BÀI HỌC 45
Sự trợ giúp của thần khí thánh
“Trong mọi sự, tôi có sức mạnh nhờ đấng ban sức cho tôi”.—PHI-LÍP 4:13.
BÀI HÁT 104 Thần khí—Món quà từ Đức Chúa Trời
GIỚI THIỆUa
1, 2. (a) Điều gì giúp chúng ta bước tiếp mỗi ngày? Hãy giải thích. (b) Chúng ta sẽ xem xét điều gì trong bài này?
“Khi nhớ lại những gì đã trải qua, tôi tin chắc là mình không đối diện với thử thách một mình”. Đã bao giờ anh chị nói những lời giống như thế chưa? Có lẽ anh chị nói những lời đó sau khi ngẫm lại cách mình đã có thể đương đầu với căn bệnh nặng hoặc cái chết của người thân yêu. Nhìn lại, anh chị cảm thấy mình chỉ có thể bước tiếp mỗi ngày nhờ thần khí ban “sức lực hơn mức bình thường”.—2 Cô 4:7-9.
2 Chúng ta cũng cần nương cậy nơi thần khí thánh để kháng cự ảnh hưởng của thế gian gian ác này (1 Giăng 5:19). Ngoài ra, chúng ta cũng phải chiến đấu với “các thế lực ác thần” (Ê-phê 6:12). Giờ đây, hãy xem hai cách mà thần khí thánh giúp chúng ta đương đầu với thử thách. Sau đó, hãy thảo luận những điều chúng ta có thể làm để nhận lợi ích trọn vẹn từ thần khí thánh.
THẦN KHÍ THÁNH BAN CHO CHÚNG TA SỨC MẠNH
3. Một cách Đức Giê-hô-va giúp chúng ta chịu đựng thử thách là gì?
3 Thần khí thánh trợ giúp bằng cách ban cho chúng ta sức mạnh để chu toàn các trách nhiệm dù gặp thử thách. Sứ đồ Phao-lô biết ông có thể tiếp tục phụng sự bất kể thử thách là nhờ nương cậy nơi “quyền năng của Đấng Ki-tô” (2 Cô 12:9). Trong chuyến hành trình truyền giáo thứ hai, Phao-lô không chỉ siêng năng rao giảng mà còn tự chu cấp cho bản thân. Khi ở Cô-rinh-tô, ông ở lại nhà của A-qui-la và Bê-rít-sin. Họ làm nghề may lều. Phao-lô cũng làm nghề này nên ông đã làm việc chung với họ trong một thời gian (Công 18:1-4). Thần khí thánh đã ban sức mạnh để Phao-lô vừa làm công việc ngoài đời vừa chu toàn thánh chức.
4. Theo 2 Cô-rinh-tô 12:7b-9, Phao-lô phải tranh đấu với điều gì?
4 Đọc 2 Cô-rinh-tô 12:7b-9. Ý của Phao-lô là gì khi nói rằng ông tranh đấu với “cái gai xóc vào thịt”? Nếu bị cái gai đâm vào cơ thể, hẳn anh chị rất đau đớn. Vì thế, Phao-lô đang muốn nói đến việc ông phải đương đầu với thử thách cam go nào đó. Ông ví thử thách này giống như “ác thần của Sa-tan”, liên tiếp “đánh” (“vả”; chú thích) ông. Có lẽ Sa-tan hoặc các quỷ không trực tiếp gây ra thử thách mà Phao-lô gặp phải, như thể khiến cho cái gai xóc vào thịt của ông. Nhưng khi các ác thần để ý thấy Phao-lô có “cái gai”, có lẽ chúng tìm cách để ấn sâu hơn khiến ông càng thêm đau đớn. Phao-lô đã làm gì?
5. Đức Giê-hô-va đáp lời cầu nguyện của Phao-lô như thế nào?
5 Lúc đầu, Phao-lô muốn được giải thoát khỏi “cái gai” đó. Ông thừa nhận: “Đã ba lần tôi nài xin Chúa [Đức Giê-hô-va] để nó lìa khỏi tôi”. Dù Phao-lô cầu nguyện nhiều lần, nhưng cái gai vẫn còn. Phải chăng Đức Giê-hô-va không nhậm lời cầu nguyện của Phao-lô? Hoàn toàn không. Thật ra ngài có đáp lời cầu xin của ông. Đức Giê-hô-va không loại bỏ vấn đề mà Phao-lô gặp, nhưng ngài ban cho ông sức mạnh để chịu đựng. Đức Giê-hô-va phán với ông: “Quyền năng của ta trở nên trọn vẹn trong sự yếu đuối” (2 Cô 12:8, 9). Và với sự trợ giúp của Đức Chúa Trời, Phao-lô có thể giữ được niềm vui và bình an nội tâm!—Phi-líp 4:4-7.
6. (a) Có lẽ Đức Giê-hô-va đáp lời cầu nguyện của chúng ta như thế nào? (b) Lời đảm bảo nào trong những câu Kinh Thánh được viện dẫn thêm sức cho anh chị?
6 Đã bao giờ anh chị nài xin Đức Giê-hô-va giải thoát mình khỏi một thử thách, giống như Phao-lô chưa? Dù anh chị đã tha thiết cầu xin nhưng vấn đề không biến mất, thậm chí còn tệ hơn. Anh chị có nghĩ là Đức Giê-hô-va không hài lòng về mình không? Nếu vậy, hãy nhớ đến trường hợp của Phao-lô. Đức Giê-hô-va đã nhậm lời cầu nguyện của Phao-lô thì chắc chắn ngài cũng sẽ nhậm lời của anh chị! Có lẽ ngài không loại bỏ vấn đề. Nhưng qua thần khí thánh, ngài sẽ ban sức mạnh cần thiết để anh chị chịu đựng thử thách (Thi 61:3, 4). Có lẽ anh chị “bị đánh gục”, nhưng Đức Giê-hô-va sẽ không bỏ rơi anh chị.—2 Cô 4:8, 9; Phi-líp 4:13.
THẦN KHÍ THÁNH GIÚP CHÚNG TA TẤN TỚI
7, 8. (a) Thần khí thánh giống như cơn gió theo nghĩa nào? (b) Phi-e-rơ miêu tả thế nào về cách hoạt động của thần khí thánh?
7 Một cách khác mà thần khí thánh trợ giúp chúng ta là gì? Giống như cơn gió thuận đưa thuyền băng qua vùng biển giông bão và cập bến an toàn, thần khí thánh thúc đẩy chúng ta tiến về phía trước, vượt qua bão tố và cập bến thế giới mới mà Đức Chúa Trời đã hứa.
8 Là ngư dân, sứ đồ Phi-e-rơ rất quen thuộc với việc đi lại trên biển bằng thuyền. Vì thế, khi miêu tả về cách hoạt động của thần khí thánh, ông dùng một từ dường như liên quan đến việc đi thuyền. Ông viết: “Không hề có lời tiên tri nào ra bởi ý muốn của loài người, nhưng người ta nói những điều đến từ Đức Chúa Trời khi được thần khí thánh thúc đẩy”. Từ Hy Lạp được dịch là “thúc đẩy” có nghĩa đen là “mang đi”.—2 Phi 1:21; chú thích.
9. Khi dùng từ “mang đi”, Phi-e-rơ muốn người đọc nghĩ đến hình ảnh nào?
9 Khi dùng từ “mang đi”, Phi-e-rơ muốn người đọc nghĩ đến hình ảnh nào? Người viết sách Công vụ là Lu-ca dùng dạng khác của cùng từ Hy Lạp để miêu tả về con thuyền được gió “thổi đi” (Công 27:15). Như một học giả Kinh Thánh cho biết khi Phi-e-rơ ghi lại rằng những người viết Kinh Thánh được “mang đi”, ông dùng “một hình ảnh ẩn dụ thú vị trong ngành hàng hải”. Như thể Phi-e-rơ nói là giống như con thuyền được gió đưa đi để hoàn thành chuyến hành trình, những nhà tiên tri và người viết Kinh Thánh được thần khí thánh đưa đi để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Học giả trên nói thêm: “Theo nghĩa nào đó, các nhà tiên tri đã giong buồm”. Đức Giê-hô-va đã làm phần của ngài là cung cấp “gió” hay thần khí thánh. Những người viết Kinh Thánh cũng làm phần của họ bằng cách làm việc hòa hợp với sự hướng dẫn của thần khí.
10, 11. Chúng ta cần làm hai bước nào để đảm bảo là mình được thần khí thánh thúc đẩy và hướng dẫn? Hãy minh họa.
10 Dĩ nhiên, ngày nay Đức Giê-hô-va không còn dùng thần khí thánh để thúc đẩy người ta viết Kinh Thánh nữa. Tuy nhiên, lực này vẫn tác động mạnh mẽ trên dân Đức Chúa Trời. Đức Giê-hô-va đang làm phần của ngài. Vậy làm thế nào để nhận lợi ích từ thần khí thánh? Chúng ta cần chắc chắn là mình đang làm phần của mình. Chúng ta làm điều này như thế nào?
11 Hãy nghĩ về hình ảnh sau. Để nhận lợi ích từ gió, một thủy thủ cần làm hai điều. Thứ nhất, người ấy phải hướng thuyền vào đường gió thổi. Suy cho cùng, chiếc thuyền sẽ không thể tiến về phía trước nếu thủy thủ cứ đậu thuyền trong bến, là nơi cách xa ngọn gió đang thổi. Thứ hai, người ấy cần giong buồm càng căng càng tốt. Ngay cả khi gió đang thổi thì chiếc thuyền chỉ có thể di chuyển được nếu cánh buồm đón gió. Tương tự, chúng ta chỉ có thể bền bỉ trong việc phụng sự nếu có sự trợ giúp của thần khí thánh. Để nhận lợi ích từ thần khí, chúng ta cần làm hai bước. Thứ nhất, chúng ta phải hướng mình vào đường thần khí thổi bằng cách tham gia các hoạt động giúp mình nhận được sự hỗ trợ của thần khí. Thứ hai, chúng ta cần “giong buồm” càng căng càng tốt bằng cách tham gia trọn vẹn vào những hoạt động ấy (Thi 119:32). Khi thực hiện những bước này, thần khí thánh sẽ thúc đẩy chúng ta tiến về phía trước, vượt qua những làn sóng bắt bớ và thử thách, đồng thời giúp chúng ta trung thành chịu đựng trên con đường tiến đến thế giới mới.
12. Giờ đây, chúng ta sẽ xem xét điều gì?
12 Chúng ta vừa thảo luận hai cách thần khí thánh trợ giúp dân Đức Chúa Trời. Thần khí thánh ban sức mạnh và giúp chúng ta giữ trung thành khi đương đầu với thử thách. Thần khí thánh cũng thúc đẩy chúng ta tiến về phía trước và giúp mình ở trên con đường dẫn đến sự sống. Giờ đây, hãy xem xét bốn điều chúng ta cần làm để nhận lợi ích trọn vẹn từ thần khí.
NHẬN LỢI ÍCH TRỌN VẸN TỪ THẦN KHÍ THÁNH
13. Theo 2 Ti-mô-thê 3:16, 17, Kinh Thánh giúp chúng ta như thế nào, nhưng chúng ta cần làm gì?
13 Thứ nhất, học hỏi Lời Đức Chúa Trời. (Đọc 2 Ti-mô-thê 3:16, 17). Từ Hy Lạp được dịch là “được Đức Chúa Trời soi dẫn” có nghĩa đen là “được Đức Chúa Trời hà hơi vào”. Đức Giê-hô-va dùng thần khí để “hà” ý tưởng của ngài vào tâm trí những người viết Kinh Thánh. Khi đọc và suy ngẫm Kinh Thánh, những chỉ dẫn của Đức Chúa Trời sẽ vào lòng và trí chúng ta. Những ý tưởng được soi dẫn này thúc đẩy chúng ta thực hiện thay đổi để có đời sống phù hợp với ý muốn Đức Chúa Trời (Hê 4:12). Nhưng để nhận lợi ích trọn vẹn từ thần khí, chúng ta cần phải dành thời gian học hỏi Kinh Thánh đều đặn và suy ngẫm những gì mình đọc. Khi làm thế, Lời Đức Chúa Trời sẽ tác động đến mọi điều chúng ta nói và làm.
14. (a) Tại sao có thể nói những buổi nhóm họp là nơi “gió thổi mạnh”? (b) Để nhận lợi ích trọn vẹn từ thần khí thánh tại các buổi nhóm họp, chúng ta cần làm gì?
14 Thứ hai, nhóm lại để thờ phượng Đức Chúa Trời (Thi 22:22). Theo nghĩa nào đó, những buổi nhóm họp là nơi “gió thổi mạnh”. Thần khí của Đức Giê-hô-va ngự trị tại các buổi nhóm (Khải 2:29). Tại sao có thể nói như thế? Vì khi nhóm lại cùng anh em đồng đạo, chúng ta cầu xin Đức Giê-hô-va ban thần khí thánh, hát những bài hát dựa trên Lời Đức Chúa Trời và nghe các bài giảng dựa trên Kinh Thánh từ những anh được thần khí bổ nhiệm. Ngoài ra, thần khí thánh cũng giúp các chị chuẩn bị và trình bày phần được giao. Nhưng để nhận lợi ích trọn vẹn từ thần khí thánh, chúng ta cần chuẩn bị để tham gia vào các buổi nhóm họp. Khi làm thế, chúng ta như thể “đang giong buồm”.
15. Làm thế nào để thần khí thánh tác động đến thánh chức của chúng ta?
15 Thứ ba, tham gia công việc rao giảng. Khi dùng Kinh Thánh trong việc rao giảng và dạy dỗ, chúng ta để cho thần khí thánh tác động đến thánh chức của mình (Rô 15:18, 19). Nhưng để nhận lợi ích trọn vẹn từ thần khí, anh chị phải đều đặn tham gia rao giảng và dùng Kinh Thánh mỗi khi có thể. Một cách để làm cho thánh chức hữu hiệu hơn là dùng những gợi ý cho cuộc trò chuyện trong tờ Chương trình nhóm họp Lối sống và thánh chức.
16. Cách trực tiếp nhất để nhận được thần khí thánh là gì?
16 Thứ tư, cầu nguyện Đức Giê-hô-va (Mat 7:7-11; Lu 11:13). Cách trực tiếp nhất để nhận thần khí thánh là xin Đức Giê-hô-va qua lời cầu nguyện. Không gì có thể cản trở lời cầu nguyện của chúng ta đến với Đức Giê-hô-va hoặc ngăn cản món quà thần khí đến với mình, dù là song sắt nhà tù hay ngay cả Sa-tan (Gia 1:17). Chúng ta nên cầu nguyện với thái độ nào để nhận lợi ích trọn vẹn từ thần khí thánh? Để trả lời câu hỏi này, hãy cùng xem xét thêm về chủ đề cầu nguyện qua minh họa được ghi lại duy nhất trong Phúc âm Lu-ca.b
BỀN LÒNG CẦU NGUYỆN
17. Chúng ta rút ra bài học nào về việc cầu nguyện qua minh họa nơi Lu-ca 11:5-9, 13?
17 Đọc Lu-ca 11:5-9, 13. Minh họa của Chúa Giê-su cho thấy chúng ta nên cầu xin thần khí thánh với thái độ nào. Trong minh họa, người đàn ông nhận được điều mình cần vì đã kiên trì nài xin. Ông không ngại xin bạn mình giúp đỡ dù lúc đó là đêm khuya. (Xin xem thông tin học hỏi nơi Lu-ca 11:8 trong mwb18.07). Chúa Giê-su áp dụng minh họa này thế nào cho việc cầu nguyện? Ngài nói: “Cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ được mở cho”. Vậy bài học là gì? Để nhận được sự trợ giúp của thần khí thánh, chúng ta phải bền lòng cầu xin Đức Chúa Trời ban thần khí.
18. Theo minh họa của Chúa Giê-su, tại sao chúng ta có thể tin chắc Đức Giê-hô-va sẽ ban cho chúng ta thần khí thánh?
18 Minh họa của Chúa Giê-su cũng giúp chúng ta thấy tại sao Đức Giê-hô-va ban thần khí thánh. Người đàn ông trong minh họa muốn là một chủ nhà hiếu khách. Ông cảm thấy phải chu cấp thức ăn cho người bạn đến vào lúc tối khuya, nhưng trong nhà ông không còn gì. Chúa Giê-su nói rằng người hàng xóm lấy bánh cho người bạn vì ông ta cứ xin hoài. Ý của Chúa Giê-su là gì? Nếu một người bất toàn sẵn sàng giúp đỡ người hàng xóm kiên trì thì huống chi Cha trên trời, ngài lại càng muốn ban thần khí thánh cho những người cầu xin ngài. Vì thế, chúng ta có thể tin chắc Đức Giê-hô-va sẽ đáp lại khi chúng ta xin ngài ban thần khí.—Thi 10:17; 66:19.
19. Tại sao chúng ta có thể tin chắc mình sẽ chiến thắng?
19 Chúng ta có thể tin chắc rằng dù Sa-tan nỗ lực đến đâu để tấn công chúng ta, nhưng chúng ta sẽ giành chiến thắng. Tại sao? Vì thần khí thánh giúp chúng ta qua hai cách. Thứ nhất, thần khí ban sức mạnh chúng ta cần để vượt qua thử thách. Thứ hai, thần khí là lực “lấp đầy những cánh buồm” của chúng ta, giúp chúng ta tấn tới trong việc phụng sự và hướng đến thế giới mới. Vậy hãy quyết tâm nhận lợi ích trọn vẹn từ sự trợ giúp của thần khí thánh!
BÀI HÁT 41 Xin nghe lời cầu nguyện của con
a Bài này cho thấy thần khí thánh của Đức Chúa Trời trợ giúp chúng ta như thế nào để chịu đựng thử thách. Bài cũng xem xét những điều chúng ta có thể làm để nhận lợi ích trọn vẹn từ thần khí thánh.
c HÌNH ẢNH: BƯỚC 1: Một anh chị đến Phòng Nước Trời. Khi nhóm lại cùng anh em đồng đạo, họ ở một nơi mà thần khí ngự trị. BƯỚC 2: Họ chuẩn bị để tham gia vào buổi nhóm. Hai bước này cũng áp dụng cho những khía cạnh khác được xem xét trong bài: học hỏi Lời Đức Chúa Trời, tham gia công việc rao giảng và cầu nguyện Đức Giê-hô-va.