‘Tôi có nên làm báp têm không?’
TRONG tất cả những điều mà chúng ta phải quyết định trong cuộc sống, có lẽ không một quyết định nào quan trọng hơn là vấn đề: ‘Tôi có nên làm báp têm không?’ Tại sao vấn đề đó lại quan trọng đến thế? Bởi vì quyết định của chúng ta về vấn đề này không những ảnh hưởng trực tiếp đến nếp sống chúng ta hiện nay mà lại còn ảnh hưởng đến hạnh phúc đời đời của chúng ta nữa.
Bạn có đứng trước quyết định này không? Có lẽ bạn học Kinh-thánh với Nhân-chứng Giê-hô-va được một thời gian, hoặc được cha mẹ dạy Kinh-thánh từ thuở nhỏ. Giờ đây bạn đã tiến đến giai đoạn phải quyết định xem mình nên làm gì. Để giúp bạn có thể đi đến quyết định đúng đắn, bạn cần hiểu báp têm bao gồm những gì và ai nên làm báp têm.
Báp têm bao gồm những gì
Giống như một hôn lễ, phép báp têm là một nghi lễ để long trọng hóa một mối quan hệ. Trong trường hợp hôn lễ, mối quan hệ giữa người nam và người nữ đã trở nên mật thiết hơn trước đó. Hôn lễ chỉ là việc công khai hóa những gì họ đã ưng thuận riêng với nhau. Nói cách khác, cả hai giờ đây đã thật sự kết hôn. Điều này đem lại nhiều đặc ân dành cho cặp hôn phối và cũng đem lại nhiều trách nhiệm mà họ phải chu toàn trong cuộc sống lứa đôi.
Việc làm báp têm cũng tương tợ như thế. Khi học Kinh-thánh, chúng ta biết được Đức Giê-hô-va làm những điều đầy yêu thương cho chúng ta. Ngài không những ban cho chúng ta sự sống và mọi thứ cần thiết để duy trì sự sống, nhưng Ngài còn ban cho chúng ta Con yêu dấu duy nhất của Ngài để mở đường cho nhân loại tội lỗi có được mối quan hệ với Ngài và có được sự sống đời đời trong địa đàng trên đất. Khi chúng ta suy gẫm về mọi điều này, chẳng lẽ chúng ta không cảm động và muốn làm một điều gì để đền ơn Ngài hay sao?
Vậy chúng ta có thể làm gì? Giê-su Christ là Con Đức Chúa Trời nói với chúng ta: “Nếu ai muốn theo ta, thì phải liều mình, vác thập-tự-giá mình mà theo ta” (Ma-thi-ơ 16:24). Đúng vậy chúng ta có thể trở thành môn đồ của Giê-su Christ, noi theo gương ngài trong việc phục vụ cho quyền lợi của Cha ngài là Đức Giê-hô-va. Tuy nhiên, làm công việc đó đòi hỏi chúng ta phải “liều mình”, nghĩa là sẵn lòng quyết định đặt ý muốn Đức Chúa Trời lên hàng đầu; điều này bao gồm sự hiến dâng hoặc dâng đời sống mình để làm ý muốn của Ngài. Một buổi lễ công cộng được tổ chức để cho mọi người biết quyết định tự nguyện và riêng tư này. Phép báp têm trong nước là nghi lễ đó để tượng trưng một cách công khai sự dâng mình của chúng ta cho Đức Chúa Trời.
Ai nên làm báp têm?
Giê-su Christ ra chỉ thị cho các môn đồ của ngài ‘đi dạy-dỗ muôn-dân, hãy nhơn danh Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh-Linh mà làm phép báp-têm cho họ, và dạy họ giữ hết cả mọi điều mà ngài đã truyền cho môn đồ’ (Ma-thi-ơ 28:19, 20). Thật rõ ràng là những người làm báp têm cần phải có một mức độ chín chắn trong tâm trí của họ. Qua sự học hỏi cá nhân về Lời Đức Chúa Trời, họ hiểu được rằng mình cần phải “ăn-năn và trở lại” để từ bỏ lối sống trước kia (Công-vụ các Sứ-đồ 3:19). Kế tiếp, họ thấy sự cần thiết thi hành công việc rao giảng mà Giê-su Christ đã làm và trở thành tín đồ của ngài. Tất cả những điều này phải được thực hiện trước khi làm báp têm.
Bạn đã đạt đến mức độ này trong sự tiến bộ về mặt thiêng liêng chưa? Bạn có ao ước được phụng sự Đức Chúa Trời không? Nếu có, bạn hãy xem xét một cách thành khẩn câu chuyện về hoạn quan Ê-thi-ô-bi được chép trong đoạn 8 của sách Công-vụ các Sứ-đồ 8. Khi được nghe giải thích về những lời tiên tri về Giê-su là đấng Mê-si, thì ông tự xét lòng và trí mình và rồi hỏi rằng: “Có sự gì ngăn-cấm tôi chịu phép báp-têm chăng?” Hiển nhiên, không có gì ngăn cấm ông cả; vì vậy ông đã làm báp têm (Công-vụ các Sứ-đồ 8:26-38).
Ngày nay nhiều người cũng đặt câu hỏi đó: “Có sự gì ngăn cấm tôi làm báp têm không?” Kết quả là vào năm 1992 đã có đến 301.002 người dâng mình và làm báp têm. Điều này đem lại sự vui mừng lớn cho cả dân sự Đức Giê-hô-va, và các trưởng lão trong các hội-thánh rất vui lòng giúp đỡ những người khác có lòng ngay thẳng tiến bộ và hội đủ điều kiện để làm báp têm.
Tuy nhiên, có thể các trưởng lão trong hội-thánh đề nghị bạn nên đợi. Hoặc nếu bạn là thiếu niên hay thiếu nữ, cha mẹ bảo bạn nên đợi. Vậy bạn phải xử trí thế nào? Bạn đừng ngã lòng. Hãy nhớ rằng thiết lập mối quan hệ cá nhân với Đấng Tối Cao là một vấn đề rất hệ trọng. Có những tiêu chuẩn cao cần phải đạt và duy trì. Vậy, bạn hãy nghe lời và hết lòng áp dụng những lời đề nghị ấy. Nếu bạn không hoàn toàn hiểu được những lý do được đưa ra, đừng e dè, nhưng hãy hỏi cho đến khi thật sự hiểu được bạn cần phải chuẩn bị những điều gì để làm báp têm.
Mặt khác, có những kẻ do dự đi đến một quyết định quan trọng. Bạn có trong số đó chăng? Dĩ nhiên, có thể có những lý do rõ ràng tại sao bạn trì hoãn sự dâng mình và báp têm. Nhưng nếu bạn hội đủ điều kiện và vẫn còn do dự thì nên tự hỏi: “Điều gì ngăn cản tôi làm báp têm?” Hãy phân tích một cách thành khẩn và xem có lý do chính đáng nào phải từ khước lời mời của Đức Giê-hô-va để lập mối quan hệ cá nhân với Ngài.
“Tôi còn trẻ quá”
Nếu bạn hãy còn trẻ, bạn có thể nghĩ rằng: “Tôi còn trẻ quá”. Đúng thế, miễn là những người còn trẻ tiếp tục vâng lời và làm theo lời cha mẹ là tín đồ đấng Christ và cố hết sức áp dụng lời Kinh-thánh, chúng có thể tin chắc rằng Đức Giê-hô-va xem họ như được nên “thánh”. Thật ra, Kinh-thánh nói cho chúng ta biết rằng Đức Chúa Trời chấp nhận các bậc cha mẹ công bình và Ngài cũng chấp nhận luôn cả các con cái còn đang phụ thuộc vào cha mẹ (I Cô-rinh-tô 7:14). Tuy nhiên, Kinh-thánh không ấn định đến tuổi nào thì sự phụ thuộc này chấm dứt. Do đó, điều quan trọng là các tín đồ đấng Christ trẻ tuổi nên suy nghĩ nghiêm chỉnh câu hỏi: “Tôi có nên làm báp têm không?”
Kinh-thánh khuyên nhủ các người trẻ “trong buổi còn thơ-ấu hãy tưởng-nhớ Đấng Tạo-Hóa ngươi” (Truyền-đạo 12:1). Về điểm này, chúng ta có gương của người trẻ tuổi Sa-mu-ên. Sa-mu-ên đã “phục-sự trước mặt Đức Giê-hô-va. Người hãy còn thơ-ấu”. Chúng ta cũng có gương của Ti-mô-thê, là người từ khi còn thơ ấu đã ghi vào lòng lẽ thật mà mẹ và bà ngoại dạy cho (I Sa-mu-ên 2:18; II Ti-mô-thê 1:5; 3:14, 15).
Ngày nay cũng thế, có nhiều người trẻ đã dâng đời sống mình để phụng sự Đức Giê-hô-va. Akifusa, một thiếu niên 15 tuổi, nói rằng chính một bài giảng trong Buổi Nhóm họp Công tác là điều đã giúp em quyết định làm báp têm. Còn cô bé Ayumi thì làm báp têm lúc em lên mười. Em muốn phụng sự Đức Giê-hô-va vì em thật sự yêu mến Ngài. Bây giờ em 13 tuổi và vừa chứng kiến một em khác học hỏi Kinh-thánh với mình cũng học yêu mến Đức Giê-hô-va và làm báp têm lúc 12 tuổi. Em trai của Ayumi là Hikaru cũng làm báp têm khi lên 10 tuổi. Em nói rằng “một số người nói em còn bé quá, nhưng Đức Giê-hô-va biết em nghĩ gì. Em nhất quyết làm báp têm một khi em quyết định dâng đời sống em để phụng sự Ngài với tất cả những gì em có”.
Gương của cha mẹ cũng là một yếu tố, như được thấy trong trường hợp của một em gái. Cha em cấm không cho mẹ dạy Kinh-thánh cho em cùng em trai và em gái của em. Ông đánh đập và đốt sách vở của vợ con. Nhưng nhờ sự nhịn nhục và đức tin của người mẹ, những người con thấy rõ sự quan trọng của việc phụng sự Đức Giê-hô-va. Em gái này làm báp têm lúc 13 tuổi, và hai người em trai và em gái cũng theo gương của chị mà làm báp têm.
“Tôi già quá rồi”
Người viết Thi-thiên có nói: “Người già-cả cùng con nhỏ: cả thảy khá ngợi-khen danh Đức Giê-hô-va” (Thi-thiên 148:12, 13). Đúng, những người lớn tuổi cũng phải nhận biết rằng cần phải đứng về phía Đức Giê-hô-va. Tuy nhiên, một số người lớn tuổi có khuynh hướng muốn tránh những sự thay đổi. Họ cho rằng “ngựa quen đường cũ”. Dù sao, hãy nhớ là Đức Giê-hô-va phán cùng người trung thành Áp-ra-ham lúc ông được 75 tuổi: “Hãy ra khỏi quê-hương và bà-con ngươi, mà đi đến xứ ta sẽ chỉ cho” (Công-vụ các Sứ-đồ 7:3; Sáng-thế Ký 12:1, 4). Môi-se được 80 tuổi khi Đức Giê-hô-va ra lệnh cho ông: “[Hãy] dắt dân ta... ra khỏi xứ Ê-díp-tô” (Xuất Ê-díp-tô Ký 3:10). Những người này và những người khác thảy đều có cuộc sống vững vàng khi Đức Giê-hô-va bảo họ biểu lộ lòng kính mến và sự tận tụy của họ đối với Ngài. Họ không ngần ngại đáp lại lời kêu gọi của Đức Giê-hô-va.
Ngày nay thì sao? Shizumu trước kia theo Phật giáo được 78 năm cho tới khi ông bắt đầu học Kinh-thánh. Ông bị gia đình chống đối và lại còn bị cấm học Kinh-thánh ngay tại nhà mình nữa. Chỉ sau một năm, ông nhận thấy cần phải dâng mình cho Đức Giê-hô-va, và ông làm báp têm. Tại sao ông đi đến sự thay đổi như vậy? Ông nói: “Từ nhiều năm qua tôi đã bị tôn giáo giả lừa gạt, và tôi muốn tiếp tục mãi mãi nhận được lẽ thật từ Đức Giê-hô-va”.
‘Bây giờ sự ấy cứu anh em’
Thời gian còn lại chẳng là bao nhiêu. mạng sống của mọi người, ngay cả của chính bạn, đang bị đe dọa. Vậy bạn cần phải gấp rút suy xét nghiêm chỉnh việc dâng mình cho Đức Giê-hô-va và biểu hiệu điều ấy bằng việc trầm mình làm báp têm. Sứ đồ Phi-e-rơ nhấn mạnh điều này khi ông nói: “Phép báp têm bây giờ bèn là... để cứu anh em”. Ông giải thích thêm rằng phép báp têm “chẳng phải sự làm sạch ô-uế của thân-thể” (vì người dự định làm báp têm trước đó đã phải làm việc này rồi nếu muốn hội đủ điều kiện) “nhưng một sự liên-lạc lương-tâm tốt với Đức Chúa Trời” (I Phi-e-rơ 3:21).
Một tín đồ đã làm báp têm có được lương tâm tốt nhờ đạt được những tiêu chuẩn của Đức Giê-hô-va. Bằng cách tiếp tục hết lòng phụng sự Đức Giê-hô-va, người ấy được bình an trong tâm thần và cảm thấy mãn nguyện (Gia-cơ 1:25). Trên hết mọi sự, người ấy có thể chắc chắn mong đợi những ân phước vô tận đến từ Đức Giê-hô-va trong hệ thống mới sắp đến. Mong rằng đó là phần của bạn khi bạn trả lời một cách xác định câu hỏi: “Tôi có nên làm báp têm không?”
[Hình nơi trang 21]
Khi còn thơ ấu Sa-mu-ên phụng sự Đức Giê-hô-va
[Hình nơi trang 22]
Khi Môi-se 80 tuổi, ông được Đức Giê-hô-va giao phó trách nhiệm
[Hình nơi trang 23]
Ngày nay những người già lẫn trẻ làm báp têm rồi đều có thể mong đợi những ân phước bất tận trong hệ thống mới của Đức Chúa Trời