Luôn luôn bày tỏ yêu thương và đức tin
“Ai ở trong sự yêu-thương, là ở trong Đức Chúa Trời”. “Và sự thắng hơn thế-gian, ấy là đức-tin của chúng ta” (I GIĂNG 4:16; 5:4).
1, 2. Những đức tính nào được đặc biệt nhấn mạnh đến trong đoạn I Giăng 4:7 đến 5:21?
Đức Giê-hô-va là hiện thân của tình yêu thương, và những ai muốn làm đẹp lòng Ngài phải bày tỏ đức tính này của Đức Chúa Trời. Sứ đồ Giăng đã làm sáng tỏ điều này trong phần chót của lá thư thứ nhất của ông được soi dẫn.
2 Những tín đồ thật của đấng Christ cũng phải bày tỏ đức tin. Chỉ bằng cách ấy chúng ta có thể thắng thế gian và an nhiên ở trong ân huệ của Đức Giê-hô-va. Vậy trong khi học phần chót cuốn sách I Giăng, chúng ta hãy xem xét kỹ lưỡng tầm quan trọng của việc bày tỏ yêu thương và đức.
“Hãy yêu-mến lẫn nhau”
3, 4. Giữa việc bày tỏ yêu thương và sự biết Đức Chúa Trời có liên hệ nào?
3 Giăng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của yêu thương. (Đọc I Giăng 4:7, 8). Các tín đồ “rất yêu-dấu” được khuyến khích tiếp tục “yêu-mến lẫn nhau; vì sự yêu-thương đến từ Đức Chúa Trời”, vì Đức Giê-hô-va là nguồn của sự yêu thương. “Kẻ nào yêu, thì sanh từ Đức Chúa Trời (với tư cách là người được thánh linh thọ sanh) và nhìn biết Đức Chúa Trời”, vì biết các đức tính và ý định của Đức Giê-hô-va, và bằng cách nào Ngài biểu lộ tình yêu thương. Ngày nay “đám đông” các “chiên khác” của đấng Christ cũng học “nhìn biết Đức Chúa Trời” như thế này.
4 Biết Đức Chúa Trời có nghĩa là thật sự quí mến các đức tính của Ngài, hoàn toàn yêu mến Ngài, và trung thành với Ngài như là Đấng Tối thượng của chúng ta. Nhưng “ai chẳng yêu, thì không biết Đức Chúa Trời”. Ai không bày tỏ thứ tình yêu thương theo đấng Christ thì không “biết Đức Chúa Trời, vì Đức Chúa Trời là sự yêu-thương”. Đúng vậy, tình yêu thương là đức tính nổi bật nhất của Đức Giê-hô-va, phát hiện rõ rệt trong các sự sắp đặt về thiêng liêng và vật chất cho nhân loại.
5. Bằng chứng hùng hồn nhất cho thấy “Đức Chúa Trời là sự yêu-thương” là gì?
5 Kế đến Giăng kể ra bằng chứng hùng hồn nhất rằng “Đức Chúa Trời là sự yêu-thương”. (Đọc I Giăng 4:9, 10). Giăng nói: “Lòng Đức Chúa Trời yêu chúng ta (là những người tội lỗi đáng chết) đã bày-tỏ ra trong điều nầy: Đức Chúa Trời đã sai Con một Ngài đến thế-gian, đặng chúng ta nhờ Con được sống”. Giê-su là “Con một” của Đức Giê-hô-va, vì ngài là đấng duy nhất được Đức Giê-hô-va trực tiếp sáng tạo (Giăng 1:1-3, 14; Cô-lô-se 1:13-16). Và Giê-su đã được “sai đến thế-gian” bằng cách trở thành con người, công khai làm thánh chức rao giảng, đoạn chết để dâng của-lễ (Giăng 11:27; 12:46). Để “nhờ Con được sống”, dù ở trên trời hay dưới đất, ta phải tin nơi giá trị của của-lễ làm giá chuộc của ngài.
6. Khi chúng ta hãy còn là người tội lỗi không yêu mến Đức Chúa Trời, Ngài đã làm gì cho chúng ta?
6 Chúng ta hãy còn là những người tội lỗi không yêu mến Đức Chúa Trời khi “Ngài đã yêu chúng ta, và sai Con Ngài làm của-lễ chuộc tội chúng ta”. Của-lễ của đấng Christ khiến chúng ta có thể tái lập liên lạc tốt với Đức Chúa Trời (Rô-ma 3:24, 25; Hê-bơ-rơ 2:17). Bạn có quí mến hay không sự biểu hiệu tình thương siêu đẳng này của Cha trên trời cho chúng ta là những kẻ chẳng xứng đáng?
7. a) Vì chúng ta không thể nói chúng ta yêu mến Đức Giê-hô-va vì chúng ta đã thấy Ngài, chúng ta có thể chứng tỏ chúng ta yêu mến Ngài bằng cách nào? b) Khi yêu mến anh em, chúng ta chứng tỏ gì?
7 Tình yêu thương của Đức Chúa Trời phải ảnh hưởng đến thái độ của chúng ta đối với người khác. (Đọc I Giăng 4:11-13). Vì Ngài đã yêu chúng ta khi chúng ta còn là người tội lỗi, “chúng ta cũng phải yêu nhau”. Trong thiên hạ “chưa hề có ai thấy Đức Chúa Trời”. Như thế chúng ta không thể nói chúng ta yêu mến Đức Giê-hô-va vì chúng ta đã thấy Ngài (Xuất Ê-díp-tô Ký 33:20; Giăng 1:18; 4:24). Dù vậy, khi bày tỏ yêu thương chúng ta chứng tỏ yêu mến Nguồn của đức tính này. Khi yêu mến anh em, chúng ta chứng tỏ “Đức Chúa Trời ở trong chúng ta, và sự yêu-mến Ngài được trọn-vẹn”, hay được bày tỏ trọn vẹn đầy đủ trong chúng ta. Và chúng ta biết “chúng ta ở trong” Đức Giê-hô-va “vì Ngài đã ban thánh linh Ngài cho chúng ta”. Khi chúng ta bày tỏ yêu thương đối với anh em, chúng ta chứng tỏ thánh linh của Đức Giê-hô-va hoạt động trong chúng ta, vì yêu thương là một trong những trái của thánh linh (Ga-la-ti 5:22, 23). Điều này chứng tỏ chúng ta biết Đức Chúa Trời và được Ngài chấp nhận.
8. Có bằng chứng nào khác cho thấy chúng ta “ở trong Đức Chúa Trời”?
8 Cũng có bằng chứng khác cho thấy chúng ta “ở trong Đức Chúa Trời”. (Đọc I Giăng 4:14-16a). Vì đã từng “thấy” điều gì Giê-su đã làm trên đất và ngài đã chịu khổ vì nhân loại ra sao, Giăng có thể “làm chứng rằng Cha đã sai Con đặng làm Cứu-Chúa thế-gian” tức loài người đầy tội lỗi (Giăng 4:42; 12:47). Hơn nữa, “Đức Chúa Trời ở trong chúng ta và chúng ta ở trong Ngài”, nếu chúng ta thành thật xưng Giê-su là Con Đức Chúa Trời. Điều này đòi hỏi chúng ta đặt đức tin và công khai làm chứng rằng Giê-su là Con của Đức Chúa Trời (Giăng 3:36; Rô-ma 10:10). Việc chúng ta tin cậy vào “sự yêu-thương của Đức Chúa Trời đối với chúng ta” là một bằng chứng khác là chúng ta ở trong Đức Giê-hô-va, dù chúng ta thuộc lớp người được xức dầu còn sót lại hay thuộc lớp “chiên khác”.
9. a) Tình yêu mến đối với Đức Chúa Trời có thể “được nên trọn-vẹn” theo nghĩa nào, và điều này ảnh hưởng đến sự liên lạc của chúng ta đối với những người khác ra sao? b) Tình yêu thương “trọn-vẹn” mang lại điều gì?
9 Đoạn Giăng chỉ cho thấy tình yêu thương có thể “được trọn-vẹn”. (Đọc I Giăng 4:16b, 17). Chúng ta được nhắc nhở rằng “Đức Chúa Trời là sự yêu-thương”. Bởi chúng ta “ở trong sự yêu-thương”, bày tỏ trái này của thánh linh Đức Giê-hô-va, chúng ta “ở trong Đức Chúa Trời”. Nếu tình yêu mến Đức Giê-hô-va “được nên trọn-vẹn trong chúng ta”, được bày tỏ một cách trọn vẹn đầy đủ đối với Ngài, chúng ta sẽ yêu mến các anh em cùng đạo với chúng ta (So sánh câu 12). Tình yêu thương “trọn-vẹn” cũng mang lại “lòng mạnh-bạo” (giúp chúng ta “ăn nói dạn dĩ”, NW) đối với Đức Chúa Trời trong lời cầu nguyện ngay bây giờ và “trong ngày xét-đoán” liên quan đến sự hiện diện của đấng Christ. Lúc đó những ai bày tỏ yêu thương dường ấy sẽ không có lý do để sợ rằng Đức Chúa Trời sẽ đoán xét nghịch cùng mình. Nếu chúng ta bày tỏ yêu thương, theo nghĩa này “ấy là Chúa (Giê-su) thể nào thì chúng ta cũng thể ấy trong thế-gian nầy”. Đúng vậy, chúng ta sẽ giống như ngài khi hưởng ân huệ được làm con cái Đức Chúa Trời ở giữa thế gian loài người xa cách Đức Chúa Trời.
10. Ai ở trong hoàn cảnh tình yêu thương được nên “trọn-vẹn” không cảm thấy điều gì?
10 Ai ở trong hoàn cảnh tình yêu thương đã nên “trọn-vẹn” không cảm thấy sự sợ hãi làm ngăn cản sự cầu nguyện. (Đọc I Giăng 4:18, 19). “Sự sợ-hãi có hình-phạt” hạn chế chúng ta khiến chúng ta không đến gần Đức Giê-hô-va một cách dạn dĩ. Vậy nếu chúng ta có cảm thấy sự sợ hãi đó, “thì không được trọn-vẹn trong sự yêu-thương”. Nhưng nếu chúng ta “được trọn-vẹn trong sự yêu-thương”, đức tính này sẽ chiếm trọn lòng chúng ta, thúc đẩy chúng ta làm theo ý muốn Đức Chúa Trời, và khiến chúng ta tiến lại gần Cha trên trời của chúng ta trong lời cầu nguyện. Chắc chắn chúng ta có lý do để yêu mến Đức Giê-hô-va và cầu nguyện cùng Ngài, vì Giăng nói: “Chúng ta yêu, vì Chúa đã yêu chúng ta trước”.
11. Tại sao là hợp lý khi chúng ta vâng theo điều răn: “Ai yêu Đức Chúa Trời, thì cũng phải yêu anh em mình”?
11 Dĩ nhiên, chỉ giản dị nói chúng ta yêu mến Đức Chúa Trời thôi không đủ. (Đọc I Giăng 4:20, 21). Kẻ nào nói: “Ta yêu Đức Chúa Trời” trong khi lại ghét anh em thiêng liêng của mình “là kẻ nói dối”. Vì chúng ta có thể thấy người anh em của chúng ta và quan sát những đặc điểm tốt của người, bày tỏ yêu thương đối với người tất phải dễ hơn là yêu mến một Đức Chúa Trời vô hình. Thật vậy, “kẻ nào chẳng yêu anh em mình thấy, thì không thể yêu Đức Chúa Trời mình chẳng thấy được”. Vậy thật là hợp lý khi chúng ta vâng theo “điều-răn”: “Ai yêu Đức Chúa Trời, thì cũng phải yêu anh em mình”.
Ai thắng được thế gian?
12. Bởi chúng ta yêu mến Đức Chúa Trời, chúng ta cũng sẽ yêu mến ai nữa?
12 Kế đến Giăng chỉ cho thấy yêu mến Đức Chúa Trời có nghĩa gì. (Đọc I Giăng 5:1-5). Trước hết sứ đồ giải thích “ai tin Đức Chúa Giê-su là đấng Christ (hay đấng Mê-si, đấng được Đức Giê-hô-va xức dầu), thì sanh bởi Đức Chúa Trời”, hay được Đức Giê-hô-va sanh ra bằng thánh linh. Hơn nữa, ai yêu Đấng đã Sanh ra, Đức Giê-hô-va, cũng yêu “kẻ đã sanh ra bởi Ngài”. Đúng vậy, tất cả những con cái được xức dầu của Đức Chúa Trời yêu mến Ngài và cũng phải yêu mến lẫn nhau giữa họ nữa. Tình yêu thương như thế giữa anh em cũng là đặc điểm của “đám đông” các “chiên khác” có hy vọng sống trên đất (Giăng 10:16; Khải-huyền 7:9).
13. a) Tại sao các điều răn của Đức Chúa Trời chẳng phải “nặng-nề” cho chúng ta? b) Chúng ta “thắng hơn thế-gian” như thế nào?
13 “Chúng ta biết mình yêu con-cái Đức Chúa Trời, khi chúng ta yêu Đức Chúa Trời và giữ các điều-răn Ngài”. Thật vậy, “nầy là sự yêu-mến Đức Chúa Trời, tức là chúng ta vâng-giữ điều-răn Ngài”. Bởi chúng ta yêu mến Đức Chúa Trời và sự công bình, chúng ta sung sướng giữ các điều răn của Ngài. Giăng nói các điều răn đó chẳng phải “nặng-nề” cho chúng ta “vì hễ sự gì sanh bởi Đức Chúa Trời, thì thắng hơn thế-gian”. Chữ “sự gì” có thể hiểu là sức lực do Đức Chúa Trời ban cho để “thắng hơn thế-gian”, hay chiến thắng được xã hội loài người bất công với những cám dỗ khiến vi phạm các điều răn của Đức Giê-hô-va (Giăng 16:33). “Sự thắng hơn thế-gian, ấy là đức-tin của chúng ta” nơi Đức Chúa Trời, Lời của Ngài và Con Ngài. Nếu chúng ta “tin Đức Chúa Giê-su là Con Đức Chúa Trời”, chúng ta “thắng hơn thế-gian” bằng cách từ bỏ tư tưởng sai lầm và những đường lối vô luân của nó, và giữ các điều răn của Đức Chúa Trời.
14. a) Giê-su đã “lấy nước” mà đến thế nào? b) Giê-su đã được tỏ ra là Con của Đức Chúa Trời “bằng huyết” ra sao? c) Làm sao thánh linh “làm chứng” về Giê-su?
14 Vì đức tin nơi Giê-su quan trọng như thế để chúng ta “thắng hơn thế-gian”, Giăng nêu ra những bằng chứng về đấng Christ bởi “ba làm chứng”. (Đọc I Giăng 5:6-8). Trước hết Giăng nói Giê-su “đã lấy nước... mà đến”. Khi Giê-su được làm báp-têm trong nước để tượng trưng cho việc ngài trình diện trước Đức Chúa Trời, Đức Giê-hô-va tuyên bố: “Nầy là Con yêu-dấu của ta, đẹp lòng ta mọi đàng” (Ma-thi-ơ 3:17). Đấng Christ cũng đã được tỏ ra là Con của Đức Chúa Trời “bằng huyết” mà ngài đã đổ ra khi chết làm giá chuộc (I Ti-mô-thê 2:5, 6). Hơn nữa, Giăng nói: “Thánh-linh đã làm chứng, vì thánh-linh tức là lẽ thật”. Việc thánh linh được giáng xuống Giê-su khi ngài chịu báp-têm chứng tỏ ngài là Con của Đức Chúa Trời (Ma-thi-ơ 3:16; Giăng 1:29-34). Thánh linh của Đức Giê-hô-va phái Giê-su thực hiện sứ mạng và làm những việc có quyền năng (Giăng 10:37, 38; Công-vụ các Sứ-đồ 10:38). Bởi thánh linh Đức Chúa Trời đã khiến cho trời tối lại một cách bất thường, gây ra một cuộc động đất, khiến cho cái màn trong đền thờ bị xé rách khi Giê-su chết, và sau đó chính thánh linh của Đức Chúa Trời đã làm Giê-su sống lại (Ma-thi-ơ 27:45-54).
15. “Ba làm chứng” là gì?
15 Vậy “có ba làm chứng” việc Giê-su là Con của Đức Chúa Trời. Đó là 1) thánh linh, 2) nước để Giê-su làm báp-têm và ý nghĩa của báp-têm (sự trình diện trước Đức Giê-hô-va) và 3) huyết mà ngài đã đổ ra khi chết làm giá chuộc. Ba điều này “hiệp một” để cùng chứng tỏ Giê-su là Con của Đức Chúa Trời. Chúng ta phải thật sự tin nơi Giê-su nếu chúng ta muốn nhận lãnh sự sống đời đời (So sánh Phục-truyền Luật-lệ Ký 19:15).
Sự làm chứng của Đức Chúa Trời
16. Chính Đức Giê-hô-va đã làm chứng về Giê-su thế nào?
16 Chính Đức Chúa Trời làm chứng về Con của Ngài. (Đọc I Giăng 5:9-12). “Ví bằng chúng ta nhận chứng (chân thật) của loài người (bất toàn, như người ta thường làm khi nói chuyện hoặc tại tòa án), thì chứng của Đức Chúa Trời trọng hơn” (Giăng 8:17, 18). Vì “Đức Chúa Trời không thể nói dối”, chúng ta có thể tuyệt đối yên lòng về lời “chứng mà Ngài làm về Con Ngài”. Và chính Đức Giê-hô-va có nói Giê-su là Con của Ngài (Tít 1:2; Ma-thi-ơ 3:17; 17:5). Hơn nữa, Ngài còn chấp thuận thêm “ba làm chứng”, tức là thánh linh, nước để Giê-su chịu báp-têm và huyết do Giê-su đổ ra.
17. Con đường duy nhất dẫn đến sự cứu rỗi là gì?
17 “Ai tin đến Con Đức Chúa Trời, thì có chứng ấy trong mình”, vì tất cả mọi bằng chứng khiến người đó tin rằng Giê-su là Con của Đức Chúa Trời. Nhưng “ai không tin Đức Chúa Trời” là Đấng làm chứng đáng tin cậy về Con của Ngài thì cho Đức Giê-hô-va là nói dối. Dĩ nhiên, tổng kết những lời làm chứng cho thấy “Đức Chúa Trời đã ban sự sống đời đời cho chúng ta, và sự sống ấy ở trong Con Ngài”. Sự cứu rỗi để được sống đời đời chỉ có được nhờ đức tin nơi Giê-su là Con của Đức Chúa Trời (Giăng 11:25, 26; 14:6; 17:1-3). Như thế, “ai có Đức Chúa Con” bằng cách tin nơi ngài thì nhận được sự sống đời đời như sự ban cho dù là kẻ chẳng xứng đáng (Giăng 20:31). Nhưng kẻ nào không có đức tin nơi Giê-su là Con của Đức Chúa Trời sẽ không hưởng được “sự sống ấy”.
Lời cầu nguyện có kết quả!
18. Tại sao Giăng đã viết “những điều nầy”?
18 Kế đến Giăng làm sáng tỏ mục đích chính yếu của lá thư của ông và bàn về sự cầu nguyện. (Đọc I Giăng 5:13-15). Ông đã viết “những điều nầy” để chúng ta biết “mình có sự sống đời đời”. Đó là điều chúng ta tin chắc chắn, với tư cách chúng ta tin đến “danh” Con của Đức Chúa Trời (So sánh I Giăng 3:23). Và những kẻ bội đạo, không thuộc về chúng ta, không thể hủy diệt được đức tin đó (I Giăng 2:18, 19).
19. a) Theo I Giăng 5:14, 15 chúng ta “dạn dĩ” trước mặt Đức Chúa Trời thế nào? b) Chúng ta có thể xin đúng một số những việc gì?
19 Chúng ta “dạn-dĩ” hay đầy lòng tin cậy nơi Đức Chúa Trời, vì bất luận chúng ta xin Ngài điều gì trong lời cầu nguyện miễn là “theo ý muốn Ngài... thì Ngài nghe chúng ta”. Chúng ta cầu xin đúng lắm về những việc như sự làm sáng danh Đức Giê-hô-va, xin được thánh linh Ngài, có sự khôn ngoan theo Ngài và được cứu khỏi kẻ ác (Ma-thi-ơ 6:9, 13; Lu-ca 11:13; Gia-cơ 1:5-8). Và “chúng ta biết không cứ mình xin điều gì, Ngài cũng nghe chúng ta, thì chúng ta biết mình nhận lãnh điều mình xin Ngài”, là “Đấng nghe lời cầu-nguyện” (Thi-thiên 65:2).
20, 21. a) “Tội không đến nỗi chết” là gì? b) Tại sao cầu nguyện về một “tội đến nỗi chết” là sai lầm?
20 Đoạn Giăng nói về sự cầu nguyện và hai thứ tội lỗi. (Đọc I Giăng 5:16, 17). “Tội không đến nỗi chết” là tội không cố ý, và cầu nguyện để cho người nào phạm tội và ăn năn được tha thứ không phải là sai lầm (Công-vụ các Sứ-đồ 2:36-38; 3:19; Gia-cơ 5:13-18). Nhưng khi cầu nguyện vì “tội đến nỗi chết” là sai lầm, vì đó là tội cố ý nghịch lại thánh linh; không có sự tha thứ đối với tội như thế (Ma-thi-ơ 12:22-32; Hê-bơ-rơ 6:4-6; 10:26-31). Những kẻ làm tội ấy đi đến Ghê-hen-na, tức bị hủy diệt đời đời trong “sự chết thứ hai” (Khải-huyền 21:8; Ma-thi-ơ 23:15). Dù cho Đức Giê-hô-va là Đấng Quan Xét tối hậu, chúng ta không nên mạo hiểm làm mất lòng Ngài bằng cách cầu nguyện cho một người làm tội nào công khai cho thấy y cố ý làm “tội đến nỗi chết”.
21 Bởi thế, “ví có kẻ (đặc biệt một trưởng lão được thánh linh xức dầu) thấy anh em mình phạm tội, mà tội không đến nỗi chết (“sự chết thứ hai”), thì hãy cầu xin, và Đức Chúa Trời sẽ ban sự sống cho, tức là ban cho những kẻ phạm tội”, cứu y khỏi sự hủy diệt đời đời. Dĩ nhiên, “mọi sự không công-bình đều là tội”, tức trật mục tiêu làm đúng theo những lề luật công bình của Đức Chúa Trời. “Mà cũng có tội không đến nỗi chết”, vì do sự bất toàn của chúng ta, chúng ta ăn năn và của-lễ của đấng Christ được dùng để tha thứ tội lỗi.
Những điểm chính trong lá thư của Giăng
22. Ai “chẳng làm hại” một tín đồ trung thành được, và người này có thể cầu nguyện về điều gì với lòng đầy tin cậy?
22 Đến đây Giăng tóm lược những điểm chính trong lá thư của ông. (Đọc I Giăng 5:18-21). “Ai sanh bởi Đức Chúa Trời” với tư cách là tín đồ đấng Christ được thánh linh xức dầu thì “chẳng phạm tội”. Giê-su “đấng sanh bởi Đức Chúa Trời” bằng thánh linh “giữ lấy người ấy, ma-quỉ (Sa-tan) chẳng làm hại người được”. Một tín đồ được xức dầu trung thành dường ấy có thể cầu nguyện với lòng tin cậy để được cứu thoát khỏi ma-quỉ và có thể nhờ “đức-tin làm thuẫn” mà tránh thoát được các “tên lửa” của Sa-tan và không bị hại gì về thiêng liêng (Ma-thi-ơ 6:13; Ê-phê-sô 6:16).
23. “Cả thế-gian đều phục dưới quyền ma-quỉ” thế nào?
23 Vì những người được xức dầu có bằng chứng họ là con cái thiêng liêng của Đức Giê-hô-va, họ có thể nói: “Chúng ta biết mình thuộc về Đức Chúa Trời”. Việc họ tin nơi Giê-su và không thực hành tội lỗi chứng tỏ họ là con cái Đức Chúa Trời và Sa-tan không thể “làm hại” họ được. “Còn cả thế-gian (xã hội loài người bất công) đều phục dưới quyền ma-quỉ” (Ê-phê-sô 2:1, 2; Khải-huyền 12:9). Thế gian nằm dưới ảnh hưởng và quyền đô hộ của Sa-tan; và thế gian này không có mảy may cố gắng thoát khỏi ách của hắn và làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời.
24. Giê-su “đã ban trí-khôn cho chúng ta” nhằm mục đích gì?
24 Một số thầy giáo giả chủ trương đấng Christ không có lấy xác thịt mà ra đời (II Giăng 7). Nhưng những bằng chứng được nêu ra trong lá thư này cho phép Giăng nói: “Chúng ta biết Con Đức Chúa Trời đã đến” (I Giăng 1:1-4; 5:5-8). Hơn nữa, Giê-su “đã ban trí-khôn cho chúng ta”, hay “ý thức” để “chúng ta biết Đấng chơn-thật”, nghĩa là dần dần hiểu biết Đức Chúa Trời (Ma-thi-ơ 11:27). Như thế, “chúng ta ở trong Đấng chơn-thật (Giê-hô-va Đức Chúa Trời)”, qua “Đức Chúa Giê-su Christ, Con của Ngài” (So sánh Giăng 17:20, 21).
25. Là tín đồ đấng Christ chúng ta có thể thế nào áp dụng lời khuyên của Giăng trong I Giăng 5:21?
25 Những ai ở trong Đức Chúa Trời thật, Đức Giê-hô-va, dù thuộc lớp người được xức dầu còn sót lại, hay lớp “chiên khác”, đều muốn làm đẹp lòng Ngài trong mọi đàng. Nhưng vào thế kỷ thứ nhất có sự cám dỗ thờ hình tượng, cũng như ngày nay. Vậy Giăng kết thúc lá thư của ông cách thích hợp với những lời khuyên hiền hậu: “Hỡi các con-cái bé-mọn, hãy giữ mình về hình-tượng!” Là tín đồ đấng Christ, chúng ta không quì lạy trước hình tượng (Xuất Ê-díp-tô Ký 20:4-6). Chúng ta cũng biết nếu thờ phượng chính chúng ta, sự vui thú hay bất cứ việc gì khác thay thế Đức Chúa Trời là sai lầm (II Ti-mô-thê 3:1, 2). Chúng ta dâng mình cho Ngài, vì chúng ta đã bỏ sự thờ phượng “con thú” chính trị cùng “tượng” của nó (Khải-huyền 13:14-18; 14:9-12). Vậy để làm vui lòng Cha trên trời của chúng ta và nhận lãnh sự ban cho về sự sống đời đời, chúng ta hãy cương quyết tránh mọi hình thức của sự thờ hình tượng, và đừng bao giờ để sự thờ hình tượng hủy phá liên lạc quí giá của chúng ta với Đức Giê-hô-va qua Giê-su.
Một sự giúp đỡ thường xuyên
26. Những điểm chính trong lá thư thứ nhất của Giăng là gì?
26 Lá thư thứ nhất được soi dẫn của Giăng giúp những tín đồ sống vào thế kỷ thứ nhất từ bỏ sự thờ hình tượng, giúp họ chống cự lại những lời nói dối của kẻ bội đạo, và ngày nay cũng có cùng lợi ích như thế. Thí dụ lá thư này chứng tỏ Giê-su đã sống làm người và đã chết làm “của-lễ chuộc tội”, nhận diện “kẻ địch lại đấng Christ” và phân biệt con cái Đức Chúa Trời và con cái Ma-quỉ, chỉ cho thấy làm thế nào thử “các thần” (hay lời) để biết những sự đó có từ Đức Giê-hô-va mà đến không. Hơn nữa, những lời của Giăng giúp chúng ta tin chắc “Đức Chúa Trời là sự yêu-thương”, đức tin thật thắng được thế gian và Đức Giê-hô-va nhậm lời cầu nguyện của các nhân-chứng trung thành của Ngài.
27. Lá thư thứ nhất của Giăng được Đức Chúa Trời soi dẫn giúp chúng ta bằng những cách nào?
27 Đứng trước những sự cám dỗ của thế gian, thật khôn ngoan làm sao khi ghi nhớ những lời cảnh cáo của Giăng chống lại lòng yêu mến thế gian! Nếu có những khác biệt cá nhân va chạm mối liên lạc với một số anh em chúng ta, những lời của sứ đồ có thể giúp chúng ta nhớ chúng ta phải bày tỏ yêu thương đối với anh em. Với sự giúp đỡ của Đức Chúa Trời và khi áp dụng lời khuyên của Giăng, chúng ta có thể tránh sự thực hành tội lỗi và giữ vững đức tin thắng được thế gian. Vậy chúng ta hãy tỏ lòng biết ơn về lá thư được soi dẫn này khi chúng ta tiếp tục bước đi trong sự sáng của Đức Chúa Trời, sống như con cái của Đức Chúa Trời và luôn luôn bày tỏ yêu thương và đức tin để làm vinh hiển Đức Giê-hô-va, Cha trên trời của chúng ta.
Bạn sẽ trả lời sao?
◻ Nếu chúng ta yêu mến Đức Giê-hô-va, điều này ảnh hưởng thế nào đến liên lạc của chúng ta đối với những anh em cùng đạo?
◻ Chúng ta có thể “thắng hơn thế-gian” ra sao?
◻ “Ba làm chứng” về Con của Đức Chúa Trời là gì?
◻ Chúng ta có sự “dạn dĩ” hay lòng tin cậy nào về sự cầu nguyện?
◻ Cuốn sách I Giăng giúp chúng ta bằng những cách nào?
[Câu nổi bật nơi trang 20]
Vì Đức Giê-hô-va yêu thương chúng ta từ khi chúng ta còn là người tội lỗi, “chúng ta hãy yêu-mến lẫn nhau”
[Câu nổi bật nơi trang 21]
Đức tin của chúng ta nơi Đức Chúa Trời, Lời của Ngài và Con một của Ngài giúp chúng ta “thắng hơn thế-gian”
[Hình nơi trang 23]
Thánh linh, nước để Giê-su chịu báp-têm, huyết ngài được đổ ra và chính Đức Giê-hô-va làm chứng Giê-su là Con của Đức Chúa Trời