CHƯƠNG 24
Không gì có thể “ngăn cách chúng ta khỏi tình yêu thương của Đức Chúa Trời”
1. Cảm xúc tiêu cực nào ảnh hưởng đến nhiều người, kể cả một số tín đồ đạo Đấng Ki-tô chân chính?
Đức Giê-hô-va có yêu thương cá nhân anh chị không? Một số người đồng ý rằng Đức Chúa Trời yêu thương nhân loại nói chung, như Giăng 3:16 nói. Nhưng họ cảm thấy Đức Chúa Trời không thể nào yêu thương cá nhân họ. Ngay cả tín đồ đạo Đấng Ki-tô chân chính có lẽ đôi khi cũng cảm thấy như thế. Một người đàn ông nản lòng đã nói: “Thật khó tin là Đức Chúa Trời quan tâm đến tôi”. Có khi nào anh chị cảm thấy như vậy không?
2, 3. Ai là kẻ muốn chúng ta tin rằng mình vô giá trị hoặc không đáng được Đức Giê-hô-va yêu thương, và làm thế nào để kháng cự lối suy nghĩ đó?
2 Sa-tan rất muốn chúng ta tin rằng Đức Giê-hô-va không yêu thương và không quý trọng chúng ta. Đúng là Sa-tan thường cám dỗ người ta bằng cách khơi dậy sự tự phụ và lòng kiêu ngạo của họ (2 Cô-rinh-tô 11:3). Nhưng hắn cũng rất thích khiến người ta tin rằng họ vô giá trị (Giăng 7:47-49; 8:13, 44). Điều này đặc biệt đúng trong “những ngày sau cùng” rất khó đương đầu này. Nhiều người ngày nay lớn lên trong gia đình “thiếu tình thương tự nhiên”. Số khác thì thường xuyên phải tiếp xúc với những người hung dữ, ích kỷ và ương ngạnh (2 Ti-mô-thê 3:1-5). Những người bị đối xử tệ trong suốt nhiều năm hoặc những người bị ghét bỏ có thể nghĩ rằng mình vô giá trị và không đáng được yêu thương.
3 Nếu anh chị có những cảm xúc tiêu cực như thế thì đừng tuyệt vọng. Nhiều người trong chúng ta đôi khi nghĩ rất tiêu cực về bản thân. Nhưng hãy nhớ là Lời Đức Chúa Trời được viết ra để “chỉnh sửa” và “phá đổ các thành lũy” (2 Ti-mô-thê 3:16; 2 Cô-rinh-tô 10:4). Kinh Thánh nói: “Chúng ta... có lòng tin chắc rằng Đức Chúa Trời yêu thương mình, dù cho lòng mình có lên án mình về điều gì chăng nữa, vì Đức Chúa Trời lớn hơn lòng chúng ta và biết tất cả” (1 Giăng 3:19, 20). Hãy xem bốn cách mà Kinh Thánh giúp chúng ta “có lòng tin chắc” về tình yêu thương của Đức Giê-hô-va.
Đức Giê-hô-va quý trọng anh chị
4, 5. Minh họa của Chúa Giê-su về những con chim sẻ cho thấy chúng ta có giá trị thế nào trước mắt Đức Giê-hô-va?
4 Thứ nhất, Kinh Thánh dạy rằng Đức Giê-hô-va xem mỗi tôi tớ của ngài đều quý giá. Chẳng hạn, Chúa Giê-su nói: “Chẳng phải hai con chim sẻ chỉ bán được một xu sao? Thế nhưng, không một con nào rơi xuống đất mà Cha trên trời không biết. Ngay cả tóc trên đầu anh em cũng được đếm hết rồi. Vậy chớ sợ chi! Anh em còn quý giá hơn nhiều con chim sẻ” (Ma-thi-ơ 10:29-31). Hãy xem những lời này có nghĩa gì đối với những người nghe Chúa Giê-su dạy.
5 Có lẽ chúng ta thắc mắc tại sao người ta lại mua một con chim sẻ. Vào thời Chúa Giê-su, chim sẻ là loại chim rẻ nhất được bán để làm thức ăn. Hãy lưu ý là chỉ với một đồng xu ít giá trị cũng mua được hai con chim sẻ. Nhưng sau đó, ngài nói rằng nếu một người trả hai đồng xu thì sẽ mua được năm con chim sẻ, chứ không phải bốn con. Con chim được thêm vào như thể không có giá trị gì cả. Có lẽ con người xem những con chim này là vô giá trị, nhưng Đấng Tạo Hóa xem chúng như thế nào? Chúa Giê-su nói: “Đức Chúa Trời không quên một con nào [ngay cả con được cho không]” (Lu-ca 12:6, 7). Điều này giúp chúng ta hiểu bài học mà Chúa Giê-su muốn dạy. Nếu Đức Giê-hô-va xem một con chim sẻ nhỏ bé là có giá trị thì con người hẳn còn có giá trị hơn với ngài nhiều biết bao! Như Chúa Giê-su cho biết, Đức Giê-hô-va biết rõ từng chi tiết về chúng ta. Ngài thậm chí còn biết chúng ta có bao nhiêu sợi tóc trên đầu!
6. Tại sao chúng ta có thể tin chắc Chúa Giê-su không phóng đại khi nói Đức Giê-hô-va biết chúng ta có bao nhiêu sợi tóc?
6 Một số người có thể cho rằng Chúa Giê-su đang phóng đại khi nói Đức Giê-hô-va biết trên đầu chúng ta có bao nhiêu sợi tóc. Tuy nhiên, hãy nghĩ về sự sống lại. Đức Giê-hô-va phải biết rất rõ về chúng ta thì ngài mới có thể tạo lại chúng ta! Ngài xem chúng ta quý giá đến mức ngài nhớ mọi chi tiết về chúng ta, kể cả mã di truyền và mọi ký ức cũng như những điều xảy ra trong suốt cuộc đời chúng ta.a So với điều này thì việc đếm tóc trên đầu chúng ta chỉ là một việc đơn giản đối với Đức Giê-hô-va.
Đức Giê-hô-va quý trọng điều gì nơi chúng ta?
7, 8. (a) Khi dò xét lòng của con người, Đức Giê-hô-va vui mừng khi thấy những phẩm chất nào? (b) Đức Giê-hô-va quý trọng một số công việc tốt lành nào của chúng ta?
7 Thứ hai, Kinh Thánh cho chúng ta biết Đức Giê-hô-va quý trọng điều gì nơi tôi tớ của ngài. Nói một cách đơn giản, ngài rất vui khi thấy những phẩm chất tốt nơi chúng ta và những nỗ lực của chúng ta trong việc phụng sự ngài. Vua Đa-vít nói với con trai là Sa-lô-môn: “Đức Giê-hô-va dò thấu mọi tấm lòng và nhận biết mọi khuynh hướng trong tư tưởng” (1 Sử ký 28:9). Khi Đức Giê-hô-va dò xét lòng của hàng tỉ người trong thế gian hung bạo và hận thù này, hẳn ngài vui mừng biết bao khi thấy một tấm lòng yêu chuộng bình an, chân lý và sự công chính! Vậy ngài sẽ làm gì khi tìm thấy một người yêu mến ngài, muốn học về ngài và chia sẻ những điều mình học cho người khác? Đức Giê-hô-va cho chúng ta biết là ngài để ý đến những người nói cho người khác biết về ngài. Thậm chí ngài còn có “một cuốn sách để kỷ niệm” cho tất cả “những người kính sợ Đức Giê-hô-va và ngẫm nghĩ về danh ngài” (Ma-la-chi 3:16). Những phẩm chất như thế rất đáng quý đối với ngài.
8 Đức Giê-hô-va quý trọng một số công việc tốt lành nào của chúng ta? Chắc chắn Đức Giê-hô-va quý trọng mọi điều chúng ta làm để noi gương Con ngài là Chúa Giê-su Ki-tô (1 Phi-e-rơ 2:21). Một công việc thiết yếu mà Đức Giê-hô-va quý trọng là rao giảng tin mừng về Nước Trời. Nơi Rô-ma 10:15 nói: “Đẹp thay bàn chân của những người rao truyền tin mừng về điều tốt lành!”. Bình thường có thể chúng ta không nghĩ là bàn chân của mình đẹp. Nhưng “bàn chân” ở đây muốn nói đến những nỗ lực của các tôi tớ ngài trong công việc rao giảng tin mừng. Tất cả những nỗ lực như thế đều quý giá trước mắt ngài.—Ma-thi-ơ 24:14; 28:19, 20.
9, 10. (a) Tại sao chúng ta có thể tin chắc Đức Giê-hô-va quý trọng sự chịu đựng của chúng ta khi đương đầu với thử thách? (b) Đức Giê-hô-va không bao giờ có quan điểm tiêu cực nào về những tôi tớ trung thành của ngài?
9 Đức Giê-hô-va cũng quý trọng sự chịu đựng của chúng ta (Ma-thi-ơ 24:13). Hãy nhớ là Sa-tan muốn anh chị từ bỏ Đức Giê-hô-va. Ngày nào còn giữ trung thành với Đức Giê-hô-va thì ngày đó anh chị vẫn góp phần đáp lại lời thách thức của Sa-tan (Châm ngôn 27:11). Đôi khi việc chịu đựng không phải là điều dễ dàng. Vấn đề sức khỏe, sự buồn nản, khó khăn về tài chính và những trở ngại khác có thể khiến mỗi ngày trôi qua là một thử thách. Ước vọng bị trì hoãn cũng có thể gây nản lòng (Châm ngôn 13:12). Việc chịu đựng khi đương đầu với những thử thách như thế càng quý giá hơn trước mắt Đức Giê-hô-va. Đó là lý do tại sao vua Đa-vít xin Đức Giê-hô-va chứa những giọt nước mắt của ông trong “bầu da”, rồi ông nói thêm với lòng tin chắc: “Lệ con chẳng phải được ghi vào sách ngài sao?” (Thi thiên 56:8). Thật vậy, Đức Giê-hô-va quý trọng và nhớ đến tất cả những giọt nước mắt và sự đau khổ mà chúng ta phải chịu đựng trong khi giữ lòng trung thành với ngài.
Đức Giê-hô-va quý trọng sự chịu đựng của chúng ta khi đương đầu với thử thách
10 Dù những bằng chứng ấy cho thấy Đức Giê-hô-va quý trọng chúng ta, nhưng đôi khi chúng ta vẫn cảm thấy mình không có giá trị. Có lẽ chúng ta cứ nghĩ: “Nhưng có rất nhiều anh chị tốt hơn mình. Hẳn Đức Giê-hô-va rất thất vọng khi so sánh mình với họ!”. Đức Giê-hô-va không so sánh chúng ta với người khác và ngài cũng không đòi hỏi chúng ta làm những điều vượt quá khả năng của mình (Ga-la-ti 6:4). Khi tra xét lòng của chúng ta, ngài để ý đến những chi tiết nhỏ nhất và ngài quý trọng bất cứ điều tốt nào nơi chúng ta.
Đức Giê-hô-va cẩn thận lựa lọc để tìm điểm tốt
11. Chúng ta học được gì về cách Đức Giê-hô-va đối xử với A-bi-gia?
11 Thứ ba, khi tra xét lòng của chúng ta, Đức Giê-hô-va cẩn thận lựa lọc để tìm điểm tốt nơi chúng ta. Chẳng hạn, khi ngài phán rằng cả gia đình bội đạo của vua Giê-rô-bô-am sẽ bị hành quyết, ngài ra lệnh chôn cất tử tế cho A-bi-gia, một trong những con trai của vua. Tại sao? Vì “Giê-hô-va Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên tìm thấy điều tốt lành” nơi ông (1 Các vua 14:1, 10-13). Như thể Đức Giê-hô-va đã cẩn thận tra xét lòng của người trai trẻ ấy và tìm thấy “điều tốt lành”. Dù điều tốt lành mà ngài tìm thấy nơi người trai trẻ này có lẽ rất nhỏ, nhưng ngài đã đảm bảo để điều đó được đề cập trong Kinh Thánh. Thậm chí ngài còn ban thưởng cho A-bi-gia bằng cách tỏ lòng thương xót phần nào với ông và cho phép ông được chôn cất tử tế.
12, 13. (a) Làm thế nào trường hợp của vua Giê-hô-sa-phát cho thấy Đức Giê-hô-va tìm điểm tốt nơi chúng ta ngay cả khi chúng ta phạm tội? (b) Đức Giê-hô-va có quan điểm nào về những việc lành và các phẩm chất tốt của chúng ta, và ngài không bao giờ làm gì?
12 Một ví dụ khác cho thấy Đức Giê-hô-va tìm điểm tốt nơi con người là trường hợp của một vị vua tốt tên Giê-hô-sa-phát. Khi vua làm một điều dại dột, nhà tiên tri của Đức Giê-hô-va nói với vua: “Vì chuyện này mà Đức Giê-hô-va phẫn nộ với vua”. Đó là một thông điệp nghiêm trọng! Nhưng thông điệp của ngài không dừng lại ở đó. Ngài nói tiếp: “Tuy nhiên, Đức Chúa Trời đã tìm thấy những điều tốt nơi vua” (2 Sử ký 19:1-3). Như vậy, dù Đức Giê-hô-va tức giận chính đáng với Giê-hô-sa-phát nhưng ngài vẫn thấy điều tốt nơi ông. Con người bất toàn thì không như thế! Khi tức giận với người khác, có lẽ chúng ta thấy rất khó để tìm điểm tốt nơi họ. Và khi phạm tội, có lẽ chúng ta cảm thấy thất vọng, xấu hổ và dằn vặt đến nỗi không nhìn thấy điểm tốt nơi bản thân. Nhưng hãy nhớ là nếu ăn năn tội lỗi và nỗ lực để không tái phạm thì chúng ta sẽ được Đức Giê-hô-va tha thứ.
13 Khi Đức Giê-hô-va tìm điểm tốt nơi anh chị, ngài loại bỏ những tội lỗi, giống như một người đi tìm đá quý loại ra cát sỏi và chỉ giữ lại đá quý. Nói sao về những đức tính và việc làm tốt của anh chị? Đó là những “đá quý” mà ngài giữ lại! Có bao giờ anh chị thấy một bậc cha mẹ yêu thương đã lưu giữ nhiều thập kỷ những bức tranh mà con của họ vẽ, ngay cả khi chúng đã quên rồi không? Đức Giê-hô-va là người Cha yêu thương nhất. Ngài không bao giờ quên những việc lành và các phẩm chất tốt của chúng ta, miễn là chúng ta tiếp tục trung thành với ngài. Thật vậy, Đức Giê-hô-va xem việc quên đi những điều đó là không công chính và ngài sẽ không bao giờ làm thế (Hê-bơ-rơ 6:10). Hãy xem một cách khác mà Đức Giê-hô-va tìm điểm tốt nơi chúng ta.
14, 15. (a) Tại sao Đức Giê-hô-va xem chúng ta là quý giá dù chúng ta bất toàn? Hãy nêu ví dụ. (b) Đức Giê-hô-va sẽ làm gì với những điểm tốt mà ngài thấy nơi chúng ta, và ngài xem những tôi tớ trung thành của ngài như thế nào?
14 Khi nhìn chúng ta, Đức Giê-hô-va nhìn xa hơn sự bất toàn và thấy tiềm năng của chúng ta. Điều này được thấy qua một ví dụ: Những người yêu nghệ thuật bỏ ra nhiều công sức để khôi phục lại những bức tranh hoặc những kiệt tác nghệ thuật đã bị hư hại nặng. Chẳng hạn, một người đã làm hỏng bức tranh có trị giá khoảng 30 triệu đô-la tại viện bảo tàng ở Luân Đôn. Không ai đề nghị bỏ bức tranh ấy đi dù nó đã bị hư. Thay vì thế, người ta đã nhanh chóng bắt tay vào việc khôi phục bức tranh đó. Tại sao? Vì bức tranh đó đã có tuổi đời gần 500 năm và quý giá trong mắt những người yêu nghệ thuật. Vậy chẳng lẽ anh chị không quý giá hơn một bức tranh vẽ bằng bút chì và giấy sao? Chắc chắn anh chị quý giá hơn nhiều trước mắt Đức Giê-hô-va, bất kể anh chị có bị hư hại đến đâu vì sự bất toàn di truyền (Thi thiên 72:12-14). Đức Giê-hô-va, Đấng Tạo Hóa tài ba của nhân loại, sẽ làm mọi điều có thể để sửa lại những thiệt hại do tội lỗi gây ra cũng như giúp tất cả những ai yêu mến và vâng lời ngài trở nên hoàn hảo.—Công vụ 3:21; Rô-ma 8:20-22.
15 Thật vậy, Đức Giê-hô-va có thể thấy điểm tốt nơi chúng ta mà có lẽ chúng ta không thấy. Và khi phụng sự ngài, Đức Giê-hô-va sẽ giúp chúng ta phát huy những điểm tốt cho đến khi chúng ta trở nên hoàn hảo. Dù chúng ta bị thế gian của Sa-tan đối xử thế nào, Đức Giê-hô-va vẫn xem những tôi tớ trung thành của ngài là quý giá.—Ha-gai 2:7.
Đức Giê-hô-va làm nhiều điều để cho thấy ngài yêu thương chúng ta
16. Bằng chứng lớn nhất về tình yêu thương mà Đức Giê-hô-va dành cho chúng ta là gì, và làm thế nào chúng ta biết món quà này dành riêng cho mình?
16 Thứ tư, Đức Giê-hô-va làm nhiều điều để cho thấy ngài yêu thương chúng ta. Chắc chắn, sự hy sinh làm giá chuộc của Chúa Giê-su là câu trả lời hữu hiệu nhất để đáp lại lời dối trá của Sa-tan là chúng ta vô giá trị và không đáng được yêu thương. Hãy nhớ rằng nỗi đau mà Chúa Giê-su phải chịu trên cây khổ hình và nỗi đau mà Đức Giê-hô-va trải qua khi chứng kiến người Con yêu dấu chết là bằng chứng mạnh mẽ nhất cho thấy tình yêu thương của hai đấng ấy dành cho chúng ta. Đáng buồn là nhiều người thấy khó tin rằng món quà này dành riêng cho cá nhân họ. Họ cảm thấy mình không xứng đáng. Nhưng hãy nhớ trường hợp của sứ đồ Phao-lô. Trước khi trở thành tín đồ đạo Đấng Ki-tô, ông đã bắt bớ môn đồ của Chúa Giê-su. Dù vậy, ông viết: “Con Đức Chúa Trời… yêu thương tôi và phó chính mình vì tôi”.—Ga-la-ti 1:13; 2:20.
17. Đức Giê-hô-va kéo chúng ta đến với ngài và Con ngài qua cách nào?
17 Đức Giê-hô-va cho thấy ngài yêu thương chúng ta qua việc giúp mỗi chúng ta nhận được lợi ích từ sự hy sinh của Chúa Giê-su. Chúa Giê-su nói: “Không ai có thể đến với tôi trừ khi Cha, là đấng phái tôi, kéo người ấy đến” (Giăng 6:44). Đúng vậy, chính Đức Giê-hô-va kéo chúng ta đến với Con ngài và ban cho chúng ta triển vọng sống đời đời. Ngài làm thế qua cách nào? Qua công việc rao giảng, ngài đảm bảo là chúng ta biết về tin mừng, và qua thần khí thánh, ngài giúp mỗi chúng ta hiểu và áp dụng Kinh Thánh dù chúng ta bất toàn. Vì thế, Đức Giê-hô-va có thể nói với chúng ta như ngài nói với dân Y-sơ-ra-ên: “Ta đã yêu ngươi bằng tình yêu thương vĩnh cửu nên kéo ngươi đến bằng tình yêu thương thành tín”.—Giê-rê-mi 31:3.
18, 19. (a) Đâu là cách mật thiết nhất mà Đức Giê-hô-va chứng tỏ tình yêu thương đối với chúng ta, và điều gì cho thấy ngài đích thân chăm lo việc đó? (b) Làm thế nào Kinh Thánh cho thấy Đức Giê-hô-va là đấng lắng nghe với lòng thấu cảm?
18 Có lẽ qua đặc ân cầu nguyện, chúng ta cảm nghiệm được tình yêu thương của Đức Giê-hô-va một cách mật thiết nhất. Kinh Thánh mời mỗi chúng ta “không ngừng cầu nguyện” với Đức Chúa Trời (1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:17). Ngài lắng nghe, và ngài còn được gọi là “Đấng Nghe Lời Cầu Nguyện” (Thi thiên 65:2). Đức Giê-hô-va không giao nhiệm vụ này cho bất cứ ai, ngay cả là Con một của ngài. Hãy suy nghĩ điều này: Đấng Tạo Hóa của vũ trụ khuyến giục chúng ta cầu nguyện và trút đổ lòng mình với ngài. Nhưng có phải Đức Giê-hô-va chỉ nghe những điều chúng ta nói mà không quan tâm đến chúng ta và những điều chúng ta đang trải qua không? Không phải thế.
19 Đức Giê-hô-va là đấng có lòng thấu cảm. Thấu cảm là gì? Một tín đồ lớn tuổi và trung thành nói: “Thấu cảm là cảm nhận nỗi đau của bạn trong lòng tôi”. Nỗi đau của chúng ta có thật sự tác động đến Đức Giê-hô-va không? Hãy để ý ngài cảm thấy thế nào khi dân Y-sơ-ra-ên phải chịu khổ: “Suốt cơn khốn khổ họ, ngài cũng khốn khổ” (Ê-sai 63:9). Đức Giê-hô-va không chỉ thấy những vấn đề của họ mà còn cảm nhận được nỗi đau của họ. Để cho thấy lòng thấu cảm của ngài dành cho các tôi tớ mạnh đến mức nào, ngài nói: “Ai đụng đến các con tức là đụng đến con ngươi mắt ta”b (Xa-cha-ri 2:8). Nếu bị ai đó chạm vào mắt, hẳn anh chị sẽ thấy rất đau. Thật vậy, Đức Giê-hô-va cảm nhận rõ nỗi đau của chúng ta. Khi chúng ta đau, ngài cũng đau.
20. Tại sao chúng ta cần cẩn thận vâng theo lời khuyên nơi Rô-ma 12:3?
20 Một tín đồ thành thục sẽ không nghĩ rằng vì được Đức Giê-hô-va yêu thương và quý trọng nên mình có lý do để kiêu ngạo hoặc ích kỷ. Sứ đồ Phao lô viết: “Nhờ ân huệ được ban cho tôi, tôi nói với mỗi người trong anh em rằng đừng nghĩ cao quá về mình, nhưng hãy nghĩ sao cho đúng mực, tùy theo lượng đức tin Đức Chúa Trời đã ban cho mỗi người” (Rô-ma 12:3). Vậy trong khi vui hưởng tình yêu thương nồng ấm của Cha trên trời, hãy luôn nhớ rằng tình yêu thương của ngài không phải là điều mà chúng ta xứng đáng nhận hoặc có thể đạt được bằng nỗ lực riêng.—Lu-ca 17:10.
21. Chúng ta phải luôn bác bỏ những lời nói dối nào của Sa-tan, và chúng ta nên tiếp tục có lòng tin chắc nơi điều gì?
21 Mỗi chúng ta hãy nỗ lực hết sức để bác bỏ mọi lời nói dối của Sa-tan, trong đó có lời nói dối là chúng ta vô giá trị hoặc không đáng được yêu thương. Nếu những điều xảy ra trong đời sống khiến anh chị cảm thấy mình tệ đến mức ngay cả Đức Chúa Trời cũng không thể yêu thương mình, hay những việc tốt mà anh chị làm là nhỏ bé đến nỗi ngài không để ý đến, hoặc anh chị đã phạm tội nghiêm trọng đến mức ngay cả sự hy sinh của Con ngài cũng không đủ để trả, thì anh chị đã bị lừa. Hãy bác bỏ những lời dối trá đó! Hãy tiếp tục có lòng tin chắc nơi những lời mà Phao-lô được soi dẫn để viết: “Tôi tin chắc rằng dù là sự chết, sự sống, thiên sứ, bậc cầm quyền, những điều bây giờ hoặc điều sẽ đến, quyền lực, điều trên cao hoặc dưới thấp, hay bất cứ tạo vật nào khác, cũng không thể ngăn cách chúng ta khỏi tình yêu thương của Đức Chúa Trời được tỏ ra qua Đấng Ki-tô Giê-su, Chúa chúng ta”.—Rô-ma 8:38, 39.
a Kinh Thánh nhiều lần liên kết hy vọng về sự sống lại với ký ức của Đức Giê-hô-va. Người trung thành Gióp nói với Đức Giê-hô-va: “Ôi, ước gì ngài… định cho con một thời hạn rồi nhớ lại con!” (Gióp 14:13). Chúa Giê-su nói đến sự sống lại của “mọi người trong mồ tưởng niệm”. Điều này là thích hợp vì Đức Giê-hô-va nhớ rất rõ những người mà ngài có ý định làm cho sống lại.—Giăng 5:28, 29.
b Một số bản dịch nói rằng người nào động đến dân của Đức Chúa Trời là động đến mắt mình hoặc mắt dân Y-sơ-ra-ên, chứ không phải mắt của ngài. Quan điểm sai này được đưa vào Kinh Thánh là do một số người sao chép cảm thấy câu này thiếu tôn trọng Đức Chúa Trời và do đó họ đã thay đổi từ ngữ. Khi làm thế, họ đã loại bỏ đi một ý tưởng tuyệt vời về lòng thấu cảm sâu xa mà Đức Giê-hô-va dành cho dân ngài.