tin vững bền, khiến chúng ta trở thành những Nhân-chứng Giê-hô-va hay nhịn nhục và thành tâm vào thời nay, trong “kỳ hiện diện của Chúa” (NW) Giê-su Christ.
Bạn trả lời ra sao?
◻ Tại sao một số tín đồ đấng Christ thời ban đầu cần phải sửa đổi thái độ và hạnh kiểm mình?
◻ Gia-cơ cảnh cáo người giàu như thế nào?
◻ Tại sao chúng ta phải nhịn nhục?
◻ Tại sao chúng ta phải thường xuyên cầu nguyện?
[Nguồn hình ảnh nơi trang 19]
Pictorial Archive (Near Eastern History) Est.
[Hình nơi trang 23]
Một số tín đồ đấng Christ thời ban đầu phải tỏ ra nhịn nhục hơn với những người cùng đạo
[Hình nơi trang 24]
Tín đồ đấng Christ phải nhịn nhục, yêu thương và cầu nguyện