Đức Chúa Trời không chậm thực hiện lời hứa của Ngài
“HỠI Đức Giê-hô-va! Tôi kêu-van mà Ngài không nghe tôi cho đến chừng nào?” Đó là lời của nhà tiên tri Hê-bơ-rơ tên Ha-ba-cúc, sống vào thế kỷ thứ bảy TCN. Những lời này nghe thật quen thuộc, phải không? Bản chất tự nhiên của con người là muốn được ngay lập tức, hay càng sớm càng tốt, những điều mình thiết tha ao ước. Và điều này đặc biệt đúng trong thời đại của sự thỏa mãn tức thời mà chúng ta đang sống.—Ha-ba-cúc 1:2.
Trong thế kỷ thứ nhất, một số người hình như cảm thấy là Đức Chúa Trời lẽ ra đã phải thực hiện các lời hứa của Ngài rồi. Họ đã mất kiên nhẫn đến độ cho rằng Đức Chúa Trời chậm chạp hoặc trễ nải. Vì lý do này, sứ đồ Phi-e-rơ đã phải nhắc họ rằng quan điểm của Đức Chúa Trời về thời gian rất khác với quan điểm của chúng ta. Phi-e-rơ viết: “Hỡi kẻ rất yêu-dấu, chớ nên quên rằng ở trước mặt Chúa một ngày như ngàn năm, ngàn năm như một ngày”.—2 Phi-e-rơ 3:8.
Theo cách tính thời gian này, một người 80 tuổi kể như mới chỉ sống khoảng hai tiếng đồng hồ, còn cả lịch sử nhân loại chỉ mới có khoảng sáu ngày thôi. Khi nhìn sự vật theo quan điểm này thì chúng ta sẽ dễ hiểu cách Đức Chúa Trời đối xử với chúng ta hơn.
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là thời gian không quan trọng đối với Đức Chúa Trời. Trái lại, Ngài rất có ý thức về thời gian. (Công-vụ các Sứ-đồ 1:7) Bởi đó, Phi-e-rơ nói tiếp: “Chúa không chậm-trễ về lời hứa của Ngài như mấy người kia tưởng đâu, nhưng Ngài lấy lòng nhịn-nhục đối với anh em, không muốn cho một người nào chết mất, song muốn cho mọi người đều ăn-năn”. (2 Phi-e-rơ 3:9) Khác với loài người, Đức Chúa Trời không cảm thấy bị áp lực phải làm một việc gì đó như thể Ngài không đủ thời gian. Là “Vua muôn đời”, Ngài có cái nhìn khái quát tuyệt vời và có thể xác định khi nào Ngài nên hành động hầu đem lại lợi ích nhiều nhất cho mọi người trong cuộc.—1 Ti-mô-thê 1:17.
Sau khi giải thích lý do tại sao Đức Chúa Trời có vẻ chậm trễ, Phi-e-rơ cảnh cáo: “Ngày của Chúa sẽ đến như kẻ trộm”. Đó có nghĩa là ngày khai trình mọi sự sẽ đến vào lúc bất ngờ. Sau đó, trong những câu kế tiếp, Phi-e-rơ cho thấy triển vọng tuyệt vời dành cho những ai “nên thánh và tin-kính trong mọi sự ăn-ở của mình”, tức là họ có thể sống sót để hưởng “trời mới đất mới” mà Đức Chúa Trời đã hứa.—2 Phi-e-rơ 3:10-13.
Điều này càng làm cho chúng ta biết ơn hơn nữa vì sự phán xét của Đức Chúa Trời chưa đến. Sự kiên nhẫn của Ngài giúp ta có cơ hội biết về ý định của Ngài và điều chỉnh cuộc sống của chúng ta hầu hưởng được các ân phước mà Ngài đã hứa. Chúng ta há không xem “sự nhịn-nhục... của Chúa chúng ta cốt vì cứu-chuộc”, như Phi-e-rơ đã lý giải hay sao? (2 Phi-e-rơ 3:15) Tuy nhiên, Đức Chúa Trời còn tỏ sự kiên nhẫn vì một lý do khác nữa.
Khi tội ác lên đến cực độ
Khi nghiên cứu cách Đức Chúa Trời đối xử với loài người vào thời xưa, chúng ta nhận thấy Ngài thường hoãn sự phán xét của Ngài lại cho đến khi tình thế không còn hy vọng cứu vãn nữa. Chẳng hạn như trong trường hợp Đức Chúa Trời phán xét dân Ca-na-an, Ngài đã vạch rõ cho Áp-ra-ham thấy tội lỗi của họ một thời gian dài trước khi phán xét. Nhưng đó chưa phải là lúc Ngài thi hành phán xét. Tại sao chưa? Kinh Thánh nói: “Vì tội-lỗi của dân A-mô-rít [dân Ca-na-an] chưa được đầy-dẫy”, hoặc như Bản Diễn Ý dịch: “Tội ác dân A-mo chưa lên đến cực độ”.—Sáng-thế Ký 15:16.a
Tuy nhiên, khoảng 400 năm sau đó, Đức Chúa Trời đã phán xét dân Ca-na-an, và con cháu Áp-ra-ham, tức dân Y-sơ-ra-ên, đã chiếm lấy xứ này. Một ít người Ca-na-an, như Ra-háp và dân Ga-ba-ôn, đã thoát chết nhờ thái độ và hành động của họ, nhưng sự ô uế của phần đông dân Ca-na-an đã lên đến tột độ, như các sự khai quật của ngành khảo cổ thời nay cho thấy. Họ thờ phượng dương vật, hành dâm nơi đền thờ và dâng con cái làm của-lễ thiêu. Cuốn Halley’s Bible Handbook viết: “Các nhà khảo cổ khai quật di tích ở các thành phố Ca-na-an xưa đã thắc mắc không hiểu tại sao Đức Chúa Trời lại không tiêu diệt các thành ấy sớm hơn nữa”. Cuối cùng, ‘tội-lỗi [dân Ca-na-an] đã đầy-dẫy’; tội ác họ đã “lên đến cực độ”. Không ai còn lý do chính đáng nào để chỉ trích Đức Chúa Trời là bất công khi Ngài tẩy sạch đất, và cứu những người đã tỏ thái độ đúng.
Hình ảnh tương tự này được thấy trong thời Nô-ê. Mặc dù dân chúng thời trước Nước Lụt rất gian ác, nhưng Đức Chúa Trời vì lòng thương xót đã quyết định cho họ được sống thêm 120 năm nữa. Trong khoảng thời gian đó, Nô-ê làm “thầy giảng đạo công-bình”. (2 Phi-e-rơ 2:5) Thời gian trôi qua, sự gian ác của họ rõ ràng đã chín muồi. “Đức Chúa Trời nhìn xem thế-gian, thấy đều bại-hoại, vì hết thảy xác-thịt làm cho đường mình trên đất phải bại-hoại”. (Sáng-thế Ký 6:3, 12) “Tội lỗi họ đã lên đến cực độ”; với thời gian các xu hướng xấu xa của họ đã lên đến tột cùng. Khi Đức Chúa Trời ra tay hành động, Ngài hoàn toàn có lý. Chỉ có tám người đã được xem là công bình dưới mắt Đức Chúa Trời, và được Ngài cứu sống.
Đức Chúa Trời đã đối xử đồng một cách ấy với dân Y-sơ-ra-ên. Mặc dù họ đã cư xử bất trung và theo đường lối bại hoại, nhưng Đức Chúa Trời đã kiên nhẫn với họ hàng bao trăm năm. Kinh Thánh tường thuật: “Giê-hô-va Đức Chúa Trời... vì có lòng thương-xót dân sự... nên hằng sai sứ-giả đến cùng chúng; nhưng chúng... khinh-bỉ các lời phán Ngài, cười-nhạo những tiên-tri của Ngài, cho đến nỗi cơn thạnh-nộ của Đức Giê-hô-va nổi lên cùng dân-sự Ngài, chẳng còn phương chữa được”. (2 Sử-ký 36:15, 16) Dân chúng đã bại hoại đến mức vô phương cứu chữa. Chỉ có Giê-rê-mi và một số người khác được cứu sống. Cuối cùng khi Đức Chúa Trời phán xét dân chúng thì không ai có thể nói Ngài là bất công.
Nay là lúc Đức Chúa Trời ra tay hành động
Qua các ví dụ này chúng ta hiểu được là Đức Chúa Trời chỉ hoãn sự phán xét hệ thống mọi sự hiện tại lại cho đến khi tình thế chín muồi. Điều này được diễn đạt trong mệnh lệnh của Đức Chúa Trời ban cho đấng hành quyết tượng trưng của Ngài: “Hãy quăng lưỡi liềm bén của ngươi xuống đất và hái những chùm nho ở dưới đất đi, vì nho đã chín rồi. Thiên-sứ quăng lưỡi liềm xuống đất, cắt vườn nho ở đất và ném nho vào thùng lớn thạnh-nộ của Đức Chúa Trời”. Hãy lưu ý là sự gian ác của nhân loại đã “chín rồi”, nghĩa là nó đã đến mức không còn phương cứu chữa nữa. Khi Đức Chúa Trời thi hành phán xét, chắc chắn sự can thiệp của Ngài là chính đáng.—Khải-huyền 14:18, 19.
Xét theo những điều nêu trên, rõ ràng là Đức Chúa Trời sắp phán xét thế gian này vì nó đã mang lấy những đặc tính đáng bị đoán phạt như trong quá khứ. Đâu đâu trên đất chúng ta cũng thấy đầy dẫy sự hung bạo, y như tình trạng trước Nước Lụt vào thời Nô-ê. Thái độ của người ta ngày càng giống thái độ được mô tả nơi Sáng-thế Ký 6:5: “Các ý-tưởng của lòng họ chỉ là xấu luôn”. Thậm chí những tội lỗi ghê gớm đã khiến Đức Chúa Trời phải đoán phạt dân Ca-na-an, ngày nay cũng chỉ là chuyện thường.
Đặc biệt từ Thế Chiến I đến nay nhân loại đã trải qua nhiều thay đổi kinh hoàng. Loài người đã chứng kiến trái đất đẫm máu của hàng triệu người. Chiến tranh, tội diệt chủng, khủng bố, tội ác và sự phạm pháp đã lan tràn khắp thế giới. Đói kém, dịch lệ và sự vô luân đang đe dọa trái đất của chúng ta. Mọi bằng chứng đều cho thấy là ngày nay chúng ta đang sống giữa dòng dõi hoặc thế hệ gian ác mà Chúa Giê-su có nói: “Dòng-dõi nầy chẳng qua trước khi mọi điều kia chưa xảy đến”. (Ma-thi-ơ 24:34) Tội lỗi thế gian này đã “lên đến cực độ”. “Những chùm nho ở dưới đất” đang chín muồi, sắp bị cắt.
Đã đến lúc bạn phải hành động
Sứ đồ Giăng được bảo rằng khi kỳ phán xét đến gần, sẽ có hai hình thức chín muồi. Một là “kẻ nào không công-bình, cứ không công-bình nữa; kẻ nào ô-uế, cứ còn ô-uế nữa”. Mặt khác, “kẻ nào công-bình, cứ làm điều công-bình nữa; kẻ nào là thánh, cứ làm nên thánh nữa”. (Khải-huyền 22:10, 11) Sự phát triển theo cách thứ hai đang diễn ra nhờ công việc dạy dỗ Kinh Thánh trên toàn thế giới do Nhân Chứng Giê-hô-va điều khiển. Mục tiêu của công việc này là dạy cho người ta biết những điều Đức Chúa Trời đòi hỏi để họ có thể được kể là xứng đáng hưởng sự sống đời đời. Ngày nay hoạt động này do khoảng 87.000 hội thánh thực hiện ở 233 xứ.
Đức Chúa Trời không chậm trễ. Với sự kiên nhẫn Ngài đã cho mọi người có đủ thời gian cần thiết để “mặc lấy nhân cách mới” hầu hưởng được những gì Ngài hứa. (Ê-phê-sô 4:24, NW) Ngày nay Đức Chúa Trời vẫn đang chờ đợi, mặc dù tình trạng thế gian cứ càng lúc càng tệ hơn. Nhân Chứng Giê-hô-va trên toàn thế giới đang làm tất cả những gì họ có thể làm để chia sẻ với người lân cận mình sự hiểu biết dẫn đến sự sống đời đời. (Giăng 17:3, 17) Mừng thay, mỗi năm có hơn 300.000 người hưởng ứng và làm báp têm.
Với sự sống đời đời ở trước mắt, nay là lúc, không phải để chờ đợi, mà là để hành động. Vì chẳng bao lâu nữa, chúng ta sẽ thấy lời hứa của Chúa Giê-su được ứng nghiệm: “Ai sống và tin ta thì không hề chết”.—Giăng 11:26.
[Chú thích]
a Phần cước chú cho câu này trong bản dịch The Soncino Chumash ghi như sau: “Để đáng bị truất diệt, vì Chúa chỉ phạt một dân tộc khi tội lỗi họ đã lên đến cực độ”.
[Hình nơi trang 6]
Đức Chúa Trời đã bảo đấng hành quyết của Ngài quăng lưỡi liềm xuống khi nho trên đất đã chín muồi
[Hình nơi trang 7]
Nhân Chứng Giê-hô-va trên khắp thế giới đang giúp người ta sống phù hợp với đường lối Đức Chúa Trời để được hưởng những ân phước đời đời của Ngài