Vui thích nơi Lời Đức Chúa Trời
HẠNH PHÚC cho người nào “lấy làm vui-vẻ về luật-pháp của Đức Giê-hô-va”. Một người như thế “suy-gẫm” Lời Đức Chúa Trời “ngày và đêm”. (Thi 1:1, 2) Bạn có cảm nghiệm được sự vui thích đó không? Làm thế nào bạn có thể gia tăng sự vui thú nơi Lời Đức Chúa Trời?
Lắng nghe khi Đức Giê-hô-va nói
Đừng chỉ đọc chữ mà thôi. Hãy hình dung những tình huống mà bạn đang đọc. Hãy mường tượng ra giọng của những người được nói đến. Khi đọc những chương mở đầu của Kinh Thánh, hãy nghe chính Đức Giê-hô-va tuần tự cho biết về những điều Ngài thực hiện để biến trái đất thành nơi ở thích hợp cho loài người. Hãy lắng nghe khi Ngài nói với Con Ngài, tức Thợ Cái, rằng đã đến lúc tạo ra những người đầu tiên. Hãy hình dung cảnh này: A-đam và Ê-va phản nghịch, Đức Chúa Trời phán xét họ và sau đó đuổi họ ra khỏi Địa Đàng. (Sáng-thế Ký, chương 1-3) Hãy cảm thấy kính sợ khi đọc những lời miêu tả một tiếng nói từ trên trời cho biết Chúa Giê-su Christ là Con yêu dấu của Đức Chúa Trời, là đấng được Đức Chúa Trời phái xuống để hy sinh mạng sống vì nhân loại. (Mat 3:16, 17) Hãy cố hình dung phản ứng của sứ đồ Giăng khi nghe Đức Giê-hô-va phán: “Nầy, ta làm mới lại hết thảy muôn vật”. (Khải 21:5) Quả thật, đọc Lời Đức Chúa Trời theo cách này là một kinh nghiệm thú vị!
Hãy tiếp tục đọc lời được soi dẫn, bạn sẽ nhận biết Đức Giê-hô-va là Đấng uy nghi và đáng kính sợ. Bạn sẽ cảm thấy được thu hút mạnh mẽ đến với Đấng yêu thương chúng ta, đối xử với chúng ta một cách thương xót, giúp đỡ nếu chúng ta tiếp tục cố khiêm nhường làm theo ý định Ngài, và dạy chúng ta làm thế nào để thành công trong mọi việc chúng ta làm.—Giô-suê 1:8; Thi 8:1; Ê-sai 41:10.
Càng dành nhiều thì giờ đọc Kinh Thánh, bạn càng thêm mãn nguyện khi hiểu nhiều hơn về ý định Đức Chúa Trời đối với bạn. Nhưng sự vui thích sẽ vượt xa hơn thế. Khi việc đọc Kinh Thánh cung cấp cho bạn sự giúp đỡ cần thiết để đối phó một cách khôn ngoan với những vấn đề đời sống, bạn sẽ có cùng cảm nghĩ như người viết Thi-thiên: “Chứng-cớ Chúa [“Những lời nhắc nhở của Chúa”, NW] thật lạ-lùng; cho nên lòng tôi giữ lấy”. (Thi 119:129) Bạn cũng sẽ vui mừng khi nhận thức được từ Kinh Thánh những nguyên tắc giúp uốn nắn tư tưởng và ước muốn của mình theo đường lối Đức Chúa Trời.—Ê-sai 55:8, 9.
Kinh Thánh cung cấp sự hướng dẫn đạo đức che chở chúng ta khỏi tai hại và chỉ cho chúng ta con đường đúng. Khi đọc Kinh Thánh, chúng ta nhận thức rằng Đức Giê-hô-va là một người Cha biết chúng ta sẽ gánh chịu hậu quả nào khi buông thả theo những ham muốn của xác thịt bất toàn. Ngài không muốn chúng ta chịu những hậu quả khủng khiếp khó tránh khỏi vì khinh thường những tiêu chuẩn luân lý cao của Ngài. Ngài quan tâm đến chúng ta và muốn chúng ta vui hưởng đời sống tốt đẹp nhất. Việc đọc Lời Ngài giúp chúng ta nhận thức rõ rằng có được một Đức Chúa Trời và Cha trên trời như Ngài thật là một ân phước lớn!
Đọc Kinh Thánh hàng ngày
Nói về người đọc Lời Đức Chúa Trời hàng ngày, người viết Thi-thiên cho biết: “Mọi sự người làm đều sẽ thạnh-vượng”. (Thi 1:3) Đúng vậy, dù bất toàn, dù sống trong hệ thống gian ác của Sa-tan, dù Ma-quỉ cố nuốt sống chúng ta, nhưng việc đều đặn đọc và áp dụng Lời Đức Chúa Trời sẽ giúp chúng ta thành công trên mọi khía cạnh liên quan đến mối quan hệ của chúng ta với Đức Giê-hô-va.
Bởi lẽ chúng ta chịu áp lực của hệ thống cũ này, nên việc hấp thu những tư tưởng của Đấng Tạo Hóa, dù chỉ trong vài giây phút quý giá mỗi ngày, cũng có thể thêm sức mạnh cho chúng ta. Một số anh bị tù vì đức tin chỉ có được những câu Kinh Thánh lẻ tẻ trích trong các bài báo. Họ đã cắt lấy những câu này, học thuộc và nghiền ngẫm. Đức Giê-hô-va đã ban phước cho các nỗ lực ấy vì họ đã làm những gì mà hoàn cảnh cho phép để hấp thu sự hiểu biết từ Lời Đức Chúa Trời. (Giăng 17:3) Song, đa số chúng ta được tự do hơn thế rất nhiều. Chúng ta không nên kết luận rằng đọc vội vàng một câu Kinh Thánh mỗi ngày một lần thì tự nó sẽ có ít nhiều tác dụng của một phép lạ. Tuy nhiên, chúng ta sẽ được phước, nếu điều chỉnh thứ tự ưu tiên để đọc một phần Kinh Thánh mỗi ngày, suy ngẫm và áp dụng trong đời sống.
Trên thực tế, ngay cả những kế hoạch hoàn hảo nhất cũng có thể bị xáo trộn. Khi điều đó xảy ra, chúng ta ưu tiên dành thì giờ cho những điều thật sự quan trọng. Thí dụ, chúng ta không cố ý nhịn khát một hai ngày. Thế thì, bất luận điều gì xảy ra trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta cũng phải dành một ít thì giờ để hồi phục sinh lực mình bằng nước lẽ thật.—Công 17:11.
Đọc toàn bộ Lời Đức Chúa Trời
Cá nhân bạn đã đọc toàn bộ quyển Kinh Thánh chưa? Một số người cảm thấy choáng ngợp khi nghĩ đến việc đọc thẳng từ sách Sáng-thế Ký cho đến hết sách Khải-huyền. Vì thế, nhiều người muốn đọc toàn bộ quyển Kinh Thánh đã bắt đầu với phần Kinh Thánh tiếng Hy Lạp. Tại sao? Có lẽ bởi vì họ có thể dễ nhận thấy rằng phần này liên quan đến họ, những người gắng theo bước Đấng Christ. Hay có lẽ bởi vì phần Kinh Thánh tiếng Hy Lạp dường như không dài lắm—chỉ hơn một phần tư quyển Kinh Thánh chút ít. Nhưng sau khi đọc xong 27 quyển sách đó, họ chú ý đến 39 quyển sách trong phần Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ, bắt đầu đọc và thưởng thức các sách này. Khi đọc xong phần Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ, thì họ đã tập được thói quen đọc Kinh Thánh đều đặn, vì vậy họ tiếp tục đọc phần Kinh Thánh tiếng Hy Lạp lần thứ hai, và việc đọc cứ thế mà tiếp diễn. Cũng thế, mong rằng bạn tập thói quen đọc Lời Đức Chúa Trời hàng ngày để trở thành tập quán suốt đời.
Trong gia đình hoặc trong hội thánh bạn, có người nào không biết đọc không? Sao bạn không đề nghị đọc Kinh Thánh đều đặn cho người ấy nghe? Bạn sẽ được lợi ích. Và người kia cũng được lợi ích khi nghiền ngẫm những gì đã nghe, rồi áp dụng nó trong đời sống.—Khải 1:3.
Với thời gian, có lẽ bạn muốn thực hiện những kế hoạch đặc biệt về việc đọc Kinh Thánh. Một số những kế hoạch này có thể giúp bạn nhận thức rõ hơn mối tương quan giữa những phần khác nhau của Kinh Thánh. Nếu Kinh Thánh của bạn có phần tham khảo bên lề, chúng có thể hướng bạn đến những chi tiết lịch sử và những lời tường thuật liên quan. Chúng có thể giúp bạn hiểu những hoàn cảnh đưa đến việc ghi chép các bài Thi-thiên cũng như những lá thư do các sứ đồ của Chúa Giê-su Christ viết ra. Sách Insight on the Scriptures (Thông hiểu Kinh Thánh) cung cấp một kho tài liệu thiết yếu về người ta, nơi chốn, và các đức tính mà Kinh Thánh đề cập. Các biểu đồ trong sách này lưu ý đến sự ứng nghiệm những lời tiên tri trong Kinh Thánh, cho thấy các vua nào và nhà tiên tri nào sống cùng thời với nhau, đồng thời cho biết ngày tháng phỏng chừng của nhiều biến cố trong Kinh Thánh.
Khi suy ngẫm những gì mình học, bạn sẽ hiểu vì sao một số tình trạng nào đó đã phát sinh trong vòng dân sự Đức Chúa Trời. Bạn cũng sẽ hiểu tại sao Đức Giê-hô-va đã đối xử với dân Ngài như thế. Bạn sẽ hiểu Đức Giê-hô-va đánh giá hành động của các chính phủ, các dân tộc, và người ta ra sao. Điều này sẽ giúp bạn hiểu biết thâm sâu hơn lối suy nghĩ của Ngài.
Lịch sử Kinh Thánh cũng sẽ trở nên lý thú hơn đối với bạn khi hình dung khu vực nơi các biến cố xảy ra. Bản đồ của những vùng đất Kinh Thánh nói đến cho biết về địa hình cũng như khoảng cách giữa các vùng. Thí dụ, dân Y-sơ-ra-ên băng qua Biển Đỏ ở khoảng nào? Diện tích của Đất Hứa là bao nhiêu? Chúa Giê-su đã đi đến tận đâu khi thi hành thánh chức trên đất? Trong mỗi chuyến hành trình truyền giáo, sứ đồ Phao-lô đã thấy những cảnh tượng nào? Các bản đồ và lời mô tả về địa dư chứa đựng những chi tiết khiến việc đọc được sống động. Bạn có thể tìm đâu được bản đồ các vùng đất mà Kinh Thánh nói đến? Một số được in trong Kinh Thánh. Sách Insight chứa khoảng 70 bản đồ và một danh mục bản đồ nơi cuối tập I. Hãy dùng Watch Tower Publications Index (Thư mục các ấn phẩm Hội Tháp Canh) để tìm những bản đồ khác. Nếu không có sẵn các phương tiện này, hãy dùng những bản đồ in trong Tháp Canh để giúp bạn trong việc đọc Kinh Thánh.
Trong phần Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ, Vua Đa-vít ca tụng Đức Giê-hô-va như sau: “Hỡi Đức Chúa Trời, các tư-tưởng Chúa quí-báu cho tôi thay! Số các tư-tưởng ấy thật lớn thay!” (Thi 139:17) Trong phần Kinh Thánh tiếng Hy Lạp, sứ đồ Phao-lô ca ngợi Đức Giê-hô-va vì Ngài “đã làm cho sự sáng Ngài chói-lòa trong lòng chúng tôi, đặng sự thông-biết về vinh-hiển Đức Chúa Trời soi-sáng nơi mặt Đức Chúa Jêsus-Christ”. (2 Cô 4:6) Đa-vít và Phao-lô sống cách nhau hàng thế kỷ; song, cả hai đều vui thích nơi Lời Đức Chúa Trời. Bạn cũng có thể vui thích như thế nếu dành thì giờ đọc tất cả những gì Đức Giê-hô-va đã ban cho trong Lời được Ngài soi dẫn.