Những ngày mang ý nghĩa tiên tri của Đa-ni-ên và đức tin chúng ta
“Phước thay cho kẻ đợi, và đến một ngàn ba trăm ba mươi lăm ngày!” (ĐA-NI-ÊN 12:12).
1. Tại sao nhiều người không tìm được hạnh phúc thật sự, và hạnh phúc thật sự được liên kết với điều gì?
MỌI người đều muốn được hạnh phúc. Tuy vậy, ngày nay ít người được. Tại sao vậy? Một phần vì hầu hết người ta đi tìm hạnh phúc không đúng chỗ. Họ đi tìm hạnh phúc qua học vấn, giàu sang, sự nghiệp hay quyền thế. Tuy nhiên, trong phần mở đầu của Bài Giảng trên Núi, Chúa Giê-su đã liên kết hạnh phúc với việc ý thức nhu cầu thiêng liêng, lòng thương xót, lòng trong sạch, và các đức tính giống như vậy (Ma-thi-ơ 5:3-10). Loại hạnh phúc mà Chúa Giê-su nói đến là có thật và lâu bền.
2. Theo lời tiên tri, điều gì sẽ dẫn đến hạnh phúc vào thời cuối cùng, và những câu hỏi nào được nêu ra?
2 Đối với những người xức dầu còn sót lại trong thời cuối cùng, hạnh phúc được liên kết thêm với những điều khác nữa. Chúng ta đọc trong sách Đa-ni-ên: “Hỡi Đa-ni-ên, hãy đi; bởi vì những lời nầy đã đóng lại và đóng ấn cho đến kỳ cuối-cùng. Phước thay cho kẻ đợi, và đến một ngàn ba trăm ba mươi lăm ngày!” (Đa-ni-ên 12:9, 12). Thời gian 1.335 ngày là khoảng thời gian nào? Tại sao những người sống qua khoảng thời gian đó lại có phước? Ngày nay điều này có liên hệ gì với đức tin của chúng ta? Chúng ta sẽ được giúp đỡ để trả lời những câu hỏi này nếu chúng ta xem xét lại thời điểm khi Đa-ni-ên viết những lời này, ít lâu sau khi dân Y-sơ-ra-ên được giải thoát khỏi Ba-by-lôn và vào năm thứ ba đời vua Si-ru nước Phe-rơ-sơ (Đa-ni-ên 10:1).
Một sự khôi phục mang lại hạnh phúc
3. Vua Si-ru làm gì khiến những người Do Thái trung thành reo mừng hớn hở vào năm 537 TCN, nhưng Si-ru đã không dành đặc ân nào cho người Do Thái?
3 Đối với người Do Thái, được giải thoát khỏi Ba-by-lôn là một dịp vui mừng thật sự. Sau khi chịu đựng cảnh lưu đày gần 70 năm, Đại Đế Si-ru mời họ trở về Giê-ru-sa-lem để xây lại đền thờ của Đức Giê-hô-va (E-xơ-ra 1:1, 2). Những người hưởng ứng lời mời nuôi hy vọng tràn trề, và họ đã về tới quê hương vào năm 537 TCN. Tuy nhiên, Si-ru không hề mời họ tái lập một nước có vua thuộc dòng dõi Đa-vít.
4, 5. a) Vương triều Đa-vít bị lật đổ khi nào? Tại sao? b) Đức Giê-hô-va bảo đảm thế nào rằng ngôi Đa-vít sẽ được tái lập?
4 Điều này có ý nghĩa. Khoảng năm thế kỷ trước đó, Đức Giê-hô-va đã hứa với Đa-vít: “Nhà ngươi và nước ngươi được bền-đổ trước mặt ngươi đời đời; ngôi ngươi sẽ được vững-lập đến mãi mãi” (II Sa-mu-ên 7:16). Đáng buồn thay, hầu hết các vua nối dòng Đa-vít đều tỏ ra phản nghịch, và tội làm đổ huyết của nước này cao đến nỗi Đức Giê-hô-va đã để cho vương triều Đa-vít bị lật đổ vào năm 607 TCN. Ngoại trừ một giai đoạn ngắn do những người Macabê cai trị, thành Giê-ru-sa-lem bị ngoại bang thống trị từ đó cho đến khi bị hủy phá lần thứ hai vào năm 70 CN. Do đó, năm 537 TCN, “các kỳ dân ngoại” đã bắt đầu rồi, suốt từ đó không có con cháu Đa-vít làm vua cai trị (Lu-ca 21:24).
5 Dẫu vậy, Đức Giê-hô-va không quên lời hứa của Ngài với Đa-vít. Bằng một loạt sự hiện thấy và giấc mơ, Ngài đã tiết lộ qua nhà tiên tri Đa-ni-ên những chi tiết về các biến cố thế giới xảy ra trong tương lai, kéo dài nhiều thế kỷ từ thời Ba-by-lôn làm bá chủ thế giới đến khi một vua thuộc dòng dõi Đa-vít lại cai trị trong vương quốc của dân sự Đức Giê-hô-va. Những lời tiên tri này, được ghi trong sách Đa-ni-ên đoạn 2, 7, 8 và 10-12, bảo đảm với những người Do Thái trung thành rằng, cuối cùng ngôi Đa-vít thật sự “được vững-lập đến mãi mãi”. Chắc chắn sự thật được tiết lộ ấy đã đem lại sự vui mừng cho những người Do Thái trở về quê hương vào năm 537 TCN!
6. Làm sao chúng ta biết rằng một số lời tiên tri của Đa-ni-ên sẽ được ứng nghiệm vào thời chúng ta?
6 Đa số các nhà bình luận Kinh-thánh cho rằng các lời tiên tri của Đa-ni-ên đã được ứng nghiệm hầu hết trước khi Chúa Giê-su ra đời. Nhưng rõ ràng không phải như vậy. Nơi Đa-ni-ên 12:4, một thiên sứ nói với Đa-ni-ên: “Hãy đóng lại những lời nầy, và hãy đóng ấn sách nầy cho đến kỳ cuối-cùng. Nhiều kẻ sẽ đi qua đi lại, và sự học-thức sẽ được thêm lên”. Nếu sách Đa-ni-ên được mở ấn—ý nghĩa của nó được tiết lộ trọn vẹn—chỉ vào thời cuối cùng, thì chắc hẳn ít nhất có một số lời tiên tri phải áp dụng cho thời kỳ ấy. (Xem Đa-ni-ên 2:28; 8:17; 10:14).
7. a) Thời kỳ dân ngoại kết thúc khi nào, và câu hỏi khẩn cấp nào đã phải được trả lời lúc ấy? b) Ai không phải là “đầy-tớ trung-tín và khôn-ngoan”?
7 Năm 1914, các kỳ dân ngoại kết thúc, và thời kỳ cuối cùng của thế gian này bắt đầu. Vương quốc Đa-vít được khôi phục, không phải ở Giê-ru-sa-lem trên đất mà là vô hình ở “những đám mây trên trời” (Đa-ni-ên 7:13, 14). Vào lúc đó, vì “cỏ lùng” thuộc đạo đấng Christ giả mạo đang nảy nở, tình trạng của đạo đấng Christ thật chưa được rõ ràng—ít nhất theo quan điểm loài người. Dầu sao một câu hỏi quan trọng đã phải được trả lời: “Ai là đầy-tớ trung-tín và khôn-ngoan?” (Ma-thi-ơ 13:24-30; 24:45). Trên đất này, ai đại diện cho Vương quốc Đa-vít được khôi phục? Hẳn không phải là người Do Thái, anh em xác thịt của Đa-ni-ên. Họ đã bị từ bỏ vì thiếu đức tin và vấp phạm vì cớ đấng Mê-si (Rô-ma 9:31-33). Chắc chắn lớp người đầy tớ trung tín không nằm trong các tổ chức thuộc đạo tự xưng theo đấng Christ. Những việc gian ác của các tổ chức này chứng tỏ Chúa Giê-su không biết họ (Ma-thi-ơ 7:21-23). Vậy đầy tớ đó là ai?
8. Ai đã chứng tỏ là “đầy-tớ trung-tín và khôn-ngoan” trong ngày cuối cùng? Làm sao chúng ta biết điều đó?
8 Không còn nghi ngờ gì nữa, đầy tớ đó chính là một tập thể nhỏ gồm các anh em được xức dầu của Chúa Giê-su mà vào năm 1914 được gọi là Các Học Viên Kinh-thánh, và từ năm 1931 được gọi là Nhân-chứng Giê-hô-va (Ê-sai 43:10). Chỉ họ mới công bố về vương quốc được khôi phục qua dòng dõi Đa-vít (Ma-thi-ơ 24:14). Chỉ họ mới giữ mình tách khỏi thế gian và tôn vinh danh của Đức Giê-hô-va (Giăng 17:6, 14). Và các lời tiên tri liên hệ đến dân sự của Đức Chúa Trời trong ngày cuối cùng đã được ứng nghiệm chỉ cho họ mà thôi. Trong số các lời tiên tri này, có một loạt các khoảng thời gian mang ý nghĩa tiên tri được liệt kê nơi Đa-ni-ên đoạn 12, bao gồm khoảng thời gian 1.335 ngày đem lại hạnh phúc.
1.260 ngày
9, 10. Những biến cố nào đánh dấu “một kỳ, những kỳ, và nửa kỳ” nơi Đa-ni-ên 7:25, và những câu Kinh-thánh nào khác nói đến một khoảng thời gian tương tự?
9 Chúng ta đọc thấy khoảng thời gian đầu mang ý nghĩa tiên tri nơi Đa-ni-ên 12:7: “Sẽ trải qua một kỳ, những kỳ, và nửa kỳ; và khi quyền của dân thánh đã bị tan-tác hết, thì các sự nầy đều xong”.a Khải-huyền 11:3-6 cũng nhắc đến cùng khoảng thời gian này và nói rằng các nhân chứng của Đức Chúa Trời mặc áo bao gai đi giảng trong ba năm rưỡi rồi bị giết. Chúng ta lại đọc thấy nơi Đa-ni-ên 7:25: “Vua đó sẽ nói những lời phạm đến Đấng Rất Cao, làm hao-mòn các thánh của Đấng Rất Cao, và định ý đổi những thời-kỳ và luật-pháp; các thánh sẽ bị phó trong tay người cho đến một kỳ, những kỳ, và nửa kỳ”.
10 Trong lời tiên tri này, “vua đó” là cường quốc thứ năm tính từ Ba-by-lôn. Đó là “cái sừng nhỏ” và vào thời kỳ này, Con người nhận được “quyền-thế, vinh-hiển và nước” (Đa-ni-ên 7:8, 14). Cái sừng theo nghĩa bóng này, khởi thủy là vương quốc Anh, và trong Thế Chiến I, phát triển thành cường quốc thế giới song hành Anh Mỹ, hiện do Hoa Kỳ làm bá chủ. Trong ba kỳ rưỡi, hay ba năm rưỡi, đế quốc này gây phiền hà các thánh và ráng đổi những thời kỳ và luật pháp. Cuối cùng, các thánh bị phó vào tay chúng. (Cũng xem Khải-huyền 13:5, 7).
11, 12. Những diễn biến nào dẫn đến sự khởi đầu của thời kỳ 1.260 ngày có tính cách tiên tri?
11 Tất cả những lời tiên tri song song này được ứng nghiệm như thế nào? Nhiều năm trước Thế Chiến I, các anh em xức dầu của đấng Christ đã công khai cảnh cáo rằng năm 1914 sẽ chứng kiến sự kết thúc các kỳ dân ngoại. Khi chiến tranh bùng nổ thì rõ ràng là người ta đã lờ đi lời cảnh cáo đó. Sa-tan đã dùng “con thú” của hắn là tổ chức chính trị quốc tế do đế quốc Anh chi phối, để cố gắng “đổi những thời-kỳ và luật-pháp”, dời lại thời kỳ Nước Trời cai trị (Khải-huyền 13:1, 2). Hắn đã thất bại. Nước Đức Chúa Trời đã được thiết lập ở trên trời, con người không thể nào với tới được (Khải-huyền 12:1-3).
12 Đối với Các Học Viên Kinh-thánh, chiến tranh có nghĩa là một thời kỳ thử thách. Kể từ tháng Giêng, 1914, họ đã chiếu Kịch ảnh về sự sáng tạo (Anh ngữ), một phim dựa trên Kinh-thánh và chú ý đến các lời tiên tri của Đa-ni-ên. Vào mùa hè năm đó, chiến tranh đã bùng nổ ở Bắc Bán Cầu. Vào tháng mười, các kỳ dân ngoại kết thúc. Cuối năm đó, những người xức dầu còn sót lại biết là họ sẽ bị bắt bớ, như chúng ta thấy qua câu Kinh-thánh được chọn cho năm 1915, đó là câu Chúa Giê-su hỏi các môn đồ: “Các ngươi uống được chén mà ta hầu uống không?”, dựa trên Ma-thi-ơ 20:22.
13. Các Học Viên Kinh-thánh mặc áo gai đi rao giảng như thế nào trong 1.260 ngày, và điều gì xảy ra vào cuối thời kỳ đó?
13 Do đó, từ tháng 12 năm 1914, một nhóm nhỏ nhân chứng đã ‘mặc áo gai đi rao giảng’, khiêm nhường chịu đựng trong việc công bố sự phán xét của Đức Giê-hô-va. Năm 1916, nhiều người đã sửng sốt về cái chết của anh C. T. Russell, chủ tịch đầu tiên của Hội Tháp Canh. Trong khi cơn sốt chiến tranh tiếp diễn, họ phải đương đầu với sự chống đối ngày càng gia tăng. Một số bị tù đày. Những người như anh Frank Platt ở Anh và anh Robert Clegg ở Ca-na-đa đã bị các viên chức có thẩm quyền hành hạ một cách dã man. Cuối cùng, vào ngày 21-6-1918, anh J. F. Rutherford, chủ tịch mới, cùng với ban giám đốc của Hội Tháp Canh, bị cáo gian và bị tù dài hạn. Vì vậy, vào cuối thời kỳ tiên tri, “cái sừng nhỏ” đã dập tắt công việc rao giảng cho công chúng (Đa-ni-ên 7:8).
14. Tình thế đã thay đổi cho những người xức dầu còn sót lại vào năm 1919 và sau đó như thế nào?
14 Sách Khải-huyền tiên tri những điều xảy ra tiếp đó. Sau một khoảng thời gian ngắn ngưng hoạt động—như đã tiên tri là ba ngày rưỡi nằm chết ngoài đường phố—những người xức dầu còn sót lại sống lại và hoạt động trở lại (Khải-huyền 11:11-13). Vào ngày 26-3-1919, vị chủ tịch và ban giám đốc của Hội Tháp Canh được thả ra và sau này được hoàn toàn trắng án về các tội bị cáo gian. Ngay sau khi được thả ra, những người xức dầu còn sót lại bắt đầu tổ chức lại để gia tăng hoạt động. Do đó, để ứng nghiệm lời tiên tri nơi Khải-huyền về tai nạn thứ nhất, họ giống như những châu chấu thiêng liêng ra khỏi vực sâu, tức tình trạng không hoạt động, theo sau bởi luồng khói dầy đặc, báo hiệu một tương lai đen tối cho tôn giáo giả (Khải-huyền 9:1-11). Trong vài năm sau đó, họ được nuôi dưỡng về thiêng liêng và sẵn sàng làm công việc trước mắt. Vào năm 1921, họ xuất bản sách mới Đàn cầm của Đức Chúa Trời (Anh ngữ), nhằm giúp những người mới và trẻ em học các lẽ thật căn bản của Kinh-thánh (Khải-huyền 12:6, 14). Tất cả những điều này đã xảy ra trong một khoảng thời gian khác nổi bật.
1.290 ngày
15. Bằng cách nào chúng ta có thể tính 1.260 ngày bắt đầu khi nào? Thời kỳ này kết thúc khi nào?
15 Thiên sứ nói với Đa-ni-ên: “Từ kỳ trừ-bỏ của-lễ thiêu hằng dâng và sự gớm-ghiếc làm cho hoang-vu sẽ được lập lên, thì sẽ có một ngàn hai trăm chín mươi ngày” (Đa-ni-ên 12:11). Dưới luật pháp Môi-se, “của-lễ thiêu hằng dâng” được thiêu trên bàn thờ nơi đền thờ ở Giê-ru-sa-lem. Tín đồ đấng Christ không dâng của-lễ thiêu, nhưng hằng dâng của-lễ thiêng liêng. Phao-lô ám chỉ đến điều này khi ông nói: “Hãy... hằng dâng tế-lễ bằng lời ngợi-khen cho Đức Chúa Trời, nghĩa là bông-trái của môi-miếng xưng danh Ngài ra” (Hê-bơ-rơ 13:15; so sánh Ô-sê 14:2). Của-lễ hằng dâng này bị cất đi vào tháng 6 năm 1918. Nếu vậy thì “sự gớm-ghiếc” là gì—đặc điểm thứ hai chúng ta phải xem xét? Đó là Hội Quốc Liên do các cường quốc thắng trận đề xướng vào cuối Thế Chiến I.b Nó là sự gớm ghiếc bởi vì các nhà lãnh đạo tôn giáo tự xưng theo đấng Christ đã đặt nó vào chỗ của Nước Trời, coi nó như là hy vọng duy nhất cho nhân loại để có hòa bình. Hội Quốc Liên được đề xướng vào tháng Giêng năm 1919. Nếu từ đây đếm 1.290 ngày (ba năm bảy tháng), chúng ta sẽ rơi vào tháng 9 năm 1922.
16. Vào cuối 1.290 ngày, điều gì cho thấy những người được xức dầu còn sót lại đã sẵn sàng hành động?
16 Điều gì xảy ra vào lúc đó? Các Học Viên Kinh-thánh lúc này đã được tỉnh lại, thoát khỏi Ba-by-lôn Lớn và sẵn sàng tấn công lại (Khải-huyền 18:4). Vào tháng 9 năm 1922, tại hội nghị ở Cedar Point, Ohio, Hoa Kỳ, họ bắt đầu mạnh dạn công bố sự phán xét của Đức Chúa Trời trên các đạo tự xưng theo đấng Christ (Khải-huyền 8:7-12). Vết chích của đàn châu chấu thật sự bắt đầu thấm đau! Còn nữa, tai vạ thứ nhì nơi Khải-huyền bắt đầu. Một đám binh kỵ mã tín đồ đấng Christ—lúc đầu gồm tín đồ xức dầu còn sót lại, và sau đó được gia tăng nhờ đám đông nhập cuộc—tràn ra khắp đất (Khải-huyền 7:9; 9:13-19). Vâng, cuối thời kỳ 1.290 ngày đã đem lại vui mừng cho dân sự của Đức Chúa Trời.c Nhưng còn điều gì sẽ xảy ra nữa.
1.335 ngày
17. Chúng ta có thể biết 1.335 ngày bắt đầu và kết thúc khi nào?
17 Đa-ni-ên 12:12 nói: “Phước thay cho kẻ đợi, và đến một ngàn ba trăm ba mươi lăm ngày!” Khoảng thời gian 1.335 ngày, tức ba năm tám tháng rưỡi, rõ ràng đã bắt đầu vào cuối giai đoạn trước. Tính từ tháng 9 năm 1922, sẽ đưa chúng ta đến cuối mùa xuân (Bắc Bán Cầu) năm 1926. Điều gì đã xảy ra trong khoảng thời gian 1.335 ngày này?
18. Những sự kiện nào cho thấy rằng vào năm 1922 dân sự Đức Chúa Trời vẫn còn phải tiến bộ?
18 Mặc dù những biến cố trong năm 1922 có tính chất rất quan trọng, rõ ràng một số người vẫn còn lưu luyến quá khứ. Bộ khảo cứu Kinh-thánh (Anh ngữ), do C. T. Russell biên soạn, vẫn là tài liệu học hỏi căn bản. Ngoài ra, sách nhỏ Hàng triệu người hiện đang sống sẽ không bao giờ chết (Anh ngữ), được lưu hành rộng rãi, đã trình bày quan điểm vào năm 1925, mục tiêu của Đức Chúa Trời về việc tái lập địa đàng trên đất và sự sống lại của những người trung thành thời xưa bắt đầu được ứng nghiệm. Sự chịu đựng của lớp người xức dầu dường như gần kết thúc. Dầu vậy, một số người kết hợp với Các Học Viên Kinh-thánh nghĩ rằng không cần phải đi rao giảng tin mừng cho người khác.
19, 20. a) Nhiều điều đã thay đổi thế nào cho dân sự Đức Chúa Trời trong khoảng thời gian 1.335 ngày? b) Những biến cố nào đánh dấu sự cuối cùng của thời kỳ 1.335 ngày, và nó cho thấy điều gì liên quan đến dân sự Đức Giê-hô-va?
19 Trong khoảng thời gian 1.335 ngày diễn tiến, mọi điều này đều thay đổi hết. Để làm vững mạnh anh em, các nhóm học Tháp Canh được tổ chức. Thánh chức rao giảng được nhấn mạnh. Bắt đầu từ tháng 5 năm 1923, mọi người được mời tham gia công việc rao giảng vào mỗi Thứ Ba đầu tháng, và buổi họp giữa tuần của hội thánh được dành ra một phần để khuyến khích họ làm công việc này. Vào tháng 8 năm 1923, tại một hội nghị ở Los Angeles, California, Hoa Kỳ, họ biết được là chuyện ví dụ của Chúa Giê-su về chiên và dê sẽ được ứng nghiệm trước Triều Đại Một Ngàn Năm (Ma-thi-ơ 25:31-40). Năm 1924 được chứng kiến sự ra đời của đài phát thanh WBBR, dùng các làn sóng để phổ biến tin mừng. Bài “Nước được thành lập” trong số Tháp Canh (Anh ngữ) ra ngày 1-3-1925, điều chỉnh lại sự hiểu biết về Khải-huyền đoạn 12. Cuối cùng các tín đồ đấng Christ trung thành có thể hiểu biết đúng đắn về các biến cố xáo động trong những năm 1914-1919.
20 Năm 1925 sắp qua, nhưng sự cuối cùng vẫn chưa đến. Ngay từ thập niên 1870, Các Học Viên Kinh-thánh phụng sự với một thời điểm trong đầu—trước tiên là năm 1914, rồi năm 1925. Nay họ mới ý thức rằng miễn là Đức Giê-hô-va muốn thì họ phải tiếp tục phụng sự Ngài. Tháp Canh (Anh ngữ), số ra ngày 1-1-1926, có một bài quan trọng “Ai sẽ tôn vinh Đức Giê-hô-va?” Bài này đề cao như chưa từng thấy tầm quan trọng của danh Đức Chúa Trời. Và cuối cùng, vào tháng 5 năm 1926, tại hội nghị ở Luân Đôn, Anh quốc, một quyết nghị đã được thông qua mang tựa đề “Một sự làm chứng cho các nhà cầm quyền của thế gian”. Quyết nghị này thẳng thắn công bố lẽ thật về Nước Trời và sự hủy diệt sắp đến của thế gian theo Sa-tan. Cũng trong hội nghị này, sách Giải cứu (Anh ngữ) mang thông điệp mạnh mẽ được ra mắt. Đây là sách đầu tiên trong một loạt sách thay thế Bộ khảo cứu Kinh-thánh. Nay dân sự của Đức Chúa Trời nhìn về phía trước, chứ không nhìn lại phía sau. Thời gian 1.335 ngày đã kết thúc.
21. Bền bỉ chịu đựng qua thời kỳ 1.335 ngày có nghĩa gì đối với dân sự Đức Chúa Trời lúc bấy giờ, và sự ứng nghiệm của lời tiên tri liên quan đến thời kỳ này có nghĩa gì cho chúng ta?
21 Một số người không muốn điều chỉnh theo những biến chuyển này, nhưng những ai bền bỉ chịu đựng thì thật sự hạnh phúc. Ngoài ra, khi nhìn lại sự ứng nghiệm của những thời kỳ có tính cách tiên tri, chúng ta cũng sung sướng bởi vì chúng ta càng tin chắc hơn rằng nhóm nhỏ tín đồ được xức dầu của đấng Christ đã sống qua những thời kỳ đó quả là lớp đầy tớ trung tín và khôn ngoan. Kể từ đó, tổ chức của Đức Giê-hô-va đã bành trướng rộng lớn, nhưng lớp người đầy tớ trung tín và khôn ngoan vẫn là trung tâm, cung cấp sự hướng dẫn. Vậy thì thật là hào hứng khi biết rằng còn nhiều hạnh phúc đang chờ đón những người xức dầu và các chiên khác! Chúng ta sẽ thấy điều này khi xem xét những lời tiên tri khác của Đa-ni-ên.
[Chú thích]
a Muốn biết về cách tính những thời kỳ mang ý nghĩa tiên tri này, xin xem cuốn Our Incoming World Government—God’s Kingdom, chương 8, do Watchtower Bible and Tract Society of New York, Inc. xuất bản.
c Xin xem Tháp Canh (Anh ngữ), số ra ngày 1-1-1991, trang 12, và cuốn 1975 Yearbook of Jehovah’s Witnesses, trang 132.
Bạn có thể giải thích không?
◻ Làm sao chúng ta biết được là một số lời tiên tri trong sách Đa-ni-ên sẽ được ứng nghiệm vào thời chúng ta?
◻ Tại sao chúng ta có thể tin chắc rằng những người được xức dầu còn sót lại hợp thành “đầy-tớ trung-tín và khôn-ngoan”?
◻ Khi nào 1.260 ngày bắt đầu và kết thúc?
◻ Thời kỳ 1.290 ngày đã phục hồi và làm tỉnh lại những người được xức dầu còn sót lại như thế nào?
◻ Tại sao những người bền bỉ chịu đựng đến cuối thời kỳ 1.335 ngày được vui mừng?
[Khung nơi trang 24]
THỜI KỲ TRONG LỜI TIÊN TRI CỦA ĐA-NI-ÊN
1.260 ngày:
Tháng 12-1914 đến tháng 6-1918
1.290 ngày:
Tháng Giêng-1919 đến tháng 9-1922
1.335 ngày:
Tháng 9-1922 đến tháng 5-1926