Tình yêu thương (Agape)—Thế nào là không và thế nào là phải?
“Thêm cho tình yêu-thương anh em lòng yêu-mến” (II PHI-E-RƠ 1:5, 7).
1. a) Trong Kinh-thánh, đức tính nào được làm nổi bật nhất? b) Có bốn chữ Hy Lạp nào thường được dịch là “yêu thương”, và I Giăng 4:8 muốn nói đến chữ nào?
YÊU THƯƠNG là một đức tính hoặc một tính tốt, nổi bật nhất trong Lời Đức Chúa Trời là Kinh-thánh. Trong tiếng Hy Lạp, ngôn ngữ nguyên thủy của Kinh-thánh phần tiếng Hy Lạp, có bốn chữ thường được dịch là “yêu thương”. Tình yêu thương mà chúng ta muốn nói đến bây giờ không phải là eʹros (một chữ không có trong Kinh-thánh phần tiếng Hy Lạp), một dạng tình yêu dựa trên sự hấp dẫn giới tính; cũng không phải là stor·geʹ, một cảm giác dựa trên liên hệ máu mủ; cũng không phải là phi·liʹa, tình bạn nồng ấm dựa trên sự kính trọng lẫn nhau mà chúng ta đã thảo luận trong bài trước. Đúng hơn, đó là a·gaʹpe, thứ tình yêu thương dựa trên nguyên tắc, có thể nói là đồng nghĩa với vị tha, loại tình yêu thương mà sứ đồ Giăng muốn nói khi ông viết: “Đức Chúa Trời là sự yêu-thương” (I Giăng 4:8).
2. Một người đã bình luận thế nào về tình yêu thương (a·gaʹpe)?
2 Về loại tình yêu thương này (a·gaʹpe), Giáo sư William Barclay trong cuốn New Testament Words nói: “Agapē có liên hệ đến tâm trí, ấy không phải chỉ là sự xúc động trổi lên không kìm được trong lòng mình (có thể như trường hợp với phi·liʹa); ấy là một nguyên tắc chúng ta tự ý sống theo. Agapē liên hệ chặt chẽ với ý chí. Đó là một sự chinh phục, một chiến thắng và là một thành quả. Không ai tự nhiên yêu kẻ thù mình bao giờ. Muốn yêu kẻ thù, ta phải chiến thắng tất cả các xu hướng và các xúc động tự nhiên. Agapē... thật ra là quyền lực để yêu người không thể yêu được, yêu người mà chúng ta không thích”.
3. Chúa Giê-su Christ và Phao-lô nhấn mạnh về tình yêu thương như thế nào?
3 Đúng vậy, nhấn mạnh đến tình yêu thương này là một trong những điều khác biệt giữa sự thờ phượng thanh sạch của Giê-hô-va Đức Chúa Trời và các hình thức thờ phượng khác. Chúa Giê-su Christ đúng lý nêu ra hai điều răn lớn nhất: “Nầy là điều đầu nhứt:... Ngươi phải hết lòng, hết linh-hồn, hết trí-khôn, hết sức mà kính-mến Chúa là Đức Chúa Trời ngươi. Nầy là điều thứ hai: Ngươi phải yêu kẻ lân-cận như mình. Chẳng có điều răn nào lớn hơn hai điều đó” (Mác 12:29-31). Sứ đồ Phao-lô cũng nhấn mạnh về tình yêu thương ấy nơi I Cô-rinh-tô đoạn 13. Sau khi nhấn mạnh tình yêu thương là đức tính thiết yếu, ông kết luận: “Nên bây giờ còn có ba điều nầy: đức-tin, sự trông-cậy, tình yêu-thương; nhưng điều trọng hơn trong ba điều đó là tình yêu-thương” (I Cô-rinh-tô 13:13). Chúa Giê-su đúng lý nói rằng tình yêu thương là dấu hiệu để nhận biết môn đồ ngài (Giăng 13:35).
Những điều không phải là yêu thương
4. Phao-lô nêu ra mấy khía cạnh tích cực và mấy khía cạnh tiêu cực về tình yêu thương nơi I Cô-rinh-tô 13:4-8?
4 Chúng ta đã thấy việc nói những điều không phải là yêu thương dễ hơn là việc nói những điều là yêu thương. Điều này xem ra đúng vì trong đoạn nói về tình yêu thương, I Cô-rinh-tô 13:4-8, sứ đồ Phao-lô nhắc đến chín điều không phải là yêu thương, và bảy điều là yêu thương.
5. “Ghen-tị” được định nghĩa thế nào, và nó được dùng theo nghĩa tích cực thế nào trong Kinh-thánh?
5 Điều đầu tiên Phao-lô nói tình yêu thương không phải là gì, ấy là “chẳng ghen-tị”. Điều này cần giải nghĩa thêm vì ghen tị có những khía cạnh tích cực và tiêu cực. Một tự điển định nghĩa “ghen tị” là sự “không dung túng sự kình địch” và là “sự thờ phượng chuyên độc”. Bởi thế, Môi-se nói nơi Xuất Ê-díp-tô ký 34:14 (NW): “Ngươi không được sấp mình xuống trước mặt thần nào hết, bởi Giê-hô-va mà danh Ngài là ghen tị, là Đức Chúa Trời ghen tị”. Nơi Xuất Ê-díp-tô ký 20:5 (NW), Đức Giê-hô-va nói: “Ta là Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi, tức là Đức Chúa Trời đòi hỏi sự thờ phượng chuyên độc”. Cùng ý nghĩa đó, sứ đồ Phao-lô viết: “Tôi ghen tị với anh em với một sự ghen tị theo Đức Chúa Trời” (II Cô-rinh-tô 11:2, NW).
6. Có những trường hợp nào trong Kinh-thánh cho thấy tại sao tình yêu thương chẳng ghen tị?
6 Tuy nhiên, nói chung, “ghen tị” thường mang nghĩa xấu, và vì lý do này, Ga-la-ti 5:20 liệt kê nó trong số các bông trái xác thịt. Đúng vậy, sự ghen tị như thế là ích kỷ và sanh ra lòng thù ghét và thù ghét là trái ngược với yêu thương. Lòng ghen tị đã khiến cho Ca-in thù ghét A-bên tới độ giết chàng, ghen tị cũng đã khiến cho mười anh em cùng cha khác mẹ của Giô-sép thù ghét ông tới mức muốn thủ tiêu ông. Tình yêu thương chẳng ghen tức với người khác về của cải hoặc hoàn cảnh thuận lợi của họ, như Vua A-háp ghen tức với Na-bốt về vườn nho của ông (I Các Vua 21:1-19).
7. a) Trường hợp nào cho thấy Đức Giê-hô-va không thích sự khoe khoang? b) Tại sao tình yêu thương chẳng khoe mình, ngay cả một cách thiếu suy nghĩ?
7 Kế đến Phao-lô nói rằng tình yêu thương “chẳng khoe-mình”. Khoe mình cho thấy thiếu yêu thương vì nó khiến một người tự nâng mình lên cao hơn người khác. Đức Giê-hô-va không thích những kẻ khoe mình, như chúng ta thấy trong cách Ngài hạ Vua Nê-bu-cát-nết-sa khi ông này lên mặt khoe mình (Đa-ni-ên 4:30-35). Người khoe mình thường làm vậy một cách thiếu suy nghĩ bởi quá tự mãn với thành quả hay tài sản của mình. Một số người có thể thích khoe khoang về sự thành công trong thánh chức của tín đồ đấng Christ. Những người khác thì giống một trưởng lão kia kêu điện thoại cho bạn bè để khoe vừa mua chiếc xe mới trị giá gần $50.000. Những điều này là thiếu yêu thương vì cho thấy người khoe mình cao hơn là người nghe anh nói.
8. a) Đức Giê-hô-va xem những người kiêu ngạo như thế nào? b) Tại sao tình yêu thương không phải như vậy?
8 Kế tiếp, tình yêu thương “chẳng lên mình kiêu-ngạo”. Người kiêu ngạo hay lên mặt tự tôn mình lên cao hơn người khác. Thái độ này thật là thiếu khôn ngoan vì “Đức Chúa Trời chống-cự kẻ kiêu-ngạo, nhưng ban ơn cho kẻ khiêm-nhường” (Gia-cơ 4:6). Ngược hẳn lại, người có tình yêu thương coi người khác hơn mình. Phao-lô viết nơi Phi-líp 2:2, 3: “Anh em hãy hiệp-ý với nhau, đồng tình yêu-thương, đồng-tâm, đồng tư-tưởng mà làm cho tôi vui-mừng trọn-vẹn. Chớ làm sự chi vì lòng tranh-cạnh hoặc vì hư-vinh, nhưng hãy khiêm-nhường, coi người khác như tôn-trọng hơn mình”. Thái độ như thế làm cho người khác cảm thấy thoải mái, trong khi kẻ kiêu căng làm cho người khác khó chịu vì gây ra tranh cạnh.
9. Tại sao tình yêu thương chẳng làm điều trái phép?
9 Phao-lô nói thêm rằng tình yêu thương “chẳng làm đều trái phép”. Một tự điển định nghĩa “trái phép” là “lỗ mãng, bất lịch sự hoặc ngược hẳn với phong cách hay đạo đức”. Một người xử sự trái phép (không yêu thương) coi thường cảm nghĩ của người khác. Nhiều bản dịch Kinh-thánh dịch từ Hy Lạp này là “thô lỗ”. Một người như thế chế nhạo những điều được xem là chính đáng và tốt lành. Chắc chắn sự quan tâm yêu thương đến những người khác sẽ khiến chúng ta tránh mọi điều thô lỗ hoặc trái phép, những điều làm người khác bị xúc phạm và ngay cả bàng hoàng.
Những điều khác không phải là yêu thương
10. Tình yêu thương chẳng kiếm tư lợi như thế nào?
10 Kế tiếp, chúng ta thấy rằng tình yêu thương “chẳng kiếm tư-lợi”, nghĩa là chẳng kiếm tư lợi khi có vấn đề giữa quyền lợi của chúng ta và quyền lợi của người khác. Nơi khác, sứ đồ nói: “Chẳng có người nào ghét chính thân mình, nhưng nuôi-nấng săn-sóc nó” (Ê-phê-sô 5:29). Nhưng khi có sự xung đột giữa quyền lợi của mình và quyền lợi của người khác, chúng ta nên làm như Áp-ra-ham đối với Lót, yêu thương để người kia chọn phần họ thích (Sáng-thế Ký 13:8-11).
11. Tình yêu thương chẳng nóng giận có nghĩa gì?
11 Người có tình yêu thương không dễ bị mếch lòng. Do đó, Phao-lô nói rằng tình yêu thương “chẳng nóng-giận”, nghĩa là không quá nhạy cảm, nhưng tự chủ. Những người đã kết hôn nên ghi vào lòng lời khuyên này bằng cách coi chừng chớ nóng nảy lớn tiếng hoặc la lối. Có những hoàn cảnh dễ nóng giận, và vì lý do này Phao-lô thấy cần phải khuyên Ti-mô-thê: “Tôi-tớ của Chúa không nên ưa sự tranh-cạnh, nhưng phải ở tử-tế với mọi người, có tài dạy-dỗ, nhịn-nhục”—đúng vậy, không nóng giận—nhưng “dùng cách mềm-mại mà sửa-dạy những kẻ chống-trả” (II Ti-mô-thê 2:24, 25).
12. a) Tình yêu thương không cố chấp như thế nào? b) Tại sao việc nhớ mãi đến một sự tổn thương nào đó là thiếu khôn ngoan?
12 Tiếp tục những điều không phải là yêu thương, Phao-lô khuyên: “Tình yêu thương... chẳng nghi-ngờ sự dữ [cố chấp, NW]”. Điều này không có nghĩa là tình yêu thương không để ý đến sự tổn thương. Chúa Giê-su cho chúng ta biết phải hành động thế nào khi chúng ta bị tổn thương nặng nề (Ma-thi-ơ 18:15-17). Nhưng tình yêu thương không cho phép chúng ta tiếp tục hờn giận và cưu mang thù hận. Không để lòng sự tổn thương có nghĩa là tha thứ và quên đi một khi vấn đề đã được giải quyết theo đường lối của Kinh-thánh. Đúng vậy, bạn không nên tự hành hạ hoặc làm khổ mình bằng cách cứ nhắc đi nhắc lại một lỗi lầm hay cứ nhớ mãi đến một sự tổn thương nào đó!
13. Chẳng vui về điều không công bình có nghĩa gì, và tại sao tình yêu thương không phải như thế?
13 Ngoài ra, Kinh-thánh nói với chúng ta rằng tình yêu thương “chẳng vui về đều không công-bình”. Việc thế gian vui về điều không công bình được thấy qua các cảnh bạo động và khiêu dâm trong đa số các sách báo, phim ảnh và chương trình truyền hình. Tất cả những người vui thích những điều này là ích kỷ, vì họ coi thường những nguyên tắc công bình của Đức Chúa Trời hay hạnh phúc của người khác. Tất cả những người vui thích một cách ích kỷ những điều đó đang gieo cho xác thịt và đến kỳ sẽ bởi xác thịt mà gặt sự hư nát (Ga-la-ti 6:8).
14. Tại sao chúng ta có thể nói chắc rằng tình yêu thương chẳng hề hư mất bao giờ?
14 Cuối cùng: “Tình yêu-thương chẳng hề hư-mất bao giờ”. Một lý do tình yêu thương không bao giờ thất bại hoặc chấm dứt vì Đức Chúa Trời là yêu thương và Ngài là “Vua muôn-đời” (I Ti-mô-thê 1:17). Rô-ma 8:38, 39 bảo đảm rằng tình yêu thương mà Đức Giê-hô-va dành cho chúng ta sẽ không bao giờ thất bại: “Tôi chắc rằng bất-kỳ sự chết, sự sống, các thiên-sứ, các kẻ cầm-quyền, việc bây giờ, việc hầu đến, quyền-phép, bề cao hay là bề sâu, hoặc một vật nào, chẳng có thể phân-rẽ chúng ta khỏi sự yêu-thương mà Đức Chúa Trời đã chứng cho chúng ta trong Đức Chúa Jêsus-Christ, là Chúa chúng ta”. Tình yêu thương cũng không bao giờ thất bại vì chẳng bao giờ thiếu vắng cả. Tình yêu thương lúc nào cũng vậy, trong mọi dịp, mọi thách đố.
Những điều là yêu thương
15. Tại sao Phao-lô liệt kê sự nhịn nhục trước tiên khi nói đến các khía cạnh tích cực của tình yêu thương?
15 Bây giờ chúng ta bàn đến khía cạnh tích cực, những điều là yêu thương, Phao-lô bắt đầu: “Tình yêu-thương hay nhịn-nhục”. Người ta nói rằng sẽ không có tình bằng hữu giữa các tín đồ đấng Christ nếu không có sự nhịn nhục, tức là không có sự kiên nhẫn chịu đựng nhau. Sở dĩ như vậy là bởi vì tất cả chúng ta đều bất toàn, và sự bất toàn và sự yếu kém của chúng ta sẽ thử thách người khác. Chúng ta không ngạc nhiên khi thấy sứ đồ Phao-lô liệt kê khía cạnh này trước nhất khi nói đến những điều là yêu thương!
16. Những người trong gia đình có thể tử tế với nhau như thế nào?
16 Phao-lô cũng nói rằng tình yêu thương hay “tử tế” (NW), tức là tình yêu thương hay giúp đỡ, quan tâm, ân cần đối với người khác. Sự tử tế được biểu lộ trong việc lớn cũng như việc nhỏ. Người Sa-ma-ri có tình láng giềng hẳn đã bày tỏ lòng tử tế đối với người đàn ông bị bọn cướp đánh (Lu-ca 10:30-37). Tình yêu thương thích nói “làm ơn”. Nói: “Đưa bánh lại đây” là ra lệnh. Thêm vào trước câu đó chữ “làm ơn” sẽ biến thành một lời yêu cầu. Người chồng tử tế với vợ khi làm theo lời khuyên nơi I Phi-e-rơ 3:7: “Hỡi người làm chồng, hãy tỏ đều khôn-ngoan ra trong sự ăn-ở với vợ mình, như là với giống yếu-đuối hơn, vì họ sẽ cùng anh em hưởng phước sự sống, nên phải kính-nể họ, hầu cho không điều gì làm rối-loạn sự cầu-nguyện của anh em”. Ngưòi vợ tử tế với chồng khi bày tỏ sự “kính-trọng sâu-xa” (Ê-phê-sô 5:33). Người cha tử tế với con cái khi làm theo lời khuyên nơi Ê-phê-sô 6:4: “Hỡi các người làm cha, chớ chọc cho con cái mình giận-dữ, hãy dùng sự sửa-phạt của Chúa mà nuôi-nấng chúng nó”.
17. Tình yêu thương vui trong lẽ thật qua hai cách nào?
17 Tình yêu thương không vui về điều không công bình nhưng “vui trong lẽ thật”. Tình yêu thương và lẽ thật đi đôi với nhau—Đức Chúa Trời là yêu thương, và đồng thời Ngài cũng là “Đức Chúa Trời của lẽ thật” (Thi-thiên 31:5, NW). Tình yêu thương vui mừng nhìn thấy lẽ thật chiến thắng và phơi bày sự giả dối. Điều này đã góp phần vào việc gia tăng lớn lao số người thờ phượng Đức Giê-hô-va đang diễn ra ngày nay. Tuy nhiên, vì lẽ thật tương phản với sự không công bình nên tình yêu thương cũng có thể vui về điều công bình. Tình yêu thương vui mừng khi thấy sự công bình chiến thắng, như những người thờ phượng Đức Giê-hô-va được lệnh phải vui mừng khi Ba-by-lon lớn bị sụp đổ (Khải-huyền 18:20).
18. Tình yêu thương dung thứ mọi sự trên khía cạnh nào?
18 Phao-lô cũng nói rằng tình yêu thương “dung-thứ mọi sự”, và theo bản dịch Kingdom Interliner cho thấy tình yêu thương che đậy mọi sự. Tình yêu thương không “gièm-chê” anh em, như kẻ ác thường làm (Thi-thiên 50:20; Châm-ngôn 10:12; 17:9). Vâng, ý tưởng ở đây cũng giống như nơi I Phi-e-rơ 4:8: “Yêu-thương che-đậy vô-số tội-lỗi”. Dĩ nhiên, lòng trung tín sẽ giúp một người tránh che đậy những tội nặng phạm cùng Đức Giê-hô-va và hội thánh của tín đồ đấng Christ.
19. Tình yêu thương tin mọi sự trên khía cạnh nào?
19 Tình yêu thương “tin mọi sự”. Tình yêu thương tích cực chứ không tiêu cực. Điều này không có nghĩa tình yêu thương là khờ dại, vội tin những lời xúc động. Nhưng muốn có đức tin nơi Đức Chúa Trời, một người phải có ý chí tin tưởng. Như vậy tình yêu thương không hoài nghi, không chỉ trích thái quá. Tình yêu thương không từ chối tin tưởng như những kẻ vô thần, nói một cách độc đoán rằng không có Đức Chúa Trời, cũng không như những kẻ theo thuyết bất khả tri, cho rằng chúng ta không thể biết được chúng ta từ đâu đến, tại sao chúng ta ở đây, và tương lai sẽ như thế nào. Lời Đức Chúa Trời cho chúng ta một sự bảo đảm về tất cả những điều này. Tình yêu thương cũng sẵn sàng tin vì tình yêu thương hay tin cậy chứ không nghi ngờ quá đáng.
20. Tình yêu thương liên kết với hy vọng như thế nào?
20 Sứ đồ Phao-lô bảo đảm thêm rằng tình yêu thương “trông-cậy mọi sự”. Bởi tình yêu thương tích cực chứ không tiêu cực nên nó có niềm hy vọng mạnh mẽ nơi tất cả những gì Đức Chúa Trời đã hứa trong Lời Ngài. Chúng ta đọc: “Ai cầy ruộng phải trông-cậy mà cầy, ai đạp lúa phải trông-cậy mình sẽ có phần mà đạp lúa” (I Cô-rinh-tô 9:10). Tình yêu thương không những hay tin cậy mà còn hy vọng nữa, luôn luôn hy vọng điều tốt lành nhất.
21. Lời bảo đảm nào trong Kinh-thánh cho thấy rằng tình yêu thương nín chịu mọi sự?
21 Cuối cùng chúng ta được bảo đảm là tình yêu thương “nín-chịu mọi sự”. Có thể làm được điều này vì như Phao-lô nói nơi I Cô-rinh-tô 10:13: “Những sự cám-dỗ đến cho anh em, chẳng có sự nào quá sức loài người. Đức Chúa Trời là thành-tín, Ngài chẳng hề cho anh em bị cám-dỗ quá sức mình đâu nhưng trong sự cám-dỗ, Ngài cũng mở đàng cho ra khỏi, để anh em có thể chịu đựng được”. Tình yêu thương sẽ khiến chúng ta nhìn vào nhiều gương bền bỉ chịu đựng của các tôi tớ Đức Chúa Trời trong Kinh-thánh. Người đứng đầu là Chúa Giê-su Christ, như chúng ta được nhắc nhở nơi Hê-bơ-rơ 12:2, 3.
22. Là con cái của Đức Chúa Trời, chúng ta nên luôn luôn quan tâm đến việc bày tỏ đức tính nổi bật nào?
22 Thật vậy, tình yêu thương (a·gaʹpe) là đức tính nổi bật mà chúng ta là tín đồ của đấng Christ, tức Nhân-chứng Giê-hô-va, cần vun trồng về cả những gì là yêu thương và không là yêu thương. Là con cái của Đức Chúa Trời, mong sao chúng ta luôn luôn quan tâm đến việc bày tỏ bông trái này của thánh linh Đức Chúa Trời. Làm thế, chúng ta sẽ có đức tính giống như Đức Chúa Trời vì “Đức Chúa Trời là yêu-thương”.
Bạn có nhớ không?
◻ Chúa Giê-su Christ và Phao-lô cho thấy tình yêu thương nổi bật nhất như thế nào?
◻ Tình yêu thương chẳng ghen tị theo nghĩa nào?
◻ Tình yêu thương ‘dung-thứ mọi sự’ như thế nào?
◻ Tại sao chúng ta có thể nói rằng tình yêu thương chẳng hề hư mất bao giờ?
◻ Tình yêu thương vui trong lẽ thật qua hai cách nào?
[Khung nơi trang 18]
TÌNH YÊU THƯƠNG (AGAPE)
Không... Phải...
1. Ghen tị 1. Nhịn nhục
2. Khoe mình 2. Tử tế
3. Lên mình kiêu ngạo 3. Vui trong lẽ thật
4. Làm điều trái phép 4. Dung thứ mọi sự
5. Kiếm tư lợi 5. Tin mọi sự
6. Nóng giận 6. Trông cậy mọi sự
7. Cố chấp 7. Nín chịu mọi sự
8. Vui về điều không công bình
9. Hư mất bao giờ