“Hãy ở bình-an, không dấu-vít chẳng chỗ trách được”
“Phải làm hết sức mình, hầu cho Chúa thấy anh em ở bình-an, không dấu-vít, chẳng chỗ trách được” (I PHI-E-RƠ 3:14).
1, 2. Sự thánh thiện là gì?
Giê-hô-va Đức Chúa Trời là thánh thiện. Con của Ngài là Giê-su trong lời cầu nguyện đã xưng Ngài là “Cha Thánh” (Giăng 17:1, 11). Và các tạo vật thần linh trên trời đã được mô tả kêu lêu rằng: “Thánh thay, thánh thay, thánh thay là Đức Giê-hô-va vạn-quân!” (Ê-sai 6:3). Song từ ngữ “thánh” có nghĩa là gì?
2 Từ ngữ “thánh” và “sự thánh thiện” được dịch từ các chữ Hê-bơ-rơ có thể mang cội nghĩa là “sáng láng”, “mới, tươi, không vết nhơ hoặc sạch sẽ” về mặt thể chất. Song, trong Kinh-thánh các chữ này được dùng trước hết theo nghĩa đạo đức hoặc thiêng liêng. Từ ngữ Hê-bơ-rơ cũng có ý nói đến sự tách rời, sự riêng biệt, hoặc sự làm vinh hiển sự thánh thiện của Đức Giê-hô-va. Trong Kinh-thánh phần Hy-lạp cũng vậy, các chữ được dịch ra là “thánh” và “sự thánh thiện” có nói đến sự để riêng ra cho Đức Chúa Trời. Các chữ cũng được dùng khi nói lên sự tinh sạch hoặc hoàn toàn trong hành vi của một người. Như vậy, sự thánh thiện có nghĩa sự trong sạch, tinh khiết, và thánh khiết.
Dân của Đức Giê-hô-va phải thánh thiện
3. Tại sao Đức Giê-hô-va đáng được thờ phượng cách trong sạch?
3 Như vậy, lời thốt lên trên trời “Thánh thay, thánh thay, thánh thay là Giê-hô-va Đức Chúa Trời, Đấng Toàn-năng” muốn nói gì? (Khải-huyền 4:8). Tất đây nói lên sự thánh thiện, sự trong sạch siêu đẳng của Đức Chúa Trời! Do đó, Đức Giê-hô-va là “Đấng Thánh” và Ngài đáng được thờ phượng cách trong sạch (Châm-ngôn 9:10). Theo ý này Giê-hô-va Đức Chúa Trời đã dạy nhà tiên tri Môi-se phải nói cùng dân Y-sơ-ra-ên rằng: “Hãy nên thánh, vì ta, Giê-hô-va Đức Chúa Trời các ngươi, vốn là thánh” (Lê-vi Ký 19:1, 2).
4. Chỉ có cách thờ phượng nào mới được Đức Giê-hô-va chấp nhận?
4 Bất cứ ai tự xưng thờ phượng Đức Giê-hô-va cách đúng mà lại hành động nhơ bẩn, thì rất là đáng ghê tởm trước mắt Ngài, vì chỉ có cách thờ phượng theo đúng sự khôn ngoan và thánh thiện của Ngài mới được chấp nhận mà thôi (Châm-ngôn 20:25; 21:27). Do đó, khi Đức Chúa Trời tiên đoán sẽ vạch đường cho dân của Ngài bị đày ở Ba-by-lôn được trở về Giê-ru-sa-lem, thì Ngài đã nói: “Tại đó sẽ có... một lối gọi là đường thánh. Kẻ nào ô-uế sẽ không được đi qua” (Ê-sai 35:8). Năm 537 trước tây lịch những người còn sót lại đã trở về quê hương với lý do thánh thiện, đó là để tái lập sự thờ phượng chân chính của “Đấng Thánh”. Và những người Y-sơ-ra-ên đã có thể tỏ mình thánh thiện qua sự vâng phục Đức Chúa Trời. Nhưng họ đã không tiếp tục ăn ở thánh thiện, không dấu vít như Ngài muốn (So sánh Gia-cơ 1:27).
5. Phao-lô đã cho thấy thế nào là những người Y-sơ-ra-ên thiêng liêng phải thờ phượng Đức Chúa Trời trong sự thánh thiện?
5 Những người Y-sơ-ra-ên thiêng liêng, tức những tín đồ được xức dầu của đấng Ky-tô cũng phải thờ phượng Đức Giê-hô-va một cách thánh thiện (Ga-la-ti 6:16). Về phương diện này, sứ đồ Phao-lô đã khuyên các bạn đồng đức tin nên “dâng thân-thể mình làm của-lễ sống và thánh, đẹp lòng Đức Chúa Trời”. Để làm được vậy, các tín đồ phải làm cho chắc chắn mình đang làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời, vì Pho-lô nói tiếp: “Đừng làm theo đời nầy, nhưng hãy biến-hóa bởi sự đổi mới của tâm-thần để thử cho biết ý-muốn tốt-lành, đẹp lòng và trọn-vẹn của Đức Chúa Trời là thể nào” (Rô-ma 12:1, 2).
6. Tất cả các tín đồ (đấng Ky-tô) phải tự giữ mình khỏi gì?
6 Trong thời kỳ đang gia tăng này nhiều người mới đến nhập bầy với tổ chức của Đức Giê-hô-va. Họ cũng thờ phượng Đức Giê-hô-va trong sự thánh thiện. Hẳn họ vui mừng với hy vọng được sống sót qua “cơn hoạn-nạn lớn” và hưởng sự sống đời đời trong địa-đàng giữa hệ thống mới công bình của Đức Chúa Trời! (Ma-thi-ơ 24:21; Lu-ca 23:43). Nhưng tất cả những ai có hy vọng được sự sống đời đời trên trời hoặc trên đất đều phải tự giữ mình khỏi các hành vi nhơ bẩn hoặc tất cả những điều gì phản lại đạo đức và các dạy dỗ của Kinh-thánh (Khải-huyền 7:9, 14).
7. Phi-e-rơ nói gì để nêu rõ cần phải làm gương về việc “tin-kính trong mọi sự ăn-ở”?
7 Nói về thời kỳ của chúng ta, sứ đồ Phi-e-rơ đã viết: “Ngày của Chúa sẽ đến như kẻ trộm. Bấy giờ các từng trời [các chính phủ của thế gian] sẽ có tiếng vang-rầm mà qua đi, các thể-chất [các thái độ và đường lối của thế gian] bị đốt mà tiêu-tán, đất [xã hội loài người xa cách Đức Chúa Trời] cùng mọi công-trình trên nó đều sẽ bị đốt cháy cả” trong ngày của Đức Giê-hô-va. Và Phi-e-rơ nói thêm: “Vì mọi vật đó phải tiêu-tán thì anh em đáng nên thánh và tin-kính trong mọi sự ăn-ở của mình là dường nào, trong khi chờ-đợi trông-mong cho ngày Đức Chúa Trời mau đến, là ngày các từng trời sẽ bị đốt mà tiêu-tán, các thể-chất sẽ bị thiêu mà tan-chảy đi!” Đúng vậy, tất cả các Nhân-chứng của Đức Giê-hô-va phải làm gương tốt trong “mọi sự ăn-ở tin-kính”. Và những ai gìn giữ sự thánh thiện có thể trông cậy vào “trời mới, đất mới” công bình của Đức Chúa Trời (II Phi-e-rơ 3:7, 10-13). Thật một tương lai đầy ân phước!
8. Nếu lỡ sai khỏi con đường thánh thiện thì người tín đồ (đấng Ky-tô) cần phải làm gì?
8 Song việc gì xảy ra khi một tín đồ vốn hăng hái trong công việc cho Đức Chúa Trời một thời gian nhưng sau này lại nẩy những thói quen nhơ bẩn hoặc hành động trái với các giáo lý hoặc đạo đức của Kinh-thánh? Nếu vậy thì đương sự hẳn đã tách xa con đường thánh thiện và cần bày tỏ sự ăn năn chân thật và trở lại con đường đúng. Như Phao-lô đã nói cùng các bạn đồng được xức dầu: “Hỡi những kẻ rất yêu-dấu của tôi, chúng ta đã có lời hứa dường ấy, thì hãy làm cho mình sạch khỏi mọi sự dơ-bẩn phần xác-thịt và phần thần-linh, lại lấy sự kính-sợ Đức Chúa Trời mà làm cho trọn-vẹn việc nên thánh của chúng ta” (II Cô-rinh-tô 7:1). Người tín đồ nào cần sửa chữa khỏi con đường sai của mình thì hẳn sẽ thấy các lời khuyên của các trưởng lão đầy lòng yêu thương và căn cứ theo Kinh-thánh là quý báu đến dường nào (Châm-ngôn 28:13; Gia-cơ 5:13-20).
9. Có câu hỏi nào được nêu lên liên quan đến II Phi-e-rơ 3:14?
9 Sau khi lưu ý về hệ thống mới công bình, Phi-e-rơ nói thêm: “Vậy, nên, hỡi kẻ rất yêu-dấu, vì anh em trông-đợi những sự đó, thì phải làm hết sức mình, hầu cho [Giê-hô-va Đức Chúa Trời] thấy anh em ở bình-an, không dấu-vít, chẳng chỗ trách được” (II Phi-e-rơ 3:14). Các lời này được viết cho các tín đồ được xức dầu, song hẳn tất cả các nhân-chứng của Đức Giê-hô-va đều cần cho Đức Chúa Trời thấy là mình “ở bình-an, không dấu-vít, chẳng chỗ trách được”. Như vậy, chúng ta phải làm gì?
“Không dấu-vít, chẳng chỗ trách được”
10. Những người trong “đám đông vô-số người” đã phiếu trắng “áo” mình trong huyết của Giê-su thế nào?
10 Chúng ta cần cố gắng hết sức để ăn ở cách “không dấu-vít, chẳng chỗ trách được”. Những người trong “đám đông vô-số người” đã “giặt và phiếu trắng áo mình trong huyết Chiên Con”. Khi trước họ thuộc về thế gian đầy tội lỗi này và áo nhân cách họ đầy những vết nhơ của nó, không đẹp mắt Đức Giê-hô-va. Họ đã phiếu trắng áo mình như thế nào trong “huyết Chiên Con” là Giê-su? Bằng đức tin rằng “không đổ huyết thì không có sự tha-thứ” và rằng “Chiên Con của Đức Chúa Trời là đấng cất tội-lỗi thế-gian đi” (Khải-huyền 7:9, 14; Hê-bơ-rơ 9:22; Giăng 1:29, 36). Họ bày tỏ đức tin này bằng cách dâng mình vô điều kiện cho Đức Chúa Trời và tiêu biểu sự dâng mình qua phép báp-têm, trầm mình trong nước. Họ phải làm sự dâng mình qua trung gian của Giê-su và với đức tin rằng huyết hy sinh của ngài đổ ta đã khiến Đức Chúa Trời có thể tha tội lỗi của họ và họ được chấp nhận trước mắt Ngài.
11. Bởi tội lỗi làm xáo trộn sự bình an với Đức Giê-hô-va, chúng ta cần ở trong tình trạng gì?
11 “Đám đông vô-số người” cần giữ “áo” mình phiếu trắng bằng cách giữ không bị vết bẩn với thế gian để khỏi mất nhân cách của người tín đồ đấng Ky-tô và mất danh là nhân-chứng được chấp nhận của Đức Giê-hô-va. Hẳn tất cả những tín đồ chân chính của đấng Ky-tô cần chối bỏ các đường lối, cùng hành động cũng như thái độ của thế gian. Bởi tội lỗi làm xáo trộn sự bình an với Đức Giê-hô-va, chúng ta cần ở trong tình trạng tội lỗi có thể được xóa bỏ thì mới có thể tìm được sự bình an trong “ngày của Đức Giê-hô-va” sắp tới. Chúng ta cần không bị vết nhơ nào của các thực hành tôn giáo giả hoặc sự vô đạo đức của thế gian này.
12. II Phi-e-rơ 2:13 có thể được áp dụng thế nào ngay trong phạm vi hội-thánh tín đồ (đấng Ky-tô)?
12 Ăn ở không dấu vít và chẳng chỗ trách được có nghĩa là cần phải có hạnh kiểm và thái độ tuyệt đối khác hẳn các “tiên-tri giả” là những kẻ mà Phi-e-rơ có viết: “Chúng nó lấy sự chơi-bời giữa ban ngày làm sung-sướng, là người xấu-xa ô-uế, ưa-thích sự dối-trá mình đang khi ăn tiệc với anh em” (II Phi-e-rơ 2:1, 13). Đúng vậy, ngay trong hội-thánh, chúng ta cần đề phòng các tiên tri giả mà “lấy sự chơi-bời giữa ban ngày làm sung-sướng”. Lúc ban ngày, khi có nhiều thì giờ có thể dành cho hoạt động thiêng liêng giúp người khác, những người thiếu tính thiêng liêng có thể dùng làm việc xấu như thể rượu chè hay ăn uống quá độ. Họ muốn hóa những dịp vui như tiệc cưới thành dịp để họ vặn nhạc khêu gợi, khiêu vũ cọ sát, ăn uống quá độ và rượu chè quá trớn. Tất cả các điều này không nên xảy ra giữa dân sự của Đức Giê-hô-va (Ê-sai 5:11, 12; xin xem Tháp Canh số ra ngày 1-5-1985 trang 14-20).
13. Người tổ chức cần làm gì để giữ buổi họp mặt được xây dựng về thiêng liêng?
13 Người tổ chức buổi họp mặt có trách nhiệm về những gì xảy ra ở đó. Hầu dịp họp mặt được xây dựng về thiêng liêng, điều khôn ngoan là nên giữ số người không quá nhiều và không nên mời bất cứ ai có thể có hành vi không lành mạnh. Như các lời của Phao-lô trong II Ti-mô-thê 2:20-22 cho thấy, không phải tất cả ai đến kết hợp với hội-thánh đều nhất thiết là bạn bè tốt. Như vậy, người tín đồ tổ chức có thể không mời những ai có tiếng ăn nói luông tuồng hoặc rượu chè hay ăn uống quá độ. Người tổ chức nhớ rằng “anh em hoặc ăn, hoặc uống, hay là làm sự chi khác, hãy vì sự vinh-hiển Đức Chúa Trời mà làm” (I Cô-rinh-tô 10:31).
14. Chúng ta phải có thái độ nào đối với các tiên tri giả?
14 Chỉ có một số ít là “ô-uế, ưa-thích sự dối-trá” trong khi ở giữa vòng anh em. Song các trưởng lão và những người khác trong hội-thánh nên cẩn thận lưu ý, nhất định từ bỏ mọi phần tử tiên tri giả có thể xen lẫn vào hội-thánh và cố gắng cổ võ cho lối sống vô đạo đức hoặc dạy giáo lý sai lầm (Giu-đe 3, 4). Chỉ bằng cách nắm chặt các tiêu chuẩn công bình của Đức Chúa Trời mà chúng ta có thể giữ hội-thánh “không dấu-vít” và “chẳng chỗ trách được”.
“Ăn-ở bình-an” đòi hỏi điều chi?
15. a) Làm thế nào tìm thấy sự bình an với Đức Chúa Trời? b) Chúng ta phải làm gì để được thấy “ở bình-an” trong ngày sắp tới của Đức Giê-hô-va?
15 Để được thấy “ăn-ở bình-an”, dân của Đức Giê-hô-va phải giữ sự bình an với Ngài (II Phi-e-rơ 3:14). Chúng ta được ban cho thế đứng này nhờ Giê-su, đấng mà Phao-lô đã viết: “Vì chưng Đức Chúa Trời đã vui lòng khiến mọi sự đầy-dẫy của mình chứa trong ngài, và bởi huyết ngài trên [cây khổ hình] thì đã làm nên hòa-bình, khiến muôn vật dưới đất trên trời đều nhờ ngài mà hòa-thuận cùng chính mình Đức Chúa Trời” (Cô-lô-se 1:19, 20). Một người phạm trọng tội cảm thấy liên lạc với Đức Chúa Trời bị căng thẳng và lương tâm bị cắn rứt, đau khổ, trong khi người vâng giữ các luật lệ của Đức Chúa Trời thì có được bình an (Thi-thiên 38:3; Ê-sai 48:18). Vậy thì, để được thấy “ăn-ở bình-an” trong ngày lớn sắp tới của Đức Giê-hô-va, chúng ta phải luôn ở trong tình trạng tin kính do đó có thể được hưởng lợi ích của huyết mà Giê-su đã đổ ra hầu cho tội lỗi chúng ta có thể được tha thứ.
16. Theo sứ đồ Phao-lô chúng ta có thể tìm cách ăn ở hòa thuận thế nào với anh em đồng đức tin?
16 Chúng ta cũng phải ăn ở bình an với các anh chị em cùng thờ phượng Đức Giê-hô-va. Phao-lô kêu gọi: “Chúng ta hãy tìm cách làm nên hòa-thuận và làm gương sáng cho nhau”. Nguyên văn cho thấy chúng ta phải cẩn thận không làm anh em bị vấp phạm liên quan đến việc ăn uống hoặc mọi việc khác đi chăng nữa (Rô-ma 14:13-23). Nhưng vấn đề còn có thể sâu xa hơn nữa, vì Phao-lô có nói cùng các tín đồ ở thành Ê-phê-sô: “Vậy, tôi...khuyên anh em phải ăn-ở một cách xứng-đáng với chức-phận mà Chúa đã gọi anh em, phải khiêm-nhường đến đều, mềm-mại đến đều, phải nhịn-nhục, lấy lòng thương-yêu mà chìu nhau, dùng dây hòa-bình mà gìn-giữ sự hiệp một của thánh-linh” (Ê-phê-sô 4:1-3). Chắc chắn chúng ta muốn bày tỏ sự đoàn kết bằng cách tránh mọi lời nói hoặc hành động có thể làm xáo trộn sự bình an và bằng cách ủng hộ hoàn toàn quyền thống trị của Đức Giê-hô-va.
17. Theo I Phi-e-rơ 3:10-12 những điều gì có liên hệ với việc “tìm-kiếm sự bình-an”?
17 “Tìm cách làm nên hòa-thuận” chắc chắn đòi hỏi chúng ta phải cẩn thận về lời nói cũng như hành động, vì sứ đồ Phi-e-rơ có viết: “Ai muốn yêu sự sống và thấy ngày tốt-lành, Thì phải giữ-gìn miệng lưỡi, Đừng nói điều ác và lời gian-dảo; Phải lánh điều dữ, làm điều lành, Tìm sự hòa-bình mà đuổi theo, Vì mắt của Chúa đoái-trông người công-bình, Tai Ngài lóng nghe lời cầu-nguyện người, Nhưng mặt Chúa sấp lại nghịch với kẻ làm ác” (I Phi-e-rơ 3:10-12; Thi-thiên 34:12-16). Thế nên, bằng nhiều cách, các tôi tớ trung thành của Đức Giê-hô-va phải tiếp tục “tìm-kiếm sự bình-an” nếu họ muốn được Ngài thấy “ăn-ở bình-an”.
Tùy thuộc vào sự giúp đỡ của Đức Giê-hô-va
18. Chúng ta có thể làm gì khi cảm thấy ưa thích các đường lối hành động hoặc thái độ của thế gian?
18 Phi-e-rơ có nói đến các “thể-chất”, tức tinh thần, thái độ và đường lối của thế gian sẽ bị “tiêu-tán” hoặc hủy diệt, trong “ngày của Đức Giê-hô-va” (II Phi-e-rơ 3:7, 10). Nhưng chúng ta phải làm gì khi cảm thấy ưa thích các đường lối, hành động hoặc thái độ của thế gian? Chắc chắn chúng ta cần tận hưởng mọi lợi ích của các sự sắp đặt thiêng liêng do tổ chức của Đức Giê-hô-va. Trong số các điều chúng ta phải làm, chúng ta nên học hỏi cách đều đặn Lời của Đức Chúa Trời và các sách báo cung cấp bởi lớp người “đầy-tớ trung-tín và khôn-ngoan” (Ma-thi-ơ 24:45-47). Chúng ta cũng phải thường xuyên bày tỏ sự biết ơn về giá chuộc của Giê-su, “huyết báu [ngài] dường như huyết của chiên con không lỗi, không vít” (I Phi-e-rơ 1:18, 19).
19. Sự cầu nguyện hữu ích thế nào nếu thái độ thế gian ảnh hưởng đến chúng ta?
19 Chúng ta nên cầu xin sự giúp đỡ của Đức Giê-hô-va để “tìm điều công-bình” (I Ti-mô-thê 6:11-14). Nếu chúng ta nhận biết thái độ thế gian đang ảnh hưởng chúng ta, thì hãy khôn ngoan mà bày tỏ chính xác vấn đề cùng với Đức Giê-hô-va trong lời cầu nguyện, hầu Ngài giúp chúng ta vượt qua được các ham muốn này. Chắc chắn là thích hợp để cầu xin Đức Chúa Trời ban cho thánh linh và xin Ngài giúp trau dồi các trái của thánh linh thật khác hẳn mọi thái độ và đường lối của thế gian (Ga-la-ti 5:16-26; Thi-thiên 25:4, 5; 119:27, 35). Đức Giê-hô-va có thể giúp chúng ta chú trọng về điều công bình, thánh sạch, nhân từ và đáng ngợi khen. Và thật thích hợp để cầu xin Ngài cách nhiệt thành hầu cho “sự bình-an của Đức Chúa Trời” sẽ che lòng và trí của chúng ta! (Phi-líp 4:6, 7). Như vậy, các âu lo, cám dỗ và các điều tương tự sẽ không trở nên nặng đến đỗi không kiểm soát nổi. Thay vì thế, đời của chúng ta sẽ đầy dẫy sự bình an của Đức Chúa Trời. Quả thật, “phàm kẻ nào yêu-mến luật-pháp [của Đức Giê-hô-va] được bình-yên lớn” (Thi-thiên 119:165).
Bền đỗ trong việc “ở bình-an, không dấu-vít, chẳng chỗ trách được”
20. Tại sao chúng ta nói rằng có thể giữ được tình trạng thiêng liêng không chỗ chê trách được?
20 Thật tốt thay, tất cả trong tổ chức của Đức Giê-hô-va, kể cả những người mới đến kết hợp, đều có thể được Đức Chúa Trời chấp nhận (Công-vụ các Sứ-đồ 10:34, 35). Với sự giúp đỡ của Đức Giê-hô-va, chúng ta có thể “chừa-bỏ sự không tin-kính và tình-dục thế-gian” và sống theo cách thật xứng đáng của người tín đồ (Tít 2:11-14). Mặc dầu khi trước chúng ta cách xa Đức Giê-hô-va, và hồi đó tâm trí chuyên vào mọi việc ác, nhưng chúng ta được hòa thuận với Đức Chúa Trời qua sự chết của Giê-su. Như vậy, chúng ta có thể giữ được một thế đứng thiêng liêng tốt lành, không chỗ chê trách được, với điều kiện chúng ta tiếp tục đi trong đức tin và không rời xa sự trông cậy của tin mừng (Cô-lô-se 1:21-23).
21. Làm thế nào cuối cùng chúng ta có thể được Đức Chúa Trời nhận thấy là người “ở bình-an, không dấu-vít, chẳng chỗ trách được”?
21 Với sự giúp đỡ của Đức Giê-hô-va, Lời của Ngài và tổ chức của Ngài, chúng ta có thể tiếp tục không bị nhơ bẩn của thế gian và các đường lối, hành động và thái độ của nó. Như thế chúng ta có thể biết đến sự bình an thật sự. Đúng vậy, bằng cách chuyên cần trong sự thờ phượng thánh sạch dành cho Đức Giê-hô-va, cuối cùng chúng ta có thể được Ngài nhận thấy là người “ở bình-an, không dấu-vít, chẳng chỗ trách được”.
Bạn sẽ trả lời thế nào?
◻ Tại sao sự thánh thiện là cần thiết cho dân của Đức Giê-hô-va?
◻ Làm thế nào chúng ta có thể ở cách không dấu vít và không chỗ chê trách được?
◻ Điều gì là cần thiết nếu muốn “ở bình-an”?
◻ Trong những cách gì chúng ta có thể bày tỏ sự tùy thuộc vào sự giúp đỡ của Đức Chúa Trời?
[Các hình nơi trang 18, 19]
Các khía cạnh để giữ mình được “ở bình-an, không dấu-vít, chẳng chỗ trách được” Phụng sự Đức Chúa Trời cách tích cực, hết lòng
Trau dồi nhân cách tín đồ (đấng Ky-tô)
Kết hợp với anh em cách xây dựng về thiêng liêng
Tìm kiếm sự bình an với Đức Chúa Trời qua cầu nguyện