CHƯƠNG 16
Một đoàn thể anh em hợp nhất
Trong khoảng 1.500 năm, dân Y-sơ-ra-ên là dân được mang danh Đức Giê-hô-va. Sau đó, Đức Giê-hô-va ‘đoái đến dân ngoại để lấy ra một dân cho danh ngài’ (Công 15:14). Dân mang danh Đức Giê-hô-va sẽ là nhân chứng của ngài, hợp nhất trong suy nghĩ cũng như hành động dù họ sống ở bất cứ nơi nào. Những người này sẽ được thu nhóm qua công việc mà Chúa Giê-su giao cho các môn đồ: “Vậy, hãy đi đào tạo người từ muôn dân trở thành môn đồ tôi, làm phép báp-têm cho họ nhân danh Cha, Con và thần khí thánh, và dạy họ giữ mọi điều mà tôi đã truyền cho anh em”.—Mat 28:19, 20.
Anh chị thuộc về đoàn thể anh em hợp nhất trên khắp thế giới, không bị chia rẽ bởi quốc gia, chủng tộc hay sự giàu nghèo
2 Khi dâng mình cho Đức Giê-hô-va và báp-têm, anh chị trở thành môn đồ của Chúa Giê-su và thuộc về đoàn thể anh em hợp nhất trên khắp thế giới, không bị chia rẽ bởi quốc gia, chủng tộc hay sự giàu nghèo (Thi 133:1). Anh chị yêu thương và tôn trọng tất cả các anh em trong hội thánh, dù trước đây có thể anh chị xem thường hoặc không giao thiệp với một số người thuộc quốc gia, chủng tộc hay trình độ học vấn khác với mình. Tình huynh đệ ấy bền chặt hơn bất cứ mối quan hệ nào mà một người có thể có trong xã hội, tôn giáo hoặc gia đình.—Mác 10:29, 30; Cô 3:14; 1 Phi 1:22.
ĐIỀU CHỈNH LỐI SUY NGHĨ
3 Một số người thấy khó vượt qua thành kiến về chủng tộc, chính trị, xã hội hoặc những thành kiến khác đã ăn sâu vào lòng. Nếu vậy, hãy nghĩ đến các tín đồ gốc Do Thái thời ban đầu đã phải loại bỏ thành kiến tôn giáo đối với những người thuộc dân ngoại. Khi truyền lệnh cho Phi-e-rơ đến nhà một sĩ quan La Mã tên là Cọt-nây, Đức Giê-hô-va đã nhân từ chuẩn bị cho ông để thực hiện nhiệm vụ đó.—Công, chg 10.
4 Trong một khải tượng, Phi-e-rơ được lệnh giết và ăn thịt một số loài vật mà đối với người Do Thái là không tinh sạch. Khi ông từ chối, một tiếng từ trời phán: “Những gì Đức Chúa Trời đã làm cho sạch, anh đừng gọi là ô uế nữa” (Công 10:15). Nhờ sự can thiệp của Đức Chúa Trời mà Phi-e-rơ được chuẩn bị tâm lý để nhận nhiệm vụ là đến thăm một người dân ngoại. Khi đến nhà Cọt-nây theo mệnh lệnh của Đức Giê-hô-va, Phi-e-rơ tuyên bố: “Quý vị biết rõ người Do Thái không được phép giao thiệp hay tiếp xúc với người thuộc dân tộc khác, nhưng Đức Chúa Trời đã cho tôi thấy rằng tôi không được gọi người nào là ô uế hay chẳng tinh sạch. Vì thế, tôi không hề phản đối khi được mời đến đây” (Công 10:28, 29). Sau đó, Phi-e-rơ thấy rõ bằng chứng Đức Giê-hô-va chấp nhận Cọt-nây và gia đình ông.
5 Là người Pha-ri-si có học vấn cao, Sau-lơ quê ở Tạt-sơ đã hạ mình xuống và phụng sự cùng với những người mà trước kia ông không giao thiệp. Thậm chí ông còn nghe theo chỉ dẫn từ họ (Công 4:13; Ga 1:13-20; Phi-líp 3:4-11). Cũng hãy tưởng tượng những người như Sê-giút Phau-lút, Đi-ô-nê-xi, Đa-ma-ri, Phi-lê-môn, Ô-nê-sim và người khác đã phải điều chỉnh lối suy nghĩ như thế nào khi họ chấp nhận tin mừng và trở thành môn đồ của Chúa Giê-su.—Công 13:6-12; 17:22, 33, 34; Phi-lê 8-20.
GÌN GIỮ SỰ HỢP NHẤT CỦA ĐOÀN THỂ ANH EM QUỐC TẾ
6 Chắc chắn, tình yêu thương của anh em trong hội thánh đã góp phần thu hút anh chị đến gần Đức Giê-hô-va và tổ chức của ngài. Anh chị quan sát thấy họ thể hiện dấu hiệu nổi bật nhận diện môn đồ thật của Chúa Giê-su, như ngài phán: “Tôi ban cho anh em một điều răn mới, đó là anh em hãy yêu thương nhau; tôi đã yêu thương anh em thể nào thì anh em cũng hãy yêu thương nhau thể ấy. Bởi điều này mà mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đồ tôi: Đó là có tình yêu thương giữa anh em” (Giăng 13:34, 35). Khi nhận thấy tình yêu thương trong hội thánh phản ánh tình yêu thương của đoàn thể anh em quốc tế, anh chị càng yêu mến Đức Giê-hô-va và tổ chức của ngài hơn. Anh chị đang chứng kiến sự ứng nghiệm lời tiên tri trong Kinh Thánh về việc thu nhóm người ta trong những ngày sau cùng để thờ phượng Đức Giê-hô-va trong sự hòa thuận và hợp nhất.—Mi 4:1-5.
7 Trong một thế gian có nhiều điều gây chia rẽ, thật khó để tin rằng người “từ mọi nước, mọi chi phái, mọi dân và mọi thứ tiếng” có thể hợp nhất với nhau (Khải 7:9). Hãy nghĩ đến sự khác biệt giữa những người sống ở xã hội hiện đại và những người sống trong các bộ lạc biệt lập, hay các cuộc hiềm khích về tôn giáo giữa những người cùng chủng tộc và quốc tịch. Chủ nghĩa dân tộc nổi lên ngày càng mạnh khiến người ta bị chia rẽ về chính trị hơn bao giờ hết. Cũng hãy nghĩ đến sự bất bình đẳng kinh tế cũng như vô số yếu tố khác gây chia rẽ. Trong một thế gian như thế, việc hợp nhất người từ mọi nước, mọi ngôn ngữ, mọi tầng lớp trong tình yêu thương và hòa thuận là một phép lạ mà chỉ Đức Chúa Trời Toàn Năng mới có thể làm được.—Xa 4:6.
8 Sự hợp nhất như thế là điều có thật ngày nay. Khi trở thành một Nhân Chứng đã dâng mình và báp-têm, anh chị trở thành một phần của đoàn thể anh em hợp nhất. Vì được hưởng sự hợp nhất như thế, anh chị có trách nhiệm gìn giữ bằng cách làm theo những lời của sứ đồ Phao-lô nơi Ga-la-ti 6:10: “Trong khi còn cơ hội, chúng ta hãy làm điều lành cho mọi người, nhất là cho anh em đồng đức tin”. Chúng ta cũng muốn làm theo lời khuyên sau: “Đừng làm việc gì vì ưa tranh cãi hay vì tự cao, nhưng hãy khiêm nhường xem người khác cao hơn mình, đồng thời hãy quan tâm đến lợi ích của người khác, chứ không chỉ quan tâm đến lợi ích của riêng mình” (Phi-líp 2:3, 4). Khi tập nhìn anh em theo quan điểm của Đức Giê-hô-va thay vì dựa vào bề ngoài, chúng ta sẽ giữ được mối quan hệ hòa thuận và tốt đẹp với nhau.—Ê-phê 4:23, 24.
QUAN TÂM LẪN NHAU
9 Như sứ đồ Phao-lô minh họa, hội thánh là một thân thể và mỗi anh em đều quan tâm lẫn nhau (1 Cô 12:14-26). Dù ở xa một số anh chị trên thế giới, nhưng chúng ta vẫn quan tâm đến tình trạng của họ. Nếu một số anh chị bị bắt bớ, chúng ta rất đau buồn. Nếu một số anh chị bị thiếu thốn về vật chất hoặc là nạn nhân của thảm họa, chiến tranh hoặc nội chiến, chúng ta nóng lòng tìm cách giúp họ về thiêng liêng lẫn vật chất.—2 Cô 1:8-11.
10 Mỗi ngày, tất cả chúng ta nên cầu nguyện cho anh em. Một số anh chị đang đương đầu với cám dỗ làm điều xấu. Một số anh chị gặp những vấn đề mà nhiều anh em biết đến, số khác đương đầu với những vấn đề mà ít ai biết đến, chẳng hạn như sự chống đối của đồng nghiệp và gia đình (Mat 10:35, 36; 1 Tê 2:14). Chúng ta quan tâm đến họ vì cùng thuộc về một đoàn thể anh em quốc tế (1 Phi 5:9). Ngoài ra, trong vòng chúng ta có những anh em sốt sắng phụng sự Đức Giê-hô-va bằng cách dẫn đầu trong công việc rao giảng hoặc coi sóc hội thánh. Cũng có những anh trông nom hoạt động trên khắp thế giới. Chúng ta muốn cầu nguyện cho tất cả những anh chị này. Ngay cả khi chúng ta không thể làm gì để giúp anh em thì việc cầu nguyện cũng chứng tỏ mình thật lòng quan tâm và yêu thương họ.—Ê-phê 1:16; 1 Tê 1:2, 3; 5:25.
11 Trong những ngày sau cùng đầy khó khăn, dân Đức Giê-hô-va phải sẵn sàng giúp đỡ lẫn nhau. Khi thảm họa xảy ra như động đất và lũ lụt, họ tổ chức các đợt cứu trợ có quy mô lớn và hỗ trợ anh em về vật chất. Các tín đồ vào thế kỷ thứ nhất đã nêu gương về phương diện này. Nhớ lại lời khuyên của Chúa Giê-su, các môn đồ sống tại An-ti-ốt vui lòng gửi quà cứu trợ cho anh em ở xứ Giu-đê (Công 11:27-30; 20:35). Sứ đồ Phao-lô đã khuyến khích anh em ở thành Cô-rinh-tô ủng hộ công tác cứu trợ được tổ chức (2 Cô 9:1-15). Thời nay, khi anh em gặp thảm họa và cần được giúp đỡ, cả tổ chức lẫn mỗi cá nhân nhanh chóng hành động và cung cấp những điều cần thiết.
ĐƯỢC BIỆT RIÊNG ĐỂ LÀM THEO Ý MUỐN ĐỨC GIÊ-HÔ-VA
12 Đoàn thể anh em hợp nhất trên khắp thế giới được tổ chức để làm theo ý muốn của Đức Giê-hô-va. Trong thời kỳ này, ý muốn của ngài là tin mừng về Nước Trời được rao truyền khắp đất để làm chứng cho muôn dân (Mat 24:14). Khi làm công việc này, Đức Giê-hô-va muốn chúng ta cư xử phù hợp với tiêu chuẩn đạo đức cao của ngài (1 Phi 1:14-16). Chúng ta nên sẵn lòng vâng phục lẫn nhau và làm việc để đẩy mạnh tin mừng (Ê-phê 5:21). Đây không phải là lúc tìm kiếm lợi riêng, nhưng là lúc đặt Nước Trời lên hàng đầu trong đời sống (Mat 6:33). Nếu ghi nhớ điều này và cùng làm việc với nhau vì cớ tin mừng, chúng ta sẽ có niềm vui và sự thỏa lòng ngay bây giờ cũng như ân phước vĩnh cửu trong tương lai.
13 Nhân Chứng Giê-hô-va là dân có một không hai, được biệt riêng ra để sốt sắng phụng sự Đức Chúa Trời (Tít 2:14). Chính việc phụng sự ngài khiến chúng ta khác biệt. Chúng ta không chỉ kề vai sát cánh hầu việc với anh em khắp đất, mà còn nói cùng ngôn ngữ thanh sạch của chân lý và hành động phù hợp với lời nói. Điều này đã được nhà tiên tri Xô-phô-ni của Đức Giê-hô-va báo trước: “Ta sẽ đổi ngôn ngữ các dân thành ngôn ngữ thanh sạch, để hết thảy kêu cầu danh Đức Giê-hô-va và kề vai sát cánh hầu việc ngài”.—Xô 3:9.
14 Đức Giê-hô-va cũng soi dẫn Xô-phô-ni miêu tả về đoàn thể anh em quốc tế có thật thời nay: “Dân sót lại của Y-sơ-ra-ên sẽ không làm điều bất chính; họ sẽ không nói dối, không có lưỡi gian dối nơi miệng; họ sẽ ăn và nằm nghỉ, không ai làm cho sợ hãi” (Xô 3:13). Nhờ hiểu chân lý trong Lời Đức Chúa Trời, biến đổi tâm trí cũng như thay đổi lối sống cho phù hợp với các tiêu chuẩn của ngài, chúng ta có thể đoàn kết làm việc với nhau. Chúng ta thực hiện được điều mà theo quan điểm của loài người thì không thể làm được. Thật vậy, chúng ta quả là một dân khác biệt, một dân tôn kính Đức Chúa Trời trên khắp trái đất.—Mi 2:12.