CHƯƠNG 17
Gắn bó với tổ chức của Đức Giê-hô-va
Môn đồ Gia-cơ viết: “Hãy đến gần Đức Chúa Trời thì ngài sẽ đến gần anh em” (Gia 4:8). Đức Giê-hô-va không quá cao hay quá xa đến nỗi không thể lắng nghe những người bất toàn như chúng ta (Công 17:27). Vậy, làm thế nào để đến gần Đức Chúa Trời? Chúng ta cần nỗ lực vun trồng mối quan hệ mật thiết với ngài bằng cách thành tâm cầu nguyện (Thi 39:12). Ngoài ra, chúng ta cũng cần siêng năng học Lời Đức Chúa Trời là Kinh Thánh để biết về ngài, ý định và ý muốn của ngài dành cho mình (2 Ti 3:16, 17). Khi làm thế, chúng ta học yêu mến ngài và vun trồng lòng kính sợ ngài.—Thi 25:14.
2 Tuy nhiên, chúng ta chỉ có thể đến gần Đức Giê-hô-va qua Con ngài là Chúa Giê-su (Giăng 17:3; Rô 5:10). Không người nào có thể giúp chúng ta hiểu rõ lối suy nghĩ của Đức Giê-hô-va hơn Chúa Giê-su. Ngài hiểu rõ về Cha đến mức có thể nói: “Không ai biết Con là ai, ngoại trừ Cha; và cũng không ai biết Cha là ai, ngoại trừ Con và người nào mà Con muốn tỏ cho biết” (Lu 10:22). Vì vậy, khi tìm hiểu về cảm xúc và suy nghĩ của Chúa Giê-su qua Phúc âm, chúng ta cũng đang học về cảm xúc và suy nghĩ của Đức Giê-hô-va. Sự hiểu biết này giúp chúng ta đến gần Đức Chúa Trời hơn.
3 Ngoài ra, chúng ta vun trồng mối quan hệ với Đức Giê-hô-va bằng cách gắn bó với phần hữu hình của tổ chức ngài, vì tổ chức này giúp mình biết cách làm theo ý muốn của ngài. Chúng ta ở dưới sự lãnh đạo của Con Đức Chúa Trời. Như được báo trước nơi Ma-thi-ơ 24:45-47, Chủ là Chúa Giê-su Ki-tô đã bổ nhiệm “đầy tớ trung tín và khôn ngoan” để cung cấp “thức ăn đúng giờ” cho người nhà. Ngày nay, đầy tớ trung tín cung cấp cho chúng ta dư dật thức ăn thiêng liêng. Qua phương tiện này, Đức Giê-hô-va bảo chúng ta đọc Lời ngài mỗi ngày, đều đặn tham dự nhóm họp và sốt sắng rao giảng ‘tin mừng về Nước Trời’ (Mat 24:14; 28:19, 20; Giô-suê 1:8; Thi 1:1-3). Chúng ta đừng bao giờ nhìn đầy tớ trung tín theo quan điểm của loài người, mà hãy gắn bó với phần hữu hình của tổ chức Đức Giê-hô-va và làm theo sự chỉ dẫn của tổ chức. Nhờ thế, chúng ta sẽ đến gần Đức Giê-hô-va hơn cũng như được thêm sức và che chở khi gặp thử thách.
TẠI SAO THỬ THÁCH GIA TĂNG?
4 Nếu đã bước theo chân lý nhiều năm, chắc chắn anh chị từng trải qua thử thách về lòng trọn thành. Nếu mới biết về Đức Giê-hô-va và kết hợp với dân ngài, anh chị cũng ý thức được rằng Sa-tan Ác Quỷ chống đối bất cứ ai phục tùng quyền cai trị của Đức Giê-hô-va (2 Ti 3:12). Dù gặp nhiều hay ít thử thách, anh chị đừng sợ hãi hoặc nản lòng. Đức Giê-hô-va đảm bảo là ngài sẽ nâng đỡ, giải cứu và ban cho anh chị sự sống vĩnh cửu.—Hê 13:5, 6; Khải 2:10.
5 Ai cũng có thể gặp thử thách trong những ngày sau cùng của thế gian Sa-tan. Kể từ khi Nước Trời được thành lập vào năm 1914, Sa-tan không còn được phép vào các tầng trời của Đức Giê-hô-va nữa. Hắn cùng các ác thần bị quăng xuống trái đất và bị giới hạn ở đó. Sa-tan giận dữ, vì thế hắn gây nhiều khốn khổ trên đất và bắt bớ các tôi tớ của Đức Giê-hô-va ngày càng gay gắt. Đây là bằng chứng cho thấy sự cai trị độc ác của hắn sắp kết thúc.—Khải 12:1-12.
6 Từ khi bị hạ bệ, Sa-tan giận dữ vì biết mình chỉ còn thời gian ngắn. Cùng với các quỷ, hắn dốc toàn lực để chống lại công việc rao giảng Nước Trời và phá vỡ sự hợp nhất của tôi tớ Đức Giê-hô-va. Thế nên chúng ta phải chiến đấu, không phải là “chiến đấu với con người mà với những kẻ cầm quyền chấp chính, với những kẻ cai trị thế gian tăm tối này, với các thế lực ác thần ở trên trời”. Nếu muốn đứng về phía Đức Giê-hô-va và thắng trận, chúng ta không được lơ là mà phải giữ cho bộ khí giới thiêng liêng nguyên vẹn và “đứng vững trước các mưu kế” của Ác Quỷ. Để làm thế, chúng ta cần có tính chịu đựng.—Ê-phê 6:10-17.
RÈN LUYỆN TÍNH CHỊU ĐỰNG
7 Chịu đựng là khả năng đương đầu với khó khăn hoặc nghịch cảnh. Trong Kinh Thánh, chịu đựng là kiên quyết làm điều đúng khi đứng trước sự khó khăn, chống đối, bắt bớ hoặc bất cứ điều gì khiến chúng ta bất trung với Đức Chúa Trời. Tính chịu đựng cần được rèn luyện, và điều này đòi hỏi thời gian. Càng tiến bộ về thiêng liêng, chúng ta càng tăng sức chịu đựng. Khi biết chịu đựng những thử thách nhỏ ban đầu, thì sau này chúng ta sẽ có đủ sức chịu đựng những thử thách lớn hơn trong cuộc đời một tín đồ (Lu 16:10). Chúng ta nên có lập trường kiên quyết từ trước thay vì chờ cho đến khi gặp thử thách lớn. Phi-e-rơ cho thấy tính chịu đựng cần được vun trồng cùng với các đức tính khác. Ông viết: “Hãy tha thiết dồn mọi nỗ lực để thêm cho đức tin mình sự nhân đức, thêm cho sự nhân đức sự hiểu biết, thêm cho sự hiểu biết tính tự chủ, thêm cho tính tự chủ sự chịu đựng, thêm cho sự chịu đựng lòng sùng kính, thêm cho lòng sùng kính tình huynh đệ, thêm cho tình huynh đệ tình yêu thương”.—2 Phi 1:5-7; 1 Ti 6:11.
Khả năng chịu đựng sẽ gia tăng từng ngày khi chúng ta đối phó và vượt qua thử thách
8 Gia-cơ cũng nói đến tầm quan trọng của việc rèn luyện tính chịu đựng khi viết: “Hỡi anh em của tôi, hãy vui mừng khi đương đầu với mọi loại thử thách, vì biết rằng đức tin đã qua thử thách thì sinh ra sự chịu đựng. Nhưng hãy để sự chịu đựng hoàn tất công việc của nó, hầu anh em được toàn vẹn và tốt đẹp về mọi mặt, không thiếu sót điều gì” (Gia 1:2-4). Gia-cơ nói rằng chúng ta nên sẵn sàng đối mặt và vui mừng trước thử thách vì những thử thách ấy giúp chúng ta rèn luyện tính chịu đựng. Anh chị có nhìn sự việc theo cách đó không? Gia-cơ cũng cho thấy sự chịu đựng có vai trò là giúp cho nhân cách của tín đồ chúng ta được toàn vẹn hầu được Đức Chúa Trời chấp nhận. Đúng vậy, khả năng chịu đựng sẽ gia tăng từng ngày khi chúng ta đối phó và vượt qua thử thách. Ngoài ra, tính chịu đựng cũng giúp rèn luyện những đức tính đáng chuộng khác mà chúng ta cần.
9 Gia-cơ nói tiếp: “Hạnh phúc cho người tiếp tục chịu đựng thử thách, vì khi đã được chấp nhận, người ấy sẽ nhận vương miện sự sống mà Đức Giê-hô-va hứa cho những ai luôn yêu thương ngài” (Gia 1:12). Khi có tính chịu đựng, chúng ta làm đẹp lòng Đức Giê-hô-va và sẽ được ngài ban phần thưởng là sự sống vĩnh cửu. Thật vậy, chúng ta chịu đựng vì hướng tới sự sống trong tương lai. Nếu không chịu đựng, chúng ta không thể tiếp tục đứng vững trong chân lý. Nếu chiều theo áp lực của thế gian, chúng ta sẽ bị kéo trở lại thế gian. Nếu không chịu đựng, chúng ta không thể nhận thần khí Đức Giê-hô-va, và do đó không thể biểu lộ bông trái của thần khí trong đời sống.
10 Để tiếp tục chịu đựng trong thời kỳ khó khăn này, chúng ta cần vun trồng thái độ đúng trước đau khổ mà mình gặp phải. Hãy nhớ lời khuyên của Gia-cơ: “Hãy vui mừng”. Điều này có lẽ không dễ vì thử thách thường khiến mình đau đớn về thân xác hoặc tinh thần. Nhưng hãy nhớ rằng sự sống tương lai tùy thuộc vào sự chịu đựng của chúng ta. Trường hợp của các sứ đồ giúp chúng ta hiểu làm thế nào mình có thể vui mừng khi đối mặt với thử thách. Lời tường thuật trong sách Công vụ cho biết: “Họ bèn truyền gọi các sứ đồ vào, đánh đòn và cấm không được nói nhân danh Chúa Giê-su nữa, rồi thả ra. Thế là các sứ đồ ra khỏi Tòa Tối Cao, rất vui mừng bởi đã được xem là xứng đáng để chịu sỉ nhục vì danh Chúa Giê-su” (Công 5:40, 41). Các sứ đồ hiểu rằng sự ngược đãi họ gặp là bằng chứng cho thấy họ đã vâng theo mệnh lệnh của Chúa Giê-su và được Đức Giê-hô-va chấp nhận. Nhiều năm sau đó, trong thư thứ nhất, Phi-e-rơ nói về lợi ích của việc chịu khổ vì cớ sự công chính.—1 Phi 4:12-16.
11 Trường hợp khác là Phao-lô và Si-la. Khi truyền giáo tại thành Phi-líp, họ bị bắt và bị buộc tội là gây rối loạn trong thành cũng như truyền bá những phong tục bất hợp pháp. Rồi họ bị đánh đập tàn nhẫn và bị tống vào tù. Kinh Thánh tường thuật rằng dù ở trong tù và không được chăm sóc vết thương nhưng “khoảng nửa đêm, Phao-lô và Si-la cầu nguyện, hát ngợi khen Đức Chúa Trời; các tù nhân khác đều nghe” (Công 16:16-25). Phao-lô và bạn đồng hành có quan điểm đúng trước sự đau khổ họ chịu vì Đấng Ki-tô, xem đó không chỉ là bằng chứng của lòng trọn thành trước mắt Đức Chúa Trời và loài người, mà còn là cơ hội làm chứng cho những ai muốn nghe tin mừng. Điều này liên quan đến sự sống còn của người khác. Đêm đó, viên cai tù cùng gia đình ông lắng nghe và trở thành môn đồ (Công 16:26-34). Phao-lô và Si-la tin cậy Đức Giê-hô-va, tin nơi quyền năng của ngài và tin rằng ngài sẵn lòng nâng đỡ họ trong cơn khốn khổ. Ngài quả đã giúp đỡ họ.
12 Ngày nay cũng thế, Đức Giê-hô-va ban mọi điều chúng ta cần để đứng vững trước thử thách vì muốn chúng ta chịu đựng. Ngài ban Kinh Thánh để chúng ta có sự hiểu biết chính xác về ý định của ngài, nhờ thế đức tin của chúng ta được củng cố. Ngoài ra, chúng ta có anh em đồng đạo cùng nhau hầu việc Đức Chúa Trời. Chúng ta cũng có đặc ân cầu nguyện với chính Đức Giê-hô-va để vun trồng mối quan hệ mật thiết với ngài. Ngài nghe cả những lời ngợi khen lẫn những lời nài xin để giúp mình giữ được vị thế trong sạch trước mắt ngài (Phi-líp 4:13). Cũng đừng bỏ qua một nguồn trợ lực khác là suy ngẫm về hy vọng đặt trước mặt mình.—Mat 24:13; Hê 6:18; Khải 21:1-4.
CHỊU ĐỰNG NHIỀU LOẠI THỬ THÁCH
13 Những thử thách mà chúng ta gặp phải ngày nay cũng giống như các thử thách mà môn đồ của Chúa Giê-su gặp phải vào thế kỷ thứ nhất. Nhân Chứng Giê-hô-va thời hiện đại bị sỉ nhục và đánh đập do kẻ chống đối không hiểu rõ sự việc hoặc bị lầm lạc. Cũng như vào thời các sứ đồ, sự chống đối phần lớn là do các phần tử tôn giáo cuồng tín gây ra khi những dạy dỗ và thực hành sai lầm của họ bị Lời Đức Chúa Trời vạch trần (Công 17:5-9, 13). Trong một số trường hợp, dân của Đức Giê-hô-va đã phải nhờ chính quyền bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình (Công 22:25; 25:11). Tuy nhiên, một số nhà cầm quyền cũng cấm đoán công việc rao giảng tin mừng nhằm dẹp bỏ hoạt động của tín đồ đạo Đấng Ki-tô (Thi 2:1-3). Khi hoàn cảnh như thế xảy ra, chúng ta dạn dĩ noi theo gương của các sứ đồ trung thành, những người đã nói: “Chúng tôi phải vâng lời Đức Chúa Trời hơn là vâng lời loài người”.—Công 5:29.
14 Chủ nghĩa dân tộc càng gia tăng thì những người rao giảng tin mừng càng chịu áp lực nặng nề để từ bỏ thánh chức. Vì thế, tất cả tôi tớ của Đức Chúa Trời càng phải để ý đến lời cảnh báo mà Giăng ghi lại nơi Khải huyền 14:9-12 liên quan đến những ai thờ “con thú dữ cùng tượng nó”. Chúng ta nhận ra tầm quan trọng của những lời sau đây: “Điều này đòi hỏi sự chịu đựng nơi những người thánh, tức những người giữ điều răn của Đức Chúa Trời và giữ vững đức tin nơi Chúa Giê-su”.
15 Các cuộc chiến tranh, nổi dậy, sự bắt bớ và cấm đoán của nhà cầm quyền có thể cản trở anh chị thờ phượng một cách công khai. Trong hoàn cảnh như thế, có thể buổi nhóm họp tại hội thánh bị hủy bỏ, liên lạc với văn phòng chi nhánh bị cắt đứt, cuộc viếng thăm của giám thị vòng quanh bị gián đoạn và sách báo không được gửi đến nữa. Nếu một trong những điều ấy xảy ra, anh chị nên làm gì?
16 Trong hoàn cảnh đó, hãy làm những gì có thể. Anh chị có thể tự học Kinh Thánh. Thường anh em có thể họp lại từng nhóm nhỏ tại nhà riêng để học hỏi. Có thể dùng sách báo từng học qua và Kinh Thánh để làm tài liệu căn bản cho buổi họp. Đừng nên lo lắng hay sợ hãi. Hội đồng Lãnh đạo thường sẽ sớm tìm cách liên lạc với những anh có trách nhiệm.
17 Cả khi anh chị bị ngăn cách với tất cả anh em đồng đạo, hãy nhớ rằng mình không bị ngăn cách với Đức Giê-hô-va và Con ngài là Chúa Giê-su. Niềm hy vọng của anh chị vẫn vững chắc. Đức Giê-hô-va vẫn lắng nghe lời cầu nguyện của anh chị và thêm sức cho anh chị qua thần khí. Hãy tìm kiếm sự hướng dẫn của ngài. Cũng hãy nhớ rằng anh chị là tôi tớ của Đức Giê-hô-va và môn đồ của Chúa Giê-su. Vì thế, hãy tận dụng cơ hội để làm chứng. Đức Giê-hô-va sẽ ban phước cho những nỗ lực của anh chị, có lẽ một số người sẽ hưởng ứng và cùng anh chị thờ phượng ngài.—Công 4:13-31; 5:27-42; Phi-líp 1:27-30; 4:6, 7; 2 Ti 4:16-18.
18 Nếu mạng sống của anh chị bị lâm nguy giống như các sứ đồ và một số anh em khác, hãy tin cậy Đức Chúa Trời, “đấng làm người chết sống lại” (2 Cô 1:8-10). Đức tin nơi sự sống lại có thể giúp anh chị chịu đựng ngay cả sự chống đối gay gắt nhất (Lu 21:19). Chúa Giê-su đã nêu gương về lòng trung thành trước thử thách, và ngài biết gương của mình sẽ giúp người khác được thêm sức để chịu đựng. Sự chịu đựng của anh chị cũng có thể thêm sức cho anh em đồng đạo.—Giăng 16:33; Hê 12:2, 3; 1 Phi 2:21.
19 Ngoài sự bắt bớ và chống đối, tín đồ đạo Đấng Ki-tô đương đầu với những khó khăn khác. Chẳng hạn, một số anh chị cảm thấy nản lòng vì người trong khu vực tỏ ra thờ ơ. Một số khác chống chọi với căn bệnh về thể chất hoặc tinh thần, hay đấu tranh với bản chất bất toàn của con người. Dường như sứ đồ Phao-lô đã phải chịu đựng một loại thử thách tương tự, gây trở ngại cho ông trong việc phụng sự (2 Cô 12:7). Trường hợp khác là của Ép-ba-phô-đi, một tín đồ đến từ thành Phi-líp. Ông ‘buồn nản do biết anh em đã nghe tin ông ngã bệnh’ (Phi-líp 2:25-27). Sự bất toàn của chúng ta và của người khác cũng có thể gây ra những vấn đề đặc biệt khó để chịu đựng. Có thể xảy ra sự va chạm do tính cách khác biệt giữa anh em, thậm chí giữa những người trong gia đình. Nhưng ai nghe theo lời khuyên trong Lời Đức Giê-hô-va có thể chịu đựng và vượt qua những trở ngại ấy.—Ê-xê 2:3-5; 1 Cô 9:27; 13:8; Cô 3:12-14; 1 Phi 4:8.
QUYẾT TÂM GIỮ LÒNG TRUNG THÀNH
20 Chúng ta phải luôn gắn bó với Chúa Giê-su, đấng mà Đức Giê-hô-va đã bổ nhiệm làm Đầu hội thánh (Cô 2:18, 19). Chúng ta cần hợp tác chặt chẽ với “đầy tớ trung tín và khôn ngoan” và các giám thị được bổ nhiệm (Hê 13:7, 17). Nhờ tuân theo sự sắp đặt thần quyền và hợp tác với những anh dẫn đầu, chúng ta sẽ được tổ chức để làm theo ý muốn của Đức Giê-hô-va. Chúng ta cần tận dụng đặc ân cầu nguyện. Hãy nhớ rằng ngay cả các bức tường nhà giam hoặc phòng biệt giam cũng không thể phá vỡ sự liên lạc của chúng ta với Cha yêu thương ở trên trời hoặc sự hợp nhất với anh em đồng đạo.
21 Với lòng kiên quyết và tinh thần chịu đựng, chúng ta hãy làm mọi điều để thi hành sứ mạng rao giảng và kiên trì trong công việc mà Chúa Giê-su giao sau khi ngài được sống lại: “Vậy, hãy đi đào tạo người từ muôn dân trở thành môn đồ tôi, làm phép báp-têm cho họ nhân danh Cha, Con và thần khí thánh, và dạy họ giữ mọi điều mà tôi đã truyền cho anh em” (Mat 28:19, 20). Giống như Chúa Giê-su, chúng ta hãy chịu đựng. Mong sao chúng ta giữ cho hy vọng về Nước Trời và triển vọng sống đời đời luôn rõ ràng trước mắt (Hê 12:2). Là môn đồ Chúa Giê-su, chúng ta có đặc ân góp phần làm ứng nghiệm lời tiên tri của ngài về “kỳ cuối cùng của thế gian này”. Ngài nói: “Tin mừng này về Nước Trời sẽ được rao truyền khắp đất để làm chứng cho muôn dân, bấy giờ sự kết thúc sẽ đến” (Mat 24:3, 14). Nếu hết lòng tham gia công việc rao giảng trong giai đoạn này, chúng ta sẽ vui mừng biết bao khi được hưởng sự sống vĩnh cửu trong thế giới mới công chính của Đức Giê-hô-va!