Họ đáp lại tình yêu thương của Đức Chúa Trời một cách không ích kỷ
“Nguyện người ta ngợi-khen Đức Giê-hô-va vì sự nhơn-từ Ngài, và vì các công-việc lạ-lùng Ngài làm cho con loài người!” (Thi-thiên 107:8).
1. Sứ đồ Giăng nhấn mạnh thế nào về đức tính yêu thương trong lá thư thứ nhất của ông?
“Đức Chúa Trời là sự yêu-thương”. Những lời nầy thật đầy ý nghĩa biết bao! Vì vậy mà sứ đồ Giăng cảm thấy cần phải lặp lại trong lá thư thứ nhất của ông (I Giăng 4:8, 16). Giê-hô-va Đức Chúa Trời không chỉ là sự yêu thương mà Ngài cũng là biểu tượng hay là hiện thân của tình yêu thương.
2. Đức Chúa Trời bày tỏ lòng yêu thương qua những cách nào trong việc sáng tạo người nam và người nữ và trong việc cung cấp cho họ?
2 Hãy suy nghĩ đến tình yêu thương mà Đức Chúa Trời bày tỏ qua cách Ngài sáng tạo loài người. Những lời đầy lòng biết ơn của Đa-vít rất là thích hợp. Với tư cách một người viết Thi-thiên được soi dẫn, ông nói: “Tôi cảm-tạ Chúa, vì tôi được dựng nên cách đáng sợ lạ-lùng” (Thi-thiên 139:14). Để cho chúng ta có thể sống mạnh khỏe và hạnh phúc, Đức Chúa Trời tạo ra năm giác quan để chúng ta có thể hưởng đầy vui thú: thị giác (để thấy), thính giác (để nghe), vị giác (để nếm), khứu giác (để ngửi) và xúc giác (để sờ). Chúng ta thấy tạo vật ở chung quanh chúng ta đẹp đẽ biết bao! Các cây cối và thú vật là tuyệt diệu biết bao, chưa kể đến vẻ đẹp về hình dáng và nét mặt của loài người! Đức Chúa Trời cũng làm ra nhiều loại trái cây, rau cỏ và những đồ ăn khác thật ngon lành (Thi-thiên 104:13-16). Vì lẽ đó, sứ đồ Phao-lô nhắc nhở những người ở thành Lít-trơ ngày xưa là Đức Chúa Trời “giáng phước cho, làm mưa từ trời xuống, ban cho các ngươi mùa-màng nhiều hoa-quả, đồ ăn dư-dật, và lòng đầy vui-mừng” (Công-vụ các Sứ-đồ 14:17).
3. Đức Chúa Trời phú cho chúng ta những khả năng tuyệt diệu nào?
3 Cũng hãy suy nghĩ đến những ân phước liên hệ đến đời sống gia đình hạnh phúc. Hơn thế nữa, hãy nghĩ đến những sự thích thú mà chúng ta có thể vui hưởng nhờ khả năng tinh thần và tình cảm của chúng ta: sự tưởng tượng, suy luận, ký ức và lương tâm, và đặc biệt là khả năng thờ phượng—tất cả mọi điều đó đặt chúng ta cao hơn loài vật rất nhiều; và chúng ta cũng không nên bỏ qua sự thích thú mà âm nhạc có thể đem lại cho chúng ta. Những điều nầy và nhiều món quà khác là thể hiện cho tình yêu thương của Đức Chúa Trời đối với chúng ta.
4. Từ khi tổ tông của loài người phạm tội, Đức Chúa Trời đã biểu lộ tình yêu thương của Ngài như thế nào?
4 Chắc chắn A-đam và Ê-va đã hưởng được nhiều sự vui sướng trong tình trạng hoàn toàn của họ tại vườn Ê-đen (Sáng-thế Ký 2:7-9, 22, 23). Nhưng khi họ không đáp lại một cách không ích kỷ đối với tất cả những gì họ vui hưởng nhờ tình yêu thương của Đức Chúa Trời, Ngài có loại bỏ hẳn loài người không? Chắc chắn là không! Ngài đã cung cấp ngay cách sửa lại những gì sai quấy đến từ tội lỗi của tổ tông chúng ta (Sáng-thế Ký 3:15). Đức Giê-hô-va cũng biểu lộ tình yêu thương bằng cách chịu đựng một cách nhịn nhục đối với con cháu bất toàn của A-đam (Rô-ma 5:12). Đã bao lâu rồi? Đến nay là khoảng 6.000 năm rồi! Đức Chúa Trời đặc biệt bày tỏ tình yêu thương trong cách đối xử với các tôi tớ Ngài. Những lời nầy thật đúng: “Giê-hô-va! Giê-hô-va! là Đức Chúa Trời nhân-từ, thương-xót, chậm giận, đầy-dẫy ân-huệ và thành-thực, ban ơn đến ngàn đời, xá điều gian-ác, tội trọng, và tội-lỗi” (Xuất Ê-díp-tô Ký 34:6, 7).
5. Đức Giê-hô-va đã chứng tỏ lòng yêu thương nhịn nhục trong cách đối xử với nước Y-sơ-ra-ên như thế nào?
5 Đúng vậy, Giê-hô-va Đức Chúa Trời bày tỏ lòng nhịn nhục rất nhiều trong việc đối xử với người Y-sơ-ra-ên từ lúc Ngài lập họ nên một nước tại chân núi Si-na-i cho tới khi Ngài buộc lòng phải từ bỏ họ luôn vì tính ương ngạnh của họ. Chúng ta đọc nơi II Sử-ký 36:15, 16: “Giê-hô-va Đức Chúa Trời của tổ-phụ chúng, vì có lòng thương-xót dân-sự và đền của Ngài; nên hằng sai sứ-giả đến cùng chúng; nhưng chúng nhạo-báng sứ-giả của Đức Chúa Trời, khinh-bỉ các lời phán Ngài, cười-nhạo những tiên-tri của Ngài, cho đến đỗi cơn thạnh-nộ của Đức Giê-hô-va nổi lên cùng dân-sự Ngài, chẳng còn phương chữa được”. Nhưng cũng có những người đã đáp lại tình yêu thương của Giê-hô-va Đức Chúa Trời một cách không ích kỷ. Để biết họ đáp lại thế nào, giờ đây chúng ta hãy xem xét đời sống của một số những người nầy. Điều đó sẽ đặt nền tảng cho thấy chính chúng ta nên đáp lại như thế nào đối với tình yêu thương của Đức Chúa Trời qua những cách thực tiễn.
Môi-se đáp lại một cách không ích kỷ
6. Gương mẫu của Môi-se nổi bật qua những cách nào, và trong những chức vụ nào ông đã nghiệm thấy tình yêu thương của Đức Chúa Trời?
6 Môi-se là một gương mẫu nổi bật trong việc đáp lại tình yêu thương của Đức Chúa Trời một cách không ích kỷ. Môi-se với tư cách là con nuôi của con gái vua Pha-ra-ôn đã có cơ hội để hưởng giàu sang phú quí. Nhưng ông “đành cùng dân Đức Chúa Trời chịu hà-hiếp hơn là tạm hưởng sự vui-sướng của tội-lỗi: người coi sự sỉ-nhục về đấng Christ là quí hơn của châu-báu xứ Ê-díp-tô” (Hê-bơ-rơ 11:25, 26). Một lần nọ Môi-se muốn giải cứu những anh em người Y-sơ-ra-ên khỏi cảnh nô lệ xứ Ê-díp-tô. Nhưng họ không biết ơn sự cố gắng của ông, và lúc đó cũng chưa đến thời điểm của Đức Chúa Trời để giải cứu họ (Công-vụ các Sứ-đồ 7:23-29). Tuy nhiên, mấy mươi năm sau, vì đức tin và ý muốn không ích kỷ của Môi-se để cứu anh em, Đức Giê-hô-va cho ông quyền phép để làm nhiều phép lạ và cho ông phục vụ trong 40 năm với tư cách là tiên tri, quan xét, người ban luật và người trung bảo của Ngài đối với dân Y-sơ-ra-ên. Trong những chức vụ đó, Môi-se đã nhiều lần nghiệm thấy tình yêu thương của Đức Giê-hô-va bày tỏ cho ông và cho các người Y-sơ-ra-ên.
7. Môi-se đã đáp lại thế nào tình yêu thương của Đức Chúa Trời?
7 Môi-se đã đáp lại thế nào tình yêu thương và sự thương xót của Đức Chúa Trời? Ông có “chịu ơn Đức Chúa Trời luống không” chăng? (II Cô-rinh-tô 6:1). Không bao giờ! Môi-se đã đáp lại một cách không ích kỷ tình yêu thương của Đức Giê-hô-va dành cho ông, và ông đã trọn lòng hướng về phía Đức Chúa Trời. Ông luôn luôn trông đợi Đức Giê-hô-va và ông có một sự liên lạc thân thiết với Đấng tạo ra ông. Đức Chúa Trời khen thưởng Môi-se biết bao khi Ngài quở trách A-rôn và Mi-ri-am về việc họ chỉ trích em họ! Đúng vậy, Đức Giê-hô-va nói cùng Môi-se “miệng đối miệng” và cho ông thấy “hình Đức Giê-hô-va” (Dân-số Ký 12:6-8). Mặc dù có nhiều đặc ân phụng sự, Môi-se tiếp tục là người khiêm hòa hơn hết mọi người và “làm y như” mọi lời phán của Đức Giê-hô-va (Xuất Ê-díp-tô Ký 40:16; Dân-số Ký 12:3).
8. Môi-se cho thấy ông thật sự hướng về phía Đức Chúa Trời thế nào?
8 Môi-se cũng chứng tỏ ông hướng về Đức Chúa Trời một cách không ích kỷ qua sự ông quan tâm đến danh, tiếng tốt và sự thờ phượng trong sạch của Đức Giê-hô-va. Thế nên Môi-se đã hai lần nài xin Đức Giê-hô-va nới rộng lòng thương xót đối với Y-sơ-ra-ên vì cớ danh của Đức Chúa Trời (Xuất Ê-díp-tô Ký 32:11-14; Dân-số Ký 14:13-19). Khi dân Y-sơ-ra-ên dính líu đến sự thờ tượng bò đực, Môi-se bày tỏ lòng sốt sắng về sự thờ phượng trong sạch bằng cách kêu lớn: “Ai thuộc về Đức Giê-hô-va, hãy đến cùng ta đây!” Sau đó, Môi-se và những người theo ông xử tử 3.000 kẻ thờ hình tượng. Rồi trong 40 năm, ông nhịn chịu đoàn dân hay lằm bằm và phản nghịch. Chắc chắn, Môi-se đã đáp lại một cách không ích kỷ tình yêu thương mà Đức Chúa Trời đã bày tỏ, và ông đã để một gương tốt cho chúng ta ngày nay (Xuất Ê-díp-tô Ký 32:26-28; Phục-truyền Luật-lệ Ký 34:7, 10-12).
Sự đáp lại tốt lành của Đa-vít
9. a) Vua Đa-vít đã đáp lại thế nào tình yêu thương của Giê-hô-va Đức Chúa Trời? b) Cũng như Đa-vít, chúng ta có thể dùng các đồ quí báu để tôn vinh Đức Giê-hô-va như thế nào?
9 Một người khác nổi bật trong Kinh-thánh đã làm gương tốt về việc đáp lại tình yêu thương của Đức Chúa Trời một cách không ích kỷ là người viết Thi-thiên Đa-vít, vị vua thứ hai của nước Y-sơ-ra-ên. Lòng sốt sắng của ông đối với danh của Đức Giê-hô-va đã thúc đẩy ông ra trận đánh với tên khổng lồ ngạo mạn người Phi-li-tin là Gô-li-át, và Đức Chúa Trời đã cho Đa-vít thắng được hắn (I Sa-mu-ên 17:45-51). Cũng lòng sốt sắng nầy đã khiến Đa-vít đem hòm bảng chứng về Giê-ru-sa-lem (II Sa-mu-ên 6:12-19). Và chẳng phải việc Đa-vít muốn xây đền thờ cho Đức Giê-hô-va là một bằng chứng khác về lòng sốt sắng và biết ơn của ông đối với tình yêu thương và sự nhơn từ của Đức Chúa Trời hay sao? Dĩ nhiên là phải! Việc không được đặc ân xây đền thờ đã không ngăn cản Đa-vít dự trù cho công việc xây cất đó và tôn vinh Đức Giê-hô-va bằng cách đích thân đóng góp vàng, bạc và đá quí rất đắt giá (II Sa-mu-ên 7:1-13; I Sử-ký 29:2-5). Sự đáp lại tình yêu thương của Đức Chúa Trời một cách không ích kỷ nầy nên thúc đẩy chúng ta “lấy tài-vật của chúng ta mà tôn-vinh Đức Giê-hô-va” tức là dùng của cải vật chất của chúng ta cho công việc Nước Trời (Châm-ngôn 3:9, 10; Ma-thi-ơ 6:33).
10. Đường lối của Đa-vít đáng cho chúng ta bắt chước trong phương diện nào?
10 Dù Đa-vít đã lầm lỡ nghiêm trọng, nhưng ông đã chứng tỏ suốt cả đời là “một người theo lòng Đức Giê-hô-va” (I Sa-mu-ên 13:14; Công-vụ các Sứ-đồ 13:22). Những bài Thi-thiên ông viết bày tỏ lòng biết ơn đối với tình yêu thương của Đức Chúa Trời. Cuốn “Bách khoa Tự điển Kinh-thánh Tiêu chuẩn Quốc tế” (The International Standard Bible Encyclopoedia) nói rằng Đa-vít “có nhiều lòng cảm tạ hơn bất cứ một người nào được nói đến trong Kinh-thánh”. Người viết Thi-thiên A-sáp nói rằng Đức Chúa Trời “chọn Đa-vít là tôi-tớ Ngài, bắt người từ các chuồng chiên... đặng người chăn-giữ Gia-cốp, là dân-sự Ngài, và Y-sơ-ra-ên, là cơ-nghiệp Ngài. Như vậy, người chăn-giữ họ theo sự thanh-liêm lòng người” (Thi-thiên 78:70-72). Thật vậy, đường lối của Đa-vít đáng cho chúng ta bắt chước.
Giê-su Christ, gương mẫu hoàn toàn cho chúng ta
11, 12. Giê-su chứng tỏ ngài thật sự hướng về Đức Chúa Trời như thế nào?
11 Dĩ nhiên, Giê-su Christ là gương mẫu tốt nhất trong Kinh-thánh về việc đáp lại tình yêu thương của Đức Chúa Trời một cách không ích kỷ. Điều đó đã khiến Giê-su làm gì? Trước hết, điều đó đã thúc đẩy ngài thờ phượng Đức Giê-hô-va cách chuyên độc. Chắc chắn lúc nào Giê-su cũng hướng về Đức Chúa Trời. Lòng biết ơn của Ngài đối với tình yêu thương và sự nhơn từ của Cha trên trời đã khiến ngài thực sự là người có tính thiêng liêng. Ngài đã có một sự liên lạc gần gũi, thân thiết với Đức Chúa Trời. Giê-su cũng là người hay cầu nguyện, và ngài rất thích nói chuyện cùng với Cha trên trời. Nhiều lần chúng ta đọc thấy Giê-su đang cầu nguyện. Một lần nọ ngài thức trọn đêm để cầu nguyện (Lu-ca 3:21, 22; 6:12; 11:1; Giăng 17:1-26). Để đáp lại tình yêu thương của Đức Chúa Trời, Giê-su sống trọn ý nghĩa của câu “người ta sống chẳng phải chỉ nhờ bánh mà thôi, song nhờ mọi lời nói ra từ miệng Đức Chúa Trời”. Thật vậy, làm theo ý định của Đức Chúa Trời là quan trọng như đồ ăn cho ngài (Ma-thi-ơ 4:4; Giăng 4:34). Chúng ta có nên đáp lại tương tợ như thế đối với tình yêu thương của Đức Chúa Trời, và thờ phượng Ngài cách chuyện độc không?
12 Để đáp lại tình yêu thương của Đức Chúa Trời một cách không ích kỷ, Giê-su Christ luôn luôn hướng sự chú ý về Đức Chúa Trời, Cha của ngài. Khi có ai gọi ngài là “thầy nhơn-lành”, ngài không nhận và nói: “Chỉ có một Đấng nhơn-lành, là Đức Chúa Trời” (Lu-ca 18:18, 19). Nhiều lần Giê-su đã nhấn mạnh là ngài không thể tự mình làm được việc gì. Ngài không bao giờ bỏ lỡ cơ hội tôn vinh danh Cha ngài, và ngài đã bắt đầu bài cầu nguyện mẫu một cách thích đáng với lời nài xin: “Danh Cha được thánh”. Ngài đã cầu nguyện: “Cha ơi, xin làm sáng danh Cha!”. Và ít lâu trước khi chết, đấng Christ đã nói với Cha: “Con đã tôn-vinh Cha trên đất, làm xong công-việc Cha giao cho làm” (Ma-thi-ơ 6:9; Giăng 12:28; 17:4). Chắc chắn, để đáp lại tình yêu thương của Đức Chúa Trời, chúng ta nên tìm cách làm vinh hiển Đức Giê-hô-va, cầu nguyện cho sự làm thánh danh Ngài.
13. Tình yêu thương đối với Đức Chúa Trời khiến Giê-su hành động thế nào?
13 Bây giờ hãy chú ý đến cách thứ hai mà Giê-su đã đáp lại tình yêu thương của Đức Chúa Trời một cách không ích kỷ. Đó là ngài ưa điều công bình và ghét điều gian ác như đã tiên tri nơi Thi-thiên 45:7 (Hê-bơ-rơ 1:9). Ngài “thánh-khiết, không tội, không ô-uế, biệt khỏi kẻ có tội” (Hê-bơ-rơ 7:26). Giê-su thách đố các kẻ nghịch độc ác bắt tội ngài nhưng họ không thể làm được (Giăng 8:46). Lòng ghen ghét điều gian ác đã khiến ngài hai lần đuổi những kẻ tham lợi ra khỏi đền thờ (Ma-thi-ơ 21:12, 13; Giăng 2:13-17). Giê-su còn lên án gay gắt bọn lãnh đạo tôn giáo giả hình, thậm chí nói rằng họ đến từ Ma-quỉ! (Ma-thi-ơ 6:2, 5, 16; 15:7-9; 23:13-32; Giăng 8:44).
14. Để đáp lại tình yêu thương của Đức Chúa Trời, Giê-su đã đối xử thế nào với các môn đồ ngài?
14 Còn một cách khác nữa mà Giê-su đã đáp lại tình yêu thương của Đức Chúa Trời là qua cách ngài đối xử với các sứ đồ và môn đồ khác. Khi ngài ở với họ ngài tỏ ra yêu thương, kiên nhẫn và nhịn nhục biết bao! Họ hẳn đã làm buồn lòng ngài với những sự cạnh tranh, cãi cọ xem ai là lớn nhất ngay tới cái đêm ngài bị phản bội (Lu-ca 22:24-27). Vậy mà, lúc nào Giê-su cũng cho thấy ngài có lòng nhu mì và khiêm nhường (Ma-thi-ơ 11:28-30). Thật ra, ngài đã bị Giu-đa phản bội, bị Phi-e-rơ chối ngài ba lần, và các sứ đồ khác bỏ chạy khi đám đông kéo đến bắt ngài. Nhưng ngài không bao giờ cay đắng hay giận họ. Làm sao chúng ta biết được? Vì sau khi sống lại và gặp lại các sứ đồ, Giê-su không quở trách họ về việc chùng bước trước sự sợ hãi. Trái lại, ngài đã an ủi và làm cho họ vững mạnh để tiếp tục trong công việc Nước Trời (Giăng 20:19-23).
15. Giê-su đã phục vụ không ích kỷ cho nhu cầu thể chất của dân chúng như thế nào?
15 Chúng ta hãy xem xét một cách khác khiến Giê-su đã đáp lại tình yêu thương của Đức Chúa Trời một cách không ích kỷ. Ngài đáp lại bằng cách hy sinh chính thân ngài cho những người khác, đến nỗi chịu một cái chết nhục nhã và đau đớn trên cây khổ hình (Phi-líp 2:5-8). Giê-su phục vụ cho nhu cầu thể chất của dân chúng bằng cách làm phép lạ làm đồ ăn cho đoàn dân đông và làm phép lạ chữa lành bệnh (Ma-thi-ơ 14:14-22; 15:32-39). Lúc nào ngài cũng để quyền lợi kẻ khác lên trên quyền lợi riêng của ngài. Do đó ngài có thể nói: “Con cáo có hang, chim trời có ổ; song Con người không có chỗ mà gối đầu” (Ma-thi-ơ 8:20). Giê-su cũng nhạy cảm đối với hoạt động của thánh linh Đức Chúa Trời, khi thánh linh ra khỏi mình ngài để chữa lành bằng phép lạ. Nhưng ngài không bao giờ dùng quyền lực siêu nhiên đó để kiếm lợi, như trong trường hợp một người đàn bà bị bệnh mất huyết đã 12 năm lấy đức tin rờ áo ngài được lành bệnh (Mác 5:25-34). Hơn nữa, Giê-su không bao giờ dùng quyền lực siêu nhiên đó cho chính ngài (So sánh Ma-thi-ơ 4:2-4).
16. Giê-su đã phục vụ nhu cầu thiêng liêng của dân chúng bằng những cách nào?
16 Dù rằng Giê-su đã phục vụ cho nhu cầu thể chất của dân chúng một cách không ích kỷ bằng cách chữa lành bệnh và làm phép lạ làm ra đồ ăn cho họ, động lực chính của ngài khi làm thánh chức trên đất vẫn là rao giảng tin mừng về Nước Trời, dạy dỗ và đào tạo môn đồ. Dù rằng ngài đã chữa lành bằng phép lạ, ngài không nổi tiếng là người chữa bệnh đại tài hay là người làm phép lạ, nhưng nổi tiếng là Thầy Dạy Lớn (Ma-thi-ơ 4:23, 24; Mác 10:17). Giê-su nói về chính ngài là Thầy dạy, như các môn đồ và cả những kẻ thù của ngài cũng gọi ngài như thế (Ma-thi-ơ 22:16; 26:18; Mác 9:38). Ngài đã dạy lẽ thật tuyệt diệu biết bao trong Bài Giảng trên Núi! (Ma-thi-ơ 5:1 đến 7:29). Ngài dùng các thí dụ minh họa thích hợp biết bao! Những thí dụ để nói tiên tri và các lời tiên tri khác nổi bật biết bao! Vì thế chúng ta không ngạc nhiên thấy những người lính được sai đi bắt Giê-su mà không thể nào đành lòng bắt ngài! (Giăng 7:45, 46).
17. a) Giê-su đã cung cấp cho chúng ta một gương mẫu hoàn toàn về tình yêu thương như thế nào? b) Bài kỳ tới sẽ bàn luận về điều gì?
17 Vậy chắc chắn Giê-su đã để lại cho chúng ta gương mẫu hoàn toàn về việc đáp lại tình yêu thương của Đức Chúa Trời một cách không ích kỷ. Giê-su đặt Cha trên trời ưu tiên trong cuộc sống và tình cảm của ngài. Ngài thật sự yêu điều công bình, đối xử yêu thương với các sứ đồ và các môn đồ khác, và dùng đời sống ngài để phục vụ cho nhu cầu thiêng liêng và vật chất của dân chúng. Cuối cùng, ngài kết thúc thánh chức bằng cách dâng chính mạng sống ngài để làm giá chuộc (Ma-thi-ơ 20:28). Nhưng còn về phần chúng ta thì sao? Thật ra chúng ta đều bất toàn, như Môi-se và Đa-vít. Tuy nhiên, bài kỳ tới cho thấy có những cách thực tế mà chúng ta có thể bắt chước gương của Giê-su trong việc đáp lại một cách không ích kỷ đối với tình thương mà Đức Chúa Trời đã bày tỏ.
Bạn sẽ trả lời thế nào?
◻ Tại sao có thể nói rằng “Đức Chúa Trời là sự yêu-thương”?
◻ Môi-se đáp lại thế nào tình yêu thương mà Đức Chúa Trời đã bày tỏ?
◻ Đa-vít đáp lại tình yêu thương của Đức Chúa Trời bằng những cách nào?
◻ Giê-su Christ đã để lại gương mẫu nào về việc đáp lại tình yêu thương của Đức Chúa Trời?
[Câu nổi bật nơi trang 20]
Bạn có biết Môi-se đáp lại tình yêu thương của Đức Chúa Trời như thế nào không?
[Hình nơi trang 22]
Giê-su đáp lại tình yêu thương của Đức Chúa Trời bằng cách giúp đỡ người khác về thiêng liêng lẫn vật chất và bằng cách dâng hiến sự sống của ngài để làm giá chuộc