Tiếp tục sống như con cái của Đức Chúa Trời
“Ai chẳng làm điều công-bình là không thuộc về Đức Chúa Trời, kẻ chẳng yêu anh em mình cũng vậy” (I GIĂNG 3:10).
1, 2. Tiếp tục học cuốn sách I Giăng, chúng ta sẽ xem xét những lời khuyên nào của sứ đồ?
Đức Giê-hô-va có một gia đình trong vũ trụ, và giờ đây có một số người sống trên đất thuộc vào gia đình đó. Họ là con cái của Đức Chúa Trời. Nhưng họ khác với những người khác ra sao?
2 Trong lá thư đầu tiên của ông được Đức Chúa Trời soi dẫn, sứ đồ Giăng cho biết ai là những người có đặc ân cao quí này. Ông cũng cho họ những lời khuyên để tiếp tục sống như con cái của Đức Chúa Trời. Và điều gì ông nói cũng có ích cho tất cả các nhân-chứng đã dâng mình của Đức Giê-hô-va nữa.
Tình yêu thương của Đức Chúa Trời lớn lao biết bao!
3. Một số người đã trở thành “con-cái Đức Chúa Trời” như thế nào, và thế gian nhìn họ ra sao?
3 Giăng nói về sự hy vọng của những tín đồ được xức dầu. (Đọc I Giăng 3:1-3). Quả Đức Giê-hô-va đã bày tỏ lòng yêu thương rất lớn khi nhận họ làm con thiêng liêng, khiến họ thành “con-cái Đức Chúa Trời” (Rô-ma 5:8-10). “Thế-gian”—tức xã hội loài người bất công này—không thể nào có được sự tin kính, những lý tưởng và hy vọng của họ. Thế gian đó ghét đấng Christ và những môn đồ của ngài và do đó cũng ghét Đức Chúa Cha nữa (Giăng 15:17-25). Như vậy thế gian này có thể biết những người được xức dầu với tư cách cá nhân, chứ không như con cái của Đức Chúa Trời, vì “họ chẳng từng biết” Đức Giê-hô-va (I Cô-rinh-tô 2:14).
4. Mỗi người có hy vọng sống trên trời phải làm gì?
4 Ngay bây giờ, những người được xức dầu là con cái của Đức Chúa Trời. Giăng nói: “Còn về sự chúng ta sẽ ra thể nào, thì điều đó chưa được bày-tỏ” trước khi chết đi một cách trung thành và được sống lại ở trên trời dưới thể thiêng liêng (Phi-líp 3:20, 21). Tuy nhiên, khi Đức Chúa Trời được “bày-tỏ”, họ sẽ “giống như Ngài” và sẽ “thấy Ngài như vốn có thật vậy”, tức là “Đức Giê-hô-va, Đấng Thần linh” (II Cô-rinh-tô 3:17, 18, NW). Hễ người nào có “hy vọng” này được lên trời phải tự làm nên thánh, “vì Giê-hô-va Đức Chúa Trời là thánh”. Dù những người được xức dầu hiện nay là bất toàn, họ phải sống cách trong sạch phù hợp với hy vọng của họ được thấy Đức Chúa Trời thánh sạch trên trời (Thi-thiên 99:5, 9; II Cô-rinh-tô 7:1).
Thực hành sự công bình
5, 6. Theo quan điểm của Đức Chúa Trời mỗi người phạm tội đang làm gì, nhưng trên phương diện này, những ai “ở trong” Giê-su thì sao?
5 Sống như con cái Đức Chúa Trời cũng có nghĩa là làm điều công bình. (Đọc I Giăng 3:4, 5). “Ai phạm tội, tức là trái luật-pháp” theo quan điểm của Đức Giê-hô-va, vì người phạm tội vi phạm các luật pháp của Ngài (Ê-sai 33:22; Gia-cơ 4:12). Mọi “sự tội-lỗi tức là sự trái luật-pháp”, vi phạm luật pháp của Đức Chúa Trời. Thực hành tội lỗi đi ngược lại với tinh thần của tín đồ đấng Christ, và chúng ta cảm thấy biết ơn là Giê-su đã “được bày-tỏ” với tư cách là một con người “cất tội-lỗi đi”. Vì “ngài chưa hề phạm tội”, ngài có thể dâng cho Đức Chúa Trời một của-lễ chuộc tội duy nhất hoàn toàn thỏa đáng (Ê-sai 52:11, 12; Hê-bơ-rơ 7:26-28; I Phi-e-rơ 2:22-24).
6 “Ai ở trong ngài (Con) thì không phạm tội”. (Đọc I Giăng 3:6). Vì bất toàn, nhiều khi chúng ta có thể phạm một tội lỗi. Nhưng ai ở trong Con và, do đó, ở trong Cha, không có thực hành tội lỗi. Những kẻ thực hành tội lỗi đã không “thấy” Giê-su bằng con mắt của đức tin; những kẻ năng phạm tội như thế, chẳng hạn như những kẻ bội đạo, cũng không “biết” và quí mến Giê-su như là “Chiên Con của Đức Chúa Trời” chuộc tội lỗi (Giăng 1:36).
7, 8. Theo I Giăng 3:7, 8 kẻ cố ý phạm tội là con cái của ai, nhưng Con Đức Chúa Trời đã “được bày-tỏ” để làm gì đối với việc đó?
7 Giăng cảnh cáo đề phòng việc bị đánh lừa. (Đọc I Giăng 3:7, 8). Sứ đồ nói: “Chớ để cho ai lừa-dối mình: kẻ làm sự công-bình (bằng cách giữ luật pháp của Đức Chúa Trời) là người công-bình, như chính mình Chúa (Giê-su) là công-bình”. Vì vốn có tội chúng ta không thể nào công bình cùng một trình độ với Giê-su, Gương mẫu lớn của chúng ta. Nhưng nhờ ân điển của Đức Giê-hô-va, những môn đồ được xức dầu của Giê-su ngày nay có thể tiếp tục sống như con cái của Đức Chúa Trời.
8 Những kẻ cố ý phạm tội “bởi ma-quỉ mà sanh ra”, vì ngay “từ lúc ban đầu” nó đã làm phản chống lại Đức Giê-hô-va. Nhưng Con Đức Chúa Trời đã “được bày tỏ” để “hủy-phá công-việc” của Sa-tan chuyên chủ trương tội lỗi và sự ác. Điều này cũng có nghĩa hủy bỏ hiệu quả của sự chết di truyền từ A-đam bởi sự chuộc tội qua Giê-su và sự sống lại của những người ở trong mồ mả (Sheol, Hades), và đập nát đầu của Sa-tan (Sáng-thế Ký 3:15; I Cô-rinh-tô 15:26). Trong khi chờ đợi việc đó xảy ra, chúng ta, là những người được xức dầu còn sót lại và “đám đông”, hãy đề phòng tránh sự thực hành tội lỗi và bất công.
Gìn giữ luật pháp của Đức Chúa Trời
9. Người tín đồ được thánh linh thọ sanh “không thể phạm tội” hiểu theo nghĩa nào, và tại sao thế?
9 Kế đến Giăng phân biệt giữa con cái Đức Chúa Trời và con cái Ma-quỉ. (Đọc I Giăng 3:9-12). Hễ ai “sanh bởi Đức Chúa Trời, thì chẳng phạm tội”, hay thực hành tội lỗi. “Hột giống” của Đức Giê-hô-va, hay thánh linh ban cho người đó “sự sanh lại” để có hy vọng lên trời, sẽ ở trong người trừ khi người cưỡng lại và “làm buồn” thánh linh, khiến cho Đức Chúa Trời thâu thánh linh lại (I Phi-e-rơ 1:3, 4, 18, 19, 23; Ê-phê-sô 4:30). Để tiếp tục được làm con cái Đức Chúa Trời một tín đồ được thánh linh thọ sanh “không thể phạm tội”. Trên cương vị “sự sáng tạo mới”, với “nhân cách mới”, người đó kháng cự lại tội lỗi. Người đã “lánh khỏi sự hư-nát của thế-gian bởi tư-dục đến”, và trong thâm tâm người không muốn thường xuyên phạm tội (II Cô-rinh-tô 5:16, 17; Cô-lô-se 3:5-11; II Phi-e-rơ 1:4).
10. Một cách để phân biệt giữa con cái Đức Chúa Trời và con cái Ma-quỉ là gì?
10 Một cách để phân biệt giữa con cái Đức Chúa Trời và con cái Ma-quỉ là: “Ai chẳng làm điều công-bình là không thuộc về Đức Chúa Trời”. Con cái của Ma-quỉ thích làm điều bất công đến đỗi “nếu chúng nó không làm điều ác, thì ngủ không đặng; Bằng chưa gây cho người nào vấp-phạm, thì giấc-ngủ bị cất khỏi chúng nó”; đó chính là điều mà những kẻ bội đạo muốn gây cho những tín đồ trung thành (Châm-ngôn 4:14-16).
11.a) Một cách khác để nhận ra những ai không phải con cái Đức Chúa Trời là gì? b) Nghiền ngẫm về hành vi của Ca-in sẽ thúc đẩy chúng ta làm gì?
11 Hơn nữa, “kẻ chẳng yêu anh em mình cũng vậy (không thuộc về Đức Chúa Trời)”. Thật thế, sự “rao-truyền” mà chúng ta nghe “từ lúc ban đầu” khi chúng ta trở thành Nhân-chứng Giê-hô-va là “chúng ta phải yêu-thương lẫn nhau” (Giăng 13:34). Như thế chúng ta không phải “như Ca-in”, đã tỏ ra “thuộc về ma-quỉ” lúc “giết em mình” theo lối hung độc của Sa-tan, kẻ giết người (Sáng-thế Ký 4:2-10; Giăng 8:44). Ca-in đã giết A-bên “bởi việc làm của người là dữ còn việc làm của em người là công-bình”. Chắc chắn khi nghiền ngẫm về hành vi của Ca-in chúng ta sẽ được thúc đẩy đề phòng sự ghen ghét anh em thiêng liêng của mình như thế.
Yêu mến “bằng việc làm và lẽ thật”
12. Làm sao “chúng ta biết mình đã vượt khỏi sự chết qua sự sống”, và điều này có nghĩa gì?
12 Nếu chúng ta bắt chước Ca-in, chúng ta sẽ chết theo nghĩa thiêng liêng. (Đọc I Giăng 3:13-15). Hắn ghét em mình đến đỗi giết chết người, và chúng ta không ngạc nhiên khi thế gian cũng ghét chúng ta như thế, vì Giê-su đã tiên tri điều này (Mác 13:13). Nhưng “chúng ta biết (hay, tin cậy) rằng mình đã vượt khỏi sự chết (thiêng liêng) qua sự sống (đời đời), vì chúng ta yêu anh em mình”, những anh em Nhân-chứng Giê-hô-va. Nhờ có tình yêu mến giữa các anh em, cùng với đức tin nơi đấng Christ, chúng ta không còn “chết” trong những vi phạm và tội lỗi nữa, nhưng Đức Chúa Trời đã hủy bỏ bản án của Ngài đối với chúng ta, và chúng ta được sống lại từ sự chết thiêng liêng, nhận lấy hy vọng sống đời đời (Giăng 5:24; Ê-phê-sô 2:1-7). Những kẻ bội đạo thiếu tình thương không có hy vọng đó, vì “ai chẳng yêu thì ở trong sự chết (thiêng liêng)”.
13. Nếu chúng ta oán ghét anh em của chúng ta, tại sao chúng ta phải nêu điều đó ra trong khi cầu nguyện?
13 Thật ra, “ai ghét anh em mình, là kẻ giết người”. Đây không phải là tội sát nhân hiểu theo nghĩa đen (như trường hợp của Ca-in giết em mình vì ganh tị và oán ghét), nhưng ai có lòng oán ghét thích thấy anh em thiêng liêng của mình chết hơn là sống. Vì Đức Giê-hô-va đọc được trong lòng, người nào oán ghét bị kết án rồi (Châm-ngôn 21:2; so sánh Ma-thi-ơ 5:21, 22). Không có một “kẻ giết người” nào, hay kẻ ghét anh em cùng đạo với mình, nếu không ăn năn, “có sự sống đời đời ở trong mình”. Vậy nếu chúng ta có lòng oán ghét người anh em Nhân-chứng nào, chúng ta hãy cầu xin sự giúp đỡ của Đức Giê-hô-va để biến đổi lòng oán ghét thành lòng yêu mến giữa anh em, phải không?
14. Chúng ta được khuyến khích phải yêu thương anh em của chúng ta đến mức độ nào?
14 Nếu chúng ta muốn tiếp tục sống như con cái của Đức Chúa Trời, chúng ta phải tỏ lòng yêu mến giữa anh em bằng lời nói và việc làm. (Đọc I Giăng 3:16-18). Chúng ta có thể làm được việc này, vì “chúng ta nhận biết lòng yêu-thương, ấy là Chúa (Giê-su) đã vì chúng ta bỏ sự sống”. Bởi Giê-su đã tỏ lòng yêu thương chúng ta đến thế, chúng ta cũng phải bày tỏ tình yêu thương dựa trên nguyên tắc (tiếng Hy-lạp, a·gaʹpe) đối với anh em cùng đạo với chúng ta. Thí dụ, trong lúc bị bắt bớ, “chúng ta cũng nên bỏ sự sống vì anh em mình vậy”, giống như Bê-rít-sin và A-qui-la “liều chết để cứu sống (sứ đồ Phao-lô)” (Rô-ma 16:3, 4; Giăng 15:12, 13).
15. Nếu một người anh em đang ở trong cảnh túng thiếu và chúng ta “có của-cải đời nầy”, tình yêu thương đòi hỏi chúng ta làm gì?
15 Nếu chúng ta sẵn sàng hiến mạng sống mình vì các anh em của chúng ta, hẳn chúng ta phải muốn làm những việc nhỏ hơn cho họ. Giả sử chúng ta “có của-cải đời nầy”—tiền bạc, thức ăn, quần áo, v.v... mà chúng ta có được nhờ thế gian này. Chúng ta có thể “thấy” một anh em đang gặp túng thiếu, không phải ngẫu nhiên mà thấy, nhưng vì lưu tâm đến cảnh ngộ người. Cảnh ngộ túng thiếu của người có thể khiến chúng ta cảm thấy thương xót. Nhưng nói gì nếu chúng ta “chặt dạ”, để cho lòng ích kỷ của chúng ta ngăn cản không cho chúng ta giúp đỡ người? Thế “thì lòng yêu-mến Đức Chúa Trời thể nào” ở trong lòng chúng ta được? Chỉ nói suông về tình yêu mến anh em không đủ. Là con cái Đức Chúa Trời, chúng ta phải bày tỏ tình yêu mến đó “bằng việc làm và lẽ thật”. Thí dụ, nếu một anh em đang đói kém, người ấy cần thức ăn, chứ không phải những lời nói suông (Gia-cơ 2:14-17).
Lòng chúng ta không cáo trách
16.a) Đức Chúa Trời “lớn hơn lòng mình” như thế nào? b) Theo Giăng tại sao Đức Giê-hô-va nhậm lời cầu xin của chúng ta?
16 Đoạn Giăng chỉ cho thấy việc chúng ta là con cái Đức Giê-hô-va bảo đảm chúng ta điều gì. (Đọc I Giăng 3:19-24). “Chúng ta biết mình là thuộc về lẽ thật” và không làm nạn nhân của sự lường gạt của những kẻ bội đạo “bởi đó”—bởi vì chúng ta yêu mến anh em. Vậy chúng ta “giục lòng vững-chắc” trước mặt Đức Chúa Trời (Thi-thiên 119:11). Nếu lòng chúng ta cáo trách chúng ta, có lẽ vì chúng ta cảm thấy chúng ta không bày tỏ đầy đủ tình yêu thương đối với anh em, nhớ rằng “Đức Chúa Trời lại lớn hơn lòng mình nữa, và biết cả mọi sự”. Ngài thương xót vì Ngài biết “lòng yêu thương anh em cách thật-thà”, cuộc tranh chiến cùng tội lỗi và những cố gắng của chúng ta để sống phù hợp với ý muốn của Ngài (I Phi-e-rơ 1:22; Thi-thiên 103:10-14). “Nếu lòng mình không cáo-trách” vì có những việc làm chứng tỏ lòng yêu mến anh em của chúng ta, và chúng ta không có tội lỗi kín nhiệm, “chúng ta có lòng rất dạn-dĩ, đặng đến gần Đức Chúa Trời” trong sự cầu nguyện (Thi-thiên 19:12). Và Ngài nhậm lời cầu xin của chúng ta “bởi chúng ta vâng-giữ các điều-răn của Ngài và làm những điều đẹp ý Ngài”.
17. “Điều-răn” của Đức Chúa Trời gồm hai điều kiện nào?
17 Muốn được nhậm lời chúng ta phải giữ các “điều-răn” của Đức Chúa Trời gồm có hai điều kiện này: 1) Chúng ta phải tin nơi “danh” của Giê-su, chấp nhận giá chuộc và nhìn nhận quyền phép của ngài do Đức Chúa Trời ban cho (Phi-líp 2:9-11). 2) Chúng ta cũng phải “yêu-mến lẫn nhau” như Giê-su đã truyền (Giăng 15:12, 17). Chắc chắn vậy, hễ ai tin đến danh của Giê-su phải yêu mến tất cả những người khác thực hành cùng đức tin ấy.
18. Làm thế nào chúng ta biết Đức Giê-hô-va “ở trong lòng chúng ta”?
18 Ai vâng giữ các điều răn của Đức Chúa Trời thì “ở trong Ngài”, tức hợp nhất với Đức Giê-hô-va (So sánh Giăng 17:20, 21). Nhưng làm thế nào “chúng ta biết” Đức Chúa Trời “ở trong lòng chúng ta”? Ấy là “nhờ thánh linh mà Ngài đã ban cho chúng ta”. Có thánh linh của Đức Chúa Trời và khả năng bày tỏ các trái của thánh linh, kể cả tình yêu thương, là bằng chứng chúng ta hợp nhất với Đức Giê-hô-va (Ga-la-ti 5:22, 23).
Hãy đề phòng!
19, 20. Tại sao ta phải “thử cho biết các thần” và Giăng giúp đỡ chúng ta thế nào trên phương diện này?
19 Kế đến Giăng chỉ cho thấy chúng ta phải đề phòng như thế nào. (Đọc I Giăng 4:1). Chúng ta không nên tin bất cứ thần (hay lời) nào coi như là “được soi dẫn”, nhưng chúng ta phải “thử cho biết các thần có phải đến từ Đức Chúa Trời chăng”. Tại sao? “Vì có nhiều tiên-tri giả hiện ra trong thiên-hạ”. Hồi bấy giờ ít ra có một số những kẻ dạy dỗ giả mạo đi đây đó kết hợp với nhiều hội thánh khác nhau và tìm cách “dỗ môn-đồ theo họ” (Công-vụ các Sứ-đồ 20:29, 30; II Giăng 7). Thế thì những người trung thành cần phải đề phòng.
20 Vào thế kỷ thứ nhất một số tín đồ đấng Christ có sự ban cho “được phân-biệt các thần”, một phép lạ do sinh hoạt lực của Đức Chúa Trời ban cho khiến người nhận có thể phân biệt lời gì người ta nói ra có phải do Đức Giê-hô-va soi dẫn hay không (I Cô-rinh-tô 12:4, 10). Nhưng lời cảnh cáo của Giăng hình như cũng áp dụng cho tất cả tín đồ đấng Christ nói chung và có ích vào thời nay khi những kẻ bội đạo tìm cách đánh đổ đức tin của các Nhân-chứng Giê-hô-va. Dù cho phép lạ “được phân-biệt các thần” không còn nữa, những lời của Giăng giúp chúng ta xác định ai giảng dạy nhờ thánh linh của Đức Chúa Trời và ai dạy theo ma-quỉ.
21. Có một cách nào để “thử cho biết các thần”?
21 Hãy xem một phương pháp để thử các thần (hay lời). (Đọc I Giăng 4:2, 3). “Thần nào xưng Đức Chúa Giê-su Christ lấy xác-thịt mà ra đời, thần đó là bởi Đức Chúa Trời”. Chúng ta nhìn nhận Giê-su đã từng sống làm người và Con Đức Chúa Trời, và đức tin của chúng ta thúc đẩy chúng ta dạy lẽ thật cho những người khác (Ma-thi-ơ 3:16, 17; 17:5; 20:28; 28:19, 20). “Còn thần nào không xưng Đức Chúa Giê-su, chẳng phải bởi Đức Chúa Trời”. Đúng hơn, “đó là thần của kẻ địch lại đấng Christ”, chống lại ngài và những điều Kinh-thánh dạy về ngài. Dĩ nhiên, Giăng và các sứ đồ đã cảnh cáo đề phòng “thần của kẻ địch lại đấng Christ” đang đến vào thời đó (II Cô-rinh-tô 11:3, 4; II Phi-e-rơ 2:1). Vì những thầy giáo giả lúc bấy giờ đang đe dọa những tín đồ thật của đấng Christ, Giăng có thể nói: “Hiện nay đã ở trong thế-gian rồi”.
22. Một cách khác để thử “các thần” là gì?
22 Một cách khác để thử “các thần” là để ý xem có ai nghe theo không. (Đọc I Giăng 4:4-6). Là tôi tớ của Đức Giê-hô-va, chúng ta đã “thắng”, hay có ưu thế hơn, những thầy giáo giả, không để cho chúng khiến chúng ta lìa xa lẽ thật của Đức Chúa Trời. Sự chiến thắng thiêng liêng này có được vì Đức Chúa Trời, Đấng “ở trong” những tín đồ trung thành, “lớn hơn kẻ (Ma-quỉ) ở trong thế-gian”, hay xã hội loài người bất công này (II Cô-rinh-tô 4:4). Bởi lẽ những kẻ bội đạo “thuộc về thế-gian” và có tinh thần gian ác của nó, chúng “nói theo như thế-gian, và người thế-gian nghe” chúng. Vì chúng ta có thánh linh của Đức Giê-hô-va, chúng ta có thể khám phá ra tính chất phản thiêng liêng của những thần (hay lời) của chúng và gạt bỏ.
23. Ai nghe chúng ta và nhận biết chúng ta được thánh linh của Đức Chúa Trời hướng dẫn?
23 Nhưng chúng ta biết “chúng ta thuộc về Đức Chúa Trời”, vì “ai nhìn biết Đức Chúa Trời thì nghe chúng ta”. Những người giống như chiên nhận thức được chúng ta dạy lẽ thật dựa trên Lời Đức Chúa Trời (So sánh Giăng 10:4, 5, 16, 26, 27). Dĩ nhiên, “ai chẳng hề thuộc về Đức Chúa Trời, thì chẳng nghe chúng ta”. Những tiên tri giả, hay thầy giáo giả, không có nghe Giăng hoặc những người khác “thuộc về Đức Chúa Trời” và dạy điều ngay về thiêng liêng. “Ấy bởi đó chúng ta nhìn biết thần chơn-thật và thần sai-lầm”. Chúng ta thuộc về gia đình gồm có những người thờ phượng Đức Giê-hô-va, chúng ta có “môi-miếng thanh-sạch” nhờ nói lẽ thật của Kinh-thánh do tổ chức của Đức Chúa Trời cung cấp (Sô-phô-ni 3:9). Và những người giống như chiên nghe chúng ta nói sẽ thấy rõ chúng ta được thánh linh của Đức Chúa Trời hướng dẫn.
24. Kế đến Giăng sẽ chỉ cho chúng ta thấy điều gì?
24 Đến đây Giăng đã vạch ra vài điều kiện căn bản mà chúng ta phải hội đủ để tiếp tục sống như con cái của Đức Chúa Trời. Kế đến ông sẽ chỉ cho thấy tại sao chúng ta phải luôn luôn bày tỏ yêu thương và đức tin.
◻ Một số người đã trở thành “con-cái Đức Chúa Trời” thế nào?
◻ Làm sao chúng ta có thể phân biệt giữa con cái Đức Chúa Trời và con cái Ma-quỉ?
◻ Nghiền ngẫm về hành vi của Ca-in sẽ thúc đẩy chúng ta làm gì?
◻ Chúng ta phải yêu mến anh em đến mức độ nào?
◻ Làm sao có thể phân biệt “thần chơn-thật” và “thần sai-lầm”?
[Hình nơi trang 16]
Nghiền ngẫm về hành vi của Ca-in sẽ thúc đẩy chúng ta tránh ghen ghét một người nào trong vòng anh em mình
[Hình nơi trang 18]
Những người thờ phượng Đức Giê-hô-va có “môi-miếng thanh-sạch” nhờ nói lẽ thật của Kinh-thánh do tổ chức của Đức Chúa Trời cung cấp