“Hãy tập-tành”
CITIUS, altius, fortius—nhanh hơn, cao hơn, mạnh hơn! Đây là những lý tưởng mà các vận động viên ở Rô-ma và Hy Lạp cổ xưa mong ước. Qua nhiều thế kỷ, ở Olympia, Delphi và Nemea và trên eo biển Cô-rinh-tô, những cuộc đua điền kinh qui mô được tổ chức với “sự ban phước” của các thần và được hàng ngàn khán giả say mê theo dõi. Tham dự cuộc đua là một đặc ân và là kết quả của nhiều năm luyện tập khó nhọc. Chiến thắng sẽ mang lại vinh quang cho người thắng cuộc và cho thành phố của họ.
Trong một môi trường văn hóa như thế, không lạ gì khi những người viết phần Kinh Thánh tiếng Hy Lạp so sánh cuộc đua thiêng liêng của tín đồ Đấng Christ với cuộc đua điền kinh. Cả sứ đồ Phi-e-rơ và Phao-lô đều khéo léo dùng minh họa dựa trên những cuộc thi để truyền đạt những điểm quan trọng họ muốn dạy. Ngày nay, tín đồ Đấng Christ vẫn tiếp tục cùng một cuộc đua gay go như thế. Tín đồ Đấng Christ vào thế kỷ thứ nhất phải đương đầu với hệ thống của Do Thái, còn chúng ta ngày nay phải ‘tranh đấu’ với hệ thống thế gian đang kề cận sự hủy diệt. (2 Ti-mô-thê 2:5; 3:1-5) Có thể một số người thấy rằng “cuộc đua về đức tin” của riêng mình kéo dài triền miên và làm mình kiệt sức. (1 Ti-mô-thê 6:12, Bản Dịch Mới) Chúng ta sẽ rút ra được những bài học quý giá qua việc xem xét cuộc đua thể thao và cuộc đua của tín đồ Đấng Christ trong Kinh Thánh.
Huấn luyện viên tuyệt vời
Sự thành công của vận động viên tùy thuộc phần lớn vào huấn luyện viên. Về những cuộc thi đấu thời xưa, cuốn Archaeologia Graeca nói: “Các lực sĩ buộc phải thề rằng họ đã tập luyện trong mười tháng để chuẩn bị cuộc thi”. Tín đồ Đấng Christ cũng cần sự tập luyện nghiêm khắc. Phao-lô khuyên Ti-mô-thê, một trưởng lão đạo Đấng Christ: ‘Hãy tập-tành sự tin-kính’. (1 Ti-mô-thê 4:7) Ai là huấn luyện viên của “vận động viên” tín đồ Đấng Christ? Không ai khác hơn là chính Giê-hô-va Đức Chúa Trời! Sứ đồ Phi-e-rơ viết: “Đức Chúa Trời ban mọi ơn... chính Ngài sẽ làm cho anh em trọn-vẹn, vững-vàng, và thêm sức cho”.—1 Phi-e-rơ 5:10, chúng tôi viết nghiêng.
Nhóm từ “sẽ làm cho anh em trọn-vẹn” ra từ động từ Hy Lạp mà theo tự điển Theological Lexicon of the New Testament về cơ bản có nghĩa là “làm cho một vật [hoặc một người] phù hợp với mục đích của nó, chuẩn bị và làm cho thích nghi với cách nó được sử dụng”. Tương tự như vậy, Tự điển Hy-Anh của Liddell và Scott bình luận rằng động từ này có thể được định nghĩa là “chuẩn bị, huấn luyện, hoặc trang bị đầy đủ”. Đức Giê-hô-va ‘chuẩn bị, huấn luyện, hoặc trang bị chúng ta đầy đủ’ cho cuộc đua gay go bằng cách nào? Để hiểu được sự so sánh này, chúng ta hãy xem xét vài phương pháp mà huấn luyện viên sử dụng.
Cuốn Olympic Games in Ancient Greece (Đại hội thể thao Olympic ở cổ Hy Lạp) nói: “Những người quan tâm tới việc huấn luyện giới trẻ đã sử dụng hai phương pháp cơ bản, thứ nhất là nhằm khuyến khích học viên cố gắng tối đa để đạt kết quả tốt nhất, và thứ hai là cải tiến kỹ thuật và phong cách của học viên”.
Tương tự, Đức Giê-hô-va khuyến khích, củng cố chúng ta để đạt tới khả năng cao nhất và trau dồi kỹ năng của mình trong việc phụng sự Ngài. Đức Chúa Trời tiếp sức cho chúng ta qua Kinh Thánh, tổ chức trên đất của Ngài, và các anh em tín đồ Đấng Christ thành thục. Đôi khi Ngài huấn luyện chúng ta qua sự sửa phạt. (Hê-bơ-rơ 12:6) Vào những lúc khác, Ngài cho phép chúng ta gặp phải các thử thách và khó khăn khác nhau để chúng ta có thể vun trồng tính nhịn nhục. (Gia-cơ 1:2-4) Ngài cung cấp sức mạnh cần thiết. Tiên tri Ê-sai nói: “Ai trông-đợi Đức Giê-hô-va thì chắc được sức mới, cất cánh bay cao như chim ưng; chạy mà không mệt-nhọc, đi mà không mòn-mỏi”.—Ê-sai 40:31.
Trên hết mọi sự, Đức Chúa Trời ban cho chúng ta thánh linh một cách dồi dào làm chúng ta vững mạnh để tiếp tục phụng sự Đức Giê-hô-va theo cách Ngài chấp nhận. (Lu-ca 11:13) Trong nhiều trường hợp, tôi tớ Đức Chúa Trời đã chịu đựng những thử thách lâu dài và khó khăn về đức tin. Những người đã chịu đựng được như thế là những người đàn ông, đàn bà bình thường như bất cứ ai trong chúng ta. Nhưng sự trông cậy hoàn hoàn nơi Đức Chúa Trời đã giúp họ chịu đựng được. Thật vậy, ‘quyền-phép lớn dường ấy là bởi Đức Chúa Trời mà ra, chớ chẳng phải bởi họ’.—2 Cô-rinh-tô 4:7.
Một huấn luyện viên đầy lòng thông cảm
Một học giả ghi nhận rằng một trong những nhiệm vụ của huấn luyện viên thời xưa là “đánh giá loại và số lượng bài tập cần thiết cho cá nhân vận động viên và cho môn thể thao nào đó”. Khi huấn luyện chúng ta, Đức Chúa Trời lưu ý đến hoàn cảnh, khả năng, bản chất và giới hạn của mỗi một người. Trong khi được Đức Giê-hô-va huấn luyện, chúng ta thường hay cầu xin Ngài giống như Gióp: “Xin Chúa nhớ rằng Chúa đã nắn hình tôi như đồ gốm”. (Gióp 10:9) Huấn luyện viên đầy lòng thông cảm của chúng ta đáp lại thế nào? Đa-vít viết về Đức Giê-hô-va: “Ngài biết chúng tôi nắn nên bởi giống gì, Ngài nhớ lại rằng chúng tôi bằng bụi-đất”.—Thi-thiên 103:14.
Có lẽ bạn có vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe, ngăn cản bạn không làm được những gì bạn có thể làm trong thánh chức, hoặc có thể bạn đang vật lộn với sự thiếu tự trọng. Có lẽ bạn đang cố gắng bỏ một tật xấu, hoặc cảm thấy không thể đương đầu với áp lực của bạn đồng lứa trong lối xóm, nơi làm việc, hoặc trường học. Dù bạn ở hoàn cảnh nào, đừng bao giờ quên rằng Đức Giê-hô-va hiểu vấn đề của bạn rõ hơn bất cứ người nào khác—ngay cả chính bạn! Là huấn luyện viên đầy quan tâm, Ngài luôn luôn có mặt để giúp đỡ nếu bạn đến gần Ngài.—Gia-cơ 4:8.
Những huấn luyện viên thời xưa “có thể nhận ra sự kiệt sức hay đuối sức không phải do luyện tập mà do yếu tố khác như về tâm lý, tâm trạng bực bội, trầm cảm, v.v... [Huấn luyện viên] có quyền hạn rộng rãi đến độ họ kiểm soát ngay cả đời sống riêng tư của vận động viên và họ can thiệp khi thấy cần thiết”.
Đôi khi bạn có cảm thấy bị kiệt sức hoặc đuối sức vì những áp lực và cám dỗ triền miên của thế gian này không? Là huấn luyện viên của bạn, Đức Giê-hô-va rất quan tâm đến bạn. (1 Phi-e-rơ 5:7) Ngài nhanh chóng nhận ra bất cứ dấu hiệu nào cho thấy bạn yếu đuối và mệt mỏi về thiêng liêng. Mặc dù Đức Giê-hô-va tôn trọng sự tự do ý chí và tự do lựa chọn của chúng ta, nhưng vì quan tâm đến hạnh phúc đời đời của chúng ta, Ngài rộng rãi giúp đỡ và sửa trị chúng ta khi cần thiết. (Ê-sai 30:21) Bằng cách nào? Qua Kinh Thánh và các ấn phẩm dựa trên Kinh Thánh, các trưởng lão trong hội thánh, và đoàn thể anh em yêu thương của chúng ta.
“Tự mình chịu lấy mọi sự”
Dĩ nhiên, chỉ có huấn luyện viên giỏi thì chưa đủ để thành công. Sự thành công còn tùy thuộc rất nhiều vào chính vận động viên và sự cam kết của người này đối với sự huấn luyện nghiêm khắc. Ăn uống theo một chế độ nghiêm ngặt, vì việc huấn luyện bao gồm sự kiêng cữ và ăn kiêng nghiêm ngặt. Horace, một nhà thơ vào thế kỷ thứ nhất TCN, nói rằng những người dự cuộc đua “kiêng rượu và phụ nữ” để “đạt đến mục đích lâu dài”. Theo học giả Kinh Thánh F. C. Cook, những người tham gia cuộc đua phải trải qua “mười tháng tự kiềm chế [và] ăn kiêng... nghiêm ngặt”.
Phao-lô dùng sự so sánh này khi viết cho tín đồ Đấng Christ ở thành Cô-rinh-tô, một thành phố rất quen thuộc với những cuộc thi tranh giải Isthmus ở gần đó: “Hết thảy những người đua-tranh, tự mình chịu lấy mọi sự kiêng-kỵ”. (1 Cô-rinh-tô 9:25) Tín đồ thật của Đấng Christ tránh lối sống vật chất, vô luân, ô uế của thế gian này. (Ê-phê-sô 5:3-5; 1 Giăng 2:15-17) Chúng ta cũng phải loại bỏ những tính nết không tin kính không làm Đức Chúa Trời hài lòng và không phù hợp với Kinh Thánh, thay vào đó bằng những đức tính giống Đấng Christ.—Cô-lô-se 3:9, 10, 12.
Làm sao thực hiện được điều này? Một cách là lưu ý câu trả lời của Phao-lô qua minh họa đầy sức thuyết phục: “Tôi đãi thân-thể tôi cách nghiêm-khắc, bắt nó phải phục, e rằng sau khi tôi đã giảng-dạy kẻ khác, mà chính mình phải bị bỏ chăng”.—1 Cô-rinh-tô 9:27.
Điểm Phao-lô nêu ra ở đây có sức thuyết phục biết bao! Ông không khuyên hành hạ thân xác. Thay vì thế, ông thừa nhận chính ông có những mâu thuẫn nội tâm. Đôi lúc, ông làm điều mình không muốn và không làm điều mình muốn. Nhưng ông đã tranh đấu, không bao giờ để cho sự yếu đuối chế ngự. Ông ‘đã đãi thân-thể ông’ cách nghiêm khắc, khắc phục những ham muốn và tính nết thuộc xác thịt.—Rô-ma 7:21-25.
Tất cả tín đồ Đấng Christ cần phải làm y như vậy. Phao-lô nói về những sự thay đổi của một số người ở thành Cô-rinh-tô trước kia đã phạm tội tà dâm, thờ hình tượng, đồng tính luyến ái, trộm cắp, v.v... Điều gì giúp họ thay đổi? Đó là quyền lực của Lời Đức Chúa Trời và thánh linh cùng với quyết tâm của họ. Phao-lô nói: “Nhưng nhân danh Đức Chúa Jêsus-Christ, và nhờ Thánh-Linh của Đức Chúa Trời chúng ta, thì anh em được rửa sạch, được nên thánh, được xưng công-bình rồi”. (1 Cô-rinh-tô 6:9-11) Phi-e-rơ cũng viết tương tự về những người đã từ bỏ các thói nết xấu như thế. Là tín đồ Đấng Christ, tất cả mọi người trong họ đều đã thực sự thay đổi.—1 Phi-e-rơ 4:3, 4.
Những nỗ lực đúng mục tiêu
Phao-lô minh họa sự quyết tâm và mục tiêu rõ ràng của ông trong việc theo đuổi những mục tiêu thiêng liêng như sau: “Tôi đánh, chẳng phải là đánh gió”. (1 Cô-rinh-tô 9:26) Một người tranh giải điều khiển cú đấm của mình như thế nào? Cuốn Đời sống những người Hy Lạp và La Mã (Anh ngữ) trả lời: “Không những cần sức mạnh thô bạo, mà còn con mắt cương quyết để tìm những điểm yếu của đối thủ. Kỹ thuật tấn công học được nơi lò tập và sự mau lẹ đánh lừa đối thủ chắc chắn cũng không kém phần lợi ích”.
Xác thịt bất toàn là một trong những đối thủ của chúng ta. Chúng ta có nhận ra được những “điểm yếu” của mình không? Chúng ta có sẵn sàng nhìn mình như người khác nhìn chúng ta—đặc biệt như Sa-tan có thể nhìn chúng ta không? Điều đó đòi hỏi sự thành thật tự phân tích và mong muốn thay đổi. Sự tự dối mình rất dễ dàng xảy ra. (Gia-cơ 1:22) Bào chữa cho hành động thiếu khôn ngoan thật dễ dàng thay! (1 Sa-mu-ên 15:13-15, 20, 21) Điều đó tương đương với “đánh gió”.
Trong những ngày cuối cùng này, những ai muốn làm vui lòng Đức Giê-hô-va và muốn được sự sống không thể chần chừ trong việc lựa chọn giữa điều đúng và sai, giữa hội thánh của Đức Chúa Trời và thế gian suy đồi. Họ phải tránh dao động, ‘phân-tâm, làm việc gì đều không định’. (Gia-cơ 1:8) Họ không được phí phạm nỗ lực vào những theo đuổi vô ích. Khi một người theo đường lối ngay thẳng và chuyên tâm này, người đó sẽ được hạnh phúc và ‘sự tấn-tới của mình đều được mọi người thấy’.—1 Ti-mô-thê 4:15.
Đúng vậy, cuộc đua của tín đồ Đấng Christ vẫn tiếp tục. Đức Giê-hô-va—Huấn Luyện Viên Vĩ Đại của chúng ta—yêu thương cung cấp sự hướng dẫn và hỗ trợ cần thiết để chúng ta chịu đựng được và đạt chiến thắng cuối cùng. (Ê-sai 48:17) Giống như những vận động viên thời xưa, chúng ta cần vun trồng tính kỷ luật tự giác, sự tự chủ, và chuyên tâm trong cuộc chiến vì đức tin. Những nỗ lực đúng mục tiêu của chúng ta sẽ được tưởng thưởng xứng đáng.—Hê-bơ-rơ 11:6.
[Khung nơi trang 31]
“Xức dầu cho người bịnh”
Vào thời Hy Lạp cổ, người xoa dầu cũng góp phần vào việc huấn luyện thể thao. Công việc của người đó là xoa dầu lên cơ thể vận động viên trước khi bắt đầu luyện tập. Theo cuốn The Olympic Games in Ancient Greece, huấn luyện viên “nhận thấy việc khéo léo xoa bóp cơ bắp trước khi tập dượt có lợi ích, và sự xoa bóp nhẹ nhàng, cẩn thận giúp vận động viên được thư giãn và phục hồi sau buổi tập kéo dài nhiều giờ”.
Tương tự như việc xoa dầu theo nghĩa đen lên thân thể có thể làm xoa dịu và có tác dụng chữa trị, việc áp dụng Lời Đức Chúa Trời đối với những “vận động viên” tín đồ Đấng Christ mệt mỏi có thể sửa sai, an ủi và chữa trị người đó. Vì vậy, dưới sự hướng dẫn của Đức Giê-hô-va, các trưởng lão hội thánh được khuyến khích cầu nguyện cho một người như vậy, “nhân danh Chúa xức dầu cho người bịnh” theo nghĩa bóng, một phương cách thiết yếu trong việc phục hồi về thiêng liêng.—Gia-cơ 5:13-15; Thi-thiên 141:5.
[Hình nơi trang 31]
Tiếp theo lễ cúng tế, những vận động viên thề rằng họ đã được huấn luyện trong mười tháng
[Nguồn tư liệu]
Musée du Louvre, Paris
[Nguồn tư liệu nơi trang 29]
Copyright British Museum