CHƯƠNG 17
Hãy luôn ở trong tình yêu thương của Đức Chúa Trời
“Hãy xây dựng chính mình trên nền đức tin rất thánh,... giữ mình trong tình yêu thương của Đức Chúa Trời”.—GIU-ĐE 20, 21.
1, 2. Chúng ta có thể làm gì để giữ mình trong tình yêu thương của Đức Chúa Trời?
Ai trong chúng ta cũng mong muốn được mạnh khỏe, vì vậy chúng ta cố gắng ăn thực phẩm bổ dưỡng, tập thể dục đều đặn và chăm sóc thân thể. Dù điều này đòi hỏi nỗ lực nhưng vì kết quả rất đáng công nên chúng ta không bỏ cuộc. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần giữ cho mình mạnh khỏe trong một khía cạnh khác nữa.
2 Chúng ta đã dành thời gian tìm hiểu về Đức Giê-hô-va, và đó là khởi đầu rất tốt. Nhưng chúng ta cần tiếp tục củng cố mối quan hệ với ngài. Giu-đe khuyến khích các tín đồ đạo Đấng Ki-tô “giữ mình trong tình yêu thương của Đức Chúa Trời” và ông giải thích cách để làm thế. Ông nói: “Hãy xây dựng chính mình trên nền đức tin rất thánh” (Giu-đe 20, 21). Vậy làm thế nào chúng ta có thể xây dựng đức tin mạnh mẽ?
HÃY TIẾP TỤC XÂY DỰNG ĐỨC TIN
3-5. (a) Sa-tan muốn bạn cảm thấy thế nào về tiêu chuẩn của Đức Giê-hô-va? (b) Bạn cảm thấy thế nào về luật pháp và nguyên tắc của Đức Giê-hô-va?
3 Điều quan trọng là chính bạn phải tin chắc đường lối của Đức Giê-hô-va là tốt nhất. Sa-tan muốn bạn nghĩ rằng tiêu chuẩn của ngài quá khó và bạn sẽ hạnh phúc hơn nếu tự quyết định điều gì là đúng, điều gì là sai. Kể từ trong vườn Ê-đen, Sa-tan đã cố khiến con người tin điều này (Sáng thế 3:1-6). Ngày nay, hắn vẫn ra sức để làm thế.
4 Nhưng điều Sa-tan nói có đúng không? Phải chăng tiêu chuẩn của Đức Giê-hô-va quá gò bó? Hoàn toàn không. Để minh họa, hãy tưởng tượng bạn đang đi dạo trong một công viên tuyệt đẹp. Rồi bạn nhìn thấy một hàng rào cao ngăn một phần của công viên. Có thể bạn nghĩ: “Sao lại có hàng rào này ở đây cản đường mình?”. Đúng lúc đó, bạn nghe thấy tiếng sư tử gầm rống ở phía bên kia hàng rào. Giờ đây bạn nghĩ gì về hàng rào ấy? Hẳn bạn biết ơn vì nó đã bảo vệ bạn để không trở thành bữa ăn tiếp theo của sư tử. Những nguyên tắc của Đức Giê-hô-va tương tự như hàng rào đó, và Ác Quỷ thì giống như con sư tử. Lời Đức Chúa Trời cảnh báo chúng ta: “Hãy giữ mình tỉnh táo, hãy cảnh giác! Kẻ thù anh em là Ác Quỷ đang đi lảng vảng như sư tử gầm rống, tìm người nào đó để cắn nuốt”.—1 Phi-e-rơ 5:8.
5 Đức Giê-hô-va muốn chúng ta có đời sống tốt nhất. Ngài không muốn chúng ta bị Sa-tan lừa gạt. Vì vậy ngài ban luật pháp và nguyên tắc để bảo vệ và đem lại hạnh phúc cho chúng ta (Ê-phê-sô 6:11). Gia-cơ viết: “Người xem xét kỹ luật pháp hoàn hảo dẫn đến tự do và tiếp tục làm theo... sẽ được hạnh phúc trong việc mình làm”.—Gia-cơ 1:25.
6. Điều gì giúp chúng ta càng tin chắc rằng đường lối của Đức Chúa Trời là tốt nhất?
6 Khi chúng ta làm theo sự hướng dẫn của Đức Giê-hô-va, đời sống chúng ta được cải thiện và tình bạn của chúng ta với ngài được củng cố. Ví dụ, chúng ta được lợi ích khi nhận lời mời của ngài là thường xuyên cầu nguyện với ngài (Ma-thi-ơ 6:5-8; 1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:17). Chúng ta hạnh phúc khi vâng theo chỉ dẫn của Đức Giê-hô-va là cùng nhóm lại để thờ phượng ngài và khuyến khích nhau, cũng như tham gia trọn vẹn vào công việc rao giảng và dạy dỗ (Ma-thi-ơ 28:19, 20; Ga-la-ti 6:2; Hê-bơ-rơ 10:24, 25). Khi suy ngẫm những điều này giúp ích cho mình như thế nào, chúng ta được củng cố đức tin và càng tin chắc rằng đường lối của Đức Giê-hô-va là tốt nhất.
7, 8. Điều gì sẽ giúp chúng ta tránh lo lắng về những thử thách có thể xảy đến trong tương lai?
7 Có thể chúng ta lo lắng là mình sẽ gặp phải những thử thách quá khó trong tương lai. Nếu có lúc cảm thấy như thế, hãy ghi nhớ những lời sau của Đức Giê-hô-va: “Ta, Đức Giê-hô-va, là Đức Chúa Trời của con, đấng dạy dỗ con hầu con được ích, đấng hướng dẫn con trên đường phải đi. Ước gì con chú ý điều răn ta! Sự bình an con sẽ như dòng sông, sự công chính con sẽ như sóng biển”.—Ê-sai 48:17, 18.
8 Khi vâng lời Đức Giê-hô-va, chúng ta sẽ có sự bình an giống như dòng sông không bao giờ cạn kiệt. Còn sự công chính, tức lối sống ngay thẳng của chúng ta, sẽ tồn tại mãi giống như sóng biển liên tục vỗ vào bờ. Thật vậy, dù điều gì xảy đến trong đời sống, chúng ta có thể giữ trung thành với ngài. Kinh Thánh hứa: “Hãy trút gánh nặng cho Đức Giê-hô-va, ngài sẽ nâng đỡ anh em. Ngài chẳng bao giờ để người công chính vấp ngã”.—Thi thiên 55:22.
“HÃY TIẾN ĐẾN SỰ THÀNH THỤC”
9, 10. Thế nào là người thành thục?
9 Khi củng cố mối quan hệ với Đức Giê-hô-va, bạn sẽ “tiến đến sự thành thục” (Hê-bơ-rơ 6:1). Vậy thành thục có nghĩa gì?
10 Thời gian sẽ không tự nhiên khiến chúng ta trở nên một tín đồ thành thục. Để trở nên thành thục, chúng ta phải xem Đức Giê-hô-va là Bạn thân nhất của mình và cố gắng có cùng quan điểm với ngài (Giăng 4:23). Phao-lô viết: “Người sống theo xác thịt chú tâm đến những điều thuộc về xác thịt, còn người sống theo thần khí thì chú tâm đến những điều thuộc về thần khí” (Rô-ma 8:5). Một người thành thục không tập trung đời sống vào những thú vui hay của cải vật chất. Thay vì thế, người ấy chú tâm vào việc phụng sự Đức Giê-hô-va và có những lựa chọn khôn ngoan trong đời sống (Châm ngôn 27:11; đọc Gia-cơ 1:2, 3). Người ấy không để cho điều gì tác động khiến mình làm điều sai trái. Một người thành thục biết điều gì là đúng và quyết tâm làm theo.
11, 12. (a) Phao-lô nói gì về “khả năng nhận thức” của một tín đồ đạo Đấng Ki-tô? (b) Việc trở thành một tín đồ thành thục có điểm tương đồng nào với việc trở thành một vận động viên?
11 Để trở nên thành thục thì cần có nỗ lực. Sứ đồ Phao-lô viết: “Thức ăn đặc thì dành cho người trưởng thành, cho người nhờ vận dụng khả năng nhận thức mà có thể rèn luyện khả năng ấy để phân biệt điều đúng, điều sai” (Hê-bơ-rơ 5:14). Từ “rèn luyện” có thể khiến chúng ta liên tưởng đến hình ảnh một vận động viên.
12 Khi nhìn một vận động viên giỏi thi đấu, chúng ta biết người ấy đã phải dành nhiều thời gian và nỗ lực rèn luyện để trau dồi kỹ năng. Người ấy không phải sinh ra đã là vận động viên. Khi một em bé chào đời, em chưa biết cách điều khiển chân tay chính xác. Nhưng với thời gian, em bắt đầu tập cầm nắm và bước đi. Nếu được rèn luyện thì sau này em có thể trở thành một vận động viên. Tương tự như vậy, cần có thời gian và sự rèn luyện để trở thành một tín đồ thành thục.
13. Điều gì sẽ giúp chúng ta tập có cùng lối suy nghĩ với Đức Giê-hô-va?
13 Trong ấn phẩm này, chúng ta đã xem xét cách để có cùng lối suy nghĩ và quan điểm với Đức Giê-hô-va. Chúng ta cũng học quý trọng và yêu mến tiêu chuẩn của ngài. Trước khi đưa ra quyết định, chúng ta muốn tự hỏi: “Điều luật hoặc nguyên tắc nào trong Kinh Thánh áp dụng cho trường hợp này? Mình có thể áp dụng chúng như thế nào? Đức Giê-hô-va muốn mình làm gì?”.—Đọc Châm ngôn 3:5, 6; Gia-cơ 1:5.
14. Chúng ta cần làm gì để xây dựng đức tin?
14 Xây dựng đức tin nơi Đức Giê-hô-va là một tiến trình liên tục. Như việc ăn thực phẩm dinh dưỡng giúp chúng ta có cơ thể khỏe mạnh, việc học về Đức Giê-hô-va giúp chúng ta có đức tin vững mạnh. Khi mới tìm hiểu Kinh Thánh, chúng ta học những sự thật căn bản về Đức Giê-hô-va và đường lối của ngài. Nhưng qua thời gian, chúng ta cần hiểu những điều sâu sắc hơn. Phao-lô nghĩ đến điều này khi ông nói: “Thức ăn đặc thì dành cho người trưởng thành”. Nhờ áp dụng những gì mình học, chúng ta có được sự khôn ngoan. Kinh Thánh cho biết: “Sự khôn ngoan là quan trọng nhất”.—Châm ngôn 4:5-7; 1 Phi-e-rơ 2:2.
15. Tình yêu thương chân thật với Đức Giê-hô-va và anh em đồng đạo quan trọng đến mức nào?
15 Một người có thể có sức khỏe tốt nhưng để duy trì tình trạng đó, người ấy biết rằng mình cần tiếp tục chăm sóc cho bản thân. Tương tự như thế, một người thành thục biết rằng mình cần nỗ lực để giữ cho mối quan hệ với Đức Giê-hô-va được vững mạnh. Phao-lô nhắc nhở chúng ta: “Hãy luôn tra xét xem mình có đang ở trong đức tin không, và luôn chứng minh mình là loại người nào” (2 Cô-rinh-tô 13:5). Nhưng chỉ có đức tin mạnh thì chưa đủ. Chúng ta cũng cần tiếp tục vun đắp tình yêu thương với Đức Giê-hô-va và anh em đồng đạo. Phao-lô nói: “Nếu tôi... có mọi sự hiểu biết, và nếu có đức tin mạnh đến nỗi dời được cả núi, nhưng không có tình yêu thương thì tôi chẳng là gì”.—1 Cô-rinh-tô 13:1-3.
CHÚ TÂM VÀO HY VỌNG
16. Sa-tan muốn chúng ta cảm thấy thế nào?
16 Sa-tan muốn chúng ta nghĩ rằng mình không xứng đáng với Đức Giê-hô-va và không bao giờ có thể làm đẹp lòng ngài. Hắn muốn chúng ta nản lòng và cho rằng vấn đề của mình hoàn toàn bế tắc. Hắn không muốn chúng ta tin tưởng anh em đồng đạo và không muốn chúng ta có hạnh phúc (Ê-phê-sô 2:2). Sa-tan biết rằng lối suy nghĩ tiêu cực sẽ gây hại cho chúng ta và mối quan hệ của chúng ta với Đức Chúa Trời. Nhưng Đức Giê-hô-va đã ban một điều để giúp chúng ta kháng cự lối suy nghĩ tiêu cực, đó là hy vọng.
17. Hy vọng quan trọng như thế nào?
17 Nơi 1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:8, Kinh Thánh nhắc đến “hy vọng cứu rỗi” và ví hy vọng này với mũ bảo vệ đầu của người lính trong chiến trận. Thật vậy, hy vọng nơi lời hứa của Đức Giê-hô-va có thể bảo vệ tâm trí của chúng ta và giúp chúng ta kháng cự lối suy nghĩ tiêu cực.
18, 19. Hy vọng đã giúp Chúa Giê-su vững mạnh như thế nào?
18 Hy vọng đã giúp Chúa Giê-su vững mạnh. Vào đêm cuối của cuộc đời trên đất, ngài gặp phải hết thử thách này đến thử thách khác. Một người bạn thân phản bội ngài. Một người khác thậm chí chối không biết ngài. Những người bạn khác thì bỏ ngài mà chạy trốn. Chính dân tộc của ngài chống lại ngài, đòi phải hành hạ ngài cho đến chết. Điều gì đã giúp ngài chịu đựng trước những đau đớn ấy? Kinh Thánh cho biết: “Vì niềm vui đặt trước mặt mà ngài chịu đựng cây khổ hình, không màng sự sỉ nhục và đã ngồi bên hữu ngôi Đức Chúa Trời”.—Hê-bơ-rơ 12:2.
19 Chúa Giê-su biết rằng nếu giữ trung thành, ngài sẽ đem lại sự vinh hiển cho Cha và chứng minh Sa-tan là kẻ nói dối. Hy vọng này đem lại cho ngài niềm vui lớn lao. Ngài cũng biết rằng mình sắp được đoàn tụ với Cha ở trên trời. Hy vọng này giúp ngài chịu đựng. Giống như Chúa Giê-su, chúng ta cần chú tâm vào hy vọng. Hy vọng sẽ giúp chúng ta chịu đựng bất kể chuyện gì xảy ra.
20. Điều gì có thể giúp bạn giữ tinh thần tích cực?
20 Đức Giê-hô-va nhìn thấy đức tin và sự chịu đựng của bạn (Ê-sai 30:18; đọc Ma-la-chi 3:10). Ngài hứa sẽ ‘ban cho điều lòng bạn ao ước’ (Thi thiên 37:4). Vì vậy, hãy luôn chú tâm vào hy vọng. Sa-tan muốn bạn đánh mất hy vọng và nghĩ rằng lời hứa của Đức Giê-hô-va sẽ không bao giờ thành hiện thực. Nhưng đừng chiều theo lối suy nghĩ tiêu cực đó! Nếu nhận thấy niềm hy vọng của mình đang dần phai mờ, hãy cầu xin Đức Giê-hô-va giúp đỡ. Hãy ghi nhớ những lời nơi Phi-líp 4:6, 7: “Đừng lo lắng bất cứ điều gì, nhưng trong mọi việc, hãy dùng lời cầu nguyện, nài xin và tạ ơn mà trình lời thỉnh cầu của anh em cho Đức Chúa Trời; rồi sự bình an của Đức Chúa Trời, là điều vượt quá mọi sự hiểu biết, sẽ bảo vệ lòng và trí của anh em qua Đấng Ki-tô Giê-su”.
21, 22. (a) Ý định của Đức Giê-hô-va đối với trái đất là gì? (b) Bạn quyết tâm làm gì?
21 Hãy thường xuyên dành thời gian suy ngẫm về tương lai đầy hào hứng đang đón đợi trước mắt. Chẳng bao lâu nữa, tất cả mọi người sẽ thờ phượng Đức Giê-hô-va (Khải huyền 7:9, 14). Hãy hình dung về đời sống trong thế giới mới. Chắc chắn mọi thứ sẽ còn tuyệt vời hơn nhiều so với những gì chúng ta tưởng tượng! Sa-tan, các quỷ và mọi sự gian ác sẽ biến mất. Bạn sẽ không phải mắc bệnh và chết. Thay vì thế, mỗi ngày bạn sẽ thức dậy với tràn đầy sức sống và niềm hạnh phúc. Mọi người sẽ chung tay làm việc để khiến trái đất trở thành địa đàng. Ai ai cũng có thức ăn bổ dưỡng và nơi ở an toàn. Không còn ai hung bạo hay dữ tợn, nhưng mọi người đều chân thật và đối xử với nhau tử tế. Với thời gian, tất cả những người sống trên đất sẽ được hưởng “sự tự do vinh hiển của con cái Đức Chúa Trời”.—Rô-ma 8:21.
22 Đức Giê-hô-va muốn bạn xem ngài là Bạn thân nhất của mình. Vậy hãy nỗ lực hết sức để vâng lời Đức Giê-hô-va và đến gần hơn với ngài mỗi ngày. Mong sao tất cả chúng ta sẽ luôn ở trong tình yêu thương của Đức Chúa Trời cho đến muôn đời!—Giu-đe 21.