Bước đi với Đức Chúa Trời trong thời kỳ xáo động này
“Hê-nóc đồng đi cùng Đức Chúa Trời, rồi mất biệt, bởi vì Đức Chúa Trời tiếp người đi”.—SÁNG-THẾ KÝ 5:24.
1. Một số đặc điểm nào khiến thời kỳ chúng ta là thời kỳ đầy tai họa?
THỜI KỲ xáo động! Cụm từ này mô tả chính xác những năm bất ổn và đầy bạo lực mà loài người phải trải qua kể từ khi Nước của Đấng Mê-si được lập vào năm 1914. Kể từ đó, nhân loại sống trong những “ngày sau-rốt”. Những tai họa như đói kém, dịch lệ, động đất và chiến tranh đã hoành hành nhân loại trên quy mô chưa từng thấy. (2 Ti-mô-thê 3:1; Khải-huyền 6:1-8) Những người thờ phượng Đức Giê-hô-va không được miễn trừ. Không nhiều thì ít, tất cả chúng ta đều phải đương đầu với những khó khăn và bấp bênh của thời kỳ chúng ta đang sống. Áp lực kinh tế, bất ổn chính trị, tội ác và bệnh tật là một số điều làm cho đời sống rất khó khăn.
2. Tôi tớ của Đức Giê-hô-va phải đương đầu với những thử thách nào?
2 Ngoài ra, nhiều tôi tớ của Đức Giê-hô-va đã trải qua hết làn sóng bắt bớ này đến làn sóng bắt bớ khác, vì Sa-tan tranh chiến chống những ai “giữ các điều-răn của Đức Chúa Trời và lời chứng của Đức Chúa Jêsus”. (Khải-huyền 12:17) Đành rằng không phải tất cả chúng ta đều trải qua những bắt bớ trực diện, nhưng tất cả những tín đồ chân chính của Đấng Christ vẫn phải cố kháng cự Sa-tan Ma-quỉ và tinh thần mà hắn gieo rắc trong thế gian. (Ê-phê-sô 2:2; 6:12) Tinh thần này phổ biến tại nơi làm việc, ở trường và tất cả những nơi chúng ta tiếp xúc với người không quan tâm đến sự thờ phượng thanh sạch. Vì thế chúng ta phải luôn cảnh giác để không bị ảnh hưởng.
Bước đi với Đức Chúa Trời, không bước theo người ngoại đạo
3, 4. Tín đồ Đấng Christ khác với người thế gian như thế nào?
3 Vào thế kỷ thứ nhất, tín đồ Đấng Christ cũng kháng cự mãnh liệt tinh thần của thế gian, và điều đó khiến họ khác biệt với những người ngoài hội thánh. Phao-lô miêu tả sự khác biệt này khi ông nói: “Nầy là điều tôi nói và điều tôi nhân danh Chúa mà rao ra: ấy là anh em chớ nên ăn-ở như người ngoại-đạo nữa, họ theo sự hư-không của ý-tưởng mình, bởi sự ngu-muội ở trong họ, và vì lòng họ cứng-cỏi nên trí-khôn tối-tăm, xa cách sự sống của Đức Chúa Trời. Họ đã mất cả sự cảm-biết, đành bỏ mình trong một đời buông-lung, đem lòng mê-đắm không biết chán mà phạm hết mọi điều ô-uế”.—Ê-phê-sô 4:17-19.
4 Những lời đó miêu tả thật thẳng thắn tình trạng vô cùng tối tăm về phương diện thiêng liêng và đạo đức của thế gian vào thời Phao-lô cũng như thời chúng ta! Như trong thế kỷ thứ nhất, tín đồ ngày nay của Đấng Christ không bước đi hoặc “ăn-ở như người ngoại-đạo”. Thay vì thế, họ có đặc ân tuyệt vời là bước đi với Đức Chúa Trời. Một số người có thể hỏi liệu có hợp lý không khi cho rằng con người hèn mọn, bất toàn lại có thể bước đi với Đức Giê-hô-va? Tuy nhiên, Kinh Thánh cho thấy con người có thể làm được điều đó. Hơn nữa, Đức Giê-hô-va đòi hỏi họ làm thế. Vào thế kỷ thứ tám trước Công Nguyên, nhà tiên tri Mi-chê đã viết những lời được soi dẫn sau đây: “Điều mà Đức Giê-hô-va đòi ngươi há chẳng phải là làm sự công-bình, ưa sự nhân-từ và bước đi cách khiêm-nhường với Đức Chúa Trời ngươi sao?”—Mi-chê 6:8.
Làm thế nào và tại sao chúng ta bước đi với Đức Chúa Trời?
5. Làm thế nào con người bất toàn có thể bước đi với Đức Chúa Trời?
5 Làm thế nào có thể bước đi với Đức Chúa Trời toàn năng và vô hình? Rõ ràng chúng ta không thể bước đi như với người đồng loại. Trong Kinh Thánh, cụm từ “bước đi” còn có nghĩa là “noi theo một lối hành động nào đó”.a Ý thức điều này, chúng ta hiểu một người bước đi với Đức Chúa Trời khi noi theo lối sống đẹp ý Ngài và do Ngài đặt ra. Theo đuổi lối sống ấy làm cho chúng ta khác với phần lớn những người chung quanh. Nhưng chỉ có sự lựa chọn đó là đúng đắn cho một tín đồ Đấng Christ. Tại sao vậy? Có nhiều lý do.
6, 7. Tại sao bước đi với Đức Chúa Trời là đường lối tốt nhất?
6 Trước hết, Đức Giê-hô-va là Đấng Tạo Hóa, Nguồn của sự sống, và là Đấng Ban Cho mọi điều cần thiết để chúng ta duy trì sự sống. (Khải-huyền 4:11) Chính vì vậy, một mình Ngài có thẩm quyền chỉ bảo đường lối để chúng ta bước theo. Hơn nữa, bước đi với Đức Chúa Trời là đường lối lợi ích nhất có thể có được. Thật vậy, Đức Giê-hô-va đã sắp đặt để tha tội và ban hy vọng chắc chắn về sự sống vĩnh cửu cho những người bước đi với Ngài. Cha đầy yêu thương của chúng ta ở trên trời cũng ban lời khuyên khôn ngoan giúp những người bước đi với Ngài thành công trong cuộc sống hiện nay, dù họ bất toàn và đang sống trong thế gian nằm dưới quyền Sa-tan. (Giăng 3:16; 2 Ti-mô-thê 3:15, 16; 1 Giăng 1:8; 2:25; 5:19) Lý do khác để bước đi với Đức Chúa Trời là khi sẵn lòng làm thế, chúng ta góp phần mang lại hòa thuận và hợp nhất cho hội thánh.—Cô-lô-se 3:15, 16.
7 Cuối cùng, và quan trọng nhất, khi bước đi với Đức Chúa Trời, chúng ta cho thấy lập trường của mình về vấn đề trọng đại được nêu lên trong vườn Ê-đen—vấn đề về quyền tối thượng. (Sáng-thế Ký 3:1-6) Chúng ta chứng tỏ qua lối sống rằng mình hoàn toàn đứng về phía Đức Giê-hô-va, và chúng ta can đảm rao truyền một mình Ngài xứng đáng là Đấng Tối Thượng. (Thi-thiên 83:18) Làm thế, chúng ta hành động hòa hợp với lời cầu nguyện cho danh Đức Chúa Trời được thánh và ý Ngài được nên. (Ma-thi-ơ 6:9, 10) Những người chọn bước đi với Đức Chúa Trời thật khôn ngoan biết bao! Họ có thể chắc chắn rằng mình đang đi đúng hướng, vì chỉ một mình Đức Giê-hô-va là “khôn-ngoan có một”. Ngài không bao giờ sai lầm.—Rô-ma 16:27.
8. Thời kỳ của Hê-nóc và của Nô-ê giống với thời chúng ta như thế nào?
8 Tuy nhiên, làm thế nào có thể sống đúng nghĩa là một tín đồ Đấng Christ trong thời kỳ vô cùng xáo động, và đa số người ta không quan tâm đến việc thờ phượng Đức Giê-hô-va? Chúng ta tìm được câu trả lời khi xem xét gương những người trung thành thời xưa đã giữ vẹn lòng trung kiên trong thời kỳ rất khó khăn. Hai trong số những người này là Hê-nóc và Nô-ê. Cả hai sống trong những thời kỳ rất giống với thời chúng ta. Tội ác lan tràn. Trong thời Nô-ê, thế gian đầy dẫy bạo lực và vô luân. Nhưng, Hê-nóc và Nô-ê đã kháng cự tinh thần của thế gian thời họ và bước đi với Đức Giê-hô-va. Làm thế nào họ có thể thực hiện được điều ấy? Để trả lời, trong bài này chúng ta sẽ thảo luận về gương của Hê-nóc. Bài tiếp theo, chúng ta sẽ xem xét về gương của Nô-ê.
Hê-nóc bước đi với Đức Chúa Trời trong thời kỳ xáo động
9. Chúng ta biết gì về Hê-nóc?
9 Hê-nóc là người đầu tiên được miêu tả trong Kinh Thánh là người đồng đi cùng Đức Chúa Trời. Lời tường thuật trong Kinh Thánh ghi: “Sau khi Hê-nóc sanh Mê-tu-sê-la rồi, đồng đi cùng Đức Chúa Trời”. (Sáng-thế Ký 5:22) Tiếp đến, sau khi cho biết tuổi thọ của Hê-nóc—tuy so với đời người thời nay thì ông sống thọ nhưng lại ngắn ngủi so với những người thời ấy—lời tường thuật nói: “Hê-nóc đồng đi cùng Đức Chúa Trời, rồi mất biệt, bởi vì Đức Chúa Trời tiếp người đi”. (Sáng-thế Ký 5:24) Rất có thể, Đức Giê-hô-va đã tiếp Hê-nóc vào giấc ngủ ngàn thu trước khi những kẻ chống đối có thể hãm hại ông. (Hê-bơ-rơ 11:5, 13) Ngoài những câu ngắn gọn nêu trên, chỉ có vài câu khác trong Kinh Thánh nói về Hê-nóc. Tuy nhiên, dựa theo những gì chúng ta biết được qua Kinh Thánh, chúng ta có lý do chính đáng để nói rằng thời kỳ của Hê-nóc là thời kỳ xáo động.
10, 11. (a) Sự bại hoại đã lan rộng như thế nào sau khi A-đam và Ê-va phản nghịch? (b) Hê-nóc đã rao giảng thông điệp tiên tri nào, và hẳn ông đã gặp phản ứng nào?
10 Chẳng hạn, hãy xem xét tình trạng bại hoại đã lan rộng nhanh chóng như thế nào giữa loài người sau khi A-đam phạm tội. Kinh Thánh cho chúng ta biết Ca-in, con đầu lòng của A-đam trở nên kẻ sát nhân đầu tiên trong gia đình nhân loại vì giết em trai mình là A-bên. (Sáng-thế Ký 4:8-10) Sau khi A-bên bị giết một cách tàn nhẫn, một con trai khác được sinh ra cho A-đam và Ê-va. Họ đặt tên cho con trai ấy là Sết. Chúng ta được biết về con trai này: “Sết cũng sanh được một con trai, đặt tên là Ê-nót. Từ đây, người ta bắt đầu cầu-khẩn danh Đức Giê-hô-va”. (Sáng-thế Ký 4:25, 26) Đáng buồn thay, lúc bấy giờ người ta “cầu-khẩn danh Đức Giê-hô-va” theo cách của kẻ bội đạo.b Nhiều năm sau khi Ê-nót được sinh ra, một người thuộc dòng dõi Ca-in tên Lê-méc đã viết một bài hát, khoe với hai người vợ rằng hắn đã giết một thanh niên vì người này làm hắn bị thương. Hắn còn cảnh báo: “Nếu Ca-in được bảy lần báo thù, Lê-méc sẽ được bảy mươi bảy lần báo oán”.—Sáng-thế Ký 4:10, 19, 23, 24.
11 Những sự kiện vắn tắt kể trên cho thấy sự bại hoại do Sa-tan khởi xướng trong vườn Ê-đen đã nhanh chóng làm cho tội ác lan rộng trong vòng con cháu A-đam. Trong một thế gian thể ấy, Hê-nóc là nhà tiên tri của Đức Giê-hô-va và những lời mạnh mẽ ông được soi dẫn nói ra vẫn còn tác động cho đến tận ngày nay. Theo Giu-đe ghi lại, Hê-nóc đã tiên tri như sau: “Nầy, [Đức Giê-hô-va] ngự đến với muôn-vàn thánh, đặng phán-xét mọi người, đặng trách hết thảy những người không tin-kính về mọi việc không tin-kính họ đã phạm, cùng mọi lời sỉ-hổ mà những kẻ có tội không tin-kính đó đã nói nghịch cùng Ngài”. (Giu-đe 14, 15) Những lời này sẽ được ứng nghiệm lần cuối cùng tại Ha-ma-ghê-đôn. (Khải-huyền 16:14, 16) Dù vậy, chúng ta có thể tin chắc rằng ngay cả trong thời Hê-nóc, nhiều “kẻ có tội không tin-kính” đã khó chịu khi nghe lời tiên tri của ông. Đức Giê-hô-va đã thật yêu thương khi cất tiên tri Hê-nóc khỏi thế gian hung bạo thời ấy!
Điều gì củng cố Hê-nóc để bước đi với Đức Chúa Trời?
12. Điều gì làm cho Hê-nóc khác với những người đương thời?
12 Trong vườn Ê-đen, A-đam và Ê-va nghe theo lời Sa-tan, và A-đam đã phản nghịch Đức Giê-hô-va. (Sáng-thế Ký 3:1-6) Con trai họ là A-bên theo một đường lối khác, và Đức Giê-hô-va hài lòng về ông. (Sáng-thế Ký 4:3, 4) Buồn thay, đa số con cháu của A-đam không giống A-bên. Tuy nhiên, nhiều trăm năm sau, Hê-nóc được sinh ra và ông là người như A-bên. Có điều gì khác biệt giữa Hê-nóc và phần lớn con cháu A-đam? Sứ đồ Phao-lô trả lời câu hỏi ấy như sau: “Bởi đức-tin, Hê-nóc được cất lên và không hề thấy sự chết; người ta không thấy người nữa, vì Đức Chúa Trời đã tiếp người lên. Bởi chưng trước khi được tiếp lên, người đã được chứng rằng mình ở vừa lòng Đức Chúa Trời rồi”. (Hê-bơ-rơ 11:5) Hê-nóc là thành viên trong “đám mây” rất lớn gồm những nhân chứng trước thời Đấng Christ, họ nêu gương xuất sắc về đức tin. (Hê-bơ-rơ 12:1) Nhờ đức tin, Hê-nóc đã có thể bền đỗ giữ hạnh kiểm tốt trong suốt cuộc đời hơn 300 năm—hơn ba đời người đối với hầu hết chúng ta ngày nay!
13. Hê-nóc có loại đức tin nào?
13 Sứ đồ Phao-lô nói về đức tin của Hê-nóc và những nhân chứng khác như sau: “Đức-tin là sự biết chắc vững-vàng của những điều mình đương trông-mong, là bằng-cớ của những điều mình chẳng xem thấy”. (Hê-bơ-rơ 11:1) Đúng thế, đức tin là hy vọng chắc chắn—hy vọng dựa trên sự cam đoan—rằng những điều chúng ta trông mong sẽ thành hiện thực. Điều này bao hàm một hy vọng mãnh liệt đến mức ảnh hưởng đến mục đích của đời sống chúng ta. Đó là loại đức tin đã giúp Hê-nóc bước đi với Đức Chúa Trời dù thế gian chung quanh ông không làm thế.
14. Có lẽ đức tin của Hê-nóc dựa trên sự hiểu biết chính xác nào?
14 Đức tin chân chính dựa trên sự hiểu biết chính xác. Hê-nóc đã có sự hiểu biết nào? (Rô-ma 10:14, 17; 1 Ti-mô-thê 2:4) Chắc chắn ông biết những biến cố xảy ra trong vườn Ê-đen. Hẳn ông cũng nghe nói về cuộc sống trong vườn Ê-đen như thế nào vì có lẽ lúc ấy khu vườn vẫn tồn tại dù loài người không được phép vào nữa. (Sáng-thế Ký 3:23, 24) Ông biết ý định của Đức Chúa Trời là con cháu A-đam sẽ ở khắp mặt đất và làm cho toàn thể hành tinh này trở nên giống như Địa Đàng nguyên thủy. (Sáng-thế Ký 1:28) Hơn nữa, chắc chắn Hê-nóc ấp ủ lời hứa của Đức Giê-hô-va, là Ngài sẽ lập một Dòng Dõi để giày đạp đầu Sa-tan và xóa bỏ ảnh hưởng tai hại do sự lừa dối của hắn gây ra. (Sáng-thế Ký 3:15) Thật vậy, chính lời tiên tri của Hê-nóc được Đức Chúa Trời soi dẫn—ghi lại trong sách Giu-đe—báo trước sự hủy diệt của dòng dõi Sa-tan. Vì Hê-nóc có đức tin, chúng ta biết ông thờ phượng và xem Đức Giê-hô-va là “Đấng hay thưởng cho kẻ tìm-kiếm Ngài”. (Hê-bơ-rơ 11:6) Vì vậy, dù Hê-nóc không có được sự hiểu biết như chúng ta ngày nay, những điều ông hiểu vẫn đủ làm nền tảng để xây dựng cho mình một đức tin vững mạnh. Với đức tin mạnh mẽ thể ấy, ông đã giữ vẹn lòng trung kiên trong thời kỳ xáo động.
Noi theo đức tin của Hê-nóc
15, 16. Làm thế nào chúng ta có thể noi theo đường lối của Hê-nóc?
15 Vì chúng ta, như Hê-nóc, muốn làm đẹp lòng Đức Giê-hô-va trong thời kỳ xáo động ngày nay, chúng ta nên noi gương ông. Chúng ta cần thu thập và gìn giữ sự hiểu biết chính xác về Đức Giê-hô-va và ý định của Ngài. Nhưng không chỉ có thế. Chúng ta cần để sự hiểu biết chính xác đó chỉ đường dẫn lối cho mình. (Thi-thiên 119:101; 2 Phi-e-rơ 1:19) Chúng ta cần để lối suy nghĩ của Đức Chúa Trời hướng dẫn, luôn nỗ lực làm đẹp lòng Ngài trong mọi ý tưởng và hành động.
16 Ngoại trừ Hê-nóc, Kinh Thánh không cho biết vào thời ấy có ai khác phụng sự Đức Giê-hô-va hay không, dù sao rõ ràng Hê-nóc hoặc chỉ một mình, hoặc thuộc thành phần thiểu số. Chúng ta cũng thuộc thành phần thiểu số trong thế gian này, nhưng điều đó không làm chúng ta nản lòng. Đức Giê-hô-va sẽ nâng đỡ chúng ta, bất kể ai nghịch lại chúng ta. (Rô-ma 8:31) Hê-nóc can đảm cảnh báo về sự hủy diệt sắp đến của những kẻ không tin kính. Chúng ta cũng can đảm khi rao truyền “tin-lành nầy về nước Đức Chúa Trời” bất chấp sự chế giễu, chống đối và ngược đãi. (Ma-thi-ơ 24:14) Hê-nóc đã không sống thọ như những người đương thời. Nhưng, ông không đặt hy vọng vào thế gian thời bấy giờ. Ông hướng đến một điều trọng đại hơn nhiều. (Hê-bơ-rơ 11:10, 35) Chúng ta cũng chăm chú vào sự ứng nghiệm ý định của Đức Giê-hô-va. Vì vậy, chúng ta không tận hưởng mọi điều thế gian này đề cung. (1 Cô-rinh-tô 7:31) Thay vì thế, chúng ta dùng năng lực và của cải của mình chủ yếu vào việc phụng sự Đức Giê-hô-va.
17. Chúng ta có được sự hiểu biết nào mà Hê-nóc không có, do đó chúng ta nên làm gì?
17 Ông Hê-nóc tin rằng Dòng Dõi mà Đức Giê-hô-va hứa sẽ xuất hiện vào đúng thời điểm Ngài ấn định. Giờ đây, đã gần 2.000 năm kể từ khi Dòng Dõi ấy—Chúa Giê-su Christ—xuất hiện, làm giá chuộc và mở lối dẫn đến sự sống vĩnh cửu cho chúng ta, cũng như cho những nhân chứng trung thành thời xưa như Hê-nóc. Dòng Dõi ấy, giờ đây được phong làm Vua của Nước Trời, đã ném Sa-tan xuống trái đất, và hậu quả là sự khốn khổ mà chúng ta thấy chung quanh. (Khải-huyền 12:12) Chúng ta quả có được sự hiểu biết nhiều hơn Hê-nóc. Vậy, mong sao chúng ta có đức tin vững mạnh như ông. Mong sao lòng tin cậy nơi sự ứng nghiệm các lời hứa của Đức Chúa Trời chi phối mọi việc chúng ta làm. Mong sao chúng ta, như Hê-nóc, bước đi với Đức Chúa Trời dù đang sống trong thời kỳ xáo động.
[Chú thích]
a Xin xem Tập 1, trang 220, đoạn 6, sách Insight on the Scriptures (Thông hiểu Kinh Thánh), do Nhân Chứng Giê-hô-va xuất bản.
b Trước thời của Ê-nót, Đức Giê-hô-va đã thông tri với A-đam. A-bên đã dâng một của-lễ đẹp lòng Đức Giê-hô-va. Đức Chúa Trời thậm chí nói chuyện với Ca-in trước khi cơn giận vì đố kỵ xui ông phạm tội giết người. Vì vậy, việc người ta bắt đầu “cầu-khẩn danh Đức Giê-hô-va” hẳn phải theo một cách mới, trái với sự thờ phượng thanh sạch.
Bạn trả lời thế nào?
• Bước đi với Đức Chúa Trời có nghĩa gì?
• Tại sao bước đi với Đức Chúa Trời là đường lối tốt nhất?
• Dù trong thời kỳ xáo động, điều gì giúp Hê-nóc bước đi với Đức Chúa Trời?
• Làm thế nào chúng ta có thể noi theo Hê-nóc?
[Hình nơi trang 15]
Bằng đức tin, “Hê-nóc đồng đi cùng Đức Chúa Trời”
[Hình nơi trang 17]
Chúng ta tin chắc những lời Đức Giê-hô-va hứa sẽ thành hiện thực
[Nguồn tư liệu nơi trang 13]
Người phụ nữ, mép phải: FAO photo/B. Imevbore; tòa nhà sụp đổ: San Hong R-C Picture Company