BÀI HỌC 39
Khi một người thân yêu rời bỏ Đức Giê-hô-va
“Bao lần họ... làm ngài đau lòng”.—THI 78:40.
BÀI HÁT 102 “Giúp đỡ những người yếu đuối”
GIỚI THIỆUa
1. Việc người thân yêu bị khai trừ có thể ảnh hưởng ra sao đến một số anh chị?
Có phải anh chị có người thân yêu bị khai trừ khỏi hội thánh không? Hẳn anh chị cảm thấy tan nát cõi lòng! Một chị tên Hiền cho biết: “Khi người chồng trung thành qua đời sau 41 năm chung sống, tôi nghĩ đó là nỗi đau lớn nhất mình phải trải qua.b Nhưng khi con trai tôi rời bỏ hội thánh và vợ con, thì nỗi đau mà tôi phải đương đầu lớn hơn rất, rất nhiều”.
2, 3. Theo Thi thiên 78:40, 41, Đức Giê-hô-va cảm thấy thế nào khi một tôi tớ rời bỏ ngài?
2 Hãy thử nghĩ Đức Giê-hô-va đau lòng biết bao khi một số thiên sứ trong gia đình ngài quay lưng lại với ngài! (Giu 6). Và hãy hình dung ngài đau lòng thế nào khi thấy dân yêu quý của ngài là dân Y-sơ-ra-ên chống nghịch ngài hết lần này đến lần khác. (Đọc Thi thiên 78:40, 41). Hãy tin chắc Cha yêu thương trên trời cũng đau lòng khi người mà anh chị yêu mến rời bỏ ngài. Ngài hiểu nỗi đau mà anh chị đang trải qua. Ngài sẽ nhân từ cung cấp sự khích lệ và hỗ trợ mà anh chị cần.
3 Bài này sẽ xem chúng ta có thể làm gì để nhận sự giúp đỡ của Đức Giê-hô-va khi đương đầu với nỗi mất mát như thế. Chúng ta cũng sẽ xem làm thế nào để giúp những anh chị trong hội thánh đang đối mặt với thử thách này. Nhưng trước hết, hãy xem một lối suy nghĩ tiêu cực mà chúng ta cần tránh.
TRÁNH ĐỔ LỖI CHO BẢN THÂN
4. Nhiều bậc cha mẹ cảm thấy thế nào khi con mình rời bỏ Đức Giê-hô-va?
4 Khi một người con yêu dấu rời bỏ Đức Giê-hô-va, cha mẹ thường nghĩ lẽ ra mình phải làm nhiều hơn để giúp con tiếp tục ở trong chân lý. Sau khi con trai bị khai trừ, một anh tên Lâm thừa nhận: “Tôi tự trách bản thân. Thậm chí tôi còn gặp ác mộng về điều đó. Có những lúc tôi đã khóc và cảm thấy lòng mình đau nhói”. Một chị tên Bích cũng đối mặt với tình huống tương tự bộc bạch: “Chắc tôi là một người mẹ thiếu sót. Tôi cảm thấy mình thất bại trong việc khắc ghi chân lý vào lòng con”.
5. Ai chịu trách nhiệm khi một người rời bỏ Đức Giê-hô-va?
5 Chúng ta cần nhớ rằng Đức Giê-hô-va ban cho mỗi người món quà tự do ý chí. Điều này có nghĩa là chúng ta có thể chọn vâng lời ngài hay không. Một số người trẻ có cha mẹ không nêu gương tốt, nhưng họ vẫn chọn phụng sự Đức Giê-hô-va và trung thành với ngài. Số khác được cha mẹ nỗ lực hết sức để dạy họ sống theo nguyên tắc Kinh Thánh, nhưng khi lớn lên họ lại quay lưng với chân lý. Cuối cùng, mỗi chúng ta phải quyết định mình sẽ phụng sự Đức Giê-hô-va hay không (Giô-suê 24:15). Vậy, những bậc cha mẹ đang đau buồn đừng nghĩ rằng thảm kịch này xảy đến là do lỗi của mình!
6. Một người trẻ có thể bị ảnh hưởng ra sao khi cha hoặc mẹ rời bỏ Đức Chúa Trời?
6 Đôi khi, có những người cha hoặc mẹ rời bỏ chân lý, thậm chí là rời bỏ gia đình mình (Thi 27:10). Điều này có thể ảnh hưởng nặng nề đến những người con xem cha mẹ là gương mẫu để noi theo. Chị Vân, người có cha bị khai trừ, nói: “Lúc đó, tôi thường khóc vì nhận ra cha không chỉ trôi giạt khỏi chân lý mà cha đã cố tình chọn rời bỏ Đức Giê-hô-va. Tôi thương cha rất nhiều nên khi cha bị khai trừ, tôi luôn lo lắng không biết bây giờ cha ra sao. Thậm chí tôi còn gặp những cơn hoảng loạn”.
7. Đức Giê-hô-va cảm thấy thế nào về một người trẻ có cha hoặc mẹ bị khai trừ?
7 Hỡi các bạn trẻ, nếu cha hoặc mẹ của bạn bị khai trừ, chúng tôi rất cảm thông với nỗi đau của bạn! Hãy tin chắc rằng Đức Giê-hô-va cũng biết rõ bạn đau lòng đến mức nào. Ngài yêu thương và quý trọng lòng trung thành của bạn, và chúng tôi, là những anh chị em thiêng liêng của bạn, cũng vậy. Đồng thời, hãy nhớ rằng bạn không phải chịu trách nhiệm về quyết định của cha mẹ. Như được đề cập ở trên, Đức Giê-hô-va cho mỗi người quyền chọn phụng sự ngài hay không. Mỗi người đã dâng mình và báp-têm phải “gánh lấy trách nhiệm riêng của mình”.—Ga 6:5, chú thích.
8. Những thành viên trung thành trong gia đình có thể làm gì trong khi chờ đợi người thân yêu trở về với Đức Giê-hô-va? (Cũng xem khung “Hãy trở về với Đức Giê-hô-va”).
8 Khi một người mà anh chị yêu mến rời bỏ Đức Giê-hô-va, điều dễ hiểu là anh chị vẫn luôn hy vọng ngày nào đó người ấy sẽ trở về với ngài. Anh chị có thể làm gì trong thời gian chờ đợi? Hãy chăm sóc sức khỏe thiêng liêng của mình. Khi làm thế, anh chị sẽ nêu gương tốt cho thành viên khác trong gia đình và có lẽ ngay cả người bị khai trừ. Anh chị cũng sẽ có được sức mạnh cần thiết để đương đầu với nỗi đau về cảm xúc. Hãy xem một số điều thực tế anh chị có thể làm.
ANH CHỊ CÓ THỂ LÀM GÌ ĐỂ VỮNG MẠNH VỀ THIÊNG LIÊNG?
9. Anh chị có thể làm gì để nhận sức mạnh từ Đức Giê-hô-va? (Cũng xem khung “Những câu Kinh Thánh an ủi khi người thân yêu rời bỏ Đức Giê-hô-va”).
9 Giữ nề nếp thiêng liêng tốt. Việc tiếp tục củng cố chính mình và thành viên khác trong gia đình là điều thiết yếu. Anh chị có thể làm điều này như thế nào? Hãy nhận sức mạnh từ Đức Giê-hô-va bằng cách giữ thói quen đọc và suy ngẫm Lời ngài cũng như tham dự nhóm họp. Chị Loan, người có cha và chị gái rời bỏ chân lý, cho biết: “Tôi cảm thấy nhẹ lòng khi đọc về những nhân vật trong Kinh Thánh như A-bi-ga-in, Ê-xơ-tê, Gióp, Giô-sép và Chúa Giê-su. Gương của họ lấp đầy lòng và trí tôi những suy nghĩ tích cực và xoa dịu nỗi đau của tôi. Những bài hát đặc sắc cũng khích lệ tôi rất nhiều”.
10. Theo Thi thiên 32:6-8, làm thế nào chúng ta có thể đối phó với sự buồn nản?
10 Trút đổ mọi lo lắng cho Đức Giê-hô-va. Khi cảm thấy buồn nản, hãy tiếp tục cầu nguyện với ngài. Hãy nài xin Đức Chúa Trời giúp anh chị nhìn vấn đề theo quan điểm của ngài và ‘ban sự thông hiểu, chỉ dẫn đường anh chị phải đi’. (Đọc Thi thiên 32:6-8). Có lẽ việc bộc lộ cảm xúc của mình với Đức Giê-hô-va sẽ khơi dậy nỗi đau trong lòng anh chị. Nhưng Đức Giê-hô-va hiểu rõ nỗi đau ấy. Ngài yêu thương anh chị rất nhiều và mời anh chị trút đổ lòng mình với ngài.—Xuất 34:6; Thi 62:7, 8.
11. Theo Hê-bơ-rơ 12:11, tại sao chúng ta nên tin cậy nơi sự sửa dạy yêu thương của Đức Giê-hô-va? (Cũng xem khung “Khai trừ—Sự sửa dạy yêu thương của Đức Giê-hô-va”).
11 Ủng hộ quyết định khai trừ. Khai trừ là một sắp đặt đến từ Đức Giê-hô-va. Sự sửa dạy yêu thương của ngài mang lại lợi ích tốt nhất cho tất cả mọi người, trong đó có người phạm tội. (Đọc Hê-bơ-rơ 12:11). Có thể một số người trong hội thánh nói các trưởng lão không đúng khi đưa ra quyết định khai trừ. Nhưng hãy nhớ là những người như thế thường muốn giảm nhẹ điều sai trái mà người bị khai trừ đã làm. Chỉ đơn giản là chúng ta không biết hết mọi thông tin. Vì vậy, điều khôn ngoan là tin cậy rằng các trưởng lão trong ủy ban tư pháp đã nỗ lực hết sức để theo sát nguyên tắc Kinh Thánh và xét xử “cho Đức Giê-hô-va”.—2 Sử 19:6.
12. Một số anh chị nhận được lợi ích nào khi ủng hộ sắp đặt của Đức Giê-hô-va về việc sửa dạy?
12 Khi anh chị ủng hộ quyết định của trưởng lão về việc khai trừ người thân yêu của mình, thật ra điều đó có thể giúp người ấy trở lại với Đức Giê-hô-va. Chị Bích được đề cập ở trên thừa nhận: “Cắt đứt liên lạc với con trai đã trưởng thành là điều vô cùng khó. Nhưng về sau, khi trở lại với Đức Giê-hô-va, cháu thừa nhận rằng mình đáng bị khai trừ. Với thời gian, cháu cho biết cháu rất quý những bài học mà mình học được. Kinh nghiệm này giúp tôi quý trọng sự sửa dạy của Đức Giê-hô-va”. Chồng của chị là anh Minh cho biết thêm: “Mãi về sau, con trai chúng tôi cho biết cháu muốn trở lại một phần là vì chúng tôi làm đúng điều mình phải làm. Tôi rất mừng vì Đức Giê-hô-va đã giúp chúng tôi vâng lời”.
13. Điều gì có thể giúp anh chị đương đầu với nỗi đau về cảm xúc?
13 Tâm sự với những người bạn biết cảm thông. Hãy kết hợp với các tín đồ thành thục, là những người có thể giúp anh chị giữ thái độ tích cực (Châm 12:25; 17:17). Chị Loan được đề cập ở trên nói: “Trong lòng, tôi cảm thấy rất đơn độc. Tuy nhiên, việc nói chuyện với những người bạn đáng tin cậy đã giúp tôi đương đầu với vấn đề”. Nhưng nói sao nếu một số người trong hội thánh nói những điều khiến anh chị thấy buồn hơn?
14. Tại sao chúng ta cần “tiếp tục chịu đựng nhau và rộng lòng tha thứ nhau”?
14 Kiên nhẫn với anh em đồng đạo. Chúng ta không nên mong đợi tất cả anh em sẽ luôn nói điều nên nói (Gia 3:2). Hết thảy chúng ta đều bất toàn, vì thế đừng ngạc nhiên nếu một số anh chị không biết phải nói gì hoặc thậm chí vô tình nói những lời khiến mình đau lòng. Hãy nhớ lời khuyên của Phao-lô, đó là “tiếp tục chịu đựng nhau và rộng lòng tha thứ nhau cho dù có lý do để phàn nàn về người khác” (Cô 3:13). Một chị có người thân bị khai trừ cho biết: “Đức Giê-hô-va đã giúp tôi tha thứ cho những anh em cố gắng khích lệ tôi nhưng lại khiến tôi cảm thấy tổn thương”. Vậy, hội thánh có thể làm gì để giúp những thành viên trung thành trong gia đình?
HỘI THÁNH CÓ THỂ GIÚP NHƯ THẾ NÀO?
15. Chúng ta có thể làm gì để giúp những thành viên trong gia đình có người thân yêu mới bị khai trừ?
15 Nồng ấm chào đón những thành viên trung thành trong gia đình của người bị khai trừ. Một chị tên My thừa nhận chị lo lắng về việc đi nhóm họp sau khi em trai bị khai trừ. Chị nói: “Tôi sợ không biết người khác sẽ nói gì. Nhưng nhiều anh chị đã san sẻ nỗi buồn và không tỏ ra oán giận em trai tôi. Nhờ họ mà tôi không cảm thấy đơn độc”. Một chị khác nhớ lại: “Sau khi con trai chúng tôi bị khai trừ, các anh chị yêu dấu đã đến an ủi chúng tôi. Một số người thừa nhận là họ không biết phải nói gì. Họ đã khóc cùng tôi hoặc viết vài lời an ủi. Những điều họ làm đã giúp tôi rất nhiều!”.
16. Hội thánh có thể tiếp tục hỗ trợ như thế nào?
16 Tiếp tục ủng hộ những thành viên trung thành trong gia đình của người bị khai trừ. Đây là lúc họ cần được anh chị yêu thương và khích lệ hơn bao giờ hết (Hê 10:24, 25). Đôi khi, những thành viên trong gia đình của người bị khai trừ cảm thấy một số người trong hội thánh không muốn kết hợp với họ nữa, như thể họ cũng bị khai trừ. Đừng để điều đó xảy ra! Những người trẻ có cha hoặc mẹ rời bỏ chân lý đặc biệt cần được khen và khích lệ. Chị Hoa, người có chồng bị khai trừ và rời bỏ gia đình, cho biết: “Một số người bạn đã đến nhà nấu nướng và giúp tôi biết cách học Kinh Thánh với các con. Họ cảm nhận nỗi đau của tôi và khóc cùng tôi. Họ bênh vực tôi khi người ta lan truyền những điều không đúng về tôi. Họ thật sự giúp tôi lên tinh thần!”.—Rô 12:13, 15.
17. Các trưởng lão có thể làm gì để an ủi người đang đau buồn?
17 Hỡi các trưởng lão, hãy tận dụng mọi cơ hội để làm vững mạnh những thành viên trung thành trong gia đình của người bị khai trừ. Các anh đặc biệt có trách nhiệm an ủi những anh em đồng đạo có người thân yêu rời bỏ Đức Giê-hô-va (1 Tê 5:14). Hãy chủ động khích lệ họ trước và sau buổi nhóm họp. Đến thăm họ và cầu nguyện cho họ. Đi thánh chức chung với họ hoặc thỉnh thoảng mời họ tham dự buổi thờ phượng của gia đình. Các anh chăn bầy cần thể hiện lòng trắc ẩn, tình yêu thương và sự quan tâm đối với những chiên đang đau buồn của Đức Giê-hô-va.—1 Tê 2:7, 8.
ĐỪNG TỪ BỎ HY VỌNG VÀ TIẾP TỤC TIN CẬY ĐỨC GIÊ-HÔ-VA
18. Theo 2 Phi-e-rơ 3:9, Đức Chúa Trời mong muốn điều gì nơi những người phạm tội?
18 Đức Giê-hô-va “chẳng muốn bất cứ ai bị hủy diệt mà muốn mọi người đều ăn năn”. (Đọc 2 Phi-e-rơ 3:9). Dù một người phạm tội trọng, nhưng mạng sống của người đó vẫn quý giá với ngài. Hãy nghĩ đến giá cao mà Đức Giê-hô-va đã trả, tức sự hy sinh làm giá chuộc của chính Con yêu dấu ngài, để mua lại sự sống của những người tội lỗi. Đức Giê-hô-va yêu thương mở đường cho những người rời bỏ ngài quay trở về. Ngài hy vọng họ sẽ chọn làm thế, như chúng ta thấy từ minh họa của Chúa Giê-su về người con lầm lạc (Lu 15:11-32). Nhiều người rời bỏ chân lý sau này đã trở về với Cha yêu thương trên trời. Và hội thánh mở rộng vòng tay chào đón họ. Chị Bích, người được đề cập ở trên, đã rất vui mừng khi thấy con trai được nhận lại. Nghĩ lại, chị cho biết: “Tôi rất biết ơn những anh chị đã khuyến khích chúng tôi không từ bỏ hy vọng”.
19. Chúng ta có những lý do nào để tiếp tục tin cậy Đức Giê-hô-va?
19 Chúng ta có thể luôn tin cậy Đức Giê-hô-va. Ngài không bao giờ đưa ra những chỉ dẫn mà sẽ gây hại cho chúng ta. Ngài là Cha rộng rãi và đầy lòng trắc ẩn. Ngài có tình yêu thương sâu đậm đối với tất cả những ai yêu mến và thờ phượng ngài. Hãy tin chắc rằng Đức Giê-hô-va sẽ không lìa bỏ anh chị vào những lúc anh chị khốn khổ (Hê 13:5, 6). Anh Minh được đề cập ở trên nói: “Đức Giê-hô-va không bao giờ lìa bỏ chúng tôi. Ngài luôn ở bên khi mỗi chúng ta đương đầu với khó khăn”. Đức Giê-hô-va sẽ tiếp tục ban cho anh chị “sức lực hơn mức bình thường” (2 Cô 4:7). Thật vậy, anh chị có thể giữ lòng trung thành và niềm hy vọng ngay cả khi người thân yêu rời bỏ Đức Giê-hô-va.
BÀI HÁT 44 Lời cầu nguyện của người khốn cùng
a Thật đau lòng biết bao khi một người thân yêu rời bỏ Đức Giê-hô-va! Bài này cho biết ngài cảm thấy thế nào khi điều ấy xảy ra. Bài sẽ xem xét những điều thực tế mà các thành viên trung thành trong gia đình có thể làm để đương đầu với nỗi đau và giữ tình trạng thiêng liêng được mạnh mẽ. Bài cũng sẽ thảo luận làm thế nào mọi người trong hội thánh có thể an ủi và hỗ trợ gia đình có người bị khai trừ.
b Các tên trong bài đã được thay đổi.
d HÌNH ẢNH: Khi một anh rời bỏ gia đình và Đức Giê-hô-va, vợ và các con rất đau khổ.
e HÌNH ẢNH: Hai trưởng lão đến khích lệ một gia đình trong hội thánh.