Bác bỏ “sự phù phiếm”
“Ai theo đuổi những sự phù phiếm là điên dại”.—CHÂM 12:11, Trịnh Văn Căn.
1. Hãy liệt kê một số điều có giá trị, và cách tốt nhất để sử dụng những điều ấy là gì?
Là tín đồ Đấng Christ, tất cả chúng ta đều sở hữu một điều gì đó có giá trị. Đó có thể là sức khỏe, sức lực và khả năng trí tuệ hoặc tài sản. Vì yêu mến Đức Giê-hô-va, chúng ta vui vẻ dùng những điều có giá trị ấy trong việc phụng sự Ngài, và như thế chúng ta đáp lại lời khuyên được soi dẫn: ‘Hãy lấy tài-vật của con mà tôn vinh Đức Giê-hô-va’.—Châm 3:9.
2. Kinh Thánh cảnh báo gì về sự phù phiếm hoặc vô giá trị, và lời cảnh báo này được áp dụng như thế nào theo nghĩa đen?
2 Trái lại, Kinh Thánh cũng nói đến sự phù phiếm, hay những điều vô giá trị, và cảnh báo rằng chúng ta chớ nên phung phí tất cả những gì mình có để theo đuổi những điều vô giá trị. Về vấn đề này, hãy xem xét Châm-ngôn 12:11 trong bản dịch Trịnh Văn Căn: “Ai cày cấy ruộng mình sẽ có bánh ăn no, ai theo đuổi những sự phù phiếm là điên dại”. Chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy câu Kinh Thánh này áp dụng như thế nào theo nghĩa đen. Nếu một người dùng thời giờ và năng lực để làm việc chăm chỉ hầu nuôi sống gia đình, người đó có thể bảo đảm tài chính cho gia đình mình (1 Ti 5:8). Tuy nhiên, nếu phung phí những điều mình có để theo đuổi những điều vô giá trị, người đó cho thấy mình là “điên dại”, thiếu thăng bằng trong suy xét và thiếu động cơ chính đáng. Người như thế rất có thể sẽ lâm vào cảnh thiếu thốn.
3. Trong việc thờ phượng, lời cảnh báo của Kinh Thánh về sự phù phiếm được áp dụng như thế nào?
3 Vậy, trong việc thờ phượng, nếu áp dụng nguyên tắc của câu Châm-ngôn này thì sao? Chúng ta thấy rằng tín đồ Đấng Christ nào trung thành và tận tâm phụng sự Đức Giê-hô-va sẽ được bình an thật sự. Người đó có thể tin rằng Đức Chúa Trời ban ân phước ngay bây giờ và có hy vọng chắc chắn trong tương lai (Mat 6:33; 1 Ti 4:10). Tuy nhiên, một tín đồ để sự phù phiếm làm phân tâm thì có thể đánh mất mối quan hệ của mình với Đức Giê-hô-va và triển vọng sống đời đời. Làm sao tránh được điều đó? Chúng ta phải nhận biết và quyết tâm bác bỏ những sự “phù phiếm” trong cuộc sống.—Đọc Tít 2:11, 12.
4. Nói chung, những sự phù phiếm là gì?
4 Vậy, những sự phù phiếm là gì? Nói chung, đó có thể là bất cứ điều gì làm chúng ta phân tâm trong việc phụng sự Đức Giê-hô-va hết lòng. Chẳng hạn, sự phù phiếm có thể gồm cả những hình thức giải trí. Dĩ nhiên, việc giải trí cũng mang lại lợi ích. Tuy nhiên, nếu chúng ta dành quá nhiều thời giờ vào những “thú vui” đến nỗi không còn thời giờ dành cho các hoạt động liên quan đến việc thờ phượng thì việc giải trí trở nên phù phiếm, gây ảnh hưởng tai hại về mặt thiêng liêng (Truyền 2:24; 4:6). Để tránh điều này, tín đồ Đấng Christ cần trau giồi quan điểm thăng bằng, cẩn thận xem xét cách mình sử dụng thời giờ quý báu. (Đọc Cô-lô-se 4:5). Tuy nhiên, có một hình thức khác của sự phù phiếm còn nguy hiểm hơn các trò giải trí, đó là các thần giả.
Bác bỏ các thần vô giá trị
5. Kinh Thánh thường áp dụng từ “vô giá trị” như thế nào?
5 Điều đáng chú ý là trong bản Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ, phần lớn các câu có cụm từ “vô giá trị” đều áp dụng cho các thần giả. Chẳng hạn, Đức Giê-hô-va nói với dân Y-sơ-ra-ên: “Các ngươi chớ làm những hình-tượng [“thần tượng vô giá trị”, NW]; hoặc hình chạm, hoặc hình đúc; chớ dựng trong xứ mình một hòn đá nào có dạng-hình, đặng sấp mình trước mặt hình đó” (Lê 26:1). Vua Đa-vít viết: “Đức Giê-hô-va là lớn, rất đáng ngợi-khen, đáng kính-sợ hơn các thần. Vì các thần của những dân-tộc vốn là hình-tượng [“thần tượng vô giá trị”, NW]; còn Đức Giê-hô-va dựng nên các từng trời”.—1 Sử 16:25, 26.
6. Tại sao các thần giả là vô giá trị?
6 Như vua Đa-vít cho thấy, chúng ta có nhiều bằng chứng về sự vĩ đại của Đức Giê-hô-va (Thi 139:14; 148:1-10). Quả là một đặc ân khi dân Y-sơ-ra-ên có mối quan hệ qua giao ước với Đức Giê-hô-va! Thật dại dột làm sao khi họ lìa bỏ Ngài và quỳ lạy trước các hình chạm và hình đúc! Trong thời kỳ khó khăn, các thần giả rõ ràng là vô giá trị, không thể giải cứu mình thì làm sao có thể giải cứu những người thờ lạy mình.—Quan 10:14, 15; Ê-sai 46:5-7.
7, 8. Làm thế nào “Ma-môn” hay “tiền tài” có thể trở thành một thần?
7 Ngày nay, tại nhiều nước, người ta vẫn cúi lạy các hình tượng do con người làm ra. Trong quá khứ cũng như hiện tại, những hình tượng ấy chỉ là vật vô dụng mà thôi (1 Giăng 5:21). Tuy nhiên, ngoài hình tượng, Kinh Thánh cũng gọi những điều khác là thần. Chẳng hạn, hãy xem xét lời của Chúa Giê-su: “Chẳng ai được làm tôi hai chủ; vì sẽ ghét người nầy mà yêu người kia, hoặc trọng người nầy mà khinh người kia. Các ngươi không có thể làm tôi Đức Chúa Trời lại làm tôi Ma-môn [“tiền tài”, Bản Dịch Mới] nữa”.—Mat 6:24.
8 Làm sao “Ma-môn” hay “tiền tài” trở thành một thần? Chẳng hạn, hãy nghĩ đến một hòn đá nằm ngoài đồng vào thời Y-sơ-ra-ên xưa. Hòn đá ấy có thể hữu dụng khi dùng vào việc xây nhà hay xây tường. Ngược lại, nếu người ta dùng nó để dựng “hình đúc” hay làm thành một “dạng-hình” nào đó để thờ lạy, nó trở thành nguyên nhân gây vấp phạm cho dân Đức Giê-hô-va (Lê 26:1). Tương tự thế, tiền bạc cũng hữu dụng khi được dùng đúng cách. Chúng ta cần tiền bạc để sinh sống và có thể khéo léo dùng nó trong việc phụng sự Đức Giê-hô-va (Truyền 7:12; Lu 16:9). Tuy nhiên, nếu chúng ta xem trọng việc kiếm tiền hơn thánh chức thì thật ra tiền bạc trở thành thần của chúng ta. (Đọc 1 Ti-mô-thê 6:9, 10). Trong thế gian mà người ta cho rằng việc theo đuổi sự giàu sang là điều rất quan trọng, chúng ta phải chắc chắn là mình giữ quan điểm thăng bằng trong vấn đề này.—1 Ti 6:17-19.
9, 10. (a) Tín đồ Đấng Christ có quan điểm nào về học vấn? (b) Việc học lên cao có mối nguy hiểm nào?
9 Học vấn là một ví dụ khác cho thấy một điều hữu ích có thể trở nên phù phiếm. Chúng ta muốn con cái có trình độ học vấn để tự lo cho tương lai. Quan trọng hơn, nhờ có trình độ học vấn, tín đồ Đấng Christ có khả năng đọc và hiểu Kinh Thánh tốt hơn, biết phân tích các vấn đề để đi đến kết luận khôn ngoan, và dạy lẽ thật của Kinh Thánh một cách rõ ràng, đầy sức thuyết phục. Để có trình độ học vấn, một người cần phải đầu tư nhiều thời gian, nhưng thời gian ấy thật đáng công.
10 Còn về vấn đề học lên cao, chẳng hạn như học trường cao đẳng hay đại học thì sao? Đa số người ta cho rằng đây là yếu tố quan trọng để thành công. Tuy nhiên, nhiều người theo đuổi con đường học vấn ấy thì tâm trí họ chứa đầy sự khôn ngoan tai hại của thế gian. Con đường đó làm cho người trẻ mất đi những năm tháng quý báu mà lẽ ra họ có thể dùng để phụng sự Đức Giê-hô-va (Truyền 12:1). Có lẽ người ta không lấy làm lạ khi thấy tại những nước có nhiều người đạt trình độ học vấn như thế thì số người tin Đức Chúa Trời lại ít hơn bao giờ hết. Thay vì trông cậy nơi hệ thống giáo dục chú trọng đến việc học lên cao của thế gian này để có tương lai bảo đảm, tín đồ Đấng Christ tin cậy nơi Đức Giê-hô-va.—Châm 3:5.
Đừng để những ham muốn của xác thịt trở thành “chúa” mình
11, 12. Tại sao sứ đồ Phao-lô nói về một vài người rằng: “Họ lấy bụng mình làm chúa mình”?
11 Trong thư gửi cho tín đồ ở thành Phi-líp, sứ đồ Phao-lô cho thấy một điều khác có thể trở thành thần hay chúa. Ông nói về một vài người từng là anh em đồng đạo: “Tôi đã thường nói điều nầy cho anh em, nay tôi lại khóc mà nói nữa: lắm người có cách ăn-ở như là kẻ thù-nghịch. . . của Đấng Christ. Sự cuối-cùng của họ là hư-mất; họ lấy bụng mình làm chúa mình. . . chỉ tư-tưởng về các việc thế-gian mà thôi” (Phi-líp 3:18, 19). Làm sao bụng của một người lại có thể trở thành chúa của người ấy?
12 Đối với những người quen của sứ đồ Phao-lô, lòng mong muốn thỏa mãn những ham muốn của xác thịt dường như trở nên quan trọng hơn việc cùng với ông phụng sự Đức Giê-hô-va. Một vài người đã thật sự tham ăn hoặc tham uống đến độ trở thành kẻ láu ăn hoặc bợm rượu (Châm 23:20, 21; so sánh Phục-truyền Luật-lệ Ký 21:18-21). Một số khác hẳn đã tận dụng mọi cơ hội để thăng tiến trong xã hội và dành rất nhiều thời giờ vào việc vui chơi giải trí, vì thế họ sao lãng việc phụng sự Đức Giê-hô-va. Mong sao chúng ta chớ để lòng ao ước cái được gọi là đời sống sung túc khiến chúng ta không còn sốt sắng phụng sự Đức Giê-hô-va hết lòng.—Cô 3:23, 24.
13. (a) Tham lam là gì, và sứ đồ Phao-lô nói gì về sự tham lam? (b) Làm sao chúng ta có thể tránh tham lam?
13 Sứ đồ Phao-lô cũng đề cập đến sự thờ phượng sai lầm trong một bối cảnh khác. Ông viết: “Vậy hãy làm chết các chi-thể của anh em ở nơi hạ-giới, tức là tà-dâm, ô-uế, tình-dục, ham-muốn xấu-xa, tham-lam, tham-lam chẳng khác gì thờ hình-tượng” (Cô 3:5). Tham lam là ham muốn mãnh liệt một thứ gì đó không thuộc về mình. Đó có thể là vật chất, thậm chí có thể là ham muốn tình dục bất chính (Xuất 20:17). Những ham muốn đó tương đương với việc thờ hình tượng, thờ lạy thần giả. Lẽ nào điều này không khiến chúng ta suy nghĩ một cách nghiêm túc sao? Chúa Giê-su dùng một từ sinh động cho thấy việc cố gắng hết sức để kiểm soát những ham muốn sai trái ấy là điều quan trọng biết bao!—Đọc Mác 9:47; 1 Giăng 2:16.
Hãy cảnh giác trước những lời vô giá trị
14, 15. (a) Lời “hư-không” nào gây vấp phạm cho nhiều người vào thời Giê-rê-mi? (b) Tại sao những lời của Môi-se có giá trị?
14 Sự phù phiếm có thể bao gồm lời nói hư không hoặc vô giá trị. Chẳng hạn, Đức Giê-hô-va phán với Giê-rê-mi: “Ấy là những lời nói dối, mà các tiên-tri đó nhân danh ta truyền ra. Ta chẳng từng sai họ đi, chẳng từng truyền lịnh và chẳng từng phán cùng họ. Họ nói tiên-tri đó là theo những sự hiện-thấy giả-dối, sự bói-khoa, sự hư-không, và sự lừa-gạt bởi lòng riêng mình!” (Giê 14:14). Những tiên tri giả ấy xưng mình nhân danh Đức Giê-hô-va mà nói, nhưng họ chỉ nói theo ý riêng và sự khôn ngoan của riêng họ. Vì thế, lời nói của họ là “sự hư-không”. Đó là những lời vô giá trị và là mối đe dọa thật sự về thiêng liêng. Vào năm 607 TCN, nhiều người đã nghe theo những lời hư không ấy và cuối cùng bị chết trong tay quân Ba-by-lôn.
15 Trái lại, Môi-se nói với dân Y-sơ-ra-ên: “Hãy để lòng chăm-chỉ về hết thảy lời ta đã nài-khuyên các ngươi ngày nay. . . Vì chẳng phải một lời nói vô-giá [“vô giá trị”, TVC] cho các ngươi đâu, nhưng nó là sự sống của các ngươi; nhờ lời nói nầy, các ngươi sẽ ở lâu ngày trên đất mà các ngươi sẽ đi nhận lấy, khi qua sông Giô-đanh” (Phục 32:46, 47). Đúng vậy, những lời của Môi-se là do Đức Chúa Trời soi dẫn. Vì thế, những lời đó có giá trị, thật sự rất quan trọng cho hạnh phúc của dân Y-sơ-ra-ên. Những người đã nghe theo thì được sống lâu và thịnh vượng. Mong sao chúng ta luôn bác bỏ những lời vô giá trị và theo sát những lời đầy giá trị của lẽ thật.
16. Chúng ta nghĩ thế nào khi lời tuyên bố của các khoa học gia trái ngược với Lời Đức Chúa Trời?
16 Ngày nay, người ta có nói những lời vô giá trị không? Có. Chẳng hạn, một số khoa học gia cho rằng thuyết tiến hóa và những khám phá khoa học trong các lĩnh vực khác cho thấy người ta không cần tin nơi Đức Chúa Trời nữa, và cũng cho thấy mọi việc có thể giải thích bằng những tiến trình tự nhiên. Những lời tuyên bố kiêu ngạo như thế có đáng cho chúng ta bận tâm hay không? Dĩ nhiên không! Sự khôn ngoan của loài người khác với sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời (1 Cô 2:6, 7). Tuy nhiên, chúng ta biết rằng khi sự dạy dỗ của loài người trái ngược với những gì Đức Chúa Trời cho chúng ta biết, thì sự dạy dỗ của loài người luôn luôn sai lầm (Đọc Rô-ma 3:4). Dù khoa học tiến bộ trong một vài lĩnh vực, lời Kinh Thánh vẫn đúng khi đánh giá về sự khôn ngoan của loài người: “Sự khôn-ngoan đời nầy trước mặt Đức Chúa Trời là sự dại-dột”. So với sự khôn ngoan vô tận của Đức Chúa Trời thì ý tưởng của loài người là vô ích.—1 Cô 3:18-20.
17. Chúng ta nên có quan điểm nào về lời của các nhà lãnh đạo trong tôn giáo xưng theo Đấng Christ và của kẻ bội đạo?
17 Một ví dụ khác về lời vô giá trị là lời của các nhà lãnh đạo trong tôn giáo xưng theo Đấng Christ. Những người này cho rằng họ nhân danh Đức Chúa Trời mà nói. Tuy nhiên, phần lớn lời nói của họ không dựa trên Kinh Thánh nhưng cơ bản là những lời vô giá trị. Kẻ bội đạo cũng nói lời vô giá trị, cho rằng họ khôn ngoan hơn “đầy-tớ trung-tín và khôn-ngoan” mà Đức Chúa Trời bổ nhiệm (Mat 24:45-47). Họ nói theo sự khôn ngoan riêng và những lời của họ là vô giá trị, gây vấp phạm cho người nghe (Lu 17:1, 2). Làm sao chúng ta có thể tránh bị họ lừa dối?
Làm thế nào bác bỏ những lời vô giá trị?
18. Chúng ta áp dụng lời khuyên nơi 1 Giăng 4:1 như thế nào?
18 Sứ đồ lão thành Giăng đưa ra lời khuyên khôn ngoan về vấn đề này. (Đọc 1 Giăng 4:1). Phù hợp với lời khuyên của sứ đồ Giăng, khi đi rao giảng, chúng ta luôn khuyến khích những người chúng ta gặp nên so sánh những điều họ được dạy trước đây với những điều ghi trong Kinh Thánh. Nguyên tắc này cũng tốt cho chúng ta. Bất cứ lời nào có ý chỉ trích lẽ thật hoặc vu khống hội thánh, trưởng lão hoặc bất cứ anh em nào, chúng ta không vội tin trước khi xem xét. Thay vì vậy, chúng ta nên tự hỏi: “Người lan truyền câu chuyện này có làm đúng theo lời Kinh Thánh dạy không? Những câu chuyện hoặc lời buộc tội ấy có đẩy mạnh ý định của Đức Giê-hô-va không? Những lời ấy có tạo bầu không khí bình an trong hội thánh không?” Bất cứ lời nào làm mất tình anh em thay vì xây dựng đều là những lời vô giá trị.—2 Cô 13:10, 11.
19. Làm thế nào các trưởng lão chắc chắn rằng lời nói của mình không phải là lời vô giá trị?
19 Bàn về những lời vô giá trị, các trưởng lão cũng học được bài học quan trọng. Khi được giao nhiệm vụ khuyên bảo người nào đó, họ phải nhớ những giới hạn của mình và không tự ý đưa ra lời khuyên theo sự hiểu biết riêng. Họ phải luôn luôn dùng Kinh Thánh. Một nguyên tắc khôn ngoan được rút ra từ lời của sứ đồ Phao-lô: “Chớ vượt qua lời đã chép” (1 Cô 4:6). Họ không vượt quá lời được ghi trong Kinh Thánh. Nói theo nghĩa bao quát hơn, họ không vượt quá những lời khuyên trong các ấn phẩm dựa trên Kinh Thánh do lớp đầy tớ trung tín và khôn ngoan cung cấp.
20. Chúng ta được giúp như thế nào để bác bỏ những điều vô giá trị?
20 Sự phù phiếm hoặc những điều vô giá trị—dù là thần hay chúa, lời nói hoặc bất cứ điều gì khác—đều rất tai hại. Vì thế, chúng ta luôn cầu xin Đức Giê-hô-va giúp nhận ra chân tướng của những điều vô giá trị và tìm kiếm sự hướng dẫn của Ngài để biết cách bác bỏ chúng. Khi làm thế, thật ra chúng ta đồng tâm tình với người viết Thi-thiên: “Xin xây mắt tôi khỏi xem những vật hư-không, làm tôi được sống trong các đường-lối Chúa” (Thi 119:37). Trong bài kế tiếp, chúng ta sẽ bàn sâu hơn về giá trị của việc chấp nhận sự hướng dẫn đến từ Đức Giê-hô-va.
Bạn trả lời thế nào?
• Nói chung, chúng ta nên bác bỏ “sự phù phiếm” hay những điều vô giá trị nào?
• Làm thế nào chúng ta tránh để tiền bạc trở thành một thần?
• Những ham muốn của xác thịt có thể trở thành “chúa” như thế nào?
• Làm sao chúng ta có thể bác bỏ những lời hư không hoặc vô giá trị?
[Hình nơi trang 3]
Dân Y-sơ-ra-ên được khuyến khích “cày cấy ruộng mình”, và không nên theo đuổi sự phù phiếm
[Hình nơi trang 5]
Đừng bao giờ để lòng ham muốn vật chất cản trở chúng ta phụng sự Đức Giê-hô-va
[Hình nơi trang 6]
Lời nói của các trưởng lão rất có giá trị