Chăn bầy của Đức Chúa Trời với lòng yêu thương
“Hãy chăn bầy của Đức Chúa Trời đã giao-phó cho anh em” (I PHI-E-RƠ 5:2).
1, 2. Đức Giê-hô-va có đức tính nổi bật nào, và đức tính này tự biểu lộ ra sao?
TRONG suốt cuốn Kinh-thánh, người ta thấy rõ lòng yêu thương là đức tính nổi bật nhất của Đức Chúa Trời. I Giăng 4:8 nói: “Đức Chúa Trời là sự yêu-thương”. Vì lòng yêu thương của Ngài được thể hiện qua hành động nên I Phi-e-rơ 5:7 nói rằng Đức Chúa Trời ‘săn-sóc bạn’. Trong Kinh-thánh, cách Đức Giê-hô-va chăm sóc dân sự Ngài được ví như cách một người chăn chiên đầy lòng yêu thương dịu dàng chăm sóc chiên mình: “Nầy, Chúa Giê-hô-va... sẽ chăn bầy mình như người chăn chiên; thâu các con chiên con vào cánh tay mình và ẵm vào lòng; từ-từ dắt các chiên cái đương cho bú” (Ê-sai 40:10, 11). Đa-vít được an ủi biết bao khi ông có thể nói: “Đức Giê-hô-va là Đấng chăn-giữ tôi: tôi sẽ chẳng thiếu-thốn gì”! (Thi-thiên 23:1).
2 Kinh-thánh ví những người Đức Chúa Trời ưa thích như chiên là thích đáng, vì chiên hiền lành, ngoan ngoãn và vâng lời người chăn chăm sóc chúng. Với tư cách là Đấng chăn giữ đầy yêu thương, Đức Giê-hô-va hết lòng chăm sóc dân sự giống như chiên của Ngài. Ngài bày tỏ điều này bằng cách ban cho họ đầy đủ vật chất và thiêng liêng và bằng cách hướng dẫn họ qua khỏi “ngày sau-rốt” đầy khó khăn của thế gian độc ác này để đưa họ tới thế giới mới công bình sắp đến (II Ti-mô-thê 3:1-5, 13; Ma-thi-ơ 6:31-34; 10:28-31; II Phi-e-rơ 3:13).
3. Người viết Thi-thiên miêu tả thế nào về cách Đức Giê-hô-va chăm sóc chiên Ngài?
3 Hãy lưu ý Đức Giê-hô-va đầy lòng yêu thương chăm sóc chiên của Ngài: “Mắt Đức Giê-hô-va đoái-xem người công-bình, lỗ tai Ngài nghe tiếng kêu-cầu của họ... Người công-bình kêu-cầu, Đức Giê-hô-va bèn nghe, và giải-cứu người khỏi các sự gian-truân. Đức Giê-hô-va ở gần những người có lòng đau-thương, và cứu kẻ nào có tâm-hồn thống-hối. Người công-bình bị nhiều tai-họa, nhưng Đức Giê-hô-va cứu người khỏi hết” (Thi-thiên 34:15-19). Đấng Chăn chiên Hoàn vũ ban cho dân sự giống như chiên của Ngài niềm an ủi to lớn làm sao!
Gương của người chăn hiền lành
4. Giê-su đóng vai trò nào trong việc trông nom chiên của Đức Chúa Trời?
4 Con của Đức Chúa Trời là Giê-su được Cha ngài dạy dỗ kỹ càng nên Kinh-thánh gọi Giê-su là “người chăn hiền-lành” (Giăng 10:11-16). Khải-huyền đoạn 7 ghi lại công việc rất quan trọng của Giê-su là trông nom bầy của Đức Chúa Trời. Nơi Khải-huyền 7 câu 9, tôi tớ thời nay của Đức Chúa Trời được gọi là “[đám đông] vô-số người... bởi mọi nước, mọi chi-phái, mọi dân-tộc, mọi tiếng mà ra”. Rồi Khải-huyền 7 câu 17 nói: “Chiên Con [Giê-su]... sẽ chăn-giữ và đưa chúng đến những suối nước sống; Đức Chúa Trời sẽ lau hết nước mắt nơi mắt chúng”. Giê-su hướng dẫn chiên của Đức Chúa Trời đến dòng nước của lẽ thật đưa đến sự sống đời đời (Giăng 17:3). Hãy lưu ý Giê-su được gọi là “Chiên Con”, cho thấy những đức tính như chiên của chính ngài, và ngài là gương chính về sự phục tùng Đức Chúa Trời.
5. Giê-su có cảm nghĩ gì về người khác?
5 Khi ở trên đất Giê-su sống giữa dân chúng và thấy hoàn cảnh đáng thương của họ. Ngài phản ứng thế nào trước cảnh ngộ khốn khó của họ? “[Ngài] động lòng thương-xót, vì họ cùng-khốn, và tan-lạc như chiên không có kẻ chăn” (Ma-thi-ơ 9:36). Chiên không có người chăn bị thú ăn mồi làm cho điêu đứng, và chiên có người chăn chểnh mảng cũng lâm vào hoàn cảnh tương tự như vậy. Nhưng Giê-su quan tâm rất nhiều vì ngài nói: “Hỡi những kẻ mệt-mỏi và gánh nặng, hãy đến cùng ta, ta sẽ cho các ngươi được yên-nghỉ. Ta có lòng nhu-mì, khiêm-nhường; nên hãy gánh lấy ách của ta, và học theo ta; thì linh-hồn các ngươi sẽ được yên-nghỉ. Vì ách ta dễ chịu và gánh ta nhẹ-nhàng” (Ma-thi-ơ 11:28-30).
6. Giê-su tỏ ra quan tâm đến những người bị áp bức như thế nào?
6 Lời tiên tri trong Kinh-thánh cho biết Giê-su sẽ lấy lòng yêu thương cư xử với người khác: “Đức Giê-hô-va đã xức dầu cho ta... đặng rịt những kẻ vỡ lòng... đặng yên-ủi mọi kẻ buồn-rầu” (Ê-sai 61:1, 2; Lu-ca 4:17-21). Giê-su không bao giờ coi thường người nghèo và người bất hạnh. Thay vì thế, ngài làm ứng nghiệm lời tiên tri nơi Ê-sai 42:3: “Người sẽ chẳng bẻ cây sậy đã giập, và chẳng dụi tim đèn còn hơi cháy”. (So sánh Ma-thi-ơ 12:17-21). Người bị khổ sở giống như cây sậy đã giập, như ngọn đèn sắp tắt vì thiếu dầu. Nhìn thấy họ ở trong tình trạng đáng thương, Giê-su bày tỏ lòng trắc ẩn và ban cho họ sức mạnh và hy vọng, chữa họ lành về thiêng liêng và thể xác (Ma-thi-ơ 4:23).
7. Giê-su hướng dẫn những người hưởng ứng lời của ngài đi đâu?
7 Hàng đoàn người giống như chiên hưởng ứng lời Giê-su. Sự dạy dỗ của ngài hấp dẫn đến độ những người lính được sai đi bắt ngài báo cáo: “Chẳng hề có người nào đã nói như người này!” (Giăng 7:46). Những kẻ lãnh đạo tôn giáo giả nhân giả nghĩa than phiền: “Cả thiên-hạ đều chạy theo người!” (Giăng 12:19). Nhưng Giê-su không muốn người ta ca ngợi và trọng vọng ngài. Ngài hướng dẫn người ta tới Cha ngài. Ngài dạy họ phụng sự Đức Giê-hô-va vì yêu mến những đức tính đáng khâm phục của Cha ngài: “Ngươi phải hết lòng, hết linh-hồn, hết sức, hết trí mà kính-mến Chúa là Đức Chúa Trời ngươi” (Lu-ca 10:27, 28).
8. Việc dân sự Đức Chúa Trời tuân theo Ngài và việc người ta tuân theo những nhà cai trị thế gian khác nhau chỗ nào?
8 Đức Giê-hô-va cảm thấy vinh hiển vì dân sự giống như chiên của Ngài lấy lòng yêu mến ủng hộ quyền thống trị hoàn vũ của Ngài. Sự hiểu biết về những đức tính đáng yêu quí của Ngài khiến họ sẵn sàng quyết định phụng sự Ngài. Điều này thật khác với những nhà lãnh đạo của thế gian làm sao! Dân chúng tuân theo họ chỉ vì sợ hãi, hoặc bất đắc dĩ, hoặc vì họ có ẩn ý nào đó. Người ta không bao giờ nói về Đức Giê-hô-va hoặc về Giê-su điều mà người ta nói về một giáo hoàng của Giáo hội Công giáo La Mã: “Nhiều người hâm mộ ông, tất cả đều sợ ông và không ai yêu thương ông” (Vicars of Christ—The Dark Side of the Papacy của Peter De Rosa).
Những người chăn chiên độc ác trong xứ Y-sơ-ra-ên
9, 10. Hãy miêu tả những người lãnh đạo của Y-sơ-ra-ên vào thời xưa và vào thế kỷ thứ nhất.
9 Không như Giê-su, những người lãnh đạo tôn giáo của xứ Y-sơ-ra-ên vào thời ngài không yêu thương chiên. Họ giống như những người lãnh đạo thời xưa của Y-sơ-ra-ên mà Đức Giê-hô-va nói đến: “Khốn-nạn cho kẻ chăn của Y-sơ-ra-ên, là kẻ chỉ nuôi mình! Há chẳng phải những kẻ chăn nên cho bầy chiên ăn sao?... Các ngươi chẳng làm cho những con chiên mắc bịnh nên mạnh, chẳng chữa lành những con đau, chẳng rịt thuốc những con bị thương; chẳng đem những con bị đuổi về, chẳng tìm những con bị lạc mất; song các ngươi lại lấy sự độc-dữ gay-gắt mà cai-trị chúng nó” (Ê-xê-chi-ên 34:2-4).
10 Giống như những người lãnh đạo chính trị đó, những nhà lãnh đạo tôn giáo Do Thái vào thế kỷ thứ nhất có lòng dạ sắt đá (Lu-ca 11:47-52). Để minh họa điều này, Giê-su kể về một người Do Thái bị kẻ cướp lấy hết của, đánh đập và để nửa sống nửa chết bên vệ đường. Một thầy tế lễ người Y-sơ-ra-ên đi ngang qua nhưng khi thấy người thì đi sang bên kia đường và tiếp tục đi khỏi. Một người Lê-vi cũng làm như vậy. Rồi một người Sa-ma-ri, là người bị dân Y-sơ-ra-ên khinh thường, đi ngang qua và động lòng thương người bị nạn. Ông băng bó những vết thương, đặt người đó lên một con vật, dẫn đến nhà trọ và chăm sóc người. Ông trả tiền cho chủ nhà trọ và nói sẽ trở lại để trả thêm bất cứ chi phí nào khác (Lu-ca 10:30-37).
11, 12. a) Vào thời Giê-su, sự độc ác của những nhà lãnh đạo tôn giáo đã lên đến mức độ cùng cực như thế nào? b) Dân La Mã cuối cùng đã làm gì những người lãnh đạo tôn giáo?
11 Những người lãnh đạo tôn giáo vào thời Giê-su tồi tệ đến độ khi Giê-su làm La-xa-rơ sống lại, các thầy tế lễ cả và người Pha-ri-si mời các quan tòa công luận nhóm lại và nói: “Người nầy [Giê-su] làm phép lạ nhiều lắm, chúng ta tính thế nào? Nếu chúng ta để cho người làm, thì thiên-hạ tin người, rồi dân Rô-ma sẽ đến diệt nơi nầy và cả nước chúng ta nữa” (Giăng 11:47, 48). Họ không cần biết gì về điều lành mà Giê-su đã làm cho người chết. Họ chỉ quan tâm đến địa vị của họ. Vì thế, “từ ngày đó, chúng lập mưu giết [Giê-su]” (Giăng 11:53).
12 Rồi các thầy tế lễ cả lại còn hiểm độc hơn nữa khi họ “bàn định với nhau để giết cả La-xa-rơ nữa, vì bởi ông mà có nhiều người Do Thái đi đến đó và tin theo Giê-su” (Giăng 12:10, 11, NW). Những nỗ lực ích kỷ nhằm bảo vệ địa vị của họ đều không có ích lợi gì cả, vì trước đó Giê-su đã nói với họ: “Nhà các ngươi sẽ bỏ hoang!” (Ma-thi-ơ 23:38). Đúng như lời ngài nói, trong thế hệ đó dân La Mã đến và diệt ‘nơi [họ] và cả nước [họ]’, và cả mạng sống của họ nữa.
Những người chăn chiên đầy yêu thương trong hội thánh tín đồ đấng Christ
13. Đức Giê-hô-va hứa sẽ gởi ai đến chăn bầy của Ngài?
13 Đức Giê-hô-va sẽ lập lên Người chăn hiền lành, tức Giê-su, để trông nom bầy Ngài thay vì những người chăn ích kỷ và độc ác. Ngài cũng đã hứa là Ngài sẽ lập lên những người chăn phó đầy yêu thương để chăm sóc chiên: “Ta sẽ lập lên những kẻ chăn nuôi chúng nó; thì sẽ chẳng sợ chẳng hãi nữa” (Giê-rê-mi 23:4). Vì thế, cũng như trong các hội thánh vào thế kỷ thứ nhất, ngày nay cũng vậy, “những trưởng-lão trong mỗi thành” được bổ nhiệm (Tít 1:5). Những trưởng lão thành thục về thiêng liêng hội đủ điều kiện ghi trong Kinh-thánh phải “chăn bầy của Đức Chúa Trời” (I Phi-e-rơ 5:2; I Ti-mô-thê 3:1-7; Tít 1:7-9).
14, 15. a) Các môn đồ thấy khó phát triển thái độ nào? b) Giê-su đã làm gì để cho họ thấy là trưởng lão phải là những tôi tớ khiêm nhường?
14 Trong việc chăm sóc chiên, “trên hết mọi sự” trưởng lão phải có “lòng yêu thương sốt sắng” đối với anh em (I Phi-e-rơ 4:8, NW). Nhưng các môn đồ của Giê-su vì quá quan tâm đến thanh thế và địa vị nên đã cần phải học điều này. Thế nên khi người mẹ của hai môn đồ nói với Giê-su: “Xin cho hai con trai tôi đây ngồi một đứa bên hữu Ngài, một đứa bên tả, ở trong nước Ngài”, các môn đồ khác tức giận. Giê-su nói với họ: “Các ngươi biết rằng các vua dân ngoại thì ép dân phải phục mình, còn các quan lớn thì lấy quyền-thế mà trị dân. Trong các ngươi thì không như vậy; trái lại, trong các ngươi, kẻ nào muốn làm lớn, thì sẽ làm đầy-tớ các ngươi; còn kẻ nào muốn làm đầu, thì sẽ làm tôi-mọi các ngươi” (Ma-thi-ơ 20:20-28).
15 Vào một dịp khác, sau khi các môn đồ “đã cãi nhau cho biết ai là lớn hơn trong bọn mình”, Giê-su nói với họ: “Nếu ai muốn làm đầu, thì phải làm rốt hết và làm tôi-tớ mọi người” (Mác 9:34, 35). Lòng khiêm nhường và sẵn sàng phụng sự người khác đã trở thành một phần của cá tính họ. Tuy nhiên, môn đồ vẫn tiếp tục gặp khó khăn với những ý tưởng đó, vì ngay trong đêm trước khi Giê-su chết, vào bữa tiệc cuối cùng của ngài, họ lại “cãi-lẫy” nhau, coi ai sẽ là người lớn hơn hết! Điều đó đã xảy ra dù Giê-su trước đó cho họ thấy trưởng lão phải phục vụ bầy ra sao; ngài khiêm nhường hạ mình xuống và rửa chân họ. Ngài nói: “Nếu ta là Chúa là Thầy, mà đã rửa chơn cho các ngươi, thì các ngươi cũng nên rửa chơn lẫn cho nhau. Vì ta đã làm gương cho các ngươi, để các ngươi cũng làm như ta đã làm cho các ngươi” (Lu-ca 22:24; Giăng 13:14, 15).
16. Năm 1899, tạp chí Tháp Canh (Anh ngữ) nói gì về đức tính quan trọng nhất của trưởng lão?
16 Nhân-chứng Giê-hô-va luôn luôn dạy rằng các trưởng lão phải như vậy. Gần một thế kỷ trước đây, vào ngày 1 tháng 4 năm 1899, tạp chí Tháp Canh (Anh ngữ) ghi chú lời Phao-lô nơi I Cô-rinh-tô 13:1-8 và rồi nói: “Sứ đồ cho thấy rõ ràng rằng sự hiểu biết và tài ăn nói không phải là những yếu tố quan trọng nhất, nhưng chính tình yêu thương tận trong lòng và bày tỏ trong mọi lãnh vực của đời sống, hoạt động trong thân thể hay chết của chúng ta, mới là điều kiện quan trọng nhất—chứng tỏ thật sự chúng ta có mối liên lạc với Đức Chúa Trời... Đặc tính chính người ta muốn thấy nơi người nào được chấp nhận làm tôi tớ của hội thánh để làm những việc thiêng liêng, trước hết phải là tinh thần yêu thương”. Tạp chí này nói những người không khiêm nhường và không phụng sự vì lòng yêu thương “là những người dạy dỗ nguy hiểm và có thể gây ra nhiều tai hại hơn là làm những điều lành” (I Cô-rinh-tô 8:1).
17. Kinh-thánh nhấn mạnh thế nào về những đức tính mà các trưởng lão phải có?
17 Vì thế, các trưởng lão không được “cai quản khắc nghiệt” các chiên (I Phi-e-rơ 5:3, NW). Thay vì thế, họ phải dẫn đầu trong việc “ở với nhau cách nhơn-từ, đầy-dẫy lòng thương-xót” (Ê-phê-sô 4:32). Phao-lô nhấn mạnh: “Hãy mặc lấy sự nhân từ, tử tế, khiêm nhường, mềm mại, nhịn nhục... Nhưng ngoài những điều đó ra, phải mặc lấy lòng yêu thương, vì đây là dây liên lạc của sự trọn lành” (Cô-lô-se 3:12-14, NW).
18. a) Phao-lô nêu gương tốt nào trong việc cư xử với chiên? b) Tại sao trưởng lão không được bỏ qua những nhu cầu của chiên?
18 Phao-lô đã học làm điều này khi ông nói: “Chúng tôi đã ăn-ở nhu-mì giữa anh em, như một người vú săn-sóc chính con mình cách dịu-dàng vậy. Vậy, vì lòng rất yêu-thương của chúng tôi đối với anh em, nên ước-ao ban cho anh em, không những Tin-lành Đức Chúa Trời thôi đâu, song cả đến chính sự sống chúng tôi nữa, bởi anh em đã trở nên thiết-nghĩa với chúng tôi là bao” (I Tê-sa-lô-ni-ca 2:7, 8). Phù hợp với điều đó, ông nói: “Yên-ủi những kẻ ngã lòng, nâng-đỡ những kẻ yếu-đuối, phải nhịn-nhục đối với mọi người” (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:14). Bất kể vấn đề nào mà chiên cần đem ra để nói chuyện với trưởng lão, họ nên nhớ Châm-ngôn 21:13: “Ai bưng tai không khứng nghe tiếng kêu-la của người nghèo-khổ, người đó cũng sẽ kêu-la mà sẽ chẳng có ai đáp lại”.
19. Tại sao trưởng lão có lòng yêu thương là một ân phước, và chiên đáp lại lòng yêu thương đó thế nào?
19 Các trưởng lão yêu thương chăn bầy là một ân phước cho chiên. Ê-sai 32:2 tiên đoán: “Sẽ có một người như nơi núp gió và chỗ che bão-táp, như suối nước trong nơi đất khô, như bóng vầng đá lớn trong xứ mòn-mỏi”. Chúng ta sung sướng được biết là ngày nay nhiều trưởng lão hành động phù hợp với hình ảnh đẹp đẽ miêu tả sự nghỉ ngơi mát mẻ đó. Họ đã học áp dụng nguyên tắc sau đây: “Hãy lấy lòng yêu-thương mềm-mại mà yêu nhau như anh em; hãy lấy lẽ kính-nhường nhau” (Rô-ma 12:10). Khi các trưởng lão bày tỏ lòng yêu thương và tính khiêm nhường như thế, thì chiên đáp lại bằng cách “lấy lòng rất yêu-thương đối với họ vì cớ công-việc họ làm” (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:12, 13).
Tôn trọng việc xử dụng sự tự do lựa chọn
20. Tại sao trưởng lão phải tôn trọng sự tự do lựa chọn?
20 Đức Giê-hô-va dựng nên loài người và cho họ sự tự do lựa chọn để tự quyết định. Trong khi trưởng lão phải khuyên bảo và ngay cả sửa trị, họ không được nắm lấy quyền kiểm soát đời sống hoặc đức tin của người khác. Phao-lô nói: “Không phải chúng tôi muốn cai-trị đức-tin anh em, nhưng chúng tôi muốn giúp thêm sự vui của anh em, vì anh em đứng vững-vàng trong đức-tin” (II Cô-rinh-tô 1:24). Đúng vậy, “ai sẽ gánh lấy riêng phần nấy” (Ga-la-ti 6:5). Đức Giê-hô-va cho chúng ta rất nhiều tự do trong giới hạn của luật pháp và nguyên tắc của Ngài. Vì thế, trưởng lão nên tránh đặt ra những luật lệ khi các nguyên tắc của Kinh-thánh không bị vi phạm. Họ nên tránh có bất cứ khuynh hướng cho ý kiến riêng của mình như thể là một tín điều hoặc cảm thấy bị chạm tự ái nếu người khác không đồng ý với những quan điểm đó (II Cô-rinh-tô 3:17; I Phi-e-rơ 2:16).
21. Chúng ta có thể rút được bài học nào qua thái độ của Phao-lô đối với Phi-lê-môn?
21 Hãy lưu ý cách Phao-lô cư xử với Phi-lê-môn, một tín đồ đấng Christ và là chủ nô lệ tại Cô-lô-se trong Tiểu Á khi Phao-lô bị giam tại Rô-ma. Người nô lệ của Phi-lê-môn là Ô-nê-sim chạy trốn đến Rô-ma, trở thành tín đồ đấng Christ, và giúp đỡ Phao-lô. Phao-lô viết cho Phi-lê-môn: “Tôi vốn muốn cầm người ở lại cùng tôi, đặng thế cho anh mà giúp việc tôi trong cơn vì Tin-lành chịu xiềng-xích. Nhưng tôi không muốn làm đều gì mà chưa được anh đồng-ý, hầu cho đều lành anh sẽ làm chẳng phải bởi ép-buộc, bèn là bởi lòng thành” (Phi-lê-môn 13, 14). Phao-lô gửi trả Ô-nê-sim và xin Phi-lê-môn đối xử với người như là anh em tín đồ. Phao-lô biết là bầy không phải của ông; bầy là của Đức Chúa Trời. Ông không phải là chủ của bầy nhưng là tôi tớ của bầy. Phao-lô không ra lệnh cho Phi-lê-môn; ông tôn trọng sự tự do lựa chọn của người.
22. a) Trưởng lão nên hiểu mình có vị thế nào? b) Đức Giê-hô-va đang phát triển loại tổ chức nào?
22 Thêm nhiều trưởng lão được bổ nhiệm vì tổ chức của Đức Chúa Trời gia tăng. Cũng giống những trưởng lão có nhiều kinh nghiệm hơn, họ phải hiểu rằng vị thế của họ là khiêm nhường phụng sự người khác. Bằng cách này, khi Đức Chúa Trời đưa tổ chức của Ngài tới thế giới mới, tổ chức sẽ tiếp tục lớn lên như ý Ngài muốn, nghĩa là có sự tổ chức chu đáo nhưng không hy sinh tình yêu thương và lòng trắc ẩn để có hiệu quả tốt đẹp. Như vậy, tổ chức của Ngài sẽ ngày càng trở nên hấp dẫn hơn đối với những người như chiên và họ sẽ thấy trong tổ chức bằng chứng là “Đức Chúa Trời làm mọi công việc Ngài hợp tác với nhau để đem lại lợi ích cho những ai kính mến Đức Chúa Trời”. Đó là điều chúng ta nghĩ sẽ có trong tổ chức được thiết lập dựa trên tình yêu thương, bởi vì “tình yêu-thương chẳng hề hư-mất bao giờ” (Rô-ma 8:28, NW; I Cô-rinh-tô 13:8).
Bạn trả lời thế nào?
◻ Kinh-thánh miêu tả thế nào về việc Đức Giê-hô-va chăm sóc dân sự ngài?
◻ Giê-su đóng vai trò nào trong việc chăm sóc bầy của Đức Chúa Trời?
◻ Trưởng lão phải có đặc tính chính nào?
◻ Tại sao trưởng lão phải tôn trọng sự tự do lựa chọn của chiên?
[Hình nơi trang 20]
Giê-su, là “người chăn hiền-lành”, bày tỏ lòng trắc ẩn
[Hình nơi trang 21]
Những người lãnh đạo tôn giáo tồi tệ âm mưu giết Giê-su