Hãy trông mong cho ngày Đức Giê-hô-va mau đến
“Trong những ngày sau-rốt, sẽ có mấy kẻ hay gièm-chê” (II PHI-E-RƠ 3:3).
1. Một tín đồ đấng Christ thời nay có tinh thần cấp bách nào?
MỘT người truyền giáo trọn thời gian hơn 66 năm viết như sau: “Đầu óc tôi lúc nào cũng nghĩ rằng Ha-ma-ghê-đôn sắp đến rồi. Tôi cảm thấy được sự cấp bách đó (Khải-huyền 16:14, 16). Giống như cha và ông nội, tôi sống đời sống tôi như sứ đồ [Phi-e-rơ] khuyên giục: ‘[Hãy] trông-mong cho ngày Đức Chúa Trời mau đến’. Tôi luôn luôn xem thế giới mới được Đức Chúa Trời hứa là ‘bằng-cớ của những đều mình chẳng xem thấy’ ” (II Phi-e-rơ 3:11, 12; Hê-bơ-rơ 11:1; Ê-sai 11:6-9; Khải-huyền 21:3, 4).
2. Trông mong cho ngày Đức Giê-hô-va mau đến có nghĩa gì?
2 Từ ngữ “trông-mong” mà Phi-e-rơ dùng để nói đến ngày Đức Giê-hô-va có nghĩa là chúng ta không nên nghĩ rằng ngày đó còn xa. Chúng ta chớ nên quên rằng ngày Đức Giê-hô-va hủy diệt hệ thống mọi sự này rất là gần. Đây là bước đầu để thiết lập thế giới mới mà ngài đã hứa. Ngày đó phải có thật đối với chúng ta đến nỗi chúng ta thấy được rõ ràng, như thể ngay trước mắt mình. Ngày đó có thật đối với các nhà tiên tri của Đức Chúa Trời vào thời xưa, đến đỗi họ thường nói là nó rất gần kề (Ê-sai 13:6; Giô-ên 1:15; 2:1; Áp-đia 15; Sô-phô-ni 1:7, 14).
3. Điều gì rõ ràng đã khiến Phi-e-rơ đưa ra lời khuyên về ngày Đức Giê-hô-va?
3 Tại sao Phi-e-rơ khuyên chúng ta nên xem ngày Đức Giê-hô-va “rất là gần kề”? Vì rõ ràng là một số người bắt đầu chế giễu ý tưởng về sự hiện diện mà đấng Christ đã hứa từ trước, lúc mà kẻ ác sẽ bị trừng phạt (II Phi-e-rơ 3:3, 4). Cho nên trong lá thư thứ hai ở đoạn 3, Phi-e-rơ đáp lại những lời bắt bẻ của những kẻ chế giễu này. Giờ đây chúng ta sẽ xem xét đoạn này.
Lời khuyên nhiệt thành đáng nhớ
4. Phi-e-rơ muốn chúng ta nhớ gì?
4 Trong đoạn này, tình yêu thương của Phi-e-rơ dành cho các anh em được thể hiện rõ qua cách ông nhiều lần gọi họ là “kẻ rất yêu-dấu”. Phi-e-rơ bắt đầu bằng cách nhiệt thành khuyên họ chớ quên những gì họ đã học được: “Hỡi kẻ rất yêu-dấu,... tôi tìm cách làm cho nhớ lại để giục lòng lành trong anh em, hầu cho ghi lấy lời nói trước của các thánh tiên-tri, cùng mạng-lịnh của Chúa và Cứu-Chúa chúng ta, đã cậy các sứ-đồ của anh em mà truyền lại” (II Phi-e-rơ 3:1, 2, 8, 14, 17; Giu-đe 17).
5. Một số nhà tiên tri nói gì về ngày Đức Giê-hô-va?
5 Phi-e-rơ khuyên giục những người đọc lá thư ông nên nhớ đến những “lời nói trước” nào “của các thánh tiên-tri”? Đó là những lời nói về sự hiện diện của đấng Christ trong vương quyền Nước Trời và sự phán xét những người không tin kính. Trước đó Phi-e-rơ có lưu ý chúng ta đến những lời này (II Phi-e-rơ 1:16-19; 2:3-10). Giu-đe nói đến Hê-nóc, nhà tiên tri đầu tiên được Kinh-thánh ghi lại, đã báo trước về việc Đức Chúa Trời lên án những kẻ ác (Giu-đe 14, 15). Sau Hê-nóc, cũng có các nhà tiên tri khác, và Phi-e-rơ không muốn chúng ta quên những gì họ đã viết (Ê-sai 66:15, 16; Sô-phô-ni 1:15-18; Xa-cha-ri 14:6-9).
6. Những lời nào của đấng Christ và các sứ đồ giúp chúng ta hiểu rõ hơn về ngày Đức Giê-hô-va?
6 Ngoài ra, Phi-e-rơ bảo những người đọc thư ông hãy nhớ đến “mạng-lịnh của Chúa và Cứu-Chúa chúng ta”. Mạng lệnh của Chúa Giê-su bao gồm lời khuyên giục: “Hãy tự giữ lấy mình, e rằng... lòng các ngươi mê-mẩn chăng, và e ngày ấy đến thình-lình trên các ngươi như lưới bủa”. “Hãy giữ mình, tỉnh-thức; vì các ngươi chẳng biết kỳ đó đến khi nào” (Lu-ca 21:34-36; Mác 13:33). Phi-e-rơ cũng khuyên chúng ta nghe theo lời các sứ đồ. Thí dụ, sứ đồ Phao-lô viết: “Ngày của Chúa sẽ đến như kẻ trộm trong ban đêm vậy. Vậy, chúng ta chớ ngủ như kẻ khác, nhưng phải tỉnh-thức và giè-giữ” (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:2, 6).
Những dục vọng của kẻ chế giễu
7, 8. a) Những kẻ chế giễu những thông điệp cảnh cáo về ngày Đức Chúa Trời là loại người như thế nào? b) Những kẻ chế giễu tuyên bố điều gì?
7 Như đã nói trên, Phi-e-rơ cho lời khuyên nhủ là vì một số người bắt đầu chế nhạo những lời răn ấy, giống như dân Y-sơ-ra-ên thời xưa đã nhạo báng các nhà tiên tri của Đức Giê-hô-va (II Sử-ký 36:16). Phi-e-rơ giải thích: “Trước hết phải biết rằng, trong những ngày sau-rốt, sẽ có mấy kẻ hay gièm-chê, dùng lời giễu-cợt, ở theo tình-dục riêng của mình” (II Phi-e-rơ 3:3). Giu-đe nói rằng những kẻ chế giễu này thèm muốn những điều “không tin-kính”. Ông nói chúng “thuộc về tánh xác-thịt, không có Đức Thánh-Linh” (Giu-đe 17-19).
8 Chắc chắn trong số những kẻ chế giễu không có tính thiêng liêng cũng có các giáo sư giả mà Phi-e-rơ nói là “theo lòng tư-dục ô-uế mình mà ham-mê sự sung-sướng xác-thịt” (II Phi-e-rơ 2:1, 10, 14). Họ hỏi các tín đồ trung thành với tính cách nhạo báng: “Chớ nào lời hứa về sự Chúa đến ở đâu? Vì từ khi tổ-phụ chúng ta qua đời rồi, muôn vật vẫn còn nguyên như lúc bắt đầu sáng-thế” (II Phi-e-rơ 3:4).
9. a) Tại sao những kẻ chế giễu cố làm suy yếu tinh thần cấp bách trong cả Kinh-thánh, Lời Đức Chúa Trời? b) Trông mong cho ngày Đức Giê-hô-va mau đến che chở chúng ta như thế nào?
9 Tại sao họ chế nhạo? Tại sao họ cho rằng sự hiện diện của đấng Christ có thể không bao giờ xảy ra, và Đức Chúa Trời chưa hề can thiệp vào công việc của loài người và sẽ không bao giờ làm thế? Bằng cách làm suy yếu tinh thần cấp bách được thể hiện trong cả Kinh-thánh, Lời Đức Chúa Trời, những kẻ chế giễu có tánh xác thịt này tìm cách ru ngủ người khác, đưa họ vào một tình trạng lãnh đạm về thiêng liêng và như vậy chúng dễ gợi lòng ích kỷ và quyến dụ những người ấy. Thật là lời khuyên mạnh mẽ cho chúng ta ngày nay để giữ mình tỉnh thức về thiêng liêng! Chúng ta hãy trông mong cho ngày Đức Giê-hô-va mau đến và luôn luôn nhớ rằng ngài thấy mọi hành động của mình! Như vậy chúng ta sẽ được thúc đẩy để sốt sắng phụng sự Đức Giê-hô-va và giữ trong sạch về đạo đức (Thi-thiên 11:4; Ê-sai 29:15; Ê-xê-chi-ên 8:12; 12:27; Sô-phô-ni 1:12).
Hành động cố tình và đáng khinh
10. Phi-e-rơ chứng tỏ những kẻ chế giễu sai lầm như thế nào?
10 Những kẻ chế giễu ấy lờ đi một sự kiện quan trọng. Họ cố lờ đi sự kiện đó và tìm cách làm người khác cũng quên đi. Tại sao? Để dễ quyến dụ người ta. Phi-e-rơ viết: “Chúng nó có ý quên lững đi”. Quên điều gì? Đó là “buổi xưa bởi lời Đức Chúa Trời có các từng trời và trái đất, đất ra từ nước và làm nên ở giữa nước, thế-gian bấy giờ cũng bị hủy-phá như vậy, là bị chìm-đắm bởi nước lụt” (II Phi-e-rơ 3:5, 6). Đúng vậy, Đức Giê-hô-va đã hủy diệt kẻ ác khỏi đất trong trận Nước Lụt thời Nô-ê, một sự kiện mà Chúa Giê-su cũng đã nhấn mạnh đến (Ma-thi-ơ 24:37-39; Lu-ca 17:26, 27; II Phi-e-rơ 2:5). Vậy trái với những gì kẻ chế giễu nói, mọi việc không “còn nguyên như lúc bắt đầu sáng-thế”.
11. Tín đồ đấng Christ thời ban đầu trông mong những điều nào quá sớm khiến cho một số người chế giễu họ?
11 Những kẻ gièm chê chắc đã chế giễu các tín đồ trung thành vì những người này có những sự trông mong chưa thành tựu. Ít lâu trước khi Chúa Giê-su chết, các môn đồ “tưởng rằng nước Đức Chúa Trời sẽ hiện ra ngay”. Rồi sau khi ngài sống lại, họ hỏi ngài có phải Nước Trời sẽ được thành lập ngay lập tức hay không. Đồng thời, khoảng mười năm trước khi Phi-e-rơ viết lá thư thứ hai, một số người “bối-rối... bởi lời nói hay là bởi bức thơ”, được cho là của sứ đồ Phao-lô hay những bạn đồng hành của ông, “nói là... Ngày của Chúa đã đến” (Lu-ca 19:11; II Tê-sa-lô-ni-ca 2:2, Nguyễn thế Thuấn; Công-vụ các Sứ-đồ 1:6). Tuy nhiên, những sự trông mong của các môn đồ Chúa Giê-su không phải là sai lầm mà chỉ quá sớm. Ngày Đức Giê-hô-va sẽ đến!
Lời Đức Chúa Trời đáng tin cậy
12. Lời Đức Chúa Trời chứng tỏ đáng tin cậy khi tiên tri về “ngày của Đức Giê-hô-va” như thế nào?
12 Như đã nói ở trên, các nhà tiên tri sống trước thời đấng Christ thường báo trước rằng ngày báo thù của Đức Giê-hô-va đã gần. Trên một bình diện nhỏ, “ngày của Đức Giê-hô-va” đã đến vào năm 607 TCN khi Đức Giê-hô-va trừng phạt dân ương ngạnh của ngài (Sô-phô-ni 1:14-18). Sau đó, “ngày của Đức Giê-hô-va” đã đến trên những nước khác, kể cả Ba-by-lôn và Ai Cập (Ê-sai 13:6-9; Giê-rê-mi 46:1-10; Áp-đia 15). Trong thế kỷ thứ nhất, sự cuối cùng của hệ thống mọi sự của dân Do Thái cũng được báo trước, và điều này xảy ra khi quân La Mã tàn phá xứ Giu-đê vào năm 70 CN (Lu-ca 19:41-44; I Phi-e-rơ 4:7). Tuy nhiên, Phi-e-rơ nói đến “ngày của Đức Giê-hô-va” trong tương lai, ngày ấy sẽ làm cho ngay cả trận Nước Lụt toàn cầu có vẻ nhỏ bé!
13. Thí dụ nào trong lịch sử cho thấy rằng sự cuối cùng của hệ thống mọi sự này chắc chắn sẽ xảy ra?
13 Phi-e-rơ bắt đầu miêu tả về sự hủy diệt sắp đến như sau: “Nhưng... bởi lời ấy”. Ông vừa nói rằng “bởi lời Đức Chúa Trời”, trái đất trước thời Nước Lụt “ra từ nước và làm nên ở giữa nước”. Tình trạng này, theo lời tường thuật trong Kinh-thánh về sự sáng tạo, khiến cho trận Nước Lụt có thể xảy ra khi nước đổ xuống theo chỉ thị hoặc lời của Đức Chúa Trời. Phi-e-rơ nói tiếp: “Trời đất thời bây giờ cũng là bởi lời [Đức Chúa Trời] mà còn lại, và để dành cho lửa; lửa sẽ đốt nó đi trong ngày phán-xét và hủy-phá kẻ ác” (II Phi-e-rơ 3:5-7; Sáng-thế Ký 1:6-8). Chúng ta có lời đáng tin cậy của Đức Giê-hô-va! Ngài sẽ hủy diệt “trời đất”—tức hệ thống mọi sự này—bởi cơn thạnh nộ trong ngày lớn của ngài! (Sô-phô-ni 3:8). Nhưng khi nào chuyện đó xảy ra?
Nóng lòng trông mong cho ngày cuối cùng mau đến
14. Tại sao chúng ta có thể tin chắc rằng mình hiện đang sống trong “ngày sau-rốt”?
14 Vì muốn biết khi nào sự cuối cùng sẽ đến, nên các môn đồ hỏi Chúa Giê-su: “Có điềm gì chỉ về sự hiện diện của Chúa và sự cuối cùng của hệ thống mọi sự?” Rõ ràng là họ hỏi khi nào hệ thống Do Thái sẽ chấm dứt, nhưng câu trả lời của Chúa Giê-su chủ yếu tập trung vào thời kỳ mà ‘trời và đất’ hiện tại sẽ bị hủy diệt. Chúa Giê-su báo trước về những điều như chiến tranh lớn, đói kém, động đất, dịch lệ và tội ác (Ma-thi-ơ 24:3-14, NW; Lu-ca 21:5-36). Kể từ năm 1914, chúng ta thấy sự ứng nghiệm của điềm mà Chúa Giê-su nói về “sự cuối cùng của hệ thống mọi sự” cũng như của những điều sứ đồ Phao-lô nói sẽ đánh dấu “ngày sau-rốt” (II Ti-mô-thê 3:1-5). Thật vậy, chúng ta có nhiều bằng chứng cho thấy rằng mình đang sống trong thời kỳ cuối cùng của hệ thống mọi sự này!
15. Mặc dù Chúa Giê-su đã báo trước, tín đồ đấng Christ vẫn có khuynh hướng làm gì?
15 Nhân-chứng Giê-hô-va nóng lòng muốn biết khi nào ngày Đức Giê-hô-va sẽ xảy ra. Vì sự nóng lòng đó, đôi khi họ tìm cách đoán khi nào ngày đó có thể xảy ra. Nhưng làm thế họ, giống như các môn đồ thời ban đầu của Chúa Giê-su, đã không lưu ý đến lời báo trước của Chúa là chúng ta “chẳng biết kỳ đó đến khi nào” (Mác 13:32, 33). Những kẻ gièm chê đã chế giễu các tín đồ trung thành vì họ trông mong ngày đó đến sớm (II Phi-e-rơ 3:3, 4). Tuy nhiên, Phi-e-rơ xác nhận rằng ngày Đức Giê-hô-va sẽ đến theo thời khóa biểu của ngài.
Cần có quan điểm của Đức Giê-hô-va
16. Chúng ta nên khôn ngoan nghe theo lời khuyên nào?
16 Giờ đây Phi-e-rơ nhắc nhở chúng ta là cần phải xem ngày giờ theo quan điểm của Đức Giê-hô-va: “Hỡi kẻ rất yêu-dấu, chớ nên quên rằng ở trước mặt Chúa một ngày như ngàn năm, ngàn năm như một ngày”. Nếu so sánh như thế thì đời sống 70 hay 80 năm của chúng ta thật ngắn ngủi làm sao! (II Phi-e-rơ 3:8; Thi-thiên 90:4, 10). Cho nên nếu sự ứng nghiệm về những lời hứa của Đức Chúa Trời có vẻ chậm trễ, chúng ta cần phải nhận lời khuyên của nhà tiên tri Đức Chúa Trời: “Nếu [thời kỳ ấn định] chậm-trễ, ngươi hãy đợi; bởi nó chắc sẽ đến, không chậm-trễ” (Ha-ba-cúc 2:3).
17. Mặc dù ngày cuối cùng kéo dài lâu hơn là nhiều người nghĩ, nhưng chúng ta có thể tin chắc điều gì?
17 Tại sao ngày cuối cùng của hệ thống này kéo dài lâu hơn là nhiều người nghĩ? Vì lý do tốt, như Phi-e-rơ giải thích kế đó: “Chúa không chậm-trễ về lời hứa của Ngài như mấy người kia tưởng đâu, nhưng Ngài lấy lòng nhịn-nhục đối với anh em, không muốn cho một người nào chết mất, song muốn cho mọi người đều ăn-năn” (II Phi-e-rơ 3:9). Đức Giê-hô-va nghĩ đến điều gì có lợi ích nhất cho tất cả nhân loại. Ngài quan tâm đến mạng sống của con người, như ngài nói: “Ta chẳng lấy sự kẻ dữ chết làm vui, nhưng vui về nó xây-bỏ đường-lối mình và được sống” (Ê-xê-chi-ên 33:11). Cho nên chúng ta có thể tin chắc rằng sự cuối cùng sẽ đến đúng lúc để thực hiện ý định của Đấng Tạo Hóa yêu thương và vô cùng khôn ngoan!
Cái gì sẽ qua đi?
18, 19. a) Tại sao Đức Giê-hô-va nhất quyết hủy diệt hệ thống mọi sự này? b) Phi-e-rơ miêu tả sự cuối cùng của hệ thống này như thế nào, và cái gì thực sự bị hủy diệt?
18 Vì thật sự yêu thương những ai phụng sự ngài, Đức Giê-hô-va sẽ hủy diệt tất cả những người làm họ đau khổ (Thi-thiên 37:9-11, 29). Như Phao-lô nói trước đó, Phi-e-rơ lưu ý chúng ta là sự hủy diệt này sẽ đến vào lúc không ngờ: “Ngày của Chúa sẽ đến như kẻ trộm. Bấy giờ các từng trời sẽ có tiếng vang-rầm mà qua đi, các thể-chất bị đốt mà tiêu-tán, đất cùng mọi công-trình trên nó đều sẽ bị đốt cháy cả” (II Phi-e-rơ 3:10; I Tê-sa-lô-ni-ca 5:2). Trời và đất theo nghĩa đen đã không bị hủy diệt trong trận Nước Lụt và cũng sẽ không bị hủy diệt trong ngày Đức Giê-hô-va. Vậy thì cái gì sẽ “qua đi”, hay bị hủy diệt?
19 Các chính phủ loài người cai trị người khác giống như “trời” sẽ chấm dứt và “đất”, hoặc xã hội loài người không tin kính cũng vậy. “Tiếng vang-rầm” có lẽ cho thấy các từng trời qua đi nhanh chóng. “Các thể-chất” hợp thành xã hội loài người suy đồi ngày nay sẽ bị “tiêu-tán”, hoặc hủy diệt. Và “đất”, kể cả “mọi công-trình trên nó”, sẽ bị “đốt cháy”. Đức Giê-hô-va sẽ vạch trần những hành động gian ác của loài người khi ngài chấm dứt toàn thể hệ thống thế gian đáng bị hủy diệt.
Hãy chú ý vào hy vọng
20. Sự hiểu biết về những biến cố xảy ra trong tương lai có ảnh hưởng đến đời sống chúng ta như thế nào?
20 Vì những biến cố quyết liệt này gần kề, Phi-e-rơ nói rằng chúng ta phải “nên thánh và tin-kính trong mọi sự ăn-ở của mình là dường nào, trong khi chờ-đợi trông-mong cho ngày Đức Chúa Trời mau đến”. Không còn nghi ngờ chi cả! “Các từng trời sẽ bị đốt mà tiêu-tán, các thể-chất sẽ bị thiêu mà tan-chảy đi!” (II Phi-e-rơ 3:11, 12). Vì những biến cố quyết liệt này có thể bắt đầu xảy ra ngày mai, nên nó ảnh hưởng đến mọi điều chúng ta làm hay dự định làm.
21. Cái gì sẽ thay thế trời và đất hiện tại?
21 Rồi Phi-e-rơ nói cho chúng ta biết điều gì sẽ thay thế hệ thống cũ: “Vả, theo lời hứa của Chúa, chúng ta chờ-đợi trời mới đất mới, là nơi sự công-bình ăn-ở” (II Phi-e-rơ 3:13; Ê-sai 65:17). Thật vui mừng biết bao! Đấng Christ và 144.000 vua đồng cai trị sẽ thành lập một chính phủ “mới” ở trên “trời”, và những người sống sót qua sự cuối cùng của thế gian này sẽ hợp thành “đất mới” (I Giăng 2:17; Khải-huyền 5:9, 10; 14:1, 3).
Giữ tinh thần cấp bách và sự trong sạch về đạo Đức
22. a) Điều gì sẽ giúp chúng ta tránh những tì vết hay khiếm khuyết về thiêng liêng? b) Phi-e-rơ báo trước về mối nguy hiểm nào?
22 Phi-e-rơ nói tiếp: “Vậy nên, hỡi kẻ rất yêu-dấu, vì anh em trông-đợi những sự đó, thì phải làm hết sức mình, hầu cho Chúa thấy anh em ở bình-an, không dấu-vít, chẳng chỗ trách được. Lại phải nhìn biết rằng sự nhịn-nhục lâu-dài của Chúa chúng ta cốt vì cứu-chuộc anh em”. Khi nghĩ rằng ngày Đức Giê-hô-va có vẻ đến trễ là vì ngài kiên nhẫn với chúng ta và chúng ta vẫn nóng lòng chờ đợi ngày ấy thì chúng ta sẽ tránh bị tì vết hay khiếm khuyết về thiêng liêng. Song, có mối nguy hiểm! Phi-e-rơ báo trước rằng trong những lá thư của “Phao-lô, anh rất yêu-dấu của chúng ta,... có mấy khúc khó hiểu, mà những kẻ dốt-nát và tin không quyết đem giải sai ý-nghĩa, cũng như họ giải sai về các phần Kinh-thánh khác, chuốc lấy sự hư-mất riêng về mình” (II Phi-e-rơ 3:14-16).
23. Trong phần kết luận, Phi-e-rơ cho lời khuyên nào?
23 Rõ ràng là các giáo sư giả xuyên tạc những điều Phao-lô viết về ân điển Đức Chúa Trời, dùng đó làm cớ để ăn ở buông tuồng. Có lẽ Phi-e-rơ nghĩ đến điều này khi ông viết lời khuyên tạm biệt: “Hỡi kẻ rất yêu-dấu, vì anh em đã được biết trước, vậy hãy giữ cho cẩn-thận, e anh em cũng bị sự mê-hoặc của những người ác ấy dẫn-dụ, mất sự vững-vàng của mình chăng”. Rồi trong phần kết luận, ông khuyên nhủ: “Hãy tấn-tới trong ân-điển và trong sự thông-biết Chúa và Cứu-Chúa chúng ta là Đức Chúa Jêsus-Christ” (II Phi-e-rơ 3:17, 18).
24. Tất cả các tôi tớ của Đức Giê-hô-va nên có thái độ nào?
24 Rõ ràng là Phi-e-rơ muốn làm vững mạnh các anh em. Ông muốn tất cả có thái độ giống như anh Nhân-chứng trung thành 82 tuổi được trích ở đầu bài: “Tôi sống đời sống tôi như sứ đồ khuyên giục: ‘[Hãy] trông-mong cho ngày Đức Chúa Trời mau đến’. Tôi luôn luôn xem thế giới mới được Đức Chúa Trời hứa là ‘bằng-cớ của những đều mình chẳng xem thấy’ ”. Mong sao tất cả chúng ta sống đời sống mình giống như vậy.
Bạn trả lời thế nào?
◻ “Trông mong” cho ngày Đức Giê-hô-va mau đến có nghĩa gì?
◻ Những kẻ chế giễu cố lờ đi điều gì, và tại sao?
◻ Những người gièm chê chế giễu các tín đồ trung thành của đấng Christ vì lý do gì?
◻ Chúng ta cần giữ quan điểm nào?
[Hình nơi trang 23]
Trông mong cho ngày Đức Giê-hô-va mau đến...
[Hình nơi trang 24]
... và thế giới mới sau đó