Những người chăn chiên tín đồ Đấng Christ có thể giúp bạn thế nào
TẠI nhiều nơi chúng ta có thể quan sát cách mà người chăn chiên chăm lo cho bầy. Họ dẫn dắt, che chở và chu cấp cho chiên. Đây là điều đáng chú ý cho trưởng lão tín đồ đấng Christ, vì công việc của họ gồm có việc chăn chiên. Thật vậy, họ có trách nhiệm “chăn Hội-thánh của Đức Chúa Trời” và ‘giữ luôn cả bầy’ (Công-vụ các Sứ-đồ 20:28).
Nếu bạn là thành viên của hội thánh tín đồ đấng Christ, làm sao những người chăn chiên có tính thiêng liêng có thể giúp bạn? Và bạn nên phản ứng thế nào khi họ cố gắng giúp bạn? Tại sao hội thánh cần họ giúp đỡ?
Che chở khỏi những gì?
Ngày xưa sư tử và những dã thú khác là mối đe dọa cho bầy chiên và chúng hay vồ từng con chiên một để ăn thịt. Người chăn chiên phải bảo vệ chiên (I Sa-mu-ên 17:34, 35). Cũng vậy, Sa-tan Ma-quỉ “như sư-tử rống, đi rình-mò chung-quanh anh em, tìm-kiếm người nào nó có thể nuốt được” (I Phi-e-rơ 5:8). Hắn giận dữ chinh chiến không những chống lại tổ chức của Đức Giê-hô-va trên đất nói chung mà còn chống lại từng tôi tớ một của Đức Chúa Trời. Mục tiêu của Sa-tan là gì? Hắn muốn làm dân Đức Giê-hô-va thối chí và hắn còn muốn ngăn cản không cho họ “giữ các điều-răn của Đức Chúa Trời” và nói về “lời chứng của Đức Chúa Jêsus” (Khải-huyền 12:17).
Đức Giê-hô-va kết án các quan trưởng của nước Y-sơ-ra-ên xưa vì họ đã chểnh mảng trách nhiệm của họ và để cho chiên ngài làm “đồ-ăn của mọi loài thú ngoài đồng” (Ê-xê-chi-ên 34:8). Tuy nhiên, trưởng lão tín đồ đấng Christ thật lòng muốn che chở những người trong hội thánh để họ không bị hư mất vì bị bỏ bê vì ảnh hưởng của Sa-tan, thế gian, hay của kẻ bội đạo giống như “muông-sói” (Công-vụ các Sứ-đồ 20:29, 30). Làm sao người chăn chiên có thể giúp tất cả chiên trong bầy tỉnh thức và cảnh giác? Một cách là qua các bài giảng được soạn kỹ dựa theo Kinh-thánh trình bày trên bục giảng tại Phòng Nước Trời. Một cách khác là nói chuyện tích cực và xây dựng trước và sau các buổi họp. Một cách hữu hiệu khác nữa là viếng thăm chính cá nhân “chiên” tại nhà. (So sánh Thi-thiên 95:7). Nhưng cuộc thăm chiên là gì? Làm sao viếng thăm chiên? Và nên viếng thăm ai?
Cuộc thăm chiên là gì?
Một cuộc thăm chiên không phải chỉ là một cuộc viếng thăm xã giao để nói chuyện không quan trọng. Một trưởng lão nhận xét: “Phần đông người công bố hết sức vui thích đọc một câu Kinh-thánh hoặc bàn luận về một nhân vật trong Kinh-thánh. Dĩ nhiên, người trưởng lão không phải là người duy nhất nói trong suốt buổi họp mặt. Người công bố Nước Trời được viếng thăm thường cũng muốn phát biểu cảm nghĩ của mình về Kinh-thánh, và làm điều này giúp họ vững đức tin. Người trưởng lão có thể đem theo một tờ Tháp Canh hoặc Awake! (Tỉnh thức!) để bàn luận về một bài xây dựng. Có thể chính việc bàn luận về vấn đề thiêng liêng là điểm khác biệt giữa cuộc thăm chiên và cuộc viếng thăm xã giao”.
Một trưởng lão khác có kinh nghiệm phát biểu: “Trước khi đến thăm chiên, người trưởng lão bỏ ra một ít thì giờ để suy nghĩ về người công bố mình sắp đến thăm. Cái gì có thể làm cho người công bố phấn khởi? Lời khen chân thành là một khía cạnh thiết yếu của việc thăm chiên, vì nó giúp một người có thêm nghị lực để chịu đựng”. Vâng, cuộc thăm chiên không chỉ là một cuộc viếng thăm giữa bạn hữu mà bất cứ ai trong hội thánh cũng có thể làm được.
Tại sao người chăn chiên đến thăm bạn?
Khi một trưởng lão đến thăm một gia đình, thì anh sẵn sàng khuyến khích người đồng đạo và giúp họ vững vàng trong đức tin (Rô-ma 1:11). Vậy khi một hay hai trưởng lão muốn đến thăm bạn, bạn phản ứng ra sao? Một người giám thị lưu động nói: “Nếu chỉ đợi đến khi nào có điều gì sái quấy xảy ra thì mới đến thăm chiên, thì phản ứng đầu tiên khi chúng ta đề nghị đến thăm có thể là: ‘Thôi rồi, tôi làm điều gì sai đây?’ ”. Người chăn chiên thiêng liêng nào có đầy lòng yêu thương sẽ bắt chước Đức Giê-hô-va, ngài chăm lo cho người viết Thi-thiên và luôn luôn ‘bổ lại linh-hồn của ông’, nhất là vào những lúc khốn khó và lúc có nhu cầu đặc biệt (Thi-thiên 23:1-4).
Mục tiêu của việc thăm chiên là để ‘gây-dựng, chớ không phải để hủy-diệt’ (II Cô-rinh-tô 13:10). Người được thăm sẽ được khuyến khích biết bao khi nghe những lời nói lên lòng quý mến của anh trưởng lão đối với sự kiên trì, sự sốt sắng và việc làm thành tín. Một trưởng lão nhận định: “Khi đi thăm chiên, không nên để cho có vẻ là chúng ta đến với mục đích là khám phá và bàn luận về những vấn đề. Lẽ dĩ nhiên, chính người công bố có thể muốn nói về một khó khăn rõ ràng. Và nếu chiên bị què hoặc tự cô lập hóa với các chiên khác trong bầy thì người trưởng lão phải làm gì đó để cứu chữa”.
Người chăn tín đồ đấng Christ chắc chắn sẽ chăm lo đặc biệt cho những ai được miêu tả bằng những lời này: “Ta [Đức Giê-hô-va] sẽ tìm con nào đã mất, dắt về con nào đã bị đuổi, rịt thuốc cho con nào bị gãy, và làm cho con nào đau được mạnh” (Ê-xê-chi-ên 34:16). Đúng, chiên có thể cần phải được tìm, dắt về, rịt thuốc cho hoặc làm vững mạnh. Những người chăn chiên trong nước Y-sơ-ra-ên đã sao lãng trách nhiệm này. Muốn làm việc như thế người chăn chiên phải đi gặp một chiên nào đó và chăm lo cho những gì nó cần. Trên cơ bản, đây phải là một nét đặc biệt của mỗi lần đi thăm chiên ngày nay.
Chiên khỏe mạnh cần được chăm sóc
Chúng ta có nên kết luận rằng người chăn chiên về mặt thiêng liêng ngày nay không cần đặc biệt chú tâm đến chiên khỏe mạnh không? Hãy nghĩ xem, khi một con chiên theo nghĩa đen gặp phải khó khăn, nếu chiên tín nhiệm người chăn thì giúp chiên sẽ dễ hơn nhiều. Một cuốn sách chỉ nam có lời nhận xét rằng “chiên tự nhiên hay sợ người, và gây được sự tin cậy nơi chúng không phải luôn luôn dễ”. Sách cẩm nang đó cũng đưa ra những lời đề nghị, trong số đó có ghi nguyên tắc căn bản để được sự tin tưởng của chiên: “Nói chuyện với chiên thường xuyên. Chiên sẽ quen giọng nói, và khi nghe giọng nói này làm chúng vững dạ. Hãy đi thăm chiên thường xuyên ngay nơi đồng cỏ” (Alles für das Schaf. Handbuch für die artgerechte Haltung [Tất cả cho chiên. Cẩm nang chăn chiên đúng cách]).
Thành ra, nếu muốn có một sự liên hệ tín cẩn giữa chiên và người chăn chiên, thì phải có sự tiếp xúc. Trong hội thánh tín đồ đấng Christ cũng vậy. Một trưởng lão nhận thấy: “Việc đi thăm chiên có khó khăn sẽ dễ dàng hơn nếu người trưởng lão có tiếng tăm là người năng thăm chiên”. Do đó, những người chăn về mặt thiêng liêng không nên cố chăn nuôi chiên chỉ tại Phòng Nước Trời mà thôi. Nếu có điều kiện, trưởng lão nên tìm hiểu chiên bằng cách đến thăm chiên tại nhà. Một tín đồ đấng Christ nhớ lại rằng khi anh mới được bổ nhiệm làm trưởng lão, giám thị chủ tọa điện thoại cho anh nhờ anh đến thăm và an ủi một anh vừa mới mất đứa con gái trong một vụ tai nạn xe cộ khủng khiếp. Người trưởng lão công nhận: “Tôi cảm thấy ngại ngùng làm sao, vì trước đó tôi chưa bao giờ thăm anh này và tôi còn không biết nhà anh đó ở đâu nữa! Thật là nhẹ nhõm làm sao khi có một anh trưởng lão có kinh nghiệm tình nguyện đi cùng với tôi”. Đúng vậy, các trưởng lão giúp đỡ lẫn nhau trong việc đi thăm chiên.
Khi chuẩn bị và đi thăm chiên nào đó, một người trưởng lão có thể mời một tôi tớ thánh chức đang vươn tới “việc tốt-lành” của một giám thị đi cùng (I Ti-mô-thê 3:1, 13). Một tôi tớ thánh chức sẽ quí mến biết mấy khi được thấy cách một trưởng lão giúp chiên lúc thăm chiên! Như thế trưởng lão và tôi tớ thánh chức sẽ gắn bó hơn với tất cả trong hội thánh, thắt chặt tình yêu thương và sự đoàn kết của tín đồ đấng Christ (Cô-lô-se 3:14).
Sắp xếp thời gian để đi thăm chiên
Khi một hội đồng trưởng lão nọ để cho mỗi người điều khiển Buổi học Cuốn sách Hội thánh tự mình lo việc thăm chiên, tất cả những người công bố trong vài nhóm nào đó được viếng thăm trong vòng sáu tháng, trong khi đó trong các nhóm khác không ai được viếng thăm gì cả. Điều này khiến một trưởng lão phải nói: “Có vẻ là một vài trưởng lão chủ động đi thăm chiên rất nhiều, còn một số thì cần các trưởng lão khác khuyến khích làm việc này”. Do đó một số hội đồng trưởng lão sắp xếp để tất cả người công bố được viếng thăm bởi người chăn chiên trong vòng một thời gian hạn định.
Dĩ nhiên, một trưởng lão hoặc bất cứ một người công bố nào khác có thể đến thăm một người trong hội thánh mà không cần phải chờ đến một sự sắp xếp đặc biệt nào. Trước khi đi thăm chiên, một trưởng lão kể rằng anh điện thoại và nói: “Mỗi tháng tôi đến một gia đình thăm chiên. Tôi có thể thăm anh / chị trong một tiếng vào tháng tới được không?”
Ơn phước của việc thăm chiên
Trong khi áp lực của hệ thống gian ác càng ngày càng gia tăng, những cuộc thăm chiên đầy khích lệ trở nên có lợi hơn bao giờ hết. Khi mọi người trong bầy được khuyến khích và giúp đỡ qua việc thăm chiên, mỗi chiên đều thấy an toàn và an tâm.
Có lời báo cáo nói về một hội thánh nơi mà tất cả các người công bố Nước Trời được người chăn chiên đến thăm đều đặn như sau: “Người công bố trở nên hết sức tích cực về việc đi thăm chiên. Rất thông thường có người công bố đến với trưởng lão hỏi xem khi nào anh sẽ đến thăm lần tới, vì người hỏi ắt đã vui thích một buổi nói chuyện xây dựng trong kỳ thăm chiên lần trước. Đi thăm chiên là một yếu tố giúp cải tiến bầu không khí của hội thánh”. Những báo cáo khác cho thấy rằng khi những người chăn chiên lấy lòng yêu thương chăn chiên thì hội thánh sẽ lớn mạnh trong tình yêu thương, sự đoàn kết và sự nồng hậu. Thật là điều ơn phước!
Các người chăn tín đồ đấng Christ đi thăm chiên để giúp họ tiếp tục khỏe mạnh về thiêng liêng. Trưởng lão muốn khuyến khích và làm vững mạnh niềm tin của tín hữu. Nếu một vấn đề nghiêm trọng cần phải khuyên bảo phát hiện vào dịp viếng thăm, tốt hơn hết là sắp xếp để bàn luận vào dịp khác, nhất là nếu trưởng lão có tôi tớ thánh chức cùng đi theo. Dù sao đi nữa, cầu nguyện để kết thúc buổi thăm chiên rất là thích hợp.
Người chăn chiên thiêng liêng có muốn đến nhà bạn trong tương lai gần đây không? Nếu vậy, hãy vui vẻ mong đợi những điều khích lệ sắp đến. Anh đến để phục vụ bạn và để giúp bạn cương quyết giữ theo con đường đưa đến sự sống đời đời (Ma-thi-ơ 7:13, 14).
[Khung nơi trang 26]
NHỮNG LỜI ĐỀ NGHỊ CHO VIỆC THĂM CHIÊN
◻ Hẹn gặp trước: Chúng ta nên hẹn gặp trước. Nếu trưởng lão dự định bàn về một vấn đề nghiêm trọng, thì anh nên nói cho người công bố biết trước.
◻ Chuẩn bị: Chú ý đến cá tính và tình huống của người ấy. Nói lên những lời khen chân thành. Đặt cho mình một mục tiêu là đem đến cho người được thăm một “sự ban-cho thiêng-liêng” hầu khuyến khích và làm vững mạnh đức tin (Rô-ma 1:11, 12).
◻ Cùng đi với người khác: Một trưởng lão khác hoặc một tôi tớ thánh chức có khả năng.
◻ Trong lúc đến thăm: Trưởng lão cần phải thoải mái, yêu thương, tích cực, và biết uyển chuyển. Hỏi han về gia đình xem có được êm ả không và những điều khác nữa. Hãy lắng nghe. Nếu có vấn đề nghiêm trọng phát hiện, tốt hơn hết là sắp xếp một cuộc thăm chiên đặc biệt.
◻ Cuộc thăm kéo dài bao lâu: Hãy giữ đúng thời gian như đã thỏa thuận, và ra về trong lúc người được thăm vẫn còn vui vẻ.
◻ Kết thúc cuộc viếng thăm: Một lời cầu nguyện kết thúc rất thích hợp và thật sự thỏa lòng (Phi-líp 4:6, 7).
[Hình nơi trang 24]
Những người chăn chiên tín đồ đấng Christ cho chúng ta sự che chở về mặt thiêng liêng
[Các hình nơi trang 26]
Những cuộc thăm chiên là những dịp tốt để khuyến khích về mặt thiêng liêng