Tự truyện
‘Ngày mai sẽ ra thế nào, chúng ta chẳng biết’
DO HERBERT JENNINGS KỂ LẠI
“Từ thành phố cảng Tema trở về văn phòng chi nhánh Hội Tháp Canh ở Ghana, tôi cho một thanh niên lên xe quá giang vào phố. Tôi chụp lấy dịp này làm chứng cho cậu ta. Tôi tưởng là mình làm rất tốt! Tuy nhiên, khi tôi đưa cậu thanh niên này đến nơi, thì cậu ta nhảy ra khỏi xe rồi vùng bỏ chạy”.
CÂU CHUYỆN trên là manh mối cho tôi biết có cái gì bất thường đang xảy ra trong đời tôi. Trước khi thuật lại điều gì đã xảy ra, tôi xin kể cho bạn biết tại sao tôi, một người Canada, lại ở Ghana.
Lúc ấy vào giữa tháng 12-1949 ở vùng ngoại ô phía bắc Toronto, Canada. Chúng tôi mới vừa đào khoảng một thước sâu dưới đất đông đá để cung cấp nước cho một căn nhà mới. Lạnh và mệt, toán thợ chúng tôi túm tụm quanh đống lửa, đợi xe đến chở. Bất chợt, anh Arnold Lorton, một người trong đám thợ, bắt đầu nói về những điều như “giặc, tiếng đồn về giặc”, “tận thế” và dùng những từ ngữ hoàn toàn nghe lạ tai đối với tôi. Mọi người bỗng nín lặng, khó chịu, và thậm chí một số tỏ ý chống đối anh. Tôi còn nhớ mình thầm nghĩ: ‘Anh này can đảm thật! Không ai ở đây muốn nghe, vậy mà anh cứ nói tiếp’. Nhưng những gì anh nói gây ấn tượng mạnh đối với tôi. Lúc đó chỉ mới vài năm sau Thế Chiến II, và tôi chưa hề nghe những điều đó trong đạo Christadelphian mà gia đình tôi đã theo nhiều thế hệ. Tôi chăm chú lắng nghe, mải mê với những điều anh giải thích.
Chẳng bao lâu tôi đến hỏi thêm anh Arnold. Hồi tưởng lại thời đó, tôi nhận thấy anh và vợ anh, Jean, đã kiên nhẫn và tử tế như thế nào với tôi, một thanh niên 19 tuổi thiếu kinh nghiệm. Tôi thường tự ý đến nhà họ nói chuyện mà không báo trước. Họ chỉnh lại lối suy nghĩ của tôi và giúp tôi làm sáng tỏ sự mâu thuẫn về tiêu chuẩn và luân lý đang xoay vần trong đầu óc non nớt của tôi. Mười tháng sau kinh nghiệm đầu tiên bên đống lửa cạnh đường, tôi báp têm làm Nhân Chứng Giê-hô-va vào ngày 22-10-1950, và kết hợp với hội thánh Willowdale, ở North York, nay thuộc Toronto.
Cùng tiến tới với anh em đồng đức tin
Đời sống trong nhà ngày càng trở nên căng thẳng khi cha biết tôi cương quyết theo đuổi tín ngưỡng mới. Cha vừa mới bị tài xế say rượu đụng và vì vậy thường khó tính. Đời sống khó khăn cho mẹ, hai em trai và hai em gái tôi. Càng ngày gia đình càng thêm căng thẳng về lẽ thật Kinh Thánh. Vì vậy dường như điều khôn ngoan là tôi nên rời khỏi nhà để giữ hòa khí với cha mẹ và làm mình vững trong “đạo thật”.—2 Phi-e-rơ 2:2.
Đến cuối hè 1951, tôi ổn định trong một hội thánh nhỏ ở Coleman, Alberta. Ở đó có hai anh trẻ tuổi, Ross Hunt và Keith Robbins, bận rộn trong việc rao giảng trọn thời gian, được gọi là tiên phong đều đều. Họ giúp hướng dẫn tôi làm thánh chức tình nguyện giống như họ. Vào ngày 1-3-1952, tôi gia nhập hàng ngũ những người tiên phong đều đều.
Tôi ưu ái nhớ lại sự khích lệ mình nhận được. Tôi có nhiều điều phải học. Và hội thánh này là nơi tôi phát triển về thiêng liêng. Sau đó, sau khi dành một năm làm công việc tiên phong với hội thánh Lethbridge, Alberta, bất ngờ tôi được mời làm giám thị lưu động. Tôi sẽ phụng sự những hội thánh của Nhân Chứng Giê-hô-va rải rác vùng bờ biển phía đông của Canada từ Moncton, New Brunswick, đến Gaspé, Quebec.
Chỉ mới 24 tuổi và tương đối mới trong lẽ thật, tôi cảm thấy mình thiếu khả năng, nhất là so với những Nhân Chứng thành thục mà tôi phục vụ. Tôi hết sức cố gắng trong những tháng kế tiếp. Rồi một bất ngờ khác lại đến.
Trường Ga-la-át và đến Gold Coast
Vào tháng 9-1955, tôi cùng khoảng một trăm học viên khác được mời tham dự khóa thứ 26 của Trường Kinh Thánh Ga-la-át của Hội Tháp Canh ở South Lansing, New York. Năm tháng được huấn luyện và nghiên cứu sâu sắc chính là điều tôi cần. Lòng sốt sắng tôi được củng cố thêm nhờ ở bên cạnh một nhóm người đầy nhiệt huyết. Trong thời gian này, một chuyện khác nảy nở làm cho đời sống tôi thêm phong phú cho đến ngày nay.
Trong số học viên chuẩn bị làm công việc giáo sĩ, có một chị trẻ tên Aileen Stubbs. Tôi thấy Aileen có tính kiên định, thực tế thẳng thắn, khiêm tốn và vui vẻ. Tôi đoán mình làm chị hoảng sợ khi vụng về nói lên ý định muốn cưới chị. Tuy nhiên, chị không trốn chạy! Qua sự thỏa thuận của hai bên, Aileen đi đến nhiệm sở ở Costa Rica và tôi đến nhiệm sở mình ở Gold Coast (nay là Ghana), Tây Phi.
Một buổi sáng vào tháng 5-1956, tôi đến văn phòng trên lầu mười của anh Nathan Knorr ở Brooklyn, New York. Lúc ấy anh là chủ tịch Hội Tháp Canh. Tôi được bổ nhiệm làm tôi tớ chi nhánh giám sát công việc rao giảng ở Gold Coast, Togoland (nay là Togo), Ivory Coast (nay là Côte d’Ivoire), Upper Volta (nay là Burkina Faso), và Gambia.
Tôi nhớ lời anh Knorr nói như mới hôm qua: “Anh không cần phải tiếp quản công việc ngay. Cứ từ từ; hãy học từ những anh em có kinh nghiệm ở đó. Rồi đến khi cảm thấy sẵn sàng, anh nên bắt đầu làm tôi tớ chi nhánh... Đây là lá thư bổ nhiệm của anh. Bảy ngày sau khi đến nơi, anh nên tiếp quản công việc”.
Tôi nghĩ thầm: ‘Bảy ngày thôi à. Sao anh lại nói “cứ từ từ”? Tôi choáng váng rời khỏi cuộc phỏng vấn.
Những ngày kế tiếp trôi qua thật nhanh chóng. Chẳng mấy chốc, tôi đứng trên lan can tàu chở hàng, lướt trên East River, băng qua các văn phòng Brooklyn của Hội, bắt đầu cuộc hải hành 21 ngày tới Gold Coast.
Aileen và tôi thư từ qua lại nhiều lần. Chúng tôi gặp lại nhau vào năm 1958 và kết hôn vào ngày 23-8 năm đó. Tôi không bao giờ quên cám ơn Đức Giê-hô-va về người bạn đời tuyệt vời đó.
Trong 19 năm, tôi quý trọng đặc ân được cùng phục vụ với các bạn giáo sĩ và các anh chị người Phi Châu tại văn phòng chi nhánh của Hội. Gia đình Bê-tên tăng từ một ít lên đến khoảng 25 người trong thời gian đó. Ấy là những ngày đầy thách thức, sôi động và đem lại nhiều kết quả. Nhưng phải thành thật mà nói, đối với riêng tôi, khí hậu nóng và ẩm ướt làm tôi khó chịu lắm. Lúc nào tôi cũng ướt đẫm mồ hôi và đôi khi bực bội. Tuy nhiên, quả là một niềm vui thật khi phục vụ anh em ở Ghana, từ khoảng hơn 6.000 người công bố Nước Trời năm 1956 lên đến 21.000 năm 1975. Và tôi vui bội phần khi thấy hiện nay có hơn 60.000 Nhân Chứng tích cực ở đó.
Một “ngày mai” chúng tôi không ngờ trước
Độ năm 1970, tôi bắt đầu có một vấn đề sức khỏe mà rất khó biết là gì. Tôi đã đi khám tổng quát và được cho biết là mình “khỏe mạnh”. Thế thì tại sao tôi luôn cảm thấy không khỏe, mệt mỏi, khó chịu? Có hai điều cho tôi câu giải đáp, và tôi hết sức kinh ngạc khi biết được. Quả thật, như Gia-cơ viết: “Ngày mai sẽ ra thế nào, anh em chẳng biết”.—Gia-cơ 4:14.
Manh mối đầu tiên là kinh nghiệm với cậu thanh niên mà tôi làm chứng cho trong lúc cho cậu ta quá giang. Tôi chẳng biết là mình đã nói tràng giang đại hải, càng lúc càng nhanh, càng sôi nổi. Khi tôi chở cậu ta đến nơi, tôi hết sức ngạc nhiên khi cậu nhảy ra khỏi xe và vùng bỏ chạy. Hầu hết người Ghana có bản chất điềm tĩnh, không dễ nóng giận. Nhưng phản ứng cậu ta lại khác hẳn. Tôi ngồi đó nghĩ ngợi. Tôi biết mình có vấn đề, nhưng không biết là gì. Nhưng chắc chắn là có vấn đề.
Thứ hai, sau một cuộc thảo luận đặc biệt tự vấn lương tâm, Aileen đề nghị: “Nếu vấn đề không phải về mặt thể xác thì phải là tâm thần”. Vì vậy tôi cẩn thận viết ra hết mọi triệu chứng mình có, và đi gặp một bác sĩ tâm thần. Khi tôi đọc lên những điều mình liệt kê, ông nói: “Đây là trường hợp điển hình của chứng bệnh rối loạn thần kinh tâm lý”.
Tôi chết lặng người! Tôi cố gắng vật vã với chứng bệnh tiếp tục xuống dốc vài năm kế tiếp. Tôi cứ tìm giải pháp, nhưng không ai thật sự biết nên làm gì cả. Quả là sự vật vã bực bội làm sao!
Lúc nào chúng tôi cũng có ý định theo đuổi đặc ân phụng sự trọn thời gian trong đời sống, và có quá nhiều điều cần phải làm. Tôi dâng nhiều lời cầu nguyện tha thiết: “Đức Giê-hô-va ôi, nếu Ngài muốn, con sẽ ‘sống và làm việc này’ ”. (Gia-cơ 4:15) Nhưng không được. Vì vậy, chúng tôi phải đối mặt với thực tế, sắp xếp rời Ghana và nhiều bạn bè thân cận để về Canada vào tháng 6-1975.
Đức Giê-hô-va giúp qua dân Ngài
Chẳng bao lâu, tôi biết mình không phải là người tối cần thiết, hay vấn đề của tôi không phải là độc nhất. Lời trong 1 Phi-e-rơ 5:9 bỗng mang nhiều ý nghĩa đối với tôi: “Biết rằng anh em mình ở rải khắp thế-gian, cũng đồng chịu hoạn-nạn như mình”. Hiểu được điều này, tôi bắt đầu nhận biết Đức Giê-hô-va quả đã nâng đỡ chúng tôi bất kể sự thay đổi bất ngờ này. Thật tuyệt vời khi ‘anh em’ đã đến giúp đỡ chúng tôi trong nhiều cách!
Mặc dù chúng tôi không có nhiều về mặt vật chất, Đức Giê-hô-va không bỏ chúng tôi. Ngài khiến bạn bè ở Ghana giúp đỡ chúng tôi về vật chất và những phương diện khác. Với cảm xúc lẫn lộn khó tả, chúng tôi lưu luyến giã từ những người mình thương yêu, và quay qua đương đầu với “ngày mai” bất ngờ này.
Chị của Aileen, Lenora, và chồng, Alvin Friesen đã tử tế cho chúng tôi về ở chung, đồng thời rộng rãi cung cấp những thứ chúng tôi cần trong nhiều tháng. Một bác sĩ tâm thần nổi tiếng tiên đoán đầy tin tưởng rằng: “Ông sẽ bình phục trong sáu tháng”. Có lẽ ông ta nói thế để tôi lạc quan, nhưng lời tiên đoán đó không xảy ra dù sau sáu năm trời. Hiện nay, tôi còn đương đầu với chứng bệnh mà bây giờ được gọi một cách lịch sự là tính tình rối loạn lưỡng cực. Một tên nghe êm hơn, nhưng như những người mắc bệnh này hiểu rõ, tên êm hơn không làm triệu chứng dễ chịu hơn chút nào.
Đến lúc đó, anh Knorr đã mắc một chứng bệnh mà cuối cùng dẫn đến cái chết của anh vào tháng 6-1977. Dù vậy, anh vẫn dành thì giờ và năng lực viết cho tôi những lá thư dài, khích lệ với những lời an ủi và khuyên bảo. Tôi vẫn quý những lá thư đó. Lời anh đã giúp tôi nhiều để đè nén những mặc cảm thất bại vô lý cứ dâng lên trong lòng tôi.
Đến cuối năm 1975, chúng tôi phải từ bỏ đặc ân quý báu phụng sự trọn thời gian và chú trọng đến việc ổn định sức khỏe của tôi. Ánh sáng bình thường làm đau mắt tôi. Tiếng động mạnh đột ngột nghe vang dội như tiếng súng. Đám đông qua lại làm tôi choáng ngộp. Phải vật vã lắm tôi mới dự được các buổi họp. Tuy nhiên, tôi hoàn toàn tin tưởng nơi giá trị của sự kết hợp thiêng liêng. Để đối phó với vấn đề này, tôi thường vào Phòng Nước Trời sau khi đám đông ngồi vào ghế và tôi rời chỗ ngay trước khi mọi người đứng dậy lúc tan họp.
Tham gia vào việc rao giảng cũng là một thử thách lớn khác. Đôi khi, ngay cả đến nhà người ta rồi, tôi còn không có can đảm bấm chuông. Tuy nhiên, tôi không bỏ cuộc vì nhận biết rằng thánh chức này đem lại sự cứu rỗi cho chính mình và bất cứ người nào hưởng ứng theo. (1 Ti-mô-thê 4:16) Phải đợi một lát sau, tôi mới có thể kiềm được cảm xúc, đến nhà kế tiếp, và cố gắng lại. Bằng cách tiếp tục tham gia vào thánh chức, tôi duy trì được sức khỏe thiêng liêng vừa phải và điều này cho tôi thêm khả năng đối phó.
Vì tính chất kinh niên của chứng tính tình rối loạn lưỡng cực, tôi mới nhận ra rằng chứng bệnh này hầu như sẽ ảnh hưởng tôi mãi trong hệ thống mọi sự hiện tại này. Vào năm 1981, có một loạt bài rất bổ ích xuất hiện trong Tỉnh Thức!a Nhờ đó, tôi bắt đầu hiểu rõ hơn về tính chất của chứng bệnh và học cách đối phó hữu hiệu hơn.
Học cách đối phó
Trong thời gian tôi đối phó với bệnh trạng này, vợ tôi phải hy sinh và điều chỉnh theo. Nếu là người chăm sóc bệnh nhân trong hoàn cảnh tương tự, chắc hẳn bạn sẽ quý sự nhận xét của vợ tôi:
“Tính tình rối loạn dường như đem lại sự thay đổi đột ngột về cá tính. Trong vòng vài giờ, người bệnh có thể từ trạng thái đang sống động, khích lệ với dự tính và ý tưởng mới mẻ, đổi thành một người mệt mỏi, tiêu cực, thậm chí còn giận dữ nữa. Nếu không nhận biết là bệnh, thì điều này có thể làm người khác bực tức và bối rối. Hiển nhiên là mọi dự tính phải thay đổi ngay, và sự phấn đấu chống lại cảm giác thất vọng hoặc bị hất hủi bắt đầu”.
Về phần tôi, khi cảm thấy mình khỏe hơn bình thường, tôi trở nên sợ. Bản năng cho tôi biết rằng sau cảm giác “lên cao” thì lại rơi vào tình trạng “xuống thấp” thất thường. Trong trường hợp của tôi, “xuống thấp” lại tốt hơn “lên cao” vì thấp thường làm tôi bất động trong nhiều ngày, và tôi sẽ không dính líu đến điều gì không đúng. Aileen giúp tôi rất nhiều bằng cách cảnh giác khi tôi bị kích thích quá độ và an ủi đồng thời ủng hộ tôi khi tâm trạng u sầu bủa vây tôi.
Có mối nguy thật sự là người bệnh trở thành quá quan tâm đến bản thân, bất kể đến mọi vật xung quanh khi bệnh tình trong thời kỳ phát triển mạnh. Người có thể hoàn toàn cô lập khi ở trong trạng thái trầm cảm, hoặc trong lúc lên cơn, không nhận biết cảm giác và phản ứng của người khác. Trong quá khứ, tôi khó chấp nhận dấu hiệu của vấn đề tâm thần và cảm xúc của tôi. Tôi phải phấn đấu để nhận thấy điều này, chứ không nên nghĩ là một cái gì đó ở bên ngoài, chẳng hạn như một việc làm thất bại, hoặc một người khác là vấn đề. Tôi phải thường xuyên nhắc nhở mình là ‘không có gì thay đổi xung quanh tôi. Vấn đề ở bên trong chứ không phải từ bên ngoài’. Từ từ tư tưởng tôi đã được điều chỉnh lại.
Qua nhiều năm, cả hai chúng tôi phải học cách nói thẳng, chân thật với chính mình và người khác về bệnh trạng của tôi. Chúng tôi cố giữ thái độ lạc quan và không để chứng bệnh chế ngự đời sống mình.
Một “ngày mai” tươi đẹp hơn
Qua những lời cầu nguyện tha thiết và với nhiều phấn đấu, chúng tôi được Đức Giê-hô-va ban phước và nâng đỡ. Cả hai chúng tôi hiện nay đều cao tuổi. Tôi được chăm sóc sức khỏe đều đặn, có lượng thuốc điều độ nhưng liên tục, và giữ được sức khỏe tương đối vững. Chúng tôi quý trọng bất cứ đặc ân phụng sự nào mình có thể có. Tôi tiếp tục phục vụ với tư cách trưởng lão trong hội thánh. Chúng tôi luôn luôn cố gắng ủng hộ anh em đồng đức tin.
Như lời Gia-cơ 4:14 nói rất đúng: “Ngày mai sẽ ra thế nào, anh em chẳng biết”. Và sẽ cứ như vậy khi hệ thống mọi sự này còn tiếp tục tồn tại. Tuy nhiên, lời Gia-cơ 1:12 cũng đúng: “Phước cho người bị cám-dỗ; vì lúc đã chịu nổi sự thử-thách rồi, thì sẽ lãnh mão triều-thiên của sự sống mà Đức Chúa Trời đã hứa cho kẻ kính-mến Ngài”. Mong rằng tất cả chúng ta đều đứng vững ngày hôm nay và nhận được ân phước của Đức Giê-hô-va trong tương lai.
[Chú thích]
a Hãy xem những bài “Bạn có thể đối phó với đời sống” trong số Tỉnh Thức! (Anh ngữ) ngày 8-8-1981; “Làm sao bạn có thể đương đầu với chứng trầm cảm” trong số 8-9-1981; và “Đối phó với chứng trầm cảm nặng” trong số 22-10-1981.
[Hình nơi trang 26]
Tìm sự yên tĩnh trong phòng vẽ của tôi
[Hình nơi trang 26]
Với vợ tôi, Aileen
[Hình nơi trang 28]
Tại Hội Nghị “Tin mừng đời đời” diễn ra ở Tema, Ghana, năm 1963