Bạn có nhất thiết phải xin lỗi không?
GEORGE Bernard Shaw viết: ‘Tôi không bao giờ xin lỗi’. Một số người khác có thể nói: ‘Bát nước đổ rồi không hốt lại được’.
Có lẽ chính chúng ta cũng ngần ngại nhận lỗi vì sợ bị mất mặt. Có lẽ chúng ta viện lý do là lỗi tại người kia. Hay có thể chúng ta có ý định xin lỗi nhưng chần chừ cho đến khi chúng ta nghĩ rằng vấn đề cuối cùng đã được người ta bỏ qua.
Vậy thì chúng ta có nhất thiết phải xin lỗi không? Thật ra lời xin lỗi có mang lại lợi ích gì hay không?
Tình yêu thương khiến ta phải xin lỗi
Tình yêu thương anh em là dấu hiệu để nhận biết môn đồ thật của Giê-su Christ. Ngài nói: “Nếu các ngươi yêu nhau, thì ấy là tại đều đó mà thiên-hạ sẽ nhận biết các ngươi là môn-đồ ta” (Giăng 13:35). Kinh-thánh khuyên tín đồ đấng Christ “hãy yêu nhau sốt-sắng hết lòng” (I Phi-e-rơ 1:22). Tình yêu thương sâu đậm khiến ta phải xin lỗi. Tại sao vậy? Vì bất toàn nên chúng ta không tránh khỏi làm cho người khác bị tổn thương, và nếu không hàn gắn những vết thương này, thì họ khó tỏ lòng yêu thương.
Thí dụ, vì xích mích với một người nào trong hội thánh tín đồ đấng Christ, có lẽ chúng ta không thích nói chuyện với người đó. Nếu như chúng ta xúc phạm đến người khác, làm thế nào chúng ta có thể hàn gắn lại mối liên lạc đầy yêu thương? Trong đa số trường hợp, chúng ta có thể xin lỗi và rồi cố gắng nói chuyện một cách thân thiện. Chúng ta nợ anh em tình yêu thương, và khi mình xin lỗi vì đã xúc phạm đến người anh em, thì mình trả một phần nào món nợ đó (Rô-ma 13:8).
Để ví dụ: Chị Mari Carmen và chị Paqui là hai tín đồ đấng Christ và là bạn lâu năm. Tuy nhiên, vì chị Mari Carmen tin lời nói xấu, nên tình bạn giữa hai chị không còn được thân mật nữa. Rồi không một lời giải thích, chị hoàn toàn lánh xa chị Paqui. Gần một năm sau, chị Mari Carmen biết được là lời đồn không phải là thật. Chị phản ứng thế nào? Tình yêu thương đã thúc đẩy chị đến gặp chị Paqui và khiêm nhường bày tỏ sự hối tiếc vì chị đã xử tệ với chị Paqui. Cả hai người đều khóc nức nở, và kể từ đó tình bạn họ trở nên bền vững.
Dù chúng ta có thể cảm thấy là mình đã không làm điều gì sai, lời xin lỗi có thể giải quyết một sự hiểu lầm. Anh Manuel nhớ lại: “Nhiều năm trước đây, vợ chồng tôi ở nhà của một chị cùng đạo trong khi chị đó nằm bệnh viện. Chúng tôi cố gắng hết sức để giúp chị và con cái chị trong lúc chị bị bệnh. Nhưng sau khi xuất viện, chị phàn nàn với một người bạn là chúng tôi đã không giải quyết những món chi tiêu trong nhà một cách đàng hoàng.
“Chúng tôi đến và giải thích rằng có lẽ vì trẻ tuổi và thiếu kinh nghiệm đời, nên chúng tôi đã không chu toàn sự việc như chị. Ngay lập tức chị phản ứng bằng cách nói rằng chính chị là người mang ơn chúng tôi và chị thật sự biết ơn chúng tôi về mọi điều mà chúng tôi đã làm cho chị. Vấn đề đã được giải quyết. Qua kinh nghiệm đó, tôi hiểu được tầm quan trọng của việc khiêm nhường xin lỗi khi có chuyện hiểu lầm”.
Đức Giê-hô-va đã ban phước cho cặp vợ chồng này vì họ đã tỏ ra yêu thương và “tìm cách làm nên hòa-thuận” (Rô-ma 14:19). Tình yêu thương cũng bao gồm việc ý thức đến cảm nghĩ của người khác. Phi-e-rơ khuyên chúng ta nên tỏ ra “thông cảm” (I Phi-e-rơ 3:8, Nguyễn thế Thuấn). Nếu biết thông cảm, thì chúng ta dễ nhận thấy hơn sự đau lòng mà mình gây ra cho người khác qua lời nói hoặc hành động thiếu suy nghĩ và chúng ta sẽ cảm thấy cần phải xin lỗi.
“Trang-sức bằng khiêm-nhường”
Ngay cả các trưởng lão trung thành của đạo đấng Christ đôi khi cũng có thể cãi cọ. (So sánh Công-vụ các Sứ-đồ 15:37-39). Vào những dịp này, xin lỗi là điều rất có lợi. Nhưng điều gì sẽ giúp một trưởng lão hay một tín đồ nào khác khi họ cảm thấy khó xin lỗi?
Tính khiêm nhường là bí quyết. Sứ đồ Phi-e-rơ khuyên nhủ: “Đối-đãi với nhau phải trang-sức bằng khiêm-nhường” (I Phi-e-rơ 5:5). Đành rằng trong phần nhiều sự tranh chấp cả hai bên đều có lỗi, nhưng người tín đồ khiêm nhường lưu ý đến những thiếu sót của chính mình và sẵn sàng nhận lỗi (Châm-ngôn 6:1-5).
Khi người khác đến xin lỗi, thì mình cũng phải có thái độ khiêm nhường. Để minh họa, giả sử hai người đang đứng trên hai ngọn núi và cần nói chuyện với nhau. Khoảng cách giữa hai người khiến họ không thể nào nói chuyện với nhau được. Tuy nhiên, khi một người đi xuống thung lũng ở dưới và người kia cũng làm thế, thì họ có thể nói chuyện dễ dàng. Tương tự như thế, nếu hai tín đồ đấng Christ cần giải quyết một sự bất đồng giữa họ, mong sao họ khiêm nhường gặp nhau ở thung lũng, nói theo nghĩa bóng, và xin lỗi nhau một cách thích hợp (I Phi-e-rơ 5:6).
Việc xin lỗi rất cần thiết trong hôn nhân
Vì bất toàn, vợ chồng không tránh khỏi những lúc phải xin lỗi nhau. Và nếu cả chồng lẫn vợ đều biết thông cảm, thì họ sẽ thấy cần phải xin lỗi nếu như họ nói năng hoặc hành động thiếu suy nghĩ. Châm-ngôn 12:18 nói: “Lời vô độ đâm-xoi khác nào gươm; nhưng lưỡi người khôn-ngoan vốn là thuốc hay”. ‘Lời đâm-xoi vô độ’ không thể rút lại được, nhưng vết thương lòng có thể được hàn gắn bằng cách chân thành xin lỗi. Dĩ nhiên, điều này đòi hỏi ta phải luôn luôn cố gắng và có sự nhận thức.
Chị Susana nói về cuộc hôn nhân của chị như sau: “Tôi và anh Jackb đã kết hôn 24 năm, nhưng người này vẫn khám phá ra những điều mới về người kia. Đáng buồn thay, cách đây khá lâu chúng tôi chia tay và sống riêng rẽ một vài tuần. Tuy nhiên, chúng tôi nghe theo lời khuyên của trưởng lão dựa trên Kinh-thánh và trở lại với nhau. Giờ đây, chúng tôi hiểu rằng vì chúng tôi có những cá tính rất khác biệt, nên những sự đụng chạm rất có thể xảy ra. Khi điều đó xảy ra, chúng tôi nhanh chóng xin lỗi và cố gắng hết sức để hiểu quan điểm của nhau. Tôi vui mừng nói là cuộc hôn nhân của chúng tôi được cải thiện rất nhiều”. Anh Jack nói thêm: “Chúng tôi cũng đã biết cách nhận ra những lúc mà chúng tôi dễ tức giận. Những lúc như thế, chúng tôi đối xử thông cảm với nhau hơn bình thường” (Châm-ngôn 16:23).
Nếu như bạn nghĩ rằng bạn không có lỗi thì bạn có nên xin lỗi chăng? Khi ta bị xúc động mạnh, thì khó mà khách quan để nhận định lỗi tại ai. Nhưng điều quan trọng là giữ hòa khí trong hôn nhân. Hãy xem kinh nghiệm của A-bi-ga-in, một người Y-sơ-ra-ên có chồng ngược đãi Đa-vít. Dù cho bà không chịu trách nhiệm về sự ngu muội của chồng bà, nhưng bà đã xin lỗi. Bà nài xin: “Xin hãy tha lỗi cho con đòi chúa”. Đa-vít đáp lại bằng cách đối xử tử tế với bà, khiêm nhường nhìn nhận rằng nếu không nhờ bà, ông đã làm đổ máu người vô tội (I Sa-mu-ên 25:24-28, 32-35).
Một nữ tín đồ tên là June, đã lập gia đình 45 năm, cũng cảm thấy rằng muốn thành công trong hôn nhân mình phải sẵn sàng nhận lỗi trước. Chị nói: “Tôi nhủ thầm là hôn nhân của chúng tôi quan trọng hơn cảm nghĩ của riêng mình. Cho nên khi xin lỗi, tôi cảm thấy mình góp phần xây dựng cuộc hôn nhân của mình”. Một anh lớn tuổi tên là Jim nói: “Tôi xin lỗi vợ tôi ngay cả đến những chuyện nhỏ nhặt. Kể từ khi vợ tôi trải qua cuộc giải phẫu nặng, vợ tôi dễ phiền não. Nên tôi thường quàng tay ôm vợ và nói: ‘Xin lỗi mình nhé. Anh không cố ý làm mình buồn đâu’. Giống như cái cây được tưới nước, vợ tôi vui tươi ngay lập tức”.
Nếu chúng ta làm tổn thương người mà mình yêu mến, xin lỗi ngay là điều rất có hiệu quả. Chị Milagros hết lòng đồng ý, chị nói: “Vì tôi thiếu tự tin, nên một lời nói gay gắt của chồng cũng làm tôi buồn phiền. Nhưng khi anh xin lỗi, tôi cảm thấy hết buồn ngay”. Kinh-thánh nói với chúng ta một cách thích hợp: “Lời lành giống như tàng ong, ngon-ngọt cho tâm-hồn, và khỏe-mạnh cho xương-cốt” (Châm-ngôn 16:24).
Tập nghệ thuật xin lỗi
Nếu chúng ta có thói quen xin lỗi khi cần, rất có thể chúng ta sẽ thấy người ta phản ứng thuận lợi. Và có lẽ họ cũng sẽ xin lỗi. Khi nghĩ là có thể mình đã làm người nào đó buồn, hãy tập thói quen đi xin lỗi thay vì tìm đủ mọi cách để tránh nhận lỗi. Người đời có thể nghĩ rằng nếu mình xin lỗi tức là cho thấy mình hèn yếu, nhưng thật ra điều đó chứng tỏ sự thành thục của tín đồ đấng Christ. Dĩ nhiên, chúng ta không muốn giống như những người nhìn nhận là mình sai nhưng lại xem nhẹ trách nhiệm ấy. Thí dụ, có bao giờ chúng ta nói xin lỗi mà không có thật lòng chăng? Nếu chúng ta đến trễ và hết lời xin lỗi, chúng ta có cố gắng đến đúng giờ lần sau hay không?
Vậy thì chúng ta có nhất thiết phải xin lỗi không? Có, chúng ta phải làm thế. Chúng ta có bổn phận đối với chính mình và với người khác để làm thế. Lời xin lỗi có thể giúp xoa dịu nỗi đau lòng do sự bất toàn gây ra, và lời xin lỗi có thể hàn gắn lại mối liên lạc căng thẳng. Mỗi khi xin lỗi, chúng ta rút tỉa một bài học về tính khiêm nhường và điều ấy tập luyện ta để trở nên nhạy cảm hơn đối với cảm giác của người khác. Nhờ đó các anh em cùng đạo, người hôn phối và những người khác sẽ xem chúng ta đáng được yêu mến và tin cậy. Chúng ta sẽ được yên tâm, và Giê-hô-va Đức Chúa Trời sẽ ban phước cho mình.
[Chú thích]
a Không phải tên thật.
b Không phải tên thật.
[Các hình nơi trang 23]
Lời xin lỗi chân thành vun đắp tình yêu thương giữa tín đồ đấng Christ