Hãy chăn bầy của Đức Chúa Trời một cách vui lòng
“Hãy chăn bầy của Đức Chúa Trời đã giao-phó cho anh em; làm việc đó chẳng phải bởi ép tình, bèn là bởi vui lòng” (I PHI-E-RƠ 5:2).
1. Tại sao chúng ta nghĩ rằng các trưởng lão đạo đấng Christ phải ‘chăn bầy của Đức Chúa Trời một cách vui lòng’?
ĐỨC GIÊ-HÔ-VA vui lòng chăn giữ dân sự Ngài (Thi-thiên 23:1-4). “Người chăn hiền-lành”, Giê-su Christ, vui lòng phó sự sống hoàn toàn của ngài cho những người giống như chiên (Giăng 10:11-15). Vì thế, sứ đồ Phi-e-rơ khuyến khích các trưởng lão đạo đấng Christ ‘hãy chăn bầy một cách vui lòng’ (I Phi-e-rơ 5:2).
2. Các câu hỏi nào đáng được xem xét khi bàn về những hoạt động chăn chiên của trưởng lão?
2 Sự vui lòng là đặc điểm của tôi tớ Đức Chúa Trời (Thi-thiên 110:3). Nhưng để được bổ nhiệm làm giám thị hoặc người chăn chiên, nam tín đồ đấng Christ phải hội đủ nhiều điều kiện hơn là chỉ có đức tính vui lòng. Ai hội đủ điều kiện để trở thành những người chăn chiên đó? Việc chăn chiên bao hàm điều gì? Làm việc chăn chiên thế nào cho được kết quả tốt nhất?
Cai trị nhà mình
3. Tại sao người ta có thể nói là cách mà người nam tín đồ đấng Christ chăm sóc gia đình ảnh hưởng đến việc người đó có hội đủ điều kiện hay không để trở thành người chăn chiên trong hội thánh?
3 Trước khi một anh có thể được bổ nhiệm “làm giám thị”, anh phải hội đủ các điều kiện nêu ra trong Kinh-thánh (I Ti-mô-thê 3:1-7; Tít 1:5-9, NW). Một điều là sứ đồ Phao-lô nói rằng người giám thị “phải khéo cai-trị nhà riêng mình, giữ con-cái mình cho vâng-phục và ngay-thật trọn-vẹn”. Có lý do tốt cho điều này vì Phao-lô nói: “Vì nếu có ai không biết cai-trị nhà riêng mình, thì làm sao cai-trị được Hội-thánh của Đức Chúa Trời?” (I Ti-mô-thê 3:4, 5). Khi bổ nhiệm các trưởng lão trong hội thánh trên đảo Cơ-rết, Tít được căn dặn tìm “[người nào] không chỗ trách được, chỉ chồng của một vợ; con-cái phải tin Chúa, không được bị cáo là buông-tuồng hoặc ngỗ-nghịch” (Tít 1:6). Vâng, phải xem xét cách người nam tín đồ đấng Christ chăm sóc gia đình trước khi quyết định người đó có hội đủ điều kiện hay không để gánh vác trách nhiệm nặng nề hơn, tức chăm sóc hội thánh.
4. Ngoài việc học hỏi Kinh-thánh đều đặn và cầu nguyện, các bậc cha mẹ theo đạo đấng Christ bày tỏ sự yêu thương gia đình như thế nào?
4 Những nam tín đồ đấng Christ khéo cai trị nhà mình không chỉ cầu nguyện và học Kinh-thánh đều đặn với gia đình. Họ luôn luôn sẵn sàng giúp đỡ những người thân yêu. Đối với những người trở thành bậc cha mẹ, công việc này bắt đầu từ ngày đứa bé ra đời. Cha mẹ theo đạo đấng Christ biết rằng họ càng giữ kỹ những sinh hoạt thờ phượng Đức Chúa Trời thường làm hằng ngày, thì đứa trẻ càng chóng thích hợp với lề thói sinh hoạt của họ. Việc người cha theo đạo đấng Christ cai trị khéo léo ra sao trong những trường hợp này phản ảnh khả năng làm trưởng lão của người đó (Ê-phê-sô 5:15, 16; Phi-líp 3:16).
5. Người cha theo đạo đấng Christ “dùng sự sửa-phạt khuyên-bảo của Chúa” để dạy dỗ con cái như thế nào?
5 Trong việc cai trị gia đình, một người cha tận tâm làm theo lời khuyên của Phao-lô: “Chớ chọc cho con-cái mình giận-dữ, hãy dùng sự sửa-phạt khuyên-bảo của Chúa mà nuôi-nấng chúng nó” (Ê-phê-sô 6:4). Học Kinh-thánh đều đặn với gia đình, cả vợ và con cái, cho người cha nhiều cơ hội tốt để dạy dỗ trong tình yêu thương. Như thế, con cái được “sửa-phạt”, hay được dạy dỗ để sửa chữa. Làm thế, sự “khuyên-bảo” sẽ giúp mỗi đứa con biết quan điểm của Đức Giê-hô-va (Phục-truyền Luật-lệ Ký 4:9; 6:6, 7; Châm-ngôn 3:11; 22:6). Trong bầu không khí thoải mái của sự xum vầy có tính cách thiêng liêng này, người cha quan tâm chú ý lắng nghe khi con cái nói. Người cha đặt những câu hỏi thân mật để gợi cho con cái phát biểu thành thật về mối quan tâm và thái độ của chúng. Người cha không cho rằng mình biết tất cả những điều con cái nghĩ trong bộ óc non trẻ của chúng. Quả thật, Châm-ngôn 18:13 nói: “Trả lời trước khi nghe, ấy là sự điên-dại và hổ-thẹn cho ai làm vậy”. Ngày nay, phần lớn bậc cha mẹ thấy rằng những hoàn cảnh mà con cái họ gặp phải thật khác xa với những hoàn cảnh mà chính họ đã trải qua khi còn trẻ. Cho nên người cha sẽ gắng sức tìm hiểu bối cảnh và chi tiết của vấn đề trước khi nói vấn đề đó nên giải quyết thế nào. (So sánh Gia-cơ 1:19).
6. Tại sao người cha theo đạo đấng Christ nên tra cứu Lời Đức Chúa Trời khi giúp đỡ gia đình?
6 Chuyện gì xảy ra sau khi biết được vấn đề, mối băn khoăn và thái độ của con cái? Người cha khéo cai trị nhà mình tra cứu Kinh-thánh, là cuốn sách “có ích cho sự dạy-dỗ, bẻ-trách, sửa-trị, dạy người trong sự công-bình”. Ông dạy con cái cách áp dụng các nguyên tắc Kinh-thánh được Đức Chúa Trời soi dẫn. Bằng cách này, những người trẻ tuổi trở nên “trọn-vẹn và sắm sẵn để làm mọi việc lành” (II Ti-mô-thê 3:16, 17; Thi-thiên 78:1-4).
7. Người cha theo đạo đấng Christ nên nêu gương gì về việc cầu nguyện?
7 Những người trẻ tin kính Đức Chúa Trời phải đối phó với những hoàn cảnh khó khăn liên quan đến bạn học thế gian. Như vậy thì làm sao những người cha có thể làm dịu đi nỗi lo sợ của con cái? Một cách là thường xuyên cầu nguyện với chúng và cho chúng. Khi những người trẻ phải đối phó với những hoàn cảnh thử thách khó khăn, chúng rất có thể sẽ theo gương cha mẹ nương tựa vào Đức Chúa Trời. Người ta phỏng vấn một em gái 13 tuổi trước khi em làm báp têm biểu hiệu sự dâng mình cho Đức Chúa Trời và em cho biết là em đã bị những đứa trẻ cùng trường chế giễu và hiếp đáp. Khi biện hộ niềm tin dựa trên Kinh-thánh về việc không dùng máu, em bị những đứa trẻ gái khác đánh và nhổ nước miếng (Công-vụ các Sứ-đồ 15:28, 29). Em có trả miếng không? Không. Em giải thích: “Em tiếp tục cầu xin Đức Giê-hô-va giúp em giữ bình tĩnh. Em cũng nhớ điều ba má đã dạy trong buổi học Kinh-thánh gia đình về sự cần thiết phải nhịn nhục” (II Ti-mô-thê 2:24).
8. Trưởng lão không có con cái có thể khéo cai trị nhà mình thế nào?
8 Người trưởng lão không có con cái cũng có thể cung cấp đầy đủ về thiêng liêng và vật chất cho những người trong gia đình. Điều này kể cả người hôn phối và có thể cả bà con họ hàng theo đạo cư ngụ trong nhà và phụ thuộc vào anh (I Ti-mô-thê 5:8). Vì thế, khéo cai trị là một trong các điều kiện mà một người đàn ông phải hội đủ hầu được bổ nhiệm làm trưởng lão để gánh vác trách nhiệm trong hội thánh. Vậy thì các trưởng lão được bổ nhiệm nên xem đặc ân có trách nhiệm trong hội thánh như thế nào?
“Siêng-năng mà cai-trị”
9. Các trưởng lão nên có thái độ nào đối với công việc được giao phó?
9 Vào thế kỷ thứ nhất công nguyên, sứ đồ Phao-lô phụng sự với tư cách người quản gia trong nhà Đức Chúa Trời, tức hội thánh tín đồ đấng Christ dưới quyền làm đầu của đấng Christ (Ê-phê-sô 3:2, 7; 4:15). Phao-lô khuyên các tín đồ ở thành Rô-ma: “Vì chúng ta có các sự ban-cho khác nhau, tùy theo ơn đã ban cho chúng ta, ai được ban cho nói tiên-tri, hãy tập nói theo lượng đức-tin; ai được gọi đến làm chức-vụ, hãy buộc mình vào chức-vụ; ai dạy-dỗ, hãy chăm mà dạy-dỗ; ai gánh việc khuyên-bảo, hãy khuyên-bảo; ai bố-thí, hãy lấy lòng rộng-rãi mà bố-thí; ai cai-trị, hãy siêng-năng mà cai-trị; ai làm sự thương-xót, hãy lấy lòng vui mà làm” (Rô-ma 12:6-8).
10. Trong việc trông nom bầy của Đức Chúa Trời, Phao-lô nêu gương gì cho các trưởng lão ngày nay?
10 Phao-lô nhắc người Tê-sa-lô-ni-ca: “Anh em cũng biết rằng chúng tôi đối-đãi với mỗi người trong anh em, như cha đối với con, khuyên-lơn, yên-ủi, và nài-xin anh em ăn-ở một cách xứng-đáng với Đức Chúa Trời, là Đấng gọi anh em đến nước Ngài và sự vinh-hiển Ngài” (I Tê-sa-lô-ni-ca 1:1; 2:11, 12). Phao-lô dịu dàng, yêu thương khuyên họ nên ông có thể viết: “Chúng tôi đã ăn-ở nhu-mì giữa anh em, như một người vú săn-sóc chính con mình cách dịu-dàng vậy. Vậy, vì lòng rất yêu-thương của chúng tôi đối với anh em, nên ước-ao ban cho anh em, không những Tin-lành Đức Chúa Trời thôi đâu, song cả đến chính sự sống chúng tôi nữa, bởi anh em đã trở nên thiết-nghĩa với chúng tôi là bao” (I Tê-sa-lô-ni-ca 2:7, 8). Phù hợp với gương mẫu của Phao-lô hành động như một người cha, các trưởng lão trung thành bày tỏ sự quan tâm sâu đậm đối với mọi người trong hội thánh.
11. Các trưởng lão được bổ nhiệm có thể bày tỏ lòng hăng hái thế nào?
11 Sự dịu dàng cùng với lòng sốt sắng là những đặc điểm mà người chăn chiên trung thành theo đạo đấng Christ phải bày tỏ trong việc yêu thương trông coi hội thánh. Cách xử sự của họ cho thấy rõ ràng về điều đó. Phi-e-rơ khuyên các trưởng lão chăn bầy của Đức Chúa Trời “chẳng phải bởi ép tình” hoặc “chẳng phải vì lợi dơ-bẩn” (I Phi-e-rơ 5:2). Học giả William Barclay có vài lời khuyên nhủ về điểm này. Ông viết: “Có một lối chấp nhận chức vụ và phụng sự như thể đó là một phận sự gớm ghiếc và khó chịu, như thể đó là một sự mệt nhọc, một gánh nặng làm người ta bực tức. Rất có thể một người được yêu cầu làm điều gì đó, và người đó làm, nhưng làm một cách thiếu ân cần khiến cả công việc không được tốt đẹp gì... Nhưng [Phi-e-rơ] nói mỗi tín đồ đấng Christ nên sốt sắng phụng sự trong công việc đó như khả năng mình cho phép, mặc dù biết rõ mình thật không xứng đáng được phục vụ”.
Những người chăn chiên sẵn lòng
12. Các trưởng lão đạo đấng Christ biểu lộ sự sẵn lòng như thế nào?
12 Phi-e-rơ cũng khuyến khích “hãy chăn bầy của Đức Chúa Trời đã giao-phó cho anh em... [một cách] vui lòng”. Một giám thị đạo đấng Christ có lòng săn sóc chiên thì tự nguyện làm việc đó một cách vui vẻ, dưới sự hướng dẫn của đấng Chăn chiên hiền lành, Giê-su Christ. Phục vụ một cách vui lòng còn có nghĩa là người chăn chiên theo đạo đấng Christ chịu phục tùng uy quyền của Đức Giê-hô-va, ‘Đấng chăn-chiên và Giám-thị của linh-hồn chúng ta’ (I Phi-e-rơ 2:24, NW). Người chăn chiên đạo đấng Christ sẵn lòng biểu lộ mình tôn trọng sự sắp đặt theo thể thức thần quyền. Anh làm như vậy khi anh hướng dẫn những người tìm lời khuyên đến Lời Đức Chúa Trời, tức cuốn Kinh-thánh. Tuy kinh nghiệm sẽ giúp trưởng lão thâu thập dồi dào những lời khuyên dựa trên Kinh-thánh, nhưng điều này không có nghĩa là anh sẽ có giải pháp cho mọi vấn đề ngay lập tức. Ngay cả khi anh biết câu trả lời, điều khôn ngoan là anh có lẽ nên cùng với người có câu hỏi tra cứu “Sách đối chiếu các ấn phẩm của Hội Tháp Canh” (Watch Tower Publications Index) hay các đối chiếu tương tự. Như thế anh dạy bằng hai cách: Anh trình bày cách tìm tài liệu có ích và anh khiêm nhường bày tỏ sự kính trọng Đức Giê-hô-va bằng cách hướng sự chú ý đến sách báo mà tổ chức Đức Chúa Trời đã xuất bản.
13. Các trưởng lão cần phải làm những gì để cho lời khuyên hữu ích?
13 Trưởng lão có thể làm gì nếu không có sách báo nào do Tổ chức xuất bản đề cập đến vấn đề đặc biệt cần biết? Chắc chắn anh sẽ cầu nguyện để có được sự thông sáng và tìm kiếm một số nguyên tắc của Kinh-thánh áp dụng cho vấn đề đó. Đề nghị người cần giúp đỡ xem xét gương của Giê-su cũng là một điều tốt. Trưởng lão có thể hỏi: “Nếu Giê-su, là Thầy dạy Lớn, ở trong hoàn cảnh của bạn, bạn nghĩ ngài sẽ làm gì?” (I Cô-rinh-tô 2:16). Lý luận như thế có thể giúp người có câu hỏi quyết định một cách khôn ngoan. Nhưng nếu trưởng lão cho ý kiến cá nhân như thể là lời khuyên hữu ích trong Kinh-thánh thì thật thiếu khôn ngoan làm sao! Tốt hơn, các trưởng lão có thể thảo luận những vấn đề khó khăn với nhau. Họ có thể ngay cả đưa những vấn đề quan trọng ra trước hội đồng trưởng lão để thảo luận (Châm-ngôn 11:14). Những quyết định sau khi thảo luận sẽ giúp mọi người có đồng một tiếng nói (I Cô-rinh-tô 1:10).
Mềm mại là rất quan trọng
14, 15. Các trưởng cần phải làm gì khi sửa tín đồ đấng Christ “tình-cờ phạm lỗi”?
14 Một trưởng lão đạo đấng Christ cần tỏ ra mềm mại khi dạy dỗ những người khác, nhất là khi khuyên bảo họ. Phao-lô khuyên: “Hỡi anh em, ví bằng có người nào tình-cờ phạm lỗi gì, anh em là kẻ có Đức Thánh-Linh, hãy lấy lòng mềm-mại mà sửa họ lại” (Ga-la-ti 6:1). Điều đáng lưu ý là từ Hy Lạp dịch ở đây là “sửa” liên quan đến từ của giải phẫu dùng để miêu tả việc nắn bó xương đặng giúp bệnh nhân tránh bị tàn tật cả đời. Nhà soạn tự điển là W. E. Vine liên kết việc này với sự phục hồi “của người phạm tội, là người như chi thể bị trật khớp khỏi thân thể thiêng liêng nhờ sự giúp đỡ của những người có tính thiêng liêng”. Những lời dịch khác là “đặt lại cho vào đúng chỗ; uốn nắn cho ngay thẳng”.
15 Điều chỉnh lối suy nghĩ riêng của mình không phải là chuyện dễ, và giúp một người lầm lỗi đi đến chỗ suy nghĩ đúng đắn có thể rất khó khăn. Nhưng khi giúp đỡ với lòng mềm mại thì rất có thể người ta sẽ chấp nhận sự giúp đỡ đó và tỏ lòng biết ơn. Bởi thế, các trưởng lão đạo đấng Christ nên nghe theo lời khuyên của Phao-lô: “Hãy có lòng thương-xót. Hãy mặc lấy sự nhơn-từ, khiêm-nhượng, mềm-mại, nhịn-nhục” (Cô-lô-se 3:12). Các trưởng lão nên làm gì khi một người cần phải sửa đổi lại có thái độ xấu? Họ nên “tìm đều... mềm mại” (I Ti-mô-thê 6:11).
Cẩn thận chăn chiên
16, 17. Các trưởng lão nên đề phòng những sự nguy hiểm nào khi khuyên người khác?
16 Lời khuyên của Phao-lô nơi Ga-la-ti 6:1 còn bao hàm nhiều điều hơn nữa. Ông khuyến khích các anh có đủ khả năng thiêng liêng: “Hãy lấy lòng mềm-mại mà sửa họ [những người lầm lỗi] lại; chính mình anh em lại phải giữ, e cũng bị dỗ-dành chăng”. Nếu không nghe theo lời khuyên đó thì hậu quả sẽ tai hại biết! bao! Những bản tin về một tu sĩ Anh Quốc Giáo bị bắt phạm tội ngoại tình với hai người trong hội thánh đã khiến tờ “Thời Báo” (The Times) ở Luân Đôn nói rằng đây là “một hoàn cảnh xảy ra rất thường: một người khuyên bảo có vẻ như cha hoặc như anh em sa vào tội lỗi vì người nghe lời ông khuyên tin cẩn ông”. Rồi nữ phóng viên bình luận về tin tức nói đến Tiến sĩ Peter Rutter tuyên bố là “những chuyện yêu đương mà những nam bác sĩ, luật sư, tu sĩ và chủ nhân lợi dụng bệnh nhân, khách hàng, tín đồ và nhân viên đã trở thành một bệnh dịch mà người ta không nhìn nhận, có hại và đồi bại trong xã hội phóng túng về tình dục”.
17 Chúng ta không nên tưởng rằng dân sự của Đức Giê-hô-va không hề bị những sự cám dỗ đó. Một trưởng lão được mọi người kính trọng và trung thành phục vụ trong nhiều năm đã lính líu đến việc vô luân vì khi đi thăm chiên, anh đến thăm một chị có gia đình lúc chị ở nhà một mình. Tuy ăn năn nhưng anh mất hết đặc ân phụng sự (I Cô-rinh-tô 10:12). Vậy thì các trưởng lão được bổ nhiệm có thể thăm chiên cách nào để họ không bị rơi vào sự cám dỗ? Họ có thể sắp đặt thế nào hầu được một nơi riêng để cầu nguyện, và có cơ hội tra cứu Lời Đức Chúa Trời và sách báo của tín đồ đấng Christ?
18. a) Áp dụng nguyên tắc làm đầu có thể giúp các trưởng lão tránh được những hoàn cảnh gây tai tiếng như thế nào? b) Các trưởng lão có thể sắp đặt thế nào khi đi thăm một chị?
18 Một yếu tố mà trưởng lão phải để ý tới là nguyên tắc làm đầu (I Cô-rinh-tô 11:3). Nếu một người trẻ muốn được chỉ bảo, hãy cố gắng mời cha mẹ người đó tham dự cuộc thảo luận khi thích hợp. Khi một chị có gia đình xin giúp đỡ thiêng liêng, bạn có thể sắp đặt sao cho chồng chị có mặt trong lúc đến thăm không? Nếu điều này không thể thực hiện được hoặc chồng chị là người không tin đạo đã ngược đãi chị cách nào đó thì sao? Trong trường hợp đó, bạn nên sắp đặt như khi đi thăm một chị chưa lập gia đình. Điều khôn ngoan là hai anh có đủ khả năng về thiêng liêng cùng đi chung. Nếu không tiện, có lẽ chọn lúc thuận tiện để hai anh thảo luận với chị tại Phòng Nước Trời, tốt hơn nên dùng một phòng nào đó để có thể nói chuyện riêng được. Tuy các anh chị khác có mặt ở trong phòng họp không thể nhìn và nghe được cuộc thảo luận, nhưng nhờ sự có mặt của họ, có lẽ sẽ tránh được bất cứ điều gì làm vấp phạm (Phi-líp 1:9, 10).
19. Chăn chiên của Đức Chúa Trời một cách vui lòng đem lại kết quả tốt đẹp nào, và chúng ta tỏ lòng biết ơn ai vì có được những người chăn chiên vui lòng?
19 Chăn chiên của Đức Chúa Trời một cách vui lòng đem lại nhiều kết quả tốt đẹp—một bầy mạnh về thiêng liêng, được hướng dẫn kỹ lưỡng. Như sứ đồ Phao-lô, các trưởng lão đạo đấng Christ ngày nay quan tâm rất nhiều đến những người cùng đức tin (II Cô-rinh-tô 11:28). Trách nhiệm chăn dân sự của Đức Chúa Trời trong thời kỳ khó khăn này đặc biệt rất nặng nề. Do đó, chúng ta thành thật biết ơn các anh phụng sự với tư cách trưởng lão đang làm những công việc tốt lành (I Ti-mô-thê 5:17). Chúng ta ngợi khen Đấng Ban cho “mọi ân-điển tốt-lành cùng sự ban-cho trọn-vẹn”, là Đấng Chăn chiên đầy yêu thương của chúng ta ở trên trời, tức Đức Giê-hô-va vì Ngài đã ban cho chúng ta “những người được ban cho” chăn chiên một cách vui lòng (Ê-phê-sô 4:8; Gia-cơ 1:17).
Bạn trả lời thế nào?
◻ Một người có thể khôn khéo cai trị gia đình như thế nào?
◻ Các trưởng lão đạo đấng Christ nên có những đức tính nào trong việc trông nom hội thánh?
◻ Khi khuyên người khác, các trưởng lão có thể bày tỏ sự khiêm nhường và mềm mại như thế nào?
◻ Điều gì giúp sửa đổi người khác về thiêng liêng một cách hữu hiệu?
◻ Làm thế nào các trưởng lão có thể tránh những trường hợp có thể gây tai tiếng khi chăn bầy?
[Hình nơi trang 18]
Trưởng lão đạo đấng Christ phải khôn khéo cai trị nhà mình
[Hình nơi trang 21]
Cần phải mềm mại và có óc suy xét trong việc chăn chiên của tín đồ đấng Christ