BÀI HỌC 29
Phẩm chất giọng nói
KHÔNG những lời nói mà cả cách nói cũng tác động mạnh mẽ đến người khác. Chẳng phải bạn thường có thiện cảm và muốn lắng nghe những người nói chuyện với bạn bằng giọng êm ái, ấm áp, thân thiện và tử tế thay vì lạnh lùng và gay gắt hay sao?
Muốn luyện được một giọng hay, không chỉ đơn thuần là vấn đề áp dụng kỹ thuật luyện giọng. Việc này cũng có thể liên quan đến cá tính của một người. Khi một người tiến bộ trong sự hiểu biết và trong việc áp dụng lẽ thật của Kinh Thánh, cách ăn nói của người ấy sẽ thay đổi rõ rệt. Các đức tính của Đức Chúa Trời như yêu thương, vui mừng và nhân từ thể hiện ở giọng nói của người ấy. (Ga 5:22) Khi người ấy chân thành quan tâm đến người khác, giọng nói sẽ cho thấy điều này. Khi lòng biết ơn thay thế tinh thần hay phàn nàn, thì cả lời nói lẫn giọng nói sẽ cho thấy điều đó. (Ca 3:39-42; 1 Ti 1:12; Giu 16) Dù không hiểu ngôn ngữ người khác, nhưng bạn sẽ dễ dàng phân biệt được người nào là người có vẻ kiêu ngạo, cố chấp, hay chỉ trích, gay gắt, và người nào có vẻ khiêm nhường, kiên nhẫn, tử tế và yêu thương.
Trong một số trường hợp, giọng nói khó nghe có thể là do bệnh tật đã làm hư thanh quản của người nói, hoặc do khuyết tật di truyền. Những khuyết tật như thế có thể quá trầm trọng, không thể hoàn toàn chữa khỏi hẳn trong hệ thống này. Tuy nhiên, tập sử dụng cơ quan phát âm đúng cách thường có thể mang lại kết quả khả quan.
Trước hết, điều quan trọng là nhận thức rằng giọng nói của mỗi người có sắc thái riêng. Bạn không nên có mục tiêu bắt chước giọng của người khác. Thay vì thế, hãy phát huy tiềm năng giọng nói của chính mình, cùng với những nét đặc thù của nó. Điều gì có thể giúp bạn làm thế? Có hai yếu tố thiết yếu.
Biết cách thở. Muốn đạt kết quả tốt nhất khi sử dụng giọng nói, bạn cần có đủ không khí, đồng thời biết cách điều khiển hơi thở. Không có hai điều này, giọng bạn có thể nghe yếu ớt, và sự trình bày có thể bị đứt quãng.
Phần lớn nhất của buồng phổi không nằm ở phía trên cùng của ngực; phần này chỉ trông có vẻ lớn hơn vì các xương vai. Đúng hơn, phần lớn nhất của buồng phổi nằm ngay phía trên cơ hoành. Cơ hoành nối với các xương sườn dưới và ngăn cách xoang ngực và xoang bụng.
Nếu chỉ hít không khí vào phần trên buồng phổi, chẳng bao lâu bạn sẽ hết hơi. Giọng của bạn sẽ thiếu sức mạnh, và bạn sẽ dễ mệt. Để thở đúng cách, bạn cần ngồi hoặc đứng thẳng và ưỡn ngực ra. Khi hít vào để lấy hơi nói, hãy cố gắng một cách có ý thức, tránh phình phần trên của ngực. Trước hết, hít không khí vào đầy phần dưới của buồng phổi. Khi phần này đầy không khí, phần dưới của lồng ngực sẽ nở ra ở hai bên. Cùng lúc ấy, cơ hoành sẽ hạ xuống, đè nhẹ vào dạ dày và ruột, vì thế bạn cảm thấy sức ép của dây thắt lưng hay quần áo ở ngang bụng. Nhưng phổi không ở dưới bụng, mà nằm trong lồng ngực. Hãy thử nghiệm bằng cách đặt tay lên phần dưới của lồng ngực, mỗi tay một bên. Giờ đây, hít sâu vào. Nếu thở đúng cách, bụng bạn sẽ không thót lại và vai không nhô lên. Thay vì thế, bạn sẽ cảm thấy các xương sườn hơi trồi lên và dãn ra hai bên.
Kế đó, tập thở ra. Đừng để hơi thở thoát nhanh ra ngoài một cách phí phạm. Hãy từ từ đẩy không khí ra. Đừng cố điều khiển luồng không khí bằng cách gồng cổ họng. Điều đó chẳng mấy chốc làm cho giọng nói bạn nghe gượng ép và thé. Sức ép từ các cơ bụng và từ các cơ gian sườn (giữa các xương sườn) đẩy không khí ra, tốc độ thoát ra ngoài nhanh hay chậm là do tác động của cơ hoành.
Giống như một lực sĩ luyện tập để chạy đua, diễn giả có thể phát huy khả năng điều khiển hơi thở đúng đắn bằng cách tập luyện. Hãy đứng thẳng, ngực ưỡn ra, hít không khí vào đầy phần dưới buồng phổi, và từ từ thở ra trong khi đếm chậm và đều càng nhiều số càng tốt trong một nhịp thở. Kế đó tập đọc lớn tiếng trong khi thở theo cách nói trên.
Thư giãn những bắp thịt căng. Một yếu tố thiết yếu để giọng được tốt là: thư giãn! Nếu tập thư giãn khi nói, bạn có thể đạt những tiến bộ thật sự đáng ngạc nhiên. Cả đầu óc lẫn thể xác phải thoải mái, bởi lẽ tinh thần căng thẳng sẽ làm căng bắp thịt.
Hãy làm cho đầu óc bớt căng thẳng bằng cách có quan niệm đúng đắn về người nghe. Nếu đây là những người bạn gặp khi rao giảng, hãy nhớ rằng dù chỉ mới học Kinh Thánh được vài tháng thôi, nhưng bạn đã biết những điều quý giá về ý định của Đức Giê-hô-va và có thể chia sẻ những điều ấy với họ. Và bạn đến thăm vì họ cần sự giúp đỡ, dù họ có ý thức điều ấy hay không. Mặt khác, nếu nói tại Phòng Nước Trời, đa số người trong cử tọa là dân của Đức Giê-hô-va. Họ là những người bạn của bạn và muốn bạn thành công. Ngoài chúng ta ra, không diễn giả nào thường đứng trước một cử tọa thân thiện và yêu thương như thế.
Hãy thư giãn các bắp thịt ở cổ họng bằng cách tập trung chú ý đến các bắp thịt này, đồng thời cố gắng một cách ý thức làm chúng bớt căng. Hãy nhớ rằng những dây thanh âm rung động khi có không khí đi qua. Âm thanh thay đổi khi các bắp thịt ở cổ họng căng hay thư giãn, cũng như tiếng đàn ghi-ta hay vĩ cầm thay đổi khi dây đàn căng hoặc chùng. Khi các dây thanh âm thư giãn, âm thanh trầm xuống. Thư giãn các bắp thịt ở cổ họng cũng giúp mũi được thông, và điều này chắc chắn ảnh hưởng đến giọng nói.
Hãy thư giãn toàn thân—đầu gối, tay, vai, cổ. Điều này sẽ góp phần tạo ra âm vang cần thiết để giọng bạn có khả năng truyền ra xa. Toàn thân có tác dụng như màn hướng âm tạo nên âm vang, nhưng điều này gặp trở ngại nếu bị căng thẳng. Âm thanh được tạo ra trong thanh quản, chẳng những vang vọng trong các khoang mũi mà còn dội vào cấu trúc xương ngực, răng, vòm miệng, và các xoang. Tất cả những yếu tố này đều góp phần tạo nên âm vang. Nếu đặt một vật nặng lên miếng gỗ tăng âm của cây đàn ghi-ta, âm thanh sẽ nhỏ đi; miếng gỗ tăng âm phải được tự do rung động nếu muốn vang vọng đúng. Cũng vậy đối với cấu trúc xương của cơ thể khi bị bắp thịt ghì chặt. Nhờ âm vang, bạn có thể lên xuống giọng đúng cách và biểu lộ các sắc thái của cảm xúc. Bạn không cần cố hết sức để nói mà cử tọa đông đảo vẫn có thể nghe được.