Hãy giữ lòng trọn vẹn với Đức Giê-hô-va
‘Con trai ta, hãy nhận-biết Đức Chúa Trời của cha, hết lòng mà phục-sự Ngài’.—1 SỬ 28:9.
NHỮNG ĐIỂM CẦN LƯU Ý:
Nghĩa bóng của “lòng” là gì?
Chúng ta có thể xem xét lòng mình bằng cách nào?
Làm thế nào chúng ta có thể giữ lòng trọn vẹn với Đức Giê-hô-va?
1, 2. (a) Trong Kinh Thánh, phần nào của cơ thể được nhắc đến theo nghĩa bóng nhiều nhất? (b) Tại sao hiểu nghĩa bóng của từ “lòng” là điều quan trọng?
Lời Đức Chúa Trời thường nói đến các bộ phận cơ thể theo nghĩa bóng. Chẳng hạn, tộc trưởng Gióp nói: “Tại trong tay tôi không có sự hung-dữ”. Vua Sa-lô-môn nhận xét: “Một tin-lành làm cho xương-cốt được béo-tốt”. Đức Giê-hô-va đảm bảo với Ê-xê-chi-ên: ‘Ta làm cho trán ngươi cứng hơn đá lửa’. Và người ta nói với sứ đồ Phao-lô: “Ông nói những điều lạ tai”.—Gióp 16:17; Châm 15:30; Ê-xê 3:9; Công 17:20.
2 Tuy nhiên, có một phần của cơ thể được Kinh Thánh nhắc đến theo nghĩa bóng nhiều nhất. Phần đó được ông Đa-vít nói đến: “Trái tim tôi khô như sáp, tan ra trong mình tôi” (Thi 22:14). Thật vậy, trong bản Kinh Thánh nguyên ngữ, phần này của cơ thể được nhắc đến gần một ngàn lần, hầu hết theo nghĩa bóng. Việc hiểu từ “trái tim” hay “lòng” tượng trưng cho điều gì là rất quan trọng vì Kinh Thánh nói chúng ta phải gìn giữ lòng mình.—Đọc Châm-ngôn 4:23.
NGHĨA BÓNG CỦA “LÒNG” LÀ GÌ?
3. Làm sao chúng ta có thể thấy rõ ý nghĩa của từ “lòng” trong Kinh Thánh? Xin minh họa.
3 Dù không định nghĩa từ “lòng”, nhưng Kinh Thánh giúp chúng ta hiểu nghĩa của từ ấy. Như thế nào? Để minh họa, hãy nghĩ về một bức tranh tinh xảo được làm từ một ngàn viên đá nhỏ xếp sát nhau. Khi nhìn tổng thể bức tranh, một người có thể thấy rằng tất cả các viên đá được ghép lại một cách tỉ mỉ tạo nên bức tranh. Tương tự, nếu nhìn tổng thể nhiều trường hợp mà Kinh Thánh dùng từ “lòng”, chúng ta có thể thấy rõ ý nghĩa của từ ấy. Ý nghĩa đó là gì?
4. (a) Nghĩa bóng của từ “lòng” là gì? (b) Những lời của Chúa Giê-su nơi Ma-thi-ơ 22:37 có nghĩa gì?
4 Những người viết Kinh Thánh dùng từ “lòng” để miêu tả toàn bộ phần bên trong con người. Nó bao gồm những khía cạnh như ước muốn, suy nghĩ, tính cách, thái độ, khả năng, động cơ và mục tiêu của chúng ta. (Đọc Phục-truyền Luật-lệ Ký 15:7; Châm-ngôn 16:9; Công vụ 2:26). Một sách tham khảo cho biết lòng là “toàn bộ phần bên trong con người”. Trong một số trường hợp, từ “lòng” mang nghĩa hẹp hơn. Chẳng hạn, Chúa Giê-su nói: “Ngươi phải yêu thương Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi hết lòng, hết mình và hết tâm trí” (Mat 22:37). Trong trường hợp này, “lòng” nói đến cảm xúc và ước muốn của một người. Bằng cách tách riêng “lòng”, “mình” và “tâm trí”, Chúa Giê-su nhấn mạnh rằng chúng ta phải thể hiện tình yêu thương với Đức Chúa Trời qua cảm xúc cũng như lối sống và cách chúng ta dùng trí tuệ của mình (Giăng 17:3; Ê-phê 6:6). Tuy nhiên, ở những chỗ từ “lòng” đứng một mình thì nó nói đến toàn bộ phần bên trong con người.
TẠI SAO CHÚNG TA CẦN GÌN GIỮ LÒNG MÌNH?
5. Tại sao chúng ta muốn nỗ lực phụng sự Đức Giê-hô-va với lòng trọn vẹn?
5 Vua Đa-vít nhắc nhở Sa-lô-môn: “Con trai ta, hãy nhận-biết Đức Chúa Trời của cha, hết lòng vui ý mà phục-sự Ngài; vì Đức Giê-hô-va dò-xét tấm-lòng, và phân-biệt các ý-tưởng” (1 Sử 28:9). Thật vậy, Đức Giê-hô-va là đấng dò xét mọi tấm lòng, trong đó có lòng của chúng ta (Châm 17:3; 21:2). Những gì ngài tìm thấy nơi lòng chúng ta ảnh hưởng lớn đến mối quan hệ của chúng ta với ngài và tương lai của chúng ta. Vì thế, chúng ta có lý do chính đáng để làm theo lời khuyên được soi dẫn của Đa-vít bằng cách nỗ lực phụng sự Đức Giê-hô-va với lòng trọn vẹn.
6. Chúng ta nên nhận ra điều gì về lòng quyết tâm phụng sự của mình?
6 Đúng vậy, là Nhân Chứng Giê-hô-va, việc sốt sắng trong những hoạt động thiêng liêng cho thấy chúng ta rất muốn phụng sự Đức Chúa Trời với lòng trọn vẹn. Đồng thời, chúng ta nhận ra rằng những áp lực từ thế giới gian ác của Sa-tan cũng như khuynh hướng tội lỗi trong chúng ta rất dễ làm mình giảm dần lòng quyết tâm phụng sự Đức Chúa Trời hết lòng (Giê 17:9; Ê-phê 2:2). Vì thế, để chắc chắn lòng quyết tâm phụng sự của chúng ta không suy giảm, chúng ta cần thường xuyên xem xét lòng mình. Bằng cách nào?
7. Điều gì cho thấy tình trạng lòng của chúng ta?
7 Rõ ràng, không ai thấy được con người bề trong, cũng như không thể thấy phần bên trong một thân cây. Dù vậy, như Chúa Giê-su đề cập trong Bài giảng trên núi, khi nhìn trái có thể biết rõ tình trạng của một cây. Tương tự thế, các hoạt động của chúng ta cho thấy rõ tình trạng thật của lòng (Mat 7:17-20). Hãy cùng xem xét một trong những hoạt động ấy.
MỘT CÁCH THỰC TẾ ĐỂ XEM XÉT LÒNG MÌNH
8. Theo lời của Chúa Giê-su nơi Ma-thi-ơ 6:33, điều gì cho thấy lòng của chúng ta?
8 Trước khi nói những lời trên, trong cùng bài giảng, Chúa Giê-su cho người nghe biết hoạt động cụ thể nào của họ sẽ cho thấy ước muốn phụng sự Đức Giê-hô-va hết lòng. Ngài nói: “Hãy luôn tìm kiếm Nước Đức Chúa Trời và sự công chính của ngài trước hết, rồi anh em sẽ được mọi thứ ấy” (Mat 6:33). Thật vậy, những gì mình đặt ưu tiên trong đời sống cho thấy rõ ước muốn, suy nghĩ và dự định nằm sâu trong lòng chúng ta. Vì thế, việc xem xét những điều ưu tiên trong đời sống là cách thực tế để kiểm tra xem chúng ta có phụng sự Đức Chúa Trời với lòng trọn vẹn hay không.
9. Chúa Giê-su đưa ra lời mời nào cho một số người? Phản ứng của họ cho thấy điều gì?
9 Không lâu sau khi Chúa Giê-su khuyến khích các môn đồ “luôn tìm kiếm Nước Đức Chúa Trời... trước hết”, một sự kiện xảy ra đã chứng tỏ rằng điều mà một người đặt ưu tiên thật sự cho thấy tình trạng lòng của người ấy. Một người viết Phúc âm là Lu-ca đề cập đến sự kiện ấy khi nói Chúa Giê-su “cương quyết đi đến thành Giê-ru-sa-lem” dù ngài biết rõ điều gì đang chờ đón mình ở đó. Trong khi ngài và các sứ đồ đang “đi đường”, Chúa Giê-su gặp một số người đàn ông và mời họ: “Hãy theo ta”. Những người ấy sẵn sàng nhận lời mời của ngài, nhưng với điều kiện kèm theo. Một người trả lời: “Xin cho tôi về chôn cha tôi trước đã”. Người khác nói: “Thưa Chúa, tôi sẽ theo Chúa, nhưng xin cho tôi về từ giã người nhà trước đã” (Lu 9:51, 57-61). Thật là một sự khác biệt lớn: Chúa Giê-su thì cương quyết, còn những người ấy lại chấp thuận một cách yếu ớt! Khi đặt những mối quan tâm cá nhân lên trên quyền lợi Nước Trời, họ cho thấy lòng họ không trọn vẹn với Đức Chúa Trời.
10. (a) Nhiều người ngày nay phản ứng thế nào trước lời mời của Chúa Giê-su? (b) Chúa Giê-su đưa ra minh họa nào?
10 Không như những người ấy, chúng ta khôn ngoan hưởng ứng lời mời của Chúa Giê-su là trở thành môn đồ ngài và đang phụng sự Đức Giê-hô-va mỗi ngày. Qua cách này, chúng ta cho thấy từ trong lòng, mình cảm thấy thế nào về Đức Giê-hô-va. Tuy nhiên, dù đang bận rộn trong việc phụng sự, chúng ta vẫn phải để ý đến một mối nguy hiểm có thể gây hại cho tình trạng lòng của chúng ta. Đó là gì? Cũng trong cuộc nói chuyện với những người được đề cập ở trên, Chúa Giê-su cho biết một mối nguy hiểm khi nói: “Ai đã tra tay cầm cày mà nhìn lại phía sau thì không thích hợp với Nước Đức Chúa Trời” (Lu 9:62). Qua minh họa này, chúng ta có thể rút ra bài học nào?
CHÚNG TA CÓ “BÁM LẤY ĐIỀU LÀNH”?
11. Chuyện gì xảy ra với công việc của người nông dân trong minh họa của Chúa Giê-su, và tại sao?
11 Khi mở rộng hình ảnh trong minh họa của Chúa Giê-su, chúng ta sẽ thấy rõ bài học hơn. Một người nông dân đang bận rộn cày ruộng. Nhưng trong khi cày, ông không thể ngưng nghĩ về nhà mình, nơi có người thân, bạn bè, thức ăn, âm nhạc, tiếng cười đùa và bóng mát. Ông khao khát hưởng những điều ấy. Sau khi cày được một đường dài, lòng mong muốn có những điều ấy mạnh đến mức đã khiến ông “nhìn lại phía sau”. Dù vẫn còn nhiều việc phải hoàn tất trước khi gieo hạt, nhưng người nông dân này đã bị phân tâm và công việc cũng bị ảnh hưởng. Dĩ nhiên, chủ thất vọng khi thấy người làm thuê thiếu kiên trì.
12. Người nông dân trong minh họa của Chúa Giê-su có sự tương đồng nào với một số tín đồ ngày nay?
12 Hãy xem người nông dân trong minh họa này có sự tương đồng nào với một số tín đồ ngày nay. Người nông dân tượng trưng cho tín đồ nào dường như khỏe mạnh về thiêng liêng nhưng thật ra đang trong tình trạng nguy hiểm. Để so sánh, hãy tưởng tượng một anh luôn bận rộn trong việc phụng sự. Dù vẫn tham dự nhóm họp và đi rao giảng, nhưng anh không thể ngưng nghĩ đến một số khía cạnh của lối sống thế gian mà anh bị thu hút. Anh khao khát có được chúng. Cuối cùng, sau khi phụng sự vài năm, lòng mong muốn có một vài thứ trong thế gian mạnh đến mức đã khiến anh “nhìn lại phía sau”. Dù vẫn còn nhiều việc phải hoàn tất trong thánh chức, nhưng anh không tiếp tục “nắm chắc lời sự sống”, và điều này ảnh hưởng đến việc phụng sự của anh (Phi-líp 2:16). Đức Giê-hô-va, “Chủ mùa gặt”, buồn khi thấy một tín đồ thiếu kiên trì như thế.—Lu 10:2.
13. Phụng sự Đức Giê-hô-va với lòng trọn vẹn bao hàm điều gì?
13 Bài học thật rõ ràng! Việc chúng ta đều đặn tham gia các hoạt động bổ ích và thỏa nguyện như tham dự nhóm họp và đi rao giảng là điều đáng khen. Tuy nhiên, phụng sự Đức Giê-hô-va với lòng trọn vẹn bao hàm nhiều hơn thế (2 Sử 25:1, 2, 27). Nếu từ sâu trong lòng mình, người tín đồ tiếp tục muốn “nhìn lại phía sau”, tức yêu thích một số khía cạnh của lối sống thế gian, thì anh đang có nguy cơ mất vị thế tốt trước mắt Đức Chúa Trời (Lu 17:32). Chỉ khi thật sự “ghê tởm điều ác và bám lấy điều lành” thì chúng ta mới “thích hợp với Nước Đức Chúa Trời” (Rô 12:9; Lu 9:62). Vì thế, tất cả chúng ta cần bảo đảm rằng không điều gì trong thế gian của Sa-tan, dù đó là điều có vẻ hữu ích và tốt đẹp, có thể khiến mình không trọn lòng trong công việc Nước Trời.—2 Cô 11:14; đọc Phi-líp 3:13, 14.
HÃY GIỮ MÌNH TỈNH TÁO!
14, 15. (a) Sa-tan cố gây ảnh hưởng đến lòng chúng ta như thế nào? (b) Tại sao cách của Sa-tan rất nguy hiểm? Hãy minh họa.
14 Tình yêu thương đối với Đức Giê-hô-va đã thôi thúc chúng ta dâng mình cho ngài. Từ đó, nhiều người trong chúng ta đã chứng tỏ trong nhiều năm rằng mình quyết tâm giữ lòng trọn vẹn với Đức Giê-hô-va. Tuy nhiên, Sa-tan không để chúng ta yên. Lòng chúng ta vẫn là mục tiêu của hắn (Ê-phê 6:12). Dĩ nhiên, hắn có thể nhận ra rằng chúng ta không bỏ Đức Giê-hô-va ngay. Vì thế, hắn dùng “đời này” một cách tinh vi để cố làm lòng sốt sắng của chúng ta suy giảm dần dần. (Đọc Mác 4:18, 19). Tại sao cách của Sa-tan rất hữu hiệu?
15 Để trả lời, hãy hình dung bạn đang đọc sách dưới bóng điện 100w, nhưng rồi bóng bị hỏng. Trong bóng tối, ngay lập tức bạn hiểu chuyện gì xảy ra và thay bóng mới. Phòng có ánh sáng trở lại. Tối hôm sau, bạn cũng đang đọc sách với cùng cái đèn đó. Tuy nhiên, bạn không biết rằng có ai đó đã thay bóng 100w bằng bóng 95w. Bạn có thể nhận ra sự khác biệt không? Hẳn là không. Nói sao nếu hôm sau, ai đó lại thay bóng 90w vào đèn của bạn? Hẳn bạn vẫn không nhận ra. Tại sao? Vì ánh sáng của ngọn đèn yếu dần đến nỗi bạn không nhận ra được. Tương tự thế, những ảnh hưởng của thế gian Sa-tan có thể khiến lòng sốt sắng của chúng ta giảm từng chút một. Nếu chuyện đó xảy ra, thì như thể Sa-tan đã thành công trong việc làm cho lòng sốt sắng của chúng ta yếu dần, từ 100w xuống mức thấp hơn. Nếu không tỉnh táo, một tín đồ có thể không nhận ra sự thay đổi dần dần của mình.—Mat 24:42; 1 Phi 5:8.
CẦU NGUYỆN LÀ ĐIỀU TRỌNG YẾU
16. Làm sao chúng ta có thể bảo vệ mình khỏi các mưu kế của Sa-tan?
16 Làm sao chúng ta có thể bảo vệ mình khỏi các mưu kế như thế của Sa-tan và giữ lòng trọn vẹn với Đức Giê-hô-va? (2 Cô 2:11). Cầu nguyện là điều trọng yếu. Phao-lô khuyến khích anh em đồng đạo “đứng vững trước những mưu kế của Kẻ Quỷ Quyệt”. Sau đó, ông khuyên họ “tiếp tục cầu nguyện vào mọi dịp..., dùng đủ mọi hình thức cầu nguyện và nài xin”.—Ê-phê 6:11, 18; 1 Phi 4:7.
17. Những lời cầu nguyện của Chúa Giê-su dạy chúng ta bài học nào?
17 Để đứng vững chống lại Sa-tan, điều khôn ngoan là chúng ta noi theo cách cầu nguyện của Chúa Giê-su, đó là ngài bày tỏ lòng tha thiết muốn giữ lòng trọn vẹn với Đức Giê-hô-va. Chẳng hạn, hãy lưu ý đến lời của Lu-ca về cách Chúa Giê-su cầu nguyện vào đêm trước khi ngài chết: “Trong lúc đau buồn tột độ, ngài càng cầu nguyện tha thiết” (Lu 22:44). Trước đó, Chúa Giê-su cũng từng tha thiết cầu nguyện, nhưng khi đương đầu với thử thách cam go nhất trong cuộc đời trên đất, ngài cầu nguyện ‘càng tha thiết’ và lời cầu nguyện của ngài đã được đáp lại. Gương của Chúa Giê-su cho thấy những lời cầu nguyện có mức độ tha thiết khác nhau. Vì thế, khi gặp những thử thách càng cam go cũng như mưu kế của Sa-tan càng xảo quyệt, chúng ta càng tha thiết cầu xin Đức Giê-hô-va bảo vệ mình.
18. (a) Chúng ta nên tự hỏi điều gì về lời cầu nguyện của mình, và tại sao? (b) Các yếu tố nào ảnh hưởng đến lòng của chúng ta, và theo những cách nào? (Xem khung nơi trang 16).
18 Những lời cầu nguyện như thế sẽ giúp chúng ta như thế nào? Phao-lô viết: “Trong mọi việc, hãy dùng lời cầu nguyện, nài xin và tạ ơn mà trình lời thỉnh cầu của anh em cho Đức Chúa Trời; rồi sự bình an của Đức Chúa Trời, là điều không ai hiểu thấu, sẽ bảo vệ lòng... của anh em” (Phi-líp 4:6, 7). Đúng thế, chúng ta phải cầu nguyện thường xuyên và nhiệt thành để giữ lòng trọn vẹn với Đức Giê-hô-va (Lu 6:12). Vì vậy, hãy tự hỏi: “Lời cầu nguyện của tôi nhiệt thành và tha thiết đến mức nào?” (Mat 7:7; Rô 12:12). Câu trả lời cho thấy bạn có ước muốn phụng sự Đức Chúa Trời đến mức nào.
19. Bạn sẽ làm gì để giữ lòng trọn vẹn với Đức Giê-hô-va?
19 Như đã xem xét, những điều chúng ta ưu tiên trong đời sống cho biết nhiều về tình trạng lòng của mình. Chúng ta muốn đảm bảo rằng không điều gì mình đã bỏ lại phía sau hay những mưu kế xảo quyệt của Sa-tan có thể làm chúng ta mất đi sự quyết tâm phụng sự Đức Giê-hô-va trọn lòng. (Đọc Lu-ca 21:19, 34-36). Vì thế, như Đa-vít, chúng ta tiếp tục nài xin Đức Giê-hô-va giúp chúng ta “một lòng” với ngài.—Thi 86:11.
[Khung nơi trang 16]
BA YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN LÒNG CHÚNG TA
Chúng ta có thể áp dụng một số biện pháp để giúp cho trái tim khỏe mạnh. Tương tự, chúng ta cũng có thể thực hiện một số bước để giữ cho lòng trong tình trạng tốt. Hãy xem xét ba yếu tố quan trọng sau:
1 Dinh dưỡng: Tim của chúng ta cần được cung cấp một lượng đủ chất dinh dưỡng. Tương tự thế, chúng ta cần bảo đảm là mình nhận đủ thức ăn thiêng liêng qua việc đều đặn học hỏi Kinh Thánh cá nhân, suy ngẫm và tham dự các buổi nhóm họp.—Thi 1:1, 2; Châm 15:28; Hê 10:24, 25.
2 Tập thể dục: Để giúp tim khỏe, thỉnh thoảng chúng ta cần làm cho nó đập mạnh. Tương tự thế, việc sốt sắng, làm nhiều hơn trong thánh chức giữ cho lòng của chúng ta trong tình trạng tốt.—Lu 13:24; Phi-líp 3:12.
3 Môi trường: Vì phải sống và làm việc trong môi trường của thế gian không tin kính, nên tim của chúng ta có thể mệt mỏi và lòng bị tổn thương nhiều. Tuy nhiên, chúng ta có thể giảm thiểu những vấn đề đó bằng cách kết hợp nhiều với anh em đồng đạo, là những người quan tâm chân thành đến chúng ta và có lòng trọn vẹn với Đức Chúa Trời.—Thi 119:63; Châm 13:20.